• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Tuyển tập Hạt giống tâm hồn Full (1 Viewer)

  • Hạt giống tâm hồn (Tập 5) - Phần 7 (Hết tập 5)

Phòng toát mồ hôi


Tôi không thể tin rằng mình đang bước vào phòng toát mồ hôi. Một nơi cử hành nghi lễ của thổ dân da đỏ. Tôi là một phụ nữ người Đức, tóc vàng, mắt xanh, bốn mươi ba tuổi, mẹ của bốn đứa con trai, và đang làm việc tại bệnh viện. Tôi cùng chồng, Eric, đi nghỉ mát ở bờ biển với một nhóm thầy thuốc khác.


Khi được đề nghị một dịp may hiếm có tham dự nghi lễ của thổ dân da đỏ, Eric nhận lời không chút do dự. Anh là vậy đó. Anh thuộc loại người "gì cũng thử qua một lần cho biết" nếu điều đó sẽ đưa ảnh vào cuộc phiêu lưu mới. Dĩ nhiên, tôi phải đi theo ảnh thôi.


Tôi vẫn còn thái độ chống đối khi cả nhóm mười hai người chúng tôi ngồi xếp bằng theo vòng tròn bên trong một không gian nhỏ xíu, có chiều cao khoảng một mét rưỡi, giống hệt một cái lều vải được dựng bằng cây sào và được phủ bằng cành lá. Bà thầy cúng người da đỏ bắt đầu hát ê a, ngợi khen các thần linh. Tim tôi bắt đầu đập mạnh. Tôi sợ hãi nhìn những khối đá đỏ rực lửa nằm thành một đống ngay chính giữa lều. Chúng có thể nổ tung không? Chúng tôi có bị ngạt thở vì thiếu không khí không? Tôi có bị ngất xỉu không? Mọi thứ dường như quá chật hẹp. Tôi cố gắng kiểm soát hơi thở điên cuồng của mình. Không khí nóng đến nổi, trong con hoảng hốt, tôi ngã người tới trước, úp mặt xuống đất để dịu bớt sức nóng.


Một giờ sau, tôi lảo đảo bước ra khỏi lều. Toàn thân tôi hoàn toàn khô kiệt và mệt nhoài. Tôi thả người nằm phịch xuống đất, chân tay soải trên cát. Đúng. Đúng vậy. Tôi đang an toàn và đang hít thở không khí trong lành. Tôi không muốn toát mồ hôi thêm nữa. Rồi bỗng nhiên, khi ngửa mặt nhìn lên các vì sao trên trời, hình ảnh mẹ tôi xuất hiện trước mắt. Tôi bằng hoàng. Mẹ tôi chết trẻ lắm, lúc đó bà bốn mươi tuổi, còn tôi mới mười lăm. Gương mặt tươi cười của mẹ chiếm trọn vị trí của ánh trăng rằm.


Bà bắt đầu nói chuyện với tôi - những lời mà chỉ có mình tôi nghe được. Bà nói:


"Nhìn con kìa! Con đã làm được nhiều việc và con đã tiến rất xa. Con có những cơ hội mà mẹ không bao giờ được".


Bà rất hài lòng về tôi. Tôi có thể cảm thấy tình yêu của mẹ tôi dành cho tôi.


Và rồi đầu óc tôi hiện lên những sự kiện quan trọng mà tôi không thể san sẽ với bà; nổi đau buồn sau khi bà chết, đứa em song sinh với tôi nằm bẹp trên giường khóc lóc; sáu tháng sau, tôi tốt nghiệp trung học; rồi tốt nghiệp đại học; ngày của Mẹ hằng năm; ngày cưới của tôi; những đứa con lần lượt chào đời; cuộc ly dị đau đớn; lần tái hôn thật tuyệt vời; những thay đổi trong nghề nghiệp... Tôi cũng muốn chia sẻ với mẹ sự thiếu thốn về tinh thần; những giọt nước mắt cùng những tiếng cười; sự yêu thích điện ảnh; được nhìn bà mẹ và con gái ở bên nhau. Tôi cứ tưởng mẹ tôi đã bỏ sót tất cả những điều đó. Giờ đây tôi biết rằng bà luôn hiện diện bên cạnh tôi trong suốt cuộc đời tôi.


Vài phút sau, gương mặt mẹ tôi mờ dần. Tôi vẫn nằm yên đó, cảm nhận niềm vui và điều kỳ diệu, đắm mình trong ánh nắng buổi chiều ấm áp. Tôi không thể giải thích, nhưng tôi biết đó là sự thật.


Nếu tôi sợ hãi và chạy khỏi căn phòng toát mồ hôi đó, tôi đã bỏ lỡ một điều đáng ghi nhớ nhất trong đời. Tôi được cho một dịp may để chữa lành vết thương lòng, đồng thời, tôi được nghe mẹ tôi nói: "Mẹ yêu con, con gái cưng".


Cô cần gì không?


Chúng ta là ai - đó là món quà Thượng Đế tặng cho chúng ta, để Chúng ta trở thành con người nào - đó là món quà chúng ta tặng Thượng Đế.


- Khuyết danh


Hôm đó, tôi khỏi hành khá sớm. Trước khi đến cuộc hẹn đầu tiên, tôi đưa một cô bạn đến sân bay quốc tế thành phố Kansas rồi quay trở lại theo tuyến đường quen thuộc hàng ngày. Khi đến ngã ba, nơi tôi thường rẽ bên trái, thì xe tôi bắt đầu chuyển sang bên phải, hoàn toàn ngoài ý muốn của tôi. Dường như có ai đó giành lấy vô-lăng nơi tay tôi và lái xe thay tôi.


Vừa tiếp tục lái xe, tôi vừa nói to lên: "Tại sao mình lại làm như vậy?"


Bộ đồ vía màu trắng của tôi rất phù hợp với một ngày hè đẹp trời như hôm nay. Biết rằng mình có khuynh hướng lái xe nhanh khi thời tiết tốt, tôi bật hệ thống kiểm tra tốc độ trong xe và bắt đầu ngắm nghĩa cảnh đẹp. Tiếp tục cho xe chạy bon bon trên xa lộ, tôi cất tiếng hát nghêu ngao, thì một giọng nói trong đầu tôi vang lên: "Chạy chậm lại".


Tôi nhìn bảng đồng hồ và thấy tốc độ chỉ có chín mươi cây số một giờ. Tôi nghĩ như vậy là ổn, và tôi vẫy tay tỏ vẻ xem thường.


Ngay sau đó, một giọng nói - như thể ai đó ngồi nơi băng ghế sau - hét lên: "Chậm lại đi!"


Giật mình, tôi đạp mạnh thắng làm chiếc xe suýt khựng lại. Tôi vừa lầu bầu một mình: "Chuyện này nghĩa là thế nào?" thì chợt nhìn thấy chiếc xe hơi nhỏ màu trắng trước mặt tôi bắt đầu chạy loạng choạng.


Tôi tấp xe vào bên lề ngay lập tức, và cảm thấy một tai nạn kinh khủng sắp sửa xảy ra. Chiếc xe tôi dừng hẳn lại, cũng là lúc chiếc xe nhỏ màu trắng lạng qua ba làn đường và đâm thẳng vào hàng rào bảo vệ, với tốc độ trên một trăm cây số giờ.


Ngay khi tôi nhảy ra khỏi xe, một chiếc xe khác dừng lại bên cạnh tôi. Một người đàn ông lao ra ngoài và hỏi:


- Tại sao cô đạp thắng vậy?


Tôi đáp:


- Xe tôi chưa xảy ra chuyện gì cả. Nhưng tôi không biết tại sao tôi dừng xe lại.


Ông ta nói:


- Cám ơn cô. Cô đã cứu mạng tôi.


Tôi hỏi tại sao và ông ta giải thích ngay:


- Tôi đang chạy rất nhanh, khoảng một trăm ba mươi lăm cây số giờ. Tôi đang trễ nên cố gắng bù đắp thời gian. Tôi bị nhiều thẻ phạt chạy quá tốc độ rồi, nên khi thấy cô đạp thắng, tôi nghĩ cô thấy xe cảnh sát ở phía trước. Nhờ thế tôi cũng đạp thắng theo. Nếu không, tôi có thể đâm thắng vào chiếc xe màu trắng kia khi nó bắt đầu lảo đảo.


Vẫn còn bằng hoàng, người đàn ông leo vào trong chiếc xe và lái đi tiếp.


Khi tôi đến bên chiếc xe bị nạn nằm giữa xa lộ, tôi thì thầm một mình:


- Tại sao lại là mình? Mình có biết gì về sơ cứu tai nạn đâu?


Người lái xe là một phụ nữ trẻ mang thai, còn người ngồi bên cạnh là chồng cô ta. Cả hai dường như bị thương rất nặng. Máu tung tóe khắp nơi. Người chồng bị gãy hết răng. Cả hai đang kêu khóc và sợ hãi. Tôi biết chúng tôi cần sự giúp đỡ và cần chiếc xe cứu thương.


Một xe hơi dừng lại. Một phụ nữ ngồi sau tay lái hỏi:


- Cô cần gì không?


Tôi đáp:


- Chúng tôi cần cảnh sát và một xe cứu thương. Hai người này bị thương rất nặng.


Người phụ nữ gật đầu, lái xe đi tìm một buồng điện thoại công cộng.


Tôi quay trở lại chỗ hai nạn nhân để nói cho họ biết xe cứu thương đang trên đường tới đây.


Một người lái xe chạy ngang qua hét lên thật to:


- Cô phải đưa họ ra khỏi xe. Xăng chảy lênh láng dưới xe kìa.


Tôi lại gần hơn, định mở cánh cửa xe móp méo, nhưng người phụ nữ cho biết nó đã bị kẹt. Tôi liếc mắt nhìn lên phía khung cửa sổ. Có những mảnh kính xe vỡ chìa ra nhọn hoắc nên tôi thấy chỉ có một cách duy nhất đưa cô ta ra ngoài là phải mở cánh cửa. Dùng hết sức, tôi kéo mạnh tay nắm. Thật không thể tin nổi, cánh cửa bật ra ngay.


Tôi giúp người phụ nữ hoảng sợ ra khỏi xe, đặt cô ta nằm xuống đất, rồi chạy trở lại giúp người chồng. Cánh cửa xe bên này bị kẹt vào hàng rào bảo vệ nên không thể mở được. Anh ta cũng không thể trường người qua chỗ ngồi của tài xế, vì có một vật cản. Tôi phải nâng thân người anh ta lên, trong khi anh ta cố nhoài mình qua khung cửa sổ. Sau đó, tôi giúp anh ta nằm xuống, bên cạnh người vợ.


Người chồng chảy máu nhiều tới mức tôi phải nghĩ bụng: "Họ cần có hai chiếc khăn".


Ngay lúc đó, một phụ nữ dừng xe lại và hét lên:


- Cô cần gì không?


Tôi cho bà ấy biết. Bà ấy thò tay ra ghế sau, lấy lên một túi xách đựng hai chiếc khăn mới mua. Quay trở lại chỗ hai vợ chồng, tôi dùng một chiếc khăn để thắt ga-rô trên cánh tay người chồng và đặt chiếc khăn còn lại dưới đầu anh ta.


Họ đang bị sốc mạnh, và tôi biết họ cần chăn mền để giữ ấm. Một phụ nữ khác dùng xe lại và hỏi:


- Cô cần gì không?


Tôi nói tôi cần hai tấm chăn. Bà ấy đi vòng ra phía sau xe tải nhỏ, lấy ra hai tấm chăn trong giỏ đựng đồ sạch của hiệu giặt ủi. Bà ấy nói là cần phải đi ngay.


Trong lúc đắp chăn cho hai vợ chồng, tôi nhận ra nãy giờ mình đã xoay sở rất nhiều việc - chỉ có một mình. Rồi tôi nghĩ: "Mình cần một nhân viên cứu thương - mình cần ngay lập tức!"


Khi ngước mắt lên, tôi thấy một người đàn ông mặc đồng phục trắng từ bên kia xa lộ đang chạy về hướng tôi. Tôi không thấy chiếc xe nào đậu ở gần đó cả. Dường như ông ấy xuất hiện từ trong không khí. Ông ấy giới thiệu là một nhân viên cứu thương vừa xong ca trực. Tôi đứng lui ra khi ông ấy bắt đầu sơ cứu cho hai vợ chồng nạn nhân.


Tôi chắc chắn nét mặt mình có vẻ bối rối khi cảnh sát đến, và họ nói tôi có thể đi. Đầu óc tôi chỉ toàn nghĩ đến phép lạ vừa xảy ra. Tôi nhận được mọi thứ tôi cần - ngay lúc tôi muốn có. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu chúng ta thật sự an toàn biết bao. Thiên thần hộ mệnh của chúng ta chỉ là việc thì thầm và rồi Thượng Đế thực hiện phép lạ của Người.


Nhìn đồng hồ, tôi biết mình có đủ thời gian để đến cuộc hẹn. Khi đến nơi, qua hình ảnh phản chiếu trên khung cửa, tôi chợt nhớ rằng mình đang mặc bộ đồ trắng. Tôi nhìn xuống và không thể nào tin được. Sau những gì tôi vừa trải qua, quần áo của tôi hoàn toàn không có một vết bẩn.


Thiên thần tuần tra


Vào một buổi tối ướt át và lạnh lẽo, nhân viên cảnh sát Berniece Johnson đang cần mẫn thực hiện phiên trực của cô trên khu phố ở Portland, bang Oregon. Trong lúc đi tuần, cô nghe rađio thông báo có một tai nạn xảy ra trên cây cầu số 8 của thị trấn.


Lúc này, cảnh sát Johnson ở cách xa hiện trường tai nạn khoảng hai mươi phút, nhưng trong bụng cô có một cảm giác mạnh mẽ là phải tới giúp đỡ người đồng nghiệp nào đó của cô. Đúng ra cô không phải lo lắng như vậy. Họ không yêu cầu cô tới hỗ trợ, và có nhiều nhân viên cảnh sát đang ở gần hiện trường hơn cô. Nhưng cô vẫn cho xe vượt qua cầu Marquam -một trong những cây cầu bắc ngang sông Willamette, là con sông chia cắt thị trấn Portland ra làm đôi.


Tiếng nói trong rađio vẫn kêu gọi, và cô bắt đầu vòng xe đi về phía bên kia thị trấn. Một lần nữa, cảm giác nôn nao trong bụng cô lại quặn lên, nhưng nó muốn cô rẽ sang một con đường khác. Khi cô tới gần cầu Freemont, một tiếng nói thầm trong đầu cô vang lên:


- Rẽ vào đây.


Nhân viên cảnh sát Johnson lái xe lên cầu Freemont. Vừa định vượt qua cầu, cô để ý thấy một chiếc xe nhỏ đậu sai quy định trên lề đường. Chiếc xe vẫn để đèn pha phía trước bật sáng.


Nhận ra một người đàn ông và một phụ nữ ở trong xe, cô bắt đầu kiểm tra như thường lệ. Nhìn vào trong xe, cô hỏi to:


- Có vấn đề gì ở đây không?


Người phụ nữ với khuôn mặt ướt đẫm nước mắt, trả lời:


- Có. Chồng tôi muốn tự tử bằng cách nhảy xuống cầu.


Thủ tục đòi hỏi nhân viên cảnh cảnh sát phải tạm giam người muốn tự tử để họ bình tĩnh, suy nghĩ lại. Nhưng trực giác của cô mách bảo cô phải nói chuyện với con người tuyệt vọng đang ngồi sau tay lái, đang nhìn trừng trừng về phía trước.


Cô bắt đầu đưa ra những lý do tại sao anh ta không nên kết liễu mạng sống. Cô nói, trên đời này không có gì tồi tệ đến mức anh ta cần phải chết đi. Cô nói thật nhiều, thuyết phục thật nhiều.


Mười lăm phút sau, cô không còn biết phải nói thêm điều gì nữa. Dường như anh ta sắp khóc. Cô trấn an anh ta bằng câu:


- Phải là một người mạnh mẽ và nhạy cảm thì mới sẵn sàng khóc lên. Vì khóc là cách để chúng ta gạt bỏ nỗi đau buồn ra ngoài.


Người đàn ông úp mặt xuống lòng bàn tay, gục xuống và bắt đầu khóc thổn thức. Nhân viên cảnh sát Johnsaon thầm cầu nguyện: "Chúa ơi, con phải làm gì đây?"


Nơi băng ghế sau, cô để ý thấy một đứa bé nhỏ xíu. Cô bèn tâm sự với ông bố trẻ tuổi về nỗi buồn của cô khi lớn lên với một người cha không có tình thương dành cho cô. Cô nhắc anh ta nhớ rằng, dẫu anh ta có chịu đựng đau khổ như thế nào chăng nữa, anh ta vẫn có thể yêu thương và quan tâm tới đứa con nhỏ của mình. Anh ta sẽ luôn có mặt bên cạnh nó để nuôi dạy nó, để khích lệ nó khi nó lớn lên, và để đứa con trai nhỏ luôn cảm thấy an toàn trong thế giới này.


Người đàn ông càng khóc to hơn, và lúc này, nhân viên cảnh sát Johnson nghe tiếng thì thầm bên tai: "Im lặng đi! Đừng nói nữa!" Cô lại cầu nguyện: "Chúa ơi, con phải làm gì đây?" Dường như cô đang gỏi đến người đàn ông đau khổ này một luồng ánh sáng trắng để chữa lành vết thương. Dù di chuyển theo hướng nào, dù đứng xa xa hay bước lại gần gần, cô đều thấy anh ta được bao quanh bởi một quầng ánh sáng trắng.


Một tiếng đồng hồ sau, giống như cành hoa được tưới đẫm nước, người đàn ông ngồi dậy và ngước mắt nhìn nhân viên cảnh sát Johnson. Khuôn mặt anh ta sáng bừng lên một sức sống mới.


Cô mới anh ta sang ngồi bên chiếc xe tuần tra của cô. Cô có cảm giác anh ta muốn nói chuyện một mình với cô trước khi cô cho phép anh ta lái xe đi. Anh ta bắt đầu nói về những sai lầm mà anh ta đã phạm phải trong đời. về những vấn đề rắc rối với cha mẹ anh ta. Càng chia sẻ nỗi lòng tuyệt vọng với người khác, thái độ của anh ta càng dịu xuống và bình thản hơn.


Người đàn ông vừa có ý định tự tử quay sang nhân viên cảnh sát Johnson và cảm ơn cô đã có mặt ở đó kịp thời vì anh ta. Cô chạm vào cánh tay anh ta và nói khẽ:


-Trước khi anh đi, tôi muốn nói với anh điều này. Cho dù anh có ý định tự tử ở đâu vào đêm nay... tôi cũng sẽ tìm ra anh.


Sức mạnh của trí tưởng tượng


Hồi mới bắt đầu viết cuốn sách, tôi thử tưởng tượng đến cảnh mình ký tặng chữ ký. Bốn tuần sau, tôi được mới đến dự bữa tiệc Giáng Sinh - đội bóng chày Doiger tổ chức - dành cho thiếu nhi trong thành phố. Bạn trai của tôi là cựu vận động viên của đội, ông chủ, ông bầu, huấn luyện viên cùng các vận động viên khác sẽ có mặt để tặng chữ ký cho các em thiếu nhi.


Khi đến dự, bọn trẻ sẽ nhận một chiếc mũ bóng chày nho nhỏ. Các vận động viên nổi tiếng của môn bóng chày sẽ ký tặng lên mũ. Các em rất háo hức, đứng xếp hàng trước mặt từng vận động viên. Đó là món quà Giáng Sinh đặc biệt dành cho tất cả các Fan nhí của đội Doiger.


Một bé gái bước tới chỗ tôi, đưa chiếc mũ cho tôi ký tên. Tôi giải thích cho cô bé biết tôi không phải là người nổi tiếng, nhưng nó không chịu câu trả lời này. Tôi nghĩ bụng, thôi thì cứ ký tên quách cho cô bé để nó khỏi nằn nì nữa.


Dường như mọi người đang nhìn về hướng tôi. Các ý tưởng lướt nhanh qua đầu tôi. Tôi tưởng tượng các vận động viên sẽ thắc mắc: "Người phụ nữ này là ai? Cô ta có quyền gì mà ký tên cô ta lên chiếc mũ của đội Doiger? Cha mẹ bọn trẻ nói gì khi nhìn thấy tên các vận động viên nổi tiếng của đội Doiger và rồi có cả tên tôi trên đó nữa?"


Thế rồi ý tưởng nảy ra khiến tôi giật mình. Tôi đang thật sự tặng chữ ký! Đây là điều mà tôi mong muốn. Ngước mắt nhìn lên, tôi hoàn toàn bất ngờ trước cảnh tượng tôi trông thấy. Tôi chỉ mất vài giây ký tên tặng cô bé, thế mà có một hàng dài những đứa trẻ dễ thương đứng chờ trước mặt tôi. Con số đó càng lúc càng tăng dần. Từng đứa trẻ cầm sẵn mũ trên tay, giơ ra chờ tôi ký. Khi tôi đứng đó, vừa nói chuyện với bọn trẻ, vừa ký tên, lòng tôi chợt tràn ngập niềm phấn khởi và sự biết ơn. Tiệc Giáng Sinh dành cho bọn trẻ, nhưng chúng đang tặng tôi một món quà tuyệt vời. Tôi đã biết được xúc động khi tặng chữ ký là như thế nào.


Giờ đây, khi thực hành sức mạnh của trí tưởng tượng, tâm trí tôi luôn hiện ra hình ảnh của những đứa trẻ ngây thơ và vui sướng. Bởi chính các em là những đứa biết rõ điều này: Bất cứ điều gì ta mơ ước cũng có thể trở thành sự thật.


HẾT TẬP 5
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom