• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Vượt Qua Bão Giông (2 Viewers)

  • Phần 16

Vượt Qua Bão Giông​





Phần 16


Quen nhau đến giờ đã gần một năm, trong ấn tượng của tôi trước giờ Việt là kiểu người điềm tĩnh lạnh nhạt, cho dù gặp bất cứ chuyện gì vẫn bình tĩnh cứng rắn không suy chuyển. Vậy mà hôm nay, lần đầu tiên tôi thấy anh ta trở nên “bình thường” đến vậy, chỉ vì ốm mà cứ nhất quyết níu lấy tay tôi bảo đừng đi.
Tự nhiên tôi thấy đồng cảm, cũng thấy thương thương và muốn an ủi anh ta một cách kỳ lạ. Tôi ngồi xổm xuống bên cạnh Việt, dùng bàn tay còn lại khẽ vỗ vỗ vào vai anh ta như muốn trấn an:
– Đi về lấy túi xách rồi quay lại ngay. Anh nằm yên đây chờ em.
– …
– Em mặc thế này không đến bệnh viện được, em về rồi em chạy sang luôn mà. Em không đi mất đâu.
– …
– Anh cứ túm tay em thế này là đến bệnh viện chậm đấy, đến khi vỡ ruột thừa là chết đấy. Việt, bỏ tay em ra.
Dù tôi có nói thế nào thì anh ta vẫn một mực giữ tay không buông, dường như anh ta sốt cao quá nên đầu óc đã bắt đầu mê sảng, giống một đứa trẻ đang làm nũng người lớn vậy.
Cả gương mặt Việt vì sốt mà đỏ ửng, ngay cả tai cũng đỏ lên, tôi không biết làm cách gì thì anh ta mới chịu nghe nên đành dùng sức cố rút tay ra, nhưng không những không giằng ra được mà còn bị anh ta kéo xuống, ôm lấy tôi vào trong ngực.
Đầu tôi chợt nổ ầm một tiếng, toàn thân bất động vì sửng sốt, không hiểu tại sao người đàn ông này lại ôm tôi. Cả người Việt rất nóng, dù cách một lớp áo sơ mi rồi nhưng tôi vẫn cảm nhận thấy rõ ràng nhiệt độ cao từ người anh ta lan ra rồi truyền sang tôi. Nửa đêm nửa hôm thế này, một nam một nữ ôm nhau trong tư thế mờ ám như vậy không hay cho lắm. Cho nên để không phát sinh ra những thứ linh tinh, tôi đành nói:
– Buông em ra.
– Đã bảo đừng đi. Bụng đau.
Hóa ra là cái gã này đang làm nũng thật, anh ta có vẻ rất khó chịu khi tôi rút tay ra nhưng vì mệt nên không thể mở mắt, chỉ có thể giữ lấy tôi ở lại theo bản năng.
Tôi bị ôm chặt cứng nên chỉ có thể gối đầu lên lồng ngực của Việt, lắng nghe từng tiếng hít thở nặng nhọc của anh ta. Đối với một người ốm như thế này, tôi chỉ cần vặn một ngón tay để anh ta đau đớn phải buông ra là xong. Nhưng chẳng hiểu sao giây phút ấy tôi lại chần chừ, một nửa vì lưu luyến khuôn ngực vững chãi và ấm áp của người đàn ông ấy, một nửa vì thương anh ta nên không nỡ rời đi.
Cuối cùng, sau một hồi đấu tranh tư tưởng kịch liệt, tôi lại thỏa hiệp với lòng thương hại của bản thân thêm một lần. Bàn tay đang nâng lên để chuẩn bị bẻ khớp tay anh ta của tôi đành chậm rãi thu về, tôi duỗi thẳng từng ngón tay rồi nhẹ nhàng chạm đến vùng bụng bị đau của Việt, khẽ nói:
– Ừ, em không đi. Em ở đây với anh. Anh đau ở đây phải không?
– Ừ.
– Thế nằm đây một lúc cho đỡ đau rồi đi bệnh viện nhé. Đến bệnh viện bác sĩ khám xong rồi về luôn. Được không?
Lần này anh ta không trả lời, nhưng tôi biết như thế có nghĩa là đã đồng ý. Tôi để anh ta ôm một lúc, sau đó khi anh ta sắp chìm vào trong cơn mê sảng vì đau đớn rồi, tôi mới ngồi dậy chạy về nhà thay đồ, vớ thêm một cái túi xách rồi chạy như bay sang nhà, dìu Việt tới bệnh viện.
Cũng may là anh ta chịu phối hợp nên khi lôi một gã 80kg từ trên ghế xuống hầm để xe cũng không quá khó khăn lắm với tôi. Lúc tôi đưa Việt vào khoa cấp cứu, các bác sĩ siêu âm xong thì trợn mắt quát tôi:
– Cô làm vợ mà kiểu gì thế? Ruột thừa viêm sắp vỡ ra rồi mới đưa chồng đến bệnh viện là sao? Sốt gần 40 độ thế này mà không đưa đi bệnh viện, định để co giật rồi bại não luôn đấy à?
– Ơ… cháu… cháu không biết ạ.
– Đúng là chẳng hiểu mấy người trẻ các cô kiểu gì. Cái đoạn ruột này phải bị viêm đau từ mấy ngày rồi, thế mà vẫn liều không đi khám. Đến lúc vỡ ra thì người chết là chồng nhà cô chứ không phải tôi đâu.
Tự nhiên bị mắng oan, tôi ngơ ngơ ngác ngác không biết phải trả lời với bác sĩ ra sao nên đành xin lỗi cho qua chuyện. Bác sĩ kia mắng tôi thêm mấy câu nữa rồi mới bắt tôi ký tên vào giấy đồng ý phẫu thuật mổ cho Việt, nhưng tôi không phải là người nhà của anh ta, cũng không phải vợ anh ta, cho nên cũng chẳng rõ mình nên lấy tư cách gì để ký.
Bác sĩ thấy tôi chần chừ lại quát:
– Còn không ký đi, viêm ruột thừa cấp thế này mà còn thời gian chần chừ à?
– Nhưng mà… người nhà mới ký được hả bác sĩ?
– Thế cô không phải người nhà anh kia à? Nửa đêm nửa hôm đưa người ta đến đây, không phải người nhà thì là gì?
Tôi nghĩ việc cứu người mới là cấp bách, vả lại có viết mục quan hệ với người bệnh là vợ thì chắc cũng chẳng ai rỗi hơi điều tra đâu. Thế nên tôi đặt bút xuống viết rất nhanh, tiện ký tên một cái, bác sĩ sau khi thấy tôi chịu ký thì ngay lập tức cầm giấy cam kết đồng ý phẫu thuật đó rồi chuyển Việt lên phòng mổ.
Trong lúc chờ đợi anh ta, tôi sốt ruột đứng ngoài hành lang đi đi lại lại, lúc sau chợt nhớ đến việc mình cần báo cho Dương nên tôi đành gọi điện thoại cho anh ta.
Ba giờ sáng, tất nhiên giọng Dương vẫn còn ngái ngủ:
– Alo
– Anh ơi, sếp bị đau ruột thừa. Đang mổ cấp cứu rồi. Anh có quen người nhà của sếp không? Anh gọi đến đây đi.
– Gì cơ? Sếp mổ ruột thừa á?
– Vâng, nãy sếp gọi em, bảo đau bụng nên em đưa đến viện khám. Bác sĩ bảo viêm ruột thừa cấp.
– Chết, thế giờ anh đến ngay.
Đúng là trợ lý thân cận nhất của sếp, chỉ mười lăm phút sau đã thấy Dương tất tất tưởi tưởi chạy vào bệnh viện, ngay cả tóc cũng không buồn chải, dép cũng không thay.
