Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất - Chương 20 + 21
Chương 20
1953-1968
Mao Trạch Đông đã cấp cho Allan và Herbert hộ chiếu giả của Anh (ông có thể làm được điều đó). Từ Thẩm Dương, họ đáp máy bay qua Thượng Hải, Hồng Kông và Malaysia. Chẳng bao lâu sau, hai kẻ đào tẩu từ Gulag đã được ngồi dưới bóng dù trên bãi biển cát trắng cách Ấn Độ Dương vài mét.
Tất cả sẽ hoàn hảo nếu cô phục vụ, thực ra đầy thiện ý, không nhầm lẫn lung tung hết cả. Dù Allan và Herbert có gọi uống thứ gì thì cũng bị đưa cho cái khác. Đấy là nếu họ có gì để uống, vì đôi khi cô phục vụ biến mất tăm trên bãi biển. Lần cuối cùng Allan gọi một vodka và Coca-Cola (“nhiều vodka hơn cola một chút”) thì lại được Pisang Ambon, một thứ rượu chuối xanh len lét.
- Quá đủ rồi, - Allan nói và định đi khiếu nại với quản lý khách sạn, đòi một cô hầu bàn mới.
- Bước qua xác tôi nhé! - Herbert nói. - Cô ấy cực kì quyến rũ!
Cô hầu bàn tên là Ni Wayan Laksmi, ba mươi hai tuổi và lẽ ra phải lấy chồng từ lâu. Trông cô khá xinh, nhưng không phải từ một gia đình tử tế, không có tiền, và nhất là ai cũng biết cô thông minh như kodok, một con ếch Bali. Vì vậy, Ni Wayan Laksmi bị ế lại khi bọn con trai chọn vợ và con gái chọn trai trên đảo (nếu có thể tự chọn cho mình).
Cô chẳng lấy làm phiền lắm, vì luôn cảm thấy không thoải mái khi ở bên đàn ông. Và cả với phụ nữ nữa. Trên thực tế là với bất kì ai. Cho đến lúc này! Vì một trong hai khách da trắng mới ở khách sạn có cái gì đó thực sự đặc biệt. Tên chàng là Herbert và cứ như thể là... họ có một cái gì đó chung. Chàng phải hơn cô ít nhất ba mươi tuổi, nhưng cô thấy không quan trọng, vì cô đang... yêu! Và cảm giác của cô đã được đáp lại. Herbert chưa từng bao giờ gặp bất cứ ai chậm hiểu như mình.
Hồi Ni Wayan Laksmi sinh nhật mười lăm tuổi, cô đã được cha tặng một cuốn sách ngôn ngữ. Ý ông là con gái sẽ dùng nó để học tiếng Hà Lan, vì Indonesia lúc đó là thuộc địa của Hà Lan. Sau bốn năm đánh vật với cuốn sách, một ngày kia có người Hà Lan đến thăm gia đình. Lúc đó, Ni Wayan Laksmi lần đầu tiên dám thử tiếng Hà Lan đã học bao công khó nhọc, và được biết mình đang nói tiếng Đức. Cha cô, người cũng không sáng láng cho lắm, đã tặng cô cuốn sách sai.
Bây giờ, mười bảy năm sau, rủi hóa may, vì Ni Wayan Laksmi và Herbert có thể trò chuyện và bày tỏ tình yêu với nhau.
Chuyện xảy ra sau đó là Herbert xin một nửa bó đôla mà Mao Trạch Đông đã cho Allan, rồi tìm cha của Ni Wayan Laksmi và xin cưới cô con gái lớn của ông. Ông bố cứ tưởng đang bị giễu cợt. Một người nước ngoài, da trắng, với túi tiền đầy ắp, lại xin cưới đứa con gái ngu ngốc nhất của ông. Ngay việc ông ta gõ cửa đã là một sự kiện chấn động. Gia đình Ni Wayan Laksmi thuộc giai cấp Sundra, tầng thấp nhất trong bốn đẳng cấp ở Bali.
- Ông có vào đúng nhà không đấy? - Ông bố hỏi. - Và ý ông là với con gái lớn của tôi?
Herbert Einstein đáp thực ra mình thường lẫn lộn mọi thứ, nhưng riêng lần này, ông khá chắc chắn là mình không nhầm.
Hai tuần sau đám cưới diễn ra, sau khi Herbert đã cải đạo… tên là đạo gì thì ông quên mất rồi. Nhưng nó thật vui, với đầu voi và các thứ đại loại thế.
Trong suốt hai tuần, Herbert cố gắng để học tên người vợ mới của mình, nhưng cuối cùng ông đành bỏ cuộc.
- Em yêu, - ông nói. - Anh không thể nhớ được tên em. Tha thứ cho anh nếu anh gọi em là Amanda nhé?
- Không sao đâu, Herbert thân yêu. Amanda nghe rất hay. Nhưng sao lại là Amanda?
- Anh chẳng biết, - Herbert nói. - Em có ý gì hay hơn không?
Ni Wayan Laksmi không có, thế là, từ lúc đó, cô thành Amanda Einstein.
Herbert và Amanda mua một ngôi nhà ở làng Sanur, không xa cái khách sạn và bãi biển nơi Allan ở. Amanda thôi việc hầu bàn, cô nghĩ sớm muộn thì mình cũng bị sa thải vì cô chẳng bao giờ làm được gì đúng cả. Còn bây giờ, họ phải nghĩ xem cô và Herbert nên làm gì cho tương lai.
Cũng giống như Herbert, Amanda nhầm lẫn mọi thứ có thể nhầm được. Trái thành phải, trên thành dưới, đây thành kia... Vì thế, cô không thể học được cái gì. Ít nhất thì nó cũng đòi hỏi phải tìm được đường đến trường.
Nhưng giờ Amanda và Herbert có cả đống đôla và thế thì mọi thứ chắc chắn sẽ đâu vào đó. Amanda công nhận là mình cực kì không thông minh, cô giải thích với chồng, nhưng cô không ngu!
Rồi cô bảo Herbert ở Indonesia tất cả mọi thứ đều được bán, thế rất tiện cho ai có tiền. Herbert không hiểu lắm vợ nói gì, và Amanda biết nó cũng khó mà hiểu được, cho nên thay vì giải thích thêm, cô nói:
- Herbert thân yêu, cho em biết anh muốn gì cho mình.
- Ý em là gì? Em định nói... kiểu như có thể lái xe á?
- Vâng, đúng thế! - Amanda đáp.
Rồi cô xin lỗi vì có việc phải làm. Nhưng cô sẽ trở lại trước bữa ăn tối.
Ba tiếng sau, cô đã về nhà. Mang theo giấy phép lái xe mới tinh mang tên Herbert. Nhưng không chỉ có thế. Cô còn có tấm bằng tốt nghiệp cho thấy Herbert là người hướng dẫn lái xe và tờ chứng nhận rằng cô đã mua cả trường lái xe địa phương và đặt cho nó cái tên mới: Trường Lái xe của Einstein.
Thật tuyệt vời, Herbert nghĩ, nhưng... nó không làm anh lái xe thạo hơn, phải không? À, có chứ, theo một cách nào đó thì có, Amanda giải thích. Vì bây giờ anh đã có địa vị. Giờ anh là người quyết định thế nào là lái xe giỏi và thế nào không. Sự đời chưa chắc cái gì đúng là đúng, mà là do người có quyền quyết định nói là đúng.
Mặt Herbert sáng bừng lên: ông đã hiểu!
Trường Lái xe Einstein chẳng mấy chốc trở thành một công ty thành công. Hầu như tất cả mọi người trên đảo, những người cần giấy phép lái xe đều muốn được người da trắng dễ thông cảm dạy cho. Và Herbert nhanh chóng phát triển vai trò này. Ông tự dạy tất cả các bài học lý thuyết, và giải thích một cách thân thiện nhưng rất có uy rằng quan trọng là không nên lái xe quá nhanh trên đường vì sau đó bạn có thể bị đâm xe. Cũng không nên lái xe quá chậm, vì thế thì bạn cản trở giao thông. Ông thầy này có vẻ rất biết mình đang nói gì.
Sáu tháng sau, hai trường dạy lái xe khác trên đảo phải đóng cửa vì không có học viên, và Herbert thành ra độc quyền. Ông khoe với Allan chuyện này trong buổi dạo thăm biển hàng tuần.
- Tôi tự hào về anh đấy, Herbert ạ. - Allan nói. - Cái chuyện anh trong số bao nhiêu người lại thành thầy dạy lái xe ấy! Và đúng ở nơi lái xe bên trái và đủ thứ nữa…
- Lái xe bên trái á? Ở Indonesia họ lái xe bên trái à?
Amanda cũng đang bận bịu, trong lúc Herbert mải xây dựng công ty mà cô đã tặng như một món quà. Đầu tiên, cô phải được học hành tử tế, và giờ đã có bằng kinh tế. Cũng phải mất vài tuần và tốn khối tiền, nhưng cuối cùng, cô cũng nắm mảnh bằng trong tay. Đỗ đầu một trong những trường đại học tốt nhất ở Java.
Với trình độ đại học, cô đi dạo một lúc lâu dọc bờ biển Kuta và suy nghĩ rất lung. Cô nên làm gì để gây dựng tương lai tốt đẹp cho gia đình mình? Ngay cả với tấm bằng kinh tế thì cũng khá khó nghĩ. Nhưng có lẽ cô nên… có thể là… phải, nếu… Mình nhất định sẽ làm thế, Amanda Einstein nghĩ.
- Em sẽ làm chính trị!
Amanda Einstein thành lập Đảng Giải Phóng Dân Chủ Tự Do (cô nghĩ ba từ tự do, dân chủ và giải phóng nghe hay hay). Ngay lập tức, cô có sáu nghìn đảng viên ảo, tất cả đều nhất trí cô nên đứng ra ứng cử làm thống đốc ngay mùa thu này. Vị thống đốc hiện tại sẽ phải xuống vì lí do tuổi tác, và trước khi Amanda nảy ra ý tranh cử thì chỉ có mỗi một ứng cử viên thay thế. Bây giờ là hai. Một người là đàn ông, thành phần trí thức, còn một người là phụ nữ, giai cấp bình dân. Kết quả cuộc bầu cử rõ là bất lợi cho Amanda. Trừ một thực tế là cô có rất nhiều đôla.
Herbert không phản đối vợ mình theo đuổi chính trị, nhưng ông biết Allan, ngồi dưới cái dù che nắng, vốn ghét chính trị và sau nhiều năm ở Gulag thì càng không ưa cộng sản.
- Chúng ta sắp biến thành cộng sản đấy à? - Ông bực bội hỏi.
Không, Amanda không nghĩ thế. Từ đó có trong tên đảng đâu. Nhưng nếu đúng là Herbert muốn thành cộng sản thì họ có thể thêm vào.
- Đảng Giải Phóng Cộng Sản Dân Chủ Tự Do, - Amanda nói và cảm thấy cái tên trơn tru trên môi mình. - Có lẽ hơi dài một chút, nhưng mà ổn.
Song ý Herbert không phải thế. Mà là ngược lại, ông nghĩ. Đảng càng ít màu sắc chính trị càng hay. Rồi họ bắt đầu bàn bạc về tài trợ cho chiến dịch của mình thế nào. Theo Amanda, khi chiến dịch xong thì họ cũng không còn nhiều đôla lắm nữa, vì cần rất nhiều tiền để chiến thắng. Herbert nghĩ thế nào?
Herbert đáp ông chắc rằng Amanda là người hiểu vấn đề nhất trong nhà. Cũng chẳng có mấy người để mà so tài.
- Tuyệt, - Amanda nói. - Thế thì mình sẽ dùng một phần ba số vốn cho chiến dịch bầu cử của em, một phần ba hối lộ cho những người đứng đầu hội đồng bầu cử các quận, một phần ba để ném bùn làm mất uy tín đối thủ chính, còn lại một phần ba mình giữ để sống nếu việc không thành. Anh nghĩ sao?
Herbert gãi gãi mũi và chẳng nghĩ ngợi gì ráo. Nhưng ông kể với Allan kế hoạch của Amanda và Allan thở dài với ý nghĩ người chẳng phân biệt nổi rượu chuối với vodka mà đòi làm thống đốc ư? Nhưng thế thì sao, họ bắt đầu với một đống đôla của Mao Trạch Đông, và nửa của Allan còn rất nhiều. Thế là ông hứa với Herbert và Amanda là mình sẽ tặng họ một ít sau cuộc bầu cử. Nhưng sau đó thì ông không muốn nghe thêm những dự án về những thứ mà Herbert và Amanda cũng chẳng hiểu gì nữa.
Herbert cám ơn nhã ý của ông. Allan thật tử tế, chắc chắn là thế.
Tuy nhiên, hỗ trợ của Allan hóa ra không cần thiết. Cuộc bầu cử thống đốc hoàn toàn thắng lợi cho Amanda. Cô nắm hơn 80 % phiếu bầu, còn đối thủ chỉ có 22 %. Phe đối thủ nghĩ tổng số phiếu bầu vượt quá một trăm chứng tỏ cuộc bầu cử không công bằng, nhưng tòa án bác ngay đơn kiện và đe dọa những hậu quả mà ông ta sẽ phải gánh chịu nếu xúc phạm đến bà Einstein, thống đốc tương lai. Ngay trước khi tòa tuyên bố, Amanda đã tình cờ ngồi uống trà với ngài chánh án tòa.
* * *
Trong khi Amanda Einstein từng bước chậm mà chắc chiếm lĩnh hòn đảo thì chồng cô, Herbert dạy mọi người lái xe (trong khi cố gắng càng ít phải ngồi sau tay lái càng tốt), còn Allan ngồi trên chiếc ghế dài bên bờ biển với ly đồ uống khoái khẩu trên tay. Từ khi Amanda bận rộn việc khác thay vì phục vụ du khách thì ông gần như luôn gọi được đúng thứ mình yêu cầu.
Ngoài việc ngồi đấy nhâm nhi đồ uống, Allan cũng lướt qua mấy tờ báo quốc tế mình đã đặt, ăn khi nào đói, ngủ trưa trong phòng khi thấy mệt.
Hàng ngày, hàng tuần rồi tháng, năm trôi qua, Allan chẳng bao giờ chán nghỉ hè. Mười lăm năm sau, ông vẫn còn một đống đôla. Một phần vì hồi đầu, ông có nhiều thật, nhưng cũng vì Amanda và Herbert Einstein có lúc làm chủ khách sạn mà ông trọ và miễn phí cho Allan.
Allan giờ đã sáu mươi ba tuổi và vẫn chẳng đi đâu nếu không cần thiết, trong khi Amanda ngày càng thành công lớn về chính trị. Cô rất được công chúng yêu mến, nếu nhìn vào cuộc thăm dò ý kiến thường kì do Viện Thống kê địa phương của các chị em cô tiến hành. Bên cạnh đó, Bali được tổ chức nhân quyền xếp vào khu vực ít bị tham nhũng nhất trong cả nước. Đó là nhờ Amanda đã hối lộ hết cả ủy ban của tổ chức này.
Chiến dịch chống tham nhũng là một trong ba điểm nhấn của thống đốc Amanda, nhất là việc cô đưa bài học chống tham nhũng vào trong tất cả các trường học tại Bali. Ban đầu, một hiệu trưởng ở Denpasar đã phản đối - vì cho rằng chuyện này sẽ phản tác dụng. Nhưng rồi Amanda cất nhắc ông ta lên làm chủ tịch Hội đồng quản trị trường với lương tăng gấp đôi, thế là mọi việc lại trôi chảy.
Việc thứ hai là cuộc đấu tranh chống cộng sản của Amanda. Chuyện này xảy ra ngay trước khi cô được tái đắc cử lần đầu tiên, cô đã cấm đảng cộng sản địa phương khi nó trên đà phát triển đe dọa quyền lợi của mình. Theo cách đó, cô đã thắng cuộc bầu cử với số tiền ít hơn cần thiết rất nhiều.
Việc thứ ba, Amanda được Herbert và Allan giúp. Nhờ có họ, cô phát hiện ra phần còn lại của trái đất có rất nhiều nơi không phải lúc nào cũng 30 độ C quanh năm. Đặc biệt là ở chỗ gọi là Châu Âu thì cực kì lạnh, nhất là vùng cực Bắc nơi Allan sinh ra. Vì vậy, cô khuyến khích du lịch phát triển bằng cách cho phép xây những khách sạn sang trọng trên chỗ đất mà mình vừa mua.
Thêm nữa, cô hết sức chăm lo đến bè bạn, họ hàng mình. Bố, mẹ, các em, chú bác, cô dì, anh em họ cô chẳng bao lâu đều nắm giữ các vị trí quan trọng, béo bở trong xã hội Bali. Điều này khiến cho Amanda lại tái đắc cử thống đốc không dưới hai lần. Lần thứ hai, con số phiếu bầu và người bầu thậm chí còn cao hơn.
Sau vài năm, Amanda cũng sinh được hai cậu quý tử, đầu tiên là Allan Einstein (để cám ơn Herbert và Allan về mọi thứ), sau đó là Mao Einstein (về đống đôla đã đem lại bao nhiêu điều tốt lành).
Nhưng một ngày kia, mọi thứ trở nên khó khăn kinh khủng. Bắt đầu là Gunung Agung, ngọn núi lửa cao 3.000 mét phun trào. Hậu quả ngay lập tức cho Allan, ở cách đấy 70 km, là khói che kín mặt trời. Với những người khác còn tệ hại hơn. Hàng nghìn người chết, số đông hơn phải di rời khỏi hòn đảo. Nữ thống đốc nổi tiếng của Bali không ra được quyết định gì xứng với danh tiếng của mình. Cô thậm chí còn không biết rằng mình phải ra một số quyết định.
Ngọn núi lửa từ từ dịu xuống, nhưng tình hình chính trị và kinh tế trên hòn đảo vẫn sôi sục - như ở phần còn lại của đất nước này. Tại Jakarta, Suharto thay thế Sukarno, và vị lãnh đạo mới chắc chắn không nương nhẹ với các phe đối lập chính trị giống như người tiền nhiệm. Ngay lập tức, Suharto bắt đầu săn lùng những người cộng sản, bị coi là, tình nghi là hay có khả năng là cộng sản, cả những người khó có thể là công sản và những kẻ ngây thơ lập dị. Chẳng bao lâu, khoảng hai, ba trăm ngàn người đã chết, con số này không chính xác, vì rất nhiều người gốc Hoa đã bị trục xuất bằng thuyền khỏi Indonesia với tội danh cộng sản và phải hồi hương về Trung Quốc, nơi họ lại bị đối xử như bọn tư bản.
Khi khói đã tan, không một ai trong số hai trăm triệu dân Indonesia còn theo ý tưởng cộng sản (để an toàn, giờ nó đã bị coi là tội ác). Suharto đã hoàn thành nhiệm vụ và mời chào Mỹ cùng các nước phương Tây vào chia sẻ sự giàu có của nước mình. Điều đó khiến bánh xe kinh tế chạy, tình trạng dân sinh tốt hơn, và tốt nhất là cho chính Suharto, chẳng bao lâu giàu đến khó tin. Với một người lính bắt đầu sự nghiệp quân ngũ của mình bằng buôn lậu đường thì nó quả thật không tồi.
Amanda Einstein thấy làm thống đốc không còn hay ho lắm nữa. Có lẽ khoảng tám mươi nghìn người Bali đã mất mạng bởi tham vọng của chính quyền Jakarta muốn tẩy não người dân đúng lập trường.
Trong cơn biến loạn, Herbert thừa dịp về nghỉ hưu và giờ Amanda cũng định thế mặc dù cô chưa đến bốn mươi ba tuổi. Gia đình cô đã sở hữu đất đai và khách sạn, còn số đôla lớn để khởi nghiệp giờ đã tăng lên vô số. Nghỉ hưu là được rồi, nhưng rồi cô nên làm gì nhỉ?
- Hay là cô làm Đại sứ Indonesia tại Paris? - Suharto hỏi thẳng cô sau khi tự giới thiệu mình trên điện thoại.
Suharto đã chú ý đến những việc Amanda Einstein làm ở Bali và quyết định kiên quyết cấm cộng sản địa phương của cô. Thêm nữa, ông muốn có tỉ lệ cân bằng giữa hai giới khi cử đại sứ (tỉ lệ sẽ là 24-1 nếu Amanda nhận việc).
- Paris à? - Amanda Einstein đáp. - Nó ở đâu nhỉ?
