Ái Liên vừa gỡ hộp đựng dụng cụ y tế chằng sau yên xe, vừa cười híp mắt nhìn đứa trẻ thích thú cứ reo tên mình. Người mẹ từ trong căn bếp lụp xụp tỏa khói củi mịt mù chạy ra, gương mặt nhỏ với gò má cao thoáng vui tươi, chị ta vén vạt áo bảo hộ lao động đã bạc màu lên lau mặt rồi đi về phía Ái Liên, giúp cô bỏ đồ xuống.
“Chị đang làm gì thế?”
“Đang nấu cơm đấy cô, thế nào có mệt không? Đi vào nhà uống miếng nước.”
Ái Liên đi theo hai mẹ con, con bé con cứ líu ríu nói chuyện. Ái Liên đưa mắt nhìn một vòng căn nhà gạch mới xây hai năm nay, để có được nó cũng phải nhờ ngân sách của huyện và một phần tiền mà cô ủng hộ giúp mẹ con họ có chỗ che nắng che mưa vững trãi. Diễn đàn Vietwriter.vn
Nội thất bên trong vẫn khá sơ sài, một chiếc bàn gỗ cũ kỹ, vài ba cái ghế nhựa bạc phếch, gian bên trái kê giường ngủ, gian bên phải để thóc với ngô. Chiếc quạt trần lủng lẳng trên đầu bật ở số nhỏ nhất cứ đủng đỉnh đung đưa.
Người mẹ chạy xuống bếp, xách lên một cái siêu ám khói đen xì rồi rót nước trà tươi vừa mới đun mời Ái Liên uống.
“Em ở đây mấy ngày đấy nhé!”
“Thật á cô?” Con bé con nghe thấy Ái Liên nói với mẹ nó thế thì hớn hở giật giật tay áo cô.
“Ừ, cũng phải đến cuối tuần. Hà Nhi dẫn cô vào thôn nhé!”
“Vâng!”
Con bé gật đầu cái rụp. Nhà của mẹ con Hà Nhi chưa phải đã là ở sâu nhất làng, còn vài hộ nữa ở ngay sát rìa biên giới, còn khó khăn và lạc hậu hơn thế này nhiều.
“Thế không đi học hay sao lại ở nhà vào giờ này?”
“Tối cô giáo mới tới điểm trường dạy cơ cô. Một tuần cháu được học có ba buổi thôi mà cũng sắp được nghỉ hè đến nơi rồi.”
“Học hành kiểu gì hay vậy?”
Ái Liên lấy làm kinh ngạc nhìn sang chị Lường, mẹ bé Hà Nhi. Chị vừa uống ngụm nước liền nói:
“Cả xã có một cái trường cấp một thôi cô. Mà xa quá, nên người ta dựng điểm trường mở lớp ở nhà văn hóa thôn đấy cô à, cô giáo dạy ở trường xã xong rồi tối mới tới điểm trường để dạy nên là cô cháu đi đâu cứ đi đi, chiều chiều sáu giờ về ăn tối, bảy giờ đi học là vừa.”
Ái Liên nghĩ rồi, Hà Nhi mười tuổi, cũng biết đi xe đạp rồi, cô bàn với mẹ con bé mua cho nó cái xe đạp để đi học dưới trường xã, chứ học buổi đực buổi cái thế này rồi sau này lên cấp hai thì phải làm sao? Chị Lường nghe nói bảo mua xe đạp cho con thì lưỡng lự, xe của người lớn thì cao quá con bé không chống được chân. Mà muốn mua cái nhỏ cho nó đi được lại mất cả đống tiền, chị đi dọn nhà cho người ta cũng chẳng được mấy đồng.
“Úi, cô làm gì đấy?”
“Em thêm cho cháu mua cái xe đạp, một hai hôm nữa em đưa hai mẹ con xuống huyện mua. Chị cất đi.”
“Thôi cô cho cháu nhiều rồi, thế này chị không đến đáp được đâu.”
Chị Lường cứ đùn đẩy mấy tờ tiền trên tay Ái Liên, nghèo thì nghèo thật nhưng chị cũng có liêm sỉ. Năm nào về đây Ái Liên cũng cho quà cho con bé, không thì ở có mấy ngày cũng gửi thêm tiền khiến chị ngại.
Nhìn vẻ ái ngại của chị, Ái Liên chỉ cười lại nắm lấy đôi tay đen đúa nhăn nheo của chị Lường mà thân tình nói:
“Lần này lên em không mua đồ gì cả, cốt là để xem mẹ con chị thiếu cái gì thì thêm chút ít để chị sắm cho cháu. Em có cho chị đâu? Nói thật là phải có thì mới có cái mà cho, em mà thiếu cũng chẳng lấy đâu ra. Nhận cho em vui không em qua nhà khác ở đấy nhé. Sau này Hà Nhi thành tài nhớ đừng quên cô nhé!”
Con bé mon men đi lại gần Ái Liên, nó không hiểu chuyện mẹ và cô nói nhưng vẫn gật gật đầu. Ái Liên quàng vai con bé để cho nó nép sát vào người mình. Chị Lường rất ngại nhưng cuối cùng vẫn bị cô thuyết phục nhận tiền.
Sau bữa cơm, Ái Liên lại cắp hộp y tế dắt theo Hà Nhi đi quanh làng, chỗ nào xe máy không đi được thì hai cô cháu gửi xe rồi đi bộ. Đa phần đều phải đi bộ tắt ngang qua những thửa ruộng bậc thang, mà bờ nó nhỏ xíu, Ái Liên đi xiêu vẹo muốn lao xuống ruộng mấy lần. Trên cánh đồng hai cái bóng một lớn một nhỏ xiêu xiêu vẹo vẹo một trước một sau cứ vừa đi vừa cười cười nói nói.
Thôn Y không có trạm y tế, hiệu thuốc lại càng không, phải vào trung tâm xã mới có. Người dân ở đây hầu hết đều là người dân tộc Sán Dìu và dân tộc Tày, Nùng, lại ở cách xa nhau và xa trung tâm xã, huyện bởi vậy dân trí còn thấp và lạc hậu gần như là nhất cái huyện B này.
Việc trẻ em được tiêm phòng hay uống vitamin đều phải có người của y tế huyện hoặc đồn biên phòng, công an đến vận động. Dù là thuốc miễn phí người ta cũng còn ngại cho con em dùng, ốm đau để tự khỏi hoặc uống cây rừng, hoặc mời thầy Tào về cúng. Bởi vậy hàng năm tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi bị chết vì bệnh tật không được cứu chữa kịp thời luôn cao hơn ở các xã khác trong huyện.
Cũng bởi hủ tục lạc hậu lâu đời, và dân trí thấp nên rất khó khăn trong quá trình vận động của các cơ quan chức năng. Người dân tin tưởng thầy Tào hơn y bác sĩ.
Ở nơi này cuộc sống đói nghèo lạc hậu, đa phần là mưu sinh theo kiểu tự cung tự cấp, nên trẻ con ở độ tuổi như bé Hà Nhi đã có thể một mình vào rừng đào măng đào củ rồi đi bộ cả chục cây số mang xuống trung tâm xã bán cho người dân ở thôn khác hoặc du khách đi phượt. Chúng còn thông thạo đường rừng hơn cả bộ đội biên phòng. Diễn đàn Vietwriter.vn
Ái Liên đeo hộp y tế nặng trịch đi theo Hà Nhi mà muốn hụt hơi, nó đi tay không cứ nhảy chân sáo ở phía trước, lại đầu trần chân đất. Rõ ràng có dép mà xỏ vào hai ống tay rồi phăm phăm đi chân không.
“Hà Nhi đi chậm chút, sao cháu đi nhanh thế?”
Con bé quay ngoắt lại, nhoẻn miệng cười cười:
“Tại cô đi chậm ấy.”
“À cô ơi, ở trong kia hôm nay người ta cúng ma đấy.”
“Cúng ma gì cơ?”
“Bạn học của cháu bị ma hành.”
Ái Liên cau mày nhìn con bé, nó tưởng cô không tin thì leo lẻo:
“Hôm qua cháu đi học, cô giáo bảo thế. Cô bảo là bố mẹ bạn đấy bảo bạn đấy bị ma ếm ốm một tuần nay rồi nên không đi học được. Hôm nay bố mẹ bạn đấy mời thầy Tào đến cúng ma, sợ nhỉ cô nhỉ?”
“Nhà bạn ấy ở đâu?”
“Xa lắm, tít trong kia cơ, đi hết rừng. Cháu sợ ma ếm lắm.”
“Hà Nhi có biết đường đến đấy không?”
Con bé mím môi gật đầu, Ái Liên mới nghe thì đã biết là có biến. Tục lệ mời thầy Tào về cúng ma ở vùng này thì bao năm nay cô đều biết, cũng chẳng lạ gì. Nhưng cứ tưởng hủ tục ấy bị bài trừ từ lâu rồi mới phải, không ngờ giờ vẫn còn đang diễn ra.
Ái Liên cũng tò mò muốn biết vị thầy Tào kia cúng ma chữa bệnh kiểu gì.
Hai Cô cháu đi muốn hụt hơi mới được hai phần ba đường, nhà đứa trẻ kia ở khá xa và tách biệt so với những hộ gia đình khác trong thôn. Hà Nhi mỏi chân quá thì ngồi phịch xuống vệ đường, Ái Liên đưa cho nó nốt chai nước đang uống dở, cô cũng đau chân muốn chết vì bó suốt một ngày trong giày thể thao.
Khi hai cô cháu tới nhà đứa trẻ kia, từ xa đã ngửi ra được mùi khói hương, và tiếng chuông leng keng. Hà Nhi nhìn cô một cái rồi reo lên:
“Thầy Tào đang cúng rồi đấy ạ, mình ở đây lát được ăn cúng đấy cô.”
Ái Liên chỉ cười nhìn nó, rồi cùng Hà Nhi đi vào trong. Diễn đàn Vietwriter.vn
Căn nhà ba gian lụp xụp ở giữa rừng, xung quanh cũng chẳng có tường bao cũng chẳng thấy hàng xóm, khi nãy tới đây cũng phải xa xa Ái Liên mới gặp được một hộ gia đình, cũng không khá giả hơn nhà này là mấy.
Trước hiên nhà là một khoảng đất nhẵn nhụi, người thì ở trong nhà hết, vây quanh một người đàn ông đang ngồi dưới đất, đứa trẻ bị "ma ếm" nằm bất động ở trên giường.
Dưới đất thầy Tào ngồi trên chiếu cói, đủ món lễ vật bày lên tràn nửa bộ ván chiều rộng khoảng một mét. Đồ cúng gồm một cái đầu heo, ba con gà, một khổ thịt, một dĩa xôi và các loại bánh trái. Bàn lễ chính đặt hai chén gạo cắm nhang, trước mặt thầy Tào là một quyển sách toàn chữ nho và la liệt sớ.
Nhìn bàn lễ vật, Hà Nhi không nhịn được chợt reo lên:
“Ui cha nhà này giàu thế, có cả đầu heo.”
Khiến người lớn đang vây quanh thầy Tào đều quay ra nhìn hai cô cháu, thầy Tào đang lẩm nhẩm khấn bị kinh động thì liếc xéo nó một cái. Ái Liên gượng gạo cười cười. Một người phụ nữ nhỏ người với nước da đen nhẻm đang sụt sùi nước mắt ngoảnh ra hỏi:
“Ai đây Hà Nhi?”
“Cô Ái Liên là bác sĩ ạ! Bạn Lâm bị ma ếm thật hả cô?”
“Suỵt!”
Người phụ nữ đưa tay ra dấu cho con bé nhỏ tiếng lại. Ái Liên tò mò lắm, cứ ngó nghiêng cố nhìn đứa trẻ đang nằm trên giường, cô loáng thoáng thấy trên da thịt nó xuất hiện nhiều nốt đỏ, có chỗ đã sưng tấy mưng mủ vàng thì sốt sắng reo lên:
“Sao lại để biến chứng thế kia? Phải cho đi bệnh viện chứ?”
Ái Liên vừa định bước lại gần đã bị Hà Nhi kéo lại, cả bố mẹ đứa trẻ và thầy Tào đều cau có mặt mày nhìn cô. Ái Liên có chút e ngại, xong không sợ họ mà lên tiếng:
“Sao anh chị không cho cháu tới bệnh viện? Em có thể kiểm tra bé được không chứ người xuất hiện nhiều nốt đỏ lại mưng mủ thế kia nguy hiểm quá.”
“Cô này ở đâu ra vậy? Nó bị ma ếm, xuống viện hơn một tuần xong về lại bị. Có chữa được đâu. Đi ra cho thầy cúng đuổi con ma đi.”
“Nhưng mà…”
Họ không để cô nói, còn ra tay đẩy Ái Liên ra ngoài, cô bị hẫng bậc sân thiếu chút nữa là ngã lăn đùng ra rồi. Diễn đàn Vietwriter.vn
Con bé Hà Nhi thấy cô bị đuổi thì cũng chạy ra, bám tay Ái Liên cùng trông vào trong nhà. Vị thầy Tào kia vẫn làm như không liên tục lắc chuông, miệng lẩm bẩm khấn câu thần chú gì đó. Ái Liên tức tiết xắn cao tay áo sơ mi, đi bộ một hồi đã mệt thì chớ lại còn bị đuổi ra.
Tận một tiếng sau mới thấy thầy Tào đứng dậy, người phụ nữ mang theo sớ và vàng mã ra góc sân đốt. Thấy Ái Liên lại định đi vào thì thầy Tào kia quắc mắt lườm cô một cái, kênh kiệu nói:
“Nó bị ma ếm, không cúng ma là chết đấy. Rồi lây cho cả làng à?”
“Vâng thầy dạy phải, thầy xem cháu nhà con bao giờ thì khỏe?”
Thầy Tào lim dim mắt, bấm bấm ngón tay lẩm bẩm cái gì đó rồi quay sang bảo với người bố với gương mặt khắc khổ đang khúm núm ở bên cạnh, “Phải làm một cái lễ phụ nữa để thế cho con nhà mày, chứ không mai kia con ma rừng nó bắt đi đấy.”
Nghe nhắc đến lễ mà cả vợ lẫn chồng chủ nhà đều muốn méo mặt, hôm nay để có được đầu heo và gà cùng với đống lễ lạt cúng bái kia họ vừa phải bán hết số thóc mới gặt được, rồi vay mượn, mua chịu mới đủ. Giờ lại bảo thêm lễ, có mà bán nhà cũng chẳng ra.
“Thầy ơi có cách nào nữa không ạ? Chứ nhà con…”
“Chịu thôi. Không thì chuẩn bị chiếu cuốn vào mà mang đi chôn.”
Nghe thầy Tào nói thế, người mẹ đang gẩy gẩy mấy mẩu vàng mã cháy dở vội vàng quỳ sụp dưới chân ông ta mà chắp tay xin xỏ:
“Xin thầy cứu giúp, nhà con có mỗi một mụn con…”
Thầy Tào rủ mắt nhìn người phụ nữ khốn khổ quỳ sụp dưới chân mình một cái rồi lắc lắc đầu. Trông thái độ của ông ta mà Ái Liên phát ghét, cô đặt hộp đựng dụng cụ y tế xuống đất rồi bước lại gần nâng người mẹ đứng dậy, “Chị đứng lên đã, để em kiểm tra xem tình hình cháu thế nào, bệnh trần sao mà phải cúng. Ông đừng có mà tuyên truyền mê tín dị đoan, tôi báo công an gô cổ lại bây giờ đấy nhé.”
“Á à con này ở đâu ra chạy đến đây mà láo, nhà mày mà nghe lời nó, con ma nó bắt cả làng chúng mày đi nhé!”
“Ối giời ơi thầy ơi, chúng con có biết cô này là ai đâu? Thầy đừng giận, con xin thầy.”
Người phụ nữ bị thầy Tào dọa sợ thì hốt hoảng hất tay Ái Liên, lại quỳ rạp xuống chân lão dập lạy, người chồng cũng lao tới quỳ sụp xuống theo, mếu mếu máo máo. Ái Liên nhìn một màn này bày ra trước mắt mà siết chặt nắm tay, mẹ nó chứ lão gia tuyên truyền mê tín này, thấy người dân lạc hậu tin người thì lừa phỉnh. Cô không nói nữa, nhân lúc vợ chồng nhà kia đang lạy lục lão thầy dởm thì lỉnh vào trong nhà đến xem đứa trẻ.
Nó đang phát sốt, tay chân và mặt nổi đầy nốt xuất huyết, nhiều nốt đã sưng phồng phọng nước. Ái Liên đeo găng tay và khẩu trang cẩn thận rồi mới ngồi xuống kiểm tra lâm sàng, nhiều vết loét trên da chảy mủ, nhịp tim đập loạn Cô khẽ cắn môi, còn đang phân tích triệu chứng lâm sàng thì đã bị bố đứa trẻ quát: Diễn đàn Vietwriter.vn
“Cô làm cái gì con tôi đấy?”
Ái Liên không trả lời, còn cau mày gằn giọng hỏi ngược lại:
“Cháu bị từ bao giờ?”
“Mười ngày rồi, ban đầu sốt nhẹ, chỉ đau đầu, đau người. Đưa đến trạm y tế nằm bốn ngày thì càng nặng hơn.”
“Rồi anh chị làm gì tiếp theo? Có cho xuống viện huyện không?”
Người chồng im lặng, người vợ lụt cụt đi vào lên tiếng:
“Nó bị ma ếm, thầy Tào bảo phải cúng ma, chứ không không khỏi được đâu. Những đứa khác cũng bị mà khỏi lâu rồi.”
“Thế này thì chết, cháu nhà anh chị có nguy cơ biến chứng của bệnh thủy đậu cao. Anh chị đưa cháu xuống viện ngay đi, cứ để đây mà cúng ma thì sẽ xảy ra biến chứng nặng hơn nhiễm trùng phổi, viêm phổi, viêm thận, suy cầu thận, nhiễm trùng máu, viêm màng não… thậm chí có thể gây ra tình trạng tử vong cho con nhà anh chị đấy.”
Nghe nói thế họ phát sợ, nhưng lại nghĩ tới mấy lời thầy Tào vừa rỉ tai bảo bọn bác sĩ chỉ toàn vòi tiền, rồi cô gái này là do con ma rừng đưa tới, chứ bao lâu nay làm gì thấy người nào đến đâu thì khựng lại nhất quyết không nghe còn đuổi Ái Liên ra ngoài.
Chẳng mấy chốc lại có thêm một toán người nữa tới, hùng hùng hổ hổ kéo vào trong sân, ở giữa là lão thầy Tào kia. Ái Liên chợt nuốt khan, xem chừng là đến để đuổi cô đây mà.
“Cô gái kia là do con ma rừng cử tới, rồi sẽ mang hồn con mày đi. Chúng mày nghe lời nó, con chúng mày chết, rồi cả làng chết theo. Tao bấm độn rồi, con chúng mày không cứu được nữa, bây giờ phải mang vào trong rừng tế cho ma rừng thì cả làng mới được yên ổn.”
“Ôi giời ơi thầy ơi thầy cứu con tôi.”
“Không cứu được nữa.”
“Ông bị điên à? Ma mãnh gì ở đây, anh chị đừng có mà tin lão, mẹ kiếp.”
Lão khẽ nhếch khóe miệng rồi hất hàm ra hiệu cho hai tên đàn ông đến giữ Ái Liên lại, hai người còn lại sắp sanh đi vào trong nhà muốn mang đứa trẻ kia đi. Hà Nhi thấy Ái Liên bị giữ lại thì sợ xanh mặt, con bé run như cầy sấy cứ đứng yên bất động, ở cái làng này thầy Tào có tiếng nói lắm, vừa đuổi được ma vừa gọi được ma, ai cũng sợ đặc biệt là bọn trẻ con.
“Các người đừng mang nó đi lung tung. Hiện tại đứa trẻ đang rơi vào tình trạng nguy kịch phải nhanh chóng đưa tới bệnh viện để làm xét nghiệm kiểm tra thì mới cứu được. Anh chị không muốn cứu con à?” Diễn đàn Vietwriter.vn
Họ nghe Ái Liên nói vậy thì rất sợ, nhưng lại tin thầy Tào hơn thì cứ xum xoe khóc lóc với ông ta. Gã này nắm bắt được tâm lý thì hống hách vểnh mặt lên:
“Chúng mày nghe thấy nó nói chưa? Nguy kịch rồi, con này nó chọc tức con ma rừng nên nhất định phải bắt con mày đi. Không là cả làng phát bệnh chết theo, mau đưa đi.”
“Thầy ơi… xin thầy…”
Gã mạnh tay hất vợ chồng chủ nhà ra khi họ cố bám víu rồi bảo đám người mang đứa trẻ đi. Ái Liên cố vùng vẫy nhưng không được, cô bị hai người đàn ông khỏe mạnh giữ ghì lấy không cho thoát ra. Đứa bé đang mê man sốt li bì cứ thế bị mang đi.
Đứa trẻ bị mang đi rồi, Ái Liên cũng bị đưa đi nốt, họ mang cô và đứa trẻ vào tận sâu trong rừng, nơi này đến thợ săn hay người đi lấy măng rừng cũng hiếm khi lui tới. Trong ấy có một cái nhà bằng gỗ nhỏ được dựng lên để nhốt những người mà thầy Tào phán là bị ma rừng ếm. Người bệnh không đi bệnh viện, sau một tuần được thầy Tào cúng đuổi ma không có dấu hiệu thuyên giảm sẽ bị mang vào nhà này nhốt lại, người nhà được phép mang đồ ăn và thức uống đến rồi đưa vào qua một ô cửa nhỏ.
Bình luận facebook