Như tựa đề của truyện, trên đời này, theo tôi có hai việc mà làm cho con người ta sợ hãi và không bao giờ muốn vướng phải đó là sự quên lãng và sự cô đơn. Hai điều này có nghĩa hoàn toàn khác hẳn nhau, nhưng kì thực cái này lại liên kết, hoặc dẫn tới cái kia. Sự quên lãng mang đến cho con người ta cái cảm giác như mình không tồn tại trên cõi đời này, có sống mà cũng như chết rồi, sống mà không ai nhớ tới mình, hoặc để ý đến mình. Cái sự quên lãng này lâu ngày sẽ dẫn tới sự cô đơn, và cái sự cô đơn này còn đau đớn gấp trăm vạn lần. Ai ai trên đời cũng cần có đôi, có bạn, có bè để mà chia vui sẻ buồn, mấy ai mà chịu được cái sự cô quạnh một mình. Bạn đọc có thể có ý nghĩ rằng sự cô đơn không nhất thiết là bị lãng quên, điều đó đúng, nhưng hãy nghĩ mà xem, tuy là vẫn có người biết đến mình, nhớ nhung mình, nhưng mình lại sống trong sự cô đơn đó thì có khác gì như bị lãng quên đâu? Sau những chuyện ma mà chị Trâm kể cho tôi nghe ở trên, chị còn gợi ý cho tôi nên viết về một câu truyện dân gian chuyền miệng của người phương Nam, đó là truyện “Con ma nhà họ Hứa”. Tôi có tìm kiếm trên các trang web và đã có đọc qua một số phiên bản khác nhau của câu truyện. Xin thú thực là truyện này đối với tôi thì quả thật là rùng rợn, nhưng tôi cũng đã không tránh khỏi nhỏ lệ cho nhân vật nữ, thật thương thay cho một kiếp người. Ngoài ra, tôi phải thú thực với bạn đọc một điều là tôi bắt đầu viêt truyện một phần vì không thể cầm lòng với những chuyện xảy ra ngoài đời thực này. Có biết bao chuyện đau lòng, bất công mà mình chỉ nghe cho biết, rồi mà ấm ức không làm gì được. Nhưng trong truyện thì khác, mình có thể bày ra viễn cảnh và kết quả theo ý mình muốn, mình không còn phải ấm ức và chịu thua trước các chuyện đau lòng, bất công nữa. Cho nên, ở chương này, tôi xin mạn phép viết một phiên bản khác của truyện “Con ma nhà họ Hứa”, và xin hứa rằng kết thúc của truyện sẽ có hậu hơn những phiên bản khác. Xin nhắc lại, truyện này đúng ra là có thật, cả nhân vật và sự kiện. Phiên bản dưới đây mà tôi viết, chỉ theo ý tôi. Mong bạn đọc đừng nghĩ rằng truyện này chính xác hoàn toàn, xin cám ơn.
Phần 1: Anh Mãi Mãi Yêu Em
- Xin chúc mừng sinh nhật Hứa đại gia, mong ông luôn gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.
Một viên quan Pháp chúc mừng sinh nhật đại gia, Hứa Bổn Hòa. Nói về Hứa Bổn Hòa, một người Việt gốc Hoa đã sinh sống tại miền Nam Việt Nam lâu rồi. Thời bấy giờ Việt Nam đang là thuộc địa của Pháp, Hứa Bổn Hòa nhờ vào đất đai rộng rãi, cộng thêm sự giàu có, là một trong bốn tứ đại địa chủ thời bấy giờ, đã làm quen với rất nhiều quan Pháp và người có máu mặt, nên đã tự tạo dựng được tiếng tăm cho mình. Nói về Hứa Bổn Hòa có thể nói là tuy giàu có, nhưng cũng không phải là loại cường hào ác bá, hay phú hộ độc ác gì, chỉ riêng có một điều là ông rất nghiêm về vấn đề giai cấp, hay như cấp bậc trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Chỉ buồn thay cho ông ta, có mỗi mụn con gái, tên gọi Hứa Tiểu Lan. Nói về người con gái này, cứ nhìn vào góc phòng nơi có chiếc đàn piano các bạn đọc sẽ rõ. Một giai nhân tuyệt sắc mà có thể nói là tài sắc vẹn toàn. Cứ nhìn những viên lính Pháp trẻ đang xúm lại quanh nàng có thể thấy nàng rực rỡ đến mức nào. Hứa Tiểu Lan, dáng người thanh mảnh, cân đối. Nàng có một mái tóc dài đen mượt , đôi mắt to tròn quyến rũ, cộng thêm đôi môi trĩu mọng, đã hớp hồn không biết bao nhiêu chàng trai. Đó là về nhan sắc của nàng, nói về tài năng thì nàng học được và đang học tại một trường tây, nàng còn giỏi nhất là chơi đàn piano. Nàng ngồi đây, trong một bộ đầm đen đầy quyến rũ, những ngón tay thon thả, trắng nõn nà của nàng nhảy múa trên các phím đàn, tạo nên một bản nhạc du dương làm hớp hồn người ta. Có rất nhiều người đến ngỏ lời cầu hôn với nàng, nhưng nàng đều khước từ, họa chăng vì trong lòng nàng đã có ai rồi sao?
Nói về việc này, Hứa Bổn Hòa vô cùng tức giận, lí do vì sao vậy? Chuyện là như sau, đáng lẽ ra, trường tây mà Hứa Tiểu Lan đang học là một ngôi trường dành cho nữ sinh không, nên nàng khó mà tiếp xúc với chàng trai nào. Mỗi lần đi học, Hứa Tiểu Lan thường được ô tô đưa đi đón về, nhưng nàng không thích như vậy, nàng lấy lí do là vi khi đi ô tô, nàng có cảm giác như bị khung cửa kính ô tô cô lập nàng với cảnh vật, con người bên ngoài. Nên cuối cùng, nàng xin cha được phép đi học bằng xích lô. Nghe thấy việc này cũng chả ảnh hưởng gì, nên Hứa Bổn Hòa chiều lòng con gái mình. Ông ta cho chọn ra một anh lái xích lô khỏe mạnh và thuê khoán anh ta hàng ngày trở con gái mình đi học. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, một lần trên đường đi học, Hứa Tiểu Lan bắt gặp một anh thư sinh trẻ đang giúp một bà cụ đẩy cái xe hàng qua đường. Hứa Tiểu Lan bắt gặp ánh mắt của chàng thư sinh này thì như bị hớp hồn, có lẽ là tâm đầu ý hợp. Kể từ sau lần đó, nàng bị ám ảnh bới cái ánh mắt đầy quyến rũ đó của chàng thư sinh tốt bụng kia. Đến kì hội chợ Tết, Hứa Tiểu Lan cùng cha mẹ mình đi chơi, và rồi nàng đã gặp lại được chàng thư sinh hôm nào. Chàng thư sinh đang ngồi thổi sáo, ôi cái tiếng sáo mới du dương làm sao, nếu đem so sánh với tiếng đàn của nàng thì có thể nói là ngang bằng. Nàng đứng đó lặng lẽ nghe tiếng sáo của chàng thư sinh, chìm trong cái giai điệu du dương, êm đềm đó. Chợt chàng trai như nhìn thấy Hứa Tiểu Lan, chàng cũng nhận ra ngay. Chàng ngừng thổi sáo, từ từ tiến lại phía Hứa Tiểu Lan, lẽ phép cúi chào và nói:
- Chào tiểu thư, mạn phép cho tôi hỏi, tiểu thư thấy tiếng sáo của tôi thế nào ạ?
Hứa Tiểu Lan mặt ửng đỏ cúi đầu ngượng ngùng, thấy vậy chàng trai vội nói tiếp:
- Thứ lỗi cho tôi, tôi tên là Tống Ngọc Thư, xin cho hỏi tên tiểu thư là gì?
Hứa Tiểu Lan vẫn ngượng ngùng đỏ mặt, nàng lí nhí nói:
- Tên tôi là Hứa Tiểu Lan.
Tống Ngọc Thư cười rạng rỡ:
- Rất hân hạnh được làm quen với Hứa tiểu thư.
Rồi hai người đứng trò chuyện rất lâu, cả hai cảm giác như đã thân thiết từ lâu rồi. Càng nói, Hứa Tiểu Lan càng mến mộ Tống Ngọc Thư hơn và dường như nàng đã phải lòng chàng. Tuy nhà Tống Ngọc Thư nghèo, nhưng qua cách ăn nói, cử chỉ, và điệu bộ có thể thấy chàng là một người biết lễ giáo, có ăn học. Đang say sưa nói chuyện, chợt Hứa Bổn Hòa từ đâu tiến tới:
- Hứa Tiểu Lan, con đi đâu mà để cha tìm mãi? Ra đây, cha muốn giới thiệu mấy người cho con.
Rồi chợt Hứa Bổn Hòa nhìn qua Tống Ngọc Thư, chàng như nhận ra đây là một trong tứ đại địa chủ vội chắp tay cúi chào:
- Xin chào Hứa đại gia, tôi tên là Tống Ngọc Thư.
Hứa Bổn Hòa không thèm nói một lời nào, ông ta kéo tay con gái mình đi khỏi Tống Ngọc Thư. Hứa Tiểu Lan bị kéo đi, nàng quay đầu nhìn Tống Ngọc Thư với ánh mắt đầy tiếc nuối. Hai người bỏ đi, để mặc lại Tống Ngọc Thư nhìn theo với ánh mắt buồn xa xăm.
Sau ngày hôm đó, Hứa Tiểu Lan vô cùng giận cha mình vì cái hôm ở hội chợ Tết đó. Mấy ngày Tết ở nhà nàng không hề cười nói, mà luôn giữ một thái độ buồn bã và giận man mác. Điều này cũng khiến cho Hứa Bổn Hòa vô cùng tức giận. Rồi đến một tối, Hứa Bổn Hòa và vợ mình đã ngồi xuống và nói chuyện với cô con gái của mình. Hứa Tiểu Lan bước vào buồng, ngồi xuống trước mặt con gái của mình. Mẹ của nàng lên tiếng hỏi trước:
- Hứa Tiểu Lan, sao đang ngày lễ Tết mà mẹ thấy con có vẻ không được vui, có chuyện gì khiến con buồn bực chăng?
Hứa Tiểu Lan nhẹ nhàng đáp lại:
- Mẹ muốn biết thì hãy hỏi cha con ấy.
Mẹ nàng lúc này không biết nói gì hơn, quay ra nhìn chồng mình. Hứa Bổn Hòa như nén mọi cơn giận giữ lại, lên tiếng:
- Cha không muốn con qua lại với cái thằng đó nữa.
Ngày lúc này đây, Hứa Tiểu Lan như không tin vào những lời lẽ vô tình của cha mình. Nàng nhìn vào mắt cha mình, nói giọng nghẹn ngào:
- Tại sao cha lại có thể vô lý như vậy? Tống Ngọc Thư, anh ấy có gì xấu đâu?
Hứa Bổn Hòa giận giữ đập bàn mạnh một cái, khiến cho cả nàng và mẹ nàng giật nảy người:
- Tao nói không là không, gia đình thằng đó nghèo mạt như vậy, mà mày cũng thích nó được sao? Mày có biết là khi mọi người ở chỗ chợ đó biết tiểu thư họ Hứa đi giao du với một thằng nghèo mạt hạng như thế, người ta nghĩ gì về tao không?!
Hứa Tiểu Lan sau khi nghe xong những lời lẽ nói ra từ đáy lòng của cha mình, nàng vội ôm mặt òa khóc. Mẹ của nàng phải chạy qua ngồi dỗ dành nàng. Hứa Bổn Hòa thấy con gái mình khóc như vậy, nhưng cũng không ngừng mà tiếp thêm vào:
- Cha không thể hiểu nổi con, cha giới thiệu cho con biết bao nhiêu công tử danh giá, nhưng con không hề ưng chịu một ai, mà lại đi chọn cái thằng hạ đẳng đó. Con có hiểu thế là nào là “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” không? Đã bao giờ con nghĩ đến cái sĩ diện của cha chưa?
Hưa Tiểu Lan như không chịu đựng được nổi nữa, nàng lớn tiếng trong nước mắt:
- Nếu vậy, cha đã bao giờ nghĩ đến hạnh phúc của con chưa? Hay cha chỉ toàn nghĩ cho bản thân mình thôi?
Hứa Bổn Hòa càng ngày càng tức giận, chợt ông lớn tiếng:
- Mày câm mồm ngay, tao không muốn nói nhiều lời với mày, không là không. Từ giờ trở đi tao cấm mày không được gặp thằng đó nữa.
Hứa Tiểu Lan càng khóc dữ hơn, nàng chạy ra khỏi phòng, đến cửa, nàng chỉ nói có đúng một câu:
- Con thất vọng về cha lắm.
Rồi quay bước lên phòng, bỏ lại Hứa Bổn Hòa nhìn theo với ánh mắt đầy giận dữ.
Bình luận facebook