Đa Cát nói cho chúng tôi biết, ở đây là núi Cửu Ô Lạp. Tôi vội nhìn ra ngoài cửa sổ xe, bầu trời xanh thẳm, mây vờn quanh nơi xa xa, vô số ngọn núi phủ đầy tuyết ngay gần trước mặt. Trong đó, có bốn ngọn núi cao chót vót, hơn 8000m so với mực nước biển, Everest là đỉnh núi cao nhất.
Đối với tôi, những ngọn núi này trông chẳng khác gì nhau, nhưng Đa Cát lại có thể đọc đúng tên của từng ngọn. Anh ta nói ngọn núi kia là Lhotse, còn ngọn kia là Makalu…
Tôi nhìn màu trắng xóa phía xa xa, những ngọn núi tuyết to lớn, dù là tên dốt đặc cán mai như tôi đây cũng phải thừa nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên. Con người như chúng ta, so ra thật quá nhỏ bé.
Đường xuống núi phải đi qua một đoạn rất kỳ lạ. Đa Cát nói với tôi, đây gọi là đường bàn xát. Nghe anh ta nói vậy, tôi cảm thấy đoạn đường này quả thật như cái bàn xát, gồ gồ ghề ghề.
Đoạn đường này rất khó đi, xe xóc nảy liên tục, tôi vừa hơi tỉnh táo lại đã bắt đầu thấy u mê rồi. Chúng tôi lắc lư trên xe hơn 4 tiếng mới chạy đến được khu cắm trại Everest ở độ cao 5200m.
Bây giờ đang là mùa đẹp nên ở đây đông vui lạ thường, có không ít nhóm chuyên nghiệp. Đa Cát còn gặp mấy người đồng hành quen thuộc, họ nhiệt tình chào hỏi nhau.
Chợt, một người đàn ông kinh hãi đi đến chỗ chúng tôi, trợn mắt nhìn Hoắc Trường Lâm với vẻ khó tin: “Trường Tùng… cậu chẳng phải đã…”
Hoắc Trường Lâm bị người đó nhìn nên hơi xấu hổ, lắc đầu nói với người đó: “Xin lỗi, tôi nghĩ anh nhận nhầm rồi. Tôi là Hoắc Trường Lâm, Hoắc Trường Tùng là anh trai sinh đôi của tôi.”
Người đàn ông kia trở nên ảm đạm, sau đó anh ta vỗ vai Hoắc Trường Lâm: “Ngại quá, tôi là bạn đại học của Trường Tùng. Thời đại học chúng tôi cùng lập nên câu lạc bộ leo núi, lúc đó tôi cũng nghe nói cậu ấy có một người em trai giống như đúc. Hôm nay gặp cậu, quả thật là trăm nghe không bằng một thấy!”
Hoắc Trường Lâm nghe xong, bắt tay người kia: “Anh là Tống Ba?”
Người đàn ông kia gật đầu, nắm chặt tay anh ta: “Đúng vậy, anh trai cậu có nhắc đến tôi à?”
“Đương nhiên rồi, lúc tôi bị bệnh, anh ấy đến thăm, còn thường kể cho tôi nghe về câu lạc bộ leo núi của các anh! Lúc đó tôi rất hâm mộ, tiếc là sức khỏe lúc ấy không tốt lắm, nên không có cách nào tham gia hoạt động ngoài trời gì được, nếu không tôi nhất định sẽ đi với các anh rồi!” Hoắc Trường Lâm vui vẻ nói.
Chúng tôi thấy họ trò chuyện hăng say, Đa Cát cũng vẫn đang hàn huyên với bạn đồng hành, bèn dựng lều vải trước rồi tính. Nếu không lát nữa những chỗ bằng phẳng sẽ bị người khác tranh mất.
Đến khi Đa Cát trở lại, chúng tôi mới biết thì ra nhiều người tới như vậy nhưng không phải ai cũng đến khiêu chiến đỉnh Everest. Trong số bọn họ có vài du khách bình thường, ở lại khu cắm trại một đêm rồi hôm sau sẽ trở về. Cũng có người vận chuyển hàng hóa, họ đã di chuyển trên con đường này nhiều năm rồi, tố chất cơ thể rất khỏe.
Hơn nữa, đừng nhìn bây giờ nhiều người, đến mai cũng chẳng có mấy ai eo lên độ cao 6000m nữa đâu. Theo như anh ta nói, đầu phía Trung Quốc không có nhiều người lắm, vì đường bên này chưa được hoàn thiện. Ngược lại với sự ít ỏi bên này thì phía Nepal đông vui hơn.
Đúng dịp này vào hằng năm, hàng trăm nghìn người thích leo núi sẽ tụ tập lại đây, phần lớn đều là người nước ngoài, còn người châu Á thì rất ít ỏi.
Đa Cát mượn bạn của anh ta một cái nồi, cuối cùng chúng tôi đã được ăn ít mì, nấu chút trà sữa. Tuy bên ngoài gió thổi vù vù, nhưng chúng tôi ngồi trong lều ăn mì nóng hôi hổi, uống trà sữa ngon ngọt, vẫn cảm thấy ấm áp vô cùng.
Điều duy nhất không hoàn hào là không khí đầy mùi phân trâu hung lên…
Tôi rót cho Đa Cát một ly trà sữa, nhưng anh ta lại bảo uống chút rượu cho ấm người. Đinh Nhất và chú Lê xé thịt khô mang từ nhà tới, chia ra cho mọi người một chút. Đến khi chúng tôi ăn sắp xong thì Hoắc Trường Lâm mới trở lại. Tôi thấy sắc mặt anh ta không tốt lắm, nên xé một miếng thịt khô, rót một ly trà sữa nóng cho anh ta.
“Sao thế?” Tôi thắc mắc hỏi.
Anh ta lắc đầu: “Không sao, chỉ là nghe Tống Ba kể chút chuyện về anh trai, nên không nhịn được mà buồn bã thôi…”
Tôi an ủi: “Anh cũng đừng nghĩ nhiều như thế, chỉ cần lần này tìm được di thể của anh trai anh, để anh ấy được nhập thổ vi an, chẳng phải đó mới là niềm an ủi lớn nhất à?”
Hoắc Trường Lâm gật đầu, không nói gì nữa.
Sau khi ăn cơm xong, chúng tôi trở về lều của mình để chuẩn bị ngủ. Trước khi đi, tôi nghe Hoắc Trường Lâm nói, du khách bình thường đến khu cắm trại Everest thì không thể đi tiếp được nữa, nếu muốn đi xa hơn thì nhất định phải xin trước một tháng.
Nhưng chúng tôi đi vội vàng nên hoàn toàn không xin trước, cũng may Hoắc Trường Lâm đã chi tiền, hơn nữa mục đích lần này cũng không phải là leo lên đỉnh, mà là đi tìm Hoắc Trường Tùng, nên hoàn toàn không cần lên đến 8000m.
Đa Cát nói rằng cổng vào Everest bây giờ rất dễ, chỉ cần chịu bỏ tiền thì chẳng cần đến kinh nghiệm leo 8000m. Tôi nghe xong thì cảm thán, đúng là có tiền thì xui được ma khiến được quỷ!
Trước khi ngủ, Đa Cát cho tôi hít ít dưỡng khí, tôi hơi ngại nói: “Dưỡng khí đều để tôi hít hết rồi, Hoắc Trường Lâm không cần à?”
Nhắc đến chuyện này, Đa Cát cũng rất kinh ngạc. Anh ta nói không ngờ tố chất cơ thể của Hoắc Trường Lâm lại tốt như thế, hoàn toàn không giống người leo núi lần đầu. Còn tôi thì… hoàn toàn có hết các đặc điểm của người mới leo núi.
Lúc này, tôi quay sang nhìn Hoắc Trường Lâm đang cho thêm phân trâu vào lửa, động tác thuần thục, hơn nữa giống như không hề ghét bỏ mùi phân trâu, thật khiến tôi mặc cảm mà!
Sáng hôm sau, mọi người đều dậy rất sớm. Nhóm Tống Ba lần này gồm mười người, đã chuẩn bị xuất phát. Trước khi đi, anh ta còn đến tạm biệt Hoắc Trường Lâm, dặn dò vài việc cần chú ý.
Tôi biết từ hôm nay trở đi mới thật sự là thời gian khảo nghiệm của mình, tuy chúng tôi không cần leo lên đến 8000m như họ, nhưng từ khu cắm trại đến địa điểm nghỉ chân số 1 vẫn khá xa. Lúc trước đường bằng phẳng nên vẫn lái xe được, bây giờ thật sự phải dựa vào hai chân của mình rồi!
Vì lát nữa sẽ mất sức, nên buổi sáng tôi ăn khá nhiều thịt khô. Theo như Đa Cát nói, thứ này chống đói rất tốt, là thứ cần thiết nhất lúc leo núi, thời gian bảo quản dài, lại dễ mang theo, chỉ là khó ăn hơn thịt bò khô mà tôi ăn lúc trước thôi…
Trước khi xuất phát, chúng tôi đều thay trang phục leo núi dày cộm. Để phòng chứng quáng tuyết, chúng tôi đều đeo kính chuyên dùng cho trượt tuyết. Tôi nhìn mình võ trang đầy đủ đồ nghề, cảm thấy như dân chuyên thật vậy.
Bình luận facebook