Anh ta lao lại phía tôi, hớt hơ hớt hải hỏi:
– Sao rồi em? Sao lâu thế?
– Chắc sắp ra rồi. Bác sĩ bảo bị viêm lâu nên nguy hiểm.
– Ôi hóa ra hôm nay không phải sếp có việc mà là anh ấy đau bụng ở nhà à? Trời ạ. Bị thế này rồi mà mới đưa đi bệnh viện. Đúng là tính cố chấp, nhiều khi anh cũng phát bực.
– Bình thường sếp không hay nói bệnh hả anh?
– Ừ. Ngày xưa mẹ sếp bị tai nạn giao thông, lúc đưa vào bệnh viện là người nát hết rồi. Sếp bị ám ảnh nên chỉ khi quá cần thiết mới phải đến bệnh viện thôi. Chắc là ông ấy nghĩ đau bụng thế này vẫn chưa cần thiết.
– Vâng.
– Thế sếp còn người nhà nào không hả anh? Anh gọi điện thông báo đi chứ. Sếp ở một mình thế này cũng thương. Với cả nãy phải ký giấy cam kết phẫu thuật, em giả danh vợ sếp ký khống rồi. Không biết người ta phát hiện ra em không phải là người nhà sếp thì có làm sao không.
– Chắc là không sao đâu.
– Nhưng anh vẫn phải thông báo đi.
– À… ừ… để tý nữa anh thông báo. Giờ đang nửa đêm, sợ làm phiền họ.
Tôi biết, Dương chần chừ không muốn gọi điện là bởi vì bộ trưởng X có gia đình riêng, giờ này ông ta đang ngủ với vợ, tất nhiên sẽ không muốn vì chuyện của một đứa con riêng mà bị làm phiền nửa đêm nửa hôm thế này, cho nên Dương mới phải chờ đến sáng.
Tôi cũng không nói nữa, chỉ ngồi ở ghế chờ đến khi đèn trước phòng phẫu thuật tắt, bác sĩ đi ra thông báo ca mổ thành công, vì đưa đến kịp lúc nên ruột thừa chưa bị vỡ, ổ bụng cũng không sao cả.
Lúc này tâm trạng bị đè nặng của tôi mới có thể được trút bỏ, tôi với Dương lẽo đẽo đi theo Việt đến phòng bệnh, sau đó lại thay phiên nhau mua thứ này thứ kia theo chỉ định của bác sĩ cho anh ta.
Ba mươi phút sau mổ, Việt tỉnh nhưng vì quá mệt nên chỉ mở mắt một lúc, nhìn thấy tôi và Dương vẫn ngồi ở đó nên anh ta mới yên tâm tiếp tục thiếp đi. Đến hơn bảy giờ, tôi thấy cả 3 người mà ở bệnh viện không đi làm cả thì công việc không có ai xử lý, cho nên mới quay sang giục Dương:
– Anh ơi, anh cứ để em ở đây chăm sếp cho. Anh về đi làm đi. Ba anh em mình mà ở đây cả thì việc không ai làm.
– Mình em chăm được không? Tý nữa nếu phải nâng lên nâng xuống sếp thì em làm sao được?
– Em làm được mà. Không làm được thì em nhờ y tá. Anh cứ về đi, có gì thì em gọi điện báo anh.
Dương cũng biết chúng tôi không thể ở cả tại đây, cần có một người về công ty để còn xử lý công việc nên chần chừ một lát rồi cũng gật đầu:
– Ừ, thế em cứ ở đây nhé. Trưa anh mua cháo với đồ ăn qua.
– Vâng. Anh đi đi.
Sau khi Dương đi rồi, tôi cũng không dám ngủ mà cứ ngồi chờ Việt tỉnh. Trải qua cơn phẫu thuật xong, anh ta đã không còn sốt cao như hôm qua nữa nhưng gương mặt nhợt nhạt vô cùng, đầu mày thỉnh thoảng vẫn khẽ nhíu lại, dường như vẫn còn rất đau.
Tôi thở dài, ngồi bên cạnh giường thỉnh thoảng sờ trán anh ta rồi lại sờ tay anh ta xem có bị đổ mồ hôi không. Nhàm chán không có việc gì làm, tôi lại nhớ đến cảm giác bị Việt ôm vào lòng đêm qua, mỗi lần nghĩ đến cảm giác ấm áp và mạnh mẽ đến bức người ấy, tâm can lại không tránh khỏi một hồi xao động.
Mãi đến hơn tám giờ thì anh ta mới tỉnh, Việt mở mắt, nhìn thấy tôi đang ngồi bên cạnh giường thì hơi cau mày. Tôi sốt ruột hỏi anh ta:
– Anh sao rồi? Còn thấy đau hay khó chịu chỗ nào không?
– Cô đưa tôi vào đây à?
Haiz… cái gã này đúng là chẳng nhớ gì chuyện đêm qua, ngay cả việc anh ta nhõng nhẽo tôi, cầm tay tôi rồi ôm tôi nữa, anh ta quên hết rồi sao?
Nhắc lại chỉ làm bản thân thêm xấu hổ, cho nên tôi đành đáp:
– Tối qua anh sốt cao nên em đưa vào đây. Bác sĩ bảo anh bị ruột thừa. Mổ xong rồi, giờ anh cần nghỉ ngơi.
– Mấy giờ rồi?
– Tám giờ hai mươi.
– Ừ.
Anh ta chớp chớp mắt, đưa một tay đang bị cắm kim truyền lên nhìn nhìn một lúc rồi lại quay sang hỏi tôi:
– Sao cô không đi làm?
– Em ở đây chăm anh. Anh đói không? Ăn một ít cháo loãng nhé.
– Tôi không đói.
– Không đói cũng phải ăn. Chịu khó ăn vào mới nhanh khỏe được. Anh nằm đây, em chạy đi mua rồi về ngay.
Nói xong, tôi biết kiểu gì ông này cũng sẽ từ chối nên không buồn nghe câu trả lời mà lập tức đứng lên. Trong lúc đứng dậy, tình cờ lại thấy bàn ta anh ta đặt ở sát bên chỗ tôi ngồi hơi nhúc nhích, giống như muốn giữ tôi lại theo phản xạ vậy.
Có điều, ngón tay hơi co lại sau một hồi cũng duỗi thẳng ra, dường như anh ta cũng tự khống chế được phản xạ của bản thân nên sau đó bàn tay cũng không cử động gì nữa. Tôi cũng không dám chần chừ ở lại thêm, vội vàng quay người chạy một mạch đến căntin bệnh viện mua một tô cháo trắng thật loãng, quay về đút cho anh ta ăn.
Cái cảnh đút cho nhau ăn trong bệnh viện, nghe cứ giống phim ngôn tình cẩu huyết vậy nhỉ?
Tôi xúc một thìa cháo rồi đưa lên, Việt thì nhìn tôi như nhìn một đứa thần kinh từ trên trời rơi xuống, cau mày lắc đầu:
– Tôi tự ăn được.
– Anh nâng người dậy được không?
– Cô đỡ lưng tôi.
– Vâng.
Tôi vội đặt tô cháo xuống rồi chạy lại nâng người anh ta lên, hồi trước tôi vác ba lô 40kg cùng một khẩu súng AK nặng hơn 3kg chạy bộ 10 vòng quanh thao trường cũng không hề hấn gì, giờ đỡ Việt ngồi dậy đối với tôi cũng thường thôi, nâng một phát là lên.
Tuy nhiên tôi sợ mình nâng dễ dàng vậy thì anh ta lại tốn công tò mò hoặc nghi ngờ, cho nên cố làm ra vẻ khó khăn một lúc rồi mới nâng hẳn lưng Việt lên, sau đó kéo đầu giường lên cao rồi nhét vào sau lưng anh ta một chiếc gối.
Thấy anh ta đã ngồi yên vị rồi, tôi hài lòng nói:
– Được rồi. Em đặt cháo ở trên bàn ăn. Anh tự xúc ăn nhé.
– Ừ.
– Ăn xong còn uống thuốc.
Anh ta rất ngoan, ăn xong một tô cháo rồi lại uống thuốc. Đối với người ngoan ngoãn như vậy tôi cũng chẳng tốn hơi sức để dỗ dành làm gì, cho nên sau đó rất nhàn, cứ loanh quanh mãi mà vẫn chẳng đến buổi trưa.
Tôi đoán sáng nay Dương sẽ gọi điện để thông báo cho bộ trưởng X về việc Việt đang nằm viện, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy ông ta đến thăm con trai. Rút cuộc là vì bận việc không thể bỏ đi được, hay là vì sợ đến bệnh viện sẽ bị nhiều người trông thấy rồi phát hiện ra việc ông ta có con trai riêng?
Nghĩ đến đây, tôi vô thức ngoảnh đầu lại nhìn Việt đang nằm trên giường. Anh ta trong bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình trông có vẻ rất khác so với bộ dạng chỉn chu thường ngày. Không còn vẻ giương cung bạt kiếm, không còn vẻ lạnh lùng ngông cuồng, hiện tại anh ta chỉ lẳng lặng ngoảnh đầu ra nhìn bầu trời bên ngoài cửa sổ, bộ dạng rất yên tĩnh và cô đơn.
Tôi thở dài một tiếng, không biết làm gì nên đành lấy táo ra gọt. Một lát sau bỗng nhiên có tiếng bước chân đi bên ngoài hành lang, tiếp theo là mấy âm thanh gõ cửa.
Người bên ngoài không cần đợi người bên trong đồng ý đã mở cửa bước vào, đúng như tôi dự đoán, là bộ trưởng X đến thăm con trai. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông ta, cũng là lần đầu thấy bộ trưởng X và Việt ở chung một chỗ.
Bộ trưởng X thấy tôi đang ngồi trong phòng thì bước chân có hơi chững lại, nhưng ngoài mặt ông ta vẫn bình tĩnh như không hề ngạc nhiên vì có sự xuất hiện của tôi ở đây. Tôi biết ý nên chủ động đứng dậy nói:
– Cháu chào chú ạ.
– Ừ. Cô là…?
– Cháu là trợ lý của anh Việt ạ. Chú là người quen của anh Việt ạ? Chú vào đi, anh ấy vừa mới mổ xong lúc 3h nên còn hơi mệt.
– Ừ.
Việt hơi ngoái đầu lại, nhìn thấy bố đến mà thái độ anh ta không có vẻ gì là ngạc nhiên, cũng chẳng tỏ ra vui mừng. Tôi thì mặc dù muốn ở lại để nghe ngóng tin tức, nhưng như thế thì quá vô duyên nên đành kiếm cớ đi ra ngoài.
Lúc ra đến hành lang mới thấy ở khu này vắng tanh, ngay cả một bóng y tá hay bác sĩ cũng không có, trước cửa phòng và xung quanh đó chỉ toàn là người của bộ trưởng X.
Đúng là bộ trưởng đến thăm con trai riêng có khác, bệnh viện to cỡ nào cũng phải dẹp hết bệnh nhân sang một bên!
Tôi đi thẳng xuống căntin ngồi uống café, đợi hơn một tiếng mới quay lại phòng bệnh. Bộ trưởng X hình như rất quan tâm đến con trai nên cả tiếng rồi vẫn chưa ra khỏi đó, tôi hết cách, đành phải đứng ngoài hành lang chờ. Mãi đến hơn ba mươi phút sau mới thấy ông ta đi ra, vừa nhìn thấy tôi, bộ trưởng X đã lịch sự nói:
– Việt bị ốm, nhờ cô chăm sóc nó nhé.
– Vâng, chú đừng lo, cháu là cấp dưới của anh ấy, chuyên phụ trách công việc cho anh ấy mà.
– Ừ. Nó chỉ có một mình, bị thế này cũng thương. Nhờ cô nhé.
Vừa nói chuyện, tôi vừa quan sát nét mặt của bộ trưởng, nói chung nhìn bề ngoài ông ta không có vẻ gian xảo nhưng người leo lên được chức vụ ấy thì kinh nghiệm giao tiếp phải đạt đến trình độ lão luyện, tôi có học tâm lý tội phạm thì với ông ta cũng thường thôi. .
Chỉ là tôi nghĩ một người như thế ắt hẳn sẽ phải rất cẩn thận trong việc nói chuyện với người lạ, nhưng ông ta lại chẳng ngần ngại nhờ vả tôi chăm sóc Việt, hơn nữa thái độ còn rất chân thành.
Điều này chứng tỏ ông ta cũng thương con trai riêng rất nhiều, đúng không nhỉ?
Tôi đánh giá xong một lượt rồi mỉm cười gật đầu:
– Vâng ạ, cháu sẽ chăm sóc anh ấy cẩn thận, chú đừng lo.
– Ừ. Cảm ơn cô.
Sau khi ông ta đi rồi, tôi mở cửa vào phòng vẫn thấy Việt đang nằm im lặng ở chỗ cũ. Tôi không muốn tò mò hỏi “chú mới vào là ai vậy?” nên chỉ đi đến gần, sờ tay lên đầu anh ta xem có sốt lại không, sau đó mới nói:
– Anh buồn ngủ chưa? Hay là ngủ một tý nhé.
– Cô vừa đi đâu về thế?
– Em chạy xuống cantin mua chai nước.
Việt nhìn nhìn tay tôi, thấy không có chai nước nào cả thì khẽ nhíu mày. Nhưng anh ta cũng không nói nữa mà chỉ bảo:
– Tôi ngủ một lúc, cô ngồi sang bên ghế kia đi, không cần lo cho tôi.
– Vâng.
Mấy ngày Việt nằm viện, vì không có ai chăm sóc nên ban ngày tôi đảm nhiệm công việc chăm sóc anh ta, ban đêm đến lượt Dương. Lúc đầu tôi định bảo Dương cứ để đó tôi chăm cả ngày lẫn đêm, nhưng vì những việc vệ sinh cá nhân hay tắm rửa của Việt thì tôi không thể nào đảm đương được nên đành phải giao cho Dương.
Ngày đầu tiên có bộ trưởng X đến thăm thì không nói, đến ngày thứ hai thì cả đống nhân viên cấp dưới đến mang quà cáp cho sếp làm tôi đau cả đầu. Tới ngày thứ ba thì một nhân vật mới xuất hiện.
Tối đó, tôi với Dương đang ngồi gọt hoa quả thì có tiếng người gõ cửa, ban đầu cứ tưởng là nhân viên nào đến thăm cơ, nhưng mãi tới khi thấy một người phụ nữ cực kỳ xinh đẹp bước vào phòng, tôi mới ngẩn người.
Cô ấy nhìn về phía Việt đang nằm trên giường bệnh đầu tiên, sau đó mới quay về phía bọn tôi, mỉm cười nhẹ nhàng một cái. Dương thấy chị ta thì cũng ngay lập tức đứng lên chào:
– Chị Hà đến ạ.
***
Lời tác giả: Mai lại là cuối tuần rồi, nhanh quá chị em nhỉ? Truyện sắp vào hồi gay cấn rồi, nhưng tớ vẫn phải nghỉ ngơi một ngày để lấy thêm tinh thần đây.
Chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ nhé!


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Vượt Qua Lôi Trì
  • Diệp Lạc Vô Tâm
Chương 36
Từ từ vượt qua (Từ từ độ chi)
  • Dực Tô Thức Quỷ (Chạm vào thiếu nữ tử vong)
Chương 24
Cuồng long vượt ngục

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom