Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 15 - Phần 6
Sau khi dẹp yên giặc Ngô, vua ban bố Đại cáo khắp thiên hạ. Toàn văn bài Đại cáo như sau1540:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
[48a] Quân điếu phạt1541 trước lo trừ bạo.
Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương,
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau.
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.
Cho nên:
Lưu Cung1542 tham công mà đại bại.
Triệu Tiết1543 thích lớn phải tan tành.
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã1544
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ rành rành.
Vừa rồi:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Để đến nổi lòng người oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà lại bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen1545 [48b] trên lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.
Dối trời lừa người, kế quỷ quyệt đủ muôn ngàn khóe.
Gây binh kết oán, tội chồng chất ngót hai mươi năm.
Tan nghĩa nát nhân, trời đất tưởng chừng muốn sập.
Sưu cao thuế nặng, núi chầm hết thảy sạch không.
Kẻ tìm vàng phá núi đãi bùn, lặn lội nơi lam chướng,
Người mò ngọc giòng gây quăng biển, làm mồi lũ giao long.
Nhiễu dân, đặt cạm bẫy hưu đen,
Hại vật, chăng lưới bắt chim trả.
Đến cỏ cây sâu bọ cũng chẳng được trọn đời,
Người góa bụa khốn cùng không một ai yên ổn.
Hút máu mủ sinh dân, quân gian ác miệng răng nhờn béo,
Dựng công trình thổ mộc, nhà công tư dinh thự nguy nga.
Chốn châu huyện, bao tầm sưu dịch.
Nơi xóm làng, lặng lẽ cửi canh.
Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh nhơ,
Chặt hết trúc Nam Sơn [49a] không đủ ghi tội ác.
Thần người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha.
Ta:
Phát tích chốn Lam Sơn,
Nương mình nơi hoang dã.
Ngẫn thế thù há đội trời chung.
Thề nghịch tặc khó cùng tồn tại.
Đau lòng nhức óc đã trải mười năm,
Nếm mật nằm gai phải đâu một buổi.
Quên ăn vì giận sách lược thao suy xét đã tinh,
Lấy xưa nghiệm nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Chí phục thù đã quyết.
Dẫu thức ngũ không quên.
Vừa khi cờ khởi nghĩa mới dấy lên,
Chính lúc thế giặc đương rất mạnh.
Thế mà:
Nhân tài như lá mùa thu,
Tuấn kiệt tựa sao buổi sớm.
Bôn tẩu trước sau đã ít kẻ đỡ đần,
Vạch mưu dưới trướng lại ít người bàn bạc.
Chỉ vì: Chí muốn cứu dân, những đăm đăm muốn tiến về đông1546,
Nên: cỗ xe đãi hiền, vẫn canh cánh để dành phía tả1547.
Nhưng: được người đâu dễ, mù mịt [49b] xa vời,
Mong tự đáy lòng, giáp hơn cứu đuối.
Phần giận quân thù chưa bị diệt.
Phần lo vận nước còn lao đao.
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không một lữ.
Bởi trời muốn thử thách ta, để trao mệnh lớn,
Nên ta càng mài ý chí, quyết vượt gian nguy.
Dựng gậy làm cờ1548, tụ hội bốn phương manh lệ1549,
Hòa rượu mời lính1550, dưới trên một dạ cha con.
Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,
Rốt cuộc: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật.
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí do đó càng tăng,
Quân thanh từ đây càng dậy.
Bọn Trần Trí, Sơn Thọ, nghe hơi mà mất vía,
Lũ Lý An, Phương Chính, nín thở mong thoát thân.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta [50a] chiếm lại,
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm,
Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn năm.
Tâm phúc giặc, Trần Hiệp đã phải bêu đầu,
Mọt gian giặc, Lý Lượng cũng đành bỏ bỏ mạng.
Vương Thông gỡ rối, đám cháy lại càng bùng,
Mã Anh cứu nguy, lửa thù càng thêm bốc.
Nó trí cùng lực kiệt, chờ chết bó tay,
Ta mưu phạt tâm công1551, không chiến cũng thắng.
Tưởng chúng phải đổi nết thay lòng,
Ngờ đâu cũng làm càn chuốc tội.
Khăng khăng cố chấp, gieo vạ cho bao người.
Thiển cạn tham công, mưu cười khắp thiên hạ.
Thế rồi thằng nhãi ranh Tuyên Đức1552 hiếu chiến hung hăng1553.
Lại sai lũ hèn nhát Thạnh, Thăng1554 đem dầu chữa chạy.
Tháng 9 năm Đinh Mùi, Liễu Thăng bèn đem quân từ Khâu Ôn [50b] tiến sang,
Tháng 10 cùng năm ấy, Môc Thạnh cũng chia đường từ Vân Nam kéo đến.
Ta trước đã chọn quân chẹn hiểm, bẻ mũi tiên phong,
Rồi sau lại điều binh chặn đường cắt nguồn lương giặc.
Ngày 18 tháng ấy, Liễu Thăng bị quân ta tiến công, rừng Chi Lăng mưu đồ đổ sụp.
Ngày 20, Liễu Thăng bị quân ta đánh bại, núi Mã Yên tử trận phơi thây,
Ngày 25, Bảo Định bá Lương Minh trận hãm phải bỏ mình,
Ngày 28, Thượng thư Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ.
Ta thuận đà, đưa dao tung phá,
Giặc bí nước, quay giáo đánh nhau.
Kế đó, lại tăng quân vây bức bốn bên,
Hẹn đến giữa tháng 10 nhất tề diệt giặc.
Kén quân tỳ hổ, chọn tướng vuốt nanh,
Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi.
Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc,
Đánh hai trận [51a] tan tác chim muông
Nó như kiến tan đàn dưới bờ đê vỡ.
Ta tựa cơn gió mạnh quét sạch lá khô.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin đầu hàng,
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt.
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường,
Xương GIang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi,
Ảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ.
Binh Vân Nam bị quân ta chẹn ở Lê Hoa, nơm nớp hoảnh kinh trước đà vỡ mật,
Bọn Mộc Thạnh nghe quân Thăng bại ở Cần Trạm, xéo nhau tháo chạy, chỉ cốt thoát thân!
Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông rền rĩ,
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm.
Hai cánh viện binh đã gót chẳng kịp quay, thảy đều đại bại,
Mấy thành giặc khôn cũng nối nhau cởi giáp, lũ lượt ra hàng
Tướng giặc bị [51b] tù, nó đã vẫy đuôi xin tha mạng sống,
Oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh.
Tham tướng Phưong Chính, nội quan Mã Kỳ, được cấp trước năm trăm chiếc thuyền, đã vượt biển, vẫn hồn bay phách lạc,
Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại được cho mấy ngàn cỗ ngựa, về nước rồi, còn tim thót chân run.
Nó đã tham sống sợ chết, thực bụng cầu hòa,
Ta coi toàn quân là hơn, để dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế cực kỳ sâu xa,
Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy.
Xã tắc do đó vững bền,
Non sông từ đây đổi mới.
Trời đất bĩ rồi lại thái1555.
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Để mở nền thái bình muôn thuở,
Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu!
Âu cũng nhờ trời đất, tổ [52a] tông linh thiên ngầm giúp mới được như vậy.
Ôi!
Một gươm đại định, nên công oanh liệt vô song,
Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn,
Bố cáo gần xa,
Mọi người đều biết.
(Bản Đại cáo này do văn thần Nguyễn Trãi soạn)
1540 Tức bài Bình Ngô Đại cáo do Nguyễn Trãi soạn. Khi dịch bài này, chúng tôi đã tham khảo các bài dịch của Bùi Kỷ, Đào Duy Anh, Bùi Văn Nguyên, Vũ Khiêu.
1541 Do câu "điếu dân phạt tội" ở Kinh Thư, nghĩa là thương xót nhân dân, đánh kẻ có tội.
1542 Lưu cung: vua Nam Hán, sai con là Hoằng Thao đem quân sang xâm lược nước ta, bị Ngô Quyền đánh bại
1543 Triệu Tiết: viên tướng nhà Tống, sang xâm lược nước ta, bị Lý Thường Kiệt, đánh bại.
1544 Nguyên văn: Toa Đô bị bắt ở cửa Hàm Tử. Ô Mã bị giết ở sông Bạch Đằng, chúng tôi sửa một chút cho đúng sự thật lịch sử
1545 Dân đen, con đỏ: là chỉ nhân dân nói chung.
1546 Muốn tiến về đông: Nguyên văn là "dục đông", câu trong Hán thư. Khi Lưu Bang bị Hạn Vũ bắt vào Tây Thục, bực dọc nói: "ta cũng muốn tiến về đông, sao chịu ở mãi chốn này". Câu này ý nói nghĩa quân chỉ lăm lăm muốn tiến về Đông Đô (Hà Nội)
1547 Sử ký, Tín Lăng Quân truyện: Tín Lăng Quân người nước Ngụy nghe tiếng Hầu Doanh là một hiền sĩ, đem xe đến đón, mình ngồi phía hữu, để trống chỗ bên tả cho Hầu Doanh. "Để dành phía tả" là có ý khao khát, tôn trọng người hiền.
1548 Nguyên văn: "Yết can vi kỳ", chữ trong Hán thư, ý nói cuộc khởi nghĩa có tính chất quần chúng rộng rãi.
1549 Manh lệ: manh chỉ dân thường, nông dân; lệ là những người bị lệ thuộc, như nô tỳ, Mạnh lệ là những người có thân phận hèn kém trong xã hội cũ.
1550 Nguyên văn: "Đầu lao tướng sĩ". Xưa có viên tướng giỏi, được biếu một bình rượu ngon liền đem rượu đổ xuống dòng sông bảo quân sĩ cùng uống để tỏ lòng đồng cam cộng khổ từ trên xuống dưới.
1551 Mưu phạt tâm công: đánh bằng mưu trí, đánh vào lòng người.
1552 Tuyên Đức: là niên hiệu của vua Tuyên Tông nhà Minh.
1553 Nguyên văn là "cùng binh độc vũ".
1554 Thạnh, Thăng: là Mộc Thạnh và Liễu Thăng.
1555 Bĩ rồi lại thái: qua thời kỳ gian khổ, đến thời kỳ vui sướng, tươi sáng.
Tướng Minh là bọn Vương Thông về đến Long Châu. vua Minh đã liệu trước bọn Vương Thông cùng quẫn, việc đã đến thế, không làm thế nào được nữa, đành sai bọn La Nhữ Kính mang thư sang phong Trần Cảo là An Nam Quốc Vương, bãi bỏ quân nam chinh, ra lệnh cho Thông trở về Bắc, trả lại đất cho An Nam, việc triều cống theo lệ cũ năm Hồng Vũ, cho sứ thần đi lại.
Phan Phu Tiên nói: Nhà Trần dựng nước vào năm Kiến Trung1556, mất nước vào năm Kiến Tân1557. Quân Minh vượt sông vào ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (1406), cũng phải rút về nước ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1427). [52b]. dẫu rằng mưu người chẳng nên, âu cũng là vận trời có số cả. Kể ra, Thái Tông tên húy là Cảnh, Thiếu Đế tên húy là An, nét chữ gần giống nhau1558. Quân Minh khi vượt sông, lúc về nước, đều gặp ngày 12 tháng 12, có phải chỉ là tình cờ mà không do số trời đâu!
1556 Kiến Trung: là niên hiệu của Thái Tông Trần Cảnh, Trần Cảnh lên ngôi năm Ất Dậu, 1225.
1557 Kiến Tân: Là niên hiệu Thiếu Đế Trần An. Trần An bị phế năm Canh Thân. 1400.
1558 Chữ Cảnh và chữ An cùng có chử Hỏa ở dưới.
Ngô Sĩ Liên nói: lạc tột cùng thì trị bình sẽ tới, đó là vận hành của trời. Thánh nhân sinh ra thì muôn vật sống lại (quẻ Càn, Kinh Dịch), đó là hanh thông của thời. Xét suốt các cuộc loạn lạc trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ đến tột cùng như lúc này, các lần dấy nghiệp đế vương chưa bao giờ khó khăn như lúc này.
Triệu Vũ Đế nhân nhà Doanh tần rối loạn, trung nguyên không có kẻ đứng đầu, quần hùng đánh lộn lẫn nhau, mà kiêm tính đất đai, chưa lấy gì làm khó. Đinh Tiên Hoàng nhân nhà Ngô đã mất, mười hai sứ quân cát cứ, mất hết kỷ cương, mà dựng nên nước, cũng chưa lấy gì làm khó. Nhà Lê1559 thay nhà Đinh, nhà Lý thay nhà Lê, nhà Trần thay nhà Lý [53a] đều là nối đời thái bình, nhân lúc suy loạn, lại càng dễ lắm. Nói cho cùng, cũng đều chưa khỏi tiếng cướp ngôi, chẳng phải là hành vi nhân nghĩa để phô cùng thiên hạ, cho mọi người sướng mắt trông vào, như cuộc đổi đời của vua Thang vua Vũ!
1559 Chỉ nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập.
Họ Hồ thoán nghịch, tự chuốc bại vong, giặc Minh tàn bạo, hòng thay bờ cõi. Chúng giả nhân, diệt nước, giết hại, làm càn. Dân nước Việt ta, gan óc lầy đất. Còn thơ cháu bé bị giáo gươm đâm chém, quăng xác thảm thê. Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý1560. Làng mạc hoang phế, xã tắc thành gò cho thỏ chui, cho hưu chạy, thành bãi hoang cho chim đỗ, thành rừng rậm cho hổ báo náu mình. Rồi giặc chia châu, đặt huyện, đắp lũy, đào hào, đóng quân trấn giữ đến hơn hai mươi năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng1561, biến người nước ta trở thành người Ngô, Than ôi! Họa loạn tột cùng [53b] đến mức như vậy!
1560 Đại Lý: là tên một vương quốc trước đây ở Vân Nam, ở đây là chỉ vùng Vân Nam, Trung Quốc.
1561 Tóc dài, răng trắng: chỉ phong tục người Trung Quốc bấy giờ. Phong tục của ta thì tóc ngắn, nhuộm răng đen.
Vua sinh vào thời buổi ấy, bẩm chất văn võ thánh thần, gặp lúc trời đất đoái thương, không nỡ ngồi nhìn sinh dân lầm than, quân giặc ngang ngược. Nghĩ rằng trách nhiệm thay trời đánh giặc chẳng ở ta thì còn ai nữa! Nhưng còn lo vận trời đang bĩ chưa thông, việc lớn gian nan khó nổi. Thế rồi hội tụ bề tôi cùng chí hướng, tôi gươm thiêng cho sắc, giấu tiếng chốn Lam Sơn, xem thế, đợi thời. Gặp việc thì lo sợ, không dám vội vàng. Giữ chỗ hiểm, đặt phục binh, thường lấy ít để địch nhiều; tính thời cơ, nắm chắc thắng, hay lấy yếu để chống mạnh. Khí giới, lương thực phần nhiều lấy ở chỗ giặc. Kinh dinh hơn mười năm, khốn lo bao nhiều độ. Chỉ vì mưu đã sâu, kế lại kỹ, cho nên hễ đánh là thắng, đã phá là tan.
Đánh một trận mà dẹp yên châu Hoan, châu Hóa; đánh hai trận mà bình định châu Diễn, châu Ái. Thế rồi phất cao cờ chính nghĩa, [54a] tạo thế vững đàng hoàng. Đưa quân vượt biển mà giặc ở Cổ Lộng, Chí Linh vỡ mật, hành binh qua núi mà giặc ở Tam Giang, Đông Quan bay hồn.
Bọn Vương Thông, Phương Chính đã kế cùng, đành giữ thành bền lũy chờ cứu viện. Lửa không nhóm tự cháy, quả nhiên Liễu Thăng từ bắc tiến sang giúp Hạ Kiệt làm càn. Lại thêm Mộc Thạnh từ phía tây cũng tới. Nực cười hai đạo viện binh, giơ càng bọ ngự sa chống xe, há chẳng ngu sao! Huống chi lấy chí nhân đánh bọn bất nhân, giặc tất phải khiêng thây mà chịu trói. Thú cùng trong cũi, vẫy đuôi xin tha. Thì rủ lòng nhân mà mở lưới Thang1562, cho múa mộc để phô đức Thuấn1563. Cuối cùng tha cho mười vạn quân hàng, được toàn mạng mà về bắc. Bốn biển hân hoan chiêm ngưỡng, thỏa lòng đã được hồi sinh. Phương xa mến đức sợ uy, chúc cống chăm lo hết phận. Ôi! Thịnh thay!
1562 Lưới Thang: vua Thang nhà Thương thấy người đánh lưới chim bủa vây cả bốn mặt, bèn cắt bỏ đi ba mặt, tỏ lòng nhân đức.
1563 Họ Hữu Miên trái mệnh, vua Thuấn cho múa mộc dưới thềm trong triều, được 7 tuần thì Hữu Miên quy phục.
Thế mới biết, họa loạn [54b] đến tột cùng thì trị bình càng vững chắc. Nhân nghĩa càng sâu thì ảnh hưởng càng xa. Trời xoay vần, thời thông suốt, nay đúng là lúc vận hội bắt đầu.
Xét sách Toàn thư, tính bắt đầu từ năm Giáp Ngọ (1414), chấm dứt ở năm Đinh Mùi (1427), cả thảy là mười bốn năm phụ thuộc nhà Minh. Nếu tính suốt từ năm Giáp Ngọ (207 TCN) đời Triệu Vũ Đế trở về, đến năm Đinh Mùi quân Minh rút về nước là 1.634 năm, tính gồm cả Ngoại kỷ là 2.672 năm. Nay chép theo sách Việt giám1564, nhưng không dám không chép sách Toàn thư để tham khảo.
1564 Tức sách Việt giám thông khảo hai mươi sáu quyển của Vũ Quỳnh, sách này chép từ đời Hồng Bàng đến Mười hai sứ quân, làm phần Ngoại kỷ: từ Đinh Tiên Hoàng đến khi Lê Lợi đuổi được giặc Minh làm phần Bản kỷ.
Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ 1, (1428), (Minh Tuyên Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, quân Minh đã về nước, vua bèn thâu tóm cả nước, lấy năm này làm năm đại định:
Lời bàn: Từ khi đất trời định vị, thì Nam, Bắc chai rạch ròi. Phương Bắc dẫu lớn mạnh nhưng không thể [55a] đè nén được phương Nam, cứ xem các thời Lê, Lý, Trần cũng đủ biết. Vì thế, cuối đời Tam Quốc, phương Nam tuy có suy yếu, nhưng cũng chỉ có nội loạn thôi. Đến như nhà Nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, mà đến nỗi mất nước, thân nhục, giặc Bắc hung tàn, dân Nam khốn khổ. May mà lòng trời còn đó, thánh chúa ra đời, chinh phục bằng nghĩa, đánh dẹp bằng nhân, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại sáng tươi. Nhân dân từ đây bình yên, nước nhà từ đây thuận trị. Đó là do vua tôi một dạ, trên dưới cùng lòng vậy. Ôi! loạn tột tất phải tri, nay đã thấy điều này.
Ngày mồng 10, Trần Cảo uống thuốc độc chết.
Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển [55b] trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết.
(Có thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thanh Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là trời không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này. Rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết.
Có thuyết nói rằng: Cảo tự biết người trong nước không phục, bèn cùng với bọn Văn Nhuệ ngầm đi thuyền biển trốn đến ải Cổ Lộng, vua sai người đuổi bắt giết đi, vứt xác vào bụi gai. Lúc Cảo chết, có câu khẩn trời, ai nghe cũng phải thương xót, thiên hạ cho là oan. Sau này, thời Lê mạt, Trần Cảo làm loạn, tương truyền đó là khiếp sau của Trần Cảo này.
Có thuyết nói rằng: Trần Cảo tên là Địch, trong nạn giặc Minh, Địch ẩn náu trong dân, đến khi Thái Tổ dấy quân, thấy lòng người vẫn nhớ nhà Trần, cho nên lập lên, Thái Tổ nói kín rằng: "Ta trải trăm trận mới lấy được thiên hạ, mà hắn lại giữ ngôi Cao". Cảo sợ hãi, chạy đến ải Cổ Lộng, Thái Tổ sai người đuổi theo giết đi, ném xác vào bụi gai).
Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân [56a] dân biết là có pháp luật. Mọi công việc đều có các cơ quan phụ trách riêng, dâng lên vua xem.
Hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp.
Hạ lệnh cho các đại thần, thiếu úy, chấp lệnh, truyền lệnh cho các lộ, nếu thấy ngụy quan, thổ quân và dân chúng từ các thành trốn ra mà che dấu, không giải trình thì chém. Lại hạ lệnh cho các lộ tra xét những người lạ mặt qua lại, ai dám dung túng cho giặc Minh và ngụy quan trốn lọt mà không biết, thì lộ quan cùng người thủ đội đều bị chém.
Hạ lệnh cho con em các nhà đầu mục và các tướng hiệu đều nên trở về nhận ruộng đất ở quê cha đất tổ, để chấm dứt nạn tranh chiếm ruộng đất.
Nhà Minh có chiếu nói rằng: Tất cả bọn quan lại, quân nhân của triều đình [56b] sai sang còn bị giam giữ đều phải trả về hết, các vũ khí còn giữ lại cũng phải đưa nộp. Vua bèn cho yết bảng nghiêm cấm, nếu người nào chứa giấu quan quân của nhà Minh từ một người trở lên thì giết không tha. Người ra thú lục tục cho đưa về Yên Kinh.
Tháng 2, định các mức khen thưởng cho những hỏa thủ1565 và quân nhân của quân Thiết đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai1566 gồm 121 người.
1565 Hỏa thủ: chỉ huy, đội trưởng.
1566 Lũng Nhai: tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Tại đây, vào ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416 có một cuộc Hội thề lịch sử giữa Lê Lợi và mười tám người đồng chí của ông. Những người có công lao khó nhọc ở Lũng Nhai chỉ những người đã tham gia khởi nghĩa buổi ban đầu.
Công hạng nhất, được ban quốc tính là bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê năm mươi hai người làm Vinh lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự.
Công hạng hai, được ban quốc tính là bọn Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khảo bảy mươi hai người, làm Trung lượng đại phu, tả Phụng thần vệ tướng quân, tước Đại trí tự.
Công hạng ba, được ban quốc tính là bọn Lê Lễ, Lê…1567 chín mươi bốn người, làm Trung vũ đại phu Câu kiềm vệ tướng quân, tước Trí tự.
1567 Bản Chính Hòa có ghi tên một người, nhưng ở bản chụp mà chúng tôi dịch, chữ này bị mờ không đọc được. Các bản in khác chỉ có tên Lê Lễ mà không có tên tên này. Theo CMCB 15, 3a thì người đó là Lê nghiễn.
Hành khiển Lê Cảnh [57a] phụng mệnh làm biểu ngạch.
Nhà Minh sách phong hoàng trưởng tử Kỳ Trấn làm Hoàng thái tử.
Tháng 3, ngày mồng 8, chánh sứ nhà Minh là Lễ bộ tả thị lang Lý Kỳ và Công bộ hữu thị lang La Nhữ kính, phó sứ là Thông chính sứ ty hữu thông chính Hoàng Ký và Hồng lô tự khanh Từ Vĩnh Đạt đến kinh sư.
Trước đây, tháng 8, năm Đinh Mùi (1427), vua sai bọn Lê Thiếu Dĩnh sang nhà Minh dâng biểu cầu phong, xin lập con cháu nhà Trần. Tháng 11, nhà Minhb sai bọn Lý Kỳ, Nhữ Kính mang chiếu dụ và lệnh ân xá sang, đến nay tới kinh sư.
Ngày 18, sai sứ sang nhà Minh.
Bấy giờ bọn Lý Kỳ, La Nhữ Kính về nước, vua sai bọn Hộ bộ lang trung Lê Quốc Khí (cháu ruột Thái Tổ), Phạm Thành sang tạ ơn, bọn Khu mật thiêm sự Hà Phủ, Hà Liễn sang báo tang của Trần Cảo, cùng đi với bọn Kỳ.
Phong con thứ là Nguyên Long làm Lương quận công.
[57b] Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng, xét công cao thấp mà định thứ bậc.
Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái Bảo; đều được ban quốc tính.
Chia cả nước làm ba đạo. Đạo đặt vệ quân, vệ đặt Tổng quản, lớn nhỏ giữ gìn nhau, trên dưới ràng buộc nhau. Lại đặt chức Hành khiển các đạo để chia giữ sổ sách quân, dân.
Sai các quan chia nhau đi tế thần kỳ núi, sông, đền, miếu các xứ và lăng tẩm của triều trước.
Truy tôn thụy hiệu từ khảo tỷ1568 trở lên.
1568 Cha đã chết gọi là "khảo', mẹ đã chết gọi là "tỷ".
Tổ khảo Đinh làm Chiêu Đức Hoàng Đế, bà là Nguyễn Thị Quách làm Gia Thục hoàng hậu, cha là Khoáng làm Tuyên Tổ Hoàng Đế, mẹ là Trịnh Thị Thương làm Ý Văn hoàng hậu.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
[48a] Quân điếu phạt1541 trước lo trừ bạo.
Xét như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến.
Cõi bờ sông núi đã riêng,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều chủ một phương,
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau.
Song hào kiệt không bao giờ thiếu.
Cho nên:
Lưu Cung1542 tham công mà đại bại.
Triệu Tiết1543 thích lớn phải tan tành.
Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô,
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã1544
Việc xưa xem xét,
Chứng cứ rành rành.
Vừa rồi:
Vì họ Hồ chính sự phiền hà,
Để đến nổi lòng người oán hận.
Quân cuồng Minh đã thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà lại bán nước cầu vinh.
Nướng dân đen1545 [48b] trên lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống hầm tai vạ.
Dối trời lừa người, kế quỷ quyệt đủ muôn ngàn khóe.
Gây binh kết oán, tội chồng chất ngót hai mươi năm.
Tan nghĩa nát nhân, trời đất tưởng chừng muốn sập.
Sưu cao thuế nặng, núi chầm hết thảy sạch không.
Kẻ tìm vàng phá núi đãi bùn, lặn lội nơi lam chướng,
Người mò ngọc giòng gây quăng biển, làm mồi lũ giao long.
Nhiễu dân, đặt cạm bẫy hưu đen,
Hại vật, chăng lưới bắt chim trả.
Đến cỏ cây sâu bọ cũng chẳng được trọn đời,
Người góa bụa khốn cùng không một ai yên ổn.
Hút máu mủ sinh dân, quân gian ác miệng răng nhờn béo,
Dựng công trình thổ mộc, nhà công tư dinh thự nguy nga.
Chốn châu huyện, bao tầm sưu dịch.
Nơi xóm làng, lặng lẽ cửi canh.
Tát cạn nước Đông Hải không đủ rửa tanh nhơ,
Chặt hết trúc Nam Sơn [49a] không đủ ghi tội ác.
Thần người đều căm giận,
Trời đất chẳng dung tha.
Ta:
Phát tích chốn Lam Sơn,
Nương mình nơi hoang dã.
Ngẫn thế thù há đội trời chung.
Thề nghịch tặc khó cùng tồn tại.
Đau lòng nhức óc đã trải mười năm,
Nếm mật nằm gai phải đâu một buổi.
Quên ăn vì giận sách lược thao suy xét đã tinh,
Lấy xưa nghiệm nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ.
Chí phục thù đã quyết.
Dẫu thức ngũ không quên.
Vừa khi cờ khởi nghĩa mới dấy lên,
Chính lúc thế giặc đương rất mạnh.
Thế mà:
Nhân tài như lá mùa thu,
Tuấn kiệt tựa sao buổi sớm.
Bôn tẩu trước sau đã ít kẻ đỡ đần,
Vạch mưu dưới trướng lại ít người bàn bạc.
Chỉ vì: Chí muốn cứu dân, những đăm đăm muốn tiến về đông1546,
Nên: cỗ xe đãi hiền, vẫn canh cánh để dành phía tả1547.
Nhưng: được người đâu dễ, mù mịt [49b] xa vời,
Mong tự đáy lòng, giáp hơn cứu đuối.
Phần giận quân thù chưa bị diệt.
Phần lo vận nước còn lao đao.
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Lúc Khôi huyện quân không một lữ.
Bởi trời muốn thử thách ta, để trao mệnh lớn,
Nên ta càng mài ý chí, quyết vượt gian nguy.
Dựng gậy làm cờ1548, tụ hội bốn phương manh lệ1549,
Hòa rượu mời lính1550, dưới trên một dạ cha con.
Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ,
Rốt cuộc: Lấy đại nghĩa thắng hung tàn,
Lấy chí nhân thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật.
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Sĩ khí do đó càng tăng,
Quân thanh từ đây càng dậy.
Bọn Trần Trí, Sơn Thọ, nghe hơi mà mất vía,
Lũ Lý An, Phương Chính, nín thở mong thoát thân.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh quân ta [50a] chiếm lại,
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về.
Ninh Kiều máu chảy thành sông, trôi tanh muôn dặm,
Tốt Động thây phơi đầy nội, để thối ngàn năm.
Tâm phúc giặc, Trần Hiệp đã phải bêu đầu,
Mọt gian giặc, Lý Lượng cũng đành bỏ bỏ mạng.
Vương Thông gỡ rối, đám cháy lại càng bùng,
Mã Anh cứu nguy, lửa thù càng thêm bốc.
Nó trí cùng lực kiệt, chờ chết bó tay,
Ta mưu phạt tâm công1551, không chiến cũng thắng.
Tưởng chúng phải đổi nết thay lòng,
Ngờ đâu cũng làm càn chuốc tội.
Khăng khăng cố chấp, gieo vạ cho bao người.
Thiển cạn tham công, mưu cười khắp thiên hạ.
Thế rồi thằng nhãi ranh Tuyên Đức1552 hiếu chiến hung hăng1553.
Lại sai lũ hèn nhát Thạnh, Thăng1554 đem dầu chữa chạy.
Tháng 9 năm Đinh Mùi, Liễu Thăng bèn đem quân từ Khâu Ôn [50b] tiến sang,
Tháng 10 cùng năm ấy, Môc Thạnh cũng chia đường từ Vân Nam kéo đến.
Ta trước đã chọn quân chẹn hiểm, bẻ mũi tiên phong,
Rồi sau lại điều binh chặn đường cắt nguồn lương giặc.
Ngày 18 tháng ấy, Liễu Thăng bị quân ta tiến công, rừng Chi Lăng mưu đồ đổ sụp.
Ngày 20, Liễu Thăng bị quân ta đánh bại, núi Mã Yên tử trận phơi thây,
Ngày 25, Bảo Định bá Lương Minh trận hãm phải bỏ mình,
Ngày 28, Thượng thư Lý Khánh kế cùng phải thắt cổ.
Ta thuận đà, đưa dao tung phá,
Giặc bí nước, quay giáo đánh nhau.
Kế đó, lại tăng quân vây bức bốn bên,
Hẹn đến giữa tháng 10 nhất tề diệt giặc.
Kén quân tỳ hổ, chọn tướng vuốt nanh,
Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi.
Đánh một trận, sạch sanh kình ngạc,
Đánh hai trận [51a] tan tác chim muông
Nó như kiến tan đàn dưới bờ đê vỡ.
Ta tựa cơn gió mạnh quét sạch lá khô.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối xin đầu hàng,
Thượng thư Hoàng Phúc trói mình đành chịu bắt.
Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường,
Xương GIang, Bình Than máu trôi đỏ nước.
Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi,
Ảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ.
Binh Vân Nam bị quân ta chẹn ở Lê Hoa, nơm nớp hoảnh kinh trước đà vỡ mật,
Bọn Mộc Thạnh nghe quân Thăng bại ở Cần Trạm, xéo nhau tháo chạy, chỉ cốt thoát thân!
Suối Lãnh Câu, máu chảy trôi chày, nước sông rền rĩ,
Thành Đan Xá, thây chất thành núi, cỏ nội đỏ lòm.
Hai cánh viện binh đã gót chẳng kịp quay, thảy đều đại bại,
Mấy thành giặc khôn cũng nối nhau cởi giáp, lũ lượt ra hàng
Tướng giặc bị [51b] tù, nó đã vẫy đuôi xin tha mạng sống,
Oai thần không giết, ta cũng thể lòng trời mở đức hiếu sinh.
Tham tướng Phưong Chính, nội quan Mã Kỳ, được cấp trước năm trăm chiếc thuyền, đã vượt biển, vẫn hồn bay phách lạc,
Tổng binh Vương Thông, tham chính Mã Anh, lại được cho mấy ngàn cỗ ngựa, về nước rồi, còn tim thót chân run.
Nó đã tham sống sợ chết, thực bụng cầu hòa,
Ta coi toàn quân là hơn, để dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế cực kỳ sâu xa,
Mà cũng xưa nay chưa từng nghe thấy.
Xã tắc do đó vững bền,
Non sông từ đây đổi mới.
Trời đất bĩ rồi lại thái1555.
Nhật nguyệt mờ rồi lại trong.
Để mở nền thái bình muôn thuở,
Để rửa mối sỉ nhục ngàn thu!
Âu cũng nhờ trời đất, tổ [52a] tông linh thiên ngầm giúp mới được như vậy.
Ôi!
Một gươm đại định, nên công oanh liệt vô song,
Bốn biển thanh bình, ban chiếu duy tân khắp chốn,
Bố cáo gần xa,
Mọi người đều biết.
(Bản Đại cáo này do văn thần Nguyễn Trãi soạn)
1540 Tức bài Bình Ngô Đại cáo do Nguyễn Trãi soạn. Khi dịch bài này, chúng tôi đã tham khảo các bài dịch của Bùi Kỷ, Đào Duy Anh, Bùi Văn Nguyên, Vũ Khiêu.
1541 Do câu "điếu dân phạt tội" ở Kinh Thư, nghĩa là thương xót nhân dân, đánh kẻ có tội.
1542 Lưu cung: vua Nam Hán, sai con là Hoằng Thao đem quân sang xâm lược nước ta, bị Ngô Quyền đánh bại
1543 Triệu Tiết: viên tướng nhà Tống, sang xâm lược nước ta, bị Lý Thường Kiệt, đánh bại.
1544 Nguyên văn: Toa Đô bị bắt ở cửa Hàm Tử. Ô Mã bị giết ở sông Bạch Đằng, chúng tôi sửa một chút cho đúng sự thật lịch sử
1545 Dân đen, con đỏ: là chỉ nhân dân nói chung.
1546 Muốn tiến về đông: Nguyên văn là "dục đông", câu trong Hán thư. Khi Lưu Bang bị Hạn Vũ bắt vào Tây Thục, bực dọc nói: "ta cũng muốn tiến về đông, sao chịu ở mãi chốn này". Câu này ý nói nghĩa quân chỉ lăm lăm muốn tiến về Đông Đô (Hà Nội)
1547 Sử ký, Tín Lăng Quân truyện: Tín Lăng Quân người nước Ngụy nghe tiếng Hầu Doanh là một hiền sĩ, đem xe đến đón, mình ngồi phía hữu, để trống chỗ bên tả cho Hầu Doanh. "Để dành phía tả" là có ý khao khát, tôn trọng người hiền.
1548 Nguyên văn: "Yết can vi kỳ", chữ trong Hán thư, ý nói cuộc khởi nghĩa có tính chất quần chúng rộng rãi.
1549 Manh lệ: manh chỉ dân thường, nông dân; lệ là những người bị lệ thuộc, như nô tỳ, Mạnh lệ là những người có thân phận hèn kém trong xã hội cũ.
1550 Nguyên văn: "Đầu lao tướng sĩ". Xưa có viên tướng giỏi, được biếu một bình rượu ngon liền đem rượu đổ xuống dòng sông bảo quân sĩ cùng uống để tỏ lòng đồng cam cộng khổ từ trên xuống dưới.
1551 Mưu phạt tâm công: đánh bằng mưu trí, đánh vào lòng người.
1552 Tuyên Đức: là niên hiệu của vua Tuyên Tông nhà Minh.
1553 Nguyên văn là "cùng binh độc vũ".
1554 Thạnh, Thăng: là Mộc Thạnh và Liễu Thăng.
1555 Bĩ rồi lại thái: qua thời kỳ gian khổ, đến thời kỳ vui sướng, tươi sáng.
Tướng Minh là bọn Vương Thông về đến Long Châu. vua Minh đã liệu trước bọn Vương Thông cùng quẫn, việc đã đến thế, không làm thế nào được nữa, đành sai bọn La Nhữ Kính mang thư sang phong Trần Cảo là An Nam Quốc Vương, bãi bỏ quân nam chinh, ra lệnh cho Thông trở về Bắc, trả lại đất cho An Nam, việc triều cống theo lệ cũ năm Hồng Vũ, cho sứ thần đi lại.
Phan Phu Tiên nói: Nhà Trần dựng nước vào năm Kiến Trung1556, mất nước vào năm Kiến Tân1557. Quân Minh vượt sông vào ngày 12 tháng 12 năm Bính Tuất (1406), cũng phải rút về nước ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi (1427). [52b]. dẫu rằng mưu người chẳng nên, âu cũng là vận trời có số cả. Kể ra, Thái Tông tên húy là Cảnh, Thiếu Đế tên húy là An, nét chữ gần giống nhau1558. Quân Minh khi vượt sông, lúc về nước, đều gặp ngày 12 tháng 12, có phải chỉ là tình cờ mà không do số trời đâu!
1556 Kiến Trung: là niên hiệu của Thái Tông Trần Cảnh, Trần Cảnh lên ngôi năm Ất Dậu, 1225.
1557 Kiến Tân: Là niên hiệu Thiếu Đế Trần An. Trần An bị phế năm Canh Thân. 1400.
1558 Chữ Cảnh và chữ An cùng có chử Hỏa ở dưới.
Ngô Sĩ Liên nói: lạc tột cùng thì trị bình sẽ tới, đó là vận hành của trời. Thánh nhân sinh ra thì muôn vật sống lại (quẻ Càn, Kinh Dịch), đó là hanh thông của thời. Xét suốt các cuộc loạn lạc trong cõi nước Việt ta, chưa bao giờ đến tột cùng như lúc này, các lần dấy nghiệp đế vương chưa bao giờ khó khăn như lúc này.
Triệu Vũ Đế nhân nhà Doanh tần rối loạn, trung nguyên không có kẻ đứng đầu, quần hùng đánh lộn lẫn nhau, mà kiêm tính đất đai, chưa lấy gì làm khó. Đinh Tiên Hoàng nhân nhà Ngô đã mất, mười hai sứ quân cát cứ, mất hết kỷ cương, mà dựng nên nước, cũng chưa lấy gì làm khó. Nhà Lê1559 thay nhà Đinh, nhà Lý thay nhà Lê, nhà Trần thay nhà Lý [53a] đều là nối đời thái bình, nhân lúc suy loạn, lại càng dễ lắm. Nói cho cùng, cũng đều chưa khỏi tiếng cướp ngôi, chẳng phải là hành vi nhân nghĩa để phô cùng thiên hạ, cho mọi người sướng mắt trông vào, như cuộc đổi đời của vua Thang vua Vũ!
1559 Chỉ nhà Tiền Lê do Lê Hoàn sáng lập.
Họ Hồ thoán nghịch, tự chuốc bại vong, giặc Minh tàn bạo, hòng thay bờ cõi. Chúng giả nhân, diệt nước, giết hại, làm càn. Dân nước Việt ta, gan óc lầy đất. Còn thơ cháu bé bị giáo gươm đâm chém, quăng xác thảm thê. Người lớn thì phía nam chạy xuống Chiêm Thành, phía tây trốn sang Đại Lý1560. Làng mạc hoang phế, xã tắc thành gò cho thỏ chui, cho hưu chạy, thành bãi hoang cho chim đỗ, thành rừng rậm cho hổ báo náu mình. Rồi giặc chia châu, đặt huyện, đắp lũy, đào hào, đóng quân trấn giữ đến hơn hai mươi năm, thay đổi phong tục nước ta theo tóc dài, răng trắng1561, biến người nước ta trở thành người Ngô, Than ôi! Họa loạn tột cùng [53b] đến mức như vậy!
1560 Đại Lý: là tên một vương quốc trước đây ở Vân Nam, ở đây là chỉ vùng Vân Nam, Trung Quốc.
1561 Tóc dài, răng trắng: chỉ phong tục người Trung Quốc bấy giờ. Phong tục của ta thì tóc ngắn, nhuộm răng đen.
Vua sinh vào thời buổi ấy, bẩm chất văn võ thánh thần, gặp lúc trời đất đoái thương, không nỡ ngồi nhìn sinh dân lầm than, quân giặc ngang ngược. Nghĩ rằng trách nhiệm thay trời đánh giặc chẳng ở ta thì còn ai nữa! Nhưng còn lo vận trời đang bĩ chưa thông, việc lớn gian nan khó nổi. Thế rồi hội tụ bề tôi cùng chí hướng, tôi gươm thiêng cho sắc, giấu tiếng chốn Lam Sơn, xem thế, đợi thời. Gặp việc thì lo sợ, không dám vội vàng. Giữ chỗ hiểm, đặt phục binh, thường lấy ít để địch nhiều; tính thời cơ, nắm chắc thắng, hay lấy yếu để chống mạnh. Khí giới, lương thực phần nhiều lấy ở chỗ giặc. Kinh dinh hơn mười năm, khốn lo bao nhiều độ. Chỉ vì mưu đã sâu, kế lại kỹ, cho nên hễ đánh là thắng, đã phá là tan.
Đánh một trận mà dẹp yên châu Hoan, châu Hóa; đánh hai trận mà bình định châu Diễn, châu Ái. Thế rồi phất cao cờ chính nghĩa, [54a] tạo thế vững đàng hoàng. Đưa quân vượt biển mà giặc ở Cổ Lộng, Chí Linh vỡ mật, hành binh qua núi mà giặc ở Tam Giang, Đông Quan bay hồn.
Bọn Vương Thông, Phương Chính đã kế cùng, đành giữ thành bền lũy chờ cứu viện. Lửa không nhóm tự cháy, quả nhiên Liễu Thăng từ bắc tiến sang giúp Hạ Kiệt làm càn. Lại thêm Mộc Thạnh từ phía tây cũng tới. Nực cười hai đạo viện binh, giơ càng bọ ngự sa chống xe, há chẳng ngu sao! Huống chi lấy chí nhân đánh bọn bất nhân, giặc tất phải khiêng thây mà chịu trói. Thú cùng trong cũi, vẫy đuôi xin tha. Thì rủ lòng nhân mà mở lưới Thang1562, cho múa mộc để phô đức Thuấn1563. Cuối cùng tha cho mười vạn quân hàng, được toàn mạng mà về bắc. Bốn biển hân hoan chiêm ngưỡng, thỏa lòng đã được hồi sinh. Phương xa mến đức sợ uy, chúc cống chăm lo hết phận. Ôi! Thịnh thay!
1562 Lưới Thang: vua Thang nhà Thương thấy người đánh lưới chim bủa vây cả bốn mặt, bèn cắt bỏ đi ba mặt, tỏ lòng nhân đức.
1563 Họ Hữu Miên trái mệnh, vua Thuấn cho múa mộc dưới thềm trong triều, được 7 tuần thì Hữu Miên quy phục.
Thế mới biết, họa loạn [54b] đến tột cùng thì trị bình càng vững chắc. Nhân nghĩa càng sâu thì ảnh hưởng càng xa. Trời xoay vần, thời thông suốt, nay đúng là lúc vận hội bắt đầu.
Xét sách Toàn thư, tính bắt đầu từ năm Giáp Ngọ (1414), chấm dứt ở năm Đinh Mùi (1427), cả thảy là mười bốn năm phụ thuộc nhà Minh. Nếu tính suốt từ năm Giáp Ngọ (207 TCN) đời Triệu Vũ Đế trở về, đến năm Đinh Mùi quân Minh rút về nước là 1.634 năm, tính gồm cả Ngoại kỷ là 2.672 năm. Nay chép theo sách Việt giám1564, nhưng không dám không chép sách Toàn thư để tham khảo.
1564 Tức sách Việt giám thông khảo hai mươi sáu quyển của Vũ Quỳnh, sách này chép từ đời Hồng Bàng đến Mười hai sứ quân, làm phần Ngoại kỷ: từ Đinh Tiên Hoàng đến khi Lê Lợi đuổi được giặc Minh làm phần Bản kỷ.
Mậu Thân, Thuận Thiên năm thứ 1, (1428), (Minh Tuyên Đức năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, quân Minh đã về nước, vua bèn thâu tóm cả nước, lấy năm này làm năm đại định:
Lời bàn: Từ khi đất trời định vị, thì Nam, Bắc chai rạch ròi. Phương Bắc dẫu lớn mạnh nhưng không thể [55a] đè nén được phương Nam, cứ xem các thời Lê, Lý, Trần cũng đủ biết. Vì thế, cuối đời Tam Quốc, phương Nam tuy có suy yếu, nhưng cũng chỉ có nội loạn thôi. Đến như nhà Nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, mà đến nỗi mất nước, thân nhục, giặc Bắc hung tàn, dân Nam khốn khổ. May mà lòng trời còn đó, thánh chúa ra đời, chinh phục bằng nghĩa, đánh dẹp bằng nhân, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại sáng tươi. Nhân dân từ đây bình yên, nước nhà từ đây thuận trị. Đó là do vua tôi một dạ, trên dưới cùng lòng vậy. Ôi! loạn tột tất phải tri, nay đã thấy điều này.
Ngày mồng 10, Trần Cảo uống thuốc độc chết.
Bấy giờ các quan đều dâng sớ nói Trần Cảo không có công gì với dân, sao lại ở trên mọi người, nên sớm trừ đi. Vua cũng biết là như vậy, nhưng trong lòng không nỡ, đối xử càng hậu. Cảo biết người trong nước không phục mình, bèn ngầm đi thuyền vượt biển [55b] trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết.
(Có thuyết nói rằng: Trước đây, sau khi lập Cảo, vua cho Cảo đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời sang Ninh Giang. Đến năm này, chuyển về thanh Cổ Lộng. Cảo tự nghĩ là trời không thể có hai mặt trời, nước không thể có hai vua, mình không có công gì với thiên hạ mà ở ngôi tôn, nếu không sớm liệu, sợ nỗi hối hận sau này. Rồi ngầm đi thuyền ra biển mà chết.
Có thuyết nói rằng: Cảo tự biết người trong nước không phục, bèn cùng với bọn Văn Nhuệ ngầm đi thuyền biển trốn đến ải Cổ Lộng, vua sai người đuổi bắt giết đi, vứt xác vào bụi gai. Lúc Cảo chết, có câu khẩn trời, ai nghe cũng phải thương xót, thiên hạ cho là oan. Sau này, thời Lê mạt, Trần Cảo làm loạn, tương truyền đó là khiếp sau của Trần Cảo này.
Có thuyết nói rằng: Trần Cảo tên là Địch, trong nạn giặc Minh, Địch ẩn náu trong dân, đến khi Thái Tổ dấy quân, thấy lòng người vẫn nhớ nhà Trần, cho nên lập lên, Thái Tổ nói kín rằng: "Ta trải trăm trận mới lấy được thiên hạ, mà hắn lại giữ ngôi Cao". Cảo sợ hãi, chạy đến ải Cổ Lộng, Thái Tổ sai người đuổi theo giết đi, ném xác vào bụi gai).
Hạ lệnh cho các quan Tư không, Tư đồ, Tư mã, Thiếu úy, Hành khiển bàn định pháp lệnh cai trị quân dân, để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân [56a] dân biết là có pháp luật. Mọi công việc đều có các cơ quan phụ trách riêng, dâng lên vua xem.
Hạ lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để dạy các tướng hiệu, quan lại, dưới đến dân chúng trăm họ biết thế nào là thiện, là ác, điều thiện thì làm, điều chẳng lành thì tránh, chớ để đến nỗi phạm pháp.
Hạ lệnh cho các đại thần, thiếu úy, chấp lệnh, truyền lệnh cho các lộ, nếu thấy ngụy quan, thổ quân và dân chúng từ các thành trốn ra mà che dấu, không giải trình thì chém. Lại hạ lệnh cho các lộ tra xét những người lạ mặt qua lại, ai dám dung túng cho giặc Minh và ngụy quan trốn lọt mà không biết, thì lộ quan cùng người thủ đội đều bị chém.
Hạ lệnh cho con em các nhà đầu mục và các tướng hiệu đều nên trở về nhận ruộng đất ở quê cha đất tổ, để chấm dứt nạn tranh chiếm ruộng đất.
Nhà Minh có chiếu nói rằng: Tất cả bọn quan lại, quân nhân của triều đình [56b] sai sang còn bị giam giữ đều phải trả về hết, các vũ khí còn giữ lại cũng phải đưa nộp. Vua bèn cho yết bảng nghiêm cấm, nếu người nào chứa giấu quan quân của nhà Minh từ một người trở lên thì giết không tha. Người ra thú lục tục cho đưa về Yên Kinh.
Tháng 2, định các mức khen thưởng cho những hỏa thủ1565 và quân nhân của quân Thiết đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai1566 gồm 121 người.
1565 Hỏa thủ: chỉ huy, đội trưởng.
1566 Lũng Nhai: tức Lũng Mi, tên nôm là làng Mé, thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Tại đây, vào ngày đầu tháng 2 năm Bính Thân 1416 có một cuộc Hội thề lịch sử giữa Lê Lợi và mười tám người đồng chí của ông. Những người có công lao khó nhọc ở Lũng Nhai chỉ những người đã tham gia khởi nghĩa buổi ban đầu.
Công hạng nhất, được ban quốc tính là bọn Lê Vấn, Lê Quy, Lê Dịch, Lê Ê năm mươi hai người làm Vinh lộc đại phu, tả Kim ngô vệ đại tướng quân, tước Thượng trí tự.
Công hạng hai, được ban quốc tính là bọn Lê Bồ, Lê Liệt, Lê Khảo bảy mươi hai người, làm Trung lượng đại phu, tả Phụng thần vệ tướng quân, tước Đại trí tự.
Công hạng ba, được ban quốc tính là bọn Lê Lễ, Lê…1567 chín mươi bốn người, làm Trung vũ đại phu Câu kiềm vệ tướng quân, tước Trí tự.
1567 Bản Chính Hòa có ghi tên một người, nhưng ở bản chụp mà chúng tôi dịch, chữ này bị mờ không đọc được. Các bản in khác chỉ có tên Lê Lễ mà không có tên tên này. Theo CMCB 15, 3a thì người đó là Lê nghiễn.
Hành khiển Lê Cảnh [57a] phụng mệnh làm biểu ngạch.
Nhà Minh sách phong hoàng trưởng tử Kỳ Trấn làm Hoàng thái tử.
Tháng 3, ngày mồng 8, chánh sứ nhà Minh là Lễ bộ tả thị lang Lý Kỳ và Công bộ hữu thị lang La Nhữ kính, phó sứ là Thông chính sứ ty hữu thông chính Hoàng Ký và Hồng lô tự khanh Từ Vĩnh Đạt đến kinh sư.
Trước đây, tháng 8, năm Đinh Mùi (1427), vua sai bọn Lê Thiếu Dĩnh sang nhà Minh dâng biểu cầu phong, xin lập con cháu nhà Trần. Tháng 11, nhà Minhb sai bọn Lý Kỳ, Nhữ Kính mang chiếu dụ và lệnh ân xá sang, đến nay tới kinh sư.
Ngày 18, sai sứ sang nhà Minh.
Bấy giờ bọn Lý Kỳ, La Nhữ Kính về nước, vua sai bọn Hộ bộ lang trung Lê Quốc Khí (cháu ruột Thái Tổ), Phạm Thành sang tạ ơn, bọn Khu mật thiêm sự Hà Phủ, Hà Liễn sang báo tang của Trần Cảo, cùng đi với bọn Kỳ.
Phong con thứ là Nguyên Long làm Lương quận công.
[57b] Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng, xét công cao thấp mà định thứ bậc.
Lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm Quan phục hầu; tư đồ Trần Hãn làm Tả tướng quốc; Khu mật đại sứ Phạm Văn Xảo làm Thái Bảo; đều được ban quốc tính.
Chia cả nước làm ba đạo. Đạo đặt vệ quân, vệ đặt Tổng quản, lớn nhỏ giữ gìn nhau, trên dưới ràng buộc nhau. Lại đặt chức Hành khiển các đạo để chia giữ sổ sách quân, dân.
Sai các quan chia nhau đi tế thần kỳ núi, sông, đền, miếu các xứ và lăng tẩm của triều trước.
Truy tôn thụy hiệu từ khảo tỷ1568 trở lên.
1568 Cha đã chết gọi là "khảo', mẹ đã chết gọi là "tỷ".
Tổ khảo Đinh làm Chiêu Đức Hoàng Đế, bà là Nguyễn Thị Quách làm Gia Thục hoàng hậu, cha là Khoáng làm Tuyên Tổ Hoàng Đế, mẹ là Trịnh Thị Thương làm Ý Văn hoàng hậu.
Bình luận facebook