Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Chương 11: Chạy không thoát
Lâm Phương vừa nghĩ vừa ngẩng đầu lên nhìn Lâm Di.
Gây ra động tĩnh lớn như vậy mà Lâm Di lại như thể không nhận ra, vẫn chăm chú nhìn bộ quân cờ bằng ngọc để ở trong rổ.
Vừa rồi rõ ràng Lâm Di đã nói sẽ cùng nàng ta đi chào hỏi Đại tỷ, tại sao bọn họ rời khỏi phòng mà Lâm Di vẫn còn ngồi yên tại chỗ?
“Lâm Di.” Lâm Phương không nén nổi giận nên bất giác hơi cao giọng.
Ngoài vẻ kinh ngạc thì trên mặt Lâm Di không còn cảm xúc khác thường nào khác, sau một thoáng ngớ người nàng mới nhớ ra, “Chẳng phải Tứ tỷ muốn đi chào hỏi Đại tỷ sao?”
Lâm Phương mất một lúc mới hiểu được ý của Lâm Di, Lâm Di không hề nói sẽ đi cùng nàng ta, là nàng ta vừa rồi quá nóng vội nên mới bất chấp tất cả lao ra ngoài.
Lâm Phương cố ra vẻ thản nhiên, “Còn muội?”
Lâm Di lộ vẻ dè dặt, “Muội muốn chờ tổ mẫu phái người tới gọi mới sang đấy.” Nói xong không để ý tới vẻ cáu kỉnh của Lâm Phương nữa, nàng lại cúi xuống tiếp tục đánh cờ với Linh Lung.
Ban nãy nha hoàn của nhánh cả có nhắc tới chuyện trong phủ có khách, bọn họ ở trong phòng lão thái thái nhánh cả cũng không thấy ai lạ. Nói cách khác, khách vẫn còn ở tiền viện, cũng đồng nghĩa với việc hẳn là ngoại nam.
Bằng không nhánh cả cũng sẽ không để Lâm Phương và nàng tránh mặt.
Chưa kể vừa rồi ở ngoài đầy tiếng bước chân qua lại, rõ ràng là của nhóm nha hoàn tới lui dâng nước mời khách, bất kể là tiểu thư nhà ai cũng sẽ không tùy tiện ra khỏi phòng lúc này.
Lâm Phương muốn ra ngoài, nàng cũng chẳng thể làm gì khác hơn ngoài uyển chuyển từ chối, nếu không ngộ nhỡ xảy ra sai lầm gì, nàng thật sự gánh không nổi…
Thế là chỉ với hai câu nói, Lâm Di đã khiến cơn tức của Lâm Phương không biết trút vào đâu.
Lâm Phương cắn răng, thế cũng tốt, chứng tỏ Lâm Di không phát hiện bên ngoài có gì khác thường.
Đã lên đài lại không biết làm sao đi xuống, Lâm Phương kìm nén sự bực bội trong lòng, hơi rũ mắt ra vẻ ấm ức, “Lục muội, muội nói gì vậy, sao lại là ta muốn đi gặp Đại tỷ chứ? Ta đều vì Lục muội muội mới vào Kinh, chưa quen biết người trong tộc nên mới muốn giới thiệu Lục muội muội…” Vừa nói nàng ta vừa đưa khăn lau dặm khóe mắt, ngồi xuống lại trên ghế, “Đều là tỷ muội với nhau, Lục muội muội tỏ thái độ như thế thật đúng là làm người khác đau lòng.”
…
Viên Nhị gia dẫn theo hai hậu bối đến thỉnh an lão thái nhánh cả và lão thái thái nhánh thứ hai.
Lão thái thái nhánh cả bảo hai người đứng dậy, nha hoàn vội vàng mang ghế con ra cho khách ngồi, Trần Đại tiểu thư Lâm Kiều chỉ huy hạ nhân rót trà.
Tuy Viên học sĩ đã bị đày đi lưu vong nhưng Viên gia dù sao cũng là một dòng họ thư hương lâu đời, dù là người cùng nhánh hay khác nhánh thì họ cũng không hề cắt đứt qua lại. Nếu không vì Viên Nhị gia sợ liên lụy họ hàng nên nhất quyết ra ngoài mướn nhà, Viên gia vẫn có nhà cửa cho hai vợ chồng Viên Nhị gia ở. Có họ hàng trong họ làm gương, bà con xa của Viên gia cũng không hề xa lánh bọn họ.
Chắc hẳn lão thái thái nhánh cả đã đoán trước được điều này nên mới ra tay giúp Lâm Kiều.
Nhị lão thái thái Đổng thị nhắm hờ mắt, đừng thấy lão thái thái nhánh cả ngày thường giả hồ đồ, đến lúc quan trọng thì không hề lơ mơ tý nào. Nghĩ tới đây, Nhị lão thái thái Đổng thị thầm cười khẩy trong bụng, thế thì sao chứ, rốt cuộc cũng gặp phải kết cục tuyệt hậu thôi, có mở mang gia nghiệp hơn nữa thì ích lợi gì, về sau cũng phải chắp tay dâng cho con trai của người khác.
Nhị lão thái thái tỉ mỉ quan sát người hậu bối nhà họ Lâm trước mặt, người Lâm gia từ trước đến nay luôn sở hữu khí chất thanh cao kiêu ngạo. Người hậu bối này có đôi mắt rất sáng, cử chỉ đoan chính, sau này chắc chắn sẽ lên như diều gặp gió.
Dòng dõi thư hương rất chú ý chuyện môn đăng hộ đối, Viên gia và Lâm gia chính là ví dụ điển hình. Viên gia xuất thân từ phủ Dương Châu, Lâm gia xuất thân từ phủ An Khánh, con cháu đời sau của hai nhà đều dời đến sống ở Kinh thành từ thời Cao Tông, sau lại cũng thường xuyên qua lại thân mật, đến khi trở thành thông gia thì quan hệ càng thêm mật thiết. Nếu không phải vì hai năm qua Lâm gia không dưỡng ra được vị trọng thần nào, bằng không nói không chừng Viên học sĩ đã được bảo vệ.
Trong lúc Nhị lão thái thái còn đang cân nhắc, lão thái thái Lý thị của nhánh cả chợt lên tiếng hỏi: “Ta nhớ ngoại tổ mẫu* của cháu gọi cháu là Thanh ca.”
(*) Ngoại tỗ mẫu: bà ngoại
“Vâng, ở nhà cháu thuộc đời chữ Chính, xếp thứ nhất trong hàng, tên đầy đủ là Lâm Chính Thanh.”
Lão thái thái nhánh cả mỉm cười, “Ta nhớ cháu đứng đầu kỳ thi Viện, năm nay chuẩn bị tham gia thi Hương.” Nói tới đây bà cụ ngừng một chút, “Đừng cho rằng bà lão này ở trong nhà thì không biết chuyện bên ngoài. Ta thường nghe người ta nói, Lâm gia đời này sinh được một hậu bối có triển vọng lập lại thành tích Tam Nguyên* của tổ tiên.”
(*) Biệt hiệu cho người liên tiếp đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình
Lâm Chính Thanh được khích lệ cũng không tự đắc, chỉ khiêm tốn đáp: “Lão thái thái quá lời, vãn bối thật sự không dám so với tổ tiên.”
Đại lang Lâm gia có dáng vẻ đường hoàng, cho dù không thể trở thành Tam Nguyên thì ít nhất cũng lấy được vị trí đứng đầu của hai bảng khoa cử, nếu có thể kết thông gia với Lâm gia, tương lai cũng sẽ được thơm lây. Cũng vì điều này, bà cụ mới định thông qua Lâm Kiều tìm cách kết thân với Lâm gia.
Nhị lão thái thái Đổng thị cười nói: “Nhìn đám trẻ này mới thấy mấy bà lão như chúng ta không còn chỗ dùng nữa rồi.”
Nghe tới đây Lâm Chính Thanh chợt đứng dậy khom người hành lễ, “Tôn nhi có một chuyện muốn cầu xin hai vị tổ mẫu.”
…
Lâm Phương ngồi xuống nhưng vẫn thấp thỏm không yên.
Thấy trong phòng có đặt án thư, Lâm Phương quyết định dẫn nha hoàn đi qua luyện chữ, để Minh Anh ra ngoài hỏi thăm tin tức.
(*) Án thư = loại bàn bản rộng dùng để viết chữ.
Ván cờ của Lâm Di và Linh Lung đã thu hút ánh mắt của mấy nha hoàn hầu hạ nên phía Lâm Phương cũng yên tĩnh không ai quấy rầy.
Minh Anh vừa ra ngoài đổi một bình trà nhài mới vừa tìm ma ma quản sự xin ít mực viết, cuối cùng cũng hỏi thăm được rõ ràng để về báo cáo: “Khách đến thăm là Đại lang Lâm gia và một người họ hàng bên nhánh thứ hai.”
Lâm Phương nhướng mày khẽ hỏi lại: “Là Lâm gia mà mẫu thân ta từng nhắc tới?”
Minh Anh gật đầu xác nhận.
Đúng như nàng ta đoán, khách do Lâm Kiều dẫn đến chỉ có thể là Lâm gia – thông gia của Viên gia. Nghĩ đến người nọ, gương mặt Lâm Phương hơi ửng hồng, “Có nghe được bọn họ nói gì không?”
Minh Anh thuật lại: “Đại lang Lâm gia đến cầu lão thái thái nhánh cả giúp đỡ.”
Người Lâm gia sao lại tới cầu cạnh Trần gia, còn là lão thái thái của nhánh cả nữa?
Lâm Phương liếc nhìn Minh Anh.
Không chờ được hỏi, Minh Anh đã nói tiếp: “Nghe nói là vì một món đồ thêu mà Lâm đại lang muốn tặng cho Lâm lão phu nhân, có điều món đồ kia đã khá cũ nên đã hư hại vài chỗ. Bởi vì là vật khó cầu, Trần gia chúng ta lại vừa hay cũng có một món tương tự, cho nên Đại lang Lâm gia mới xin Trần gia chúng ta mô phỏng theo rồi sửa hộ.”
Lâm Phương thấy hơi khó hiểu, “Tại sao không phải là Đại thái thái của Lâm gia đến nhờ vả chứ?” Đều là nữ quyến chẳng phải sẽ dễ nói chuyện hơn sao.
Minh Anh đáp: “Nghe nói là do Đại lang Lâm gia muốn bày lòng hiếu thảo nên mới tự mình đi cầu cạnh.”
Thiếu gia công tử nhà khác tuổi này đều sống trong sự bao bọc của người thân, không ngờ Đại lang Lâm gia còn nhỏ tuổi mà đã có chính kiến riêng.
Lâm Phương nghĩ tới đây thì mặt càng thêm hồng, “Vậy lão thái thái nhánh cả có đồng ý giúp hay không?”
Minh Anh lắc đầu, “Thưa vẫn chưa, nghe nói món đồ đó có cách thêu vô cùng phức tạp, cho dù có vật mẫu đối chiếu cũng không chắc có thể thêu ra đúng hình. Chưa kể sinh thần của lão phu nhân Lâm gia còn là ngay tối hôm nay.”
Lâm Phương kinh ngạc kêu lên: “Sao lại gấp như vậy, nhỡ sửa không được, có khác nào uổng phí tâm ý đâu.”
Nhìn thấy dáng vẻ lo lắng của Lâm Phương, Minh Anh cúi đầu cười.
Thấy vậy Lâm Phương liền tức giận đưa tay ra nhéo Minh Anh, “Nha đầu chết tiệt.”
Minh Anh vội quay đầu lại cầu cứu Lâm Di đang đánh cờ.
Lâm Phương sợ bị Lâm Di phát hiện mới rụt tay về.
Minh Anh vội đưa ra ý kiến, “Nô tỳ thiết nghĩ, tay nghề thêu thùa của tiểu thư khá tốt, nếu tiểu thư có thể sửa được món đồ này, về sau lão phu nhân Lâm gia biết được chắc chắn sẽ nhìn tiểu thư với con mắt khác.”
Lâm Phương xoắn khăn, tất nhiên nàng ta cũng có nghĩ tới điều này. Nhánh cả vốn không có nhiều nô tỳ thêu thùa giỏi, chắc chắn không tìm ra người nào có thể đảm đương nhiệm vụ này, nhưng cũng chưa chắc lão thái thái sẽ nhớ tới nàng ta, chuyện này không phải cứ muốn là sẽ thành.
Lâm Di vẫn chẳng để tâm, chăm chú đi từng nước cờ một. Nhìn thế cờ với nguy cơ thảm bại trước mặt mình, Linh Lung chỉ biết mím môi, chực khóc thành tiếng.
…
Lão thái thái nhánh cả cho người hầu vào trong lấy bức thêu Lưu Tô* cất trong tủ áo ra đối chiếu. Thính Trúc bên cạnh lão thái thái nhánh cả xem xét xong thì khẽ lắc đầu, đặt món đồ của Lâm gia xuống trên bàn.
(*) Thêu Lưu Tô: kiểu thêu kết hợp tạo tua rua.
Kỹ thuật thêu hai mặt* này không phải ai cũng biết thêu, bằng không những vật này đã chẳng hiếm có như thế.
(*) Kỹ thuật thêu hai mặt: Theo thông thường thì khi thêu bức tranh thì chỉ có mặt phải (mặt trước) của bức tranh mới dùng còn mặt sau thì chỉ sẽ rối và giấu vào trong không dùng được, tuy nhiên tranh thêu hai mặt là tranh sau khi thêu xong hai mặt trái phải đều giống y như nhau, mặt nào cũng là tranh thêu. Tranh thêu hai mặt thường được thêu trên vải voan lưới mỏng nên cũng khó thêu hơn bình thường và cũng phải “nhẹ tay” hơn so với các loại tranh thêu bình thường khác.
Lão thái thái nhánh cả nhìn về phía Lâm Chính Thanh, “Hay là cháu cứ mang tấm của ta ra hàng thêu bên ngoài làm mẫu, xem thử có phường thêu nào sửa được không, sửa được rồi thì mang trả cho ta cũng không muộn.”
Lâm Chính Thanh vội nói: “Cháu đã đến hỏi các phường thêu bên ngoài rồi, tiếc là không có nơi nào sửa được loại tranh thêu hai mặt này cả.”
Nhị lão thái thái Đổng thị chợt sáng mắt lên, “Hay là cứ để tất cả người trong phủ chuyền tay xem qua thử, còn nước còn tát, không chừng có người khéo tay sửa được thì sao.”
Lão thái thái nhánh cả thở dài, “Cũng chỉ còn cách đó. Các cháu ra tiền viện nghỉ ngơi trước đi, ta sẽ bảo người trong phủ đến nhìn qua, nếu có thể sửa thì chắc chắn ta sẽ giúp đỡ hết lòng.”
Lâm Chính Thanh đứng dậy cảm tạ hai vị lão thái thái rồi cùng Viên Nhị gia trở ra tiền viện.
Lão thái thái nhánh cả cầm bức tranh thêu trên bàn lên nhìn. Đây là bức thêu Lưu Tô hai mặt do Tô thái nữ của tiền triều làm ra, kỹ thuật thêu của Tô thái nữ nổi tiếng xuất chúng, độc đáo khó ai bắt chước được, nên loại thêu Lưu Tô hai mặt này liền trở thành thứ ngàn vàng khó cầu. Năm đó bà khó khăn lắm mới sở hữu được một món nhưng lại là phế phẩm có lỗi nhỏ, may nhờ có người khéo tay giúp bà sửa lại… Đáng tiếc bây giờ người nọ đã mất…
Lão thái thái nhánh cả nghĩ tới đây thì mắt chợt sáng lên, đai đeo trán Lục nha đầu tặng cho bà chính là dùng kỹ thuật thêu hai mặt. Hiện giờ không ai có thể thêu được kiểu Lưu Tô hai mặt như Tô thái nữ nhưng không nhất định là không sửa được.
Bình luận facebook