Hôm ấy anh em nó cùng với mấy đứa hàng xóm rủ nhau chơi trốn tìm ở sau nhà, chỗ đó có một con mương, qua mương là dặng xoan lâu um tùm. Chơi thẳng đến tối, tới lượt cuối cùng, cả bọn đi trốn cho anh thứ nó tìm. Nhưng trốn mười năm hai mươi phút cũng không thấy anh nó đi bắt, gọi cũng không thưa. Cả bọn bảo nhau chắc anh thứ chạy hàng, bỏ bom cả đám rồi.
Thế là không ai chơi tiếp, đứa nào về nhà đứa nấy, thằng Thức vào tới sân thì nghe mẹ nó hỏi anh đâu. Nó bảo anh về trước rồi, nhưng trong nhà không có, ngoài chuồng xí cũng không có, về đâu mà về. Nó lại tất tả chạy ra mương gọi, trèo cả sang rặng xoan lâu tìm, tuyệt nhiên vẫn không thấy.
Tiếp theo cả nhà thằng Thức bổ đi tìm, hàng xóm biết chuyện cũng sang hỗ trợ, khi mà đã tìm khắp không thấy, họ mới nghĩ là anh nó rơi xuống mương. Mấy người lội xuống mò, nước dưới mương cao quá bẹn, buổi sáng nhìn đã không thấu được, tối đến màu nước sẫm lại, càng khó tìm hơn. Xục xạo suốt hai tiếng, đến tầm 10h đêm mà không thấy anh thứ nó, mẹ thằng Thức vẫn bình tĩnh gọi con, mong là anh thứ nó chỉ trốn đâu thôi.
Nhưng có người đứng trên cành xoan lâu, nhìn xuống bờ mương thấy cái thùng phuy rỗng, trong thò ra hai bàn chân trẻ con. Vội vàng mọi người mới qua xem, thùng phuy cao hơn 1 đứa trẻ 8 tuổi, tức là cao hơn anh thứ nó, vậy mà anh thằng Thức lại lộn đầu bên trong, lúc nhấc ra người đã lạnh ngắt, từ đầu đến ngực ướt sũng nước. Thùng phuy chỉ đọng một lớp nước nông, anh thằng Thức chết do ngập đầu xuống đấy, mà lại ở tư thế lộn ngược người, thành thùng phuy cao nên không ra được.
Trong đám ma, thằng Thức thấy có một đứa trẻ lạ ngồi xổm ngoài sân, mắt nhìn vào quan tài, nó cười như dại khi thấy thằng Thức nhận ra. Lúc kể với bà nội, bà nó hỏi có nhớ hình dạng đứa trẻ thế nào không, nó bảo là không có lông mày, không có răng, mắt với miệng đen xì, đầu tóc bết nước.
Rất lâu sau bà nó mới nhớ ra, có một bận trong làng vớt được xác một đứa trẻ con, mấy đêm trước đi soi chuột trượt chân chết đuối dưới mương. Xác đứa trẻ đó trương lên, trong miệng còn ngậm con chuột, không biết chết trong hoàn cảnh nào.
Thằng bé đó mồ côi, cái chỗ nó ở về sau là chuồng lợn nhà ông Sinh, nó thì được người làng chôn cất ngoài nghĩa địa, nhưng nhiều người vẫn nói là thỉnh thoảng trông thấy có con ma núp dưới bờ mương bắt chuột ăn. Thằng Thức kể đến đó thì sợ, anh nó tính ra là chết oan, chết trẻ khỏe ma, qua tuần đầu đã thấy anh nó hiện về.
Kiểu như trong nhà, thằng Thức là đứa thân với anh nhất. Quần áo của anh nó bố mẹ vẫn còn giữ lại mấy bộ mới để nó mặc, thành thử về sau liền sinh ra chuyện.3. Bắt vía.
Tuần đầu anh thứ, sáng tinh mơ nó đã dậy theo bố mẹ đi chuẩn bị cỗ bàn đón họ hàng sang làm lễ. Lúc mà người lớn bận bịu ngoài sân thì một mình thằng Thức ngồi xúc cháo ăn trong nhà, nó ngồi đối diện với bàn thờ anh thứ, ăn cũng không được nhiều, một miếng cháo nó ngậm tới dăm phút mới nuốt.
Ngoài trời vẫn còn tờ mờ tối, trong nhà bật đèn nên độ tương phản rất rõ ràng, ý là thằng Thức tuyệt đối không nhìn nhầm. Vừa ăn nó vừa nhìn lung tung, cạnh bàn thờ anh thứ là cửa sổ hướng ra sau nhà, một cánh đóng một cánh mở, bất thình lình nó nhìn thấy có khuôn mặt trắng bệch đang liếc vào trong.
Thằng Thức còn chẳng nhận ra mặt người đó là ai, nhưng vì đang ngồi đối diện với bàn thờ anh thứ, nơi mà ánh nến chiếu đến cũng hiện ra khuôn mặt trắng bệch như vậy. Đang bưng bát cháo mà nó đánh đổ xuống đất, anh thứ không vào được nhà nên chỉ có thể đứng nhòm từ bên ngoài, nó còn nhỏ nên không hiểu chuyện, lúc đó tự nhiên hỏi: “Anh thứ về rồi hả?”
Anh nó cứ trợn trắng mắt mà liếc về phía bàn thờ, nói như người bị sặc nước: “Áo...ọc...ọc...áo của tao...ọc... mày trả...áo cho... tao...”
Cái áo mà anh thứ nói là cái sơ mi cộc tay nó đang mặc, thường thì đây đều là quần áo của anh thải lại, nhà nó cũng không kiêng kị gì mà cứ để nó mặc. Mẹ thằng Thức nghe tiếng bát vỡ trong nhà thì vội chạy vào, thằng Thức chỉ ra sau nhà, nói anh thứ đang ở ngoài đấy. Mẹ nó mở cửa sổ ra nhìn, sau nhà là rãnh nước, không có ai ngoài đó. Quay lại hỏi thì mới biết, anh thứ về để đòi áo, vì là người chết đuối nên lúc nào cũng thấy lạnh, còn mang tiếng chết đường chết chợ, có về cũng chỉ đứng được ở ngoài cửa.
Bà thằng Thức biết chuyện, bảo khi sống anh em nó hòa thuận, yêu thương nhau lắm, lúc anh nó chết đi, nhà cũng cuộn chăn bọc áo đầy đủ cho anh nó rồi, vì cớ gì hôm nay lại về đòi áo. Nghĩ rồi bà cầm bó rơm, dắt theo con chó nhà thằng Thức ra chỗ thùng phuy anh nó chết. Cột con chó vào thân cây xoan lâu, xong bà nó châm lửa đốt bó rơm, tiếp theo liền hơ lửa trong thùng phuy, tay đập vào vách sắt, ầm ĩ một lúc.
Con chó đang chụm vào chỗ thùng phuy tự nhiên giật phắt dây xích, nó hướng về một bên mà sủa, cứ ba tiếng lại ngừng. Bà thằng Thức dừng tay, nhìn cái hướng mà con chó đang chồm đến, bảo với người nhà về xoay bàn thờ anh thứ ra cánh trái, áp lưng vào tường, vuông góc với bàn thời gia tiên. Không để anh nó hướng mặt ra cửa nữa, thằng chết đuối vẫn lảng vảng ở gần đây nên nó thấy anh thứ về thì bắt nạt.
Tới đếm hôm đấy, bà thằng Thức nằm mơ thấy anh nó về. Anh nó cứ đứng ngoài cửa khóc, vẫn mặc cái áo phông trắng với quần đùi cây dừa, bảo bố mẹ không thương con, để con chết khổ quá. Bà nó hỏi sao mày chết. Anh thằng Thức kể là bị một đứa trốn trong thùng phuy dìm chết, mà cái đứa ấy nó nhầm anh thứ với thằng Thức, cũng là do bộ quần áo của hai anh em nó mặc trên người. Khóc một lát thì có ông trung niên đến đón anh nó đi, bà nội bảo đấy là ông trẻ (em ông nội), nhờ lúc sáng chuyển hướng bàn thờ nên hai ông cháu mới nhận được mặt nhau.
Bà thằng Thức có dậy ra gian thờ thắp hương, khấn vái một thôi một hồi, xong sáng hôm sau nói với bố mẹ nó phải đem thằng Thức lên chùa làm lễ. Sợ là nó với thằng chết đuối đã bắt vía nhau, trẻ con là thành phần dễ bị ma bắt nhất, nếu biết sớm mà giải thì không đáng ngại.
Để trễ một chút, như trường hợp của thằng Thức, giải được vía nhưng cái dớp với người âm sẽ không hết. Cái dớp đó, hay dân gian còn gọi là duyên âm, từ đây mới thực sự bắt đầu.
Bình luận facebook