Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Phần 15
Vượt Qua Bão Giông
Phần 15
Trước đây mỗi lần nghe cuộc gọi vào lúc ngủ như thế này, không phải xuống sân chạy bộ trong đêm thì cũng là có án mạng. Những khi như thế tinh thần tôi đều rất căng thẳng, chưa từng có tâm trạng để ngắm bình minh hay nghĩ đến thứ gì khác. Đến hôm nay, lần đầu tiên trong đời có một người đàn ông đánh thức tôi dậy lúc 5 rưỡi sáng chỉ để đi ngắm bình minh, tự nhiên trong lòng tôi lại xuất hiện những cảm giác vô cùng kỳ lạ.
Giống như đã quen với cuộc gọi “bất thường” vào canh ba gà gáy rồi, giờ nhận được một cuộc gọi “bình thường” lại cứ thấy sao sao.
Tôi lập tức tỉnh ngủ, lúng túng đáp:
– Giờ đi… xem bình minh ạ?
– Ừ.
– Ở đâu ạ?
– Ở đâu cũng có bình minh, miễn là đi qua hết mấy tòa nhà cao tầng.
– Vâng. Thế đợi em một tý. Em thay đồ rồi ra ngay.
– Vẫn còn sớm, không cần vội.
– Dạ.
Mặc dù bảo là không cần vội nhưng tác phong của tôi xưa nay vẫn rất nhanh, chỉ trong vòng mười phút đã trèo xuống giường, vệ sinh cá nhân xong rồi thay đồ. Có điều hôm nay không phải đến trụ sở công an, cũng không cần phải mặc đồ công sở tới công ty đi làm, tự nhiên đứng trước tủ quần áo tôi cũng không biết chọn cái nào cho hợp hoàn cảnh để “đi ngắm bình minh”.
Cuối cùng sau một hồi đắn đo, tôi mới lấy một bộ váy mà mình vừa mang từ Sài Gòn ra hôm qua, mặc vào người, sau đó còn khoác thêm một chiếc áo len mỏng nữa rồi mới ra khỏi nhà.
Việt đứng chờ tôi ở trước cửa, thấy tôi bỗng dưng mặc váy như vậy thì anh ta có vẻ hơi ngạc nhiên. Tôi cũng cảm thấy hơi xấu hổ, giống như kiểu lần đầu tiên mình đi hẹn hò nên cứ thấy ngượng ngượng, nhưng đã mặc rồi thì thẹn thùng cũng chẳng có ích gì nên tôi đành giả vờ bình tĩnh cho xong:
– Anh đợi lâu không?
– Không lâu lắm. Đi thôi.
– Vâng.
Tôi đứng ở cổng ngoài chờ, lát sau thấy Việt lái chiếc xe Vinfast Lux a2.0 màu trắng mà tôi đã thấy trong hầm gửi xe hôm qua đi ra. Bình thường anh ta toàn đi xe xịn, cái nào cũng ngót nghét từ 5 tỉ trở lên, vậy mà giờ đột nhiên đi một chiếc xe bình thường, giống hãng xe mà tôi lái thì tôi lại thấy hơi ngạc nhiên.
Vinfast trắng và Vinfast đen, hình như hơi hơi giống một cặp nhỉ?
Nghĩ đến đây, bỗng dưng lòng tôi lại có cảm giác mềm mại như được một dòng nước mát vây lấy, ngay cả hít thở cũng thấy không khí ngọt ngào dễ chịu một cách kỳ lạ.
Tôi chậm chạp bước vào trong xe, nhìn một lượt xung quanh rồi hỏi:
– Anh mới mua chiếc này à?
– Ừ. Cô nói còn gì.
– Em nói gì nhỉ?
Việt khẽ cười, không trả lời mà chỉ nhoài người sang bên cạnh cài dây an toàn cho tôi. Động tác này trông có vẻ khá bình thường nhưng đối với hai người không có mối quan hệ tình cảm như bọn tôi thì dường như hơi hơi mờ ám.
