Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 85
Hợp tác xã Gia Đạo đã có Ban quản trị mới do Dậu làm chủ nhiệm. Tế làm phó chủ nhiệm phụ trách điều hành kế hoạch sản xuất, Bích phó chủ nhiệm phụ trách kế toán tài chính. Ông Cẩm và bà Bắc phó chủ nhiệm kiêm đội trưởng sản xuất. Nhân viên trong ban quản trị chỉ thay thủ quỹ còn lại vẫn giữ nguyên. Buổi chiều sau khi bầu cử, Luận đề nghị mở cuộc họp liên tịch giữa đảng ủy, bí thư chi bộ và ban quản trị mới được bầu. Ông Côn và Chi được mời tham gia. Mở đầu cuộc họp, ông Côn nói:
- Không biết vô tình hay cố ý, Ban quản trị mới được bầu khéo quá. Có nam, có nữ. Có đứng tuổi và có cả thanh niên. Thế này mà không làm cho Hợp tác xã Gia Đạo chuyển biến được nữa thì thôi.
Ngô nói:
- Rất mừng là những người chi bộ có dự kiến đưa vào Ban quản trị đều được bầu với phiếu cao.
Chi hỏi Bích:
- Thế nào cô bí thư chi đoàn, cảm giác thế nào khi được bầu vào Ban quản trị?
Bích trả lời:
- Cháu lo lắm cô ạ. Không biết cháu có làm được không.
Chi động viên:
- Rồi quen dần thôi. Ngày cô được bầu làm bí thư huyện ủy cô cũng rất lo, không biết mình có làm nổi hay không. Những ngày đầu tiên không đêm nào ngủ được yên giấc. Nhưng rồi dần dần đâu vào đó cả. Điều quan trọng nhất là mình dồn toàn tâm toàn ý cho công việc. Điều gì chưa biết thì hỏi dân. Đó là cả một kho tàng kinh nghiệm và tri thức. Biết dựa vào dân thì chẳng có việc gì mình không làm được cả.
Ông Côn tham gia:
- Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất hiện nay của Ban quản trị mới là phải cùng nhau mạnh dạn tìm tòi để đổi mới cách làm ăn của Hợp tác xã, tránh đi theo con đường mòn của Ban quản trị cũ trước đây.
Noãn nói:
- Theo tôi mạnh dạn là tốt nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Trước khi quyết định làm một việc gì phải đắn đo suy nghĩ xem việc ấy có vi phạm đến chủ trương đường lối tập thể hóa của Đảng hay không. Trượt chân còn gượng được chứ đi trượt đường lối thì chỉ có con đường lao xuống vực.
Dậu biết Noãn có ý răn đe mình nên nói luôn:
- Chẳng có ai dại gì đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng cả. Nhưng theo tôi, bảo vệ đường lối của Đảng cũng có năm bảy đường. Con đường đúng đắn nhất là làm cho Hợp tác xã vững mạnh, cuộc sống người dân được ấm no. Có vậy mới thể hiện được tính ưu việt của đường lối tập thể hóa. Mà muốn thế thì phải biết cách tổ chức làm ăn. Nhất định tập thể Ban quản trị chúng tôi sẽ tìm được lối ra cho Hợp tác xã.
Ông Cẩm tiếp lời Dậu bằng lối nói chân chất của nông dân:
- Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc đầy đủ với lãnh đạo từ tỉnh xuống đến huyện đến xã nên tôi cũng muốn thổ lộ đôi điều từ tâm can của tôi tới lãnh đạo. Tôi và bà Bắc không được học hành đến nơi đến chốn như chú Dậu, chú Tế và cháu Bích. Nhưng tâm huyết của chúng tôi thì không thiếu. Chú Dậu nói phải đấy. Đôi khi thấy cảnh làm ăn lụn bại của Hợp tác xã thấy đau lòng lắm. Ruộng đất của mình mà ngỡ như ruộng đất của nhà ai. Vác cày vác bừa ra đồng dửng dưng, lấy lệ chứ chẳng buồn làm. Có đời thủa nào sống trên đất trên ruộng của mình mà chịu đói bao giờ. Đường lối thì rõ ràng nhưng cách làm ăn thì chẳng rõ ràng, không biết tôi nói vậy có đúng không…
Noãn nghĩ ông Cẩm dựa vào cái thế của ông Côn và Chi đang ngồi trước mặt mình nên mới dám nói những câu ngang ngược như vậy nên bắt bẻ:
- Thế nào là làm ăn không rõ ràng? Trước khi tình nguyện vào Hợp tác xã ông cũng đã được học tập thấm nhuần chủ trương đường lối, điều lệ nội quy của Hợp tác xã. Ông thấy xưa nay làm sai ở chỗ nào mà ông bảo không rõ ràng?
Chi thấy khó chịu với kiểu nói dạy đời của Noãn nên cắt ngang:
- Đồng chí Noãn để bác Cẩm nói hết đã. Bác nói tiếp đi.
Ông Cẩm nói tiếp:
- Đúng là chiếu theo những điều quy định thì chẳng làm sai chỗ nào cả. Sáng chiều hai buổi đánh kẻng đi làm. Tối họp bình bầu công điểm. Bảo đi cày thì đi cày, bảo đi cấy thì đi cấy. Còn cày cấy như thế nào thì lãnh đạo Hợp tác bận ngồi uống rượu với nhau, chẳng thèm để mắt tới. Cuối vụ cầm thúng đến nhận mấy chục cân thóc đem về. Đói no gì cũng trông vào đó. Nói thực ra là nấu cháo không đủ chứ đừng tính đến chuyện ăn cơm. Mà ruộng đất vùng ta là thuộc vào hàng nhất đẳng điền chứ có phải đất chó ăn đá, gà ăn sỏi đâu. Nếu không nhờ lăn lưng ra với mấy thước ruộng phần trăm thì chỉ có việc vác bị đi ăn xin. Tôi nói vậy có đúng không ông chủ tịch? Đúng là Hợp tác xã chưa làm gì sai với đường lối chủ trương của Đảng cả. Cái gì cũng làm đúng quy định. Chỉ có cái đói, cái nghèo là làm sai quy định của Đảng thôi.
Ông Côn tỏ ra tâm đắc với câu nói của ông Cẩm:
- Bác nói một câu rất hay. Để làng xóm tiêu điều, người dân đói kém mới là đi ngược lại đường lối của Đảng. Hôm nay tôi và các đồng chí lãnh đạo của huyện, của xã được nghe những lời tâm huyết của những người vừa được bầu vào Ban quản trị. Chỉ chưa nghe được ý kiến của cháu Bích thôi.
Bích vẫn tỏ ra rụt rè:
- Chú Dậu, bác Bắc, anh Tế và bác Cẩm đã nói hộ cho cháu rồi. Cháu hứa sẽ cố gắng cùng các chú, các bác trong Ban quản trị tìm mọi cách làm cho Hợp tác xã Gia Đạo có một bộ mặt mới.
Ông Côn thấy phấn chấn trước không khí của Ban quản trị mới. Ông nói luôn ý định của ông Kim dặn ông trước khi xuống Gia Đạo:
- Khi biết tôi xuống dự Đại hội bầu Ban quản trị, đồng chí bí thư nói với tôi đại ý. Ban quản trị mới giống như một tờ giấy trắng, chưa bị hoen ố bởi lối làm ăn máy móc, cứng nhắc của cái cơ chế lỗi thời. Vì thế phải bắt tay vào việc tìm tòi phương thức sản xuất năng động, linh hoạt ngay từ đầu. Đồng chí bí thư gợi ý cụ thể là sàng lọc những điều làm ăn có kết quả của một số Hợp tác xã trong tỉnh, trong huyện. Nếu thấy áp dụng được thì áp dụng ngay với Gia Đạo. Bên cạnh đó là mạnh dạn là thí điểm một vài phương pháp khoán mới. Cụ thể ngoài việc khoán tổ, khoán nhóm, khoán việc như đã làm, thử bàn xem có khoán được đến hộ xã viên hay không. Đây là một gợi ý hết sức quan trọng. Nếu khoán được đến hộ xã viên sẽ là một bước đột phá có thể làm chuyển biến được tình hình sản xuất của các Hợp tác xã. Tôi cũng hết sức tâm đắc gợi ý này của đồng chí bí thư tỉnh ủy.
Noãn phản bác ý kiến của ông Côn một cách khôn khéo:
- Tôi không dám phản đối gợi ý của đồng chí bí thư tỉnh ủy. Nhưng tôi đề nghị lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo cũng nên thận trọng cân nhắc cho thật kỹ càng. Đây là việc vô cùng hệ trọng vì nó liên quan đến đường lối tập thể hóa của Đảng. Khoán cho hộ xã viên liệu có tạo điều kiện cho ý thức làm ăn riêng lẻ quay trở lại trong đầu óc của họ hay không?
Luận bẻ lại Noãn:
- Tôi không đồng ý với ý kiến của đồng chí Noãn. Tôi thấy nếu như chúng ta thực hiện khoán đến hộ xã viên là chúng ta đã cởi trói cho xã viên. Quyền làm chủ trong sản xuất thực sự trở về với người nông dân. Còn có tạo điều kiện cho đầu óc họ trở về với làm ăn cá thể hay không là lệ thuộc hoàn toàn vào việc điều hành của Ban lãnh đạo Hợp tác xã. Nếu như chúng ta biết làm cho quyền lợi của người nông dân gắn bó với quyền lợi của Hợp tác xã và ngược lại quyền lợi của Hợp tác xã gắn bó với người nông dân thì chẳng ai dại gì tách mình ra khỏi cái tập thể đã đưa lại quyền lợi cho mình.
Dậu nói:
- Tôi thấy hôm nay hết sức may mắn là được ngồi với các vị lãnh đạo từ xã tới tỉnh để bàn tính việc hoạt động của Ban quản trị chúng tôi trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Tôi nghĩ đây là dịp may hiếm có không biết có lần thứ hai nữa không. Vừa rồi đồng chí thường vụ tỉnh ủy có nói đến chuyện khoán đến hộ xã viên. Đây là việc tôi từng nghĩ tới và có lần đã đề nghị anh Lịch giải tán trại lợn của Hợp tác xã đưa về khoán cho hộ xã viên nuôi. Nhưng anh Lịch không nghe. Anh ấy bảo tôi điên nên mới nghĩ ra cách làm ấy.
Ông Côn tỏ ra rất quan tâm điều Dậu vừa nói.
- Chuyện hay đấy nhỉ. Ông kể đầu đuôi cho mọi người nghe xem.
Sau khi nghe Dậu kể xong ý đồ khoán lợn cho hộ xã viên, ông Côn hỏi luôn:
- Bây giờ ông đã nằm trong Ban quản trị rồi, liệu ông có dám làm như lời đề nghị của ông trước đây không?
Dậu tỏ ra thận trọng:
- Việc ấy phải bàn kỹ trong Ban quản trị đã bác ạ. Biết đâu có cách làm hay hơn thì sao.
Tuy không ai trong Ban quản trị mới hứa một điều gì cụ thể nhưng nhìn qua khuôn mặt chân thành của họ, ông Côn tin Gia Đạo sẽ có những chuyển biến bất ngờ.
- Không biết vô tình hay cố ý, Ban quản trị mới được bầu khéo quá. Có nam, có nữ. Có đứng tuổi và có cả thanh niên. Thế này mà không làm cho Hợp tác xã Gia Đạo chuyển biến được nữa thì thôi.
Ngô nói:
- Rất mừng là những người chi bộ có dự kiến đưa vào Ban quản trị đều được bầu với phiếu cao.
Chi hỏi Bích:
- Thế nào cô bí thư chi đoàn, cảm giác thế nào khi được bầu vào Ban quản trị?
Bích trả lời:
- Cháu lo lắm cô ạ. Không biết cháu có làm được không.
Chi động viên:
- Rồi quen dần thôi. Ngày cô được bầu làm bí thư huyện ủy cô cũng rất lo, không biết mình có làm nổi hay không. Những ngày đầu tiên không đêm nào ngủ được yên giấc. Nhưng rồi dần dần đâu vào đó cả. Điều quan trọng nhất là mình dồn toàn tâm toàn ý cho công việc. Điều gì chưa biết thì hỏi dân. Đó là cả một kho tàng kinh nghiệm và tri thức. Biết dựa vào dân thì chẳng có việc gì mình không làm được cả.
Ông Côn tham gia:
- Tôi nghĩ công việc quan trọng nhất hiện nay của Ban quản trị mới là phải cùng nhau mạnh dạn tìm tòi để đổi mới cách làm ăn của Hợp tác xã, tránh đi theo con đường mòn của Ban quản trị cũ trước đây.
Noãn nói:
- Theo tôi mạnh dạn là tốt nhưng cũng phải hết sức thận trọng. Trước khi quyết định làm một việc gì phải đắn đo suy nghĩ xem việc ấy có vi phạm đến chủ trương đường lối tập thể hóa của Đảng hay không. Trượt chân còn gượng được chứ đi trượt đường lối thì chỉ có con đường lao xuống vực.
Dậu biết Noãn có ý răn đe mình nên nói luôn:
- Chẳng có ai dại gì đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng cả. Nhưng theo tôi, bảo vệ đường lối của Đảng cũng có năm bảy đường. Con đường đúng đắn nhất là làm cho Hợp tác xã vững mạnh, cuộc sống người dân được ấm no. Có vậy mới thể hiện được tính ưu việt của đường lối tập thể hóa. Mà muốn thế thì phải biết cách tổ chức làm ăn. Nhất định tập thể Ban quản trị chúng tôi sẽ tìm được lối ra cho Hợp tác xã.
Ông Cẩm tiếp lời Dậu bằng lối nói chân chất của nông dân:
- Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc đầy đủ với lãnh đạo từ tỉnh xuống đến huyện đến xã nên tôi cũng muốn thổ lộ đôi điều từ tâm can của tôi tới lãnh đạo. Tôi và bà Bắc không được học hành đến nơi đến chốn như chú Dậu, chú Tế và cháu Bích. Nhưng tâm huyết của chúng tôi thì không thiếu. Chú Dậu nói phải đấy. Đôi khi thấy cảnh làm ăn lụn bại của Hợp tác xã thấy đau lòng lắm. Ruộng đất của mình mà ngỡ như ruộng đất của nhà ai. Vác cày vác bừa ra đồng dửng dưng, lấy lệ chứ chẳng buồn làm. Có đời thủa nào sống trên đất trên ruộng của mình mà chịu đói bao giờ. Đường lối thì rõ ràng nhưng cách làm ăn thì chẳng rõ ràng, không biết tôi nói vậy có đúng không…
Noãn nghĩ ông Cẩm dựa vào cái thế của ông Côn và Chi đang ngồi trước mặt mình nên mới dám nói những câu ngang ngược như vậy nên bắt bẻ:
- Thế nào là làm ăn không rõ ràng? Trước khi tình nguyện vào Hợp tác xã ông cũng đã được học tập thấm nhuần chủ trương đường lối, điều lệ nội quy của Hợp tác xã. Ông thấy xưa nay làm sai ở chỗ nào mà ông bảo không rõ ràng?
Chi thấy khó chịu với kiểu nói dạy đời của Noãn nên cắt ngang:
- Đồng chí Noãn để bác Cẩm nói hết đã. Bác nói tiếp đi.
Ông Cẩm nói tiếp:
- Đúng là chiếu theo những điều quy định thì chẳng làm sai chỗ nào cả. Sáng chiều hai buổi đánh kẻng đi làm. Tối họp bình bầu công điểm. Bảo đi cày thì đi cày, bảo đi cấy thì đi cấy. Còn cày cấy như thế nào thì lãnh đạo Hợp tác bận ngồi uống rượu với nhau, chẳng thèm để mắt tới. Cuối vụ cầm thúng đến nhận mấy chục cân thóc đem về. Đói no gì cũng trông vào đó. Nói thực ra là nấu cháo không đủ chứ đừng tính đến chuyện ăn cơm. Mà ruộng đất vùng ta là thuộc vào hàng nhất đẳng điền chứ có phải đất chó ăn đá, gà ăn sỏi đâu. Nếu không nhờ lăn lưng ra với mấy thước ruộng phần trăm thì chỉ có việc vác bị đi ăn xin. Tôi nói vậy có đúng không ông chủ tịch? Đúng là Hợp tác xã chưa làm gì sai với đường lối chủ trương của Đảng cả. Cái gì cũng làm đúng quy định. Chỉ có cái đói, cái nghèo là làm sai quy định của Đảng thôi.
Ông Côn tỏ ra tâm đắc với câu nói của ông Cẩm:
- Bác nói một câu rất hay. Để làng xóm tiêu điều, người dân đói kém mới là đi ngược lại đường lối của Đảng. Hôm nay tôi và các đồng chí lãnh đạo của huyện, của xã được nghe những lời tâm huyết của những người vừa được bầu vào Ban quản trị. Chỉ chưa nghe được ý kiến của cháu Bích thôi.
Bích vẫn tỏ ra rụt rè:
- Chú Dậu, bác Bắc, anh Tế và bác Cẩm đã nói hộ cho cháu rồi. Cháu hứa sẽ cố gắng cùng các chú, các bác trong Ban quản trị tìm mọi cách làm cho Hợp tác xã Gia Đạo có một bộ mặt mới.
Ông Côn thấy phấn chấn trước không khí của Ban quản trị mới. Ông nói luôn ý định của ông Kim dặn ông trước khi xuống Gia Đạo:
- Khi biết tôi xuống dự Đại hội bầu Ban quản trị, đồng chí bí thư nói với tôi đại ý. Ban quản trị mới giống như một tờ giấy trắng, chưa bị hoen ố bởi lối làm ăn máy móc, cứng nhắc của cái cơ chế lỗi thời. Vì thế phải bắt tay vào việc tìm tòi phương thức sản xuất năng động, linh hoạt ngay từ đầu. Đồng chí bí thư gợi ý cụ thể là sàng lọc những điều làm ăn có kết quả của một số Hợp tác xã trong tỉnh, trong huyện. Nếu thấy áp dụng được thì áp dụng ngay với Gia Đạo. Bên cạnh đó là mạnh dạn là thí điểm một vài phương pháp khoán mới. Cụ thể ngoài việc khoán tổ, khoán nhóm, khoán việc như đã làm, thử bàn xem có khoán được đến hộ xã viên hay không. Đây là một gợi ý hết sức quan trọng. Nếu khoán được đến hộ xã viên sẽ là một bước đột phá có thể làm chuyển biến được tình hình sản xuất của các Hợp tác xã. Tôi cũng hết sức tâm đắc gợi ý này của đồng chí bí thư tỉnh ủy.
Noãn phản bác ý kiến của ông Côn một cách khôn khéo:
- Tôi không dám phản đối gợi ý của đồng chí bí thư tỉnh ủy. Nhưng tôi đề nghị lãnh đạo của Hợp tác xã Gia Đạo cũng nên thận trọng cân nhắc cho thật kỹ càng. Đây là việc vô cùng hệ trọng vì nó liên quan đến đường lối tập thể hóa của Đảng. Khoán cho hộ xã viên liệu có tạo điều kiện cho ý thức làm ăn riêng lẻ quay trở lại trong đầu óc của họ hay không?
Luận bẻ lại Noãn:
- Tôi không đồng ý với ý kiến của đồng chí Noãn. Tôi thấy nếu như chúng ta thực hiện khoán đến hộ xã viên là chúng ta đã cởi trói cho xã viên. Quyền làm chủ trong sản xuất thực sự trở về với người nông dân. Còn có tạo điều kiện cho đầu óc họ trở về với làm ăn cá thể hay không là lệ thuộc hoàn toàn vào việc điều hành của Ban lãnh đạo Hợp tác xã. Nếu như chúng ta biết làm cho quyền lợi của người nông dân gắn bó với quyền lợi của Hợp tác xã và ngược lại quyền lợi của Hợp tác xã gắn bó với người nông dân thì chẳng ai dại gì tách mình ra khỏi cái tập thể đã đưa lại quyền lợi cho mình.
Dậu nói:
- Tôi thấy hôm nay hết sức may mắn là được ngồi với các vị lãnh đạo từ xã tới tỉnh để bàn tính việc hoạt động của Ban quản trị chúng tôi trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài. Tôi nghĩ đây là dịp may hiếm có không biết có lần thứ hai nữa không. Vừa rồi đồng chí thường vụ tỉnh ủy có nói đến chuyện khoán đến hộ xã viên. Đây là việc tôi từng nghĩ tới và có lần đã đề nghị anh Lịch giải tán trại lợn của Hợp tác xã đưa về khoán cho hộ xã viên nuôi. Nhưng anh Lịch không nghe. Anh ấy bảo tôi điên nên mới nghĩ ra cách làm ấy.
Ông Côn tỏ ra rất quan tâm điều Dậu vừa nói.
- Chuyện hay đấy nhỉ. Ông kể đầu đuôi cho mọi người nghe xem.
Sau khi nghe Dậu kể xong ý đồ khoán lợn cho hộ xã viên, ông Côn hỏi luôn:
- Bây giờ ông đã nằm trong Ban quản trị rồi, liệu ông có dám làm như lời đề nghị của ông trước đây không?
Dậu tỏ ra thận trọng:
- Việc ấy phải bàn kỹ trong Ban quản trị đã bác ạ. Biết đâu có cách làm hay hơn thì sao.
Tuy không ai trong Ban quản trị mới hứa một điều gì cụ thể nhưng nhìn qua khuôn mặt chân thành của họ, ông Côn tin Gia Đạo sẽ có những chuyển biến bất ngờ.
Bình luận facebook