Quách Ngọc lắc đầu thở dài nói: “Tiền bối, hà tất phải như vậy! Bà vốn là một người lương thiện, sao phải gây ra tội nghiệt nặng thế này, bà nhẫn tâm sao?”
Bà lão dường như không nghe thấy lời Quách Ngọc nói, bà mỉm cười nhìn vào khoảng không rồi tự lẩm bẩm: “Con gái, mẹ đã thay con báo thù rồi, mẹ từng hứa với con là sẽ đòi lại công bằng cho con, để người nhà họ Giả gặp báo ứng, mẹ không có nuốt lời…”
Lúc bà lão nói câu này, ánh mắt tràn đầy vẻ hiền từ, giống như con gái bà đang đứng trước mặt bà vậy, bà lão nhìn con gái cười, cứ cười cứ cười rồi lại bật khóc: “Nếu con còn ở đây thì tốt biết mấy!”
Bà lão lại kể cho Quách Ngọc nghe chuyện về con gái mình, bà cứ nói mãi không ngừng, nói con gái bà lúc nhỏ rất ngoan, dáng người nhỏ nhắn hay đi theo bà gọi mẹ ơi mẹ ơi, bà ôm cô ấy, cõng cô ấy, cũng không nỡ bỏ xuống.
Sau này con gái lớn lên, đối xử với bà rất hiếu thảo, bởi vì cô ấy lớn lên rất xinh đẹp, cho nên có rất nhiều người đến xin kết thông gia, nhưng con gái bà lại không chịu gả cho ai cả, cô ấy nói hiện giờ thế sự loạn lạc, cha cũng mất sớm, nếu cô ấy gả đi rồi, mẹ phải sống một mình thế nào, cô chỉ muốn được ở mãi bên cạnh mẹ mình.
Bà lão cứ như thế nói mãi không ngừng, cứ nói cứ nói cho đến khi giọng càng lúc càng nhỏ, càng lúc càng yếu, cuối cùng dừng hẳn, bà ấy chết rồi, trên gương mặt vẫn đang mỉm cười như lúc kể về con gái mình vậy.
Quách Ngọc thở dài, ông đem bà lão chôn cất trên núi, sau đó xuống núi, lúc này trời đã sáng hẳn rồi, ông quay trở lại nhà họ Giả, mặc dù không thể bảo vệ được đứa trẻ nhưng vẫn phải có một lời giải thích với mẹ của nó. Thế nhưng lúc Quách Ngọc bước vào phòng của bà tư, ông lập tức ngẩn người, con trai của cô ấy vậy mà lại đang ngồi trong phòng, bình yên vô sự.
Quách Ngọc vô cùng kinh ngạc, nhưng sau khi nghĩ kĩ lại ông liền hiểu ra, bà lão vốn là người bản tính lương thiện, sau khi nghe lời khuyên giải của mình, chắc hẳn bà ấy đã không còn hận đứa trẻ này nữa, cho nên đâm kim vào con rối chỉ là để thực hiện lời hứa với con gái mà thôi, kì thực lại không hề có ý muốn hại đứa trẻ, tâm niệm không kiên định, pháp thuật tự khắc cũng không còn linh nghiệm nữa, cho nên đứa con út này của Giả Nhân mới không xảy ra chuyện gì.
Quách Ngọc thở phào nhẹ nhõm, đem chuyện của bà lão kể lại cho bà tư đang thấp thõm lo sợ nghe, ông nói bà lão bị tượng Bồ Tát làm bị thương, vết thương rất nặng, hiện đã chết rồi, bây giờ đứa trẻ này đã an toàn, bảo cô ấy có thể yên tâm được rồi.
Bà tư cuối cùng cũng buông được gánh nặng trong lòng, cô cảm tạ Quách Ngọc, nói nếu như không có đạo trưởng ở đây, con trai của mình chắc hẳn lành ít dữ nhiều.
Quách Ngọc nói ông ấy thân là một đạo sĩ, giúp đời cứu người cũng chỉ là bổn phận mà thôi, không đáng khen ngợi.
“Chỉ là Giả Nhân….” Quách Ngọc nhìn ra ngoài cửa, thấy thi thể của Giả Nhân đã được đem đi, bèn quay sang nói với vợ ông ta đừng quá đau buồn, có điều bà tư này cũng không có vẻ gì là đau buồn cho lắm, cô ấy nói Giả Nhân xưa nay làm nhiều chuyện ác, giờ chết đi cũng xem như là đáng đời, cô ấy đã sai người đem thi thể ông ta đặt vào trong phòng, ngày mai sẽ tổ chức tang lễ.
Quách Ngọc gật đầu, thấy sự việc đã rồi nên cũng từ biệt bà tư rồi rời đi.
Câu chuyện kết thúc ở đây, lão đạo trưởng nói sư phụ của ông lúc còn trẻ đã lang bạt rất nhiều nơi, chuyện tà môn gì ông ấy cũng đều đã từng thấy qua, nhưng đây là chuyện khắc sâu trong trí nhớ của ông nhất. Bà lão đó không phải tăng nhân cũng chẳng phải đạo sĩ, cả đời chưa từng tu hành, chỉ dựa vào lòng thù hận đã hại chết bốn người, thật sự khiến cho người khác kinh ngạc, nếu như con út của nhà họ Giả không được tượng Bồ Tát che chở, sợ là ngay cả sư phụ của ông cũng không bảo vệ được nó.
Lúc này bạn của tôi đột nhiên thắc mắc hỏi: “Giả Nhân đó đem con trai vào chùa cổ ngàn năm tránh nạn, tại sao không được che chở? Ngược lại một pho tượng nhỏ mà người vợ thứ tư thờ trong phòng lại có thể cứu được con trai cô ấy?”
Lão đạo trưởng nghe xong thì cười nói: “Ngôi chùa cổ ngàn năm đó có tượng Phật, nhưng không có Phật, bên trong chẳng qua chỉ là những pho tượng làm bằng đất mà thôi, làm sao có thể che chở cho con người được.”
“Vậy tượng Phật nhỏ mà người vợ thứ tư thờ trong phòng không phải là tượng bình thường sao?” Tôi hỏi.
Lão đạo trưởng lắc đầu nói: “Là tượng Phật, cũng chỉ là tượng đất thôi, không khác gì tượng trong ngôi chùa cổ ngàn năm kia cả, khác là ở chỗ người bái Phật, trên đời này vốn không có Phật, lòng tự sinh ra Phật, người trong lòng có Phật cho dù thờ một cục đá, đá cũng sẽ hiển linh, chỉ là thứ hiển linh không phải cục đá, cũng không phải Phật mà là người thờ Phật.
Người vợ thứ tư này chỉ có một ý niệm, ngày đêm cầu nguyện chỉ mong con trai có thể bình an, cô ấy thành tâm đến độ tượng đất cũng hoá thành Phật, mới có thể cứu được con trai mình một mạng.
Đáng tiếc người đời chỉ biết cầu thần bái Phật, nhưng lại không biết muôn vạn thần Phật đều khởi nguồn từ lòng người.”
Lão đạo trưởng nói xong câu này, lắc đầu đi vào trong miếu.
Tôi và bạn của mình lại tiếp tục leo lên núi, lên đến đỉnh, tôi nhìn thấy trước mặt một tượng Phật bằng đá vô cùng lớn, sống động như thật, uy nghiêm hùng vĩ, dưới chân tượng Phật có không ít người đang thắp hương bái lạy, người đến người đi tấp nập không ngớt.
“Muôn vạn thần Phật đều khởi nguồn từ lòng người.” Đúng như lão đạo trưởng đã nói, trong lòng có Phật thì vạn vật đều là bồ đề, trong lòng không có Phật, cho dù có thắp hương quỳ lạy trước tượng Phật cũng chẳng có ích gì.
Cầu Phật, thứ cầu không phải Phật, mà là lòng của chính mình, linh nghiệm cũng không phải Phật, mà là bản thân mình, thay vì cầu Thần bái Phật, bỏ gần tìm xa, không bằng tự cầu chính mình, tâm có nơi để hướng tới, chân không giày vẫn có thể đi, thì cầu gì chẳng được.
Hết.
Bình luận facebook