Trong dân gian ta có một phong tục rất kỳ lạ: Khi nhà có người mới mất, người thân trong nhà cầm theo áo người chết (tay phải cầm cổ áo, tay trái cầm hông áo) tìm đường trèo lên mái nhà - nơi cao nhất mà “hú hồn hú vía": kêu 3 hồn bảy vía với nam, và ba hồn chín vía với nữ. Điều đó mang lại hy vọng rằng linh hồn người chết nếu có “rong chơi" sẽ trở về, hay chí ít biết đường về nhà mà không bị vất vưởng. Sau đó người ta đem cái áo đắp lên người chết hay treo ở gian thờ (có ý kiến cho rằng đem treo trước cửa), cốt để đánh dấu đường về cho hồn. Tục đó nhiều nơi gọi là tục phục hồn, chiêu hô hay dân dã hơn là tục hú hồn hú vía.
Ngày nay, chúng ta thường nghe nhắc đến "ba hồn - bảy vía" hay các cụm từ như "hết hồn", "hú hồn", "hú vía" khi trải qua những tình huống đáng sợ, gây giật mình. Vậy hồn vía là gì mà dân gian ta luôn quan niệm rằng mất hồn là mất tất cả, là chết đi? Và tại sao với những người bị ma giấu, ma da kéo… các thầy phải lặp đàn xin lại hồn, vía? Mời bạn đọc tìm hiểu với MQDGK qua đêm trăng này nhé.
HỒN- VÍA LÀ GÌ? (PHÁCH LÀ CÁCH GỌI VÍA CỦA ĐAO GIÁO, DỄ THẤY Ở KHU VỰC PHÍA BẮC, PHÁCH VÀ VÍA LÀ MỘT)
** Hồn là thực thể tinh thần mà tôn giáo và triết học duy tâm cho là độc lập với thể xác, khi nhập vào thể xác thì tạo ra sự sống và tâm lí của con người.
** Vía là yếu tố vô hình phụ vào thể xác mà tồn tại, được coi là tạo nên phần tinh thần của mỗi người, khi người chết thì cũng mất đi (khác với hồn, độc lập với thể xác), theo quan niệm duy tâm của người xưa.
(Theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê)
Mọi người bình đẳng trước Hồn, vía. Ai cũng có thể xác và hồn, vía. Lúc chết thì thể xác bị tiêu diệt, vía mất đi, nhưng hồn thì vẫn tồn tại ở đâu đó.
Một hình dung khác: “Hồn" bao gồm cả yếu tố lý trí và dục vọng, đại diện cho năng lực trí tuệ và tình cảm, tương đương với trí óc và trái tim của con người. Trong khi đó, "vía" là một khía cạnh hồn vật chất, đảm nhận vai trò duy trì sự sống của thể xác và điều khiển các chức năng thứ cấp.
KHÁI NIỆM “BA HỒN- BẢY VÍA”:
Cụm từ 'ba hồn bảy vía' tương đương với 'tam hồn thất phách' (三魂七魄). Đây là một quan niệm của Đạo Giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc đã du nhập và gắn bó sâu sắc với văn hóa Việt Nam từ bao đời nay (Xem thêm phần nguồn gốc).
Đạo Giáo coi con người như một thế giới nhỏ, một vũ trụ tinh thể của nhiều linh hồn độc lập sống chung trong cơ thể. Theo Đạo Giáo, linh hồn của con người được hình thành từ ba hồn và bảy phách (vía). Hồn Dương bao gồm ba hồn, nắm giữ tinh thần, ý thức và trí tuệ, cư trú trong gan. Khi bất tỉnh, hồn có thể rời khỏi thân xác, và sau khi qua đời, nó sẽ đi vào cõi âm hay cõi thiên. Ba hồn bao gồm:
1. U tinh (幽精): Thể hiện khả năng hấp dẫn và xu hướng tình dục. Nếu "U tinh" bị tổn thương, người sẽ mất hứng thú với cuộc sống xung quanh và đời sống tình dục có thể bị ảnh hưởng. Người ta thường nói “bị ai đó lấy mất hồn”, “tinh thần chán nản”, “hồn xiêu phách tán” là nói về hồn này
2. Thai quang (胎光): Là nguồn sức sống trong cơ thể .Thai Quang do ánh sáng của trời chuyển hóa, thường khiến người ta cảm thấy sinh khí, khiến thể xác và tinh thần bình tĩnh, và có thể đạt được tuổi thọ. Nếu một sinh mệnh không còn Thai Quang thì người đó quả thật đã chết.
3. Sảng linh (爽灵): Quyết định khả năng trí tuệ của con người. Thỉnh thoảng, "Sảng linh" sẽ rời xa cơ thể vào ban đêm, gây ra hiện tượng mơ, và khi tuổi già, nó dần mất đi.
Bảy vía tạo thành linh hồn vật chất của con người, được xem là khía cạnh m của linh hồn. Chúng cai trị các bộ phận cứng rắn của cơ thể, gồm những bản năng và khả năng sinh tồn tự nhiên. Chúng có hình dạng kỳ quái và hoạt động trong đêm tối khi ý thức mờ mịt. Vía gắn liền với cơ thể và tiếp tục tồn tại sau khi chết, hòa tan vào cơ thể. Bảy vía bao gồm:
1. Xú phế (臭肺): Điều chỉnh hô hấp của cơ thể. Nếu bị tổn thương, người sẽ có hiện tượng ngáy và ngưng thở khi ngủ.
2. Trừ uế (除秽): Loại bỏ các chất độc
hại khỏi cơ thể thông qua nước tiểu và phân. Khi yếu, phần phách này dẫn đến tình trạng đái tháo đường ở trẻ em và thức dậy thường xuyên để đi tiểu ở người lớn.
3. Phi độc (飞毒): Điều chỉnh nhiệt độ cơ thể bằng cách phân tán các vùng quá nhiệt và quá lạnh. Nếu bị tổn thương, người ta sẽ cảm thấy lạnh hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm.
4. Thôn tặc (吞贼): Chống lại các mầm bệnh bên ngoài, giống như khái niệm hiện đại về hệ miễn dịch.
5. Tước âm (雀阴): Quyết định khả năng tình dục. Sức khỏe của phần phách này ảnh hưởng đến thời gian hồi phục sau hoạt động tình dục.
6. Phục thỉ (伏矢): Kiểm soát tiêu hóa trong giấc ngủ. Trạng thái phục thỉ (mũi tên ẩn) tốt sẽ giúp tiêu hóa đạt hiệu quả khi ngủ và giữ gìn sức khỏe.
7. Thi cẩu (尸狗): Nếu hoạt động quá mức, người sẽ trở nên bồn chồn và dễ tỉnh giấc. Trái lại, nếu hoạt động không đủ, người sẽ ngủ rũ và mù quáng trước nguy hiểm trong môi trường sống."
NGUỒN GỐC QUAN NIỆM:
(theo bài viết Ba Hồn Bảy Vía trên báo Sài gòn Giải Phóng- tác giả Lê Anh Minh có giải thích, sau là phần mình biên tập lại.)
Hồn và phách, những khái niệm vốn thuộc về Trung Quốc và đặc biệt là Đạo giáo, đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam, nơi chúng được gọi là hồn và vía thay cho hồn phách. Trong thời kỳ Sĩ Vương (137?-266) cai trị Giao Chỉ (187-266), Trung Quốc đang trong tình trạng loạn lạc, khiến các nhà Nho gia và danh sĩ đời Hán phải trốn sang Giao Chỉ để tìm nơi ẩn náu. Trong số họ, có không ít những đạo, thần y tài giỏi sang hành nghề. Điều này cho thấy khái niệm về hồn-phách có lẽ đã được nhập khẩu vào đất nước ta từ thời điểm này và phổ biến trong dân gian.
Ngoài ra còn một số quan niệm khác mang tính bản địa hơn:
Tục truyền rằng Hưng Đạo vương đại thắng quân Nguyên, bắt sống được tên phản bội tổ quốc Phạm Nhan.
Hưng Đạo vương cho đem Phạm Nhan về làng An Bài hành hình rồi vứt xác xuống sông.
Lúc bấy giờ trên khúc sông ấy có hai người đánh cá kéo lưới được cái đầu lâu, bèn khấn rằng:
- Nếu có linh thiêng thì phù hộ cho chúng tôi được nhiều cá, chúng tôi sẽ đem mai táng ngay.
Quả nhiên hai người ấy bắt được nhiều cá gấp bội mọi ngày, liền đem cái đầu lâu chôn ở trên bờ sông.
Về sau, những khi hai người đánh cá đi chợ qua chỗ ấy, thường hay rủ thần (Phạm Nhan) đi chơi, lâu ngày thành quen. Hai người đánh cá cùng với thần thành ba, cho nên tục gọi là "ba hồn". (theo Vũ Phương Đề, sđd, tr. 279.)
QUAN NIỆM KHÁC CỦA NGƯỜI VIỆT VỀ HỒN PHÁCH:
Mặc dù Việt Nam tiếp thu quan niệm từ Đạo Giáo Trung Quốc khiến tư tưởng, tên gọi và quan niệm có một số thay đổi, như gọi "VÍA" thay vì "PHÁCH" và có sự khác biệt về số lượng VÍA (PHÁCH) giữa nam và nữ. Cụ thể như sau:
Đối với người Việt, họ tin rằng nam giới có 7 vía, còn nữ giới có 9 vía. Lý do cho quan niệm này có thể xuất phát từ quan điểm về số lỗ trên cơ thể: nam giới có "thất khiếu" (7 lỗ) và nữ giới có "cửu khiếu" (9 lỗ). Các vía này đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết cơ thể, mỗi vị trí đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau, như hô hấp, tiêu hóa, sinh sản và nhịp tim.
Sách "Xuân vũ dật thưởng" ghi lại rằng khi con người mới sinh ra, họ sống được 7 ngày, được gọi là Lạp hoặc Cữ, và lúc này mới có một vía. Sau 49 ngày, đứa trẻ mới đủ 7 vía để trở thành một con người hoàn chỉnh. Tiếp theo, sau 100 ngày, đứa trẻ sẽ tròn 1 tuổi (bao gồm cả 9 tháng thai nhi trong bụng mẹ). Bé trai được coi là đầy Cữ sau 7 ngày, còn bé gái thì sau 9 ngày.
Cũng trong tác phẩm "Vân đài loại ngữ", Lê Quý Đôn đã viết: "Tục nước ta sinh con được 3 ngày thì chỉ cúng mâm cỗ Thuần Dưỡng Bà. Đến ngày thứ 7, thứ 9, đầy 100 ngày thì cúng cáo gia tiên, tổ chức yến tiệc linh đình".
Khi người ta qua đời, mỗi 7 ngày được coi là một kỳ tang, và mất đi một vía. Sau bảy lần cúng kỳ tang, đến kỳ cúng tuần Chung thất (49 ngày) thì xem như đã hết vía. Sau 100 ngày, cúng Tốt khốc (thôi khóc). Theo quan niệm dân gian, sau 100 ngày, hồn vía người đã hoàn toàn thoát ly khỏi thân xác, và họ đã chết thực sự. Lúc đó, người thân chỉ còn niệm tưởng và thương nhớ người đã mất trong lòng mà không còn khóc nữa. Lễ cúng bên cạnh mâm cơm chay và mặn
thông thường, còn kèm theo đèn nhang, bông trái và trà nước. Ngày giỗ đầu được gọi là lễ Tiểu tường, giỗ thứ hai là lễ Đại tường. Từ đó về sau, người ta chỉ còn cúng người đã mất vào dịp giỗ và Tết.
Theo quan niệm của nhà Phật, linh hồn của người đã qua đời phải trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày, trước khi có thể siêu thoát.
MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG/ TỤC DÂN GIAN LIÊN QUAN TỚI HỒN - VÍA:
1/ GỌI HỒN NHẬP XÁC (tục hú hồn hú vía)
Trong quan niệm dân gian, khi hồn vía rời khỏi thân thể, người ta coi như đã chết và không thể quay trở lại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt khi hồn vía có thể nhập trở lại thân thể. Do đó, người Việt thường có tục lệ gọi hồn.
** Đối với người Kinh: Khi ai đó mắc bệnh nặng, hoặc bất tỉnh sau một sự chấn động mạnh, hồn vía có thể rời khỏi thân thể, gây ra tình trạng gọi là "hồn xiêu phách tán". Người bị nạn thường có biểu hiện thân thể cứng đờ, mắt mất ánh nhìn, đồng tử không hoạt động, miệng hở ra hoặc khép chặt, thở rất yếu, và tai điếc không nghe thấy âm thanh.
Để trả lại sự sống cho họ, người nhà thường thực hiện nghi thức gọi hồn. Họ có thể trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã ba đường, trong khi vẫn gọi hồn vía của người bị nạn, mong rằng họ sẽ quay trở lại. Câu gọi hồn phổ biến là: "Bớ ba hồn bảy vía ông… ở đâu thì về với con cháu".
Dân gian có nhiều cách "gọi hồn" hy vọng người bị nạn có thể sống lại. Ở một số vùng miền Bắc Bộ, đối với những người chết đuối, người thân sẽ dùng sàng, sàng qua sàng lại và gọi là "chao vía" để mong vía của người bị nạn trở lại thể xác.
** Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía tương tự, nhưng phân biệt thêm là có vía lành và vía dữ. Khi chết, hồn vía rời xa xác và đi sau cùng. Ví dụ, người Tày và Nùng không sử dụng cách gọi hồn như người Kinh, thay vào đó, họ tổ chức hát then và cúng tế để gọi hồn người chết trở về.
Sở dĩ người ta “ gọi hồn” người chết trở về ngoài mong muốn người thân tỉnh lại còn nguyện cầu nếu chuyện chẳng lành xảy ra (người qua đời thật) thì linh hồn của họ không phải lang thang mà trở thành mồi ngon cho ma quỷ.
**Tục gọi hồn/vía liên quan trẻ em:
- Theo Dumoutier thì khi một đứa bé bị ngã, người ta cho rằng nó bị bà mụ bỏ rơi, không bảo vệ. Phải làm lễ cúng (mụ) bằng 7 quả trứng và 7 nắm cơm nếu là con trai hay 9 quả trứng và 9 nắm cơm nếu là con gái, đặt xuống đất, chỗ đứa bé bị ngã. (theo Gustave Dumoutier, Essai sur les Tonkinois, Schneider, 1908, tr. 29.)
- Con trẻ mà đau thì hoặc vì gặp người xấu vía quở (như khen đẹp, khen béo), hoặc vì ngã mà mất vía , thì cha mẹ phải lễ bà mụ hay là hú vía cho nó.
-Theo quan niệm của người Hà Nhì (Cực Tây Việt Nam- Điện Biên Phủ), khi mùa mưa đến, những cơn mưa triền miên mang theo sấm sét làm cho con cháu bị giật mình, một phần hồn vía bị bay mất nên phải làm lễ “gọi hồn” về trước khi đón tết. Người thực hiện nghi lễ này phải là nữ, thường là chủ nhà hoặc 1 người hiểu biết về tín ngưỡng, tâm linh. Chủ lễ sẽ đọc tên lần lượt các con, cháu trong gia đình và gọi hồn họ quay trở lại. Cùng với đó là cầu mong sức khỏe và bình an cho mọi người. (Theo báo Lao Động)
2/ TỤC ĐỐT VÍA:
Gs.Đào Duy Anh cho biết có vía xấu, vía tốt. Dân gian gọi là vía dữ, vía lành.
- Người ta tin rằng gặp người có vía dữ, cũng như gặp vía các thần linh hoặc ma quỷ có thể là nguồn gốc của bệnh tật.
Trẻ sơ sinh khi có người dữ vía tới thăm thì khóc không thôi, có khi phát sốt, phát nóng.
Trong trường hợp này, người nhà phải đốt vía, dùng lá nón mê, chổi cũ đốt, vừa đốt vừa đọc câu chú đuổi vía dữ. Đốt vía xong, đứa trẻ sẽ hết khóc hoặc nếu có sốt nóng cũng sẽ khỏi (Toan Oánh - Toan Ánh, Phong tục Việt Nam, sđd, tr. 461.)
Đốt vía ngày này vẫn còn tồn tại dưới hình thức đốt phong long ở những hộ kinh doanh buôn bán:
- Người buôn bán tin rằng nếu gặp khách hàng đầu tiên có vía xấu, trả giá nhưng không mua gì cả, thì các khách hàng tiếp theo sẽ bắt chước không mua.
Muốn đốt vía người ta thường dùng chổi cũ hoặc nắm lá gồi, đốt lên soi chung quanh gánh hàng đang bán, vừa soi vừa nói: Đốt vía đốt van, vía lành thì ở, vía dữ thì bước!
Ngày nay ngươi ta chỉ mô tả hành động bằng cách đốt giấy rồi quơ xung quanh. Sau đó nhảy qua lại tàn tro.
(tham khảo)
3/ MA QUỶ LÚC NÀO CŨNG THÈM KHÁT LINH HỒN.
Từ rất lâu đời, Ma quỷ tượng trưng cho những linh hồn còn chấp niệm chưa siêu sinh mà tồn tại vất vưởng, chúng tìm mọi cách hù dọa, nhằm để người ta “ hoảng hồn/ vía” hay “ hú hồn/ vía” mà xuất hồn ra khỏi cơ thể. (khi bất tỉnh). Chúng sẽ hấp thụ linh hồn đó hay dùng điều khiển như một “gia nô” dưới trướng.
Ngoài ma quỷ người ta còn cẩn trọng với những người thầy bùa, hay giới tu luyện tà thuật hay bắt hồn vất vưởng để nuôi thành Âm Binh.
Những người bị Ma Quỷ dọa thường phải có thời gian để hoàn hồn phách:
Đó chính là lý do nhiều người sau khi gặp ma thường ú ớ không kể được mà phải để một thời gian sau, có thể sau một trận đau bệnh mới có thể định thần. Khí đó các giác quan và tâm trí trở lại bình thường.
-Một số trường hợp bị bắt hồn vía trở nên điên dại, mất ý thức. Đòi hỏi thời gian dài hồi phục hoặc có người giúp giải quyết chuyện tâm linh. mới mong bình phục phần nào.
3/ TẠI SAO CÓ NGƯỜI NHẸ VÍA?
Ai sinh ra may mắn có hồn vía toàn vẹn thì có thể sống bình thường. Một số người sinh ra vào những thời điểm khí đất trời không tốt, dẫn đến 1 phần hồn vía bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng NHẸ VÍA/ YẾU BÓNG VÍA, dễ sinh ảo giác, hay mơ mộng, hay thấy được ma quỷ.
Chính vì thế cũng đừng vội phán xét những người hay gặp ma rằng họ mộng mị mê tín, mà là do chúng ta có Hồn/ Vía không giống nhau.
Và còn nhiều vấn đề khác liên quan mà trong phạm vi hiểu biết bọn mình chưa thể trình bày hết, MQDGK rất mong nhận được ý kiến, câu chuyện các bạn dưới phần bình luận.
KẾT LUẬN
Sau khi khám phá về khái niệm Hồn Phách trong văn hoá dân gian, chúng ta có thể thấy rằng nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và tư tưởng của người dân. Hồn được coi là tinh linh, đại diện cho năng lực trí tuệ và tình cảm, trong khi Phách là hồn vật chất sinh dưỡng, chủ trì sự sống của thể xác.
Tuy các quan niệm có thể khác nhau trong từng vùng miền và dân tộc, nhưng chung quy lại, hiểu biết về Hồn Phách đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, mang đến sự niềm tin và hy vọng cho con người trong việc bảo vệ và khôi phục sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
BÀI VIẾT DỰA TRÊN QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN, BIÊN TẬP TỪ NHIỀU NGUỒN THAM KHẢO ĐỂ GIÚP MỌI NGƯỜI HIỂU THÊM VỀ CÁC KHÁI NIỆM TÂM LINH QUEN THUỘC CỦA NGƯỜI VIỆT. KHÔNG TUYÊN TRUYỀN CỔ SUÝ MÊ TÍN DỊ ĐOAN.
Bình luận facebook