Rừng U Minh những năm 1940…
Con kênh thứ Mười, phía trái tính từ Sông Cá Lớn, chảy ra biển, từ một năm nay có một gia đình từ xa đến định cư xây nhà ở ngay ngã ba kênh. Hai vợ chồng tuổi trên bốn mươi, chỉ có một mụn con, lại là gái, nhưng xem ra họ sống khá hạnh phúc. Người chồng giỏi giang. Ngoài nghề đi rừng mật ong, còn có biệt tài đặt trúm bắt lươn. Cả vùng gần đó điều thán phục tài đặt ba chục ống trúm thì tất cả đều có lươn chui vào. Có người cho rằng Năm Tỵ, tên người đàn ông, có bí quyết pha chế mồi, cho nên quyến rũ lũ lươn bằng mọi cách phải chui vào trúm. Cũng có người đồn rằng do Năm Tỵ có “bùa ngãi” nên lươn hay rắn hễ đi ngang qua trúm đều phải chui vô!
Năm Tỵ mặc cho những lời đồn đại, anh ta cứ ngày ngày làm công việc của mình, kiếm cơm nuôi vợ con. Mùa nước nổi năm đó lươn cá quá nhiều, nên có đêm Năm Tỵ phải ra đồng thăm trúm hai lần, mà lần nào cũng bắt được vài chục con lươn vàng ngậy. Bà vợ Năm Tỵ đem ra chợ bán đến đỗi “dội chợ”, nên có người khuyên sao không chế biến ra những món ăn khác bán cho thiên hạ ăn bớt vì số lươn quá nhiều.
Và Năm Tỵ đã nghe theo. Vợ chồng anh cùng cô con gái 16 tuổi mỗi buổi sáng sớm và xế trưa đều nấu nồi cháo lươn bán cho mọi người ăn sáng và ăn giặm buổi chiều. Ban đầu tính làm chơi, không ngờ hàng cháo ở ngã ba kênh lại bán chạy như tôm tươi! Thứ nhất là do cây nhà lá vườn nên chủ quán bán
giá rẻ, vừa túi tiền của người nghèo, nhưng quan trọng hơn có lẽ là do chất lượng cháo.
Nhiều người ở xa nghe nói một nông dân mà nấu cháo lươn ăn ngon thì không tin. Nhưng khi đã một lần đến ăn thử thì đều phải công nhận là đúng. Có người thắc mắc hỏi bí quyết nấu thì Năm Tỵ thật thà nói:
– Đâu có gì đâu, bởi trước đây tui sống ở Biển Hồ Campuchia, nên có học theo cách nấu cháo lươn của bản xứ, họ nấu cháo bỏ thêm huyết lươn, nên nước ngọt hơn bình thường.
– Hèn chi…
Nhìn cái màu cháo hơi nâu nâu, có người hơi nhợn, nhưng nhiều người vẫn công nhận:
– Đúng là có máu lươn vào nó ngọt lạ thường!
Từ ấy người ta gọi luôn món cháo đó là cháo huyết lươn.
Cái quán lá của Năm Tỵ bắt đầu nổi tiếng như cồn! Đến nỗi ông chủ quán không còn đủ sức đêm đêm đi ra ruộng đặt trúm bắt lươn nữa, mà phải dặn nhiều mối lái mang lươn tới mới đủ bán.
Qua mùa nước nổi thì lượng lươn bắt được ít đi, nên vợ Năm Tỵ phải đi ra các chợ xa để thu mua. Một hôm Năm Tỵ bảo:
– Để tui qua bên chợ Thứ Mười Một coi có mối chở lươn từ vùng khác tới bán không, tôi sẽ mua rồi dặn họ mang tới tận nhà cho mình.
Anh chèo ghe đi từ sáng sớm mà mãi tới khi mặt trời lên khá cao mới tới nơi. Chợ đã tan gần hết, nhất là dãy bán cá, lươn, chỉ còn lại đúng một người bán. Năm Tỵ hơi thất vọng, nghĩ là mình đã lỡ chuyến chợ hôm nay, tuy nhiên cũng bước tới hỏi thăm:
– Chị còn gì để bán không?
Câu trả lời thật bất ngờ:
– Chỉ còn có lươn, còn cá tôm thì hết sạch rồi.
– Ừ, thì lươn. Tôi cần mua lươn.
Chị bán hàng mau miệng:
– Lươn còn nhiều, tui bán hạ giá cho anh, để còn về sớm.
Nhìn chiếc thùng thiếc lớn đậy nắp kín. Năm Tỵ biết là nhốt lươn trong đó, tiện tay giở nắp ra,vừa hỏi:
– Còn nhiều không chị?
– Cả một thùng luôn! Chẳng biết bữa nay gặp ngày gì mà bán từ sáng tới giờ chỉ được có nửa ký lươn buồn ngủ gần chết.
Nhìn vào thùng lươn thấy nước toàn một màu đỏ như máu, Năm Tỵ giật mình:
– Sao vậy chị? Bộ chị cắt cổ lươn trong thùng hả?
Chị ta thở dài, chán nản:
– Cũng tại ông chồng say xỉn của tôi mà ra cả. Ai đời dặn bắt lươn bỏ vô thùng đem bán mà do quá xỉn, ổng bỏ lộn cái thùng bên trong có lớp thiếc đục lỗ, làm cho đám lươn luồn lách trầy da, xứt thịt, máu chảy tùm lum, nên chẳng ai dám mua, họ chê lươn bị rách da, bị bịnh!
– Ủa, sao lại có cái thùng như vậy để làm gì?
Lúc này chị ta mới kể rõ:
– Vợ chồng tui là dân gốc ở Biển Hồ mới về, hồi ở bên đó chồng tui chuyên bắt lươn nấu cháo. Chuyện cái thùng có lót lớp thiết đục lỗ lật ngược cạnh bén vào trong là để nhốt lươn, cho chúng luồn lách chảy máu mà khỏi cần phải cắt cổ hay cắt đuôi lấy huyết. Khi về đây, tụi tui bỏ nghề nấu cháo huyết lươn nên cái thùng này đem dẹp qua một bên, đâu ngờ tối qua ổng lộn hồn lộn vía…
Năm Tỵ hiểu ra, anh lẩm bẩm:
– Tui cũng có nghe nói người ta lấy huyết lươn bằng cách đó, nhưng về đây tui không dám làm vậy, mà chỉ chặt đuôi lươn cho máu chảy từ từ, huyết hứng vô tô. Như vậy đỡ làm hư da lươn.
Rồi anh ta lại hỏi:
– Chị nói anh nhà trước cũng làm nghề bán cháo huyết lươn hả? Tui cũng đang làm…
Chị kia thở dài:
– Cái nghề đó dễ làm, dễ kiếm tiền, nhưng từ khi thằng con lớn tui bị lươn cắn chết thì vợ chồng tui bỏ nghề luôn.
– Lươn sao cắn chết người được?
– Vậy mà thằng con trai lớn của tui chết thảm bởi những con lươn quỷ quái.
Năm Tỵ cười khẩy, bởi anh ta quá rành những con lươn. Anh càng muốn chứng tỏ là chị nói nhảm, nên vừa nói vừa thọc tay vô thùng lươn:
– Tôi sẽ mua hết số lươn này, miễn là chị bán rẻ rẻ một chút.
– Được rồi, tôi bán nửa giá thôi.
Chị ta vừa nói dứt câu, thì chợt nghe Năm Tỵ thét lên một tiếng, vừa giựt tay ra khỏi thùng lươn! Chị bán hàng há hốc miệng khi nhìn thấy nguyên cánh tay của Năm Tỵ đều bị những con lươn cắn và đeo dính vào, rồi quấn chặt lấy! Có đến ngót chục con lươn trên cánh tay, thật khủng khiếp!
– Trời ơi, bớ người ta!
Hình ảnh trước mắt giống hệt như xảy ra với con trai chị cách đây không lâu!
Nhiều người nghe kêu đã bu lại xem và ai nấy đều lạnh toát mồ hôi trước cảnh tượng chưa từng nhìn thấy bao giờ. Vài người ù té chạy như bị
ma đuổi. Tội nghiệp Năm Tỵ chỉ trong phút chốc, cả thân người to khỏe đã từ từ teo tóp lại rồi ngã vật ra đất, nằm bất động!
Năm Tỵ chết được mười ngày thì chợt chiều hôm đó có một ông già người Miên ghé qua nhà, ông xưng mình là Thạch Xà Uôn và lên tiếng hỏi ngay khi nhìn thấy bàn thờ giữa nhà:
– Thằng này chết vì những giọt máu phải không?
Vợ Năm Tỵ đang đau buồn vì chồng, lại nghe hỏi ngang như vậy thì xẵng giọng:
– Liên can gì tới ông?
Ông già Miên vẫn cái giọng đó:
– Tao tới sớm một chút thì nó không chết. Nhưng mà cũng phải thôi, làm ác gặp ác?
– Ai nói chồng tui làm ác?
– Giết cả ngàn sanh mạng mà không ác sao?
Con gái Năm Tỵ từ trong bước ra cãi:
– Ba tui chỉ nấu cháo lươn bán, chớ giết ai bao giờ!
Ông già Miên nghiêm giọng:
– Ta từ Biển Hồ về đây cũng chỉ vì chuyện này. Ta nói cho mà biết, những con lươn theo truyền thuyết thì nếu sống quá mười năm sẽ biến hình thành con vật khác, chúng là những con vật có linh hồn, máu của nó giống như máu người, vì vậy…
Ông nhìn quanh rồi chỉ vào những dụng cụ nấu cháo vừa nói:
– Mỗi ngày giết vài chục sanh mạng bằng cách cho máu nó chảy từ từ như vậy đâu phải là việc tốt. Ta có lòng tốt, ta khuyên các người từ nay nên bỏ hẳn cái kiểu ăn uống bất nhơn này đi và dẹp quán ngay, nếu không muốn hậu quả kinh khiếp hơn!
Nói xong ông ta bước ra ngoài rồi mất dạng…
Từ đó không ai còn thấy người còn lại trong gia đình Năm Tỵ mở cửa quán. Và lạ hơn nữa, từ ấy món cháo huyết lươn chẳng hẹn mà cũng biến mất luôn…
Bình luận facebook