Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 2 - Chương 32 - Phần 2
Trong ngày đầu tiên của Đại Hội, tôi thấy Chủ Tịch Đoàn đưa ra một đường lối gọi là văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mục đích chính là đưa ra một thứ kim chỉ nam cho tất cả mọi ngành sáng tác và biểu diễn. Mục đích phụ (hay đây mới là mục đích chính?) là biểu dương lực lượng văn nghệ sĩ và báo cáo đường lối chỉ huy văn nghệ của Nhà Nước cho các quan khách biết. Các quan khách đó là ai? Đó một số cố vấn Liên Xô, Trung Cộng và vị tân khách Léo Figuères, đại diện của Đoàn Thanh Niên Pháp Quốc đang ngồi ở hàng ghế đầu cùng với Trường Chinh, Tố Hữu, Trần Độ...
Sau đó, tới phần thảo luận riêng của các ngành. So với mọi ngành khác, thành phần nghệ sĩ trong ngành kịch là đông đảo nhất. Tuy tôi là nhạc sĩ và vợ tôi là ca sĩ nhưng Thái Hằng còn là kịch sĩ nữa cho nên chúng tôi có mặt trong những buổi hội thảo về ngành này. Tôi gặp Hoàng Tích Linh, tác giả vở kịch nhan đề Tiếng Đập Cửa là người ở trong đoàn kịch Chiến Thắng của Tổng Cục Chính Trị. Diễn viên trong đoàn này là Thúy Cẩm, em gái của kịch sĩ Kỳ Ngung và Thùy Chi, em ruột của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Thùy Chi có tên thật là Khuê, nhưng được mọi người gọi là cô Thôn, tên của một nhân vật kịch. Cô Khuê đóng vai cô Thôn đặc sắc đến nỗi người ta không còn gọi cô bằng tên thật hay bằng tên nghệ sĩ của cô nữa. Nữ diễn viên Kiều Hạnh cũng là chị dâu của Thái Hằng và cũng có mặt tại Đại Hội này cùng với anh Phạm Đình Sĩ và mấy cháu Mai Hương, Bạch Tuyết và Sơn. Gặp được những người thân thích thì vợ tôi vui lắm.
Tôi cũng gặp cả Hoàng Cầm, vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng...
Dưới sự chủ tọa của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại Kịch tức Kịch Nói.
Sau nhiều tranh luận, Đoàn Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu. Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này:
- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.
Tôi đã biết tới những điều này từ lúc mới bước chân vào Liên Khu IV, được nghe tướng Nguyễn Sơn giảng về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ. Có gì là mới lạ đâu? Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào biên bản của hội nghị:
- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào? Lập trường phong kiến? Lập trường tư sản hay tiểu tư sản? Không. Phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.
Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói:
- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.
Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng:
- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.
Nhưng Tố Hữu cười khẩy:
- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.
Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ:
- A... Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã từ lòng nhân dân mà ra...
Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập trường của Tố Hữu không vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai anh nhạc sĩ Nam Kì này.
Theo sự hiểu biết của tôi - vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương trong ba năm trời - thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành Vân, mới đầu chỉ có hai mươi câu, mỗi câu hai nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ sáu câu mỗi câu mười sáu nhịp rồi tiến tới ba mươi hai nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.
Nhưng nếu cứ cho rằng đa số bài Vọng Cổ nói tới chuyện buồn đi, là làm nhụt chí anh hùng đi, thế tại sao vào ngày lịch sử 12 tháng 10 năm 1945, tất cả Nam Bộ cứ cầm gậy tầm vông vùng lên đánh Pháp và vẫn còn tiếp tục đánh Pháp cho tới bây giờ (là mùa Hè 1950). Những thính giả mà ta cho rằng đã bị đầu độc bằng bài Vọng Cổ hằng mấy chục năm, tại sao họ vẫn anh dũng chiến đấu? Họ đâu có đầu hàng Pháp? Và chắc chắn là họ vừa đánh giặc, vừa hát Vọng Cổ cho mà coi. Vọng Cổ, theo tôi, chính là bài hát phát sinh từ nhân dân cho nên nó mang rất nhiều chất tình tự dân tộc. Nói một cách khác, khi tôi nghe hát Vọng Cổ, tôi rất cảm động và tôi thương yêu nước tôi hơn là khi tôi nghe nhạc... classic hay nhạc rock chẳng hạn.
Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ:
- Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến.
Lại cũng không ổn. Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi, chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... Lối ngâm thơ rền rĩ mà những ngâm sĩ đã mắc phải khi diễn kịch thơ, ta có thể khắc phục được nếu ta huấn luyện cho các ngâm sĩ biết chọn đoạn nào ngâm, đoạn nào nói. Và nếu ngâm nên ngâm theo giọng gì? Giọng oán cần phải dùng cho đúng lúc. Là kịch thơ nhưng vẫn có thể có những đoạn nói thơ - lẽ dĩ nhiên không phải là lối nói thường hoặc nói lối theo kiểu Hát Chèo hay Cải Lương - Cần nhất là phải dùng tối đa những điệu ngâm khác biệt với giọng oán như sa mạc, cổ thi hay những điệu ngâm thơ nằm trong nhạc mục của Hát Ả Đào. Vấn đề này nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kĩ thuật (không phải nghệ thuật) cho nên rất dễ cải tiến. Opera của Âu Tây là cái gì, nếu không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên? Hơn nữa, gần đây, tại chiến trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có thể được gọi là những màn kịch thơ ngắn được lắm.
Với Đêm Liên Hoan hay Tâm Sự Đêm Giao Thừa được trình diễn với hai diễn viên và có điệu bộ, ta có mầm mống của những vở kịch thơ ái quốc. Ngay chính tôi đây, khi diễn ngâm bài thơ Bắn Đi Tố Hữu, tôi đã đóng kịch đó. Đóng vai anh thi sĩ đứng cạnh người lính Pháo Binh ở trên một ngọn đồi có đặt sẵn khẩu súng lớn nhắm xuống đồn địch. Người lính Pháo Binh phải chờ giờ khai hỏa, nhưng anh nghệ sĩ quá căm thù giặc, nhìn thấy chúng đang cười nói ở dưới đồn thì sốt ruột quá, anh thúc giục đồng chí Pháo Binh phải bắn đi. Bắn ngay lập tức. Tôi được bộ đội rất hoan nghênh khi đóng kịch trong cái màn thơ độc diễn này.
Tôi cho rằng, nếu lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam, chứ không phải thứ opera học mót của các trường phái của Âu Tây.
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử tọa bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
- Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.
Phải công nhận là trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này, những nhà lãnh đạo Việt Minh coi ngành sân khấu như một đội quân lớn để thể hiện đường lối gọi là văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được Chủ Tịch Đoàn đưa ra ngay từ hôm khai mạc Đại Hội. Dưới con mắt của Chính Quyền và nhất là của Đảng Cộng Sản ẩn hình sau Mặt Trận Việt Minh, ngành Sân Khấu là bộ môn có nhiều quần chúng nhất.
Do đó mà ta thấy Tố Hữu ra hết mệnh lệnh này tới mệnh lệnh khác, nhằm vào Kịch Thơ, nhằm vào bài Vọng Cổ của Sân Khấu Cải Lương và đề cao Thoại Kịch là đội quân xung kích của trận chiến này. Từ nay trở đi, sẽ có rất nhiều các đoàn văn công được thành lập để thực hiện những phương châm mà Đại Hội này đề ra, nói cho gọn là đem lập trường đấu tranh giai cấp vào ngành Ca-Kịch-Nghệ. Có lẽ để sửa soạn cho việc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” sắp sửa xẩy ra trong năm sau, khi Việt Cộng tiếp thu được bài học về chính sách này của Trung Cộng.
Các ngành khác - như âm nhạc chẳng hạn - cũng được bàn tay chỉ huy chiếu cố tới, nhưng sự ra lệnh có vẻ kín đáo và tế nhị hơn. Tôi bị phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên Giới. Nhưng tôi đóng kịch giả vờ ngu dại và lơ đãng, lờ luôn cái chuyện đó đi. Chỉ không hát những bài bị phê bình là tiêu cực và lãng mạn đó ở trong Đại Hội là cũng đủ làm hài lòng quý vị lãnh đạo rồi. Phải không?
Tối đến, trong buổi sinh hoạt có tính cách giải trí, tôi và Thái Hằng hát xong bài Bà Mẹ Quê là xuống ngồi nghe các nhạc sĩ trong đoàn Văn Nghệ Khu III biểu diễn. Có Canh Thân hát bài Thiên Thai với sự phụ họa dương cầm của vua piano Nguyễn Văn Hiếu. Văn Cao ngồi cạnh tôi nhiều khi phải nhăn mặt khi nghe Canh Thân hát bài Thiên Thai với quá nhiều fantaisies, nghĩa là ca sĩ hát sai nhiều nốt nhạc ở trong bài hát. Có các nhạc sĩ Xuân Tiên, Xuân Lôi... thổi kèn cho nhiều ca sĩ hát những bài của Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc...
Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được chỉ huy mà không có ai dám phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới địa phương rồi mới phản đối bằng cách... dinh tê. Đại Hội lại cũng rất là vui - giữa khu rừng xưa nay heo hút, bây giờ có rất đông đảo các tay to mặt lớn trong làng văn nghệ và chính trị tới gặp nhau. Sau bốn năm đi tung hoành ở mọi nơi, bây giờ họ mới có dịp tụ hội, mà lại tụ hội ở một nơi chúng tôi gọi là gần mặt trời. Giới văn nghệ sĩ có cảm tưởng như mình được trọng vọng. Trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với nhau rất là thân mật, tránh không nhắc tới những vấn đề mà chúng tôi coi như là những bêtes noires vừa được nêu lên trong Đại Hội.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vì quá yêu tôi qua những bài dân ca gần đây cho nên cho rằng tôi là người tạo ra được một âm giai đặc biệt Việt Nam, anh ta gọi là gamme phamduyrienne.
Đoàn Phú Tứ giúp tôi sửa lại hai chữ trong bài Tiếng Hát Trên Sông Lô:
Hỡi anh du kích tập bắn trên rừng
Thuyền tôi đậu bến Đoan Hùng
Nửa đêm nghe tiếng chim mừng líu lo...
- Cậu nên đổi hai chữ “nửa đêm” bằng hai chữ “bình minh”.
Tôi đồng ý ngay. Và cám ơn tác giả của bài thơ Mầu Thời Gian bất hủ. Sau này tôi có phổ nhạc bài thơ đó, không biết anh bạn vàng này có nghe được hay không?
Buổi tối có sinh hoạt văn nghệ. Có các khách ngoại quốc tham dự. Các cố vấn Liên Xô gặp nữ nghệ sĩ nào cũng ôm hôn khiến cho ai cũng ngượng. Họ còn mời các bà, các cô nhẩy theo kiểu Son Đố Mì nữa. Càng vui chứ sao? Đại Hội khoản đãi văn nghệ sĩ cũng rất chu đáo. Tuy không được hưởng chế độ ăn theo “tiểu táo” như các ông “vua mới” của nước ta, nhưng trong những bữa cơm tập thể nấu theo kiểu “đại táo” này, tôi đã được thưởng thức tài nội trợ của những bà như chị Võ Đức Diên với món chao làm bằng đậu xanh (soja) rất bổ béo. Trong suốt thời gian bốn tháng ở Yên Giã, ngày nào chúng tôi cũng được ăn cơm với chao, không đi tu mà cũng ăn trường chay.
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do...
CHO NHAU
Sau đó, tới phần thảo luận riêng của các ngành. So với mọi ngành khác, thành phần nghệ sĩ trong ngành kịch là đông đảo nhất. Tuy tôi là nhạc sĩ và vợ tôi là ca sĩ nhưng Thái Hằng còn là kịch sĩ nữa cho nên chúng tôi có mặt trong những buổi hội thảo về ngành này. Tôi gặp Hoàng Tích Linh, tác giả vở kịch nhan đề Tiếng Đập Cửa là người ở trong đoàn kịch Chiến Thắng của Tổng Cục Chính Trị. Diễn viên trong đoàn này là Thúy Cẩm, em gái của kịch sĩ Kỳ Ngung và Thùy Chi, em ruột của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Thùy Chi có tên thật là Khuê, nhưng được mọi người gọi là cô Thôn, tên của một nhân vật kịch. Cô Khuê đóng vai cô Thôn đặc sắc đến nỗi người ta không còn gọi cô bằng tên thật hay bằng tên nghệ sĩ của cô nữa. Nữ diễn viên Kiều Hạnh cũng là chị dâu của Thái Hằng và cũng có mặt tại Đại Hội này cùng với anh Phạm Đình Sĩ và mấy cháu Mai Hương, Bạch Tuyết và Sơn. Gặp được những người thân thích thì vợ tôi vui lắm.
Tôi cũng gặp cả Hoàng Cầm, vừa mới tới Yên Giã cùng với các diễn viên nổi tiếng trong ngành Kịch Thơ như Trần Hoạt, Kim Lân. Tôi thấy Hoàng Cầm gầy đi nhưng đôi mắt của nó vẫn còn sắc như dao, giọng nói của nó vẫn sang sảng...
Dưới sự chủ tọa của Thế Lữ, Hội Trưởng của Hội Sân Khấu, một anh hội viên là Đoàn Phú Tứ đứng ra thuyết trình về sự hình thành của sân khấu Việt Nam gồm có Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ, Kịch Nói... và xin mọi người thảo luận để định nghĩa cho một hình thức sân khấu mới mẻ nhất là Thoại Kịch tức Kịch Nói.
Sau nhiều tranh luận, Đoàn Phú Tứ tóm tắt các ý kiến của những người phát biểu. Tất cả đã nhất trí với định nghĩa này:
- Kịch là bộ môn nghệ thuật dùng sân khấu làm phương tiện trình bày những cảnh đời đang có mâu thuẫn. Khi mâu thuẫn đi tới chỗ kịch liệt thì phải giải quyết. Giải quyết xong mâu thuẫn là hết kịch.
Tôi đã biết tới những điều này từ lúc mới bước chân vào Liên Khu IV, được nghe tướng Nguyễn Sơn giảng về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ. Có gì là mới lạ đâu? Đã tưởng thế là xong phần thuyết trình và định nghĩa về Thoại Kịch sau khi các văn nghệ sĩ đã đồng ý với thuyết trình viên Đoàn Phú Tứ. Nhưng lập tức một số cán bộ chính trị đứng lên đòi Chủ Tịch Đoàn phải bổ túc thêm vào biên bản của hội nghị:
- Giải quyết những vấn đề trong các vở kịch thì phải có lập trường. Vậy chúng ta đứng trên lập trường nào? Lập trường phong kiến? Lập trường tư sản hay tiểu tư sản? Không. Phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản.
Trong một buổi họp khác, tổ kịch đang thảo luận về đặc trưng của các bộ môn sân khấu như Tuồng Cổ, Chèo Cổ, Cải Lương, Kịch Thơ và Kịch Nói, Tố Hữu đứng ra lên lớp anh em, trước hết là đả kích bài Vọng Cổ. Tố Hữu nói:
- Vọng Cổ có âm điệu ủy mị, làm cho người nghe bị ru ngủ, lòng người nghe bị mềm yếu rồi người nghe cúi đầu xuống, tiêu tan cả chí phấn đấu.
Lưu Hữu Phước, Tống Ngọc Hạp bèn kẻ trước người sau đứng lên bênh vực cho bài Vọng Cổ xuất xứ từ Nam Bộ của mình, nói rằng:
- Vọng Cổ hay lắm, hay lắm, không bỏ được Vọng Cổ đâu ạ.
Nhưng Tố Hữu cười khẩy:
- Vâng, bài Vọng Cổ hay lắm. Hay đến độ đã làm cho Việt Nam mất nước, bây giờ trong kháng chiến, ta phải nên cấm nó.
Nghe thấy vậy, bụng bảo dạ, tôi nghĩ:
- A... Tố Hữu nói như vậy thì có nghĩa là Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này phải có thái độ với bài hát đã từ lòng nhân dân mà ra...
Lưu Hữu Phước và Tống Ngọc Hạp im lặng. Xưa nay tôi là người không ưa cãi nhau cho nên lúc đó tôi cũng im luôn. Dù lập trường của Tố Hữu không vững lắm nhưng tôi cũng không đứng lên để bênh vực hai anh nhạc sĩ Nam Kì này.
Theo sự hiểu biết của tôi - vốn là kẻ đã đi theo gánh hát Cải Lương trong ba năm trời - thì bài Vọng Cổ đã ra đời vào năm 1917 là lúc nước Việt Nam đã sống dưới ách nô lệ thực dân từ lâu rồi. Đã mất nước rồi mới có một người là ông Sáu Lầu ở Bạc Liêu đẻ ra bài Vọng Cổ. Điệu Vọng Cổ xuất thân từ điệu Hành Vân, mới đầu chỉ có hai mươi câu, mỗi câu hai nhịp. Khi nó phát triển tới loại Vọng Cổ sáu câu mỗi câu mười sáu nhịp rồi tiến tới ba mươi hai nhịp thì âm nhạc của nó nghiêng hẳn về điệu ru con ở miền Nam. Trong suốt mấy chục năm, Vọng Cổ đã được dùng để kể lể đầy đủ mọi thứ chuyện buồn hay chuyện không buồn, kể cả những chuyện hài hước làm cho người nghe phải cười nôn ruột của mấy anh hề. Không phải chỉ có những bài hát Vọng Cổ than khóc mà thôi đâu.
Nhưng nếu cứ cho rằng đa số bài Vọng Cổ nói tới chuyện buồn đi, là làm nhụt chí anh hùng đi, thế tại sao vào ngày lịch sử 12 tháng 10 năm 1945, tất cả Nam Bộ cứ cầm gậy tầm vông vùng lên đánh Pháp và vẫn còn tiếp tục đánh Pháp cho tới bây giờ (là mùa Hè 1950). Những thính giả mà ta cho rằng đã bị đầu độc bằng bài Vọng Cổ hằng mấy chục năm, tại sao họ vẫn anh dũng chiến đấu? Họ đâu có đầu hàng Pháp? Và chắc chắn là họ vừa đánh giặc, vừa hát Vọng Cổ cho mà coi. Vọng Cổ, theo tôi, chính là bài hát phát sinh từ nhân dân cho nên nó mang rất nhiều chất tình tự dân tộc. Nói một cách khác, khi tôi nghe hát Vọng Cổ, tôi rất cảm động và tôi thương yêu nước tôi hơn là khi tôi nghe nhạc... classic hay nhạc rock chẳng hạn.
Chỉ huy xong sự khai tử bài Vọng Cổ, Tố Hữu đi tới phán quyết thứ hai của anh. Anh mạt sát thậm tệ Kịch Thơ:
- Nội dung kịch thơ phần nhiều chỉ phản ảnh tinh thần phong kiến. Cốt truyện đưa ra toàn là những nhân vật quan liêu. Lối diễn xuất bằng sự ngâm nga, nghe thật là rên rỉ, lướt thướt. Kịch Thơ không thích hợp với cuộc sống động của toàn dân đang kháng chiến.
Lại cũng không ổn. Những vở kịch thơ trước đây tôi đã được coi, chính là những vở kịch nung nấu lòng ái quốc của chính tôi, vì nó nói tới chuyện Nguyễn Trãi, Phi Khanh, nói tới Quán Biên Thùy, Người Mù Dạo Trúc, Bến Nước Ngũ Bồ, Lên Đường, Viễn Khách... Lối ngâm thơ rền rĩ mà những ngâm sĩ đã mắc phải khi diễn kịch thơ, ta có thể khắc phục được nếu ta huấn luyện cho các ngâm sĩ biết chọn đoạn nào ngâm, đoạn nào nói. Và nếu ngâm nên ngâm theo giọng gì? Giọng oán cần phải dùng cho đúng lúc. Là kịch thơ nhưng vẫn có thể có những đoạn nói thơ - lẽ dĩ nhiên không phải là lối nói thường hoặc nói lối theo kiểu Hát Chèo hay Cải Lương - Cần nhất là phải dùng tối đa những điệu ngâm khác biệt với giọng oán như sa mạc, cổ thi hay những điệu ngâm thơ nằm trong nhạc mục của Hát Ả Đào. Vấn đề này nằm hoàn toàn trong lĩnh vực kĩ thuật (không phải nghệ thuật) cho nên rất dễ cải tiến. Opera của Âu Tây là cái gì, nếu không phải là kịch thơ có ngâm nga và có hát lên? Hơn nữa, gần đây, tại chiến trường Cao-Bắc-Lạng, tôi và Hoàng Cầm rất thành công với những màn diễn thơ có thể được gọi là những màn kịch thơ ngắn được lắm.
Với Đêm Liên Hoan hay Tâm Sự Đêm Giao Thừa được trình diễn với hai diễn viên và có điệu bộ, ta có mầm mống của những vở kịch thơ ái quốc. Ngay chính tôi đây, khi diễn ngâm bài thơ Bắn Đi Tố Hữu, tôi đã đóng kịch đó. Đóng vai anh thi sĩ đứng cạnh người lính Pháo Binh ở trên một ngọn đồi có đặt sẵn khẩu súng lớn nhắm xuống đồn địch. Người lính Pháo Binh phải chờ giờ khai hỏa, nhưng anh nghệ sĩ quá căm thù giặc, nhìn thấy chúng đang cười nói ở dưới đồn thì sốt ruột quá, anh thúc giục đồng chí Pháo Binh phải bắn đi. Bắn ngay lập tức. Tôi được bộ đội rất hoan nghênh khi đóng kịch trong cái màn thơ độc diễn này.
Tôi cho rằng, nếu lúc đó Hoàng Cầm được khuyến khích để tiếp tục phát triển Kịch Thơ thì không chừng chúng ta đã có một thứ sân khấu có tính chất opera theo kiểu Việt Nam, chứ không phải thứ opera học mót của các trường phái của Âu Tây.
Sau khi Tố Hữu đã đả kích Kịch Thơ xong rồi, cử tọa bỗng im phăng phắc, mọi người chăm chú nhìn vào Hoàng Cầm, mục tiêu của sự đả kích. Hoàng Cầm đứng dậy, nhấc cái ghế đẩu mà nó vừa ngồi lên, trịnh trọng bưng ghế ra đặt ở giữa hội trường, lấy ở trong túi ra một sợi dây dài, dùng dây buộc tập kịch thơ, xong leo lên ghế đẩu, giơ tập thơ vừa mới bị trói chặt lên thật cao, tuyên bố:
- Tôi xin treo cổ Kịch Thơ. Bắt đầu từ ngày hôm nay.
Phải công nhận là trong Đại Hội Văn Nghệ Nhân Dân này, những nhà lãnh đạo Việt Minh coi ngành sân khấu như một đội quân lớn để thể hiện đường lối gọi là văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa đã được Chủ Tịch Đoàn đưa ra ngay từ hôm khai mạc Đại Hội. Dưới con mắt của Chính Quyền và nhất là của Đảng Cộng Sản ẩn hình sau Mặt Trận Việt Minh, ngành Sân Khấu là bộ môn có nhiều quần chúng nhất.
Do đó mà ta thấy Tố Hữu ra hết mệnh lệnh này tới mệnh lệnh khác, nhằm vào Kịch Thơ, nhằm vào bài Vọng Cổ của Sân Khấu Cải Lương và đề cao Thoại Kịch là đội quân xung kích của trận chiến này. Từ nay trở đi, sẽ có rất nhiều các đoàn văn công được thành lập để thực hiện những phương châm mà Đại Hội này đề ra, nói cho gọn là đem lập trường đấu tranh giai cấp vào ngành Ca-Kịch-Nghệ. Có lẽ để sửa soạn cho việc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” sắp sửa xẩy ra trong năm sau, khi Việt Cộng tiếp thu được bài học về chính sách này của Trung Cộng.
Các ngành khác - như âm nhạc chẳng hạn - cũng được bàn tay chỉ huy chiếu cố tới, nhưng sự ra lệnh có vẻ kín đáo và tế nhị hơn. Tôi bị phê bình là tiêu cực với những bài như Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây, Bà Mẹ Gio Linh. Và tôi được khuyến khích để khai tử một bài hát quá ư lãng mạn và đang được phổ biến rất mạnh mẽ trong toàn quốc là bài Bên Cầu Biên Giới. Nhưng tôi đóng kịch giả vờ ngu dại và lơ đãng, lờ luôn cái chuyện đó đi. Chỉ không hát những bài bị phê bình là tiêu cực và lãng mạn đó ở trong Đại Hội là cũng đủ làm hài lòng quý vị lãnh đạo rồi. Phải không?
Tối đến, trong buổi sinh hoạt có tính cách giải trí, tôi và Thái Hằng hát xong bài Bà Mẹ Quê là xuống ngồi nghe các nhạc sĩ trong đoàn Văn Nghệ Khu III biểu diễn. Có Canh Thân hát bài Thiên Thai với sự phụ họa dương cầm của vua piano Nguyễn Văn Hiếu. Văn Cao ngồi cạnh tôi nhiều khi phải nhăn mặt khi nghe Canh Thân hát bài Thiên Thai với quá nhiều fantaisies, nghĩa là ca sĩ hát sai nhiều nốt nhạc ở trong bài hát. Có các nhạc sĩ Xuân Tiên, Xuân Lôi... thổi kèn cho nhiều ca sĩ hát những bài của Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc...
Phải nói rằng Đại Hội Văn Nghệ này rất thành công. Thành công ở chỗ đại đa số văn nghệ sĩ được chỉ huy mà không có ai dám phản đối gì cả. Nếu có phản đối, phải đợi khi tan xong Đại Hội và trở về tới địa phương rồi mới phản đối bằng cách... dinh tê. Đại Hội lại cũng rất là vui - giữa khu rừng xưa nay heo hút, bây giờ có rất đông đảo các tay to mặt lớn trong làng văn nghệ và chính trị tới gặp nhau. Sau bốn năm đi tung hoành ở mọi nơi, bây giờ họ mới có dịp tụ hội, mà lại tụ hội ở một nơi chúng tôi gọi là gần mặt trời. Giới văn nghệ sĩ có cảm tưởng như mình được trọng vọng. Trong giờ nghỉ giải lao, chúng tôi trò chuyện với nhau rất là thân mật, tránh không nhắc tới những vấn đề mà chúng tôi coi như là những bêtes noires vừa được nêu lên trong Đại Hội.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn vì quá yêu tôi qua những bài dân ca gần đây cho nên cho rằng tôi là người tạo ra được một âm giai đặc biệt Việt Nam, anh ta gọi là gamme phamduyrienne.
Đoàn Phú Tứ giúp tôi sửa lại hai chữ trong bài Tiếng Hát Trên Sông Lô:
Hỡi anh du kích tập bắn trên rừng
Thuyền tôi đậu bến Đoan Hùng
Nửa đêm nghe tiếng chim mừng líu lo...
- Cậu nên đổi hai chữ “nửa đêm” bằng hai chữ “bình minh”.
Tôi đồng ý ngay. Và cám ơn tác giả của bài thơ Mầu Thời Gian bất hủ. Sau này tôi có phổ nhạc bài thơ đó, không biết anh bạn vàng này có nghe được hay không?
Buổi tối có sinh hoạt văn nghệ. Có các khách ngoại quốc tham dự. Các cố vấn Liên Xô gặp nữ nghệ sĩ nào cũng ôm hôn khiến cho ai cũng ngượng. Họ còn mời các bà, các cô nhẩy theo kiểu Son Đố Mì nữa. Càng vui chứ sao? Đại Hội khoản đãi văn nghệ sĩ cũng rất chu đáo. Tuy không được hưởng chế độ ăn theo “tiểu táo” như các ông “vua mới” của nước ta, nhưng trong những bữa cơm tập thể nấu theo kiểu “đại táo” này, tôi đã được thưởng thức tài nội trợ của những bà như chị Võ Đức Diên với món chao làm bằng đậu xanh (soja) rất bổ béo. Trong suốt thời gian bốn tháng ở Yên Giã, ngày nào chúng tôi cũng được ăn cơm với chao, không đi tu mà cũng ăn trường chay.
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do...
CHO NHAU
Bình luận facebook