• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Lễ tế mùa xuân (5 Viewers)

  • P2-Chương 3+4

[3]





“Phải rồi, ta vẫn luôn muốn thỉnh giáo hai vị quý khách uyên bác vài vấn đề về thần linh. Tuy ta biết nhà Nho không nói về những chuyện quái lạ, bạo lực, phản loạn, quỷ thần*, nhưng giờ mọi người vừa nhắc tới đề tài về thần linh, cũng nên đưa ra học thuyết Nho giáo, nếu không sẽ bị kỳ thị là dị đoan.”



* Câu này lấy ý theo một câu trong Luận ngữ: Tử bất ngữ quái, lực, loạn, thần. Có nghĩa là Khổng Tử không nói về bốn điều: Quái lạ, bạo lực, phản loạn, quỷ thần.



Dường như để bầu không khí thoải mái hơn, chủ nhà Quan Vô Dật lên tiếng, chuyển đề tài về lễ tế vào mấy ngày sau.



“Nhà họ Quan đã từng chấp chưởng việc tế bái quốc gia của nước Sở, đối tượng tế bái chủ yếu là những vị thần được thờ phụng trên đất Sở. Trong đó Đông Hoàng Thái Nhất là Chủ thần tối cao, xếp sau là các thiên thần như Đông Quân, Tư Mệnh, Vân Trung Quân…, tiếp đó là các vị thần núi sông như Tương Quân, Tương Phu Nhân, Quý Núi,… cuối cùng là linh hồn của những người hi sinh vì đất nước. Cửu ca* của Khuất Nguyên được viết dựa theo hệ thống thần linh đất Sở. Ta vốn tưởng rằng Đông Hoàng Thái Nhất là vị thần của riêng đất Sở, tuy nhiên ta nghe nói hiện giờ vương triều Hán cũng coi Thái Nhất là Chủ thần trong việc tế bái quốc gia; mà người chủ trì tế bái Đông Quân và Vân Trung Quân ở Trường An không phải pháp sư đất Sở mà là pháp sư đất Tấn, điều này khiến ta vô cùng kinh ngạc, vậy nên muốn thỉnh giáo các vị một chút…”



* Cửu ca vốn là tên gọi của một ca khúc viễn cổ trong thần thoại truyền thuyết của dân tộc Hán, Khuất Nguyên đã dựa theo nhạc tế thần dân gian của dân tộc Hán để cải biên sửa chữa. Tác phẩm có tổng cộng 11 thiên: Đông Hoàng Thái Nhất, Vân Trung Quân, Thiếu Tư Mệnh, Đông Quân, Tương phu nhân, Tương Quân, Đại Tư Mệnh, Hà Bá, Sơn Quỷ, Quốc thương, Lễ hồn.



“Khi du học ở Trường An ta cũng từng nghe vài chuyện về tế bái, song dù sao ta vẫn tập trung vào Kinh Thi là chính, nghiên cứu rất ít về Lễ học, e là không thể giải đáp nghi vấn cho ngài. Còn Vu Lăng quân hình như rất tinh thông Lễ thư, hẳn là cũng có quan điểm riêng về vấn đề này nhỉ ?”



Bạch Chỉ Thủy bèn giao vấn đề mà mình không thể giải quyết được cho thiếu nữ ngồi kế bên ông.



“Có lẽ ta hơi say rồi, bởi vậy nhất thời cũng không biết nên hồi đáp thế nào.” Quỳ nói, “Vậy nên xin hãy bao dung cho ta phí chút thời gian để ngẫm lại về việc tế bái quốc gia, sau đó cũng có thể đưa ra đáp án về vấn đề ‘Thái Nhất’. Còn tại sao Đông Quân và Vân Trung Quân lại do pháp sư đất Tấn tế bái thì… thật xin lỗi, ta cũng không rõ lắm. Đây là sự phân công quyền hạn được lập ra từ khi Cao tổ dựng nước, có lẽ là noi theo chế độ nước Tần thôi. Tuy nhiên có thể khẳng định một điều rằng, các vị thần Thái Nhất, Đông Quân, Vân Trung Quân này, thực ra cũng không phải của riêng đất Sở, mà là tín ngưỡng phổ biến của các quốc gia vào thời Chiến Quốc.”



Dường như Quỳ đã phủ định tính đặc biệt của tín ngưỡng đất Sở, điều này khiến Quan Vô Dật có phần không vui, nhưng đúng là ông đã “bao dung” nàng một cách lễ độ, dù gì trong mắt ông thì tuy học vấn và kiến thức của đối phương rất uyên bác, phong phú, song cũng chỉ là một thiếu nữ bằng tuổi con gái út của mình mà thôi.



Có điều, sau đó Quỳ đã chứng minh rằng Quan Vô Dật thực sự đã đánh giá thấp nàng.



“‘Thái Nhất’ hay còn gọi là ‘Đại Nhất’, đôi khi còn được gọi tắt là ‘Thái’. Việc tế tự của triều đình với vị thần này bắt nguồn từ đương kim hoàng thượng. Trước đây Chủ thần tối cao được vương thất nhà Hán thờ phụng là Thiên thần Ngũ phương, cũng chính là ‘Ngũ Đế’, tức Bạch Đế, Thanh Đế, Hoàng Đế, Xích Đế, Hắc Đế. Cho tới năm Nguyên Sóc thứ năm, ở huyện Bạc quận Sơn Dương có một vị đạo sĩ tên là Mậu Kỵ bẩm tấu lên đương kim hoàng thượng xin được tế bái Thái Nhất và đưa ra phương pháp tế bái. Ông ta nói, ‘Vị thần cao quý nhất trong tất cả các vị thần là Thái Nhất, phụ tá của Thái Nhất là Ngũ Đế’, tức là, ông ta cho rằng Thái Nhất là vị thần tối cao thống lĩnh Thiên thần Ngũ phương. Đương kim hoàng thượng chấp nhận tấu chương của ông ta, thiết lập đàn tế Thái Nhất ở phía Đông Nam thành Trường An. Đây là hình thức tế bái đầu tiên của triều đình với Thái Nhất.



Hình thức thứ hai có thể nói là bổ sung cho hình thức thứ nhất. Có người đề nghị rằng, Thiên tử cổ đại phải tế bái ‘Tam Nhất’ - tức Thiên Nhất, Địa Nhất, Thái Nhất. Thế là đương kim hoàng thượng liền ra lệnh cho Thái chúc* tổ chức lễ tế trên đàn tế được xây dựng lúc trước.



* Một chức quan quản lý việc tế bái.



Sau đó, lại có kẻ đưa ra phương pháp tế bái mới, được đương kim hoàng thượng chấp nhận, cũng tiến hành lễ tế trên đàn tế được xây dựng lúc trước. Phương pháp này không chỉ tế bái Thái Nhất mà còn tế bái các vị thần như Hoàng Đế, Minh Dương, Mã Hành, Sơn Quân núi Cao, Vũ Di Quân, Sứ giả Âm Dương… Đây là hình thức tế bái thứ ba với Thái Nhất.



Tới năm Nguyên Thú* thứ năm, đương kim hoàng thượng vừa khỏi bệnh nặng, bèn xây dựng Thọ cung, tế bái Thần Quân. Vị thần có địa vị cao nhất trong Thần Quân chính là Thái Nhất, tiếp đó là những vị thần như Thái Cấm, Tư Mệnh. Đây là hình thức tế bái thứ tư.



* Niên hiệu thứ tư thời Hán Vũ đế.



Tới năm Nguyên Đinh* thứ năm, đương kim hoàng thượng lệnh cho Từ quan** Khoan Thư dựng một đàn tế Thái Nhất ở cung Cam Tuyền, mô phỏng theo dáng vẻ mà Mậu Kỵ miêu tả, tổng cộng có ba tầng, đặt đàn tế thờ Ngũ Đế dưới đàn tế thờ Thái Nhất. Đông chí năm ấy, đương kim hoàng thượng đích thân bái lạy Thái Nhất. Có kẻ nói rằng đêm ấy bầu trời sáng rực, có ánh vàng bay vút lên cao. Đây chính là hình thức tế bái thứ năm với Thái Nhất.



* Niên hiệu thứ năm thời Hán Vũ đế.



** Vị quan quản lý việc tế bái.



Sau khi vào thu, đương kim hoàng thượng chuẩn bị chinh phạt nước Triệu, bởi vậy lại cầu xin Thái Nhất, lần này còn vẽ cờ hiệu, phía trên viết ‘Thái Nhất Tam Tinh’ nên còn được gọi là ‘Cờ hiệu Thái Nhất’. Khi tế bái, Thái sử cầm cờ, chỉ về nước chuẩn bị chinh phạt. Đây là hình thức tế bái thứ sáu.



Cuối cùng, tới năm Nguyên Phong* thứ năm, đương kim hoàng thượng cho xây một Thiên cung** ở Tây Nam huyện Phụng Cao dựa theo bức vẽ mà nghệ nhân người Tế Nam*** Công Ngọc Đới dâng lên. Hình dáng cụ thể của Thiên cung, ta không tiện nói cho mọi người, nhưng những vị thần được thờ phụng bên trong thì nhắc đến cũng không hề gì. Thiên cung chủ yếu thờ phụng Cao tổ của triều đại chúng ta, đồng thời cũng thờ phụng Thái Nhất, Ngũ Đế và Hậu Thổ. Đây chính là hình thức tế bái thứ bảy với Thái Nhất.”



* Niên hiệu thứ sáu thời Hán Vũ đế.



** Nơi để thờ cúng, tế bái, rất lớn, giống như một cung điện.



***Thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.



Nghe xong tổng kết của Quỳ, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, không thể đưa ra kết luận gì từ những điều này.



“Những hình thức tế bái trên có thể được chia thành ba loại.” Quỳ nói tiếp, “Đầu tiên là hình thức tế bái thứ ba và thứ tư, thân phận của Thái Nhất trong ấy rất khó xác định, phương pháp tế bái dường như cũng thiếu căn cứ. Ta nghi ngờ phương pháp tế bái này do đạo sĩ sáng tạo ra từ việc pha trộn tín ngưỡng dân gian, bởi vậy ta cũng khó có thể đưa ra kết luận gì từ những điều này.



Năm hình thức tế bái còn lại thì có thể chia thành hai loại. Trong loại tế bái đầu tiên, Thái Nhất xuất hiện với tư cách vị thần tối cao, trong đó bao gồm các hình thức thứ nhất, thứ năm và thứ bảy. Trong ba hình thức tế bái này Thái Nhất đều xuất hiện cùng ‘Ngũ Đế’, cũng được coi là thống lĩnh của ‘Ngũ Đế’. Vì ‘Ngũ Đế’ là thiên thần các phương, mà Thái Nhất lại là ‘vị thần cao quý nhất trong các vị thần’ theo lời Mậu Kỵ. Trong loại tế thứ hai, cũng chính là trong hình thức tế bái thứ hai và thứ sáu, Thái Nhất có liên hệ với con số ‘ba’. Điều này khiến chúng ta phải lưu tâm. Từ ‘Thái Nhất Tam Tinh’ trong hình thức tế bái thứ sáu thì có thể suy ra, ở đây Thái Nhất là tên của sao. Lại kết hợp với hình thức thứ hai thì có thể nhận ra, ‘Thái Nhất Tam Tinh’ rất có thể lần lượt là Thiên Nhất, Địa Nhất và Thái Nhất.”



Nói tới đây, Quỳ nhấp một ngụm rượu rồi nói tiếp.



“Sau đây, ta muốn giải thích vấn đề này từ góc độ hiện tượng thiên văn. Ta cho rằng, hai loại ‘Thái Nhất’ này đều có liên quan tới bầu trời sao trên đầu chúng ta. Trong quan niệm ban đầu, vua của bầu trời là mặt trời, mặt trăng, còn địa vị của các ngôi sao gần như là bình đẳng. ‘Thứ dân duy tinh’* trong Hồng phạm** chính là ý này.



* Tức là dân chúng giống như sao trời, mỗi người lại có sở thích, ý nguyện khác nhau.



** Một thiên của Kinh Thư (Thượng Thư), nói về phép tắc thống trị thiên hạ.



Sau đó, để tiện lợi cho việc bói toán mà hệ thống ‘Thiên quan’ dần được hình thành.



‘Thiên quan’ chia bầu trời thành năm bộ phận dựa theo Trung, Đông, Tây, Nam, Bắc, chúng cũng lần lượt tương ứng với các loại sự vật ở nhân gian. Ví dụ như Trung quan, là tượng trưng cho hoàng cung ở nhân gian. Theo lời giải thích của các nhà chiêm tinh,‘Trong Trung quan Thiên Cực tinh, Thái Nhất thường an vị ở chỗ sáng, ba ngôi sao bên cạnh là Tam Công, hoặc gọi là Tử Chúc.’ Thiên Cực tinh trong đoạn văn này thực ra không nằm giữa trời mà nằm chếch về phía Bắc, bởi vậy cũng được gọi là ‘Bắc đẩu’. Học thuyết của Khổng Tử cũng nói về ‘Thiên cực tinh’: ‘Dùng đạo đức cảm hóa để thống trị triều cương, sẽ tựa như sao Bắc đẩu, luôn ở yên một chỗ mà các chòm sao khác đều sẽ quay xung quanh nó.’ Bởi vì địa vị của nó thực sự đặc biệt, đôi khi còn được gọi là ‘Đế tinh’. Mà theo câu ‘Thái Nhất thường an vị ở đó’ thì có thể suy ra, ngôi sao này chính là Thái Nhất. Trong Xuân Thu Công Dương truyện có viết ‘Bắc đẩu cũng là Đại thần’, ấy là một bằng chứng cho thấy Bắc đẩu chính là sao Thái Nhất…”



“Thế nhưng,” Lộ Thân ngắt lời Quỳ, “Khi nãy Tiểu Quỳ có nói, ‘Thái Nhất’ là một trong ba ngôi sao cơ mà? Nói thế thì Thái Nhất hẳn phải là một trong ‘ba ngôi sao bên cạnh’ mới đúng.”



“Đúng vậy, Lộ Thân thật lanh trí. ‘Ba ngôi sao bên cạnh’ ở đây chính là ‘Thái Nhất Tam Tinh’, tức ‘Tam Nhất’, lần lượt là sao Thiên Nhất, sao Địa Nhất và sao Thái Nhất.”



“Vậy ‘Thiên Cực tinh’ mà ngươi vừa nói thì sao?”



“Đó cũng là sao Thái Nhất.”



“Vì sao lại có hai ngôi sao Thái Nhất?” Lộ Thân hỏi, dùng ngón trỏ tay trái chấm vào rượu rồi vẽ lên bàn tổng cộng bốn ngôi sao: một sao lớn và ba sao nhỏ.



Quỳ nắm chặt lấy tay nàng, kéo tới chỗ ba ngôi sao nhỏ, vẽ một cái khung vuông bên ngoài chúng.



“Ba ngôi sao nhỏ hợp lại là “Thái Nhất Tam Tinh’. Theo suy đoán của ta thì ba ngôi sao này thực ra là kết quả sau khi sao Thái Nhất phân thân.” Quỳ nói, “Nói vậy cũng không chính xác lắm, để ta nghĩ xem nên diễn tả thế nào mới tốt…”



“Theo dẫn chứng mà Tiểu Quỳ đưa ra thì hình như cũng chỉ có thể nói đến đây thôi. Quan hệ giữa Thái Nhất và Thái Nhất Tam Tinh vẫn chưa làm rõ được.”



“Được rồi, vậy để ta bổ sung một dẫn chứng nữa. Trong Lễ thư của Nho gia từng viết, ‘Cái gốc của lễ nghi là Đại Nhất, phân thành trời đất, quay thành âm dương, biến thành bốn mùa, chia thành quỷ thần, gọi là mệnh, gắn với trời.’ ‘Đại Nhất’ ở đây chính là Thái Nhất, mà khái niệm ‘Thái Nhất’ ở đây dường như không chỉ là thiên thần. ‘Gắn với trời’ - ý chỉ nó chi phối trời, vậy thì nó phải cao hơn trời một bậc.



Nếu dựa theo ‘Thiên pháp đạo*’ của Lão Tử thì không lẽ ‘Thái Nhất’ này chính là chỉ ‘Đạo’? Ta nghĩ có thể hiểu như vậy. Căn cứ vào câu ‘phân thành trời đất’ có thể suy ra, trời đất là do ‘Thái Nhất’ phân chia mà thành, bởi vậy Thái Nhất hẳn là trạng thái hỗn mang của trời đất. Sau khi Thái Nhất hoàn chỉnh và hỗn độn này phân chia, sinh ra trời và đất, phần còn lại chính là vị thần Thái Nhất.



* Trích trong “Đạo pháp tự nhiên”, xuất phát từ tư tưởng triết học trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.” Lão Tử đã dùng thủ pháp nối tiếp để tổng quát quy luật của trời, đất, người, thậm chí sinh mệnh trong toàn vũ trụ. “Đạo pháp tự nhiên” đưa ra đặc tính của toàn vũ trụ, bao gồm hết thảy sự vật trong trời đất đều làm theo hoặc tuần hoàn theo “Đạo” một cách “tự nhiên”.



Vậy tức là, thiên thể tương ứng với Thái Nhất thuở ban sơ chính là sao Thái Nhất, cũng chính là Thiên Cực Tinh. Còn Trời, Đất, Thần được sinh ra thì lần lượt tương ứng với Thiên Nhất, Địa Nhất và Thái Nhất trong ‘Thái Nhất Tam Tinh’.”*



* Chú thích của tác giả: Về quan hệ giữa “Thái Nhất” và “Thái Nhất Tam Tinh”, đã tham khảo luận văn Nghiên cứu khảo cổ về thờ phụng Thái Nhất, và Khảo cứu về Tam Nhất (Từ Tiếp tục khảo cứu về phương thuật Trung Quốc) của tiên sinh Lý Linh.



Bạch Chỉ Thủy ngồi kế bên Quỳ nghe xong cứ vỗ tay mãi không thôi, còn Lộ Thân cũng nhìn nàng bằng ánh mắt ngưỡng mộ.



“Nhưng Vu Lăng quân à, hình như những luận chứng này của ngươi chẳng liên quan gì đến vấn đề của ta cả.” Thân là trưởng bối, Quan Vô Dật chỉ ra điểm này mà chẳng hề e ngại.



“Sẽ nói tới đó ngay thôi.” Quỳ nói bằng giọng điệu đặc trưng của thiếu nữ, “Tuy nhiên, thật ngại quá, ta quên mất, vấn đề của ngài là…”



Thực ra ta cũng không nhớ rõ - Tuy Quan Vô Dật rất muốn nói ra câu này, mà sự thật cũng đúng là như vậy, nhưng là bề trên thì dù sao ông cũng không thể nói thế được. Lộ Thân nhận ra điều đó, song nàng cũng không nhớ rõ ban đầu phụ thân của mình muốn thỉnh giáo điều gì. Tiểu Hưu cũng nhận ra bầu không khí khó xử, có điều với thân phận của nàng thì không thích hợp tham gia.



Tuy vậy, Tiểu Hưu vẫn đặt câu hỏi.



Đôi khi biết là sẽ bị trách mắng, tuy nhiên Tiểu Hưu vẫn muốn làm vài chuyện khác thường, có lẽ nàng muốn nhờ điều đó để thu hút sự chú ý của chủ nhân.



“Tiểu thư, em không hiểu lắm…” Tiểu Hưu kéo tay áo Quỳ, dè dặt hỏi, “Tiểu thư vừa nói ‘Thái Nhất’ là Bắc đẩu, có điều ban nãy Quan đại nhân hỏi về ‘Đông Hoàng Thái Nhất’. Một ở phía Bắc, một ở phía Đông, chúng là một thật sao?”



“Đúng là một cô bé lắm lời.” Quỳ quay người véo má Tiểu Hưu, đùa rằng, “Nhưng tính tò mò này rất giống ta. Vậy cũng không uổng công ta chọn tên cho em từ trong Kinh Thi.”



“Ta thấy cái tính lắm lời ấy cũng giống Tiểu Quỳ lắm.”



Lộ Thân ngồi bên cười trộm.



“Tiểu thư đâu có lắm lời chứ.”



Cuối cùng Tiểu Hưu lại dám phản bác Lộ Thân khiến mọi người ngồi đây đều không nhịn được cười. Tiểu Hưu thấy vậy bèn đỏ mặt xấu hổ, cúi gập đầu xuống.



“Vậy thì ta sẽ đặc biệt phục vụ tỳ nữ của mình một lần nhé. Dưới bầu trời rộng lớn này còn tìm đâu ra được một chủ nhân hiền lành tốt bụng như ta nữa.” Thực ra trong lòng Quỳ rất thỏa mãn với hành động này của Tiểu Hưu, vì bầu không khí cũng thoải mái hơn nhiều. Song ngoài miệng vẫn không thể nhượng bộ mà nhất định phải làm rõ sự khác biệt trên dưới giữa chủ và tớ. Thế là nàng bèn khẽ thì thầm bên tai Tiểu Hưu: “Khi về phòng sẽ dạy dỗ em sau.”



Tiểu Hưu lẳng lặng gật đầu, thực ra nàng cũng chẳng sợ. Khi nãy nàng tỏ vẻ sợ sệt cũng chỉ bởi e thẹn khi nói chuyện trước mặt mọi người. Trong lòng nàng biết thỉnh thoảng Quỳ đối xử tàn nhẫn với mình, chẳng qua chỉ là muốn ra vẻ chủ nhân mà thôi.



“Những kiến giải sau đây hoàn toàn là suy đoán của ta, e rằng cũng không thể tìm ra căn cứ thiết thực. Nhưng nếu tham khảo văn hiến, kiểm chứng phong tục thì có lẽ cũng chỉ có thể đưa ra kết luận như vậy. Ta cho rằng, theo sự xoay chuyển của thời đại, quan điểm của người ta về thứ bậc bốn phương cũng có sự thay đổi, vậy nên vị trí tồn tại của Thái Nhất tất nhiên cũng có biến hóa. Còn lý do vì sao thì khi nãy ta cũng đã nói rồi…”



“Là như thế ư?”



Lộ Thân hoang mang, mà trong mắt Tiểu Hưu cũng lóe lên ánh sáng hiếu kỳ.



“Khi nãy ta đã nói rồi còn gì, thuở ban sơ, trong quan niệm dân gian, vua của bầu trời là mặt trời, mặt trăng, còn các ngôi sao đều chỉ là dân thường. Tuy nhiên sau khi hệ thống ‘Thiên quan’ hình thành, quan niệm này đã thay đổi, Thiên Cực Tinh, cũng chính là Bắc đẩu trở thành kẻ thống trị bầu trời. Thực ra đây là hai kiểu tín ngưỡng, kiểu đầu tiên có thể gọi là ‘Tôn thờ Mặt trời’, còn kiểu thứ hai thì chúng ta lại càng quen hơn - ‘Tôn thờ các ngôi sao’.” Quỳ giải thích, “Nếu hiểu như vậy thì mọi thứ đều trở nên rõ ràng, trong hệ thống tín ngưỡng ‘Tôn thờ Mặt trời’, phương Đông nơi mặt trời mọc là tôn quý nhất. Dịch Truyện viết rằng ‘Đế xuất vu chấn*’, còn nói ‘Chấn, Đông phương vậy’, tức là Đế vương xuất phát từ phía Đông, mà “Đế” này hẳn là chỉ Mặt trời. Bởi vậy trong mắt người Sở tôn thờ Mặt trời thì lẽ ra vị thần tối cao ‘Thái Nhất’ phải là ‘Đông Hoàng’. Còn trong hệ thống tín ngưỡng ‘Tôn thờ các vì sao’ thì Bắc đẩu không chuyển động theo các chòm sao khác mới là Đế vương, bởi vậy phương Bắc mới là tôn quý nhất.”



* Theo bát quái thì quẻ “Chấn” tương ứng với phía Đông. “Đế xuất vu chấn” tức là Vua xuất phát từ phía Đông.



“Nhưng Vu Lăng quân à.” Quan Khoa sắp chủ trì lễ tế lần này cũng không khỏi lên tiếng, “Vị thần Mặt trời mà người Sở tế bái là Đông Quân chứ không phải Đông Hoàng Thái Nhất. Cách giải thích này của ngươi hình như hơi mâu thuẫn với hiện thực…”



“Vậy liệu có phải là thế này không? Chủ thần mà người Sở thờ phụng vốn là Đông Quân, sau đó địa vị của Đông Quân dần dần bị Thái Nhất thay thế, nên Thái Nhất mới bị đeo thêm danh hiệu ‘Đông Hoàng’. Ta luôn cho rằng, Đông Quân vốn mang nghĩa là ‘Đông Hoàng’. Ngày trước khi đọc Cửu ca, ta cứ không hiểu được tại sao đoạn đầu có một bài Đông Hoàng Thái Nhất, mà đoạn sau lại xuất hiện bài Đông Quân. Giờ ngẫm lại, có lẽ giải thích như vậy cũng không sai.”



“Biết đâu đúng là như ngươi nói, thực ra từ xưa tới nay, Đông Quân luôn là một vị thần lệ thuộc, được tế bái cùng với Đông Hoàng Thái Nhất, nhưng sau khi đọc kỹ Cửu ca, ta cũng cho rằng lẽ ra địa vị của ngài ấy phải đặc biệt hơn một chút.” Nói rồi, Quan Khoa ngâm cả bài Đông Quân:



Hửng sắp lên a ở phương đông



Soi lan can ta a cây phù tang



Ta thắng ngựa a đi đâu nhỉ?



Đêm dần dần a đã sáng choang



Cỡi xe rồng a sấm vang



Chở cờ mây a lượn phới



Than thở dài a lên xe



Lòng bồi hồi a ngoái lại



Tiếng hay cùng a sắc đẹp



Người xem vui a mải quên





Gảy đàn a đánh trống



Lay giá a chuông rền



Rúc sáo a thổi khèn



Nghĩ bóng a xinh đẹp



Nhẹ nhõm a thúy bay



Hát lên a múa nhịp



Cung thương a hợp điệu



Ngài tới a huy hoàng





Áo mây xanh a xiêm ráng bạc



Phóng tên dài a bắn Thiên Lang



Cầm Bắc Đẩu a rót rượu nồng



Dóng dây cương a ta cao tuổi



Trời mịt mù a trở lại đông*



* Đây là bản dịch bài thơ Đông Quân của nhà sử học, ngôn ngữ học, từ điển học, ngôn ngữ học và nghiên cứu văn hóa, tôn giáo nổi tiếng Đào Duy Anh.



“Nhưng điều kỳ lạ lại chính là mấy câu ‘Gảy đàn a đánh trống, Lay giá a chuông rền, Rúc sáo a thổi khèn’. Bởi vì việc tế bái Đông Hoàng Thái Nhất* được ghi lại trong Cửu ca cũng chỉ viết rằng ‘Rung trống chừ múa dùi’ và ‘Khèn đàn chừ hòa vui’. Tức là theo ghi chép của Cửu ca, khi tế bái Đông Hoàng Thái Nhất chỉ dùng đến trống, khèn, đàn sắt. Còn khi tế bái Đông Quân thì lại dùng đến năm loại nhạc cụ: đàn sắt, trống, chuông, sáo, khèn. Ta không biết điều này có nghĩa là gì, song có lẽ từ thuở ban sơ, Đông Quân đã từng được thờ phụng như Chủ thần.”



* Việc tế bái Đông Hoàng Thái Nhất được ghi lại trong bài thơ Đông Hoàng Thái Nhất cũng thuộc Cửu ca, bản dịch của Đào Duy Anh.



“Nhưng mà cô cô ơi.” Lộ Thân hỏi, “Những ghi chép trong Cửu ca có đáng tin không ạ?”



“Ta không biết. Có điều cũng không còn tài liệu nào đáng tin hơn nó.” Quan Khoa trả lời, “Phương thức tế bái Đông Quân của nước Sở năm xưa, giờ đã thất truyền, trừ Cửu ca cũng không tìm được những ghi chép khác nữa.”



“Ta nghĩ Cửu ca đáng tin.” Quỳ nói, “Theo giải thích của người xưa, Cửu ca được sáng tác sau khi Khuất Nguyên bị trục xuất, sống giữa Nguyên giang và Tương giang. Dân bản địa tin vào quỷ thần, rất thích tế bái, khi tế bái sẽ ca múa. Khuất Nguyên thấy những ca từ đó quá thô lậu, bèn làm lại Cửu ca. Bởi vậy ta nghĩ, cơ sở sáng tác của Khuất Nguyên có lẽ cũng bao gồm cả phương pháp tế bái giữa Nguyên giang và Tương giang. Nho gia bảo rằng ‘Lễ tiết đã thất truyền, thì phải đi tìm lại nó trong dân gian’, phương thức tế bái cũng là một kiểu lễ, đã thất truyền ở Kinh đô, nhưng biết đâu lại được lưu giữ hoàn chỉnh ở vùng Nguyên giang, Tương giang xa xôi. Bởi vậy ta nghĩ ghi chép của Cửu ca hẳn là đáng tin, ít nhất thì khi nghiên cứu về tế bái truyền thống của người Sở không thể bỏ qua tài liệu này.”



“Người như Vu Lăng quân cũng có thể sánh ngang với các pháp sư cổ hiền đức!” Quan Khoa cảm thán, “Hiểu rõ tài liệu lịch sử, am tường cơ sở lễ giáo, so với Vu Lăng quân, ta đúng là một pháp sư chẳng ra gì. Nếu có thể, ta lại mong Lộ Thân có thể theo ngươi đi chu du khắp mọi nơi, học tập tri thức tế bái của ngươi.”



“Cô cô đang nói gì thế, con không…”



Lộ Thân buột miệng thốt lên, song không thể nói tiếp. Dù sao trong thâm tâm nàng cũng rất muốn theo Tiểu Quỳ rời khỏi Vân Mộng.



“Ta cũng muốn ở bên Lộ Thân.” Quỳ thẳng thắn nói, “Nếu có thể thì ta muốn đưa Lộ Thân về Trường An.”



“Tiểu Quỳ…”



Thực ra câu trả lời như vậy nằm ngoài dự đoán của Lộ Thân, tuy nhiên dù sao cha nàng cũng sẽ không đồng ý đâu.



Lộ Thân đưa mắt nhìn Quan Vô Dật.



“Đã muộn rồi, tiệc cũng đến lúc tàn, hôm nay tới đây thôi. Nếu cứ tiếp tục chỉ sợ lại làm mọi người mất hứng.” Quan Vô Dật đứng lên nói như vậy, khuôn mặt lộ rõ vẻ không vui. “Ta đưa Bạch tiên sinh về phòng khách, mọi người cứ tự nhiên.”



Bạch Chỉ Thủy rất biết ý mà đứng dậy. Hai người cùng rời khỏi sảnh chính.



Nhìn theo bóng lưng của phụ thân, Lộ Thân bật khóc nức nở, gục trên người Tiểu Hưu, quay lưng lại với Quỳ. Có lẽ nàng không mong để Quỳ kiêu ngạo nhìn thấy dáng vẻ này của mình.



“Nếu Lộ Thân tỷ tỷ có thể ở bên tiểu thư thì tốt biết bao. Dù sao em cũng chỉ là một người hầu, chỉ có thể vẩy nước quét dọn và trải chiếu mà thôi. Thực ra với em mà nói, nếu có thể giúp tiểu thư hạnh phúc thì phụng sự thêm một chủ nhân nữa cũng không sao, tuy có lẽ sẽ rất cực khổ… Cho dù chưa tiếp xúc nhiều với ngài nhưng em có thể thấy được khi ở bên ngài tiểu thư rất vui vẻ, đến em cũng…”



Tiểu Hưu nói, nước mắt rơi xuống tóc của Lộ Thân.



“Chuyện này ta sẽ nghĩ cách. Các ngươi đừng khóc nữa. Nếu ta nhớ không lầm thì buổi chiều Lộ Thân đã khóc một lần rồi. Có lẽ đây cũng chẳng phải chuyện xấu, Dịch Kinh viết rằng ‘Trước khóc sau cười’, khóc xong có khi mọi chuyện lại tốt lên.” Quỳ cảm thán, “Không biết Nhã Anh tỷ tỷ đã ngủ chưa, khi nãy ta đã nói lung tung với tỷ ấy, ta muốn xin lỗi tỷ ấy. Nếu tiện xin Lộ Thân hãy dẫn đường cho ta.”



Lộ Thân được Tiểu Hưu đỡ dậy, khuôn mặt vẫn đầy nước mắt.



“Sao Tiểu Quỳ lại sốt ruột như thế, không thể đợi ta khóc xong ư?”



“Tiểu Hưu cũng cùng đi nào.” Quỳ không nhìn Lộ Thân mà nói tiếp: “Thật xin lỗi, chúng ta cũng về trước đây.”



“Các ngươi về đi thôi. Thay ta hỏi thăm Nhã Anh, con bé cũng rất đáng thương.” Quan Khoa nói, “Có lẽ con bé không thể rời khỏi Vân Mộng trạch rồi. Lộ Thân, Trường An là một nơi rất tốt, sau khi rời khỏi nơi này, ta vẫn sống rất hạnh phúc. Tuy trong lòng vẫn chưa thể buông bỏ Vân Mộng nhưng dù sao ta cũng không muốn ở lại nơi này đến cuối đời. Ta sẽ nghĩ cách thuyết phục phụ thân con. Dù ông ấy khá bảo thủ song cũng là người hiểu lý lẽ, không thể không lo lắng cho hạnh phúc của con gái được.”



“Cảm ơn cô, nhưng không cần đâu. Con định nghe theo lời phụ thân. Bản thân con không có sở trường gì, cũng không thực sự thích thứ gì, ngoài việc báo hiếu thì cũng không có việc gì muốn làm. Khổng Tử đã dạy: ‘Giáo dục nhân dân tương thân tương ái, không gì tốt hơn đạo hiếu; giáo dục nhân dân hiểu lễ thuận hòa, không gì tốt hơn kính yêu huynh trưởng; muốn thay đổi dân phong, biến hóa tập tục, không gì tốt hơn âm nhạc; để có thể trị vì an dân, không gì tốt hơn lễ tiết.’ Giang Ly tỷ am hiểu âm nhạc, Nhã Anh tỷ tinh thông tế lễ, vậy thì điều con làm được chỉ có hiếu đễ mà thôi! Đây là giá trị tồn tại duy nhất của con trên cõi đời này!”



Nghe tới đây, Quỳ cho Lộ Thân một cái tát rồi lẳng lặng kéo nàng ra khỏi sảnh chính.



“Xin lỗi, chủ nhân nhà tôi vẫn luôn như thế, sau này có lẽ cũng không thay đổi được.”



Tiểu Hưu đắc ý nói với Quan Khoa, dứt lời liền bước vội đi.



Quan Khoa chỉ lắc đầu cười, bà tự biết mình không thể hiểu nổi tâm tư của lớp trẻ ngày nay.



-------------------

[4]



Ba thiếu nữ dạo bước dưới ánh trăng và trên sương mù.



So với hai mùa hè và đông thì bầu trời mùa xuân lại khá trống trải tịch mịch.



Tiếng côn trùng kêu rầm rì hòa cùng bước chân của ba người, nhưng chẳng thể ngân lên thành một giai điệu.



Sau khi vụ thảm án xảy ra, ba năm trước Quan Vô Dật chuyển cả gia tộc tới một hẻm núi sâu hơn. Mọi người quây quần ở cùng nhau, mùa đông thì đốt lửa trong sân, ông lại lệnh cho người trong tộc đều phải học cách dùng nỏ để chống lại thú dữ những lúc xuống núi đi săn. Từ đó trở đi, chỉ còn lại một con đường duy nhất để xuống núi.



Tuy nhiên nếu có tuyết lớn hay mưa dầm thì con đường này cũng sẽ bị chặn lại.



Quỳ không rõ gia tộc Quan duy trì kế sinh nhai thế nào, buổi chiều nàng từng hỏi Lộ Thân, nhưng Lộ Thân cũng không biết.



Quỳ đoán rằng, có lẽ gia tộc họ Quan còn một số sản nghiệp ở ngoài núi do tổ tiên để lại, tuy ủy thác cho người khác kinh doanh quản lý, có điều phần lớn lợi tức đều sẽ được đưa tới chỗ Quan Vô Dật. Còn về nguyên do khiến gia tộc họ Quan vào núi ẩn cư, Lộ Thân nói là vì tổ tiên theo đuổi tư tưởng “lánh đời”, không muốn vào triều Tần làm quan, liền ẩn cư trong núi rừng. Tới đời con cháu thì thực ra đã không còn lý do để ẩn cư nữa, nhưng dù sao hậu duệ quý tộc của nước Sở cũng không có đất dung thân giữa thời Hán, kết quả là hơn trăm năm nay, tuy chi trưởng liên tục chuyển nhà, song chung quy vẫn ngày một rời xa hồng trần ồn ã. Còn những chi nhỏ thì lại không ngừng rời khỏi Vân Mộng.



“Ta nghe nói thời trẻ lệnh tôn là một hiệp khách phiêu bạt, hẳn là ông ấy cũng từng tới rất nhiều chốn đô hội phồn hoa.” Quỳ nói, “Nhưng con gái ông ấy đã sống mười bảy năm rồi mà đến đất Giang Lăng cũng chưa từng bước qua, điều này đúng là hơi quá đáng. Cho dù ta thích đọc sách Nho song cũng không muốn thấy ngươi vì một khái niệm trừu tượng như ‘hiếu’ mà hi sinh hạnh phúc của chính mình.”



“Thế nên ngươi mới ra tay đánh ta sao?”



“Đúng vậy, bây giờ không có trưởng bối ở đây, ta đã có thể thích nói gì thì nói rồi. Lộ Thân à, ta là trưởng nữ sinh ra tại gia tộc Vu Lăng, thực ra ta đã có được rất nhiều thứ mà người khác không thể tưởng tượng, cũng không dám ước ao, bởi vậy nếu mất đi một số niềm hạnh phúc bình thường thì ta cũng sẽ không thấy quá nuối tiếc. Những thứ mà người bình thường coi như xa xỉ thì với ta đều chẳng đáng gì. Học tập với những nhà Nho lớn, học âm luật cùng các vị quan trong Nhạc phủ, du ngoạn cùng đội buôn của gia tộc Vu Lăng, đó đều là đặc quyền của ta. Nếu muốn thoát khỏi cấm kị để theo đuổi hạnh phúc của một người bình thường, nghĩa là bắt buộc phải vứt bỏ những hạnh phúc chỉ thuộc về riêng ta. Bởi vậy mới nói, ta cũng đã suy xét rất kỹ mới lựa chọn cách sống hiện giờ. Có điều ta lén cho ngươi biết nhé, nếu một ngày nào đó ta mất hết hứng thú với những thứ này, có khi ta sẽ phản bội lại gia tộc của mình ấy chứ.”



“Tiểu thư nghĩ vậy thật ư?”



Tiểu Hưu đi phía sau hai người nói xen vào.



“Hừ, ta có nghĩ vậy thật không thì Tiểu Hưu vốn không có quyền hỏi đến. Cho dù sau này ta có làm gì đi chăng nữa, dù ta có bỏ tốt theo xấu, tội lỗi đầy mình thì chỉ có em là nhất định phải đứng về phía ta, đây là bổn phận của một tỳ nữ như em.”



“Nhưng tiểu thư cũng chớ quên bổn phận của một Vu nữ.”



“Em muốn bị đánh đòn ư?”



“…”



Quỳ vừa nói vừa xoa xoa tay. Thực ra trong lòng nàng cũng biết, Tiểu Hưu chỉ lo lắng cho mình nên mới nói vậy, dù sao Tiểu Hưu cũng sinh ra ở đất Tề, có lẽ cũng tin vào truyền thuyết nếu Vu nữ phá vỡ cấm kị thì sẽ gặp bất hạnh tai ương.



“Tiểu thư, em không hiểu.” Tiểu Hưu nghiêm túc nói, “Thường ngày huynh đệ của ngài luôn miệng nói ‘trung thần hiếu tử’, nhị tiểu thư cũng tự xưng là ‘thục nữ’, khi nãy tiểu thư lại được mô tả như ‘pháp sư tài đức’, tức là mọi người đều có đối tượng để noi theo. Còn em, em vẫn không biết nên làm thế nào mới tốt. Em từng đọc Hiếu kinh, Luận ngữ theo lời dặn của ngài, tuy nhiên em không thấy trong đó ghi chép về những người có thân phận như mình, em cũng không biết trong những sách khác có nhắc tới hay không. Nhưng em luôn nghĩ, thân phận thấp hèn như tỳ nữ thì không thể được ghi vào trong sách thánh hiền. Vậy nên, vậy nên…”



“Vậy nên?”



“Vậy nên xin hãy cho em biết em phải làm thế nào. Nếu ngài làm chuyện không nên thì rốt cuộc em phải làm sao, em nên ủng hộ ngài vô điều kiện hay nên bất chấp roi vọt mà thẳng thắn khuyên bảo ngài đây?”



“Thế thì phải do em tự phán đoán rồi.”



“Thực ra ta cũng chưa biết.” Lộ Thân nói, “Rốt cuộc bản thân ta nên trở thành người như thế nào…”



“Chuyện kiểu này ngươi phải tự suy xét.”



“Tiểu Quỳ, ngươi kỳ vọng điều gì ở bản thân?”



“Ta không thể dùng lời nói để hồi đáp cho câu hỏi này.” Quỳ nghiêm túc nói, “Ta sẽ làm cho ngươi xem. Ngươi hãy chăm chú theo dõi ta, ta nhất định sẽ làm cho ngươi xem. Thực ra từ khoảnh khắc đầu tiên ngươi gặp ta thì mọi hành động của ta đều đang trả lời cho câu hỏi này của ngươi. Lộ Thân, ngươi đã hiểu chưa, có rất nhiều chuyện, thay vì nói những lời dài dòng sáo rỗng, chi bằng biến nó thành hành động.”



“Nhưng mà…”



“Nếu ngươi đồng ý, chúng ta có thể rời khỏi nơi này ngay bây giờ. Trước nay chưa từng có ai dám sai bảo ta, chỉ có ta sai bảo người khác mà thôi. Ngày hôm nay, ta đặc biệt cho người cái quyền được sai bảo ta, chỉ có một cơ hội thôi, hơn nữa nội dung cũng giới hạn là ‘Xin hãy đưa ta rời khỏi Vân Mộng trạch ngay lập tức’, ngoài điều này ta không chấp nhận bất cứ điều gì khác. Nếu sợ đi đêm thì chờ đến sáng mai cũng được. Tóm lại là nếu ngươi yêu cầu như vậy thì ta nhất định sẽ làm vì ngươi.”



Trong giọng nói của Quỳ lộ ra sự quyết đoán.



“Cũng để cho em góp thêm chút sức mọn.” Tiểu Hưu nói theo.



“Xin lỗi, hãy để ta cân nhắc cái đã.”



“Ta sẽ không cho ngươi thời gian để cân nhắc, hãy trả lời ta ngay. Chỉ có vậy thì ta mới biết mong ước thực sự của ngươi là gì.”



“Vậy ta đành phải từ chối thôi.” Lộ Thân rầu rĩ nói, “Tuy đúng là ta rất hâm mộ thế giới bên ngoài Vân Mộng, nhưng nơi này cũng có rất nhiều thứ mà ta không thể rời xa, bởi vậy ta vẫn ở lại đây thôi. Hơn nữa, nếu chúng ta làm vậy thì danh tiếng của Tiểu Quỳ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nếu thế, có lẽ ngươi sẽ không thể thực hiện mong muốn của chính mình, cũng không thể dùng hành động để hồi đáp cho câu hỏi khi nãy của ta. Do đó, cứ thế này là đủ rồi, tới khi Giang Ly tỷ và Nhã Anh tỷ đều rời đi, ta sẽ ở lại nơi này để kế tục huyết mạch cho gia tộc họ Quan.”



“Có lẽ đây là một lựa chọn không tồi. Ít nhất thì cũng không có gì nguy hiểm. Đôi khi ta thấy sống trên đời đúng là một chuyện phiền phức. Thời trẻ nếu làm những việc chẳng thể cứu vãn, sau này sẽ hối hận; mà nếu không làm thì e rằng vẫn cứ hối hận. Bởi vậy lựa chọn nào cũng có cái được cái mất.”



“Xin lỗi vì đã từ chối ngươi như vậy.”



“Ừm, ta đùa vậy thôi.” Quỳ cười nói, “Ta sẽ không tàn nhẫn tới mức chỉ cho ngươi một cơ hội. Trước lễ tế ta vẫn ở Vân Mộng, nếu ngươi hồi tâm chuyển ý, ta sẽ chấp nhận. Thế nhưng ngươi vẫn phải mau mau quyết định đi, ta và Tiểu Hưu còn biết mà chuẩn bị sớm.”



“Đưa ta đi cũng không có lợi gì cho Tiểu Quỳ hết. Một kẻ kém cỏi như ta chỉ làm ngươi thêm phiền phức mà thôi.”



“Vậy ta kể cho ngươi một bí mật nhé.” Quỳ nói rồi giấu mặt vào nơi ánh trăng chẳng thể chiếu tới. “Thực ra thuở ban đầu, gia tộc Vu Lăng lập nghiệp bằng việc buôn người. Bởi vậy tới nay con cái gia tộc Vu Lăng đều phải gánh vác trách nhiệm dụ dỗ các thiếu nữ ngốc nghếch, năm nào cũng phải hoàn thành chỉ tiêu mới được. Ta nghe nói người Sở thời xưa thường coi tháng Tư là đầu năm, mà gia tộc Vu Lăng cũng tiến hành chốt sổ vào tháng Tư hàng năm. Không giấu gì ngươi, nhiệm vụ năm nay của ta vẫn chưa hoàn thành, còn phải lừa một thiếu nữ hồn nhiên ngây thơ đến ngốc nghếch như Lộ Thân tới Trường An để bán đi. Thế nên ngươi nhất định phải theo ta về Trường An đấy nhé.”



“Tiểu Hưu cũng bị lừa đến gia tộc Vu Lăng như vậy sao?” Lộ Thân cố tình phớt lờ Quỳ, hỏi Tiểu Hưu.



“Tiểu thư hẳn là đang nói đùa. Từ nhỏ em đã sống ở gia tộc Vu Lăng. Em rất hạnh phúc vì gặp được tiểu thư, tuy nghiêm khắc nhưng tiểu thư đã dạy cho em rất nhiều điều, rất nhiều kiến thức mà người bình thường cả đời cũng không được tiếp xúc. Ở bên tiểu thư, dù ngày nào cũng phải sống trong lo âu sợ hãi thì em vẫn thấy không sao.” Tiểu Hưu nói, vẻ mặt rất nghiêm túc: “Vậy nên em nghĩ, có lẽ bị tiểu thư bán đi cũng không tồi, xin Lộ Thân tỷ tỷ đừng phụ tấm chân tình của tiểu thư.”



“Ừm, em nói vậy thì ta cũng yên tâm. Bởi vì ta nghĩ em là một cô bé thành thật, không giống một số người…”



Khi Lộ Thân nói tới đây thì ba người đã tới nơi cần tới.



Nhã Anh và Giang Ly cùng ở trong một viện nhỏ tách biệt. Ở phía Tây ngoài tường viện có một cái giếng nước.



Khi chuyển nhà, viện nhỏ này được xây riêng cho Nhã Anh. Gian chính nằm ở ngoài cùng của viện, là nơi hai người sinh hoạt hàng ngày. Qua gian chính là một mảnh vườn nhỏ vuông vắn rộng khoảng ba trượng, trong vườn trồng rất nhiều thảo dược thường thấy trên đất Sở. Một con đường nhỏ rải đá vắt ngang vườn cây, dẫn vào phòng ngủ ở nơi sâu nhất của viện. Khi chuyển tới đây, Ký Y đã bị bệnh rồi. Để chăm sóc đường tỷ thân yêu, Nhã Anh đã xin cho Ký Y ở nơi này rồi cùng Giang Ly thay phiên chăm sóc, ngày đêm trông nom bên người Ký Y. Sau khi Ký Y qua đời, Nhã Anh không chịu được đau khổ, cũng mắc bệnh nặng một đợt. Từ đó trở đi, Giang Ly bèn chuyển tới sống ở đây. Ngày ngày hai người ngồi đối diện trong gian chính, Nhã Anh đọc sách còn Giang Ly chơi đàn, rời xa phàm trần, nhưng cũng không cảm thấy quạnh quẽ.



Ánh đèn chiếu qua cửa sổ, vẽ nên đường nét của cỏ dại bên ngoài gian chính.



Tiểu Hưu thay chủ nhân khẽ gõ cửa phòng, người ra mở cửa là Giang Ly. Ngó quanh gian chính thì Nhã Anh không ở đây. Nhìn qua cửa sổ trên bức tường đối diện về phía sâu trong viện, cũng không thấy ánh sáng từ phòng trong rọi tới. Lộ Thân liền đoán Nhã Anh tỷ đã ngủ. Đúng lúc ấy, Quỳ giải thích ý đồ khi tới đây với Giang Ly.



“Thật không may, Nhã Anh vừa uống rượu, đã ngủ mất rồi.”



Giang Ly nói rồi gọi ba người vào trong phòng. Phía trong trải mấy chiếc chiếu cói mộc mạc. Quỳ và Lộ Thân ngồi trên sàn, còn Tiểu Hưu thì cung kính ngồi phía sau Quỳ. Giữa phòng có hai chiếc bàn nhỏ, phía trên bày bút, nghiên và sách. Kề bên tường phía Đông và phía Tây đều có một chiếc giá y phục, trên đó có vắt y phục thường ngày của hai chị em. Dưới giá bên tường phía Tây là một chiếc đàn cầm và đàn sắt đặt song song.



“Không biết ở đây đốt loại hương gì, ta chưa ngửi thấy bao giờ.”



“Vu Lăng quân đúng là thích đùa, chỗ ta chưa bao giờ đốt hương, chỉ là hương thơm của hoa cỏ trong viện mà thôi.” Giang Ly cười nói.



“Gọi ta ‘Quỳ’ là được. Xin hỏi đây là loại cỏ thơm gì vậy? Tuy ta rất thích Sở từ*, nhưng vẫn chưa có cơ hội nhận biết các loài hoa cỏ cây cối trên đất Sở. Bởi vậy có rất nhiều loại cỏ thơm ta chỉ biết tên, còn nếu đặt chúng trước mặt thì ta cũng không nhận ra.”



* Tuyển tập thơ ca đất Sở lưu hành từ cuối thời Chiến Quốc đến đầu thời Tây Hán. Có tổng cộng 16 quyển.



“Thực ra đây cũng không phải loài cây đặc thù của đất Sở, là khung cùng. Khi chưa nở hoa thì có mùi thơm, bởi vậy luôn xuất hiện trong Sở từ như một loại cỏ thơm. Trừ điểm này ra cũng không có gì đặc biệt. Cuối hạ sẽ nở hoa nhỏ màu trắng, trông rất bình thường, không hề bắt mắt, khi người ta chưa kịp chú ý thì đã tàn mất rồi. Tuy loài cây này tầm thường vô vị nhưng Nhã Anh lại rất thích nó, cho nên ta và muội ấy cùng trồng trong sân vài cây.”



“Khung cùng có ý nghĩa đặc biệt gì với Nhã Anh ư?”



“Nếu nhất định phải nói thì có lẽ chính là tên của nó.” Giang Ly cười khổ, đáp: “Nó còn có tên khác là ‘Giang Ly’.”



“Tình cảm giữa hai người đúng là làm kẻ khác phải hâm mộ ước ao, nếu sau này ta và Lộ Thân cũng giống như vậy thì tốt biết mấy.”



“Tiểu Quỳ lại nói lung tung gì thế.”



Cuối cùng Lộ Thân không nhịn được mà nói chen vào.



“Ta nói là sau này ta cũng phải trồng đầy thụy hương* trong sân, khi nhớ ngươi thì chặt mấy cành…”



* Lộ Thân tức là cây thụy hương.



“Được rồi, ta và ngươi mới quen nhau hôm nay, còn Giang Ly tỷ và Nhã Anh tỷ đã ở bên nhau từ nhỏ, vốn không thể so sánh được.”



“Lộ Thân, nói khẽ thôi, đừng đánh thức Nhã Anh.” Giang Ly nghiêm nghị nói, “Thực ra ngày xưa quan hệ giữa ta và Nhã Anh rất tồi tệ, gần như ngày nào cũng sỉ nhục, hãm hại nhau, sau rất nhiều biến cố quan hệ giữa chúng ta mới được như hiện tại. Hai cô gái cùng tuổi khó tránh được chuyện ganh đua hiếu thắng, ghen ghét lẫn nhau, không chịu nhường nhịn nhau bất cứ chuyện gì. Trước đây ta từng âm thầm nguyền rủa Nhã Anh không biết bao nhiêu lần, chỉ mong muội ấy gặp bất hạnh. Nhưng khi vụ thảm án xảy ra thì ta chỉ thấy sợ hãi mà thôi, bởi vì sợ hãi nên những cảm xúc u ám ngày trước dù chân thực nhưng cũng chẳng đáng là bao. Khi Nhã Anh thật sự mất đi tất cả, ta lại muốn tặng mọi thứ của mình cho muội ấy. Đôi khi ta nghĩ, nếu ta và Nhã Anh không lớn lên cùng nhau từ nhỏ, mà gặp gỡ khi tâm trí cả hai đều đã tương đối chín chắn thì biết đâu lại tốt hơn đối với đôi bên. Dù sao mấy năm trước ta đâu chỉ đối xử tàn nhẫn với Nhã Anh một lần, tất cả đều là những ký ức đau khổ mà suốt đời ta cũng không quên được.”



“Còn tâm trí Lộ Thân có thể coi như là chín chắn thật ư?”



Quỳ vừa dùng khuỷu tay đẩy đẩy vào mạn sườn Lộ Thân, vừa nói vậy.



“Tiểu Quỳ làm hành động này với người khác mới là trẻ con chứ?”



Lộ Thân quay sang thử phản kích, ai ngờ lại tự vấp ngã, loạng choạng nhào về phía bàn. Cũng may nghiên mực không bị đánh đổ, chỉ có bút lông thỏ và một tấm thẻ tre rơi xuống đất. Tiểu Hưu vội dìu Lộ Thân dậy, rồi cúi người nhặt bút và thẻ tre lên, sau đó giao cho chủ nhân theo thói quen. Quỳ lại đưa chúng cho Giang Ly. Ba thiếu nữ đều thoáng thấy chữ viết trên thẻ tre:



Lục hề y hề, lục y hoàng lý.



(Áo thì màu lục rõ ràng, cớ sao trong lót màu vàng thế ni?)



Tâm chi ưu hĩ, hạt duy kỳ dĩ.



(Lòng ta đau đớn sầu bi, bao giờ mới dứt tuyệt đi nỗi buồn?)



Thanh thanh tử khâm, du du ngã tâm.



(Áo người bâu vải xanh xanh, nhớ người ta lại nghĩ quanh xa vời.)



Túng ngã bất vãng, tử ninh bất tự âm.



(Ví bằng ta chẳng đến chơi, sao người không gửi vài lời viếng thăm?)



* Dịch thơ (Bản dịch của dịch giả Tạ Quang Phát trong cuốn Kinh Thi của NXB Đà Nẵng)



Hai dòng đầu bút pháp tương đồng, hai dòng sau nét chữ cùng kiểu, dường như do hai người viết nên. Giữa chữ “ngã” và chữ “tâm” của dòng thứ ba có dấu vết bôi xóa, hẳn là viết nhầm, sau khi phát hiện ra liền xóa đi. Lộ Thân và Tiểu Hưu chưa đọc Kinh Thi nên không biết xuất xứ của những câu thơ này, còn Quỳ thì biết đây là thứ mà mình không nên thấy, cũng không nói gì cả. Giang Ly nhận lấy bút và thẻ tre, đặt chúng về trên bàn, rồi khẽ quở trách Lộ Thân một phen. Tuy Lộ Thân biết mình có lỗi nhưng vẫn thấy oan ức, trong lòng chỉ nghĩ xem nên trả thù Quỳ thế nào.



“Đã muộn rồi, chúng ta cũng nên về thôi.” Quỳ nói, “Ta vốn định tới đây để tạ lỗi với Nhã Anh tỷ, nhưng bây giờ ta còn muốn tạ lỗi với Giang Ly tỷ hơn.”



“Vu Lăng quân… Quỳ quân không làm sai gì hết. Đều là Lộ Thân nhà ta không tốt, đã khiến ngươi chê cười. Thực ra ta lại có kiến nghị thế này, không biết các người có đồng ý hay không. Ta nghĩ ngày mai nếu trời đẹp thì gọi cả Nhã Anh nữa, bốn người chúng ta cùng tới bên suối gội đầu. Không biết Quỳ quân có hứng thú hay không?”



Giang Ly nói tới bốn người, đương nhiên không bao gồm Tiểu Hưu với thân phận thấp kém.



“Ta thường nghe con gái đất Sở rất thích gội đầu vào sáng sớm, xem ra người ta không đồn bừa. Ta rất hứng thú, xin hãy cho ta cùng tham gia.”



“Nếu Giang Ly tỷ tỷ đã nói như vậy thì muội cũng không thể từ chối được.” Lộ Thân cũng tỏ vẻ tán đồng.



“Nhưng sáng sớm Nhã Anh rất thích ngủ nướng trên giường, đến ta cũng chưa chắc đã đánh thức được muội ấy. Ngày mai có lẽ Lộ Thân sẽ dẫn Quỳ quân tới bên suối trước, ta và Nhã Anh sẽ tới muộn hơn một chút.”



“Được thôi.”



Thế rồi ba người cùng ra khỏi gian chính, Giang Ly tiễn họ đến ngoài cửa.



“Xin hãy giữ bí mật chuyện thẻ tre giúp ta.” Cuối cùng Giang Ly dặn dò như vậy. Đương nhiên là Quỳ và Lộ Thân đều đồng ý.



Tuy nhiên trên đường trở về, hai nàng liền quên mất lời hứa khi nãy.



“Tiểu Quỳ Tiểu Quỳ, nội dung viết trên thẻ tre ban nãy có xuất xứ gì không?”



“Câu hỏi này dễ trả lời thôi, nhưng trước đó ngươi phải cho ta biết một chuyện.” Quỳ ra vẻ thần bí, “Ngươi có biết chữ viết trên thẻ tre, hai dòng trước và sau do những ai viết không?”



“Vì từ nhỏ tới lớn ta chỉ tiếp xúc với vài người đó thôi, nên hai nét chữ đó ta đều biết. Ừm, hai dòng đầu tiên là chữ của biểu ca* Triển Thi, còn hai dòng sau đó hẳn là do chính Giang Ly tỷ viết.”



* Anh họ bên ngoại.



“Hóa ra là vậy. Ta hiểu rồi.”



Quỳ cười, không nói tiếp nữa.



“Bây giờ tới lượt ngươi trả lời câu hỏi của ta, nội dung ấy có xuất xứ gì? Mấy câu cổ xưa thâm ảo như vậy, lại còn là thơ nữa, chắc là không phải do bọn họ tự nghĩ ra rồi…”



“Ngươi cũng thật lười biếng, chẳng chịu suy nghĩ gì cả.”



“Bằng không thì sao ta lại làm bạn với một kẻ thích làm thầy người khác như ngươi?”



“Đúng là hết cách với ngươi.” Quỳ vừa nói vừa lắc đầu, “Đây đều là những câu thơ trong Kinh Thi. Hai dòng đầu lấy từ Bội phong - Lục y, còn hai dòng sau lấy từ Trịnh phong - Tử khâm.”



“Vậy có nghĩa là gì, tại sao biểu ca Triển Thi và Giang Ly tỷ phải viết mấy câu thơ này?”



“Sao ta biết được giữa bọn họ đã xảy ra chuyện gì?” Quỳ nói với vẻ bất mãn, “Ta nghĩ có lẽ đó là thư từ giữa hai người họ. Hai dòng đầu là Chung Triển Thi viết gửi Giang Ly, còn hai dòng sau là hồi âm của Giang Ly. Khi chúng ta hồi âm thư của người khác, đôi lúc cũng viết thẳng phía dưới bức thư, rồi gửi thư về một thể, ta nghĩ thẻ tre mà chúng ta thấy khi nãy cũng giống vậy. Còn nội dung, tuy ta có thể thuộc lòng ba trăm bài trong Kinh Thi, nhưng hiện giờ giải thích của mọi người về các bài thơ vẫn không giống nhau, ta cũng thấy thơ rất khó giải thích, bởi vậy rất khó cho hai ngươi biết rốt cuộc hai bài thơ này có hàm nghĩa gì. Tuy nhiên nhắc tới Lục y, đúng là có chút liên quan đến Tiểu Hưu đấy.”



“Có liên quan gì thế?”



“Nho gia cho rằng màu vàng là màu chính, còn lục là màu trung gian không thuần, do đó người tôn quý thì không mặc lục y*, vừa hay phù hợp để mặc trên người Tiểu Hưu.”



* Y phục màu xanh lục



“Tiểu thư lại trêu em rồi.” Tiểu Hưu rầu rĩ nói.



“Nhưng bài thơ này không miêu tả về tỳ nữ. Bởi vì đoạn sau nó có nhắc tới ‘Lục y hoàng thường’*, màu vàng là màu sắc cao quý, tỳ nữ không được mặc. Có một cách giải thích thế này, ‘Lục y hoàng thường’ mang ý nghĩa màu sắc cao quý ở phía dưới, màu sắc thấp hèn ở phía trên, tức là địa vị của vợ bé còn cao hơn vợ cả. Ta thấy cách giải thích này cũng hơi thiên vị. Chúng ta ở quá xa thời đại của các nhà thơ, bởi vậy e rằng các cách giải thích đều không thể tin hết được.”



* Áo màu lục, xiêm (váy) màu vàng.



“Vậy Tiểu Quỳ cho rằng rốt cuộc bài thơ này có nghĩa là gì?”



“Trong Thi học có một khái niệm gọi là ‘gợi hứng’, chính là việc nói về những thứ nhìn như không liên quan để gợi ra điều thực sự muốn nói. Ta nghĩ bài thơ này cũng có thể giải thích như vậy. Ta đoán điều Chung Triển Thi thực sự muốn nói chỉ là ‘Tâm chi ưu hĩ, hạt duy kỳ dĩ’ mà thôi. Diễn giải ra ngươi nghe cũng hiểu, chính là ‘Lòng ta đau đớn sầu bi, bao giờ mới dứt tuyệt đi nỗi buồn’.”



“Vậy Tử khâm thì nói về điều gì?”



“Ừm, thực ra chắc Lộ Thân cũng chẳng mấy quan tâm tới vấn đề này. Với đầu óc của ngươi thì dù giờ ta có giải thích, ngày mai ngươi cũng sẽ quên sạch sành sanh, không đúng ư? Nếu ngươi thực sự muốn biết ý nghĩa của Tử khâm thì ngày mai có thể đi hỏi Bạch Chỉ Thủy tiên sinh ấy. Thế nhưng, ta có thể đoán được, ngày mai chắc chắn ngươi đã quên mất bài thơ này rồi, cũng nhất định sẽ không đi hỏi ông ấy.”



Bị chọc trúng chỗ đau, Lộ Thân nghe vậy chỉ im lặng. Đúng là nàng không dám cam đoan ngày mai mình còn nhớ phải đi thỉnh giáo Bạch Chỉ Thủy về ý nghĩa của Tử khâm. Dù sao nàng là người vô tư, chóng quên mà cũng chẳng bền lòng.



“Tiểu thư, chúng ta tới rồi.”



Đúng lúc ấy Tiểu Hưu lên tiếng, bóp chết từ trong trứng nước vụ tranh chấp sắp sửa bùng nổ giữa hai người.



Nhà họ Quan chuẩn bị cho Quỳ và Bạch Chỉ Thủy mỗi người một viện nhỏ, bố trí khá giống với nơi ở của Giang Ly và Nhã Anh, có điều giếng nước nằm giữa gian chính và phòng ngủ, sử dụng tiện lợi hơn một chút. Mấy viện khác của nhà họ Quan cũng thế. Hành lý của Quỳ chất tại nửa phía Tây của gian chính, nửa phía Đông thì để sinh hoạt. Tiểu Hưu ngủ trong gian chính. Đêm hôm ấy, Lộ Thân sẽ ngủ lại trong phòng Quỳ. Có thể đoán được hai người sẽ trò chuyện tới muộn, cũng có thể biết trước trong quá trình tán gẫu Lộ Thân vẫn sẽ bị Quỳ trào phúng, chế giễu, nhưng chẳng có cơ hội đáp trả.



“Đêm nay Tiểu Hưu cũng ngủ ở phòng trong này đi.” Lộ Thân đề nghị, “Một mình ở cạnh chủ nhân của em, ta thấy hơi không yên tâm.”



“Không được.” Quỳ không đợi Tiểu Hưu khách sáo từ chối Lộ Thân đã nói thẳng, “Tiểu Hưu, đêm nay dù Lộ Thân có cầu cứu thế nào chăng nữa thì em cũng không được vào trong. Đây là mệnh lệnh đó.”



“Em biết rồi.”



Trước những lời đùa cợt của hai người, Tiểu Hưu vẫn tỏ ra cực kỳ nghiêm túc.

* * *
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom