• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Tuyển tập Hạt giống tâm hồn Full (1 Viewer)

  • Hạt giống tâm hồn (Tập 10) - Phần 4

Abe Lincoln và khoản tiền lớn đầu tiên trong đời


Thước đo quan trọng nhất đối với một người không phải ở vị trí của họ giữa vinh hoa phú quý mà là chỗ đứng của họ trước thách thức và gian truân.


- Martin Luther King


Một buổi chiều năm 1855, một luật sư từ Philadelphia ăn mặc sang trọng bước xuống thành phố thảo nguyên Springfield, Illinơis. Ông lân la hỏi đường tới nhà A. Lincoln (5). Theo lời chỉ dẫn, ông tìm đến một ngồi nhà gỗ đơn sơ.


(5) Abraham Lincoln (1809 - 1865, còn được biết đến với tên Abe Lincoln, tên hiệu Honest Abe, Rail Splitter, Người giải phóng vĩ đại) là Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ - người đã dẫn dắt nước Mỹ qua cuộc Nội chiến và là người đã chấm dứt chế độ nô lệ tại quốc gia này.


Một người đàn ông gầy, cao lêu nghêu mặc chiếc áo sơ mi dài tay ra mở cửa. Chân và tay của ông dài một cách khác thường, hai vai hẹp, lưng hơi khòm, bàn chân và bàn tay to một cách lạ lùng. Mái tóc đen xơ xác như thể chưa bao giờ được chải chuốt tử tế. Đặc điềm duy nhất đề lại ấn tượng trong lòng người khách là đôi mắt của ông - một đôi mắt sâu, man mác buồn và ngời sáng thật thông minh.


Người khách từ Philadelphia tự giới thiệu:


- Tôi là P. H. Watson, luật sư cho một nhóm nhà sản xuất vừa lập quỹ chung để ủng hộ một người mà có thể ông biết, đó là J. H. Manny ở Rockford, Illinơis.


Gương mặt Lincoln lộ vẻ thích thú:


- Có phải vụ kiện McCormick - Manny không?


Vụ kiện giữa McCormick và Manny là một trong những vụ kiện tụng đình đám, gây chú ý nhiều nhất lúc bấy giờ. Trước những thành công rực rỡ của Cyrus McCormick(6), nhiều công ty nhỏ đã tiến hành sản xuất máy gặt mà không trả tiền bản quyền sáng chế cho McCormick. Tất cả đều khẳng định rằng máy móc của họ khác với mẫu thiết kế của McCormick. Phẫn nộ, McCormick đã thuê những luật sư danh tiếng nhất đất nước để khỏi kiện công ty đối thủ dường như đang có lợi thê hơn - J. H. Manny & Son.


(6)Cyrus Hall McCormick, Sr. (1809 -1884) ở quận Rockbridge, Virginia, là một nhà sáng chế và là người sáng lập công ty máy gặt McCormick. Công ty này đã trở thành một phần của công ty máy gặt quốc tế vào năm 1902.


Các nhà sản xuất khác nhận thấy tất cả bọn họ sẽ bị ảnh hưởng không tốt nếu Manny thất bại và phá sản. Vì thế, Watson đã khuyên thân chủ của mình rằng: “Vụ kiện sẽ được thẩm phán Drummond xét xử ở phía bắc quận Illinơis, mà có lẽ là ở Springfield. Tốt hơn là các ông nên tìm sự ủng hộ rộng rãi ở đây - hãy tìm một luật sư ở địa phương có quan hệ tốt với thẩm phán”.


Đó là lý do vì sao Watson lại tìm đến ngôi nhà gỗ ở Springfield để nói chuyện với vị luật sư cao nghều. Ông đã đưa ra cho Lincoln một mức thù lao khá hấp dẫn - giao trước 500 đô la kèm theo lời hứa về một khoản tiền công lớn mà trước đó Lincoln chưa từng được đề nghị. Quả thực, Lincoln chưa bao giờ xử lý một vụ kiện đem lại khoản tiền công vượt quá vài trăm đô la, và vào lúc đó, tên tuổi ông cũng chưa được các vùng lân cận biết đến nhiều. Watson đã không nói cho Lincoln biết một vài điều thực tế về vụ kiện này.


Khi Watson đi rồi, Lincoln vẫn còn thẫn thờ vì ngạc nhiên. 46 tuổi, ông vẫn chỉ là một người nợ nần chồng chất, tâm trí tràn ngập một cảm giác thất bại. Giờ đây, bỗng dưng ông lại có cơ hội để trở thành luật sư nổi tiếng trên toàn quốc. Ông không biết gì về luật sáng chế hay cơ học của máy gặt lúa nhưng với tính cần cù siêng năng ông có thể học tất cả những điều đó. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng một việc: trong phòng xử án, ông sẽ phải đối mặt với những người miền Đông thông thái lịch lãm, có thừa kinh nghiệm và học vấn.


Trong suốt thời gian căng thảng chuẩn bị hầu tòa, Lincoln chỉ nhận được một vài bức thư từ Watson nhưng đọc những bức thư đó, ông lại có cảm giác như mình đã được giao phó toàn quyền xử lý vụ kiện. Càng lúc ông càng tự tin. Một hôm, ông được thông báo rằng với sự nhất trí của hai bên, địa điểm xét xử sẽ thay đổi từ Springfield sang Cincinnati. Tất nhiên, Lincoln không hề quen biết vị thẩm phán ở vùng này. Lincoln cảm thấy lẽ ra họ phải hỏi ý kiến ông về vấn đẻ ấy nhưng rồi ông cũng không để tâm lắm và tự nhủ bản thân rằng Watson sẽ trợ giúp ông tất cả các chi tiết.


Lincoln tới Cincinnati để gặp gỡ thân chủ của mình, ông càng lạc quan hơn khi thấy họ rất tôn trọng khả năng của ông và đặt nhiều hy vọng vào ông. Trong túi ông lúc này là bản tóm tát hồ sơ mà ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng. Tương lai ông đặt cược cả trong đó.


Trong những dịp quan trọng thế này, việc ăn mặc chỉn chu giúp ông cảm thấy vô cùng tự tin. Nhưng trong con mắt của những luật sư miền Đông thì ông chẳng khác nào một tay nhà quê vụng về với bộ quần áo lôi thôi không phù hợp. Chiếc quần dài không tới mắt cá chân, còn thứ ông đang mang ở chân chẳng khác nào mớ giẻ lau dơ bẩn.


Những ngày tháng sau đó là những ngày vỡ mộng của Lincoln. Ông nhận ra rằng một luật sư khác, Edwin M. Stanton, đã được chỉ định để bào chữa cho vụ kiện - trên thực tế, người ta đã thuê ông ta gần như ngay từ đầu.


Khi Manny đưa Lincoln tới phòng của Stanton ở khách sạn, cánh cửa mở ra nhưng Lincoln thì phải đợi bên ngoài. Stanton - một người đàn ông thấp bé có dáng vẻ hung dữ nhìn ông rồi quay lại nói lớn với Manny: “Anh ta đang làm gì ở đây? Tống cổ anh ta ra ngoài. Tôi không quen biết với một con khỉ vụng về thế này. Nếu tôi không thể tìm được một người đàn ông lịch thiệp để phối hợp với mình trong vụ kiện này thì tôi sẽ không làm!”.


Lincoln im lặng. Trước sự sỉ nhục quá phũ phàng và đau đớn, ông coi như mình không nghe thấy gì cả. Đầu ngẩng cao bất chấp nỗi tủi hổ đang bóp nghẹt tim gan, ông đi xuống lầu. Ở đây, người ta giới thiệu ông với một luật sư khác - George Harding. Sau đó, cả đoàn đi tới phòng xử án.


Ở đó, luật sư của cả hai bên bắt tay chào nhau. Tất cả đều quen biết nhau từ trước, nhưng Lincoln không được giới thiệu với ai hết. Ông đứng lạc lõng ở bàn của luật sư bào chữa.


Đã thành luật, mỗi bên chỉ được phép đưa ra hai bài phát biểu. Theo cách nói của Watson lúc trước, Lincoln nghĩ rằng ông sẽ được bào chữa trong một vài ngày trước khi Stanton tham gia vụ kiện, vì thế ông giả định mình có quyền đưa ra lý lẽ ủng hộ cho Manny trước.


Luật sư của McCormick, Reverdy Johnson, giơ tay nói một cách ý tứ: "Chúng tôi thấy bên đó có ba luật sư bào chữa. Chúng tôi sẵn lòng lắng nghe đầy đủ những lý lẽ của họ và nếu họ yêu cầu mỗi bên được phát biểu trên hai lần, chúng tôi cũng vẫn sẵn lòng. Chúng tôi chỉ thắc mắc rằng người đồng sự của tôi - ông Edward Dickerson, có được phép phát biểu hai lần nếu chúng tôi muốn thế không?”.


Lincoln nhận thấy Stanton và Harding nhìn nhau như thể đang trao đổi suy nghĩ, còn ông chẳng khác nào kẻ ngoài cuộc.


Stanton nói: “Chúng tôi không dám mong nhận được sự rộng lượng của bên nguyên. Chúng tôi cũng không có ý định đưa ra hơn hai lời phát biểu. Chúng tôi không muốn vi phạm quy tắc của tòa”.


Lincoln cau mày: ông ta định đưa ra lý lẽ gì? Và người ta mong chờ gì ở ông ta? Lincoln nhủ thầm: “Mọi lý lẽ đã được mình chuẩn bị kỹ lưỡng”.


Stanton nhìn ông rồi nhún vai khinh khinh: “À, dĩ nhiên là anh có quyền phát biểu trước”. Lincoln đáp lại với sự nhã nhặn vốn có: “Ông Stanton, chắc hẳn ông rất muốn đứng vào vị trí của tôi lúc này”.


Stanton chộp lấy lời đề nghị của Lincoln cứ như thể ông ta chấp nhận sự rút lui hoàn toàn của Lincoln khỏi vụ kiện này. Harding ngồi im lặng. Lincoln nhận ra rằng mình không thể làm gì ngoài việc rút lui và lặng lẽ rời khỏi phòng xử án.


Ồng đứng cô độc trên cầu thang của phòng xử án: đau đớn, giận dữ và tủi hổ. Nhưng người ta đã trả tiền cho ông đề ông chuẩn bị hồ sơ và ông có nhiệm vụ phải phục vụ cho thân chủ của mình xứng đáng với số tiền họ đã trả cho ông. Nghĩ thế, ông quay trở lại phòng xử án và ngồi xuống hàng ghế dành cho những người tới dự.


Lincoln còn đưa cho Watson hồ sơ của mình. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian để soạn thào những luận điểm này. Ông Harding có thể tìm thấy những điều hữu ích trong đây. ” - Ông nói. Watson đưa hồ sơ cho Harding và ông này thảy ngay tập hồ sơ lên mặt bàn. Tập hồ sơ cứ thế nằm đó mà không một lần được liếc qua. Tới ngày hôm sau, nó vẫn nằm chơ vơ trên bàn.


Trong suốt tuần xử án, các luật sư của cả hai bên đều đưa ra những lý lẽ để bác bỏ lẫn nhau, và một lần họ còn được mời tới nhà thẩm phán đề giao lưu. Chỉ có một người không được mời, đó là người đàn ông cao nghêu thô kệch tới từ Springfield.


Phiên xét xử đã chuyển sang giai đoạn cao trào. Luật sư danh tiếng của McCormick, Johnson đã đưa ra lời kháng cáo thuyết phục cho quyền lợi của người sáng chế. Trong tình thế này, người nào có thể phản biện thành công những lý lẽ này chắc chắn sẽ trở nên nổi tiếng, và đó là phần mà lẽ ra Lincoln sẽ đứng ra phát biểu. Nhưng thay vào đó, Stanton đã đứng vào vị trí của ông và gạt ông sang một bên với thái độ khinh miệt trông thấy.


Stanton không phản bác những thành tựu mà McCormick đạt được, thay vào đó ông lần lượt đưa ra các luận điểm chống lại lý lẽ của Johnson. Lincoln như quên hết niềm kiêu hãnh bị tổn thương đang cào xé nhức nhối trong lòng bởi những lý lẽ Stanton đưa ra quá sắc sảo và thuyết phục, chúng khiến ông bị mê hoặc.


Đêm hôm đó, Lincoln đi dạo cùng một người bạn. “Lập luận của Stanton đã khai sáng cho tôi. Tôi chưa từng nghe bài phát biểu nào súc tích và được chuẩn bị kỹ lưỡng đến thế. ” - Lincoln nói. “Tôi không đáng được so sánh với bất cứ ai trong số họ. Tôi không thể lập luận hùng hồn như họ, không thể có dáng điệu đĩnh đạc như họ!”. Nhưng ông có sự quyết tâm của một người không cam chịu bị đánh bại. Ông nói: “Tôi sẽ về lại quê nhà và nghiên cứu luật thật kỹ càng. Những người từ miền Đông sẽ tới đây ngày một nhiều và tôi cần phải sẵn sàng để có thể ngẩng cao đầu gặp họ”.


Những lập luận tuyệt vời của Stanton đã đem lại chiến thắng cho Manny. Watson đã gửi cho Lincoln một tờ séc 2.000 đô la qua đường bưu điện. Nhưng lúc này tiền bạc không còn nhiều ý nghĩa với ông nên ông đã gửi trả tấm séc và nói rằng ông cảm thấy mình không xứng đáng nhận số tiền đó vì ông chẳng làm được gì trong vụ kiện.


Lúc này, Watson bỗng cảm thấy áy náy khi nghĩ đến việc mình đã gạt bỏ Lincoln sang một bên. Ông gửi tấm séc thêm lần nữa. Lincoln nhận được tấm séc đúng vào thời gian ông đang gặp khó khăn vẻ kinh tế. Vì thế, ông đã nhận số tiền, đồng thời gửi cho người cộng sự Herndon một nửa.


Lincoln không thể quên nỗi đau ở phòng xử án - đó là vết thương mãi nhức nhối trong lòng ông. Nhưng cũng nhờ đó mà ông quyết tâm phải thay đổi chính mình đề không bao giờ phải trải qua nỗi sỉ nhục đó một lần nữa. Ông quan tâm hơn tới vẻ bề ngoài. Các bài phát biểu của ông được trau chuốt nhiều hơn, mạch lạc và súc tích hơn.


Sau đó, ông nỗ lực hết mình theo đuổi niềm đam mê đầu tiên và sâu sắc nhất - đó là chính trị. Mỉa mai thay, khoản tiền mà Lincoln nhận được đã giúp ông thoải mái vẻ mặt tài chính để tham gia một chiến dịch tranh cử, mang lại cho ông sự nổi tiếng mà ông từng để vượt mất trong vụ kiện McCormick - Manny.


Một thời gian ngắn sau đó, ông trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Stanton là một trong những người chỉ trích ông cay độc nhất. Nhưng Lincoln không bao giờ đánh đồng những lời lẽ cay độc với trí tuệ tuyệt vời của con người này. Bởi vậy, khi lựa chọn người vào vị trí trụ cột trong thời Nội chiến là Bộ trưởng Chiến tranh, Lincoln vẫn chọn Edwin M. Stanton.


Chỉ người có phẩm giá như Lincoln mới có thể vượt lên sự sỉ nhục của Stanton, và cũng chỉ một người có tấm lòng nhân hậu như ông mới có thể bỏ qua những tư thù.


Sau những năm phục vụ dưới thời Lincoln, Stanton đã nhận ra ai là người xuất sắc hơn. Khi Lincoln bị ám sát và sắp qua đời, Stanton đứng lặng bên ông, lòng tràn ngập tiếc thương. Và khi Lincoln nhắm mắt xuôi tay, chính người đàn ông từng buông lời sỉ nhục Lincoln giờ đây đã thốt lên những lời bất hủ: “Now he belongs to theages!” (Giờ đây, tên tuổi của ngài đã thành bất từ!).


- Mitchell Wilson


Sức mạnh của một bức thư cảm ơn


Biết ơn mà không bày tỏ thì chẳng khác nào chuẩn bị một gói quà nhưng lại không gửi đi.


- William Arthur Ward


Giáo sư William L. Stidger ngồi xuống và viết một bức thư cảm ơn cho một giáo viên vì sự động viên lớn lao mà bà dành cho ông khi ông còn là học sinh của bà 30 năm về trước. Một tuần sau, ông nhận được bức thư hồi âm với nét chữ viết tay run rẩy, rằng:


- Willie yêu quý của ta,


Ta muốn em biết rằng lời nhắn của em vô cùng ý nghĩa với ta. Một cụ già cô đơn 80 tuổi như ta, sống đơn độc trong một căn phòng nhỏ, lủi thủi nấu ăn một mình, dường như chi còn lay lắt như chiếc lá cuối cùng trên cây. Có lẽ, em sẽ bất ngờ, Willie ạ, khi biết rằng ta đã dạy học 50 năm và trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, bức thư của em là bức thư cảm ơn đâu tiên ta nhận được. Ta nhận được nó trong một buổi sáng lạnh lẽo và hiu hắt buồn. Chính bức thư ấy đã sưởi ấm trái tim già nua cố đơn của ta bằng niềm vui mà trước nay ta chưa từng một lần được cảm nhận.


- Martin Buxbaum


Trên chiến tuyến


Hãy đảm bảo rằng bạn đã làm đúng, sau đó hãy kiên định ý chí của mình.


-Abraham Lincoln


Một ngày nọ, trong lúc đi bộ tới công sở ở khu trung tâm nổi tiếng tại Philadelphia, Michael Taub trông thấy một người ăn xin đầu tóc bù xù ngồi trên chiếc xe lăn dưới mái hiên của một rạp chiếu bóng cũ kỹ. Người đàn ông đó chỉ còn một chân. Ông giữ chặt bên mình một tấm bìa đã sờn rách có ghi dòng chữ: “Quân nhân Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam.”


Thay vì làm ngơ như bao người, Taub bước tới phía ông và mỉm cười:


- Cảm ơn ông đã phục vụ đất nước. - Anh nói và đặt vào tay người đàn ông một tấm danh thiếp. - Hãy tới trụ sở của tôi. Có thể tôi sẽ giúp được ông đấy.


Nhiều tuần sau, người cựu chiến binh đó lê chiếc xe lăn tới trụ sở chính của Dự án hỗ trợ người vô gia cư. Taub làm việc ở đây với chức danh luật sư chuyên bảo vệ quyền lợi cho những cựu chiến binh vồ gia cư bị thương tật.


- Hình như ông đang diện bộ trang phục đẹp nhất đúng không? Ông không cần phải làm thế đâu. - Taub mỉm cười, mắt hướng về bộ quần áo đã được ủi phẳng phiu của người đàn ông.


Người thương binh tự giới thiệu tên ông là Kertis Daniels. Taub đưa ông tới văn phòng chật hẹp của mình. Anh đẩy chồng tài liệu dày cộp, cao gần nửa mét sang một bên để người đàn ông có thể lăn xe vào.


Daniels giải thích rằng ông ăn xin như vậy không phải đề cho ông mà để cho đứa con gái Robin đang theo học đại học. Khoản tiền trợ cấp 845 đô la mỗi tháng từ hội cựu chiến binh không đủ đề ông nuôi con ăn học. Daniels sống trong một căn hộ ở tầng hai. Vì tòa nhà đó không có thang máy hay đường đi cho người tàn tật nên ông buộc phải đi dọc theo hành lang, sau đó xoay xở đề bỏ chiếc xe lăn gần lối cửa hậu, rồi lê mình lên cầu thang đề về phòng.


Cuối buổi gặp, Taub lại thêm vào chồng hồ sơ của mình một trường hợp nửa. Trong một năm, thông thường anh phải xử lý khoảng 80 trường hợp và chuyển chúng tới Bộ Cựu chiến binh. Anh không lấy bất kỳ một khoản phí nào từ những cựu chiến binh này. Chỉ cần họ đủ điều kiện, Taub sẽ giúp họ nhận được những gì họ xứng đáng.


Giờ đây, Kertis Daniels đã được sống trong một căn phòng ở tầng một có đường đi cho người khuyết tật. Ông còn được nhận thêm 250 đô la mỗi tháng tiền cho người phụ thuộc vì Robin đang học năm cuối tại trường Đại học Edinboro ở Pennsylvania chuyên ngành Tội phạm học.


Nói về Michael Taub, ngay từ khi học cấp một, anh đã nuôi dưỡng trong lòng ước muốn giúp đỡ những người gặp khó khăn. Sau này, khi theo học ở trường Đại học Luật Villanova vào năm 2003, một bài tập đã củng cố thêm cho anh quyết tâm đấu tranh chống lại bất công. Anh được phân công làm đại diện cho một công nhân nhập cư bị ngã từ giàn giáo xuống, Taub đã đấu tranh để người đàn ông này được bồi thường thỏa đáng mặc dù lúc đầu chủ thầu kiên quyết không trả tiền.


Taub kể: “Người đàn ông đó không nói được tiếng Anh. Anh ấy cảm thấy bất lực giữa môi trường xa lạ này. Đó cũng là tâm trạng chung của bao cựu chiến binh trong cuộc sống hiện đại. Tôi biết tấm bằng luật của mình sẽ có ích trong nỗ lực cải thiện cuộc sổng cho người khác mặc dù bằng cách nào thì tối cũng chưa biết”.


Sau khi tốt nghiệp một vài tháng, từ trăn trở “bằng cách nào” ấy, Taub đã nhận ra rằng chính Dự án hỗ trợ người vô gia cư sẽ là chìa khóa giúp anh thực hiện mong muốn của mình. Anh tin vào con đường mình chọn. Anh chấp nhận bỏ đi khoản tiền lương chênh lệch rất lớn - 65.000 đô la - so với công việc anh từng làm ở một công ty luật tư nhân.


Dù rằng anh vẫn còn nợ 75.000 đô la từ thời học đại học, phải lái một chiếc xe Subaru cũ kỹ già nua đã chạy được 114.000 dặm và phải sống trong một căn hộ chật chội chỉ có duy nhất một phòng ngủ với người vợ mới cưới thì quyết định đó vẫn đến với anh thật dễ dàng.


“Thế là đủ. Ta sẽ dùng tiền này vào những mục đích quan trọng, những mục đích phi vật chất.” - Taub thầm nhủ khi cầm trên tay khoản tiền lương ít ỏi từ công việc mới.


Những người được Taub giúp đỡ đa phần tới từ những khu lẻu bạt tạm bợ dành cho cựu chiến binh vô gia cư (con số ước tính khoảng hơn 2.000 lều ở khu vực Philadelphia). Những chiếc lều này gọi là Perimeter (Vành đai) - một thuật ngữ trong quân đội để chỉ sự bảo vệ khỏi tác động bên ngoài, một nơi an toàn.


Taub còn khá trẻ và chỉ đáng tuổi con những người đàn ông này. Trong chuyến đi gần đây, anh đã ngồi với gần 20 cựu chiến binh và lắng nghe câu chuyện của từng người. Tới cuối ngày, anh tiếp tục nhận thêm sáu trường hợp mới.


Một trong những câu chuyện xúc động nhất và cũng là một thành công đáng nhớ nhất của Taub là trường hợp của John Laveiy - một cựu chiến binh 56 tuổi từng bốn lần bị đuổi việc vì bệnh tật. Vào năm 1977, người này thường xuyên bị những cơn giận dữ giày vò - hệ quả của chứng rối loạn lưỡng cực không được chữa trị. Laveiy gần như bị cấm không được tới Perimeter trừ những lúc đến lấy thuốc và thư từ.


Suốt 30 năm, ông ngủ vất vưởng ở dọc đường, phòng cấp cứu của bệnh viện và các xe bị cấm. Ông ăn những thức ăn thừa lục lọi từ thùng rác và hút những mẩu thuốc nhặt nhạnh được trên đường. Vật vã với chứng trầm cảm, người cựu chiến binh từng được gắn huy chương này đã 8 lần tìm đến cái chết. Lần đầu tiên gặp Michael Taub, ông như “tìm được những tia hy vọng đầu tiên sau hàng thập kỷ”. - Lavery kể lại.


“Khi nhìn vào mắt Micheal và lắng nghe những điều anh ấy nói, bạn sẽ thấy anh ấy rất chân thành. ” - Lavery chia sẻ.


Taub đã dành nhiều tháng trời tìm cách giúp đỡ người đàn ông tội nghiệp này. Buổi tối, anh thường vào phòng trò chuyện trực tuyến với các cựu chiến binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam. Cũng từ đó, anh tìm được những người từng tham gia chiến đấu với Lavery. Họ đã giúp anh xác minh câu chuyện của Lavery.


Với chứng nhận bị thương tật trong chiến tranh, Lavery được trao 40.000 đô la tiền bồi thường cộng với tiền trợ cấp hàng tháng. Giờ đây, ông có thể sống đàng hoàng trong một căn hộ riêng và hàng ngày, ông lại tới khu lều của những người tình nguyện để giúp đỡ những người nghiện ngập.


“Michael không nhận bất cứ đồng nào. Cậu ấy nói tôi cứ giữ lấy. Cậu ấy rất tốt bụng. ” - Lavery kể lại. Giờ đây, cũng như Taub, ông tích cực giúp đỡ những người cựu chiến binh khác.


Bằng sự chân thành, Taub tiếp tục gặt hái nhiều thành công. “Rất hiếm khi chúng tôi đấu tranh được những khoản trợ cấp lớn và chắc chắn không phải trường hợp nào chúng tôi cũng thành công. Nhưng những người đàn ông này vẫn đứng lên ngay cả khi đã mất tất cả. Điều này cũng bởi vì chúng ta đã trao cho họ những thứ mà lâu nay họ không nhận được - sự đối đãi công bằng, lòng tốt và cải kết có hậu cho phàn đời khó nhọc của họ. Đến đây, họ cảm thấy mình còn là một con người sống có ích


- William M. Hendryx
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom