Đến nhà Giả Nhân, đập vào mắt Quách Ngọc là một dinh thự to lớn, trông rất có phong thái lại còn rộng rãi, so với phủ đệ của quan lại quyền quý thời xưa cũng chẳng kém là bao, bước vào cửa liền thấy trong sân có rất nhiều gian phòng, Quách Ngọc nghe thấy tiếng niệm Phật từ một căn phòng nào đó truyền tới, Giả Nhân liền chỉ tay vào phòng đó và nói: “Đây là phòng mà người vợ thứ tư của tôi đang ở, con út của tôi cũng là do cô ấy sinh.”
Trong lúc trò chuyện, Quách Ngọc biết được Giả Nhân có một vợ lớn và ba vợ nhỏ, ba đứa con đã mất kia đều là con của vợ lớn, chỉ có đứa út này là con của người vợ thứ tư.
Bởi vì hai ngày nữa chính là ngày đại kị của nhà họ Giả, những người vợ khác đều rất sợ hãi, Giả Nhân bèn để bọn họ trở về nhà mẹ đẻ, trong nhà chỉ còn lại người vợ thứ tư.
Quách Ngọc theo Giả Nhân vào phòng của bà tư, thấy trong phòng đặt một bàn thờ, trên bàn thờ có một bức tượng Bồ Tát, một người phụ nữa đang quỳ trên tấm đệm hương bồ dưới chân tượng tụng kinh, đây chắc là bà tư của nhà họ Giả, mặc dù ăn mặc giản dị, trên mặt cũng không tô son trát phấn, nhưng dung mạo lại vô cùng xinh đẹp, chỉ là lông mày nhíu chặt, lộ rõ vẻ lo âu, sắc mặt cũng vô cùng tiều tuỵ. Bên cạnh cô ấy còn có một đứa trẻ khoảng 6, 7 tuổi, trắng trẻo dễ thương, trông rất lanh lợi.
Giả Nhân thấy vợ mình đang thắp hương bái Phật, cả căn phòng khói bay nghi ngút, có chút không vui liền trách móc: “Ngay cả Phật Tổ, Bồ Tát trong chùa còn không linh nghiệm, chẳng bảo vệ được con của ta, nàng bái lạy một bức tượng Bồ Tát nhỏ bằng bàn tay này thì có tác dụng gì? Làm cho cả căn nhà chướng khí mù mịt, suốt ngày thắp hương thờ Phật chẳng ra làm sao.”
Người vợ thứ tư này dường như khá kiêng dè Giả Nhân, không cãi lại câu nào, chỉ đứng dậy cười với Quách Ngọc, gật đầu tỏ ý chào, sau đó đi pha trà.
Giả Nhân gọi đứa trẻ kia lại, giới thiệu rằng đây là con trai út của mình, Quách Ngọc quan sát kỹ mặt mày của đứa trẻ, không khác gì người bình thường, cũng chẳng nhìn ra được có gì khác lạ, không giống với dáng vẻ của một người mắc bệnh.
Ông bảo Giả Nhân lấy cho mình một tờ giấy vàng và bút chu sa, sau đó vung tay vẽ một lá bùa vàng chuyên xua đuổi tà ma, kêu Giả Nhân bỏ vào trong một cái túi đeo lên người đứa trẻ. Quách Ngọc nói với Giả Nhân rằng, lá bùa này có thể hộ thân trừ tà, giúp đứa trẻ gặp dữ hoá lành, ngày 19 tháng 4 tới đây nếu thật sự có chuyện xảy ra, có lẽ lá bùa này có thể bảo vệ đứa trẻ được bình an vô sự.
Giả Nhân rất cảm kích, cùng Quách Ngọc trò chuyện hồi lâu, lúc này trời đã tối hẳn, Giả Nhân bèn sai người làm một bàn ăn thịnh soạn tiếp đãi Quách Ngọc, lại căn dặn người thu dọn phòng ốc sạch sẽ để Quách Ngọc nghỉ ngơi.
Thời gian ba ngày chớp mắt trôi qua, trong khoảng thời gian này không có chuyện kì lạ gì xảy ra cả, nhoáng cái là đến ngày 19 tháng 4, nửa đêm, con trai của Giả Nhân đã ngủ say, cậu bé tuổi còn nhỏ, hoàn toàn không biết hôm nay bản thân sẽ trải qua một tai kiếp, sống chết khó đoán.
Quách Ngọc và Giả Nhân đều không dám ngủ, cẩn trọng bảo vệ đứa trẻ, mặc dù bây giờ mới là nửa đêm nhưng cũng đã sang ngày 19 tháng 4, ai cũng không biết chính xác lúc nào thì đứa trẻ sẽ xảy ra chuyện.
Bà tư nhà họ Giả là mẹ ruột của đứa trẻ này, lo cho an nguy của con mình, đương nhiên cũng sẽ không ngủ được, cô ấy cắm 3 nén nhang vào lư hương trên bàn thờ, thắp xong thì trịnh trọng quỳ xuống dập đầu lạy Bồ Tát 3 cái, thành tâm vái mấy lần, miệng không ngừng cầu nguyện Bồ Tát phù hộ, nhưng thần sắc lại lộ rõ vẻ lo âu.
Thời gian chầm chậm từng giây từng phút trôi qua, trong phòng vẫn im lìm, chỉ có tiếng nổ tí tách từ ngọn đèn dầu phát ra, chớp mắt đã đến giờ dần, lúc này bên ngoài vẫn tối đen như mực, còn phải tới 1, 2 giờ nữa trời mới hửng sáng. Quách Ngọc cảm thấy có hơi mệt mỏi, nhưng lại không dám buông lỏng cảnh giác, dù sao mạng người quan trọng, không thể lơ là dù chỉ một phút.
(Giờ dần khoảng từ 3 - 5 giờ sáng).
Quách Ngọc đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, muốn để bản thân tỉnh táo lại một chút, ngay lúc này, ông đột nhiên ngửi thấy một mùi cháy khét, hệt như có thứ gì đang bị đốt vậy. Giả Nhân và bà tư cũng ngửi thấy, tìm kiếm một hồi bọn họ phát hiện thứ mùi đó phát ra từ chiếc túi đang đeo trên người đứa con út.
Bọn họ mở túi ra nhìn, chỉ nhìn thấy lá bùa bên trong đã bị thiêu thành tro, ngay cả túi cũng bị cháy thủng một lỗ, Quách Ngọc lúc này vô cùng kinh ngạc, lá bùa tự nhiên bốc cháy, nghĩa là đứa trẻ này sắp gặp đại nạn rồi, nạn kiếp này ngay cả lá bùa hộ thân cũng không cản được, cho nên nó mới đột ngột bốc cháy.
Giả Nhân nghe Quách Ngọc nói vậy, lập tức hoảng loạn, không biết nên làm thế nào mới được, bà tư nhìn đứa con trai đang say ngủ mà bật khóc, nài xin Quách Ngọc nhất định phải nghĩ cách, cứu lấy con trai của họ.
Quách Ngọc an ủi hai người, bảo họ chớ lo lắng, nói rằng có ông ấy ở đây, nhất định sẽ dốc hết sức bảo vệ tính mạng cho đứa trẻ. Sau đó Quách Ngọc bảo Giả Nhân mau lấy giấy vàng và bút chu sa đến, ông tập trung tinh thần vung bút vẽ lại một lá bùa nữa, dán trên người đứa trẻ, nào ngờ chỉ trong tích tắc, lá bùa lại bốc khói rồi cháy thành tro.
Thấy vậy, sắc mặt Quách Ngọc đông cứng lại, vung bút vẽ thêm một lá bùa nữa, lần này lá bùa vừa dán lên người đứa trẻ liền bốc cháy, ông lại dùng sức vẽ thêm sáu lá bùa, lá cuối cùng dán lên mới không còn cháy nữa.
Trán Quách Ngọc túa đầy mồ hôi, ông cảm thấy cả người choáng váng, vội vã dựa vào một cái bàn mới không bị ngã. Vẽ loại bùa này trông thì rất đơn giản, vung tay là thành, thật ra lại vô cùng hao tổn sức lực.
Giả Nhân thấy Quách Ngọc đứng không vững, vội đến dìu ông lên ghế nghỉ ngơi, sau đó hỏi có phải con trai út của mình đã bình an vô sự rồi không?
Quách Ngọc nói với ông ấy: “Những lá bùa này chỉ có thể giúp con trai ông hoá giải tai kiếp lần này mà thôi, những lần tiếp theo liệu có bảo vệ được cậu ấy bình an không, tôi cũng không thể đoán được.”
Bà tư sau khi nghe xong thì tim như bị bóp chặt lần nữa, cô ấy nhìn con trai mình rồi chắp hai tay lại, miệng không ngừng lẩm bẩm cầu nguyện mong cho con trai được bình an, sau đó đưa tay ra xoa trán đứa trẻ, trong mắt tràn ngập vẻ yêu thương.
Lúc này, con trai của bà tư đột nhiên tỉnh dậy oà khóc nức nở, cô vội vàng ôm lấy đứa trẻ, lo lắng hỏi: “Sao vậy, có phải con không khoẻ chỗ nào không?”
Nhưng con trai cô ấy lắc đầu nói mình đã mơ thấy một cơn ác mộng, trong mơ nó thấy mình đi đến một sơn động, bên trong sơn động có một bà lão đầu tóc rối bù vô cùng đáng sợ, bà lão đó hình như bị què, bước chân rất khập khiễng.
Trong mơ đứa con út này thấy mình rất nhỏ, bị bà lão kia cầm trên tay, bà ta cầm một cây kim dùng để khâu giày hung hăng đâm mạnh vào người nó, đâm đến sáu bảy cái nhưng không thể đâm thủng được, bà lão rất tức giận bèn giữ chặt nó dưới đất, sau đó đi đến trước một bức tranh đang treo trên tường đá, dập đầu mấy cái, thắp ba nén nhang, vái lạy mấy lần, miệng còn niệm gì đó giống như niệm kinh vậy, âm thanh lúc lớn lúc nhỏ, cả người không ngừng run rẩy, hành động vô cùng quỷ dị, nó nhìn đến đây thì sợ hãi cực độ sau đó tỉnh dậy.
Người vợ thứ tư nghe con trai nói xong lập tức sững người, Giả Nhân đứng bên cạnh sắc mặt cũng hoảng hốt, sau đó vợ ông ta bật khóc, nói với ông ấy: “Quả nhiên là bà ta, đây đều là báo ứng cả, người ta tới để báo thù đấy, người ta muốn ông không còn con nối dõi!”
Giả nhân tái mặt, mắng vợ mình không được nói nhảm.
Quách Ngọc thấy hai người nói vậy, biết bọn họ nhất định có chuyện giấu mình, bèn hỏi người vợ thứ tư: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Là ai muốn báo thù?”
Cô ấy đưa mắt nhìn Giả Nhân, sau đó khóc không ngừng nhưng lại không dám nói thêm gì nữa.
Quách Ngọc thấy hai người đều im lặng thì không khỏi tức giận, nói: “Bỏ đi, các người đã không muốn nói, ta cũng chẳng hỏi thêm làm gì, chỉ là chuyện liên quan đến tính mạng của đứa trẻ này hai người phải suy nghĩ cho kĩ, không biết rõ nguyên nhân chuyện này ta cũng không cách nào hoá giải tai kiếp cho nó, đứa trẻ có mệnh hệ gì cũng không thể trách ta được.”
Bà tư nghe Quách Ngọc nói vậy thì biến sắc, không dám giấu giếm, cũng không kiêng nể Giả Nhân thêm nữa, đem mọi chuyện kể lại toàn bộ cho Quách Ngọc nghe.
Bình luận facebook