-
ĐÊM TRĂNG THỨ 50: NHỮNG PHIÊN CHỢ MA CỦA NGƯỜI VIỆT
Viết về chợ ÂM DƯƠNG - nét văn hóa tâm linh độc đáo của người Việt.
Lời dẫn:
Chợ là một không gian sinh hoạt quen thuộc với chúng ta hằng này, nơi bày bán các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt. Truyền thống đến chợ đã tồn tại từ rất lâu đời khi con người biết đến việc trao đổi và mua bán hàng hóa. Thường vào sáng sớm hoặc cuối ngày, chợ là nơi nhộn nhịp với hình ảnh những người mẹ, người vợ tìm mua con cá, bó rau để chuẩn bị bữa cơm cho gia đình mình, hay để hóng chút tin “ thời sự”. Các phiên chợ đặc biệt hơn như chợ Tết thường kéo dài lâu hơn nhưng đặc điểm chung thường kết thúc trước nửa đêm, khi không còn ai lui tới.
Nhưng bạn có biết trong dân gian ta vẫn còn tồn tại một phiên chợ độc đáo chỉ họp vào đêm, người đi chợ không nói cười, không ngả giá, người bán không chào hàng, không gian tốt mịt chỉ có ánh nến leo lét hắt lên những gian hàng dày đặc đồ vàng mã.
Trong đêm trăng này, Ma Quỷ Dân Gian Ký sẽ dẫn bạn đến nơi gọi là CHỢ ÂM DƯƠNG, hay nhiều nơi gọi là CHỢ ÂM PHỦ.
QUAN NIỆM DÂN GIAN:
Theo tập tục và tín ngưỡng của người dân trong một số vùng ở Việt Nam, chợ Âm Dương là một phiên chợ đặc biệt diễn ra vào đêm mà đối tượng họp chợ bao gồm cả con người và ma quỷ, có chợ chỉ dành cho ma quỷ, vong hồn vất vưởng.
Người dân còn tin rằng họ có thể gặp lại những người thân đã mất qua việc mua và bán hàng hóa ở chợ. Các mặt hàng phổ biến bao gồm vàng mã, trầu cau, nến và hương, một số chợ khác sẽ đa dạng hàng hoá và không khác gì chợ bình thường. Ngoài ra, họ còn thực hiện các lễ cúng, hóa vàng mã tại chợ như một cách để tưởng nhớ và tôn vinh những người đã mất.
ĐẶC ĐIỂM
Bài viết sau theo đặc điểm của chợ làng Xuân Ó và Chợ Chằm- Bắc Ninh
Thời gian- địa điểm :
- Có nhiều phiên chợ Âm Dương trên khắp cả nước, thời gian họp chợ cũng khác nhau nhưng nổi tiếng nhất là chợ Âm Dương ở Bắc Ninh với 2 phiên chợ là Chợ làng Ó (Võ Cường, Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và Chợ Chằm (Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Thời điểm họp Chợ của 2 nơi này cũng rơi vào tối Mùng 4 - rạng sáng Mùng 5 Tết.
- Nơi tổ chức: Thưởng bãi đất trống ở làng, nơi xưa kia từng là bãi chiến trường có nhiều vong linh tử sĩ. Cạnh đó có thể là gốc cây to cổ thụ hay ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng.
VÌ SAO CÓ TỤC MANG GÀ ĐEN ĐI CHỢ Ở LÀNG Ó.
Gà để cúng Thánh Thần :
Trong nhiều truyền thống và quan niệm ở đây, gà đen thường được sử dụng như một vật tế trong các nghi lễ cúng tâm linh, ngoại việc thờ cúng các vị thần, gà đen còn được dùng trong các nghi lễ trừ tà, xua đuổi tà khí.
Gà Đen bắc buộc phải là giống gà mái, có lẽ vì quan niệm tiếng gà trống gáy có thể xua đuổi vong hồn khiến họ không dám xuất hiện.
Gà để hộ thân:
Tại chợ Âm Dương, người dân mang gà đen như một phương pháp để bảo vệ bản thân khỏi những âm khí có thể xuất hiện tại chợ.
Gà làm cầu nối:
Việc chọn gà đen cũng có thể xuất phát từ quan niệm rằng màu sắc đen tượng trưng cho thế giới âm, vì vậy gà đen được coi là cầu nối giao giao tiếp giữa thế giới âm và dương, tạo điều kiện cho việc gặp gỡ và giao dịch giữa người sống và người chết tại chợ Âm Dương.
Một quan niệm khác cho rằng bán gà ở chợ có liên quan tới thuật Trấn- Yểm của Cao Biền lên vùng đất này xưa kia nhằm tránh tà ma quấy phá.
Hoạt động ở chợ Âm Dương:
Bán hàng : Chợ không sử dụng lều quán, không dùng đèn điện thắp sáng, ánh sáng duy nhất lập loè từ những ngọn nến nhỏ thắp ở mỗi gian hàng, từ những bãi hoá vàng mã ở ngã ba chợ. Người đi chợ không ồn ào, đù giỡn cũng không trả giá, mặc cả, người bán cũng không đến tiền từ người mua trả.
Theo ánh nến hiu hắt, người đi chợ sẽ được đưa tới các gian hàng bán gà đen, rượu, cau, trầu, hàng mã, hương… Ngày nay chợ mở rộng sang bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ ăn đặc sản, xôi, chè.
Chậu nước để kiểm tra “tiền giả”: Khi đi chợ, thay vì đưa tiền cho người bán, người mua sẽ thả tiền vào chậu nước, nếu tiền nổi lên thì đó là tiền của người âm, nếu tiền chìm xuống thì đó là tiền của người dương. Bởi theo các cụ, thi thoảng thứ họ nhận được sau mỗi giao dịch thường là vàng mã, tiền âm phủ, lá cây, vỏ hến, đá cuội… Dù vậy, mọi người đều vui vẻ và coi đó là điềm lành, hứa hẹn một năm buôn bán, làm nông nghiệp thuận lợi.
Tục hát quan họ trong chợ ma ở Bắc Ninh: Chợ tan vào lúc canh Ba (sau 12 h đêm), nhưng nhiều người vẫn ở lại để quây quân trà nước, đối đáp quan họ.
Tục hát quan họ được cho rằng bắt nguồn từ việc đãi quân của bà Quý Minh thời Trần, nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ. Nơi tổ chức là bãi đất chợ Âm Dương xưa. Ngoài ra theo dân gian, hoạt động ca hát còn thay lời bày tỏ tình cảm, sự tri âm, góp phần xoa dịu người đã mất, giúp linh hồn người thân của họ cảm thấy ấm lòng hơn trong dịp đầu năm mới.
NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH.
CHỢ LÀNG XUÂN Ó:
Bãi chiến trường hồ Lãng Bạc:
Truyền thuyết kể rằng, nơi đây trước kia là hồ Lãng Bạc, một vùng nước rộng lớn kéo dài từ sông Đuống đến sông Cầu, trải rộng ở vùng Tiên Du ngày nay.
Năm 40 SCN, cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng chống lại thái thú Giao Chỉ lúc này là Tô Định khiến hắn phải bỏ chạy về nước. Hai năm sau, nhà Hán do tướng giặc Mã Viện chỉ huy đã mở một cuộc thảo phạt lớn xuống phía Nam. Khu vực hồ Lãng Bạc trở thành bãi chiến trường cướp đi sinh mệnh của nhiều binh sĩ, thi thể của họ nằm rải rác khắp hồ mà không được chôn cất. Quạ kéo đến rất đông, phủ kín một vùng rộng lớn. Khi người dân từ dọc ven sông Hồng đến đây khai phá trồng lúa nước, lập thành làng, họ đã đặt tên là làng Ó (quạ).
Từ Ma Ổ Trang đến Chiêu sát tự, sự xuất hiện của phiên chợ GÀ ĐEN:
Sau chiến thắng, Mã Viện đã lập một ấp trạm tại đây gọi là “Ma ổ trang”. Nhưng vì nơi đây đầy rẫy những gò đống chôn người, nên dân chúng thường sợ hãi vì bị ma quỷ quấy phá. Một bà thương lái sau đó đã lập nên ngôi chùa gọi là Chiêu sát tự để làm lễ siêu sinh cho các vong linh chiến binh đã tử trận. Dần dần, thân nhân của các tử sĩ cũng tìm đến đây, mua mã đốt để siêu sinh, cầu an. Và nơi đây dần hình thành chợ chuyện bán vàng mã gọi là chợ Âm Dương.
Trải qua nhiều triều đại đô hộ phương Bắc, số người bỏ mạng tại đây càng cao khiến âm khí rất vượng. Năm 886, Cao Biền được nhà Đường cử sang tiếp quản Giao Châu có đời cát cứ từ Long Biên sang Đại La. Cao Biền có nuôi 100 âm binh để yểm bùa, lấy tiết gà đen sẽ trừ được tà khí. Người dân làng Ó biết vậy cũng mua gà đen về. Từ đó, chợ Âm Dương có thêm mặt hàng gà đen để trừ tà vào dịp đầu năm.
Năm 1225, khi Nhà Trần nối ngôi nhà Lý, có tích kể về Huệ Nương, con gái của một vương hầu thời Lý, chồng mất trong chiến trận khi bà đang mang bầu. Bà đã tìm về nơi làng Ó và sinh một người con gái. Người con ấy sau này trở thành bà Quý Minh- danh tướng có công đánh giặc Nguyên Mông giúp nhà Trần. Khi nhà Trần kêu gọi các nơi tìm người tài để giúp nước thì bà Quý Minh đã huy động được hơn 1000 quân, huấn luyện binh sĩ tại bãi đất, nơi họp chợ Âm Dương. Để động viên tinh thần quân sĩ, bà còn mở hội hát quan họ, từ đó mà hoạt động chợ Âm Dương còn có thêm hoạt động hát đối đáp quan họ.
(Theo ông Nguyễn Thanh Tuỵ, Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử làng Ó)
Một cụ cao niên khác ở làng Ó cho biết: Chợ Âm Dương còn được biết đến với tên gọi là chợ Gà Đen do nơi đây bán nhiều gà đen. Người ta mua gà đen từ ngày 4 để đến ngày ngày 8 tháng giêng, họ tham gia dự Cỗ Kén (chọn mâm cỗ đẹp) giữa Lục Giáp (6 Giáp – các đơn vị dân cư của làng) . Nhiều người tin rằng nếu mâm cỗ của họ được chọn là Cỗ Kén thì cả năm sẽ may mắn, làm ăn phát đạt.
CHỢ ÂM DƯƠNG ở CHỢ CHẰM
Tọa lạc tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, "chợ Âm Dương" - còn được biết đến với tên gọi "Chợ Chằm", đóng vai trò như một chợ dân sinh nhỏ, phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân trong xã cũng như các khu vực lân cận. Giống với chợ làng Ó, chợ Chằm cũng bắt nguồn từ vùng đất xưa là chiến trường đẫm máu, người dân cho rằng nhiều linh hồn do chết oan không thể siêu thoát thường lên dương thế rong chơi, đặc biệt vào những dịp họp chợ.
Chợ này không hoạt động liên tục, mà chỉ tổ chức vào các ngày mùng 4, 9, 14, 18, 24, 28 hàng tháng theo lịch âm.
Tuy nhiên, phiên chợ đặc biệt duy nhất vào ngày mùng 4 tháng Giêng (4/1 âm lịch) được gọi là "chợ Âm Dương". Nhiều người đii mua bán hay bị đưa tiền giả, mang về nhà mới biết (tiền xu bị biến thành đất, lá chuối khô,...). Người dân nghi là do các oan hồn chiến sĩ đã về đi chợ mua hàng, họ trả tiền âm phủ, ở chợ có quá nhiều âm khí nên không nhận ra được.
Lúc đầu, họ đã cố gắng xua đuổi những linh hồn này bằng nhiều biện pháp tâm linh, nhưng không thành công do âm khí quá nặng. Cuối cùng, người ta nghĩ ra cách dùng một chậu nước đặt trước gian hàng. Để kiểm tra tiền, họ chỉ cần thả tiền vào nước. Nếu tiền chìm, đó là tiền thật; nếu tiền nổi, đó là tiền âm. (chỉ với tiền xu ngày xưa).
Ngày nay người ta không còn tổ chức họp chợ vào ngày Mùng 4 nữa và dành hẳn chợ Âm Phủ cho người âm. Thay vào đó họ tổ chức hoá vàng vào sáng Mùng 4, để người thân đã mất có tiền đi chợ. Dần già trở thành phong tục của làng, tạo ra nét khác biệt về quan niệm so với dân vùng khác.
Trên là 2 khu chợ Âm Dương nổi tiếng được báo chí, nhiều người đề cập đến. Năm 2022 Khu chợ Âm Dương ở làng Xuân Ó ,Bắc Ninh chính thức được phục dựng và hoạt động trở lại, mang nhiều ý nghĩa về văn hoá. Thể hiện tinh thần nhớ ơn và thờ cúng tổ tiên.
CHỢ ÂM PHỦ, CHỢ CỦA MA QUỶ.
Trong văn hóa dân gian, nhiều câu chuyện bí ẩn về những phiên chợ của thế giới âm phủ đã lan truyền khắp cả nước. Những chợ này, còn được gọi là "Chợ Âm Phủ", mở cửa vào buổi đêm trên những mảnh đất trống - nơi từng là chiến trường, nơi chôn cất, hoặc thậm chí trên nền tảng của những chợ bình thường. "Chợ Âm Phủ" chỉ phục vụ cho những hồn ma, và không phải ai cũng có thể thấy chúng, chỉ khi họ có duyên hoặc rơi vào cảnh ảo giác của chúng.
Trong "Chợ Âm Phủ", đủ loại hàng hóa như trong chợ thông thường đều có mặt. Người ta mặc cả, thương lượng bằng vàng mã.
Theo câu chuyện mà một người cao tuổi từ miền Tây kể, trong quá khứ, một "Chợ Âm Phủ" đã hình thành sau một trận không kích của Pháp vào một khu chợ đang hoạt động. Những hồn ma không siêu thoát hay trêu chọc người dân xung quanh, mà thậm chí còn chèo kéo họ vào chợ ma. Người dân trong vùng đã tìm đến một thầy pháp, thầy đã khuyên họ trồng những cây xương rồng đã được phù phép xung quanh 4 góc chợ. Từ đó, hình ảnh của những hồn ma không còn xuất hiện nữa.
** MỘT SỐ PHIÊN CHỢ ÂM- DƯƠNG KHÁC (tham khảo)
1. Chợ Cao Thượng, tỉnh Bắc Giang :
Chợ họp tại sân cỏ rộng chừng trên 1.000 m2 sau đình Cao Thượng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang chỉ họp đúng vào ngày mồng 2 Tết và cũng chỉ họp từ 2 giờ sáng cho đến khi hừng đông thì tan chợ. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, ngày xưa làng họ thờ thần Bạch Hổ, thần này không chỉ biểu thị quyền uy, sức mạnh, trừ tà ma mà còn cầu mưa và cầu cho mọi sự phát triển. Thần này được tôn vinh như một sơn thần, và phiên chợ trong làng có thể liên quan đến việc thờ thần Cao Sơn Đại vương, cho thấy phiên chợ âm dương đã tồn tại từ xa xưa. Một giả thuyết khác cho rằng, trong thời kì Khởi nghĩa nông dân Yên Thế, thực dân Pháp coi Cao Thượng- Luộc Hạ là nơi cung cấp nhân lực và vật lực, đồng thời là trạm liên lạc với nghĩa quân Cao Biều Tổng Bưởi, Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân và Nghĩa quân Bãi Sậy. Cao Thượng là cửa ngõ vào Yên Thế, là địa điểm thường xuyên diễn ra chiến đấu. Có nhiều người mất trong các trận chiến, hồn ma vất vưởng có thể đã khởi đầu cho việc mở chợ tại đây.
2. Chợ Ma Liên ở Phú Yên (nay chợ ở thuộc thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An):
Chợ Ma Liên, còn gọi là chợ Mỹ Quang, nằm ở thôn Mỹ Quang, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nó cách chợ Xổm khoảng 2.5km theo hướng Đông từ Quốc lộ 1A. Cả hai chợ này đều tổ chức theo âm lịch, vào các ngày mùng 1, 11, 21 và mùng 6, 16, 26 hàng tháng.
Tại Ma Liên, có Cồn Xương, nơi các vua chúa Nguyễn đã hành hình hàng ngàn người trong phong trào “Bình Tây sát tả” để thanh trừng những người theo Thiên Chúa giáo. Khi phong trào kết thúc, người dân xây dựng đình để cúng tế những hồn ma vào tháng 3 âm lịch hàng năm.
Chợ Ma Liên ngày xưa không lớn, chỉ gồm hai hàng lều lá với một con đường giữa. Nó họp vào buổi chiều, phục vụ việc mua bán của người dân. Truyền thuyết nói rằng, có ma thường đến chợ và sử dụng tiền giả. Vì vậy, người dân phải dùng thau nước để kiểm tra tiền. Một số người còn bị ma kêu gọi mua đồ, sau đó để đồ tại chỗ cũ cho ma đến lấy.
3. Chợ Mảnh Ma (hoặc Mạnh Ma hay Mãnh Ma) ở vùng Quảng Yên (thuộc tỉnh Quảng Ninh), theo hành chính xưa là Tỉnh Quảng Yên, dưới triều Nguyễn:
Chợ họp hằng năm vào ngày mùng 1 tháng 6, người âm phủ được tự do lên dương thế buôn bán. Xuất hiện trong câu chuyện liêu trai của một cặp vợ chồng phú ông ở Nam Định tìm lại vong hồn người con gái đã mất của mình. Khi nghe đồn tới chợ Mảnh Ma, ông bà tìm tới và cải trang thành người bán cau mà gặp được con gái trong hư cảnh, còn biết mình có một người "rể ma", người con rể cảnh báo ông bà về tội nghiệp ở đời, còn dẫn 2 người xem cái gông có khắc tên ông bà mà Diêm Vương bày sẵn. Sau khi trở về đương thế 2 người tu tâm tích đức để nhẹ tội nghiệp, từ đó sống an nhàn thanh thản hơn.
4. Chợ chiếu Định Yên ở Đồng Tháp:
Khu vực nổi tiếng với làng chiếu và có một chợ đầy truyền thống: chợ Ma. Chợ này tổ chức trên một gò cao trong khuôn viên chùa An Khánh, thuộc ấp An Khương, bên bờ sông Ngã Cạy, chuyên kinh doanh chiếu và vật liệu để tạo ra chiếu. Chợ được gọi là chợ Ma vì nó chỉ hoạt động vào ban đêm. Mỗi đêm, phụ nữ trong làng mang theo chiếu trên đầu, đuốc trong tay, lội qua nước để đến chợ. Thương nhân trên những con thuyền neo bên bờ sông thắp đèn dầu để mua chiếu khi họ nhìn thấy ánh lửa từ những người bán. Giao dịch diễn ra trong ánh đèn dầu, và chợ tan khi mặt trời mọc - theo báo Thanh Niên
5. Chợ Đà Lạt cũng gọi là Chợ Âm Phủ .
Lý do cho tên gọi kỳ lạ này là do, trong quá khứ, chợ hoạt động vào ban đêm trong khi đường phố vẫn chưa được lắp đèn. Những gánh hàng rong, quán ăn nhỏ chỉ được soi sáng bởi ánh đèn dầu mờ ảo, còn sương mù dày đặc của Đà Lạt tạo nên một bức tranh huyền ảo với ánh sáng lẳng lơ trong màn đêm. Từ đó, cái tên "Âm Phủ" ra đời, gắn liền với chợ Đà Lạt.
(Có 2 chợ cuối là không có yếu tố tâm linh- do họp chợ vào ban đêm nên ví von là chợ Âm Phủ, ngoài ra còn nhiều chợ khác chúng mình chưa có tư liệu cụ thể)
Ý NGHĨA
Chợ Âm Dương minh họa sự kính trọng của người Việt đối với những người đã mất. Đây cũng là biểu hiện của khát vọng hòa hợp giữa thế giới sống và thế giới khuất, một sự hiện diện tinh thần nhân văn rõ rệt trong văn hóa Việt. Người ta tin rằng, Chợ Âm Dương là cơ hội duy nhất trong năm mà các hồn ma có thể trở lại thế gian.
Dù những câu chuyện kỳ lạ về Chợ Âm Dương đã giảm dần với thời gian, nhưng nó vẫn là một phần quan trọng trong niềm tin và văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam. Mỗi năm, chợ vẫn được tổ chức, làm chứng cho sự hiện diện mạnh mẽ của văn hóa tâm linh trong cuộc sống hàng ngày của người Việt.
—