-
ĐÊM TRĂNG THỨ 53: THỜ HỔ
Tại Hàn Quốc, có một truyền thuyết về Chang-Gwi, được xem là hồn ma của những người bị hổ ăn thịt. Những linh hồn này bị mắc kẹt giữa hai thế giới và không thể siêu thoát. Sự uất hận của Chang-Gwi khiến họ căm ghét những người đang sống và cố gắng dụ dỗ người ta vào rừng để hổ ăn thịt. Mặc dù câu chuyện này xuất phát từ một quốc gia khác, nhưng có nhiều điểm tương đồng với truyền thuyết về loài Ma Trành trong văn hóa người Việt, như đã được MQDGK giới thiệu trong một bài viết trước đây, tạo nên một "cầu nối" văn hoá thú vị về loài hổ trong các quan niệm tâm linh.
Không chỉ trong những câu chuyện ghê rợn, hình tượng hổ còn xuất hiện trang trọng tại các khu vực thờ tự ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam... Hổ hiện diện trong chu kỳ âm lịch và đứng ở vị trí thứ ba trong chuỗi 12 con giáp (linh vật), có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo với các hình tượng như Sơn Thần, Thần Tướng. Đồng thời, chúng còn trở thành biểu tượng quốc gia của nhiều đất nước như Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia và Hàn Quốc…
Không nằm ngoài dòng chảy văn hóa khu vực, cũng là một quốc gia “rừng vàng biển bạc” với lịch sử khai phá lâu đời, liệu Việt Nam chúng ta có những bản sắc gì khác biệt trong tín ngưỡng liên quan đến loài hổ?. Trong đêm trăng này mời bạn đọc cùng MQDGK tìm hiểu chủ đề Thờ Hổ ở Việt Nam.
Tổng quan loài hổ:
Từ những kiến thức khoa học phổ thông hổ, chúng ta biết rằng hổ còn được gọi là cọp hoặc hùm, thuộc vào họ Mèo và được phân loại vào nhóm "mèo lớn" trong chi Panthera. Hổ là loài động vật ăn thịt, dễ nhận biết nhất bởi vẻ ngoại hình với các vằn sọc dọc sẫm trên bộ lông đỏ cam, và phần bụng trắng. Tùy thuộc vào vùng địa lý, sự lai tạo hoặc đột biến gen, một số loài hổ có thể có màu lông trắng, xám đậm, xám xanh, và có thể kích thước cơ thể lớn hơn so với hổ thông thường. Tính chất đặc biệt này đã khiến cho nhiều người xem hổ như một "sinh vật huyền bí".
Tên gọi hổ của người Việt:
* Tên “cúng cơm”:
Con hổ, con hùm, con cọp. Tuỳ vào giống khu vực phân bố sẽ có hổ Hoa Nam (Trung Quốc), hổ Bengal (Ấn Độ), Hổ Siberia (Hàn Quốc) , Java ( bán đảo indonesia, Đông Dương)...
* Trong văn hoá tín ngưỡng:
Người dân phân biệt hổ theo màu lông, hình dáng sau đó xây dựng nên những hình tượng tâm linh khác nhau. Khi gặp một loài khác lạ họ sẽ cho rằng đó là thần tiên hay ma quỷ biến thành. Họ sẽ tôn thờ như 1 sự kính sợ.
Để tôn trọng hổ danh xưng hổ thường đi kèm “Ông/bà” , “Ngài” hay “chúa tể”.
Ví như Ông Ba Mươi, ông cọp, ông hùm, ông kễnh, ông hầm, ông khái, chúa tể sơn lâm/chúa sơn lâm, chúa tể /mãnh hổ rừng xanh, mãnh chúa sơn lâm... Dân gian miền Tây cũng có cách gọi đặc biệt khi nhắc đến hổ là “Ông Cọp”, "Ông Ba mươi" , "Ông Chằn", hay "Ông Kẹ" , “Bà um”
Dần là tên gọi của Hổ trong 12 con giáp của các nước Á Đông. Người tuổi dần, sinh vào ngày giờ dần với bản mệnh của hổ cũng cho rằng có khí chất lớn, không phải sợ ma quỷ.
Ở một số tôn giáo tín ngưỡng hổ được xem là phúc thần, là vật cưỡi của thần Phật hay quan lại trong tam giới, người ta còn phong chức tước cho hổ.
Ví như: “Quan Ngũ Hổ” trong Đạo Mẫu, Bạch nha hổ lang chi thần (thần hổ lang răng trắng)”, Lý nhĩ tướng quân”, “ Sơn quân/ Sơn Thần”,"Sơn quân chi thần," "Sơn lâm chúa xứ”, “sơn lâm mãnh hổ”, “sơn lâm đại tướng quân” (ở một số đền thờ ở Trung và Nam Bộ) hay ông Cả/Ngài Hương Cả do dân kính nể sắc phong, mặt khác chức này thường bị hổ giết nên để trống cho nó, người vào chức Hương cả sẽ chỉ gọi là Hương chủ để tránh tai hoạ.
Trong dân gian liên quan tới ma quỷ, hổ cũng đóng một vị trí đối nghịch.
+ Những con hổ tu luyện tinh tà thường có Ma Trành hộ thể thường có màu lông xám, xám xanh, dân gian gọi là Ông/ Ngài Hổ Xám khổng lồ, Hổ Trành.
+ Thần Hổ Xương Cuồng gắn liền với tục hiến tế người cho hổ tồn tại từ ngàn xưa ở làng Ngọc Cục, Hải Dương trong Vũ Trung Tùy bút (Phạm Đình Hổ) có nhắc tới.
(Xương Cuồng ở đây chỉ sự tàn bạo, ma mãnh, không chỉ cụ thể tên một loài quái vật nào, có thuyết cho rằng Thánh Quỷ Xương Cuồng mộc tinh có liên quan đến đạo thờ Hổ Xương Cuồng mà dân gian nhiều địa phương nhắc tới, tình hiểu trong truyện về Mộc Tinh.
- Trong Huyền học (Kỳ môn độn giáp) có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng 白虎猖狂 ) cho thấy có sự liên quan về cách gọi này ở nước ta nếu chiếu theo sự ảnh hưởng từ chính quyền đô hộ lúc ấy.
Ngoài ra mỗi vùng miền sẽ có cách gọi thần hổ theo nhiều tên khác nhau, bạn đọc có thể đóng góp dưới bình luận nhé!
KHÁI QUÁT HÌNH TƯỢNG HỔ TRONG LỊCH SỬ, VĂN HÓA:
Trong quá khứ, cuộc sống tự nhiên nguyên thủy đầy gian truân khi rừng cây còn dày đặc , con người và thú dữ thường sống cạnh nhau. Do đó, người Việt tôn thờ cả những hiện tượng tự nhiên và các loài vật, với niềm tin rằng "vạn vật hữu linh", “ có thờ có thiêng” tức là có sức mạnh bí ẩn tồn tại. Việc thờ Thần Núi, Thần Hổ cũng xuất phát từ niềm tin này.
- Thời tiền sử, người Việt vẫn có tập tục săn được Hổ thì lấy răng nanh Hổ đeo vào cổ để trừ tà ma. Đó là nền móng cho tư tưởng hổ có thể áp chế ma quỷ trong tâm lý người Việt.
- Thời nhà Lý, lưu hành câu chuyện thái sư Lê Văn Thịnh "hóa hổ" để làm hại vua. Hình tượng hổ được mượn để tranh đoạt quyền hành. Vừa răn đe, vừa tâm linh, tà thuật.
- Thời kỳ Trần, hình tượng hổ đã được thể hiện trên một chiếc nhang án tại chùa Xuân Lũng ở Phú Thọ.
- Chuyển dần đến thời hậu triều Lê Sơ, hình ảnh hổ xuất hiện trong lăng mộ của vị vua Lê Lợi tại Lam Kinh, với tư thế rụt cổ, vai u như đang đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ và canh gác tài sản cho người chết.
- Khi triều đại Nho giáo phát triển, hình ảnh hổ đã được khắc trên các kiến trúc công trình và thể hiện sự thành công của những người thi cử đỗ đạt thông qua thuật ngữ "Bảng hổ danh đề".
- Trong các bức bình phong tại cổng các đền chùa, hình ảnh con hổ thường được vẽ với tư thế bước xuống những bậc đá gập ghềnh. Với hình ảnh này, hổ trở thành biểu tượng của âm cung, tượng trưng cho sức mạnh của thế giới ngầm và khả năng kiểm soát linh hồn của những hành hương đến đây.
- Trong chiến trận, từ lâu hổ gắn liền với hình ảnh những vỊ tướng uy dũng, thường thuộc về quan võ, dân gian gọi là "hổ tướng". Tướng thường đội mũ đầu hổ, có hoa tiết hổ trên nón. Ghế ngồi các tướng cũng được trải một lớp da hổ, hay treo đầu hổ phía sau để thể hiện uy quyền trước ba quân. "Trướng hổ" còn là nơi bàn việc binh cơ.
Ngoài ra, người Việt còn tôn thờ "Ngũ hổ" để đại diện cho năm phương hướng: Hoàng hổ đại diện cho trung tâm, Xích hổ đại diện cho phương Nam, Lục hổ đại diện cho phương Đông, Bạch hổ đại diện cho phương Tây và Hắc hổ đại diện cho phương Bắc. Các hình ảnh này mang ý nghĩa mở cửa cầu mưa, cầu cho sự phát triển và sinh sôi nảy nở. Thậm chí, vào đêm tối ngày 30 Tết, một số người còn thực hiện việc vẽ hình hổ bằng vôi trắng tại bốn góc sân nhà để đuổi tà ma, quỷ quái, mang đến sức khỏe, an lành cho mọi thành viên trong gia đình và để cho việc chăn nuôi, trồng trọt phồn thịnh, thịnh vượng. (theo Vietnamplus - Tục thờ hổ)
QUAN NIỆM THỜ HỔ TỐT- HỔ XẤU:
Trong văn hoá Việt Nam tồn tại 2 quan điểm song song về hổ một mặt là đề cao tôn sùng sức mạnh uy nghiêm, khôn ranh của hổ mặt khác là bày tỏ quan điểm sợ hãi khinh ghét, bài trừ vì những nỗi ám ảnh do hổ gây ra (theo wikipedia).
Thờ hổ như một phúc thần/ hộ thần:
Tư tưởng thờ hổ như một phúc thần luôn thắng thế trong tâm lý người Việt. Tiêu biểu là các đền điện thờ Sơn Thần ở các đình chùa từ Bắc tới Nam. Người Bắc xem tranh hổ, bùa hình hổ như một hình tượng hộ thân, tránh yêu ma vào nhà ám hại. Ví như tranh thờ Hắc hổ có tác dụng diệt trừ quỷ Phạm Nhan, tức linh hồn quỷ quyệt của tên tướng giặc từng bị bay đầu trên đất Việt được cho rằng hay lẻn vào nhà nhập vô bà đẻ người ở cữ khiến họ sinh non, “ con ranh con lộn”.
Người Nam thì cho rằng thờ “ông ba mươi” sẽ là một cách hữu hiệu cầu công danh, sự may mắn. Nhiều câu chuyện dân gian cũng đi kèm hình ảnh hổ là con vật nghĩa tình, chung thuỷ và sẵn sàng chết cùng ân nhân mình. cho thấy hình tượng loài hổ có nhiều phẩm chất cao quý, xứng đáng với vị trí được thờ tự.
Hổ xuất hiện trong nhiều phù điêu, bình phong, tranh đắp nổi ở nhiều đình chùa, miếu mạo. Có nơi đúc tượng hổ chầu há miệng khom người, hay tượng thần tướng đầu hổ như một thế lực uy dũng, mạnh mẽ bảo vệ cho các đền thần người Việt.
Phía Bắc thờ Ngũ Hổ, càng dần về Nam hình tượng hổ đơn giản dần chỉ còn thần Bạch Hổ xuất hiện như một đấng cứu tinh, chỉ những con hổ tu tiên đắc đạo có thể chống lại các ác từ loài hổ Xám, trở thành linh thú thờ bên cạnh các bậc tiên thánh dân gian. Người dân Miền Nam còn có tục dán giấy vẽ hình hổ trước nhà, nhằm xua đuổi tà khí, như cách người Bắc treo tranh Hắc hổ.
Hổ là ác thần, nỗi ám ảnh trong tư tưởng dân gian:
Có tốt thì cũng có xấu, hình tượng hổ được thờ cũng đi kèm sự nể nang sợ hãi. Hổ là ác thần được biết đến qua các tục hiến tế người cho “hổ thần” Xương Cuồng là tục thờ loài hổ dữ tồn tại ở nhiều địa phương từ thuở hồng hoang mở cõi. Trong chuyện truyền miệng của một số dân tộc ở phía Bắc và vùng rừng núi miền Trung không khó bắt gặp hình tượng ông Bạch Hổ (ác) hay Hổ Xám được cho là “thành tinh” với những đốm đỏ ở tai, thù con người và có đội quân “ma Trành” hổ thể. Nhiều người cho rằng chọc giận hổ, giết hổ sẽ phải trả giá bởi cái chết do sự thù hằn của nó, ngoài ra hổ còn được cho là có thể làm cho mùa màn thất bát. Họ thường lập đền thờ, phong chức tước cho hổ “ sơn lâm đại tường quân”, “sơn quân chi thần”, “ông Ba Mươi”, “ông Cả” … tổ chức nhiều buổi lễ cúng cỗ cho hổ với thịt động (lợn, trâu bò ), rượu trắng, hoa quả để xoa dịu hổ.
Ở một khía cạnh khác trong văn hoá các tỉnh phía Nam, chính sự táo tợn và manh động của loài hổ, nhiều người còn tìm diệt cọp. Nhưng sau đó họ lại lập đền thờ hổ để làm nguôi cơn giận của nó, còn phong làm “sơn quân chi thần”, “sơn thần”. Điều này cho thấy sự phức tạp trong tâm lý người dân nước ta, tuy e sợ tự nhiên nhưng vẫn sẵn sàng đấu tranh chống lại để bảo vệ cộng đồng. Khi dân cư sinh sống ngày càng đông tâm lý này càng thắng thế. Tục thờ hổ cũng chỉ diễn ra mạnh thời kỳ đầu khai hoang và giảm dần về sau khi mối đe dọa của hổ không còn nhiều. Tuy nhiên dấu ấn tìn ngưỡng mà hổ để lại vẫn còn tồn tại bên cạnh các tục thờ rắn, thờ đá, thờ chó như một phần không thể thiếu.
NHỮNG CÂU CHUYỆN THỜ HỔ DỌC MIỀN ĐẤT NƯỚC:
Miền Bắc:
Ở Lai Châu có tộc người Hà Nhì họ có 2 câu chuyện về hổ như sau:
Pú Tư : hòn đá mang tên ông già đá trắng ở Mường Tè: hòn đá được thờ cúng bởi sự linh thiên, ước gì được nấy. Hòn đá được cho là nơi nghỉ chân của một ông hổ trắng. ai vô tình nhìn thấy thường té ngã, bệnh nặng phải ra chỗ hòn đá cúng kiến mới qua khỏi.
Câu chuyện tâm linh về tục chôn cất của người Hà Nhì ở ngã 3 biên giới (Trung Quốc, Lào, việt Nam): Khi một người bị hổ vồ thì dù còn lại mẩu xương, hay nắm tóc thì chôn tại chỗ tìm ra. Nếu không linh hồn người chết sẽ trở về bắt người trong nhà cho hổ ăn thịt ( Giống với trùng tang hay Ma Trành)
Ở Thanh Hoá chắc nổi tiếng nhất là câu chuyện về Hổ Xám-Ma Trành đã được MQDGK chia sẽ trước đây. Tồn tại trong cộng đồng người Mường ở Thạch Thành “ Thần hổ xám khổng lồ” là một con hổ thành tinh và ăn thịt người, biến con người thành Ma Trành theo hầu hạ chúng.
Ở Hải Dương nổi tiếng với địa danh làng Ngọc cục, huyện Đường An, xưa kia từng có tục hiến tế người cho hổ thần Xương Cuồng, từ hiến tế dân trong làng tới bắt người đi ngang làng từng gây nỗi khiếp sợ cho đến khi chấm dứt vào năm 1800. (Xuất hiện trong Vũ Trung Tuỳ Bút của Phạm Đình Hổ - dẫn nguy6en truyện)
Bắc Giang hổ có liên quan đến một phiên bản Thần Độc Cước (thần được thờ với nửa thân người, độc cước là một chân): Tích thờ thần Độc Cước gắn với câu chuyện về hổ như thần tích ở Lục Nam kể rằng có một anh thanh niên mồ côi khi vào rừng thấy một chú hổ con bèn mang về nuôi, ngày ngày anh cùng con hổ ra bờ sông đơm đó. Một hôm anh dặn con hổ ở lại trông cá, con hổ ngủ thiếp đi, khi anh thanh niên quay về con hổ đang ngủ say, tưởng có người lạ đến lấy cá bèn bật dậy quật chết ngay lập tức, khi tỉnh ra thì đó là chủ mình, con hổ ân hận cứ nằm canh xác chủ không cho chôn, sau đó nó ngậm xác chủ qua vùng Sóc Sơn (Hà Nội)-Vĩnh Phúc và lại càm quay về, lúc này xác của chủ thối rữa ra, xương rơi khắp nơi, khi đi qua đất Sơn Giao thì một xương chân rơi xuống. Hôm sau chỗ đó có mối đùn lên cao, nhân dân trong vùng lập miếu thờ phụng sau đưa vào thờ trong đình và gọi là thần Độc Cước (theo Wikipedia- tục thờ hổ)
Miền Trung:
Nghệ An: hình tượng hổ thường trong tư thế quỳ, mồm há rộng tại các đền chùa cho là liên quan đến một tích từ thời An Dương Vương: Có con hổ Xám hung dữ được một ông lão cứu giúp và nó lập giao kèo với ông sẽ không vồ người ăn thịt nữa. Tuy nhiên vì bản tính hung hăng con hổ vẫn tiếp tục săn người. Trong một lần đi săn nó vô tình giết phải ân nhân mình. Hổ ân hận quỳ chết hoá thành hòn đá bên mộ ông lão. Lạ thay kể từ đó ko còn thú rừng đến quấy phá và nhân dân được mùa liên tiếp. Họ thờ cúng và tôn hổ Xám làm Thần hổ.
Hà Tĩnh có lẽ nổi tiếng với chùa Hương Tích, nơi được dân thập phương đồ thổi về câu chuyện bức tượng thần bạch Hổ chữa được bách bệnh, ai bị xương khớp về dây cúng bái cầu xin thần hổ, dùng tay xoa tượng ngài và thoa khắp người sẽ khỏi bệnh (tin đồn mê tín). chuyện rằng Ngài được cử xuống xuống trần bảo vệ công chúa Diệu Thiện (sau là Quan m Nam Hải/ Quán Thế m bồ tát) khi nàng sang đất Việt Thường (Việt Nam xưa).
Ở Huế: Hổ trở thành thú tiêu khiển của các quan lại vua chúa xưa khi bị bắt săn lùng đưa ra các dấu trường với Voi tại Hổ Quyền (cụm kiến trúc như nhà thi đấu thời La Mã tồn tại ở Huế).
Trong khi đó, bên bờ kia sông Hương, Ở điện hòn chén, người dân gọi hổ là “Cậu Hổ” hay “Ông Hạ Ban” được các tín đồ Thiên Tiên Thánh giáo thờ cúng. Tín ngưỡng này tôn thờ hổ như 1 vị thần đối nghịch với việc diệt hổ ở Hổ Quyền.
Cúng bái ngài cọp diễn ra 3 ngày : 23 tháng Chạp, Tất niên, đầu năm mới. Đồ cúng đa dạng rượu thịt, gừng tươi còn có bộ đồ giấy xanh cho người chết do hổ vồ.
Từ khoảng thế kỉ 19, vùng Duy Xuyên Quảng Nam có tích về một con hổ lông trắng hung dữ hay xuống làng Mỹ Sơn săn mồi, giết người và trâu bò khiến dân khiếp sợ, nó thường xuất hiện ở cây đa gần miếu Thổ. Ai làm việc gì muốn chặt cành phải lập đàn lễ xin Sơn quân Bạch Hổ và người giữ đền. Dần già Bạch hổ ở đây trở thành “bảo kê” cho làng. Mỗi năm cúng phải có đầu heo sống, hoa quả, rượu trắng. Lễ phải được nhận, hay có chỉ dấu để lại của thần hổ thì năm đó làng bình yên. Ngược lại thì người dân dễ gặp thú dữ quấy phá, gặp mất mùa bệnh tật.
Người Dùi Chiêng ở Quảng Nam gọi hổ là “ông Trùm” được thờ chung với người từng đánh bại hổ bảo vệ dân làng, gọi chung là dinh ông Trùm.
Người Kinh và dân tộc Cor ở Trà Bồng, Quảng ngãi có chung tín ngưỡng thờ Hổ Trắng, ngài cọp này được cho dưới trướng bà Thiên Y A Na, được sắc phong Bạch hổ đại tướng quân. Nhiều nơi gọi là Trùm Cả.
Ở Kontum: có tích về sự xuất hiện của Bạch hổ 3 chân từng tác oai tác quái, một thời gian sau nó đi vào tu ở chùa và được cảm hoá. Sau này hình tượng hổ được khắc ở bình phong trước điện thờ không những trừ tà trấn trạch mà còn dùng để đuổi ma rừng theo quan niệm bản địa.
Phú Yên: cọp xuất hiện như một hình tượng đạo nghĩa:
Chuyện thứ nhất: Có con cọp Bạch trên núi Mỹ Dự hung dữ, hay xuống núi bắt người, một đêm nọ do cọp cái khó sanh, nó xuống núi vồ lấy một bà mụ để đỡ đẻ cho cọp cái. Sau đó tha bà trở về nhà. Cảm ơn bà mụ nó hằng ngày để lại thịt rừng trước nhà bà, đến khi bà mất thì con hổ thường xuyên đến viếng mộ, cho đến khi gục chết bên mộ bà. Dân làng cảm động lập miếu thờ.
Chuyện thứ 2: Con Cọp trắng tìm người dạy võ cho con. Nó tìm thấy một chàng trai giỏi võ nghệ con một lão ngư, chàng trai tên An từng đánh bại đồng loại của nó trong 1 lần đi ngang núi Mỹ Dự. Để cảm ơn chàng trai hổ ta dùng 2 chi trước nắm lấy tay anh, nhưng vô tình móng cọp làm rách da, chỗ ấy dần nhiễm trùng khiến chàng thanh niên bỏ mạng. n hận vì mình hại chết ân nhân hổ ta nằm gần mộ anh nhiều ngày rồi mất đi. Dân làng thương cảm lập miếu ông Cọp. Người dân hay lui tới cầu khấn tiền tài, phước lộc, thả bè chuối trên sông Bình Bá. Tục cúng hổ vào mỗi dịp ngày rằm, đầu tháng, tiết thanh minh hay lập thu.
Nói tới cọp không thể không nhắc đến khánh Hoà với câu tục ngữ “Cọp khánh Hòa, ma Bình Thuận”, bởi đất này xưa rất nhiều cọp. Tiếng Raglai bản địa gọi cọp là Rumong). Giống như mọi vùng quê khác hổ ở đây cũng hoành hành bắt gia súc gia cầm, săn người, tuy nhiên con người nơi đây còn lưu truyền nhiều giai thoại về mối quan hệ “thân thiện” giữa người và hổ.
Ở Làng Mỹ Trạch thờ hổ bắt nguồn từ việc cảm thấy có lỗi với “ông cọp”. Trong một lần đốt đồng cỏ làm rẫy người ta vô tình làm chết 3 con cọp con. Vì sợ hãi cọp mẹ trả thù và dẫn đến làm gì hỏng đấy nên người dân họp bàn mở một miếu thờ cọp, đặt thờ trang trọng 3 bộ xương cọp con trong đó. Từ đó họ dần vơi đi nỗi ám ảnh về những tiếng gầm rú, hình dáng cọp thoát ẩn hiện quanh làng.
Khác với tích cọp hại người, vùng Suối Ngổ (núi phượng Hoàng, Vĩnh Phương, Nha Trang) có câu chuyện về ông Cọp hay xuất hiện bảo vệ chùa, người viếng chùa cũng như dân trong vùng. Nhiều lần ông hổ chặn đường tiêu diệt những tên đạo tặc ăn cắp đồ của chùa. Điều này khiến người dân cảm kích và gọi hổ/ cọp là “ông” như một sự tôn kính.
MIỀN NAM
—-----------------------------------------------------------
“Đến đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh
Chèo ghe sợ sấu cắn chưn (chân)
Xuống sông sợ đĩa, lên rừng cọp um (gầm)"
-Ca dao dân gian-
Chuyến hành trình theo chân loài hổ trong kỳ này tiếp tục đi đến vùng Đất Phương Nam bắt đầu từ Đông Nam Bộ tới đất mũi Cà Mau. Hình ảnh loài hổ ở đây cũng gắn liền với nhiều câu chuyện ma mị với 2 hình tượng tiêu biểu cho thiện và ác.
Không chỉ ảnh hưởng bởi màu sắc tín ngưỡng từ những cư dân miền Bắc - Trung - người Hoa vào đây khai khẩn. Xứ Nam Bộ cũng tồn tại những bản sắc thờ cúng có từ lâu đời. Không ai nhớ dân Nam thờ hổ từ bao giờ nhưng từ những ghi chép xa xưa nhất sự tôn trọng dành cho loài hổ như một vị nhiên thần. Bởi người dân Nam ý thức thức được họ đang xâm chiếm lãnh địa của chúng, bởi có câu “ rừng nào cọp nấy” nên họ phải khiêm nhường trước hổ nếu muốn yên ổn. Họ đặt mình dưới hổ 1 bậc, không gọi hổ là “con” mà gọi là “Ông”, từ đó những cái tên: "Ông Cọp", "Ông Cả", "Ông Ba Mươi", hay "hia Khại", “Hương Cả” (Bến Tre) "Hương quản" (Cà Mau)…
Người dân nhường thứ Cả cho hổ, con trai lớn trong nhà gọi mình là thứ Hai. Chức Hương Cả (chức ngày xưa đứng đầu 1 khu vực làng xã) trong xóm làng nhường cho hổ và chỉ nhận mình vị trí bên dưới là Hương Chủ để tránh động chạm. Cũng theo lẽ đó người dân thường tổ chức lễ sắc phong, lễ cúng tế trang trọng cho hổ. Mỗi khi săn bắn, giết nhầm hay tìm được xác hổ họ đưa về bảo quản và để ở nơi trang trọng. Nhiều chùa, đình ngày nay còn lưu giữ tiêu bản của hổ.
Hổ với tước vị, được tôn kính để trở thành một thế lực bảo vệ làng. Chính vì thế các đình ở Nam bộ thường có phù điêu, bình phong chạm trổ hổ ở các đình làng, chùa miếu. Hổ được thờ ở đây cũng là hổ thần là loài đã tu tiên với sắc lông trắng, không ăn thịt và sống nghĩa khí. Trái ngược là những con hổ màu lông Xám, mang ác tâm thường hay quấy nhiễu cuộc sống dân làng luôn bị lên án và trừng trị. Nhưng suy cho cùng dù là cảm mến hay thù ghét người dân vẫn lập nơi thờ tự để mong đổi lấy bình yên.
Nếu ở Miền Bắc một số nơi treo tranh Hắc hổ để đuổi ma quỷ (cụ thể là quỷ Phạm Nhan - quỷ hồn của tên tướng giặc Mông-Nguyên bị Trần Hưng Đạo trừng trị, hóa thành quỷ hại bà đẻ), thì ở Miền Nam nhiều người hẳn không lạ những tấm giấy hồng điều in hình hổ dán trước cửa kèm dòng chữ chữ Hán “Sơn Lâm Đại Tướng Quân”, tục dán giấy này thường vào ngày Mùng 3 Tết sau khi cúng xong. Việc có tranh hổ trước nhà giúp gia chủ tránh ma quỷ vào nhà. Theo dân gian, nhà có trẻ khóc đêm thì người mẹ cũng tìm cách trộm hình vẽ hổ để dưới gối, trẻ sẽ nín khóc ngay.
Một số nơi trong ngày lễ cúng đình thường đi kèm nghi thức riêng là lễ tế ông Hổ gọi là tế Sơn Quân. Sơn Quân, Thần Nông và bà Hậu Tắc là các vị thần được cúng tế trong ngày khai sơn (Mùng 7 tháng 1)- Theo wikipedia
Miền Nam còn thờ Hổ để mưu cầu công danh sự nghiệp, vốn có câu “ bản hổ danh đề”, nhiều người đi chùa xin vía của hổ cho con con cái đỗ đạt, công thành danh toại.
—-------------------------------------------
Một số câu chuyện dân gian liên quan đến loài hổ ở các địa danh Nam Bộ
(Có rất nhiều những truyền thuyết liên quan nhưng ở đây tụi mình xin dẫn chứng một số câu chuyện tiêu biểu)
Tại sao dân Nam gọi hổ là “ông ba mươi” - sưu tầm Vnexpress:
Tên gọi "Ông ba mươi" bắt nguồn từ một câu chuyện cổ tích Việt Nam. Nhà vua quy định mỗi khi ai bắt giết được hổ đều được thưởng 30 quan tiền vì loại trừ được một con vật hung dữ. Nhưng đồng thời cũng phạt đánh 30 trượng để oan hồn con vật không tức giận. Từ đó, do khiếp sợ nên không ai dám gọi thẳng tên hổ mà chỉ kêu "Ông ba mươi".
Nhưng đến thời nhà Nguyễn, người ta lại kể một câu chuyện khác rằng ai bắt sống được hổ sẽ được thưởng 30 quan tiền. Ngược lại, nếu giết hổ sẽ bị phạt 30 quan tiền và đánh 30 roi. Sở dĩ có điều luật này bởi trước khi lên ngôi, vua Gia Long - Nguyễn Anh lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi vào rừng nếu không nhờ một con hổ đem thịt đến sẽ không có thức ăn để sống qua ngày. Vua chịu ơn hổ và sau khi lên ngôi, nhà vua đã lập miếu thờ hổ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, dân gian còn lưu truyền một câu chuyện khác rằng muốn được ăn Tết yên ấm, không bị quấy nhiễu thì người dân cần cúng tế cho hổ vào đúng đêm 30 Tết. Vì thế, hổ mới có tên gọi là "ông ba mươi".
Bạch Hổ ở An Giang và ông Tăng Chủ (đệ tử Đức Phật Thầy Tây An) - Tham khảo báo Tin tức - thông tấn xã Việt Nam:
** Chuyện thứ nhất: Ngày xưa, vùng Thất Sơn được biết đến là khu “rừng thiêng nước độc”, nơi sinh sống của nhiều loài thú dữ. Trên núi Tượng (huyện Tri Tôn) có rất nhiều cọp, trong đó có một con cọp trắng chuyên ăn thịt người, xương người chất thành đống trong hang.
Một hôm, cọp trắng bị hóc xương, đau dữ dội mấy ngày mà không khỏi được. Thấy vậy, ông Tăng Chủ, đại đệ tử của Phật thầy Tây An rủ lòng thương bảo là sẽ chữa cho ông nếu ông hứa từ nay không được ăn thịt người nữa và khuyên ông theo con đường tu hành. Ông hổ đồng ý. Kể từ đó, đêm đến ông hóa thành người để đi mua thịt heo về cho các con hổ khác ăn. Cũng chính vì lý do đó, ở hầu hết các đình, miếu dân gian đều thờ ông hổ…
** Chuyện thứ 2: Một câu chuyện có liên quan đến ông Bạch Hổ sau khi tu tiên thành Sơn Thần đã giúp ông Tăng Chủ tiêu diệt con Hạm (hổ ăn thịt người đã thành tinh, màu lông xám). Ở núi Bà Đội Om (An Giang). Truyền thuyết về con Hạm tức là Hổ Trành khống chế linh hồn người chết trở thành Ma Trành (theo wikipedia). Từ đó mà thần Bạch Hổ trở thành một biểu tượng cho thế lực bảo vệ người dân khỏi ma quỷ và được thờ cúng rộng rãi gọi là Miếu Sơn Thần, Miếu Ông (thuộc núi Cấm- An Giang)
Ở miếu Sơn Thần hằng năm đều diễn ra 2 ngày lễ chính vào tháng 11 và tháng Giêng để tế ông bạch hổ. Những dịp lễ đều quy tụ hàng ngàn người đến hành hương, tham gia cầu mong gia đình bình yên, mùa màng tươi tốt trong năm mới.
Tích bà mụ đỡ đẻ cho cọp ở Bình Thuỷ-Cần thơ:
Đây là một motip truyện khá phổ biến có thể bắt gặp ở nhiều địa phương song đều nói về những con hổ có nghĩa với người nó chịu ơn: Ví như chuyện ở núi Mỹ Dự- Phú Yên, miếu thờ Bà Mụ Trời- ở An Hoà, Biên Hoà, Đồng Nai.
/ CỌP BÌNH THỦY /- theo Yêu Ma Quỷ Quái, sư tầm trên Báo Cần Thơ online.
Ngày xưa, ở vùng này có một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.
Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.
Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ.
Truyền thuyết Cù Lao Ông Hổ - An Giang: Xã Mỹ Hòa Hưng:
“Dù ai xuôi ngược bốn bề
Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.”- Ca dao
** Chuyện thứ nhất : Xưa kia có vợ, chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có 1 con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là 1 con hổ con vừa đói, vừa rét, thấy thương nên ông, bà đem về chăm sóc, nuôi dưỡng. Con hổ dần lớn lên trong tình thương đó nên rất hiền lành, không phá phách. Thời gian sau, ông, bà tuổi cao sức yếu nên qua đời, lúc này người dân đến đây sinh sống nhiều nên hổ rút sâu vào rừng. Tuy nhiên, chú hổ này vẫn nhớ công chăm sóc của ông bà lão.
** Chuyện thứ 2: Cũng giống câu chuyện trên nhưng nhân vật chính là một cô gái mù (cho là con của 2 vợ chồng lão nông trên). Chịu ơn chăm sóc từ thuở nhỏ người và hổ khắn khít, hằng ngày hổ cõng cô đi vào rẫy theo cha mẹ . Khi cô gái bị bạo bệnh qua đời, con Hổ cũng ở đó mà chết bên mộ. Nhân dân cảm thương đặt khu vực Cù Lao họ ở là Cù Lao Ông Hổ để tưởng nhớ.
** Câu chuyện thứ 3: Một giai thoại khác cho rằng tên gọi bắt nguồn từ con Hạm (hổ mun) trên núi Bà Đội Om, sau khi bị Bạch Hổ đánh đuổi đã chạy ngang cù lao Mỹ Hòa Hưng (nên tục gọi cù lao Ông Hổ). Nơi đây cũng là nơi sinh thành ra vị chủ tịch Tôn Đức Thắng. (theo Wiki)
Nhường cho Cọp làm Hương Cả:
Tại Bến Tre, dân làng gọi con cọp với chức danh "Đại hương cả," ngắn gọn là "Hương cả." Trong làng Châu Bình, từ khi thành lập, việc chọn ai làm Hương cả thường dẫn đến cái chết. Một năm nào đó, một người được chọn làm Hương cả đã bị con cọp tấn công và gần như mất mạng. Sự việc này làm dân làng phải tổ chức một lễ cử có tên "Cả Cọp," trong đó họ cúng đầu heo quay và viết một tờ cử cuộn thành hình tròn, sau đó đặt trong một ống tre, tại nơi con cọp đã tấn công ông Cả. Sau sáu bảy năm mà không thấy con cọp xuất hiện, mới có người dám nhận chức Hương cả.
Những con cọp 3 chân:
** Chuyện thứ nhất: Có một truyền thuyết cổ xưa về con cọp tại Bạc Liêu như sau: Con cọp vợ của một thời kỳ chuyển dạ, và cọp chồng (khi ấy còn 4 chân) đã vào xóm tìm các bà mụ vườn (người đỡ đẻ) để cõng vợ vào rừng, giúp vợ "khai hoa nở nhụy." Sau khi vợ đã sinh con, con cọp đều đặn tha thú về rừng và thả trước nhà bà mụ để trả ơn.
Thấy con cọp sống có ý nghĩa, các lão trong làng đã chọn ngày lễ cầu an là ngày 28 tháng 7 âm lịch để cử hành lễ cúng hàng năm cho con cọp. Họ đặt một con heo sống ở gần gốc cây xoài và cầu xin sự bình yên, tránh khỏi tai họa.
Tuy nhiên, một thợ săn đã theo dõi con cọp và biết rằng nó thường tha thú rừng cho bà mụ. Thợ săn này âm mưu đặt bẫy để bắt con cọp. Con cọp bị dính vào bẫy và buộc phải tự cắn đứt chân của mình để thoát thân, chỉ còn 3 chân.
Khi người dân biết con cọp mất một chân do mắc bẫy, họ bắt đầu tổ chức lễ cúng hàng năm bằng cách đưa một con heo đã mổ sẵn cho con cọp. Điều này phản ánh niềm tin rằng con cọp chỉ còn 3 chân nên sẽ khó khăn trong việc bắt con heo còn sống để ăn thịt.
Sau một thời gian, không còn thấy con cọp 3 chân xuất hiện nữa, và người dân tin rằng nó đã qua đời. Họ cảm thông với loài vật này và đã xây dựng một miếu thờ để tưởng nhớ. Đến ngày nay, vào ngày 28 tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân ở đó không cúng một con heo nguyên vẹn mà lại cúng một đầu heo luộc chín để tôn vinh truyền thống này.
** Chuyện thứ 2: Tại vùng Thới Bình- Cà Mau, còn có câu chuyện dòng họ Huỳnh có hai người bị hổ moi tim, vì sự cố đó nên người dân đã đổi toàn bộ họ Huỳnh thành họ Phan và lập miếu thờ ông cả cọp hằng năm làm heo cống nạp, cầu được bình an. Con hổ huyền thoại đó được gọi là cọp ba chân, con hổ này bị vướng bẫy heo rừng của thợ săn, và để thoát thân nó đã cắn bỏ một cái chân và sau đó về tấn công trả thù dân làng.
Chuyện cọp 3 móng trong lịch sử kháng chiến:
Ngoài ra, những năm 1948, Vùng Chiến Khu D- Đông Nam Bộ còn ghi dấu ấn về sự xuất hiện của một con cọp dài 3m, cao 1m2, chân có 3 móng. Nó được cho là thú nuôi của một sĩ quan Pháp bị sổng chuồng. Do quen được chăm sóc, ban đầu tìm ăn xác người chết trên chiến trường, đào mồ mới chôn. Dần quen mùi thịt cọp ta nhiều lần tấn công người dân và các chiến sĩ trong khu vực, gây nỗi ám ảnh trong dân chúng. Con cọp này khoẻ và mưu mô, bộ đội ta phải nhiều lần tổ chức vây bắt nhưng đều thất bại. Sau một thời gian, các chiến sĩ tổ chức đặt bom lên xác người chết mới tiêu diệt được. Tính đến khi mất đi, con hổ này đã tấn công, ăn thịt hơn trăm người.
Bạn có thể tìm hiểu hành trình bắt Cọp 3 móng khá ly kì trên internet.