• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Tuyển tập Hạt giống tâm hồn Full (4 Viewers)

  • Hạt giống tâm hồn - Tập 1 - Phần 4

Có công mài sắt...


Một trong những điều đáng khích lệ nhất mà bạn có thể làm là tự xác định chính mình - biết mình là ai, tin vào cái gì và muốn đi tới đâu.


- Shiela MurrayBethel


Joan Molinsky luôn ấp ủ ước mơ được đứng trên sân khấu với mong muốn mang lại những phút giây thư giãn cho mọi người. Tuy cô đã thành công đôi chút trong các cuộc thi tài năng ở địa phương nhưng cha mẹ cô vẫn không mấy tin tưởng quyết định chọn nghề diễn viên hài kịch của con mình là đúng.


Buổi trình diễn đầu tiên của Joan ởNew Yorklà vào cuối hè tại một câu lạc bộ, bố mẹ cô cũng đến xem.


Tiết mục bắt đầu bằng một bài hát vui nhộn, nhưng sự tập trung mà khán giả dành cho cô chỉ như sự lưu tâm khi chiếc xe đẩy chở thức ăn tráng miệng đi ngang qua bàn họ. Ba trăm con người mải chuyện trò huyên náo, chẳng ai chú ý gì đến nghệ sĩ trên sân khấu. Đau nhói và sượng sùng, Joan vẫn cố gắng kiên nhẫn vận dụng hết khả năng của mình để hoàn thành từng phần đoạn một. Sau lời “Cám ơn!” nhũn nhặn, Joan bỏ chạy vào nhà bếp, nước mắt rơi lã chã. Cha mẹ cô lúng túng - nhưng cho chính bản thân họ nhiều hơn là cho con gái. Thất bại này càng khiến cha của Joan, tiến sĩ Molinsky, kiên quyết khuyên cô từ bỏ giấc mơ gắn với ngành giải trí để đeo đuổi một ngành nghề khác thực tế hơn.


- Nhưng đây là cuộc đời con và con quyết sống với nó đến cùng - Joan bương bỉnh.


Cuộc tranh luận kết thúc bằng việc Joan rời gia đình đến thành phốNew York. Cô thuê nhà, kiếm sống qua ngày và nuôi dưỡng ước mơ bằng cách tham gia sân khấu tạp ký. Sự tận tụy của cô cũng dần được đền đáp - sau này cô nhận được một chân biên kịch và là hoạt náo viên cho Candid Camera, một chương trình ít tiếng tăm ởCalifornia. Dù nỗ lực cách mấy, cô vẫn không bao giờ được ông bầu Alien Funt nhớ đúng tên, mà luôn bị gọi bằng bất cứ tên gì ông ta chợt nghĩ ra - từ Jeri, Jeannie cho đến Jackie...


Một hôm, cô nhận được một cú điện từTheTonight Show- nơi cô nộp đơn xin một vai nhỏ. Họ muốn cô xuất hiện chung với Johnny Carson, diễn viên hài kịch vĩ đại đương thời. Viện lý do bị bệnh để xin nghỉ một hôm ở Candid Camera, Joan quyết tâm nắm lấy vận hội này. Trên sân khấu, Joan vàCarsonlập tức diễn ăn ý với nhau ngay, thậm chí còn hay hơn cả kịch bản. Cuối vở,Carsonphấn khích hét to lên với hàng triệu khán giả qua màn ảnh nhỏ rằng:


- Chà, cô tiếu lâm quá! Rồi cô sẽ trở thành ngôi sao cho mà xem!


Ngày hôm sau, hàng tá lời mời biểu diễn tới tấp được gởi về từ khắp mọi miền đất nước, đưa Joan vào danh sách những diễn viên hài kịch hạng A. Sau cùng, cô cũng xin nghỉ ở Candid Camera, khiến ông Funt vừa giận dữ vừa hối tiếc. Nhai nhóp nhép củ cà rốt, ông ta bảo:


- Tôi nghĩ là cô đã phạm một sai lầm lớn, Jill à!


Đây là lần sau cùng cô bị gọi sai tên. Kể từ đó, cái tên Joan Molinsky luôn được xướng lên thật chính xác.


Xa xa nơi đó, tận phía chân trời, là những ước mơ, hoài bão của tôi. Có thể tôi không bao giờ với tới chúng được, nhưng tôi có thể nhìn lên và ngắm vẻ đẹp của chúng, tin tưởng vào chúng và cố gắng thay đổi chúng.


- Louisa May Alcott


Không đầu hàng số phận


Nếu tôi có thể ước cho mình một cuộc sống không gặp trở ngại nào thĩ hấp dẫn thật đấy, nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi sẽ không học được điều gì từ cuộc sống nữa.


- Allyson Jones


Những khởi đầu của năm 1993 dường như báo hiệu đây không phải là năm tốt đẹp trong đời tôi. Đó là năm thứ tám tôi một thân một mình nuôi ba đứa con còn đang tuổi đi học, trong đó đứa con gái lớn chưa hôn ước gì cả vừa sinh cho tôi đứa cháu đầu tiên, còn tôi cũng sắp chia tay với người đàn ông tử tế sau hai năm hò hẹn.


Tháng tư năm ấy, tôi được gọi đi phỏng vấn và viết bài về một người phụ nữ sống tại một thị trấn nhỏ ở bangMinnesota. Thế là, ngay trong mùa lễ Phục sinh, tôi cùng Andrew, con trai 13 tuổi của tôi, lái xe qua hai tiểu bang để đến gặp người phụ nữ có tên là Jan Turner.


Trong chuyến đi dài đó, thỉnh thoảng tôi lại gọi chuyện với Andrew để lôi thằng bé ra khỏi những cơn ngủ gật.


- Con biết không, cô ấy bị cụt cả hai chân tay.


- Ô, thế thì làm sao cô ấy đi lại được nhỉ?


- Chúng ta sẽ biết khi tới nơi.


- Cô ấy có con không mẹ?


- Hai con trai, chúng tên làTylervà Coily - cả hai đều là con nuôi.


- Chuyện gì đã xảy ra với cô ấy vậy mẹ?


- Mẹ không rõ nữa. Trước khi phải cắt bỏ đi tay và chân, cô ấy đã từng là giáo viên thanh nhạc ở trường tiểu học và chỉ huy dàn đồng ca tại nhà thờ.


Andrew lại thiếp đi trước khi tôi kể nốt cho nó nghe những thông tin ít ỏi mà tôi biết về Jan. Khi đến tiểu bang Minnesota, tôi chợt băn khoăn không hiểu người phụ nữ tôi sắp gặp mặt đã phản ứng ra sao khi nghe cái tin khủng khiếp là mình phải cắt bỏ cả hai tay hai chân như vậy. Làm sao cô ấy có thể sinh sống được? Có ai bên cạnh để giúp cô ấy không nhỉ?


Khi đếnWillmar, bangMinnesota, tôi gọi cho Jan từ khách sạn hỏi xem liệu tôi có thể đến nhà đón cô cùng lũ trẻ hay không.


- Không sau đâu Pat, tôi lái xe được mà. Chúng tôi sẽ có mặt trong vòng 10 phút nữa. Chị có muốn đi ăn gì trước không? Gần chỗ chị có quán Ponderosa ăn cũng được lắm đấy.


- Vâng, vậy cũng được. - Tôi nói mà trong lòng cũng thấy ngại ngùng. Không hiểu cùng ngồi ăn trong nhà hàng với một người phụ nữ không chân tay sẽ như thế nào nhỉ? Cô ấy lái xe thế nào được nhỉ? Tôi băn khoăn.


Mười phút sau, Jan đỗ xe trước khách sạn. Cô xuống xe và đi về phía tôi với dáng đi rất bình thường trên đôi chân trông y như thật rồi chìa cánh tay phải có một cái móc sáng chói ở phía cuối để bắt tay tôi:


- Chào Pat. Rất vui được gặp chị. Còn đây chắc là cháu Andrew.


Tôi bóp nhẹ tay cô rồi cười gượng:


- Vâng, đây là cháu Andrew.


Sau đó, tôi nhìn ra băng ghế sau xe cô và cười với hai cậu bé, chúng cũng đang cười rất tươi với tôi.


Jan vui vẻ ngồi vào sau tay lái.


- Lên nào! Coily, xích vào cho bạn Andrew ngồi đi con.


Chúng tôi vào nhà hàng, ăn uống và trò chuyện trong lúc bọn trẻ tán gẫu với nhau. Cả buổi tối hôm đó, việc duy nhất mà tôi phải làm giúp Jan Turner là mở nắp lọ xốt cà chua.


Sau đó, trong khi lũ trẻ đang vui đùa trong hồ bơi của khách sạn, Jan và tôi ngồi trên bờ hồ. Cô kể cho tôi nghe về cuộc sống của cô trước khi xảy ra thảm kịch.


- Hồi ấy, lúc nào tôi cũng bận rộn. Cuộc đời đẹp đến nỗi tôi đã nghĩ đến chuyện nhận nuôi thêm một đứa thứba.


Tôi thấy lương tâm mình cắn rứt. Phải công nhận rằng người phụ nữ này sống tốt hơn là tôi nghĩ.


Jan tiếp tục:


- Một ngày chủ nhật trong tháng 11 năm 1989, tôi đang thổi kèn trumpet ở nhà thờ thì bất chợt thấy mệt, chóng mặt và buồn nôn. Tôi cố để không quy xuống ngay giữa buổi lễ, và hai cậu thanh niên đã đưa tôi về nhà khi buổi lễ vừa kết thúc. Tôi vào giường nằm nghỉ, nhưng đến tối tôi cảm thấy mình cần phải gọi cấp cứu ngay.


Jan kể rằng lúc được đưa đến bệnh viện cô đã hôn mê. Huyết áp giảm đến nỗi cơ thể cô hoàn toàn tê liệt. Cô bị viêm phổi, một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây nên. Một trong những ảnh hưởng phụ tai hại của căn bệnh này là sự kích hoạt hệ thống đông tụ của cơ thể, gây tắc nghẽn các mạch máu. Và vì máu đột ngột không chảy đến được các bàn tay và chân nên chân tay cô nhanh chóng bị hoại tử. Chỉ sau hai tuần nhập viện, tay Jan bị cưa đến khuỷu còn chân thì đến ống quyển.


Ngay trước khi phẫu thuật, cô đã khóc lóc thảm thiết:


- Ôi Chúaơi! Không thể như thế được. Làm sao con có thể sống khi không có chân tay? Không đi được nữa ư? Không chơi trumpet, guitar, piano được nữa ư? Con sẽ không bao giờ được ôm các con của con hay chăm sóc chúng sao? Xin Thượng Đếđừng bắt con phải lệ thuộc vào người khác suốt quãng đời còn lại!


Sau khi phẫu thuật được sáu tuần, các vết thương của cô đã lành, một bác sĩ đề cập với Jan việc dùng chân tay giả. Bà ấy bảo rằng Jan có thể tập đi, lái xe, đến trường và thậm chí cô còn có thể đi dạy lại.


Jan cảm thấy điều đó thật khó tin. Trong lúc thất vọng, cô cầm quyển Kinh Thánh lên và mở ra một cách ngẫu nhiên. Một hàng chữ đập vào mắt cô, “Đừng bắt chước hành vi và thói quen của thế giới này. Hãy làm cho mình luôn mới mẻ và khác biệt trong những điều con làm và suy nghĩ. Con sẽ học từchính kinh nghiệm của mình qua những điều giúp con thật sự hài lòng”.


Jan đã suy nghĩ về điều đó - về việc trở thành một người mới mẻ và khác biệt - và cô quyết định thử dùng chân tay giả. Với cái khung tập đi buộc đến gần khuỷu tay và một bác sĩ trị liệu giúp đỡ, cô chỉ có thể loạng choạng trên đôi chân chừng hai ba phút trước khi ngã xuống trong đau đớn và kiệt sức.


“Từ từ thôi”, Jan tự nhủ. “Hãy là một con người mới từ hành động đến suy nghĩ, nhưng làm từng bước một”.


Ngày hôm sau, cô thử mang đôi tay giả, một hệ thống dây cáp thô, các dải cao su và những cái móc được vận hành bằng sợi đai quàng qua vai Jan. Bằng cách cử động các cơ vai, chẳng bao lâu cô có thể đóng mở những cái móc để nhặt và giữ đồ vật cũng như mặc quần áo và ăn uống.


Trong vòng vài tháng, Jan có thể làm được hầu như mọi việc trước đây cô đã từng làm - chỉ khác là theo một cách mới mẻ và khác biệt mà thôi.


- Tuy nhiên, khi được về nhà sau 4 tháng trị liệu, tôi vẫn cảm thấy bất an về cuộc sống của mình cùng các con. Nhưng khi về đến nơi, xuống xe rồi bước vào nhà và ôm chặt các con, tôi đã bỏ tất cả mọi lo lắng và ưu phiền sau lưng.


Trong khi tôi và Jan tiếp tục trò chuyện, bé Coily leo khỏi bể bơi, đến gần rồi quàng tay ôm vai mẹ. Khi nghe mẹ kể về những tiến bộ mới trong việc nấu ăn của mình, Coily cười toe toét.


- Mẹ cháu giỏi còn hơn cả trước khi bị bệnh nữa, vì bây giờ mẹ biết làm bánh kếp ngon tuyệt.


Jan cười sung sưóng như người vừa được ban nguồn hạnh phúc lớn lao và được thỏa mãn trong cuộc sống.


Sau chuyến viếng thăm của chúng tôi, Jan đã lấy thêm bằng đại học thứ hai ngành giao tế và trở thành phát thanh viên cho đài phát thanh địa phương. Cô cũng học thêm về tôn giáo và hiện là người dạy giáo lý ở nhà thờ nơi cô ở tạiWillmar. Jan chỉ cho biết đơn giản rằng:


- Tôi là một con người mới và khác biệt, tôi đã chiến thắng nhờ tình yêu bất tận và sự sáng suốt của Thượng Đế.


Sau khi gặp Jan, tôi cũng trở thành một con người mới và khác. Tôi học được cách tạ ơn Thượng Đế vì tất cả mọi điều trong cuộc sống giúp tôi trở nên mới mẻ dù phải vất vả làm thêm một công việc bán thời gian để các con tôi tiếp tục đến trường, học cách làm một bà ngoại tốt lần đầu tiên trong đời, và can đảm chấm dứt với một người bạn tuyệt vời nhưng không hợp với tôi.


Có thể Jan không có tay chân bằng xương bằng thịt, nhưng cô có một trái tim và tâm hồn nóng bỏng hơn bất kỳ người nào tôi từng gặp. Cô đã dạy tôi biết cách nắm giữ mọi điều mới mẻ và khác biệt xuất hiện trong cuộc đời bằng tất cả lòng nhiệt thành - để luôn có cảm giác hân hoan của người chiến thắng.


Mái nhà chở che


Nếu ngôi nhà bạn bị cháy, hãy tự sưởi ấm mình bằng ngọn lửa ấy.


Ngạn ngữ Tây Ban Nha


Tôi thật sượng sùng khi bước vào năm đầu tiên ở trường trung học. Rời trường cấp II với cương vị lớp trưởng và tư cách đàn chị, bây giờ thật lạ lẫm khi phải bắt đầu ở vị trí tân binh. Đã thế, mấy đứa bạn thân của tôi đều học ở các trường khác rồi, chỉ còn mình tôi bơ vơ.


Mỗi khi về thăm thầy cô cũ, tôi thường được khuyên nên tham gia những hoạt động đội nhóm để có dịp gặp gỡ bạn mới, rồi thế nào tôi cũng yêu thích trường mới. Lời khuyên của họ đã an ủi tôi phần nào.


Một chiều chủ nhật, gió thu lạnh lẽo rít từng cơn, tôi đang ngồi làm bài tập bên bàn. Mẹ chất thêm củi vào lò sưỏi cho nhà thêm ấm áp. Con mèo lông đỏ nằm trên đống sách vở, kêu gừ gừ, thỉnh thoảng khều khều cây viết cho vui. Nó vốn hay quấn quýt tôi lắm - chẳng gì tôi cũng đã cứu sống nó hồi nó còn bé xíu mà.


Đột nhiên, tôi ngửi thấy mùi gì là lạ, và chợt thấy... khói luồn qua rui nhà. Nó lan nhanh đến nỗi tôi mờ cả mắt. Lật đật tìm cửa, chúng tôi vừa chạy thoát ra sân trước thì toàn bộ mái nhà đã nằm gọn trong biển lửa. Tôi chạy bổ đến nhà hàng xóm gọi cứu hỏa, còn mẹ lại lộn ngược trở vào nhà.


Rồi mẹ bươn ra ngay, mang theo chiếc hộp kim loại đựng các giấy tờ quan trọng. Mẹ đặt cái hộp xuống bãi cỏ, và trong tình trạng gần như phát cuồng, mẹ lại đâm trở vào nhà. Tôi biết mẹ nhất định không để hình ảnh và thư từ của ba bị lửa thiêu rụi. Chúng là những thứ duy nhất mẹ giữ để nhớ về ba. Tuy vậy, tôi vẫn gào:


- Mẹ! Đừng!


Tôi định lao theo mẹ thì bị một bàn tay to lớn giữ lại. Cố thoát ra khỏi bàn tay gọng kềm của người lính cứu hỏa, tôi thét vang:


- Mẹ cháu ở trong đó mà!


- Sẽ ổn thôi, họ sẽ đưa mẹ cháu ra - Chú trấn an tôi.


Chú ấy choàng cho tôi một tấm mền và ấn tôi ngồi vào xe, trong khi đồng đội của chú lao vào nhà chữa cháy. Không lâu sau, một chú lính khác dìu mẹ tôi ra. Chú hối hả đưa mẹ vào xe và chụp mặt nạ ôxy lên mặt mẹ. Tôi lao tới ôm chặt lấy mẹ, lo sợ phải mất bà.


Năm tiếng đồng hồ sau, ngọn lửa được dập tắt. Cả ngôi nhà đã ra tro. Định thần lại, tôi choáng váng khi không thấy con mèo của mình đâu! Trong cơn hoảng loạn, tôi đã quên mất nó. Bao nhiêu chuyện cùng ập đến một lúc - trường mới, ngọn lửa, con mèo - tôi sụp xuống, khóc rấm rứt.


Tối đó chúng tôi không được phép vào nhà vì quá nguy hiểm, mà phải sang nhà ông bà ngủ qua đêm. Tôi thẫn thờ lo cuống lên cho con mèo, dù cả nhà ai nấy chỉ còn mỗi bộ đồ đang mặc trên người và mấy cái mền của đội chữa cháy.


Sáng thứ hai, tôi đến trường với bộ đồ duy nhất còn lại và mang đôi giày của dì. Ước gì mình được nghỉ học. Tại sao mẹ không chịu hiểu rằng tôi đang bối rối lắm? Quần áo thì khác biệt, không có sách vở hay cặp táp gì (cả cuộc sống của tôi đựng trong cái cặp táp đó!). Phải chăng định mệnh buộc tôi phải trở thành người vô gia cư mãi mãi? Có thể lắm. Tôi chỉ muốn thu mình lại hay chết quách đi cho rồi.


Tôi tới trường như một cái xác không hồn. Mọi thứ đều trở nên mờ ảo. Tất cả cuộc sống êm ấm của tôi - trường cũ, bạn bè, nhà cửa và con mèo - đều đã mất sạch.


Sau buổi học, khi đi ngang qua chỗ từng là ngôi nhà của mình, tôi sững người vì những thiệt hại bày ra trước mắt. Ngọn lửa đã nuốt trọn mọi thứ. Chúng tôi chỉ còn giữ lại được những cuốn album, giấy tờ và một số đồ cá nhân mà mẹ tôi đã liều mình cứu ra. Con mèo yêu quý của tôi cũng mất dạng. Trái tim tôi đau nhói.


Chúng tôi phải thuê chỗ ở mới. Không còn thẻ tín dụng hay bất cứ giấy tờ nào để có thể rút tiền ngân hàng nên phải mượn tiền ông bà. Rồi người ta cũng dọn dẹp đống gạch vụn đi. Nhưng tôi vẫn hay thơ thẩn tạt qua nhà cũ, hy vọng sẽ tìm thấy con mèo ở đâu đó. Tôi nhớ nó khủng khiếp, nhớ những khi nó đi theo chọc phá và leo lên váy mình.


Rồi đột nhiên, mọi người trong trường trung học, kể cả thầy cô, đều biết cảnh ngộ của tôi. Tôi lúng túng như thể mình phải chịu trách nhiệm cho tai họa vậy. Cách khởi đầu để nổi tiếng ở trường mới là thế này ư! Quả tình đấy đâu phải là cách để được mọi người quan tâm mà tôi mong muốn. Những người trước đây chưa bao giờ nói chuyện với tôi nay xúm lại và hỏi han dồn dập. Điều này mà xảy ra trước vụ hỏa hoạn thì ắt hẳn tôi kinh ngạc lắm. Hình như độ rày tôi chai cứng rồi. Ây thế mà, tôi chẳng thể dửng dưng trước cái bàn dài chất đầy quà dành cho mình ở trong phòng thể dục. Nào là những đồ dùng học tập, sách vở, nào là quần áo đủ loại - đồ jeans, đồ đẹp có cả. Cứ như là Giáng Sinh vậy! Thật cảm động vô cùng. Trong thoáng chốc, tôi thở phào khoan khoái và nghĩ mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Ngày hôm đó tôi bắt đầu kết bạn mới.


Một tháng sau, tôi trở lại khu nhà cũ, nơi người ta đang xây dựng lại. Lần này tôi đi với hai người bạn mới. Không còn cảm giác bất an nữa. Âm lòng biết bao khi mở lòng ra với những người tuyệt vời quanh mình. Ngắm ngôi nhà đang dần định hình, mường tượng ra phòng ngủ mới, tôi nhận ra mình sắp thoát khỏi tai ương.


Thình lình, bỗng tôi nghe ai đó hỏi từ sau lưng:


- Có phải con mèo này của cháu không?


Quay lại, tôi không tin vào mắt mình: một người phụ nữ đang bồng con mèo của tôi! Chẳng để lỡ một phút nào, tôi vội nhào tới đón lấy con mèo từ tay bà. Tôi ôm chặt nó vào lòng mà nước mắt rơi lã chã xuống bộ lông màu đỏ tuyệt đẹp của nó. Chú ta gừ gừ sung sương. Các bạn chạy đến ôm lấy tôi, cùng nhảy múa vòng quanh.


Hóa ra con mèo đã hoảng sợ khi thấy ngọn lửa đến nỗi bỏ chạy xa cả dặm. Vòng đeo cổ nó có số điện thoại nhà tôi nhưng điện thoại đã bị cháy và đứt liên lạc. Người phụ nữ tốt bụng này đã giữ nó và khó khăn lắm mới tìm ra tôi. Chẳng hiểu sao bà lại biết chắc hẳn con mèo này được yêu và được nhớ nhiều như thế.


Ngồi giữa bạn bè, với con mèo cuộn tròn trên váy, những cảm giác về mất mát và tai họa dường như nhỏ lại. Tôi cảm thấy biết ơn cuộc đời, bạn bè mới, lòng tốt của những người lạ mặt. Con mèo đã trở về. Và tôi cũng vậy.


Bước ngoặt cuộc đời


Chúng ta thường không đón nhận sự việc theo như tính chất của chúng: trái lại, chúng ta có khuynh hướng cảm nhận mọi biến cố theo cách thức chúng ta sống vàsuynghĩ.


- Anais Nin


Tôi bắt đầu hiểu biết về hội chứng tự kỷ vào những năm 1940. Là con út trong nhà nên từ lúc mới bốn tuổi tôi đã biết anh Scott là một bí mật đau buồn của gia đình. Cả nhà bối rối đến mức luôn giấu biệt anh vào phòng ngủ mỗi khi có khách đến chơi.


Căn bệnh cùng nỗi đau mà anh Scott đang chịu đựng quá đỗi riêng tư để có thể chia sẻ với người khác. Tôi và các chị đã tìm mọi cách để rời khỏi gia đình càng nhanh càng tốt - kết hôn sớm hoặc vào đại học ở thành phố khác. Nhiều năm sau, có lần tôi nghe một nhà tâm lý học gọi hành động đó là “Trốn chạy ruột thịt”. Quả đúng vậy, nhưng không phải anh Scott đã “đuổi” chúng tôi đi, mà chính là nỗi sợ hãi lẫn xấu hổ đã khiến chị em tôi không thể ở nhà nổi.


Ban đầu, thấy cha mẹ khốn đốn vì anh Scott, tôi nguyện sẽ không bao giờ có con, để đừng bao giờ phải làm cha một “đứa trẻ không bao giờ trưởng thành”.


Nỗisợđeo đuổi tôi tới tận lúc tôi lập gia đình được 5 năm. Đứng trước nguy cơ mất đi người phụ nữ mình yêu, tôi quyết định có đứa con đầu lòng.


Ted có khởi đầu hoàn hảo, mọi xét nghiệm đều cho thấy bé không mắc phải khuyết tật bẩm sinh nào. Dù phải sinh mổ nhưng bé cũng được chín trên thang điểm mười theo bản đánh giá tình trạng trẻ sơ sinh - một nhà vô địch của phòng sinh!


Cho đến sinh nhật lần thứ hai, mỗi cử động và lời nói của Ted đều biểu hiện sự tinh khôn và sáng dạ! Nhưng rồi chúng tôi nhận thấy thằng bé hơi khang khác. Lời nói thì lạ lùng (có thể nó không cần đặt câu hỏi); Ted không chơi với bạn cùng tuổi (có lẽ nó thích người lớn hơn); chỉ số phát triển trên đồ thị bắt đầu đi xuống (có lẽ đồ thị này sai) - tôi luôn tìm cách tự biện hộ như thế.


Khi Ted tròn ba tuổi, một loạt những chẩn đoán kết luận: “tổn thương não”, “khiếm khuyết hệ thần kinh” và cuối cùng là “hội chứng tự kỷ”. Dù cố gắng đưa con tìm thầy thuốc chữa chạy khắp nơi, nhưng càng hiểu biết về căn bệnh này chúng tôi càng ít hy vọng. Dường như cơn ác mộng của tôi ngày xưa giờ đã thành hiện thực. Tuy nhiên, nếu nhìn ở hướng tích cực thì vợ chồng tôi có những thế mạnh mà cha mẹ tôi không có - nghề nghiệp ổn định và học vấn tốt. Hơn nữa, xã hội đang dần công nhận quyền và nhu cầu của người khuyết tật. Không như thời anh Scott bị giữ ở nhà suốt, vào thập niên 1970 con trai tôi được luật pháp bảo đảm được hưởng chế độ giáo dục thích hợp. Yhọc cũng đã tiến bộ hơn. Giờ đây, khuyết tật của trẻ không còn bị cho là lỗi của cha mẹ nữa.


Nhớ lại quá khứ, tôi nhận ra rằng gia đình mình khi xưa đã sai lầm trong cách cư xử với anh Scott: anh không phải là “nỗi phiền muộn” của chúng tôi mà ngược lại - chúng tôi là “nỗi phiền muộn” của anh! Tôi thừa nhận sự thật lúc nào cũng đau đớn, nhưng nỗi đau sẽ mang lại cho ta lòng quyết tâm và động lực vượt qua thử thách. Đột nhiên tôi nghiệm ra một điều: sự việc xảy đến với ta có thể bị coi là một tai họa mà cũng có thể là một ân phúc - tất cả đều tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận nó như thế nào.


Những triệu chứng bệnh tật của Ted ngày càng lộ rõ. Vợ chồng tôi hợp sức cố gắng thông hiểu Ted, đồng thời quyết định không bao giờ che đậy hay mắc cỡ vì cháu. Khi đứa con thứ hai ra đời, cảm xúc và suy nghĩ của cháu ở cương vị của một người có anh trai không được bình thường đều được tôi lưu tâm với tất cả sự thông cảm sâu sắc. Cả hai đứa con tôi đều được ăn học tử tế, dù với Ted mọi việc có vất vả hơn gấp nhiều lần.


Đến sinh nhật lần thứ 22 của Ted, chúng tôi nhận thấy mình đã chuẩn bị đầy đủ cho con bước vào thế giới người lớn. Cuối năm Ted sẽ tốt nghiệp. Cháu sẽ có một nguồn thu nhập tương đối từ các công việc bán thời gian và sự trợ giúp của chính phủ. Chúng tôi còn sửa sang lại tầng trệt của căn hộ cho Ted. Nhưng dường như cháu vẫn chưa hài lòng lắm. Mùa xuân năm đó, Ted thông báo:


- Con sẽ tham dự đêm khiêu vũ toàn trường.


Chuyện phức tạp ở chỗ Ted khó có thể tự mình mời một cô gái nào đi cùng. Từ hồi 18 tuổi, trong khi bạn bè đều đã có đôi thì các cô gái lại gọi cháu là “em cưng” và chẳng ai chịu hò hẹn với cháu. Tuy thế, cuối cùng Ted cũng đã có được bạn nhảy - Jennifer, một cô gái dễ thương tóc vàng, con một người bạn của gia đình. Cô bé đã gặp gỡ và tỏ ra mến Ted, đồng thời cũng hiểu được buổi dạ vũ này có ý nghĩa như thế nào đối với cháu.


Chúng tôi giúp Ted chuẩn bị cho buổi tối trọng đại này. Vợ tôi hấp tẩy bộ dạ phục cho Ted còn tôi tình nguyện làm tài xế cho hai cô cậu. Ted còn lên kế hoạch đi ăn tối với Jennifer trước khi đến trường. Và thậm chí cả hoa để tặng cho Jennifer nữa.


Chỉ cần hai phút là tôi có thể đặt mua hoa cho con, nhưng tôi muốn Ted tự làm lấy. Tôi đau đớn tự hỏi không biết con trai mình còn có cơ hội nào khác để tặng hoa cho một phụ nữ nào nữa không. Trước khi đến cửa tiệm, chúng tôi đã tập đi tập lại cho Ted cách nói với người bán hoa. Tôi đóng vai người bán hoa, mời Ted vào “cửa hàng ảo” của tôi. Sau đó, chúng tôi bước sang tiệm bán hoa gần nhà.


Thấy có người đến, cô bán hoa ngưng việc cắt tỉa và chú ý đến chúng tôi. Tôi nhìn Ted và chờ đợi con mình lên tiếng. Cả cửa hàng trở nên im ắng lạ thường. Toàn thân Ted cứng đờ. Nhưng rồi khuôn mặt Ted chuyển động và lời nói tuôn ra:


- Tôi là Ted. Tôi đến đây để thuê những bông hoa màu tía.


Cô bán hoa có vẻ giật mình. Cô liếc nhìn tôi khi tôi bình tĩnh nhắc:


- Con hãy cố gắng nói lại lần nữa đi.


Cháu hít thở thật sâu rồi nhíu mày. Tôi khuyến khích Ted bình tĩnh và nói thật chậm. Cuối cùng cháu cũng giải thích được. Một bó hoa hồng đỏ sẽ được giao vào chiều thứ bảy theo ý Ted. Nhưng tôi đã không hề nghĩ đến phản ứng của cô gái bán hoa.


- Ông kiên nhẫn thật đấy! - Người bán hoa trầm trồ thán phục tôi.


Không! Tôi chỉ muốn la lên đó không phải là kiên nhẫn mà là “hiểu rõ vấn đề”. Với chúng ta, mỗi khi nói hệ thần kinh truyền tín hiệu từ ngân hàng dữ liệu trong bộ nhớ đến trung ương thần kinh, rồi lại chuyển tín hiệu đến dây thanh quản và quay lại. Nhưng Ted phải dày công tập luyện những bước nhỏ này, vất vả lội ngược dòng để tìm đến những điều mà những người khác tự nhiên có. Cô bán hoa đã khâm phục nhầm người! Cô đâu biết rằng Ted đã phải vượt qua bao gian khổ, đắng cay và kiên trì như thế nào mới đạt được như thế.


Tối thứ bảy, sau khi đưa Ted và Jennifer đến trường, tôi gọi điện cho chị mình. Hai chị em cùng nhắc lại cuộc đời u ám của anh Scott lẫn những tiến bộ đáng kinh ngạc của Ted. Và, chúng tôi bật khóc.


Sau này, tôi đặt bức ảnh chụp Ted và Jennifer trong đêm dạ vũ tại nơi trang trọng nhất trong nhà. Trên tay Jennifer là bó hoa hồng đỏ thắm.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom