Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 05
Chương Năm
Trước khi đề cập về sự học của tôi trong thời thơ ấu, hãy nói tới cái chơi của tôi lúc đó:
Hàng Ngang sang Hàng Đào
Hàng Đào vào Hàng Bạc
Hàng Bạc tạt sang Hàng Mắm
Hàng Mắm ngắm xuống Hàng Bè
Hàng Bè về Hàng Dầu
Hàng Dầu trông ra đầu Lò Xũ
Lò Xũ có một lũ bờ sông
Bờ sông trông thấy cầu
Trên cầu có Tàu chạy...
Đó là “đại tác phẩm” của tôi lúc còn thơ, mô tả cái thế giới thu hẹp của đôi chân bé bỏng, không đi được tới gần chợ Đồng Xuân hay đi qua cầu Paul Doumer. Nhưng cần gì phải đi đâu xa? Khu phố Hàng Dầu của tôi cũng đủ để cho anh em chúng tôi tung hoành. Chuyện trốn học để đi chơi là chuyện quá thường đối với tôi, qua một câu thơ “khẩu khí” của con nít phố Hàng Dầu:
Ma cà bông (vagabond), mà cà cúi
Lúi húi vườn hoa (école buissonnière)
Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu?
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54 (*), đứng đầu... du côn!
Tuy chỉ gắn bó với khu Hồ Gươm, tôi cũng được làm quen với các khu khác. Khi tôi sinh ra thì Hà Nội đã văn minh lắm rồi. Thành phố chia ra hai khu. Khu Phố Tây mới xây từ ngày Pháp tới còn nhà cửa ở khu Phố Ta thì có từ thời vua Lê chúa Trịnh. Nhưng đất Thăng Long bị phá hủy bởi giặc giã liên miên trong quá khứ cho nên khu phố ta cũng đổi mới luôn luôn. Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn thật cổ điển nhưng khu phố Hàng Dầu của tôi lại mới mẻ quá. Nhà cửa được xây cất thẳng hàng. Đường cái rộng rãi, chạy dọc chạy ngang theo hình thước thợ và đang được trải nhựa. Anh Nhượng bị bỏng nặng và suýt què tay khi loay hoay mở cái vòi của thùng hắc ín đang sôi sùng sục.
Trong Hà Nội, chỉ còn một số di tích cho tôi thấy dấu vết của thời xa xưa. Chẳng hạn chùa Trấn Quốc, cửa Ô Quan Chưởng hay cái tháp nhỏ, di tích còn sót lại của ngôi chùa lớn tên là Chùa Báo Ân nằm trên bờ hồ Gươm đã bị tàn phá để ở đó mọc lên nhà Dây Thép (Bưu Điện). Muốn âm thầm đi trong một con phố thật cổ kính, tôi phải tới ngõ Phất Lộc. Trong cái ngõ cũ nhỏ hẹp và khuất khúc này, có những ngôi nhà thấp bé, bề ngang chưa đầy 2 thước, thụt ra thụt vào, với mái ngói dẹp, với những cây leo bám vào tường rêu trông như những con rắn, con rết. Tôi hay tới ngõ Phất Lộc để biết yêu thêm bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Hơn một trăm năm trước tôi, Bà Huyện Thanh Quan đã nhớ Thăng Long Thành như vậy.
Còn có thêm dăm ba di tích cổ ở chốn thành đô làm tôi rung động. Tới chơi với các con của bà Suzanne - vợ thứ của ông Nguyễn Văn Vĩnh - ở phố Giám, tôi thường ra đứng ngắm những con rùa đá trong Văn Miếu và bỗng thấy mình già đi cả mấy trăm năm. Rồi mơ ước mình cũng thông thái như các bực hiền sĩ có tên khắc trên bia đá...
... Rồi khi tới nhìn lỗ đạn trên Thành Cửa Bắc do Pháp tạo ra thì thấy tủi nhục trong lòng. Nhưng khi tới Ô Cầu Giấy thì hãnh diện vì có quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc - người có liên hệ với họ ngoại của mình - đã hạ Henri Rivière ở đây...
Đi trong di tích cũ để tưởng tượng ra truyện lịch sử hay dã sử Việt Nam. Rồi thuộc lòng truyện anh hùng dân tộc không phải vì đọc sách mà qua lời ca của người hát rong, hát xẩm: Bà Trưng quê ở Châu Phong... Nhưng phải thú thật là chúng tôi bị ảnh hưởng chuyện kiếm hiệp Tàu hay cinéma câm nhiều hơn là truyện lịch sử, dã sử. Chúng tôi thích đóng tuồng Hoàng Giang Nữ Hiệp với nhau hay đóng vai anh hùng của cinéma câm là Zorro, đeo mặt nạ, khoác chăn dạ, đánh gươm.
Chúng tôi cũng mê đá bóng kinh khủng, luôn luôn theo dõi thành tích của Hội ÉCLAIR (Tia Sáng) vốn là hội bóng nhà, trụ sở ở ngay phố Hàng Tre. Mê đến độ nhớ tên các cầu thủ theo thứ tự ra quân, như nhớ một bài thơ không có vận:
Ty, (thủ môn) Tâm, Biềng (hậu vệ)
Mao, Tâm, Thịnh (trung phong)
Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo)
Chúng tôi cũng lập ra đội bóng nhi đồng trong đó Nhượng là hậu vệ trái, tôi là thủ môn. Đá bóng ngay gần nhà tôi, trên bãi cỏ ở sau lưng rạp Cinéma Pathé, cạnh Đền Bà Kiệu, đối diện với Hồ Gươm.
Nói tới chuyện coi cinéma thì trước khi cậy cửa hông rạp Pathé để coi cọp cuốn phim nói đầu tiên À L”Ouest, Rien De Nouveau, chúng tôi chỉ được coi phim câm tại rạp FAMILY ở Phố Hàng Buồm. Rạp này có hai hạng, coi mặt chính thì phải trả hai xu, coi mặt trái thì chỉ mất nửa tiền, cả hai hạng đều không có ghế, khán giả ngồi xệp xuống đất mà coi. So với phim thời nay, những phim trắng đen của thời đó đạo đức hơn nhiều. Chúng tôi rất thích coi phim khôi hài với các vua hề như Fatty, Charlot, Max Linder... Hề Charlot có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới sân khấu Việt Nam. Đã là hề của gánh hát thì thể nào cũng có thêm cái tên Charlot, ví dụ Charlot Miều.
Vào khoảng năm 1930, Charlot đi du lịch vòng quanh thế giới với vợ mới cưới là Paulette Godard và có ghé Hà Nội. Tôi đã thấy ông vua hề này đứng chụp ảnh cạnh Tháp Báo Ân ở bờ hồ khi tôi tới đó để mua lạc rang pha húng lìu rất ngon của vợ chồng một người Tàu. Họ bán hàng ngay cạnh Tháp nhưng mỗi khi trời mưa thì họ chui vào ngồi bên trong cái Tháp.
Những trò chơi hay những trò giải trí của lũ nhóc trạc độ 10-14 tuổi vào cái thời 1930-1935 tại Hà Nội, nói chung cũng rất là lành mạnh. Không có chuyện đua đòi theo nhau hút thuốc lá. Không có chuyện bài bạc, ngay cả chuyện đánh đáo, đánh khăng cũng ít xẩy ra, có lẽ vỉa hè thành phố không phù hợp với các trò chơi đó. Không có chuyện tới tuổi dậy thì, ham muốn nhục dục, và bàn nhau về chuyện trai gái. Lại càng không có chuyện lập gang đi vẽ bậy trên tường hay đi ăn cắp, ăn cướp tuy cũng hay túm năm tụm ba để chơi chạy thi, chơi nhẩy saute-moutons, chơi đánh boxe...
... Thỉnh thoảng gọi nhau đi đánh nhau với trẻ con ở khu khác. Trong khu phố có một thằng tên là Ỳ khá to con được coi như đầu đảng nhưng mỗi khi khởi sự đánh nhau thì thằng này chạy trước tiên! Còn có thêm cái chuyện kéo nhau đi trêu chọc những người Ấn Độ mở cửa hàng bán vải ở các Phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Biết họ thờ bò khinh lợn, chúng tôi đến trước cửa hàng của họ, lấy hai tay nắm hai cái vạt áo để làm thành ra hai cái tai lợn, ngoe nguẩy hai cái tai đó trước mặt họ rồi bỏ chạy khi họ vùng lên đuổi theo chúng tôi.
Ngoài những trò chơi đó và cái thú vui đọc truyện kiếm hiệp dịch từ truyện Tàu, đọc loại sách hồng bằng Pháp Văn (livre rose, sách dành cho tuổi thơ của người Pháp) thì cái thú lớn nhất vẫn là đi coi cinéma, nhất là cinéma có tiếng nói, rồi sưu tập những tờ chương trình (gọi là plaquettes) và ảnh tài tử Pháp hay Mỹ. Lúc đó thần tượng của chúng tôi là Albert Préjean, là Brigitte Helm, là Annabella vân vân...
Nhưng trong cái vui thưởng thức nghệ thuật của thời đó, lũ chúng tôi có mê đi coi Chèo Cổ đang được Nguyễn Đình Nghị biến thành Chèo Văn Minh hay không? Có thích đi coi Tuồng Quảng Lạc tức là Tuồng Tàu đã được Trần Phềnh hiện đại hóa hay không? Có tranh nhau đi coi Cải Lương Nam Kì đang ở trong thời thành lập với hai loại Tuồng Tàu và Tuồng Tây hay không? Chúng tôi có đi coi, nhưng không mê. Con nít thường hay bị mê hoặc bởi những gì rất xa vời hơn là bởi những cái quá gần gũi. Tuồng, Chèo, Cải Lương quá quen thuộc cho nên dù có cải cách cũng không có gì để hấp dẫn tuổi thơ. Vả lại những hình thức ca diễn kể trên nhắm vào khán giả người lớn nhiều hơn.
Trong phạm vi âm nhạc, chúng tôi cũng không có những bài hát cho tuổi thơ do nhạc sĩ Việt Nam soạn ra như trong những thế hệ sau này. Qua những đĩa hát thuộc loại 78 tours được người Pháp sản xuất và được phổ biến một cách giới hạn chúng tôi thuộc những bài Pháp hoặc những bài được gọi là bài ta theo điệu Tây nghĩa là soạn lời ca Việt để hát theo nhạc điệu Pháp hay Mỹ. Nhưng trong lúc vui chơi với nhau, không bao giờ chúng tôi có can đảm để hát cho nhau nghe những bài hát mà mình đã thuộc. Ngay ở trong trường học, cũng chẳng bao giờ có những buổi họp mặt, những ngày hội vào trường hay ra trường để có những tiếng hát của học trò, hát chung với nhau hoặc hát riêng cho nhau nghe.
Tuy vậy, trong cuộc sống gia đình, riêng tôi được nuôi dưỡng khá nhiều bằng âm nhạc. Mẹ tôi nuôi một bà đánh đàn tranh người Huế tên là bà Ấm Chung ở ngay trong nhà để dạy đàn cho hai chị tôi đánh những bài Nam Ai, Nam Bình, Lưu Thủy, Hành Vân... Tôi được làm quen ngay với nhạc dân tộc từ khi hãy còn măng sữa. Tôi còn có cảm tính quá nhạy bởi vì tôi khóc khi nghe một người hát rong đến trước cửa nhà, vừa hát vừa xin tiền với hát bài kể chuyện một hành khất mù bị đánh mất gậy. Cái vụ tôi cảm động đến khóc vì bài ca này là đề tài cho cả nhà tôi luôn luôn chọc quê tôi...
Tuổi thơ của tôi còn chứng kiến những cái gì được gọi là có truyền thống lâu đời, những truyền thống mà chẳng bao lâu nữa sẽ bị đào thải vì sự tiếp xúc với văn hóa Âu Tây do người Pháp mang tới. Chẳng hạn một ngành nghệ thuật cổ truyền là múa rối mà tôi được coi khi theo mẹ đi lễ. Tại các đền chùa khi xưa, vào những ngày lễ chính, người ta thường hay tổ chức những cuộc vui chơi như đánh đu, ném còn là những trò chơi không có gì là đặc biệt cho lắm. Nhưng trò múa rối thì rất hấp dẫn. Có hai loại múa rối: múa rối cạn và múa rối nước. Múa rối cạn của Việt Nam cũng giống như trò marionnette hay trò puppet của Âu Mỹ nhưng ít khi được biểu diễn ở chốn thị thành nên tôi thích lắm. Tuy nhiên, như đã nói ở Chương Hai múa rối cạn của chúng ta không tinh vi bằng múa rối Tàu. Nhưng múa rối nước thì chắc chắn ở Âu Mỹ không có. Tôi không biết Trung Hoa có loại nghệ thuật bình dân này hay không? Múa rối nước được biễu diễn ở một cái hồ hay cái ao. Khán giả đứng chung quanh bờ bỗng dưng thấy những con rối ở dưới nước nhẩy lên và làm trò trên mặt nước. Thật là ngoạn mục khi ta thấy những con rối lướt đi trên nước giống như con người có phép tiên. Kì diệu nhất là nếu có cảnh chiến tranh thì có pháo nổ từ dưới nước nổ lên. Trò múa rối bị bỏ rơi hằng mấy chục năm, bây giờ đang được phục hồi và canh tân.
Một trong những trò chơi khác là chọi chim. Nhiều người thường cho chim bồ câu là hiền lành vì nó được đem ra để làm biểu tượng cho hòa bình. Sai bét! Vì người ta không thấy trò chơi chọi chim ở Việt Nam như tôi đã thấy khi còn bé. Thật ra chim bồ câu rất hiếu chiến. Hai con bồ câu đực được nhốt trong một cái chuồng. Chúng rất hòa bình với nhau nhưng nếu đem con mái tới, và khi con mái xùy thì hai con đực đánh nhau tới chết! Ta đừng nên lấy làm lạ nếu thấy hai người con trai trong thời nay đánh nhau tới chết vì một người con gái.
Còn một trò chơi gọi là đầu hồ tôi chỉ thấy chơi trong thời đó, sau này không thấy ai chơi nữa. Đó là những thanh que dài, được người chơi đứng xa phóng lên cho đầu thanh que rơi xuống một cái trống con rồi thanh que đó bật ngược lên cao để rơi vào họng của một cái bình hoa đặt ở xa xa. Người chơi phải đạt được hai lần chính xác: một lần khi tung thanh que rơi xuống mặt trống và một lần nữa khi thanh que đó rơi vào cái miệng hẹp của chiếc bình hoa. Trò chơi này cho ta nghe hai âm thanh vui: tiếng tom của cái trống và tiếng thụt của thanh que khi rơi vào bình.
Ngoài những trò vui mà trẻ con nhà nghèo như tôi được coi không mất tiền vào những năm ba mươi như chuyện ông Hai Tây đóng đinh lỗ mũi, làm trò quỷ thuật và những người mãi võ bán thuốc sơn đông ở bãi cỏ bên đền Bà Kiệu... còn có thêm những trò xiếc ở chợ Hàng Da. Đây là nơi dành riêng cho những gánh xiếc lớn, ngày thường là nơi họp chợ, khi có gánh xiếc ngoại quốc hay xiếc Việt Nam tới dựng lều thì chợ Hàng Da là nơi thu hút tất cả trẻ em Hà Nội.
Tôi thích coi xiếc vì, với tôi xiếc là nơi kì diệu, con người đùa giỡn với tử thần khi đu bay hay nghịch ngợm với hổ báo... những việc tôi cho là siêu phàm. Tôi mê khung cảnh ồn ào của xiếc, bóng dáng và hành động phi lí của những chàng hề, thân hình mềm mại như bún của cô gái xiếc và nhất là mùi nồng của thú dữ. Và bao giờ tôi cũng buồn bã rất lâu khi gánh xiếc nhổ cọc cuốn lều ra đi.
Trò xiếc tôi được coi lúc đó không hoàn toàn theo truyền thống dân tộc dù trong quá khứ, Hát Cửa Đình, tiền thân của Hát Ả Đào cũng có trò đi trên dây và có nhào lộn. Có ba gánh xiếc Việt Nam, tổ chức theo xiếc Âu Tây. Gánh xiếc Việt Nam đầu tiên là Gánh Lạc Long...
Xuân Lôi, Xuân Tiên trong gánh xiếc
... Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Giá vé vào coi cũng không đắt lắm nhưng trẻ con như tôi thì thường chui dưới lều vào coi cọp một cách rất dễ dàng. Gánh Long Tiên có câu hát quảng cáo:
Xiếc này là xiếc Long Tiên
Đi xe đạp trên dây, gẩy đàn...
Sau này Gánh Long Tiên tan nhưng nhân viên của gánh trở thành những nhạc công giỏi như Xuân Tiên, Xuân Lôi.
Ban Nhạc Xuân Lôi, Xuân Tiên trong kháng chiến (Đống Năm 1949)
Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu Mỹ. Ông chủ gánh Tạ Duy Hiển là người Việt Nam đầu tiên điều khiển các thú dữ. Đầu chít khăn đống, mình mặc áo gấm hoa, thắt lưng đỏ, đôi chân đi ủng và một tay cầm ghế, một tay cầm roi dài quất lên đen đét để sai khiến mấy con hổ, trông ông rất oai.
Xiếc ngoại quốc có tới Việt Nam để kiếm ăn và có một chủ xiếc người Anh, tự tử ở thành phố Vinh. Chỉ vì mấy anh hề trong gánh làm một trò khôi hài trong đó có một anh “clown” đóng vai người da trắng đá đít một anh hề khác đóng vai người Việt Nam, chạm tới danh dự người mình cho nên gánh xiếc bị tẩy chay. Chủ gánh là Hamilton không đủ tiền để trả nhân viên và để nuôi thú vật nên tự tử.
Tôi mê xiếc đến độ tự đặt cho mình thêm cái tên bằng tiếng Pháp: Emecirque (Em-mê-Xiếc). Đó cũng còn bởi vì lúc đó tôi đang mê một con nhỏ láng giềng lai Pháp tên là Emilienne mà tôi sẽ nói tới trong một Chương sau.
Nói đến cọp trong gánh xiếc là nhớ tới Suối Rút ở biên giới hai tỉnh Sơn La-Hòa Bình và Núi Chẹ ở Sơn Tây. Một người bạn của mẹ tôi là bà Bách, sau khi lấy ông chồng Tây và có mấy người con gái lai thì tục huyền với một người Việt ở Suối Rút. Hai người con gái của bà lấy chung một ông chủ đồn điền ở Núi Chẹ tên là Thibault. Mẹ tôi đi mua sừng nai hay xương hổ để nấu thành cao ban long hay cao hổ cốt là lên hai chốn sơn lâm này và tôi thường được mẹ cho đi theo. Ở Núi Chẹ thì vui lắm nhưng ở Suối Rút thì tôi sợ ma vì được nghe câu doạ: Đất Sơn La (có con) ma Vạn Bú...
Từ Núi Chẹ đi Suối Rút phải đi qua Núi Tản của Tản Đà tức là Ba Vì của Trần Quang Dũng. Đi khỏi Chợ Bờ là tới Suối Rút, một làng sơn cước nằm ở Châu Mai (hay Châu Mộc?), hai cái tên sẽ vào nằm trong bài thơ Tây Tiến của thi sĩ họ Trần, anh bạn của tôi trong kháng chiến. Và ngay từ khi còn bé, tôi được sống những buổi chiều rừng có làn sương lam tỏa lên ôm ấp ngọn núi đá cạnh nhà, được nghe tiếng chim rừng gọi nhau buổi sớm hay nghe tiếng cọp gầm trong đêm. Sau này đi kháng chiến và phải sống ở vùng thượng du, tôi thấy rừng núi đối với tôi rất là thân thiết. Như bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Trong những ngày ở Núi Chẹ, tôi còn được thấy chị Yvonne là vợ của ông Thibault đêm đêm vác súng đi bắn cọp. Thấy đàn bà không sợ cọp, lại còn giết được cọp thì tôi phục lắm. Ngoài ra tôi còn được biết rằng cọp không bao giờ dám vồ người khi người đối diện với cọp và nhìn vào mắt cọp. Do đó ở Ấn Độ, người đi rừng thường đeo một cái mặt nạ ở đằng sau gáy. Cọp đi theo người, nhìn vào mặt nạ tưởng là nhìn vào mặt người, cọp bèn lảng đi.
Đồn điền Núi Chẹ cũng như nhà ông bà Bách ở Suối Rút đều nằm trong khu vực người Mường, người Thái. Tôi thấy được cuộc đời vật lộn với thiên nhiên của người sơn cước ngay từ khi tôi còn bé. Với cái nhìn vào sự sinh hoạt của dân miền núi, với hình ảnh chị Yvonne đội mũ có đèn pin đi bắn cọp và với bài học về Chúa Sơn Lâm như vậy, tôi sớm có ý niệm về sức mạnh tinh thần và vật chất của con người được dùng để cả thắng rừng thiêng thú dữ ra sao.
____________________________
(*) Thằng bạn ở số nhà hai mươi mốt cũng dùng được câu thơ này, miễn là đổi số nhà.
Bà tú từ bi
Ta ở bờ bể...
QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ
Trước khi đề cập về sự học của tôi trong thời thơ ấu, hãy nói tới cái chơi của tôi lúc đó:
Hàng Ngang sang Hàng Đào
Hàng Đào vào Hàng Bạc
Hàng Bạc tạt sang Hàng Mắm
Hàng Mắm ngắm xuống Hàng Bè
Hàng Bè về Hàng Dầu
Hàng Dầu trông ra đầu Lò Xũ
Lò Xũ có một lũ bờ sông
Bờ sông trông thấy cầu
Trên cầu có Tàu chạy...
Đó là “đại tác phẩm” của tôi lúc còn thơ, mô tả cái thế giới thu hẹp của đôi chân bé bỏng, không đi được tới gần chợ Đồng Xuân hay đi qua cầu Paul Doumer. Nhưng cần gì phải đi đâu xa? Khu phố Hàng Dầu của tôi cũng đủ để cho anh em chúng tôi tung hoành. Chuyện trốn học để đi chơi là chuyện quá thường đối với tôi, qua một câu thơ “khẩu khí” của con nít phố Hàng Dầu:
Ma cà bông (vagabond), mà cà cúi
Lúi húi vườn hoa (école buissonnière)
Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu?
Nhà tôi ở Phố Hàng Dầu
Số nhà 54 (*), đứng đầu... du côn!
Tuy chỉ gắn bó với khu Hồ Gươm, tôi cũng được làm quen với các khu khác. Khi tôi sinh ra thì Hà Nội đã văn minh lắm rồi. Thành phố chia ra hai khu. Khu Phố Tây mới xây từ ngày Pháp tới còn nhà cửa ở khu Phố Ta thì có từ thời vua Lê chúa Trịnh. Nhưng đất Thăng Long bị phá hủy bởi giặc giã liên miên trong quá khứ cho nên khu phố ta cũng đổi mới luôn luôn. Hồ Gươm với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn thật cổ điển nhưng khu phố Hàng Dầu của tôi lại mới mẻ quá. Nhà cửa được xây cất thẳng hàng. Đường cái rộng rãi, chạy dọc chạy ngang theo hình thước thợ và đang được trải nhựa. Anh Nhượng bị bỏng nặng và suýt què tay khi loay hoay mở cái vòi của thùng hắc ín đang sôi sùng sục.
Trong Hà Nội, chỉ còn một số di tích cho tôi thấy dấu vết của thời xa xưa. Chẳng hạn chùa Trấn Quốc, cửa Ô Quan Chưởng hay cái tháp nhỏ, di tích còn sót lại của ngôi chùa lớn tên là Chùa Báo Ân nằm trên bờ hồ Gươm đã bị tàn phá để ở đó mọc lên nhà Dây Thép (Bưu Điện). Muốn âm thầm đi trong một con phố thật cổ kính, tôi phải tới ngõ Phất Lộc. Trong cái ngõ cũ nhỏ hẹp và khuất khúc này, có những ngôi nhà thấp bé, bề ngang chưa đầy 2 thước, thụt ra thụt vào, với mái ngói dẹp, với những cây leo bám vào tường rêu trông như những con rắn, con rết. Tôi hay tới ngõ Phất Lộc để biết yêu thêm bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...
Hơn một trăm năm trước tôi, Bà Huyện Thanh Quan đã nhớ Thăng Long Thành như vậy.
Còn có thêm dăm ba di tích cổ ở chốn thành đô làm tôi rung động. Tới chơi với các con của bà Suzanne - vợ thứ của ông Nguyễn Văn Vĩnh - ở phố Giám, tôi thường ra đứng ngắm những con rùa đá trong Văn Miếu và bỗng thấy mình già đi cả mấy trăm năm. Rồi mơ ước mình cũng thông thái như các bực hiền sĩ có tên khắc trên bia đá...
... Rồi khi tới nhìn lỗ đạn trên Thành Cửa Bắc do Pháp tạo ra thì thấy tủi nhục trong lòng. Nhưng khi tới Ô Cầu Giấy thì hãnh diện vì có quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc - người có liên hệ với họ ngoại của mình - đã hạ Henri Rivière ở đây...
Đi trong di tích cũ để tưởng tượng ra truyện lịch sử hay dã sử Việt Nam. Rồi thuộc lòng truyện anh hùng dân tộc không phải vì đọc sách mà qua lời ca của người hát rong, hát xẩm: Bà Trưng quê ở Châu Phong... Nhưng phải thú thật là chúng tôi bị ảnh hưởng chuyện kiếm hiệp Tàu hay cinéma câm nhiều hơn là truyện lịch sử, dã sử. Chúng tôi thích đóng tuồng Hoàng Giang Nữ Hiệp với nhau hay đóng vai anh hùng của cinéma câm là Zorro, đeo mặt nạ, khoác chăn dạ, đánh gươm.
Chúng tôi cũng mê đá bóng kinh khủng, luôn luôn theo dõi thành tích của Hội ÉCLAIR (Tia Sáng) vốn là hội bóng nhà, trụ sở ở ngay phố Hàng Tre. Mê đến độ nhớ tên các cầu thủ theo thứ tự ra quân, như nhớ một bài thơ không có vận:
Ty, (thủ môn) Tâm, Biềng (hậu vệ)
Mao, Tâm, Thịnh (trung phong)
Phao, Mai, Hựu, Trọng, Tín (tiền đạo)
Chúng tôi cũng lập ra đội bóng nhi đồng trong đó Nhượng là hậu vệ trái, tôi là thủ môn. Đá bóng ngay gần nhà tôi, trên bãi cỏ ở sau lưng rạp Cinéma Pathé, cạnh Đền Bà Kiệu, đối diện với Hồ Gươm.
Nói tới chuyện coi cinéma thì trước khi cậy cửa hông rạp Pathé để coi cọp cuốn phim nói đầu tiên À L”Ouest, Rien De Nouveau, chúng tôi chỉ được coi phim câm tại rạp FAMILY ở Phố Hàng Buồm. Rạp này có hai hạng, coi mặt chính thì phải trả hai xu, coi mặt trái thì chỉ mất nửa tiền, cả hai hạng đều không có ghế, khán giả ngồi xệp xuống đất mà coi. So với phim thời nay, những phim trắng đen của thời đó đạo đức hơn nhiều. Chúng tôi rất thích coi phim khôi hài với các vua hề như Fatty, Charlot, Max Linder... Hề Charlot có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới sân khấu Việt Nam. Đã là hề của gánh hát thì thể nào cũng có thêm cái tên Charlot, ví dụ Charlot Miều.
Vào khoảng năm 1930, Charlot đi du lịch vòng quanh thế giới với vợ mới cưới là Paulette Godard và có ghé Hà Nội. Tôi đã thấy ông vua hề này đứng chụp ảnh cạnh Tháp Báo Ân ở bờ hồ khi tôi tới đó để mua lạc rang pha húng lìu rất ngon của vợ chồng một người Tàu. Họ bán hàng ngay cạnh Tháp nhưng mỗi khi trời mưa thì họ chui vào ngồi bên trong cái Tháp.
Những trò chơi hay những trò giải trí của lũ nhóc trạc độ 10-14 tuổi vào cái thời 1930-1935 tại Hà Nội, nói chung cũng rất là lành mạnh. Không có chuyện đua đòi theo nhau hút thuốc lá. Không có chuyện bài bạc, ngay cả chuyện đánh đáo, đánh khăng cũng ít xẩy ra, có lẽ vỉa hè thành phố không phù hợp với các trò chơi đó. Không có chuyện tới tuổi dậy thì, ham muốn nhục dục, và bàn nhau về chuyện trai gái. Lại càng không có chuyện lập gang đi vẽ bậy trên tường hay đi ăn cắp, ăn cướp tuy cũng hay túm năm tụm ba để chơi chạy thi, chơi nhẩy saute-moutons, chơi đánh boxe...
... Thỉnh thoảng gọi nhau đi đánh nhau với trẻ con ở khu khác. Trong khu phố có một thằng tên là Ỳ khá to con được coi như đầu đảng nhưng mỗi khi khởi sự đánh nhau thì thằng này chạy trước tiên! Còn có thêm cái chuyện kéo nhau đi trêu chọc những người Ấn Độ mở cửa hàng bán vải ở các Phố Hàng Ngang, Hàng Đào. Biết họ thờ bò khinh lợn, chúng tôi đến trước cửa hàng của họ, lấy hai tay nắm hai cái vạt áo để làm thành ra hai cái tai lợn, ngoe nguẩy hai cái tai đó trước mặt họ rồi bỏ chạy khi họ vùng lên đuổi theo chúng tôi.
Ngoài những trò chơi đó và cái thú vui đọc truyện kiếm hiệp dịch từ truyện Tàu, đọc loại sách hồng bằng Pháp Văn (livre rose, sách dành cho tuổi thơ của người Pháp) thì cái thú lớn nhất vẫn là đi coi cinéma, nhất là cinéma có tiếng nói, rồi sưu tập những tờ chương trình (gọi là plaquettes) và ảnh tài tử Pháp hay Mỹ. Lúc đó thần tượng của chúng tôi là Albert Préjean, là Brigitte Helm, là Annabella vân vân...
Nhưng trong cái vui thưởng thức nghệ thuật của thời đó, lũ chúng tôi có mê đi coi Chèo Cổ đang được Nguyễn Đình Nghị biến thành Chèo Văn Minh hay không? Có thích đi coi Tuồng Quảng Lạc tức là Tuồng Tàu đã được Trần Phềnh hiện đại hóa hay không? Có tranh nhau đi coi Cải Lương Nam Kì đang ở trong thời thành lập với hai loại Tuồng Tàu và Tuồng Tây hay không? Chúng tôi có đi coi, nhưng không mê. Con nít thường hay bị mê hoặc bởi những gì rất xa vời hơn là bởi những cái quá gần gũi. Tuồng, Chèo, Cải Lương quá quen thuộc cho nên dù có cải cách cũng không có gì để hấp dẫn tuổi thơ. Vả lại những hình thức ca diễn kể trên nhắm vào khán giả người lớn nhiều hơn.
Trong phạm vi âm nhạc, chúng tôi cũng không có những bài hát cho tuổi thơ do nhạc sĩ Việt Nam soạn ra như trong những thế hệ sau này. Qua những đĩa hát thuộc loại 78 tours được người Pháp sản xuất và được phổ biến một cách giới hạn chúng tôi thuộc những bài Pháp hoặc những bài được gọi là bài ta theo điệu Tây nghĩa là soạn lời ca Việt để hát theo nhạc điệu Pháp hay Mỹ. Nhưng trong lúc vui chơi với nhau, không bao giờ chúng tôi có can đảm để hát cho nhau nghe những bài hát mà mình đã thuộc. Ngay ở trong trường học, cũng chẳng bao giờ có những buổi họp mặt, những ngày hội vào trường hay ra trường để có những tiếng hát của học trò, hát chung với nhau hoặc hát riêng cho nhau nghe.
Tuy vậy, trong cuộc sống gia đình, riêng tôi được nuôi dưỡng khá nhiều bằng âm nhạc. Mẹ tôi nuôi một bà đánh đàn tranh người Huế tên là bà Ấm Chung ở ngay trong nhà để dạy đàn cho hai chị tôi đánh những bài Nam Ai, Nam Bình, Lưu Thủy, Hành Vân... Tôi được làm quen ngay với nhạc dân tộc từ khi hãy còn măng sữa. Tôi còn có cảm tính quá nhạy bởi vì tôi khóc khi nghe một người hát rong đến trước cửa nhà, vừa hát vừa xin tiền với hát bài kể chuyện một hành khất mù bị đánh mất gậy. Cái vụ tôi cảm động đến khóc vì bài ca này là đề tài cho cả nhà tôi luôn luôn chọc quê tôi...
Tuổi thơ của tôi còn chứng kiến những cái gì được gọi là có truyền thống lâu đời, những truyền thống mà chẳng bao lâu nữa sẽ bị đào thải vì sự tiếp xúc với văn hóa Âu Tây do người Pháp mang tới. Chẳng hạn một ngành nghệ thuật cổ truyền là múa rối mà tôi được coi khi theo mẹ đi lễ. Tại các đền chùa khi xưa, vào những ngày lễ chính, người ta thường hay tổ chức những cuộc vui chơi như đánh đu, ném còn là những trò chơi không có gì là đặc biệt cho lắm. Nhưng trò múa rối thì rất hấp dẫn. Có hai loại múa rối: múa rối cạn và múa rối nước. Múa rối cạn của Việt Nam cũng giống như trò marionnette hay trò puppet của Âu Mỹ nhưng ít khi được biểu diễn ở chốn thị thành nên tôi thích lắm. Tuy nhiên, như đã nói ở Chương Hai múa rối cạn của chúng ta không tinh vi bằng múa rối Tàu. Nhưng múa rối nước thì chắc chắn ở Âu Mỹ không có. Tôi không biết Trung Hoa có loại nghệ thuật bình dân này hay không? Múa rối nước được biễu diễn ở một cái hồ hay cái ao. Khán giả đứng chung quanh bờ bỗng dưng thấy những con rối ở dưới nước nhẩy lên và làm trò trên mặt nước. Thật là ngoạn mục khi ta thấy những con rối lướt đi trên nước giống như con người có phép tiên. Kì diệu nhất là nếu có cảnh chiến tranh thì có pháo nổ từ dưới nước nổ lên. Trò múa rối bị bỏ rơi hằng mấy chục năm, bây giờ đang được phục hồi và canh tân.
Một trong những trò chơi khác là chọi chim. Nhiều người thường cho chim bồ câu là hiền lành vì nó được đem ra để làm biểu tượng cho hòa bình. Sai bét! Vì người ta không thấy trò chơi chọi chim ở Việt Nam như tôi đã thấy khi còn bé. Thật ra chim bồ câu rất hiếu chiến. Hai con bồ câu đực được nhốt trong một cái chuồng. Chúng rất hòa bình với nhau nhưng nếu đem con mái tới, và khi con mái xùy thì hai con đực đánh nhau tới chết! Ta đừng nên lấy làm lạ nếu thấy hai người con trai trong thời nay đánh nhau tới chết vì một người con gái.
Còn một trò chơi gọi là đầu hồ tôi chỉ thấy chơi trong thời đó, sau này không thấy ai chơi nữa. Đó là những thanh que dài, được người chơi đứng xa phóng lên cho đầu thanh que rơi xuống một cái trống con rồi thanh que đó bật ngược lên cao để rơi vào họng của một cái bình hoa đặt ở xa xa. Người chơi phải đạt được hai lần chính xác: một lần khi tung thanh que rơi xuống mặt trống và một lần nữa khi thanh que đó rơi vào cái miệng hẹp của chiếc bình hoa. Trò chơi này cho ta nghe hai âm thanh vui: tiếng tom của cái trống và tiếng thụt của thanh que khi rơi vào bình.
Ngoài những trò vui mà trẻ con nhà nghèo như tôi được coi không mất tiền vào những năm ba mươi như chuyện ông Hai Tây đóng đinh lỗ mũi, làm trò quỷ thuật và những người mãi võ bán thuốc sơn đông ở bãi cỏ bên đền Bà Kiệu... còn có thêm những trò xiếc ở chợ Hàng Da. Đây là nơi dành riêng cho những gánh xiếc lớn, ngày thường là nơi họp chợ, khi có gánh xiếc ngoại quốc hay xiếc Việt Nam tới dựng lều thì chợ Hàng Da là nơi thu hút tất cả trẻ em Hà Nội.
Tôi thích coi xiếc vì, với tôi xiếc là nơi kì diệu, con người đùa giỡn với tử thần khi đu bay hay nghịch ngợm với hổ báo... những việc tôi cho là siêu phàm. Tôi mê khung cảnh ồn ào của xiếc, bóng dáng và hành động phi lí của những chàng hề, thân hình mềm mại như bún của cô gái xiếc và nhất là mùi nồng của thú dữ. Và bao giờ tôi cũng buồn bã rất lâu khi gánh xiếc nhổ cọc cuốn lều ra đi.
Trò xiếc tôi được coi lúc đó không hoàn toàn theo truyền thống dân tộc dù trong quá khứ, Hát Cửa Đình, tiền thân của Hát Ả Đào cũng có trò đi trên dây và có nhào lộn. Có ba gánh xiếc Việt Nam, tổ chức theo xiếc Âu Tây. Gánh xiếc Việt Nam đầu tiên là Gánh Lạc Long...
Xuân Lôi, Xuân Tiên trong gánh xiếc
... Rồi tới gánh Long Tiên và Tạ Duy Hiển. Giá vé vào coi cũng không đắt lắm nhưng trẻ con như tôi thì thường chui dưới lều vào coi cọp một cách rất dễ dàng. Gánh Long Tiên có câu hát quảng cáo:
Xiếc này là xiếc Long Tiên
Đi xe đạp trên dây, gẩy đàn...
Sau này Gánh Long Tiên tan nhưng nhân viên của gánh trở thành những nhạc công giỏi như Xuân Tiên, Xuân Lôi.
Ban Nhạc Xuân Lôi, Xuân Tiên trong kháng chiến (Đống Năm 1949)
Gánh Tạ Duy Hiển đồ sộ hơn vì có voi, có hổ giống như một gánh xiếc Âu Mỹ. Ông chủ gánh Tạ Duy Hiển là người Việt Nam đầu tiên điều khiển các thú dữ. Đầu chít khăn đống, mình mặc áo gấm hoa, thắt lưng đỏ, đôi chân đi ủng và một tay cầm ghế, một tay cầm roi dài quất lên đen đét để sai khiến mấy con hổ, trông ông rất oai.
Xiếc ngoại quốc có tới Việt Nam để kiếm ăn và có một chủ xiếc người Anh, tự tử ở thành phố Vinh. Chỉ vì mấy anh hề trong gánh làm một trò khôi hài trong đó có một anh “clown” đóng vai người da trắng đá đít một anh hề khác đóng vai người Việt Nam, chạm tới danh dự người mình cho nên gánh xiếc bị tẩy chay. Chủ gánh là Hamilton không đủ tiền để trả nhân viên và để nuôi thú vật nên tự tử.
Tôi mê xiếc đến độ tự đặt cho mình thêm cái tên bằng tiếng Pháp: Emecirque (Em-mê-Xiếc). Đó cũng còn bởi vì lúc đó tôi đang mê một con nhỏ láng giềng lai Pháp tên là Emilienne mà tôi sẽ nói tới trong một Chương sau.
Nói đến cọp trong gánh xiếc là nhớ tới Suối Rút ở biên giới hai tỉnh Sơn La-Hòa Bình và Núi Chẹ ở Sơn Tây. Một người bạn của mẹ tôi là bà Bách, sau khi lấy ông chồng Tây và có mấy người con gái lai thì tục huyền với một người Việt ở Suối Rút. Hai người con gái của bà lấy chung một ông chủ đồn điền ở Núi Chẹ tên là Thibault. Mẹ tôi đi mua sừng nai hay xương hổ để nấu thành cao ban long hay cao hổ cốt là lên hai chốn sơn lâm này và tôi thường được mẹ cho đi theo. Ở Núi Chẹ thì vui lắm nhưng ở Suối Rút thì tôi sợ ma vì được nghe câu doạ: Đất Sơn La (có con) ma Vạn Bú...
Từ Núi Chẹ đi Suối Rút phải đi qua Núi Tản của Tản Đà tức là Ba Vì của Trần Quang Dũng. Đi khỏi Chợ Bờ là tới Suối Rút, một làng sơn cước nằm ở Châu Mai (hay Châu Mộc?), hai cái tên sẽ vào nằm trong bài thơ Tây Tiến của thi sĩ họ Trần, anh bạn của tôi trong kháng chiến. Và ngay từ khi còn bé, tôi được sống những buổi chiều rừng có làn sương lam tỏa lên ôm ấp ngọn núi đá cạnh nhà, được nghe tiếng chim rừng gọi nhau buổi sớm hay nghe tiếng cọp gầm trong đêm. Sau này đi kháng chiến và phải sống ở vùng thượng du, tôi thấy rừng núi đối với tôi rất là thân thiết. Như bạn cũ lâu ngày gặp lại.
Trong những ngày ở Núi Chẹ, tôi còn được thấy chị Yvonne là vợ của ông Thibault đêm đêm vác súng đi bắn cọp. Thấy đàn bà không sợ cọp, lại còn giết được cọp thì tôi phục lắm. Ngoài ra tôi còn được biết rằng cọp không bao giờ dám vồ người khi người đối diện với cọp và nhìn vào mắt cọp. Do đó ở Ấn Độ, người đi rừng thường đeo một cái mặt nạ ở đằng sau gáy. Cọp đi theo người, nhìn vào mặt nạ tưởng là nhìn vào mặt người, cọp bèn lảng đi.
Đồn điền Núi Chẹ cũng như nhà ông bà Bách ở Suối Rút đều nằm trong khu vực người Mường, người Thái. Tôi thấy được cuộc đời vật lộn với thiên nhiên của người sơn cước ngay từ khi tôi còn bé. Với cái nhìn vào sự sinh hoạt của dân miền núi, với hình ảnh chị Yvonne đội mũ có đèn pin đi bắn cọp và với bài học về Chúa Sơn Lâm như vậy, tôi sớm có ý niệm về sức mạnh tinh thần và vật chất của con người được dùng để cả thắng rừng thiêng thú dữ ra sao.
____________________________
(*) Thằng bạn ở số nhà hai mươi mốt cũng dùng được câu thơ này, miễn là đổi số nhà.
Bà tú từ bi
Ta ở bờ bể...
QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