-
ĐÊM TRĂNG THỨ 56: CHUYỆN MA “ĐÔ THỊ”
Sơ lược về định nghĩa Truyền thuyết/ Chuyện ma đô thị ở Việt Nam:
Lần gần nhất bạn nghe chuyện ma là từ khi nào? Với nhiều người chuyện ma là những ký ức tuổi thơ bên ông bà, ngồi nghe họ tỉ tê những câu chuyện xưa cũ nhuốm màu liêu trai. Có người cho là bản thân tận mắt chứng kiến hình dạng con ma, con quỷ nó to nhỏ, trắng đen thế nào đã ám ảnh họ ra sao rồi đem kể lại, đó có thể là người thân, bạn bè, những người mà ta cho là tin tưởng. Còn có người cho đó là thú vui để hù doạ người khác mà bịa ra đủ thứ chuyện trên đời, bịa để những cuộc nói chuyện bớt nhàm chán, để quên đi sự đời. Tam sao thất bản và tính dị bản được phát huy vai trò của nó khiến những thứ đến tai người khác đều trở nên mơ hồ, ma mị. Việc còn lại là chờ có người tin và tiếp tục lan truyền. Ở mỗi thời đại tồn tại những câu chuyện khác nhau và chúng gắn liền với một nhân vật, sự kiện tồn tại trong khoảng thời gian ấy mà không chỉ một cá nhân mà cả vùng đất đó đều đồn đãi. Ngày nay, chúng ta dùng thuật ngữ Truyền Thuyết Đô Thị để nói về những câu chuyện như thế trong thời hiện đại.
Trong bài viết đêm trăng tuần này, mời bạn cùng MQDGK đi vào địa hạc của những điều kinh dị xoay quanh các Truyền Thuyết đô thị nổi tiếng ở Việt Nam.
Thế nào là truyền thuyết đô thị?
Truyền thuyết đô thị là những câu chuyện kinh dị, tin đồn được người dân kể lại và tin rằng chúng có thể là sự thật. Trong những câu chuyện này, thường xuất hiện các sinh vật siêu nhiên hoặc sự kiện kỳ lạ liên quan đến nhiều địa danh như nghĩa trang hoặc các sự kiện lịch sử, thảm sát. Những câu chuyện này thường tồn tại trong các thành phố và khu dân cư, và được nhiều người biết đến. Mục đích của những câu chuyện này thường là để cảnh báo người nghe về các nguy hiểm có thể gặp phải.
Truyền thuyết đô thị còn được biết đến với các tên gọi khác như truyền thuyết thành thị, truyền thuyết thời hiện đại trong tiếng Việt.
Trong tiếng Anh, chúng được gọi là urban legend, urban myth, urban tale, contemporary legend, urban folklore.
Đặc điểm:
Có một số đặc điểm chính của truyền thuyết đô thị:
1. Nguồn gốc không nhất thiết ở đô thị: Mặc dù được gọi là "truyền thuyết đô thị," những câu chuyện này không nhất thiết phải bắt nguồn từ khu vực đô thị. Cách gọi này thường được sử dụng để phân biệt chúng với các câu chuyện dân gian truyền thống từ thời kỳ trước công nghiệp hóa.
2. Tính đại chúng: Một câu chuyện ma chỉ được coi là truyền thuyết đô thị nếu nó không chỉ tồn tại trong tâm trí của một người, mà còn là điều mà mọi người trong cộng đồng đều biết đến và thảo luận.
3. Mục đích cảnh báo: Truyền thuyết đô thị thường được tạo ra để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của một khu vực cụ thể. Người nghe câu chuyện thường tin vào nó và chia sẻ với người khác nhằm mục đích bảo vệ và tránh xa khỏi nguy cơ tiềm ẩn.
Một số truyền thuyết đô thị nổi tiếng ở Việt Nam:
Có rất nhiều những truyền thuyết đô thị trên khắp cả nước tuy nhiên tác giả chỉ dẫn chứng một số truyền thuyết tiêu biểu và trong phạm vi hiểu biết của người viết:
** Truyền thuyết thứ 1: Con ma nhà họ Hứa:
Ở Tp.HCM nơi mà ngày nay là Bảo Tàng Mỹ Thuật tồn tại một truyền thuyết đô thị đáng sợ về linh hồn cô con gái của vị doanh nhân nổi tiếng Sài Gòn xưa tên là Hứa Bổn Hoà (Chú Hoả). Cô gái tên Hưá Tiểu Lan khi ấy mắc bệnh phong cùi (một bệnh nan y vào thời trước) khiến cô lở loét khắp người trong lúc tuổi thanh xuân. Vì là con gái duy nhất nên chủ Hỏa đã cách ly con trong căn phòng kín để tránh lây bệnh. Bệnh tình cùng với sự ngột ngạt do bị nhốt suốt ngày trong căn phòng khiến cô gái bức bối nên khi cô chết hương hồn cứ vương vấn mãi ở căn phòng.
Hồn ma cô gái đêm đêm hiện về. Có người quả quyết thấy một cô gái trẻ đêm đêm đứng bên cửa sổ khóc than thảm thiết. Có người thấy bóng áo trắng thoắt ẩn, thoắt hiện trên các khung cửa sổ căn nhà.
Một chị từng làm hành chính ở toà nhà kể lại một trải nghiệm đáng sợ: “"Tôi làm việc ở Phòng Hành chính của bảo tàng có điểm đặc biệt là cứ ai nằm xuống là bị bóng đè, đặc biệt có người còn thấy những đứa trẻ tóc kiểu ba vá nói tiếng Hoa giật tóc, không thể nào nằm yên được." (^ “Dinh thự 99 cửa của 'con ma họ Hứa' Sài thành”. VietNamNet. Truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2022.)
tin đồn về Con ma nhà họ Hứa còn kéo theo một lời đồn khác về dinh thự Hứa Bổn Hoà ở Long Hải (Vũng Tàu) về bóng trắng lượn trong tòa lâu đài, những tiếng hú mỗi đêm, những bức ảnh ma… Có những dị bản đồn đại rằng Chú Hoả để tránh dị nghị đã lén mang con ra dinh thự ở Long Hải cách ly bệnh cho đến khi cô mất dẫn đến hồn ma cô gái còn lẩn quẩn nơi đây. Năm 1972 đạo diễn Lê Thanh Hoa chọn dinh thự Chú Hoả ở Long Hải làm bối cảnh cho phim Con ma nhà Họ Hứa. Khiến tin đồn ma quái về dinh thự này càng được lan rộng.
** Truyền thuyết thứ 2: Chung Cư 13 tầng trên đường Trần Hưng Đạo,TpHCM.
Từ những năm 1960, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời xây dựng khách sạn Building President tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn, gồm 6 tòa nhà cao 13 tầng với tổng cộng 530 phòng. Trong quá trình xây dựng, khi đang thi công tầng 13, xảy ra nhiều tai nạn thương tâm với những người thi công, làm dự án suýt bị trì hoãn. Ông Đời quyết định theo lời khuyên của một thầy pháp: Tìm mua và lén chôn xác bốn trinh nữ ở các góc của khách sạn nhằm trấn yểm.
Sau khi hoàn thành, khách sạn được cho thuê cho quân đội Mỹ, nhưng họ chỉ sử dụng tới tầng 11. Tầng 12 được chuyển thành quán bar và nhà hàng, trong khi tầng 13 bị bỏ hoang. Nhiều vụ tử tự xảy ra, những bóng thiếu nữ hàng đêm hiện về gây ám ảnh trên các khu hành lang cũ kỹ, người dân còn đồn đại về những hình ảnh của lính duyệt binh, những người cao lớn tiệc tùng trên các tầng cao, giống như khi khách sạn còn đang hoạt động. Dường như có một không gian dành riêng cho thế giới bên kia vẫn còn tồn tại.
Ngày nay, toà nhà này đã bị phá hủy để nhường chỗ cho một dự án mới hơn, nhưng những kí ức về nó vẫn sống mãi trong tâm trí của nhiều người dân nơi đây.
** Truyền thuyết thứ 3: Thuận Kiều.
Thật thiếu sót khi nhắc đến các truyền thuyết đô thị lại thiếu đi TK, 3 toà nhà trông như 3 cây nhang đâm lên trời tọa lại tại trung tâm Q5 sầm uất một thời. Từng được quy hoạch để có thể trở thành một khi phức hợp chung cư và kinh doanh mang phong cách như những phim Hồng Kông xưa. Thế nhưng cuối cùng khi nhắc đến TK người ta chỉ biết đến nó thông qua những câu chuyện về oan hồn, quỷ ám và cả sự đồn thổi về phong thủy, bùa ngải.
Sở dĩ xuất hiện những lời đồn ma quái xoay quanh thế phong thuỷ của toà nhà nhà như một con tàu ba buồm nhưng phần cột quá to, trong khi thân tàu quá nhỏ nên mất cân đối, dễ đắm. Số khác tin rằng khi xây dựng, do mâu thuẫn với chủ đầu tư mà cánh thợ xây đã dùng bùa Lỗ Ban (một loại bùa nổi tiếng từ Trung Quốc) yểm vào chân móng của tòa nhà khiến nó lụn bại...
Chính vì thế phong phong thuỷ, bố trí căn hộ, trần thấp với hành lang hẹp làm cho cuộc sống cư dân nơi đây bức bối nên chung cư hoang tàn. công với tin đồn về các loại ma quỷ, tà thuật: quỷ áo đỏ, trẻ con, quỷ một giò, chiếc hồ bơi có thể nhìn thấy thế giới bên kia, những ô cửa tự động sáng đèn mỗi đêm dù không ai ở… càng làm cho TK thêm đáng sợ trong mắt người dân khu vực. Tuy nhiên những câu chuyện sự mê tín cũng cần kiểm chứng và không nên tin hoàn toàn.
** Truyền thuyết thứ 4: Nghĩa Trang Bình Hưng Hoà:
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa trở thành một truyền thuyết từ thời kỳ trước cả khi nghĩa trang Đa Phước và Gà Dưa được xây dựng. Vào thời điểm đó, Bình Hưng Hòa là nơi duy nhất dành cho việc chôn cất người chết và được coi là nghĩa trang lớn nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Truyền thuyết này kể về một cô gái 16 tuổi sống ở huyện Bình Chánh, người đam mê cải lương và đẹp lòng yêu một tài tử trong vùng. Tuy nhiên, cha cô không chấp nhận mối quan hệ này vì gia đình ông là quan chức cấp cao, trong khi chàng trai có xuất thân thấp hèn. Vài tháng sau, cô gái rơi vào tuyệt vọng khi nhận tin người yêu của mình đã qua đời, dẫn đến việc cô đặt dấu chấm hết cuộc đời bằng cách tự tử trong hồ nước của nghĩa trang.
Từ đó, mỗi khi trăng tròn lên cao, câu chuyện về cô gái đứng bên bờ hồ, ngâm nga tiếng hát cải lương yêu thích của mình được truyền tay nhau. Tin đồn về cô gái này lan truyền và hầu hết những người dân sống gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa đều khẳng định rằng vào những đêm trăng Rằm, họ có thể nghe thấy tiếng hát cải lương đầy ai oán của một cô gái vọng ra từ phía nghĩa trang.
Kết luận- ý nghĩa:
Phản ánh đời sống tâm linh dân gian tin vào thế lực siêu nhiên dù ở thời đại nào đi nữa.
Mang ý nghĩa cảnh báo, tránh xa nơi có nhiều âm khí, xảy ra chuyện không may mắn.
Đôi khi chỉ mang ý nghĩa hù doạ và truyền bá mê tín. Mọi người nên suy xét trước khi tiếp nhận hay lan truyền…
—-----------
** Còn bạn biết về truyền thuyết đô thị nào khác ở Việt Nam không?, chia sẻ cho chúng mình cùng biết và bàn luận nhé!
** Mong rằng với những câu chuyện đóng góp từ bạn đọc mình sẽ có phần 2 của bài viết này.
BÀI VIẾT TỔNG HỢP NHIỀU NGUỒN VÀ CHỨA QUAN ĐIỂM CÁ NH N TÁC GIẢ, NHẰM KỂ LẠI NHỮNG C U CHUYỆN T M LINH NGƯỜI VIỆT, KHÔNG MỤC ĐÍCH ĐẢ KÍCH, XÚC PHẠM TẬP THỂ, CÁ NH N, KHÔNG TUYÊN TRUYỀN MÊ TÍN.