Chỉ là tôi chưa kịp phản ứng gì thì mùi hương nam tính của anh ta bủa vây lấy tôi, hai cánh tay vững chãi đặt hai bên ghế, tựa hồ như giam tôi trong ngực của anh ta. Trong giây phút hai cơ thể gần thật gần đó, tôi có thể cảm nhận thấy sự ấm áp từ cơ thể người đàn ông ấy lan truyền đến tận tâm can của mình, trái tim bất giác như bị gõ mạnh một cái.
Đột nhiên lỗi nhịp mà không hiểu là tại sao…
Khi ấy tôi lúng túng muốn chạy trốn, nhưng cũng đúng lúc đó thì Việt cũng thu tay về, ngồi thẳng người lại rồi bảo tôi:
– Cô bảo người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
– À… à…
Tôi có thể cảm nhận thấy mặt mình đang nóng ran lên, liếc qua gương chiếu hậu thấy hai gò má bắt đầu đỏ ửng. Sợ cứ tình hình này thì anh ta sẽ biết mình xấu hổ nên đành kiếm cớ nói chuyện, cũng là tìm cách tự trấn an chính mình:
– Anh mới mua phải không? Em thấy mới đi được 35km.
– Ừ. Hôm 29 tết mới đi mua. May mà hôm đó showroom vẫn còn mở.
– Vâng. Lái loại này êm mà.
– Ừ, êm. Đi xem bình minh thôi.
Vì trong thành phố có rất nhiều tòa nhà cao tầng nên Việt lái xe chở tôi ra ngoại thành. Đi qua cầu Chương Dương, anh ta bảo tôi nhìn sang bên kia sẽ thấy song song là cây cầu Long Biên cổ kính. Việt nói cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử của đất nước, chứng kiến đất nước trải qua hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ, chứng kiến đất nước hai lần độc lập, chứng kiến thời thế thế thời đổi thay.
Trước kia tôi đã được nghe sơ qua về cầu Long Biên rồi, nhưng hôm nay lần đầu tiên cùng một người đàn ông đi ngắm bình minh, nhìn ánh nắng mặt trời bắt đầu chiếu rọi trên từng nhịp cầu cổ kính của cầu Long Biên, lại nghe anh ta nhắc đến những dấu ấn lịch sử ở nơi này, tự nhiên trong lòng tôi lại có cảm giác nao nao và chân thực đến khó tả.
Tôi mỉm cười nói:
– Vừa ngắm bình minh, vừa nghe kể chuyện về lịch sử mới thấy chân thật hơn hay sao ấy nhỉ? Trước em đi qua đây mấy lần rồi, nhưng chỉ nhìn một cái rồi thôi. Giờ mới thấy khác.
– Thấy sao?
– Thấy có nhiều ý nghĩa.
Việt cũng cười, Vinfast lướt chậm rãi qua cầu Chương Dương làm từng cơn gió nhẹ dưới sông thổi lên tung bay mái tóc tôi. Tôi ngồi bên ghế phụ nhìn cầu Long Biên cũng đồng nghĩa với việc phải nhìn qua bên ghế lái chỗ anh ta, lúc này, mấy tia nắng vàng rộm của buổi sáng chiếu lên nửa gương mặt góc cạnh rõ ràng của Việt, giống như vẽ lên đó một quầng sáng nhàn nhạt, bao phủ từng đường nét chuẩn mực như tạc của người đàn ông ấy. Bất giác khiến tôi chợt phát hiện ra anh ta và cầu Long Biên đều rất đẹp. Đẹp đến say đắm lòng người, đẹp đến không thể lãng quên…
Xe chạy một mạch qua cầu Chương Dương đến ngoại thành rồi dừng lại ở một bãi cỏ rộng lớn và xanh mát. Ngày tết nên người dân ngủ dậy rất muộn, lúc này đã sáu giờ sáng rồi mà đường phố mới chỉ lác đác có vài người giao hàng đi xe máy qua lại.
Tôi và Việt xuống xe, đi thẳng xuống bãi cỏ liền thấy mặt trời đỏ rực đang từ từ nhô lên từ đường chân trời, toàn bộ cơ thể lập tức được bao phủ bởi ánh bình minh tươi đẹp của ngày mới.
Tôi hít sâu vào một hơi, mùi cây cỏ và không khí trong lành sáng sớm lập tức căng tràn trong lồng ngực. Lâu lắm rồi trong lòng mới dễ chịu đến vậy, thoải mái và yên bình giữa một chốn thành thị đông đúc và xô bồ. Tôi phấn khích quay sang bảo anh ta:
– Sao anh biết chỗ này thế? Đẹp thật. Nhìn thấy toàn bộ mặt trời lên.
– Ngày nhỏ tôi ở đây.
– Dạ?
Vì không nghĩ Việt sẽ kể với mình những điều này nên tôi hơi bất ngờ, theo phản xạ liền quay đầu lại nhìn anh ta. Việt đứng ngay sau lưng tôi, anh ta rất cao nên bóng đổ dài xuống bãi cỏ phía sau, bên cạnh bóng anh ta còn có cả bóng của tôi…
Việt chỉ vào một ngôi làng nhỏ ở phía bên tay phải chỗ chúng tôi đang đứng, ở đó không có nhà cao tầng, cũng không có biệt thự mà chỉ có mấy ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ san sát nhau:
– Ở kia. Ngày trước tôi ở đó.
– À… rộng rãi, yên tĩnh. Cổ kính như cầu Long Biên.
– Ừ. Rộng rãi, yên tĩnh. Mỗi tội giờ không ai ở đó nữa.
– Anh có hay về đó không?
– Thỉnh thoảng.
Tôi đoán đây là nhà cũ của mẹ Việt, bây giờ mẹ anh ta mất rồi nên thỉnh thoảng Việt mới về đây. Ngày trước đọc hồ sơ thấy căn nhà này bây giờ ngoài việc dùng để thờ tự ra thì không có gì cả, cho nên cục cảnh sát cũng không để ý đến nó lắm, không ngờ có một ngày tôi lại được anh ta đưa tới đây.
Chúng tôi không nói nữa, chỉ im lặng ngắm bình minh đang dần dần chiếu rọi lên vùng ngoại thành yên ả, lắng nghe những tiếng gà gáy phía xa xa báo hiệu một ngày mới. Cứ như vậy đến khi mặt trời lên cao rồi, Việt mới đưa tôi quay về Hà Nội.
Anh ta nói hôm nay phải ở nhà làm việc nên tôi không muốn làm phiền, bữa trưa tự nấu cơm ăn một mình, bữa chiều thì lười nên chỉ ăn một quả táo cho qua bữa.
Đang nằm rung đùi trên ghế xem chương trình ca nhạc thì nhận được điện thoại của anh Long, anh ấy cứ nghĩ tối nay tôi mới bay nên đòi ra tiễn. Tôi không dám nói thật với anh Long chuyện mình ra Hà Nội sớm hơn một ngày vì Việt, sợ anh Long nghĩ tôi có tình cảm gì đó với anh ta, cho nên đành nói dối:
– À, em mới bay ra chuyến chiều nay rồi. Vừa tới nơi xong, đang định gọi cho anh đây.
– Sao kêu qua nhà anh mà không thấy qua. Anh đang định sang nhà đón em đi ăn rồi đưa em ra sân bay đây.
– Tiếc quá, hẹn tết năm sau nhé anh.
– Trong năm nay không chắc đánh thắng quay về hả em?
– Đến giờ vẫn chưa có thông tin gì, em sợ năm nay không xong được quá.
– Trên cục chỉ thị là chỉ cho em thời hạn 2 năm thôi. Nếu qua 2 năm không có tin tức gì là cục rút về đó. Tới lúc ấy anh cũng chịu, không can thiệp được đâu. Thôi ráng về sớm chứ biết sao giờ.
– Vâng, em cũng mong thế. Cố gắng thu thập tin tức rồi về sớm. Mỗi tội ông này kín quá, ở cạnh nhà lâu rồi mà hôm nay em mới được sang nhà lần đầu tiên.
– Có thấy gì không?
– Em chỉ được đi loanh quanh phòng khách nên mới thấy chút chút thôi. Thứ đáng chú ý nhất chắc chỉ là cái tượng thạch cao hình con gấu của anh ta tô. Ở sau tượng đó có chữ Bố + Mẹ + Việt.
– Ừ. Tiếp tục điều tra sâu hơn, kiểu gì cũng thấy những thứ khác.
– Em biết rồi.
– Mà em cũng phải cẩn thận đấy. Dù sao gã đó cũng là đàn ông, mình là phụ nữ, có võ cũng vẫn phải đề phòng. Lỡ như nó nổi thú tính hay có chuyện gì…
– Anh yên tâm, em làm việc với ông ấy ngày một, em biết tính lão như thế nào mà. Lão ấy nhiều phụ nữ lắm, hai tay ôm không hết, không thèm ngó đến em đâu.
– Diệp.
– Dạ?
– Anh xem hình rồi, cái thằng cha đó đẹp trai lắm đúng không?
Cái này thì không những tôi phải công nhận mà là rất nhiều người cũng phải công nhận, Việt cao ráo, đẹp trai, chín chắn lại chững chạc, nói chung nếu không phải “nghi phạm” thì chắc chắn tôi sẽ chấm cho anh ta điểm mười. Nhưng tự nhiên anh Long hỏi vậy làm tôi bỗng nhiên có cảm giác sai sai ở đâu đó.
Tôi đáp:
– Sao thế hả anh?
– À… không sao. Anh chỉ hỏi thế thôi.
– Dạ.
– Em ra đó rồi nhớ cẩn thận đấy, có việc gì nhớ báo cáo. Lần sau về Sài Gòn thì nhớ gọi anh, anh tới sân bay đón em.
– Em biết rồi. Anh đừng lo.
– Ừ, anh cúp máy đây.
Cúp máy xong, tôi cứ nghĩ mãi về mấy câu anh Long vừa nói lúc nãy, cuối cùng nhận ra là anh ấy đang nhắc nhở tôi chuyện với Việt.
Không biết tôi nói dối có qua mắt được một cảnh sát hình sự giỏi như anh Long không, nhưng qua câu chuyện vừa rồi, tôi biết anh Long sợ tôi nảy sinh tình cảm hoặc phát sinh quan hệ gì với Việt nên mới nhắc tôi phải cẩn thận.
Nghĩ đến đây, tôi tự cười với chính mình một cái. Nghi phạm và cảnh sát thì làm sao mà phát sinh tình cảm với nhau được, quan hệ thì lại càng không. Tôi ở đây là để thu thập bằng chứng để bắt bố anh ta và anh ta, tôi không đến đây để yêu đương, dù anh ta có đẹp trai đến mấy thì cũng chẳng liên quan gì đến tôi.
Nhưng… khi những ngón tay tôi lướt mấy bức hình trong điện thoại, tình cờ xem lại tấm hình sáng nay chụp bình minh ở ngoại ô, thấy có một góc ảnh vô tình chụp cả Việt vào đó, không hiểu sao tôi cứ nhìn mãi, nhìn mãi. Ban đầu vốn định xóa đi nhưng đắn đo mãi rồi lại quyết định để đó.
Tôi tặc lưỡi, đằng nào ánh bình minh cũng đẹp, người trong ảnh cũng đẹp, sau này nếu anh ta vào tù rồi thì tôi vẫn giữ lại coi như làm kỷ niệm, đánh dấu lần đầu tiên làm trinh sát truy bắt tội phạm của tôi.
Ngày hôm sau, bảy giờ sáng tôi lái xe đến công ty đi làm, lúc xuống hầm gửi xe ở chung cư thì vẫn thấy chiếc Vinfast màu trắng vẫn đỗ yên ở chỗ cũ. Tôi nghĩ Việt nhiều xe thế, chắc hôm nay anh ta nổi hứng lại lấy xe khác ra đi rồi nên không để ý lắm, mãi đến khi tới công ty mới biết là anh ta không đi làm.
Nghỉ tết mấy ngày mới gặp nhau, Dương vừa thấy tôi đã cười toe cười toét, xách một túi đồ từ bàn anh ta sang bàn tôi:
– Quà tết của anh cho em này.
– Cái gì thế hả anh? Về quê ăn tết mà còn mang quà cho em.
– Bánh gai Chiêm Hóa với bánh nếp nhân trứng kiến đấy. Toàn đặc sản Tuyên Quang luôn nhé.
– Thật hả anh? Mấy cái này em chưa nghe bao giờ, chắc ngon lắm hả?
– Em ăn xem.
Liếc vào phòng giám đốc thấy vẫn im lìm, tôi mới to gan bóc bánh nếp ra ăn ngay tại đó. Bánh nếp này không những thơm, dẻo, mềm, mà nhân bên trong cũng rất kỳ lạ, cứ như kiểu hạt lúa non vậy, vị bùi béo rất đặc biệt.
Tôi ngẩng đầu lên tấm tắc khen:
– Cái này nhân gì mà lạ thế anh? Sao ngon thế? Ngon ơi là ngon ấy.
– Nhân trứng kiến đấy.
– Trứng kiến là gì ạ?
– Trứng của con kiến ấy.
Toàn thân tôi lập tức nổi da gà, trong đầu liên tưởng ngay đến những hạt trứng trắng trắng bé xíu ở ổ kiến mà hồi nhỏ tôi hay thấy trong vườn. Bình thường cứ tưởng mấy cái đó chỉ để nở ra kiến, giờ mới biết còn ăn được. Dù ngon nhưng lần đầu tiên ăn tôi vẫn thấy ghê ghê.
– Sao thế? Em sợ hả?
– À… tại em chưa ăn trứng kiến bao giờ nên…
– Trứng kiến là đặc sản đấy. Xào với măng ăn cũng ngon, làm nhân bánh cũng ngon, bổ dưỡng nữa. Cứ ăn bình thường rồi quen đấy. Em ăn đi.
Tôi dè dặt ăn một miếng nữa, công nhận là ngon không cưỡng lại được nên ăn hết luôn cả cái, dần dần không sợ nữa. Dương thấy tôi ăn hết thì cười tươi rói, hẹn lần sau về quê sẽ mang thêm tiếp cho tôi, tôi cũng hẹn anh ta có dịp về Sài Gòn, tôi sẽ mua bánh tráng cho Dương ăn.
Nói chuyện thêm một lúc đã hơn 9h, ngày đầu năm mọi người thường không đi làm ngay mà sẽ đến các phòng chúc nhau, sau đó mới quay lại làm việc. Năm nay không có sếp ở đây nên mấy phó giám đốc cứ lượn qua lượn lại, cứ chốc chốc lại ngó vào xem Việt đến chưa để vào chúc tết.
Mãi tới hơn 10h, một chú phó giám đốc mới hỏi Dương:
– Hôm nay sếp Việt không đến hả Dương?
– À, nãy em gọi mấy cuộc mà không thấy sếp nghe máy. Chắc đang bận gì đó. Hôm nay không thấy sếp nói lại có lịch gì nên em cũng không rõ nữa anh ạ.
– Lạ nhỉ? Bình thường có bao giờ sếp đến muộn đâu.
– Vâng. Em cũng thấy lạ. Nhưng mới tết xong, chắc sếp uống rượu nhiều nên chưa tỉnh.
Sau khi phó giám đốc đi rồi, Dương mới quay sang hỏi tôi:
– Em ở gần nhà sếp, mấy hôm nay có gặp sếp không?
– Sáng qua thì em gặp nhưng từ đó đến giờ thì không. Không biết sếp bận gì mà mất tích thế nhỉ?
– Bình thường anh ấy không thế này bao giờ. Say mấy cũng vẫn phân việc cho anh, chưa bao giờ gọi điện cũng không nghe máy như này luôn. Tự nhiên anh thấy lo lo đây.
– Thôi cứ chờ thêm tý nữa xem sao. Nếu anh ấy không liên lạc thì mình thử đến nhà tìm xem.
– Ừ.
Nhớ lại sáng nay xe Vinfast của Việt vẫn đỗ ở chỗ cũ, mà giờ anh ta vẫn chưa đến công ty, chứng tỏ từ hôm qua tới giờ Việt chưa ra khỏi nhà. Nhưng mà anh ta bị sao? Tại sao lại đột nhiên biến mất, đến điện thoại cũng không nghe máy như vậy?
Tôi bắt đầu thấy trong lòng bồn chồn không yên, nhưng nghĩ mình chỉ quan tâm đến anh ta bởi vì Việt không những là nghi phạm mà còn là hàng xóm của tôi, nên tôi mới lo lắng như vậy thôi. Bứt rứt đến gần mười một rưỡi sáng, đang định rủ Dương đến nhà để xem Việt như thế nào thì bỗng nhiên anh ta lại gọi điện.
Dương nhìn thấy số sếp thì như kiểu bắt được vàng, kêu ầm lên với tôi:
– Đây rồi, đây rồi. May quá, sếp gọi đây rồi.
– Anh nghe máy đi.
Anh ta gật đầu, sau đó vội vàng ấn nút nghe máy, tôi ở bên này cũng căng tai ra lắng nghe.
Không biết đầu dây bên kia nói gì mà Dương cứ “vâng” liên tục, lát sau nói “em biết rồi, có gì đột xuất em sẽ báo ngay ạ”, sau đó mới cúp máy. Tôi sốt ruột rất muốn hỏi anh ta xem Việt thế nào rồi, nhưng sợ mình tỏ ra quan tâm sếp quá cũng không hay nên cứ ngồi im đợi.
May sao Dương lại tốt bụng, chủ động nói với tôi:
– Sếp bảo sếp có việc nên nghỉ một ngày. Dặn ở công ty có việc gì thì cứ xếp lại đấy để sếp về giải quyết sau. Hôm nay ngày đầu đi làm, cho mọi người thoải mái một tý.
– À vâng.
– Thôi, sếp không có việc gì rồi. Anh em ta cũng làm việc thôi.
– Vâng, làm việc thôi.
Cả ngày hôm đó Việt không đến công ty, tôi thì quen với việc chốc chốc lại ngó qua cửa kính nhìn anh ta rồi nên cứ thấy thiếu thiếu, làm việc cũng chẳng khí thế như mọi ngày.
Vật vã mãi cũng đến buổi chiều, vì mới đầu năm nên cả công ty không ai tăng ca, tôi cũng không muốn tăng ca mà tan làm xong thì đi thẳng về nhà. Lúc đi qua nhà Việt thấy cửa vẫn đóng im lìm, tôi định gõ cửa nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi lại thôi.
Một ngày vắng anh ta trôi qua rất chậm, tôi tự an ủi mình rằng thời gian trôi chậm như vậy là do tiến độ điều tra của tôi bị chững lại nên tôi mới có cảm giác thế. Bình thường bận rộn nên cứ về đến nhà là chân vắt lên cổ, hết học hành rồi lại lấy bút ghi lại quá trình điều tra trong một ngày của mình. Hôm nay chẳng phải học, cũng không có gì để ghi nên tôi rất nhàn rỗi, ăn cơm xong là leo lên giường nằm xem phim.
Xem phim chán rồi, tôi mở cửa ra ban công đứng ngó sang nhà bên cạnh. Hôm nay trời hơi nhiều gió, thỉnh thoảng rèm cửa nhà Việt bị tốc lên nhưng lại không hề thấy anh ta ngồi ở bàn làm việc, bên trong căn phòng cũng tối om.
Anh ta bị sao thế nhỉ? Cả ngày hôm nay đi đâu?
Tôi lôi điện thoại ra nhắn một tin:
– Hôm nay anh đi đâu thế? Em không thấy có ở nhà.
Tin nhắn gửi đi, rất lâu cũng không có hồi đáp.
Ôm một bụng thắc mắc mà không có lời giải đáp, tôi chán nản quay vào phòng đi ngủ. Đang ngon giấc thì lại có tiếng chuông điện thoại, liếc đồng hồ thấy đã 1h sáng, Việt đột nhiên gọi cho tôi vào thời gian thế này làm tôi thấy chột dạ, cũng thấy lo lo.
Tôi vội vàng ấn nút nghe máy:
– Alo.
– Tôi đang ở nhà.
Đầu dây bên kia giọng rất nhẹ, nhẹ như kiểu thều thào. Lần đầu tiên thấy Việt nói như vậy, mà còn bảo đang ở nhà vào lúc nửa đêm gà gáy như thế này, tôi đoán là anh ta đang có chuyện nên cuống lên hỏi:
– Anh sao thế? Có chuyện gì? Anh bị đau ở đâu à?
– …
Anh ta không trả lời nữa, nhưng cũng không cúp điện thoại, tôi chờ lâu sốt ruột, Alo thêm mấy lần nữa cũng không thấy bên kia có động tĩnh gì, cuối cùng đành trèo xuống giường, khoác một chiếc áo vào rồi chạy sang gõ cửa nhà bên cạnh.
Gõ cửa sáu, bảy lần mà không có ai mở, tôi đánh liều xoay thử ổ khóa thì lại thấy cửa mở được. Bên trong nhà vẫn tối om, nhưng tôi nghe được tiếng thở nhè nhẹ ở bên trong, bật điện lên mới thấy Việt đang nằm ở sofa.
Hình như anh ta bị ốm nên có vẻ rất khó chịu, trên trán vã ra lấm tấm mồ hôi. Tôi ngồi xổm xuống, sờ vào trán anh ta liền thấy đầu ngón tay nóng như phải bỏng, đành phải vội vàng rút tay về:
– Anh sao thế? Bị sốt à? Sao bị sốt cao thế này?
Anh ta chậm chạp mở mắt, dường như đã bị sốt lâu rồi nên tròng mắt có rất nhiều tơ máu đỏ. Việt thấy tôi thì nhìn nhìn vài giây rồi khẽ “Ừ” một tiếng, tôi thì lo như điên, rối rít hỏi anh ta:
– Anh thấy đau ở đâu? Đau họng không? Hay là sáng qua đi sớm nên bị dính sương?
– Đau bụng.
– Chỗ nào?
Tôi cau mày chạm đến bụng anh ta, vùng bụng rắn chắc đúng như tưởng tượng của tôi, các cơ dưới ngón tay rất đàn hồi. Nhưng khi đó tôi không còn tâm trạng nào mà sờ sờ mó mó trai đẹp nữa, chỉ vừa ấn xung quanh từng phần vừa hỏi:
– Chỗ này đau không?
Anh ta lắc đầu, tôi lại ấn chỗ khác:
– Chỗ này đau không?
Ấn đến lần thứ 4 thì cuối cùng Việt cũng nhíu mày, dù không nói ra nhưng cũng đủ biết anh ta đau ở vùng đó, ngay hố chậu phải. Đau đến mức này thì chứng tỏ bị viêm ruột thừa rồi, viêm nặng nữa là đằng khác.
Cái đồ điên này, bị đau như thế mà vẫn nằm nhà tự chịu, anh ta không đi bệnh viện thì định chờ ruột thừa vỡ ra rồi chết hay sao?
Tôi muốn mắng, nhưng nhìn anh ta đau như thế cũng chẳng còn tâm trạng nào mà mắng, đành đứng lên nói:
– Khả năng anh bị ruột thừa rồi. Anh ở đây đợi em về lấy túi xách rồi em cõng anh đi bệnh viện. Đợi…
Còn chưa nói hết câu thì bỗng nhiên có một bàn tay vươn ra nắm lấy bàn tay tôi. Lòng bàn tay của Việt rất nóng, độ nóng truyền qua da thịt rồi chạm vào cả trái tim tôi, làm cơ thể tôi khẽ run lên.
Anh ta không mở mắt, chỉ có khóe miệng mấp máy mấy từ:
– Đừng đi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
Bình luận facebook