• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full New Duyên kỳ ngộ (4 Viewers)

  • Chương 67

"Ô y kỵ theo ta!". Lưu Giác đã không thể kìm chế, bố trí xong quân vụ, chàng dẫn Ô y kỵ ra khỏi thành, đi về tây tìm kiếm. Lúc này chân trời đã rạng.


Cách thành bốn mươi dặm vẫn không tìm thấy tông tích A La. Lưu Giác thúc ngựa, ngực hý vang một tiếng, cảm giác bất an lại bùng lên. Chàng nhìn bốn phía, không thể đuổi tiếp nữa, Hoài thành còn có mấy chục vạn đại quân đang chờ chàng, Lưu Giác nghiến răng: "Quay về!".


Ô y kỵ đột nhiên nhìn thấy một dải đen lờ mờ bên sông: "Chúa thượng, nhìn kìa!".


Nhìn theo hướng tay chỉ, kinh ngạc, chân đạp yên ngựa, vọt tới. Trên một tảng đá nhô lên mặt nước, có một người nằm, tim chàng nảy lên, tay run run lật người đó lại, lột khăn bịt mặt, bỗng thét lên: "Ám Dạ!". Không kịp nghĩ, chàng ôm Ám Dạ nhảy lên bờ: "Lập tức về thành, truyền quân y!".


Lưu Giác ôm Ám Dạ, vừa truyền chân khí vừa phóng như bay về Hoài thành. Ám Dạ, người có thân thủ tốt nhất Ô y kỵ! Huynh đệ của chàng, trạng nguyên phong lưu! Mặt Lưu Giác đầy ám khí, không kịp nghĩ đến A La, trong lòng chỉ có một ý niệm phải cứu bằng được Ám Dạ.


Mặt Ám Dạ trắng nhợt ngồi dựa vào chàng. Về đến đại doanh, Lưu Giác hét: "Quân y!".


"Chúa thượng chớ lo, để tiểu nhân khám cho Thành đô đốc!". Quân y trấn tĩnh, lột lớp áo ướt, vết kiếm trên vai đã trắng bệch, vẫn đang rỉ máu.


"Thành đô đốc chỉ bị hôn mê do mất quá nhiều máu, có lẽ không có gì nghiêm trọng!". Quân y vừa nói vừa băng vết thương.


Lưu Giác trầm ngâm nhìn nửa người để trần của Thành Tư Duyệt, trên đó chi chít vết thương, đều là những vết thương cũ, trước ngực xăm một con chim ưng nhỏ, chỉ bằng nắm tay, sống động như thật. Lưu Giác sững người, chàng nghĩ đến cha, ông không chịu nói nhiều về Ám Dạ, Ám Dạ đã luyện tập trở thành cao thủ thế nào, trở thành trạng nguyên trẻ nhất Ninh quốc ra sao, chàng không hề biết. Nhìn những vết thương chi chít mắt chàng nhòe ướt. Biết chịu đựng gian khổ sẽ hơn người. Thành Tư Duyệt đã chịu đựng bao nhiêu khổ cực mới trở thành Ám Dạ ưu tú nhất Ô y kỵ?


Xử lý vết thương xong, Lưu Giác trầm ngâm, "Ra cả đi, Huyền Y, canh ngoài trướng, ta sẽ trị thương cho huynh ấy!".


Lưu Giác không tiếc, vận ra Phi tuyết công, chân khí từ từ thăm dò thất kinh bát mạch trong cơ thể Thành Tư Duyệt. Ròng rã một ngày lặp đi lặp lại, trời đã tối. Mặt Ám Dạ đã hồng hào trở lại, Lưu Giác đặt anh ta nằm xuống, ngồi bên giường ngắm nhìn.


Ám Dạ khẽ rên, dần dần tỉnh lại, mở mắt nhìn Lưu Giác, mỉm cười: "Thuộc hạ cảm ơn...!".


"Huynh là Thành Tư Duyệt, Thành đô đốc, không phải là thuộc hạ của ta, không phải là Ô y kỵ Ám Dạ!". Lưu Giác ngắt lời Ám Dạ. nguồn TruyenFull.vn


Ám Dạ cau mày: "Bây giờ chưa nên...".


"Huynh đã làm nhiều việc như vậy cho vương phủ chúng ta, không cần báo đáp nữa, từ nay huynh là Thành Tư Duyệt! Là anh em rể với ta!". Lưu Giác nói.


Ám Dạ thở dài, nghĩ một lát mỉm cười: "Đợi sau hôn lễ của chúa thượng... được không?".


Lưu Giác nhìn anh ta hồi lâu, gật đầu.


"A La đi về hướng tây, muội ấy ốm nặng vừa đỡ, thuộc hạ...".


"Đừng lo, người hiền ắt có thiên tướng, ta sẽ tìm được nàng ấy!" Lưu Giác cố kìm nỗi lo, ánh mắt dữ tợn,"Ta nhất định tiêu diệt Trần, Hạ, nếu A La có gì bất trắc, ta sẽ diệt hai nước đó để đền mạng!".


Ám Dạ cười: "Thuộc hạ lành vết thương, sẽ đến nước Hạ trước". Năm ngày sau, đại quân Ninh quốc sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn, xuất phát từ Hoài thành, bắt đầu nam chinh.


Sở Nam dẫn năm nghìn quân Trần mai phục ở vùng núi Mai sơn giữa Hoài thành và Vận thành. Vùng núi Mai sơn có năm ngọn núi lớn nhỏ, cao hơn trăm thước, phân bố rải rác trên bình nguyên, trông như hình hoa mai vì thế có tên Mai sơn. Sở Nam đã liên lạc với đại quân ở Vận thành, quyết định hắn sẽ đảm trách ngăn cản đại quân Ninh quốc ở đây. Sau khi chiến sự bùng nổ, sẽ dẫn dụ quân Ninh tiến vào bình nguyên bên ngoài Vận thành, chiến đấu với liên quân hai nước Trần, Hạ.


Tiên phong quân Ninh là Trần Bình, phó soái thống lĩnh lục quân Nam quân dẫn một vạn binh sĩ đến Mai sơn trước. Trần quốc phong cảnh rất đẹp, trên những ngọn núi thấp đa phần trồng trúc, gió thổi xào xạc như tiếng đàn. Trần Bình đến Mai sơn nhìn thấy những ngọn núi bố trí như thế trận, lòng hơi băn khoăn, nhưng đại thắng ở Hoài thành và bốn mươi vạn đại quân đồn trú bên ngoài cách năm dặm khiến chàng thêm tự tin, thúc ngựa dẫn quân vào Mai sơn.


Sở Nam cười khẩy nhìn quân tiên phong Ninh quốc đi qua dưới chân, đợi binh sĩ tiến vào Mai sơn gần hết, liền bắn tên phát tín hiệu, tín hiệu bùng nổ phát ra âm thanh chói tai. Quân Trần nghe thấy tín hiệu, vung kiếm chặt đứt dây thừng buộc giằng những cây trúc. Hai cây trúc to cao hai bên đường đổ rầm, chắn ngang đội hình Ninh quân. Chớp mắt cả đội hình dài bị những lớp trúc chia cắt thành mấy khúc.


Tên của quân Trần ở hai bên núi bắn như mưa. Nắng tháng bảy không có gió, nóng như thiêu, những cây trúc được phết dầu vừa bén lửa đã bùng cháy dữ dội, ngọn lửa bốc cao không thể khống chế. Trước sau quân Ninh bị chia cắt khó liên lạc, binh sĩ ở khúc giữa bị kẹt trong lửa, kêu rên thảm thiết, đội ngũ chỉnh tề lập tức rối loạn. Binh sĩ vội bắn bừa sang hai bên, không thấy mục tiêu, có người xông vào rừng trúc, chỉ nghe thấy tiếng kêu cũng thê thảm như bên dưới. Những binh sĩ chưa tiến vào trong thung lũng, thấy phía trước rừng trúc dầy đặc, lửa ngút trời lẫn tiếng kêu thảm thiết, nhưng không thấy bóng dáng quân Trần. Tình hình thật đáng sợ, cơ hồ họ đã lọt vào cửa yêu ma, binh sĩ nhất loạt ngây người đứng ngoài cửa khẩu.


Trần Bình kinh ngạc ngoái đầu, đường rút đã bị lửa chặn đứng, quân đã tổn thất cả nghìn người, hậu vệ đã lùi khỏi thung lũng. Chàng hét to: "Trúng mai phục! Rút lui!". Đoạn dẫn bốn nghìn binh mã còn lại vòng qua núi rút về Hoài thành.


Sở Nam cười ngất: "Chúng sĩ theo ta tiêu diệt tiên phong quân Ninh!".


Năm nghìn quân Trần theo bố trí chia năm mũi, hành sự theo kế hoạch, trước tiên dùng tên bắn, binh mã từ trên núi tràn xuống. Trần Bình đáng thương không thuộc địa hình, bốn nghìn quân đã bị chia cắt, lần lượt bị vây chặt dưới mấy ngọn núi. Quân Trần ẩn nấp phía sau rừng trúc cuối cùng xuất hiện, quân Ninh nhìn thấy mục tiêu, sĩ khí lại dâng, tràn lên phía trước, nhưng đội quân vừa xông lên đã phát ra tiếng kêu thê thảm. Trần Bình lại kinh ngạc, tiếng kêu của những binh sĩ xông ra vọng lên từ dưới đất, giống như rơi xuống vực thẳm. Lúc này mới hiểu, quân Trần đã bố trí chi chít hố chông trên đường, đương nhiên bên dưới cắm đầy chông nhọn. Trần Bình hoảng loạn hạ lệnh: "Rút về sau! Rút về sau!". Nhưng đúng lúc quân Ninh bắt đầu quay lưng lập tức làn mưa tên bay tới, bốn nghìn binh mã trong chớp mắt đã bị nuốt chửng bảy, tám phần.


Nhóm cận vệ của Trần Bình sống chết bảo vệ chủ soái rút lui, lúc sắp ra khỏi thung lũng Mai sơn, lại nghe có tiếng vó ngựa phi đến chặn đường. Kẻ cầm đầu có cặp lông mày rậm, mắt dữ tợn, toàn thân tỏa ra hàn khí, Sở Nam nhìn Trần Bình, coi như người đã chết. "Giết!". Cận vệ của Trần Bình vung kiếm lao ra, Sở Nam từ mình ngựa vọt lên, bay đến như con chim. Trần Bình chỉ nghe thấy Sở Nam buông một câu: "Cuối cùng ta đã xả được chút hận!". Cổ vừa thấy lạnh, đầu đã văng ra dưới lưỡi kiếm của Sở Nam, cận vệ xung quanh đều bị trúng tên thiệt mạng.


Lưu Giác trong quân doanh, sau khi được tin báo tức tốc phi đến, nhìn thấy những thi thể bị thiêu cháy trong rừng trúc, dưới những hố chông be bét ruột gan binh sĩ sập bẫy, có người chưa chết toàn thân đầy máu, trợn mắt há mồm thở, âm thanh từ họng phát ra phì phì như rắn phun nọc, nghe thật ghê rợn. Thảm cảnh còn tàn khốc hơn cực hình trong địa ngục! Lưu Giác nhắm mắt: "Hãy giúp họ ra đi nhẹ nhàng!".


Binh sĩ đỏ mắt rưng rưng, nhưng không đành nhìn huynh đệ chịu đựng đau đớn cùng cực như vậy. Cùng với ánh kiếm lóe lên, đầu đồng đội thoi thóp rơi xuống, nét mặt họ hoàn toàn thỏa mãn.


Trên một ngọn trúc cao giữa đường treo thủ cấp của Trần Bình, một dải khăn trắng rủ xuống, trên viết mấy chữ bằng máu "Sở Nam thề giết Lưu Giác". Gió thổi qua rừng trúc tanh nồng mùi máu, quân Ninh lặng lẽ đứng nghiêm, niềm vui đại thắng ở Hoài thành đã tan như mây khói.


Trận Mai sơn đã giáng một đòn nặng nề vào quân Ninh. Lưu Giác trong đau đớn chợt tỉnh ngộ, tuyệt đối không để binh sĩ sa sút tinh thần. Chàng đỏ mắt, cất giọng sang sảng: "Đế vương thịnh nộ, thây chất đầy đồng, sĩ tốt thịnh nộ, máu phun ba trượng! Chỉ có tiểu nhân thịnh nộ mới bó tay ôm ngực khóc! Kẻ nào dám rơi lệ, bản soái chặt đầu! Tốt! Thất bại rất tốt! Chiến thắng Hoài thành không đáng nói, chỉ có bình định mười bốn thành trì Trần quốc mới có thể an ủi linh hồn anh em binh sĩ tử nạn ở Mai sơn! Mới thể hiện khí phách nam nhi Ninh quốc chúng ta! Chúng tướng sĩ, đại nghiệp ngàn thu đang ở dưới chân chúng ta, được đổi bằng xương máu của tướng sĩ quân Ninh! Muốn danh lưu sử xanh, hãy lấy trận này làm bài học!".


"Nguyện theo nguyên soái báo thù rửa hận!". Tiếng hô động trời như sấm dậy.


"Truyền lệnh, hậu táng tướng quân Trần Bình và chúng tướng sĩ, dựng bia tại đây, bản soái đích thân tế vong hồn tử sĩ!". Lưu Giác chí khí sôi sục.


Nếu những lời hào sảng của Lưu Giác kêu gọi tướng sĩ lấy thất bại này làm bài học quyết vươn lên lập đại nghiệp ngàn thu đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tráng khí quân Ninh, thì việc chàng đích thân tế lễ vong hồn tử sĩ lúc này lại khiến quân Ninh rơi nước mắt. Tự cổ chiến trường vô tình, thương vong thảm khốc vốn chuyện thường. Nhưng nguyên soái thân chinh lập bia tế lễ vong hồn tử sĩ khi chiến sự chưa kết thúc là chuyện chưa từng có. Tình nghĩa và sự tôn trọng của Bình Nam nguyên soái đối với tướng sĩ thiệt mạng có sức cổ vũ hiệu triệu mãnh liệt.


"San bằng Trần quốc! San bằng Trần quốc!". Tiếng hô trầm hùng của quân sĩ vang lên không dứt.


Sở Nam ở cách xa khu thung lũng Mai sơn, nghe thấy những tiếng hô như sấm truyền trong gió, đứng lặng hồi lâu, bỗng hét lên: "Tập hợp đại quân, quyết chiến ở Vận thành!". Khi xuất chiến đấu chí bốc lên quên hết tất cả, mãi đến lúc này, Sở Nam mới xua đi được hình bóng vương giả ung dung của Lưu Giác ra khỏi đầu, mình sẽ quyết chiến với Lưu Giác ở Vận thành.


Sau một ngày nghỉ ngơi chỉnh đốn, quân Ninh với nhiệt huyết và sĩ khí hừng hực chưa từng có, hai ngày sau hành quân đến Vận thành. Hai bên giao chiến ở bình nguyên dưới chân thành.


Đại vương tử Trần quốc Sở An nghe tin đại thắng Mai sơn, mặt mày hớn hở, niềm tin lại dấy lên. Đêm Ninh quân tấn công Hoài thành, trong đêm tối, chỉ nghe thấy tiếng hô giết ầm ầm như sóng bể. Sở An giật thót, lòng tan nát, không kịp hành quân bố trận, mười vạn đại quân cầu như vừa đánh vừa rút khỏi Vận thành, hội họp với mười vạn đại quân của nước Hạ đến. Vương đệ Sở Nam chỉ có năm nghìn tàn binh, đã tiêu diệt tám nghìn quân Ninh, bây giờ liên quân Trần, Hạ đã có hai mươi vạn, còn quân Ninh vượt sông khai chiến, bốn mươi vạn quân không thể đến ngay một lúc. Thám báo cho biết, số quân Ninh đến Vận thành chỉ có mười lăm vạn, Sở An bất giác có ý khinh địch. Lúc này Sở Nam đưa quân về thành, Sở An cười hớn hở: "Vương đệ lập đại công, cổ vũ sĩ khí quân ta, hôm nào trở về hoàng thành, phụ vương sẽ trọng thưởng!".


Sở Nam liếc hắn ta, cười khẩy: "Vương huynh táo bạo, lùi để tiến! Sở Nam nhờ đó mới đắc thủ, công này nên thuộc về vương huynh!".


Sở An cười gượng: "Vương đệ hiểu cho nỗi khổ tâm của đại huynh này là tốt lắm rồi!".


Sở Nam nghiêm túc: "Mai sơn đại bại, nhưng sĩ khí Ninh quân không giảm, Lưu Giác là kẻ cơ mưu, vương huynh tuyệt đối không thể xem thường!".


Sở An nóng lòng lập công, cười khẩy: "Trận quyết chiến ngày mai vương huynh sẽ thân chinh cầm quân, vương đệ cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, đợi ta thắng lợi trở về mở tiệc mừng công!".


"Vương huynh, hãy cho Sở Nam đi!". Sau đó mặc cho Sở Nam nài nỉ, Sở An một mực không nhượng bộ. Sở Nam hậm hực nghĩ, lúc này đối mặt với chiến tranh giữa hai nước, Sở An tính tình nhút nhát, khó chiến thắng quân Ninh, mình phải đích thân tham chiến may còn hy vọng địch được Lưu Giác.


Sở An không vui: "Vương đệ cảm thấy ta không xứng đánh với Lưu Giác sao?".


Sở Nam há miệng định nói, Sở An đã phảy tay bỏ đi.


Trên bình nguyên mênh mông, quân kỳ bay phấp phới, quân Ninh giáp đen và giáp vàng nổi bật, đứng theo đội hình tăm tắp, trước mặt là quân Trần áo đỏ và quân Hạ áo xanh. Lưu Giác trong đầu đã có tính toán, cởi giáp sắt, thay bằng áo bào rộng đỏ chói, trông không giống nguyên soái trên chiến trường, mà giống một công tử phong lưu! Toàn thân đỏ chói bên cạnh soái kỳ màu đen của quân Ninh thực nổi bật, Sở Nam đứng trên tường thành, cặp mày rậm nhăn nhăn, không hiểu tại sao Lưu Giác ăn vận như thế.


Sở An đích thân cầm quân, trống trận thúc như sấm, quân Ninh không có động tĩnh. Trống trận lại dồn dập, Sở An đã có vẻ sốt ruột, chưa dứt ba hồi trống, khua cao trường kiếm: "Đánh bật quân Ninh, lấy lại Hoài thành!". Kỵ binh tinh nhuệ của quân Trần thét lên xông về phía quân Ninh. Quân Hạ lấy bộ binh làm chủ lực, từ từ triển khai thế trận tiến lên. Trên quân kỳ của Hạ quốc thêu một con chim ưng đen giương cánh. Trước hàng quân, một vị tướng trẻ ngồi trên lưng bạch mã, mang giáp che mặt, mái tóc đen bay bay.


Lưu Giác miệng cười, tay phất cờ hiệu, kỵ binh quân Ninh dàn hàng xông lên, bộ binh theo sau. Thế trận này là do A La đã nói với chàng, tác chiến ở bình nguyên nên coi trọng kỵ binh. Thời Tam quốc có một loại kỵ binh, binh mã toàn thân đều mang giáp sắt, mỗi đội ba kỳ, tay cầm trường mâu. Tuy nhiên nhược điểm của kỵ binh này ở chỗ không thể dùng giáp sắt bọc chân ngựa, nếu được bộ binh tương trợ, nhất định chắc thắng Quả nhiên, kỵ binh quân Ninh được trang bị đầy đủ, mặc dù di chuyển không nhanh bằng kỵ binh quân Trần, đội hình binh mã với giáp dày chắn chắc, lừ lừ áp đến như những tảng đá lớn. Kỵ binh quân Trần xông đến tương đương một chọi ba, hơn nữa đội hình kỵ binh có giáp sắt che chắn, lại thêm bộ binh phối hợp, quân Ninh chớp mắt thế như sóng bể tràn lên, kỵ binh quân Trần như vấp phải vách núi, tiếng ngựa lồng, hý chói tai. Sở An kinh hãi nhìn năm vạn kỵ binh tinh nhuệ xông lên như tự sát, bị giẫm nát dưới chân kỵ binh quân Ninh. Lúc này đã không thể lùi về sau, Sở An hét to: "Hai cánh bao vây, vòng qua kỵ binh!".


Liên quân Trần, Hạ như hai đôi cánh, từ giữa tỏa ra, từ hai phía tả hữu bao vây Ninh quân. Lưu Giác cười hả hả: "Cho các ngươi nếm thử lợi hại của kỵ binh Ninh quốc!". Kỵ binh quân Ninh hò nhau xông ra như bầy sói xông vào đàn dê. Liên quân Trần, Hạ từng lớp từng lớp bị nuốt chửng, nhanh chóng tan rã! Dưới chân Vận thành liên quân Trần, Hạ đổ rạp như thân lúa dưới lưỡi hái.


Sở Nam đứng trên thành lầu lẩm bẩm: "Điền Kỵ... đua ngựa...". Một viên tướng bên cạnh nghe không rõ hỏi lại: "Điện hạ nói gì?".


Sở Nam cười đau khổ: "Tương truyền thời Chiến quốc có một viên tướng tên Điền Kỵ, đua ngựa với Tề vương, đua ba vòng, vòng thứ nhất, Điền Kỵ đưa con ngựa kém nhất của mình đấu với con ngựa tốt nhất của Tề vương, Điền Kỵ thua. Vòng thứ hai, Điền Kỵ đưa con ngựa tốt nhất của mình đua với con ngựa trung bình của Tề vương. Điền Kỵ thắng. Vòng thứ ba, Điều Kỵ đưa con ngựa trung bình của mình đua với con ngựa kém nhất của Tề vương. Điền Kỵ thắng. Ba ván Điền Kỵ thắng hai. Tốt, Lưu Giác, ngươi dùng kỵ binh tiêu diệt kỵ quân tinh nhuệ của ta, lấy kỵ binh đập tan bộ binh của ta, cuộc chiến này ba trận ngươi thắng hai, quân Trần bại rồi! Thì ra cổ binh pháp, ngươi thông thạo như vậy, ta...".


Đột nhiên, người đeo mặt nạ màu bạc trong đội hình Hạ quân áo xanh phất cờ hiệu. Bảy, tám vạn quân Hạ còn lại nhanh chóng lùi ra sau. Phía trước, tại nơi giao chiến với quân Ninh trận, bỗng phụt lên một cột khói xanh cao mấy trượng.


Lưu Giác kinh ngạc, nghĩ đến trận khói độc Vương Yến Hồi cho đốt ở đầu ngọn gió trong trận chiến ở khe núi Hoàng Thủy. Chàng lập tức vẫy cờ hiệu, quân Ninh tản về phía đầu gió. Lúc sau khói bị thổi tan, quân Hạ lúc này đã tản ra phía ngoài hơn trăm thước, kết trận di chuyển về hướng tây. Lưu Giác nhìn quân Hạ cười khẩy, cờ hiệu lại vẫy, quân Ninh không truy đuổi tàn binh Hạ mà tập hợp đội hình chọc thẳng vào đội hình quân Trần. Lưu Giác cười sang sảng, tay nắm soái kỳ xông về phía Sở An!


Trên tường thành, Sở Nam kinh ngạc, quân Hạ rút đi như vậy, quân Trần nguy to! Còn chưa kịp nghĩ tiếp, mắt hắn đã thấy cột cờ cao bên trên có soái kỳ thêu chữ "Trần" giữa đội hình quân Trần bị phạt đổ, một góc chiến bào màu đỏ phía đó như giọt máu rơi trước mắt Sở Nam, Sở Nam thét lên: "Vương huynh!".


Dù huynh đệ có bất hòa, nhưng vẫn mà máu mủ ruột thịt, tận mắt chứng kiến đại huynh lâm nạn, lòng Sở Nam vẫn quặn thắt. Sở Nam mắt đỏ ngầu, bình nguyên dưới chân Vận thành giống như một khúc bi ca, tấu khúc cáo chung của số phận Trần quốc! Sở Nam run người giậm chân, lấy hai cung tên ghép lại, dụng toàn bộ nội lực nhằm chiếc áo bào đỏ chói giữa đội hình Ninh quốc, bắn hai mũi tên chí mạng.


Mũi tên vút ra như sao băng. Soái kỳ của Lưu Giác lay động, mũi tên cách trăm trượng vọt ra cắm phập vào cán cờ trong tay chàng. Lưu Giác nhìn xa, cất tiếng cười: "Chủ lực quân Trần đã mất, Sở Nam, ngươi mau về hoàng thành, báo phụ vương ngươi dâng biểu đầu hàng!".


Sở Nam bi phẫn nhìn chàng, Vận thành nhỏ, trong thành chỉ có một vạn tướng sĩ, làm sao địch nổi đại quân Ninh quốc. Sở Nam thét lên: "Lưu Giác, Sở Nam ta quyết lấy đầu ngươi!" Nói đoạn, quay người đi xuống, mang một vạn tướng sĩ bỏ thành chạy về nam.


Tháng mười năm Long Hưng thứ nhất, Lưu Giác dẫn đại quân chinh phạt mười bốn thành trì Trần quốc, Trần vương cầu hòa, Trần quốc diệt vong. Nhị vương tử Sở Nam không biết tăm tích.


Tử Ly lúc này đang ở Biên thành, tin thắng trận phía nam liên tục bay về. Tướng sĩ Biên thành thấy Ly vương thân chinh xuất trận, lại nghe tin Trần quốc đại bại, sĩ khí như thủy triều. Tháng chín năm Long Hưng thứ nhất, Cố Thiên Tường đưa Hữu quân nghênh chiến với Khởi quốc Mục Thân vương bị bắt ở Sa hải. Ly vương đem bốn vạn tinh binh Bắc quân cứu viện, lưỡng quân hợp lực, đánh bại Mục Thân vương. Tháng mười cùng năm chinh phạt kinh đô Khởi quốc. Ly vương cùng tướng soái trở về triều. Tháng ba năm Long Hưng thứ hai, Cố Thiên Tường giết Khởi vương, càn quét tàn binh Khởi quốc, Khởi quốc diệt vong.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom