Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 88
Khoảng đầu mùa đông năm ấy, theo đề nghị của Trần Văn Kỷ, Phan Huy Ích được trở ra Thăng Long giúp đỡ Ngô Thì Nhậm trong việc bang giao với triều đình phương Bắc.(1)
Trước ngày lên đường, ông đã phải dự liên tiếp các cuộc đãi đằng, thơ và rượu đổ vung vãi trên mâm tiệc. Tất nhiên ở các cuộc thù tiếp giả tạo ấy, dù rượu có ngon, ông vẫn cảm thấy nhạt nhẽo, và thi từ ứng đối thì càng nhạt nhẽo hơn. Về sau nhớ lại cái thời bẽ bàng lơ láo ấy, Phan Huy Ích chỉ xúc động ngùi ngùi vì ba cuộc tiễn hành: bữa rượu tiễn nghèo nàn lặng lẽ của các ông nghè Bắc Hà cùng vào Phú Xuân với ông, bữa tiệc ở nhà Trần Văn Kỷ, và hôm đến lạy chào Chính Bình vương để phụng mệnh trở ra Bắc.
Bạn bè cùng chung nhà với ông lấy bữa cơm cuối cùng làm tiệc tiễn hành. Sở dĩ được gọi là tiệc, vì ngoài thức ăn đạm bạc thường ngày, có thêm một đĩa gà luộc và một nậm rượu. Năm ông nghè ngồi vào chiếu rượu đã lâu, mà chưa ai nói với ai lời nào. Mãi về sau, người phụ trách luộc gà gắp miếng gan bỏ vào bát Phan Huy Ích vừa cười xởi lởi vừa nói:
- Ông xơi miếng này. Hình như thịt chưa được mềm lắm. Củi bị mưa tạt ướt cả, các bác ạ. Mai ta chịu khó dọn hết vào phía trong đi. Tôi thổi mãi, bụi tro bay mù mà lửa cứ liu riu. Cháy hết một vạt râu đây rồi!
Ông đồ già cười, một mình. Một người bạn khác hỏi:
- Ngày mốt bác đi sớm không?
Phan Huy Ích đáp:
- Vào triều lạy chào Chúa thượng xong, tôi khởi hành ngay.
- Tiếc quá, giá như...
Ông nghè người Bắc Ninh không nói hết câu. Người này liếc nhìn người kia, mỗi người suy nghĩ giả thiết của người nói theo một cách. Ông nghè Bắc Ninh bần thần một lúc, rồi cầm chén rượu lên mời:
- Các bác bắt đầu uống đi chứ.
Ông đưa chén rượu lên môi trước. Chỉ có Phan Huy Ích nhấp rượu cho vui lòng ông. Ông nghè Hải Dương nói:
- Giá có đậu phụ rán và mắm tôm nhỉ!
Ước mong đơn sơ ấy giúp cả mâm tiệc cười vui một lúc. Họ đua nhau so sánh cách nấu món ăn nhắm rượu của Bắc Hà và Thuận Hóa. Ai cũng đồng ý món nhắm miền trong có nhiều thịt hơn, mỡ đến béo ngậy, nhưng lạ quá, mọi người vẫn không thấy thú bằng nhắm rượu với miếng đậu phụ rán chấm mắm tôm. Rồi có người so sánh mắm tôm Thuận Hóa với mắm tôm Bắc, tranh luận dài dòng để tìm hiểu vì sao người nam gọi mắm tôm là mắm ruốc, và cách gọi nào đúng. Ông nghè Thanh Hoa nói:
- Gọi mắm ruốc đúng, nhưng không trang nhã. Dù thế nào chăng nữa, điều quan trọng là cốt cách văn nhã, chứ không cần thực vị.
Nhưng dù tìm đề tài nào để nói, nói, nói, trong lòng mỗi người vẫn canh cánh một mối buồn rầu. Họ khổ sở tránh né, cho nên vị rượu có gì đăng đắng. Nhắp một hớp nhỏ, cố nuốt chút rượu vào cổ cho lòng thêm ấm áp nhưng rượu không chịu xuống. Gần cuối tiệc, có người hỏi:
- Bác về Thăng Long chắc bận nhiều việc. Giá về được các trấn thì chúng tôi gửi được vài chữ cho gia đình.
Phan Huy Ích sốt sắng đáp:
- Các bác cứ gửi thư. Tôi không đích thân đem tới được thì nhờ người quen chuyển lại.
Ông nghè Thanh vui mừng hỏi:
- Bác ghé Thanh Hoa chứ?
- Vì tôi theo đoàn lính trạm đem văn thư ra Bắc thành, nên có lẽ không được tùy tiện.
Ông nghè Bắc Ninh nói:
- Bốn chúng tôi đã viết thư sẵn cả rồi. Giá ông gặp được gia đình để kể rõ chuyện ăn ở trong này nhỉ.
Phan Huy Ích hỏi đùa:
- Nếu tôi có dịp tìm đến tận nhà, thì các bác nhắn những gì?
Bốn ông nghè nhìn nhau, ngơ ngẩn chưa tìm ra câu đáp. Gương mặt họ bần thần, ông nghè Bắc Ninh nói:
- Phần tôi, tôi chỉ nhắn thằng trưởng nam nên cố mà chăm sóc việc giỗ kỵ. Chúng tôi gửi thân nơi xa xôi này, biết lúc nào...
Ông nghè già nghẹn lời. Mọi người im lặng. Chỉ có ngọn đèn dầu cháy lèo xèo, lâu lâu quằn quại ngả nghiêng vì gió lọt vào phên trúc thưa.
* * *
Trần Văn Kỷ mời rượu Phan Huy Ích vào chiều hôm sau. Trong nhà khách rộng rãi, sang trọng, bàn kỷ toàn bằng gỗ gụ khảm xa cừ, câu đối, liễn trướng thêu bằng kim tuyến trên nhung quí, chỉ có hai người là chủ và khách. Phan Huy Ích không đến nỗi ngỡ ngàng giữa cảnh quyền quí, nhưng khung cảnh ấy đã khiến hai người loanh quanh mãi trong chuyện khách sáo, đãi bôi. Trần Văn Kỷ nói nhiều đến sự thất bại của các đám cần vương Bắc Hà, chê trách các sĩ phu không thức thời, khen ngợi thái độ quả cảm và sáng suốt của Ngô Thì Nhậm. Quan Trung thư nói say sưa, đến nỗi không thấy được phản ứng của người đối diện, khi thì áy náy, khi thì dọ dẫm hoài nghi. Họ chỉ thực sự "đối thoại" với nhau khi câu chuyện xoay qua văn chương. Trần Văn Kỷ gửi trả hai tập văn, thi tuyển cho Phan Huy Ích, hãnh diện nói:
- Tôi đã sai thư ký chép hết hai tập này lên giấy hoa tiên. Hiện chỉ chép vội được một tập lưu. Thế nào tôi cũng cho sao làm nhiều bản, để gửi biếu ông và ông Hi Doãn mỗi người một tập. À, tôi có cho chép riêng bài thơ Văn Khiển Cảm Tác để tặng ông đây (2)
Trần Văn Kỷ đến chỗ án thư lục tìm một lúc, đoạn đem đến cho Phan Huy Ích tờ giấy hoa tiên màu vàng nhạt có chép bài thơ cảm tác của ông. Nét chữ chép thơ chân phương mà uyển chuyển, cách bố trí hài hòa. Phan Huy Ích run tay vì xúc động khi nhận bản sao bài thơ của mình, không tìm được lời nào để cảm ơn quan Trung thư. Ông bối rối vì những điều phức tạp đang hiện ra trong trí ông: ông có niềm hãnh diện của người sáng tạo đã tìm được kẻ hiểu mình, lại có nỗi xấu hổ của một kẻ trần truồng không nơi ẩn núp. Ông vừa hân hoan vừa chới với, hay nói cho đúng hơn, Phan Huy Ích chới với giữa một nỗi hoan lạc đắng cay.
Giọng Trần Văn Kỷ trách móc nhẹ nhàng:
- Ông kín nhiệm quá lắm! Không bao giờ đem những bài cảm tác liên quan đến thời thế ra bàn luận. Nếu tôi không chịu đọc cả toàn tập...
Phan Huy Ích bối rối đáp:
- Văn chương làm trong lúc xa quê, không hưng phấn được ai, thì làm sao dám khoe.
Trần Văn Kỷ liền nói:
- Nhưng nó quí ở chỗ thực (3). Đầu mùa thu vừa qua nghe ông cáo bệnh lưu lại doanh Cầu ít lâu, tôi đã nghĩ đến căn bệnh của ông. Đó là căn bệnh chung của Bắc Hà. Căn bệnh của buổi chuyển, buổi nối nên đầy cả khúc mắc, mâu thuẫn. Hãy đọc lại hai câu đề của ông:
Hối bất ly trần tảo bỉnh cư
Nhập giang ninh đắc vị phi ngư?
Thật đúng quá! Câu phá khiến cho bước chân phía trái của ông chùn lại. Nhưng câu thừa lại thúc chân phải dợm bước. Một chân chùn, một chân dợm bước, nên ông bất đắc dĩ phải quanh quẩn ở doanh Cầu. Có điều tôi chưa hiểu, là mấy chữ Phú nghĩa và Trung hòa trong hai câu thực.
Phan Huy Ích hơi do dự trước khi đáp:
- Lúc đợi mệnh ở doanh Cầu, tôi thường đến đền Thánh tiên xã Phú nghĩa đốt hương cầu được như nguyện. Đến khi nhận thánh chỉ, tôi vội rời bến Trung hòa trên sông Gianh để vào nam. Lúc qua đò, tự nhiên lòng bồi hồi xúc động...
Trần Văn Kỷ vội nói:
- Đó cũng là lòng chân thực. Tôi hiểu ông. Nhà nho cũng có lúc yếu lòng phải đến thắp hương ở đền Thánh tiên, tôi cũng đã trải qua kinh nghiệm ấy. Chẳng qua chỉ vì trong lòng ông còn có sông Gianh. Khi người chèo đò nhổ sào ở bến bắc và giơ mái chèo khua nước, cả lòng ông là bão tố, như lòng một quả phụ phải tục huyền vậy. Ông không có cảm giác ấy lúc vượt sông Phú Lương (4) hay qua sông Lam. Có đúng thế không ạ?
Phan Huy Ích gật đầu, nụ cười ngượng nghịu. Trần Văn Kỷ hăng hái tiếp:
- Chung qui không có gì ngoài hai chữ "chính thống". Nó đã thành một nếp suy nghĩ quen thuộc của các ông, đến nỗi trở thành hiển nhiên. Nhưng có thật hiển nhiên không? Ông nghĩ lại xem. Lúc Tĩnh vương Trịnh Sâm xua quân vượt Lũy Thầy vào chiếm kinh thành Phú Xuân này, hơn mười năm về trước, có nhà nho Bắc Hà nào rơi lệ lúc qua đò Trung hòa? Tôi chưa có thì giờ đọc hết sách của ông Quế Đường (Lê Quí Đôn) nhưng biết chắc rằng ông không có chút mảy may áy náy khi vào làm hiệp trấn tại kinh đô họ Nguyễn. Vì sao vậy? Vì các ông cho rằng Thuận Hóa là đất cũ của Bắc Hà thuộc Thăng Long tận thời còn mang chữ Ô châu, Lý châu, nay Tĩnh vương có lấy lại là lẽ đương nhiên. Cũng như khi chính ông mang sắc chỉ của Tĩnh vương vào đây phong cho "hoàng đế" làm Quảng Nam trấn thủ, có lẽ ông cũng không thấy điều gì khác thường. Ranh giới Nam Việt với xứ Chàm ở tận dãy Thạch bi cơ mà. Phải chờ đến lúc Vương thượng đem quân đánh Phú Xuân, tiến thẳng ra Thăng Long diệt Trịnh và nhà Lê yếu đuối không giữ được nước, các ông mới chịu nhớ tới cái ranh giới sông Gianh thời xa xưa. Lúc mạnh, các ông đem ranh giới Nam Việt vào tận Thạch Bi hay Hà Tiên. Lúc yếu các ông mới chịu trở lại sông Gianh. Những đổi thay đó, các ông có lưu ý không? Xoay ngược cái hiển nhiên, các ông sẽ thấy lẽ bất thường. Nhưng được mấy người chịu nhìn ngược để thấy sự thực trọn vẹn? Mấy người?
Phan Huy Ích bắt đầu cảm thấy hai thái dương nóng bừng. Lúc ấy Trần Văn Kỷ đang mỉm cười kiêu ngạo, nhìn thẳng vào mắt ông, thách đố ông trả lời. Phan Huy Ích đáp:
- Thưa, ít lắm. Người ta thường thấy rõ sắc diện kẻ khác, thấy từ trước mặt ra đến sau ót, nhất là lúc người ta có quyền bắt kẻ khác xoay đủ bốn hướng để quan sát cho rõ. Nhưng, cùng lúc đó, người ta không chịu soi gương để nhìn sơ qua khuôn mặt mình.
Trần Văn Kỷ kinh ngạc, đăm đăm nhìn Phan Huy Ích. Ông hy vọng những câu vừa nghe không có thực. Nhưng Phan Huy Ích đã tiếp:
- Ngài có cho phép tôi được nói thẳng những gì tôi suy nghĩ hay không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Có chứ. Sao ông hỏi thế! Tôi vẫn lấy làm tiếc là mấy tháng qua do địa vị của tôi, do bắc nam cách biệt mà tôi với ông chưa bao giờ được thành thực trọn vẹn với nhau. Nhất là ông. Lúc nào ông cũng gật gù chấp thuận, tuy mắt ông buồn rầu đăm chiêu. Hôm nay chỉ có ông với tôi ở đây. Ngày mai ông đi rồi, biết chúng ta có còn duyên gặp nhau trở lại không. Xin ông cứ nói thẳng những điều chân thật. Cũng như khi tôi đọc bài Văn Khiển Cảm Tác, tôi chỉ đọc bốn câu đầu. Những câu còn lại chỉ là ước vọng, hoặc là sự sợ hãi diễn ra thi ca.
Phan Huy Ích nói:
- Tôi cũng mong ước những giờ khắc nói sự thật như vậy. Ngài cho phép thì tôi xin hỏi: Ngài trách chúng tôi đứng ở Thăng Long để nghĩ về hai chữ chính thống. Ngài còn trách chúng tôi dựa vào mấy trăm năm để tự lừa dối mình, an tâm sống bằng những ý niệm, nguyên tắc có vẻ hiển nhiên. Bây giờ tôi xin hỏi ngài: Ngài đứng ở đâu để nhìn lẽ chính thống? Gia Định? Qui Nhơn? Phú Xuân?
Trần Văn Kỷ đáp ngay:
- Dĩ nhiên là từ Phú Xuân.
Phan Huy Ích hỏi tiếp:
- Họ Nguyễn Gia Miêu cũng đứng từ Phú Xuân như ngài. Họ còn được dựa dẫm vào thời gian hơn hai trăm năm, từ thời Đoan quận công vào làm trấn thủ Thuận Hóa (1558). Nghĩa là nền chính thống của họ đã dày những 200 năm như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Thời khởi nghiệp, chính Trung ương hoàng đế (Nguyễn Nhạc) cũng phải xưng là "họ ngoại của chúa Nam Hà" cho dễ thu phục lòng người. Liệu ngài có thể cùng đứng ở Phú Xuân để tranh danh vị chính thống với họ Nguyễn chăng?
Trần Văn Kỷ cười nhỏ một tiếng, đáp chậm và chắc:
- Được chứ. Thứ nhất: là vì những con cháu họ Nguyễn, họ Trịnh và cả họ Lê nữa, hiện nay chỉ là những thân cây mục nát vật vờ. Cả Trời lẫn người đều bỏ họ. Điều đó ông đã tận mắt chứng kiến. Thứ nhì: chúng tôi (Trần Văn Kỷ cười e dè, rồi tiếp), chúng ta có một thế dựa vững chắc hơn hết, đó là lòng dân. Chúng ta đem tới cho họ một niềm hy vọng lớn lao, giúp họ thêm sức mạnh để sống: hy vọng mọi người - kể cả những người chân đất, nhất là những người chân đất - đều được no ấm, con cái được vui chơi, người già được an dưỡng. Chưa bao giờ họ Trịnh, họ Nguyễn đem đến cho dân nghèo niềm hy vọng đó.
Phan Huy Ích liền hỏi:
- Có thể thực hiện được điều hy vọng đó không?
Trần Văn Kỷ cười to vì đã đến được điều chính yếu:
- Tôi tin chắc chắn. Còn ông thì, thành thực mà nói, còn ngờ vực lắm. Mấu chốt ở chỗ đó. Ông chưa tin cái mới, mà cũng không tin cái cũ, nên phải cầu nguyện ở đền Phú Nghĩa, nhỏ lệ lúc người chèo đò nhổ sào tại bến Trung hòa, dùng dằng cả bước chân đi. Cầu chúc chuyến này về Bắc thành gần gũi với ông Hi Doãn, ông được vui vẻ thoải mái hơn. Nào, ông cạn với tôi chén rượu tiễn này!
* * *
Như đã ấn định trước, sáng hôm sau, thượng thư Hồ Công Thuyên dẫn quan thị lang Phan Huy Ích vào lạy từ biệt Chính Bình vương tại điện Triêu dương.
Nguyễn Huệ sai Trần Văn Kỷ đến nâng Phan Huy Ích dậy, ân cần mời ngồi ở cái đôn sứ đặt sát tấm bình phong bằng gỗ vàng bóng loáng. Hồ Công Thuyên theo nghi lễ cũng ngồi ở cái đôn sát bên Ích. Nguyễn Huệ hỏi:
- Các ông đã sẵn sàng lên đường chưa?
Hồ Công Thuyên thay Phan Huy Ích đáp:
- Tâu Vương thượng, mọi sự đã xong. Chỉ còn chờ lệnh của Vương thượng.
Nguyễn Huệ hơi nhíu mày khó chịu, cố ý hỏi thẳng quan thị lang:
- Các ông nghè Bắc Hà cùng ở với ông thế nào? Có nóng ruột không?
Phan Huy Ích đáp:
- Tâu Vương thượng, tuy nặng lòng quê hương nhưng người nào cũng mong lập chút công để khỏi phụ ơn tái tạo của Vương thượng.
Nguyễn Huệ cười, nói đùa:
- Các nhà khoa bảng Bắc Hà khéo nói lắm. Các ông lạc lõng, khổ tâm ở đây, ta biết. Không phải lỗi ở các ông cả đâu. Suy cho cùng, phần lỗi chính là ở Phú Xuân. Các ông suy nghĩ, làm việc mà lòng còn thấp thỏm, chưa được trọn tin ở mình. Ngược lại, các quan ở đây cũng còn rụt rè dò chừng, chưa dám giao việc. Đôi bên chưa tin nhau. Phần lỗi thuộc về chủ hơn là khách, vì chủ có thành thực mới mong khách tự nhiên thoải mái, sau đó tận tình đóng góp. Ta mong có ngày khỏi cần phân biệt chủ khách nữa. Ngày ấy gần kề rồi. Tuy vậy, ông về Bắc thành làm việc với Ngô thị lang chắc được việc hơn ở đây. Ngoài đó các ông không thể làm khách được. Các ông phải tự lo liệu lấy mọi việc cùng quan đại tư mã Ngô Văn Sở, vì là quê hương của các ông. Dân chúng ngoài đó là bà con của các ông, là học trò của các ông. Mỗi quyết định của các ông trực tiếp làm cho họ vui hay buồn, cho nên mọi người đều xét nét việc các ông làm. Các ông khỏi phải lạc loài giữa người lạ như ở đây, nhưng chắc chắn là không thoải mái đâu.
Quay về phía quan Trung thư lệnh, Nguyễn Huệ hỏi:
- Các chỉ dụ đã xong xuôi cả chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu Vương thượng, đã xong cả ạ.
Nguyễn Huệ cười, bảo Trần Văn Kỷ:
- Cái nợ văn chương với Phan thị lang, ông đã dứt được chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu Vương thượng, còn nhiều vấn vương lắm.
Cả bốn người trong điện Triêu dương cùng bật cười. Không khí bớt nhạt nhẽo vì nghi thức triều đình. Vương lại quay sang phía thượng thư bộ Hình hỏi:
- Còn bộ Hình? Phan tiên sinh còn nợ gì không?
Hồ Công Thuyên không dám đối đáp tự nhiên như Trần Văn Kỷ, chắp tay thưa:
- Tâu Chúa thượng, quan thị lang đã hoàn tất cuộc xét án.
Nguyễn Huệ nói ỡm ờ:
- Nhưng nội chuyện ông ấy đòi về Bắc là đầu dây mối nhợ cho một vụ án mới đấy.
Hồ Công Thuyên hơi xanh mặt, liếc nhìn Chính Bình vương dò dẫm, Nguyễn Huệ vội nói:
- Ta đùa cho vui đấy thôi. Ông thay ta đưa tiễn quan thị lang đến cửa thành nhé. Chúc ông thượng lộ bình an. Cho ta gửi lời vấn an ông Nhậm.
Nguyễn Huệ đưa Phan Huy Ích ra đến thềm điện. Theo sau là Trần Văn Kỷ. Chờ cho Hồ Công Thuyên và Phan Huy Ích đi khỏi cửa điện, Chính Bình vương mới nói với Kỷ:
- Ta đã quen với cái vẻ tần ngần đăm chiêu, với thái độ dùng dằng của các ông nhà nho lắm rồi. Thêm một người nữa, cũng thế thôi. Dĩ nhiên nếu bớt được một ông nghè lừng khừng, lòng ta sẽ vui. Xưa nay ta ghét cay ghét đắng những kẻ lừng khừng. Cuộc đời không bao lăm, chỉ do lừng khừng mà mọi việc bê trễ, cái xấu cứ bám được vào đời ta như loài đỉa. Thế mà bây giờ ta phải chịu đựng họ. Ta bắt đầu ngờ rồi đó. Chẳng lẽ sự an nguy của xã tắc tùy thuộc vào những kẻ cẩn thận rẽ cỏ trước khi đặt bước đó hay sao?
Trần Văn Kỷ không biết trả lời thế nào, đành hỏi lại:
- Tâu Vương thượng, nếu không tin cậy vào nho sĩ để trị nước thì tin ai? Chẳng lẽ cứ ngồi mãi trên lưng ngựa để thiết triều?
Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc, rồi bảo:
- Thuở niên thiếu, thầy ta - ông đồ Hiến - dạy riêng cho ta cách nghi ngờ những giá trị có sẵn. Ông đọc "bài tựa truyện du hiệp" trong Sử Ký Tư Mã Thiên rồi chứ?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Tâu vâng ạ. Nhưng ông Tử Trường uất hận vì cái vạ Lý Lăng, nên đây đó trong sách Sử ký vẫn có vài đoạn thiếu bình tĩnh, hoang mang giữa phải trái, sáng tối...
Nguyễn Huệ hơi giận, cắt lời Kỷ:
- Ông nói gì thế? Chính nhờ cái vạ Lý Lăng mà Tư Mã Thiên thoát được cái câu chấp của bọn hủ nho. Phải trái, sáng tối? Lấy gì để biện biệt những cái quan hệ ấy? Lấy cái gậy của kẻ già nua để đo chăng? Hay lấy cặp mắt của kẻ không dám ra khỏi bốn bức trướng gấm? Ta không nhờ những lời phẫn nộ của Tử Trường, thì đến nay vẫn đi thu thuế giùm cho ông biện lại Vân Đồn. Ta nhớ đã đọc ở đâu đó câu: "Biết ngờ là gốc của trí".
Trần Văn Kỷ đánh bạo hỏi lại:
- Vương thượng ngờ vực khả năng của nhà nho, thì tin ở ai?
Nguyễn Huệ đáp:
- Thuở khởi nghiệp, các nhà nho không giúp ta. Bao nhiêu năm gian khổ đánh nam dẹp bắc, ta gặp một số nhà nho chết dại như Nguyễn Đăng Trường, Lý Trần Quán, Nguyễn Huy Trạc, số còn lại phần lớn đều giống như Phan Huy Ích, La sơn phu tử. Được như ông hay Ngô Thì Nhậm chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Nhờ ai mà ta dựng được nghiệp? Càng ngày ta càng thấy rõ: nhờ những anh em đi chân đất, mặc áo vải như ta trước đây. Chính họ mới là những kẻ quyết định sự an nguy của xã tắc. Ta nói đi nói lại mãi điều này hóa nhàm tai ông, phải không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Vương thượng dạy quá lời.
Nguyễn Huệ nói:
- Ta mong đến ngày chứng nghiệm sức mạnh của anh em chân đất. Thế nào rồi thiên hạ cũng phải thấy sức mạnh ấy thôi. Nhất là các nhà nho lừng khừng.
(1) Theo Nguyên dẫn bài thơ Tây trình lữ muộn , Dụ am ngâm lục tập 1, trang 170: "Đầu thu tôi phụng mệnh vào Phú Xuân, đến đầu mùa đông ra Bắc thành ứng đáp văn thư với triều đình phương Bắc. Giữa mùa đông thì quân Thanh đưa Chiêu Thống về phục quốc, vì thế tôi phải lánh về chốn lâm dã, có làm tập Vân sơn khiển hứng lược ghi vào đây".
(2) Bài thơ Phan Huy Ích làm năm Mậu Thân như sau:
Văn Khiển Cảm Tác
Hối bất ly trần tảo bỉnh cư
Nhập giang ninh đắc vị phi ngư
U trung Phú nghĩa phần hương xứ
Cơ lệ Trung hòa phát trạo sơ
Thánh độ bao hàm khoa phủ chất
Nho y phiêu đãng lữ canh sừ
Tâm thân chính kiến cầu biên lệ
Ban vũ nhàn lai thảo cổ thư.
Cảm khái khi nghe tin bị khiển trách
Tự hối không biết sớm rời cảnh trần đi ở ẩn
Vào nơi sông nước sao bảo không phải là người câu cá?
Tâm tình u uất, là lúc thắp hương trong đền Phú nghĩa
Giọt lệ tha hương khi mới nhổ neo bến Trung hòa
Độ lượng thánh thượng bao dung tha cho rìu búa
Áo nhà nho phiêu giạt bạn với cày bừa
Lòng này thân này chính cần tìm phương rèn dũa
Múa chiếc áo sặc sỡ, lúc nhàn thì nghiền ngẫm cổ thư
(Dụ am ngâm lục, tập 1, trang 181, 182)
(3) Nguyên chú bài Văn Khiển Cảm Tác của Phan Huy Ích: "Tháng sáu mùa hạ, tôi được vua Quang Trung triệu về Phú Xuân, đến doanh Cầu thì cáo bệnh rồi ủy người vào nam xin lưu lại Nghệ An để điều dưỡng, lúc đó tôi vẫn trú tại lữ điếm chợ Cầu đợi mệnh và thường đến thánh tiên xã Phú nghĩa đốt hương cầu khẩn mong được như sở nguyện. Sau đó ít lâu, Phú Xuân lại xuống chiếu sai lính ra doanh chợ Cầu hộ tống về kinh và không được chậm trễ. Lúc đó tôi đành dứt tình lên đường, bồi hồi ngoảnh lại. Khi tới bến Trung hòa vượt sông Gianh, trong lòng bỗng xúc cảm giữa cảnh lữ thứ, bất giác rơi lệ. (Dụ am ngâm lục, quyển 1, trang 182).
(4) Tên cũ của sông Hồng Hà.
Trước ngày lên đường, ông đã phải dự liên tiếp các cuộc đãi đằng, thơ và rượu đổ vung vãi trên mâm tiệc. Tất nhiên ở các cuộc thù tiếp giả tạo ấy, dù rượu có ngon, ông vẫn cảm thấy nhạt nhẽo, và thi từ ứng đối thì càng nhạt nhẽo hơn. Về sau nhớ lại cái thời bẽ bàng lơ láo ấy, Phan Huy Ích chỉ xúc động ngùi ngùi vì ba cuộc tiễn hành: bữa rượu tiễn nghèo nàn lặng lẽ của các ông nghè Bắc Hà cùng vào Phú Xuân với ông, bữa tiệc ở nhà Trần Văn Kỷ, và hôm đến lạy chào Chính Bình vương để phụng mệnh trở ra Bắc.
Bạn bè cùng chung nhà với ông lấy bữa cơm cuối cùng làm tiệc tiễn hành. Sở dĩ được gọi là tiệc, vì ngoài thức ăn đạm bạc thường ngày, có thêm một đĩa gà luộc và một nậm rượu. Năm ông nghè ngồi vào chiếu rượu đã lâu, mà chưa ai nói với ai lời nào. Mãi về sau, người phụ trách luộc gà gắp miếng gan bỏ vào bát Phan Huy Ích vừa cười xởi lởi vừa nói:
- Ông xơi miếng này. Hình như thịt chưa được mềm lắm. Củi bị mưa tạt ướt cả, các bác ạ. Mai ta chịu khó dọn hết vào phía trong đi. Tôi thổi mãi, bụi tro bay mù mà lửa cứ liu riu. Cháy hết một vạt râu đây rồi!
Ông đồ già cười, một mình. Một người bạn khác hỏi:
- Ngày mốt bác đi sớm không?
Phan Huy Ích đáp:
- Vào triều lạy chào Chúa thượng xong, tôi khởi hành ngay.
- Tiếc quá, giá như...
Ông nghè người Bắc Ninh không nói hết câu. Người này liếc nhìn người kia, mỗi người suy nghĩ giả thiết của người nói theo một cách. Ông nghè Bắc Ninh bần thần một lúc, rồi cầm chén rượu lên mời:
- Các bác bắt đầu uống đi chứ.
Ông đưa chén rượu lên môi trước. Chỉ có Phan Huy Ích nhấp rượu cho vui lòng ông. Ông nghè Hải Dương nói:
- Giá có đậu phụ rán và mắm tôm nhỉ!
Ước mong đơn sơ ấy giúp cả mâm tiệc cười vui một lúc. Họ đua nhau so sánh cách nấu món ăn nhắm rượu của Bắc Hà và Thuận Hóa. Ai cũng đồng ý món nhắm miền trong có nhiều thịt hơn, mỡ đến béo ngậy, nhưng lạ quá, mọi người vẫn không thấy thú bằng nhắm rượu với miếng đậu phụ rán chấm mắm tôm. Rồi có người so sánh mắm tôm Thuận Hóa với mắm tôm Bắc, tranh luận dài dòng để tìm hiểu vì sao người nam gọi mắm tôm là mắm ruốc, và cách gọi nào đúng. Ông nghè Thanh Hoa nói:
- Gọi mắm ruốc đúng, nhưng không trang nhã. Dù thế nào chăng nữa, điều quan trọng là cốt cách văn nhã, chứ không cần thực vị.
Nhưng dù tìm đề tài nào để nói, nói, nói, trong lòng mỗi người vẫn canh cánh một mối buồn rầu. Họ khổ sở tránh né, cho nên vị rượu có gì đăng đắng. Nhắp một hớp nhỏ, cố nuốt chút rượu vào cổ cho lòng thêm ấm áp nhưng rượu không chịu xuống. Gần cuối tiệc, có người hỏi:
- Bác về Thăng Long chắc bận nhiều việc. Giá về được các trấn thì chúng tôi gửi được vài chữ cho gia đình.
Phan Huy Ích sốt sắng đáp:
- Các bác cứ gửi thư. Tôi không đích thân đem tới được thì nhờ người quen chuyển lại.
Ông nghè Thanh vui mừng hỏi:
- Bác ghé Thanh Hoa chứ?
- Vì tôi theo đoàn lính trạm đem văn thư ra Bắc thành, nên có lẽ không được tùy tiện.
Ông nghè Bắc Ninh nói:
- Bốn chúng tôi đã viết thư sẵn cả rồi. Giá ông gặp được gia đình để kể rõ chuyện ăn ở trong này nhỉ.
Phan Huy Ích hỏi đùa:
- Nếu tôi có dịp tìm đến tận nhà, thì các bác nhắn những gì?
Bốn ông nghè nhìn nhau, ngơ ngẩn chưa tìm ra câu đáp. Gương mặt họ bần thần, ông nghè Bắc Ninh nói:
- Phần tôi, tôi chỉ nhắn thằng trưởng nam nên cố mà chăm sóc việc giỗ kỵ. Chúng tôi gửi thân nơi xa xôi này, biết lúc nào...
Ông nghè già nghẹn lời. Mọi người im lặng. Chỉ có ngọn đèn dầu cháy lèo xèo, lâu lâu quằn quại ngả nghiêng vì gió lọt vào phên trúc thưa.
* * *
Trần Văn Kỷ mời rượu Phan Huy Ích vào chiều hôm sau. Trong nhà khách rộng rãi, sang trọng, bàn kỷ toàn bằng gỗ gụ khảm xa cừ, câu đối, liễn trướng thêu bằng kim tuyến trên nhung quí, chỉ có hai người là chủ và khách. Phan Huy Ích không đến nỗi ngỡ ngàng giữa cảnh quyền quí, nhưng khung cảnh ấy đã khiến hai người loanh quanh mãi trong chuyện khách sáo, đãi bôi. Trần Văn Kỷ nói nhiều đến sự thất bại của các đám cần vương Bắc Hà, chê trách các sĩ phu không thức thời, khen ngợi thái độ quả cảm và sáng suốt của Ngô Thì Nhậm. Quan Trung thư nói say sưa, đến nỗi không thấy được phản ứng của người đối diện, khi thì áy náy, khi thì dọ dẫm hoài nghi. Họ chỉ thực sự "đối thoại" với nhau khi câu chuyện xoay qua văn chương. Trần Văn Kỷ gửi trả hai tập văn, thi tuyển cho Phan Huy Ích, hãnh diện nói:
- Tôi đã sai thư ký chép hết hai tập này lên giấy hoa tiên. Hiện chỉ chép vội được một tập lưu. Thế nào tôi cũng cho sao làm nhiều bản, để gửi biếu ông và ông Hi Doãn mỗi người một tập. À, tôi có cho chép riêng bài thơ Văn Khiển Cảm Tác để tặng ông đây (2)
Trần Văn Kỷ đến chỗ án thư lục tìm một lúc, đoạn đem đến cho Phan Huy Ích tờ giấy hoa tiên màu vàng nhạt có chép bài thơ cảm tác của ông. Nét chữ chép thơ chân phương mà uyển chuyển, cách bố trí hài hòa. Phan Huy Ích run tay vì xúc động khi nhận bản sao bài thơ của mình, không tìm được lời nào để cảm ơn quan Trung thư. Ông bối rối vì những điều phức tạp đang hiện ra trong trí ông: ông có niềm hãnh diện của người sáng tạo đã tìm được kẻ hiểu mình, lại có nỗi xấu hổ của một kẻ trần truồng không nơi ẩn núp. Ông vừa hân hoan vừa chới với, hay nói cho đúng hơn, Phan Huy Ích chới với giữa một nỗi hoan lạc đắng cay.
Giọng Trần Văn Kỷ trách móc nhẹ nhàng:
- Ông kín nhiệm quá lắm! Không bao giờ đem những bài cảm tác liên quan đến thời thế ra bàn luận. Nếu tôi không chịu đọc cả toàn tập...
Phan Huy Ích bối rối đáp:
- Văn chương làm trong lúc xa quê, không hưng phấn được ai, thì làm sao dám khoe.
Trần Văn Kỷ liền nói:
- Nhưng nó quí ở chỗ thực (3). Đầu mùa thu vừa qua nghe ông cáo bệnh lưu lại doanh Cầu ít lâu, tôi đã nghĩ đến căn bệnh của ông. Đó là căn bệnh chung của Bắc Hà. Căn bệnh của buổi chuyển, buổi nối nên đầy cả khúc mắc, mâu thuẫn. Hãy đọc lại hai câu đề của ông:
Hối bất ly trần tảo bỉnh cư
Nhập giang ninh đắc vị phi ngư?
Thật đúng quá! Câu phá khiến cho bước chân phía trái của ông chùn lại. Nhưng câu thừa lại thúc chân phải dợm bước. Một chân chùn, một chân dợm bước, nên ông bất đắc dĩ phải quanh quẩn ở doanh Cầu. Có điều tôi chưa hiểu, là mấy chữ Phú nghĩa và Trung hòa trong hai câu thực.
Phan Huy Ích hơi do dự trước khi đáp:
- Lúc đợi mệnh ở doanh Cầu, tôi thường đến đền Thánh tiên xã Phú nghĩa đốt hương cầu được như nguyện. Đến khi nhận thánh chỉ, tôi vội rời bến Trung hòa trên sông Gianh để vào nam. Lúc qua đò, tự nhiên lòng bồi hồi xúc động...
Trần Văn Kỷ vội nói:
- Đó cũng là lòng chân thực. Tôi hiểu ông. Nhà nho cũng có lúc yếu lòng phải đến thắp hương ở đền Thánh tiên, tôi cũng đã trải qua kinh nghiệm ấy. Chẳng qua chỉ vì trong lòng ông còn có sông Gianh. Khi người chèo đò nhổ sào ở bến bắc và giơ mái chèo khua nước, cả lòng ông là bão tố, như lòng một quả phụ phải tục huyền vậy. Ông không có cảm giác ấy lúc vượt sông Phú Lương (4) hay qua sông Lam. Có đúng thế không ạ?
Phan Huy Ích gật đầu, nụ cười ngượng nghịu. Trần Văn Kỷ hăng hái tiếp:
- Chung qui không có gì ngoài hai chữ "chính thống". Nó đã thành một nếp suy nghĩ quen thuộc của các ông, đến nỗi trở thành hiển nhiên. Nhưng có thật hiển nhiên không? Ông nghĩ lại xem. Lúc Tĩnh vương Trịnh Sâm xua quân vượt Lũy Thầy vào chiếm kinh thành Phú Xuân này, hơn mười năm về trước, có nhà nho Bắc Hà nào rơi lệ lúc qua đò Trung hòa? Tôi chưa có thì giờ đọc hết sách của ông Quế Đường (Lê Quí Đôn) nhưng biết chắc rằng ông không có chút mảy may áy náy khi vào làm hiệp trấn tại kinh đô họ Nguyễn. Vì sao vậy? Vì các ông cho rằng Thuận Hóa là đất cũ của Bắc Hà thuộc Thăng Long tận thời còn mang chữ Ô châu, Lý châu, nay Tĩnh vương có lấy lại là lẽ đương nhiên. Cũng như khi chính ông mang sắc chỉ của Tĩnh vương vào đây phong cho "hoàng đế" làm Quảng Nam trấn thủ, có lẽ ông cũng không thấy điều gì khác thường. Ranh giới Nam Việt với xứ Chàm ở tận dãy Thạch bi cơ mà. Phải chờ đến lúc Vương thượng đem quân đánh Phú Xuân, tiến thẳng ra Thăng Long diệt Trịnh và nhà Lê yếu đuối không giữ được nước, các ông mới chịu nhớ tới cái ranh giới sông Gianh thời xa xưa. Lúc mạnh, các ông đem ranh giới Nam Việt vào tận Thạch Bi hay Hà Tiên. Lúc yếu các ông mới chịu trở lại sông Gianh. Những đổi thay đó, các ông có lưu ý không? Xoay ngược cái hiển nhiên, các ông sẽ thấy lẽ bất thường. Nhưng được mấy người chịu nhìn ngược để thấy sự thực trọn vẹn? Mấy người?
Phan Huy Ích bắt đầu cảm thấy hai thái dương nóng bừng. Lúc ấy Trần Văn Kỷ đang mỉm cười kiêu ngạo, nhìn thẳng vào mắt ông, thách đố ông trả lời. Phan Huy Ích đáp:
- Thưa, ít lắm. Người ta thường thấy rõ sắc diện kẻ khác, thấy từ trước mặt ra đến sau ót, nhất là lúc người ta có quyền bắt kẻ khác xoay đủ bốn hướng để quan sát cho rõ. Nhưng, cùng lúc đó, người ta không chịu soi gương để nhìn sơ qua khuôn mặt mình.
Trần Văn Kỷ kinh ngạc, đăm đăm nhìn Phan Huy Ích. Ông hy vọng những câu vừa nghe không có thực. Nhưng Phan Huy Ích đã tiếp:
- Ngài có cho phép tôi được nói thẳng những gì tôi suy nghĩ hay không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Có chứ. Sao ông hỏi thế! Tôi vẫn lấy làm tiếc là mấy tháng qua do địa vị của tôi, do bắc nam cách biệt mà tôi với ông chưa bao giờ được thành thực trọn vẹn với nhau. Nhất là ông. Lúc nào ông cũng gật gù chấp thuận, tuy mắt ông buồn rầu đăm chiêu. Hôm nay chỉ có ông với tôi ở đây. Ngày mai ông đi rồi, biết chúng ta có còn duyên gặp nhau trở lại không. Xin ông cứ nói thẳng những điều chân thật. Cũng như khi tôi đọc bài Văn Khiển Cảm Tác, tôi chỉ đọc bốn câu đầu. Những câu còn lại chỉ là ước vọng, hoặc là sự sợ hãi diễn ra thi ca.
Phan Huy Ích nói:
- Tôi cũng mong ước những giờ khắc nói sự thật như vậy. Ngài cho phép thì tôi xin hỏi: Ngài trách chúng tôi đứng ở Thăng Long để nghĩ về hai chữ chính thống. Ngài còn trách chúng tôi dựa vào mấy trăm năm để tự lừa dối mình, an tâm sống bằng những ý niệm, nguyên tắc có vẻ hiển nhiên. Bây giờ tôi xin hỏi ngài: Ngài đứng ở đâu để nhìn lẽ chính thống? Gia Định? Qui Nhơn? Phú Xuân?
Trần Văn Kỷ đáp ngay:
- Dĩ nhiên là từ Phú Xuân.
Phan Huy Ích hỏi tiếp:
- Họ Nguyễn Gia Miêu cũng đứng từ Phú Xuân như ngài. Họ còn được dựa dẫm vào thời gian hơn hai trăm năm, từ thời Đoan quận công vào làm trấn thủ Thuận Hóa (1558). Nghĩa là nền chính thống của họ đã dày những 200 năm như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Thời khởi nghiệp, chính Trung ương hoàng đế (Nguyễn Nhạc) cũng phải xưng là "họ ngoại của chúa Nam Hà" cho dễ thu phục lòng người. Liệu ngài có thể cùng đứng ở Phú Xuân để tranh danh vị chính thống với họ Nguyễn chăng?
Trần Văn Kỷ cười nhỏ một tiếng, đáp chậm và chắc:
- Được chứ. Thứ nhất: là vì những con cháu họ Nguyễn, họ Trịnh và cả họ Lê nữa, hiện nay chỉ là những thân cây mục nát vật vờ. Cả Trời lẫn người đều bỏ họ. Điều đó ông đã tận mắt chứng kiến. Thứ nhì: chúng tôi (Trần Văn Kỷ cười e dè, rồi tiếp), chúng ta có một thế dựa vững chắc hơn hết, đó là lòng dân. Chúng ta đem tới cho họ một niềm hy vọng lớn lao, giúp họ thêm sức mạnh để sống: hy vọng mọi người - kể cả những người chân đất, nhất là những người chân đất - đều được no ấm, con cái được vui chơi, người già được an dưỡng. Chưa bao giờ họ Trịnh, họ Nguyễn đem đến cho dân nghèo niềm hy vọng đó.
Phan Huy Ích liền hỏi:
- Có thể thực hiện được điều hy vọng đó không?
Trần Văn Kỷ cười to vì đã đến được điều chính yếu:
- Tôi tin chắc chắn. Còn ông thì, thành thực mà nói, còn ngờ vực lắm. Mấu chốt ở chỗ đó. Ông chưa tin cái mới, mà cũng không tin cái cũ, nên phải cầu nguyện ở đền Phú Nghĩa, nhỏ lệ lúc người chèo đò nhổ sào tại bến Trung hòa, dùng dằng cả bước chân đi. Cầu chúc chuyến này về Bắc thành gần gũi với ông Hi Doãn, ông được vui vẻ thoải mái hơn. Nào, ông cạn với tôi chén rượu tiễn này!
* * *
Như đã ấn định trước, sáng hôm sau, thượng thư Hồ Công Thuyên dẫn quan thị lang Phan Huy Ích vào lạy từ biệt Chính Bình vương tại điện Triêu dương.
Nguyễn Huệ sai Trần Văn Kỷ đến nâng Phan Huy Ích dậy, ân cần mời ngồi ở cái đôn sứ đặt sát tấm bình phong bằng gỗ vàng bóng loáng. Hồ Công Thuyên theo nghi lễ cũng ngồi ở cái đôn sát bên Ích. Nguyễn Huệ hỏi:
- Các ông đã sẵn sàng lên đường chưa?
Hồ Công Thuyên thay Phan Huy Ích đáp:
- Tâu Vương thượng, mọi sự đã xong. Chỉ còn chờ lệnh của Vương thượng.
Nguyễn Huệ hơi nhíu mày khó chịu, cố ý hỏi thẳng quan thị lang:
- Các ông nghè Bắc Hà cùng ở với ông thế nào? Có nóng ruột không?
Phan Huy Ích đáp:
- Tâu Vương thượng, tuy nặng lòng quê hương nhưng người nào cũng mong lập chút công để khỏi phụ ơn tái tạo của Vương thượng.
Nguyễn Huệ cười, nói đùa:
- Các nhà khoa bảng Bắc Hà khéo nói lắm. Các ông lạc lõng, khổ tâm ở đây, ta biết. Không phải lỗi ở các ông cả đâu. Suy cho cùng, phần lỗi chính là ở Phú Xuân. Các ông suy nghĩ, làm việc mà lòng còn thấp thỏm, chưa được trọn tin ở mình. Ngược lại, các quan ở đây cũng còn rụt rè dò chừng, chưa dám giao việc. Đôi bên chưa tin nhau. Phần lỗi thuộc về chủ hơn là khách, vì chủ có thành thực mới mong khách tự nhiên thoải mái, sau đó tận tình đóng góp. Ta mong có ngày khỏi cần phân biệt chủ khách nữa. Ngày ấy gần kề rồi. Tuy vậy, ông về Bắc thành làm việc với Ngô thị lang chắc được việc hơn ở đây. Ngoài đó các ông không thể làm khách được. Các ông phải tự lo liệu lấy mọi việc cùng quan đại tư mã Ngô Văn Sở, vì là quê hương của các ông. Dân chúng ngoài đó là bà con của các ông, là học trò của các ông. Mỗi quyết định của các ông trực tiếp làm cho họ vui hay buồn, cho nên mọi người đều xét nét việc các ông làm. Các ông khỏi phải lạc loài giữa người lạ như ở đây, nhưng chắc chắn là không thoải mái đâu.
Quay về phía quan Trung thư lệnh, Nguyễn Huệ hỏi:
- Các chỉ dụ đã xong xuôi cả chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu Vương thượng, đã xong cả ạ.
Nguyễn Huệ cười, bảo Trần Văn Kỷ:
- Cái nợ văn chương với Phan thị lang, ông đã dứt được chưa?
Trần Văn Kỷ đáp:
- Tâu Vương thượng, còn nhiều vấn vương lắm.
Cả bốn người trong điện Triêu dương cùng bật cười. Không khí bớt nhạt nhẽo vì nghi thức triều đình. Vương lại quay sang phía thượng thư bộ Hình hỏi:
- Còn bộ Hình? Phan tiên sinh còn nợ gì không?
Hồ Công Thuyên không dám đối đáp tự nhiên như Trần Văn Kỷ, chắp tay thưa:
- Tâu Chúa thượng, quan thị lang đã hoàn tất cuộc xét án.
Nguyễn Huệ nói ỡm ờ:
- Nhưng nội chuyện ông ấy đòi về Bắc là đầu dây mối nhợ cho một vụ án mới đấy.
Hồ Công Thuyên hơi xanh mặt, liếc nhìn Chính Bình vương dò dẫm, Nguyễn Huệ vội nói:
- Ta đùa cho vui đấy thôi. Ông thay ta đưa tiễn quan thị lang đến cửa thành nhé. Chúc ông thượng lộ bình an. Cho ta gửi lời vấn an ông Nhậm.
Nguyễn Huệ đưa Phan Huy Ích ra đến thềm điện. Theo sau là Trần Văn Kỷ. Chờ cho Hồ Công Thuyên và Phan Huy Ích đi khỏi cửa điện, Chính Bình vương mới nói với Kỷ:
- Ta đã quen với cái vẻ tần ngần đăm chiêu, với thái độ dùng dằng của các ông nhà nho lắm rồi. Thêm một người nữa, cũng thế thôi. Dĩ nhiên nếu bớt được một ông nghè lừng khừng, lòng ta sẽ vui. Xưa nay ta ghét cay ghét đắng những kẻ lừng khừng. Cuộc đời không bao lăm, chỉ do lừng khừng mà mọi việc bê trễ, cái xấu cứ bám được vào đời ta như loài đỉa. Thế mà bây giờ ta phải chịu đựng họ. Ta bắt đầu ngờ rồi đó. Chẳng lẽ sự an nguy của xã tắc tùy thuộc vào những kẻ cẩn thận rẽ cỏ trước khi đặt bước đó hay sao?
Trần Văn Kỷ không biết trả lời thế nào, đành hỏi lại:
- Tâu Vương thượng, nếu không tin cậy vào nho sĩ để trị nước thì tin ai? Chẳng lẽ cứ ngồi mãi trên lưng ngựa để thiết triều?
Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc, rồi bảo:
- Thuở niên thiếu, thầy ta - ông đồ Hiến - dạy riêng cho ta cách nghi ngờ những giá trị có sẵn. Ông đọc "bài tựa truyện du hiệp" trong Sử Ký Tư Mã Thiên rồi chứ?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Tâu vâng ạ. Nhưng ông Tử Trường uất hận vì cái vạ Lý Lăng, nên đây đó trong sách Sử ký vẫn có vài đoạn thiếu bình tĩnh, hoang mang giữa phải trái, sáng tối...
Nguyễn Huệ hơi giận, cắt lời Kỷ:
- Ông nói gì thế? Chính nhờ cái vạ Lý Lăng mà Tư Mã Thiên thoát được cái câu chấp của bọn hủ nho. Phải trái, sáng tối? Lấy gì để biện biệt những cái quan hệ ấy? Lấy cái gậy của kẻ già nua để đo chăng? Hay lấy cặp mắt của kẻ không dám ra khỏi bốn bức trướng gấm? Ta không nhờ những lời phẫn nộ của Tử Trường, thì đến nay vẫn đi thu thuế giùm cho ông biện lại Vân Đồn. Ta nhớ đã đọc ở đâu đó câu: "Biết ngờ là gốc của trí".
Trần Văn Kỷ đánh bạo hỏi lại:
- Vương thượng ngờ vực khả năng của nhà nho, thì tin ở ai?
Nguyễn Huệ đáp:
- Thuở khởi nghiệp, các nhà nho không giúp ta. Bao nhiêu năm gian khổ đánh nam dẹp bắc, ta gặp một số nhà nho chết dại như Nguyễn Đăng Trường, Lý Trần Quán, Nguyễn Huy Trạc, số còn lại phần lớn đều giống như Phan Huy Ích, La sơn phu tử. Được như ông hay Ngô Thì Nhậm chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay. Nhờ ai mà ta dựng được nghiệp? Càng ngày ta càng thấy rõ: nhờ những anh em đi chân đất, mặc áo vải như ta trước đây. Chính họ mới là những kẻ quyết định sự an nguy của xã tắc. Ta nói đi nói lại mãi điều này hóa nhàm tai ông, phải không?
Trần Văn Kỷ vội đáp:
- Vương thượng dạy quá lời.
Nguyễn Huệ nói:
- Ta mong đến ngày chứng nghiệm sức mạnh của anh em chân đất. Thế nào rồi thiên hạ cũng phải thấy sức mạnh ấy thôi. Nhất là các nhà nho lừng khừng.
(1) Theo Nguyên dẫn bài thơ Tây trình lữ muộn , Dụ am ngâm lục tập 1, trang 170: "Đầu thu tôi phụng mệnh vào Phú Xuân, đến đầu mùa đông ra Bắc thành ứng đáp văn thư với triều đình phương Bắc. Giữa mùa đông thì quân Thanh đưa Chiêu Thống về phục quốc, vì thế tôi phải lánh về chốn lâm dã, có làm tập Vân sơn khiển hứng lược ghi vào đây".
(2) Bài thơ Phan Huy Ích làm năm Mậu Thân như sau:
Văn Khiển Cảm Tác
Hối bất ly trần tảo bỉnh cư
Nhập giang ninh đắc vị phi ngư
U trung Phú nghĩa phần hương xứ
Cơ lệ Trung hòa phát trạo sơ
Thánh độ bao hàm khoa phủ chất
Nho y phiêu đãng lữ canh sừ
Tâm thân chính kiến cầu biên lệ
Ban vũ nhàn lai thảo cổ thư.
Cảm khái khi nghe tin bị khiển trách
Tự hối không biết sớm rời cảnh trần đi ở ẩn
Vào nơi sông nước sao bảo không phải là người câu cá?
Tâm tình u uất, là lúc thắp hương trong đền Phú nghĩa
Giọt lệ tha hương khi mới nhổ neo bến Trung hòa
Độ lượng thánh thượng bao dung tha cho rìu búa
Áo nhà nho phiêu giạt bạn với cày bừa
Lòng này thân này chính cần tìm phương rèn dũa
Múa chiếc áo sặc sỡ, lúc nhàn thì nghiền ngẫm cổ thư
(Dụ am ngâm lục, tập 1, trang 181, 182)
(3) Nguyên chú bài Văn Khiển Cảm Tác của Phan Huy Ích: "Tháng sáu mùa hạ, tôi được vua Quang Trung triệu về Phú Xuân, đến doanh Cầu thì cáo bệnh rồi ủy người vào nam xin lưu lại Nghệ An để điều dưỡng, lúc đó tôi vẫn trú tại lữ điếm chợ Cầu đợi mệnh và thường đến thánh tiên xã Phú nghĩa đốt hương cầu khẩn mong được như sở nguyện. Sau đó ít lâu, Phú Xuân lại xuống chiếu sai lính ra doanh chợ Cầu hộ tống về kinh và không được chậm trễ. Lúc đó tôi đành dứt tình lên đường, bồi hồi ngoảnh lại. Khi tới bến Trung hòa vượt sông Gianh, trong lòng bỗng xúc cảm giữa cảnh lữ thứ, bất giác rơi lệ. (Dụ am ngâm lục, quyển 1, trang 182).
(4) Tên cũ của sông Hồng Hà.
Bình luận facebook