***
Ban đầu, Allan nghĩ rằng núi lửa phun năm 1963 có lẽ là cái điềm báo với ông rằng đã đến lúc rã đám. Nhưng khi khói núi lửa tan, mặt trời lại xuất hiện, mọi thứ trở lại gần như trước đây (trừ cuộc nội chiến trên đường phố vì lí do nào đó). Điềm báo vẫn chưa rõ ràng hơn nên ông chẳng để ý đến nữa. Thế là, Allan vẫn ở ì trên chiếc sofa của mình thêm vài năm nữa.
Cuối cùng là nhờ Herbert nên ông mới thực sự đóng gói và chuyển đi. Một hôm, Herbert nói rằng mình và Amanda sẽ chuyển đến Paris, nếu Allan muốn đi cùng thì bạn ông sẽ kiếm một hộ chiếu Indonesia giả thay vì hộ chiếu giả của Anh (đã quá hạn) mà Allan đã dùng. Thêm nữa, ngài đại sứ tương lai sẽ tuyển Allan vào một chân gì đó ở Đại sứ quán, Allan không vì thế mà phải làm việc, nhưng nếu không thì người Pháp có thể gây khó khăn khi nhập cảnh.
Allan chấp nhận đề nghị đó. Đến giờ ông đã nghỉ ngơi khá đủ. Thêm nữa, Paris có vẻ là một góc bình yên và ổn định của thế giới, không có các cuộc bạo loạn như ở Bali gần đây, thậm chí ngay bên khách sạn của Allan.
Họ sẽ đi sau hai tuần nữa. Amanda bắt đầu nhận chức ở Đại sứ quán vào ngày mùng một tháng Năm.
Đó là năm 1968.
***
Chương 21
Thứ Năm 26 Tháng 5, 2005
Per-Gunnar Gerdin vẫn còn ngủ nướng khi Chánh Thanh tra Göran Aronsson trở lại trang trại Bellringer và kinh ngạc phát hiện ra Allan Emmanuel Karlsson đang ngồi trên võng ngoài hiên gỗ rộng.
Benny, Người Đẹp và Buster bận rộn mang nước vào chuồng mới của Sonya trong nhà kho. Julius đã để râu, nhờ thế nhóm cho phép ông đi cùng với Bosse đến Falkoping để mua các thứ. Allan ngủ quên trên võng đến khi Chánh Thanh tra tới đánh thức.
- Chắc cụ là Allan Karlsson? - Ông Chánh Thanh tra Aronsson hỏi.
Allan mở mắt ra và đáp cụ cũng đồ là như thế. Nhưng mặt khác, cụ lại chẳng biết ai đang gọi mình. Người lạ mặt có thể bật mí một tí về chuyện đó được không?
Chánh Thanh tra lập tức trả lời. Ông nói tên mình là Aronsson, Chánh Thanh tra lực lượng cảnh sát, rằng ông đã tìm kiếm Cụ Karlsson một thời gian và Cụ Karlsson bị bắt giữ vì tình nghi đã giết người. Bạn của Cụ Karlsson, Ông Jonsson, Ông Ljungberg và Cô Björklund cũng bị bắt vì vụ đó. Cụ Karlsson có biết họ ở đâu không?
Allan không vội trả lời. Cụ nói mình phải nghĩ cái đã, cụ vừa mới ngủ dậy và tin rằng Chánh Thanh tra hiểu điều đó. Ai lại đi cằn nhằn bạn bè mình mà không suy nghĩ cẩn thận. Chắc là Chánh Thanh tra cũng đồng ý thế chứ?
Chánh Thanh tra đáp ông chỉ có một lời khuyên cho Cụ Karlsson là hãy nhanh chóng nói ra những gì cụ biết. Nhưng, quả thật, Chánh Thanh tra không cần phải vội.
Allan thấy yên tâm và mời Chánh Thanh tra ngồi lên võng, để cụ vào bếp lấy ít cà phê.
- Ông thanh tra uống cà phê với đường nhé? Hay sữa?
Chánh Thanh tra Aronsson không phải là người để cho tội phạm bị bắt giữ được phép nhung nhăng đi lại, cho dù là xuống nhà bếp ngay cạnh đấy. Nhưng riêng vụ này thì có thể bình tĩnh một chút. Thêm nữa, từ chỗ cái võng, Chánh Thanh tra có thể nhìn rõ nhà bếp và Allan làm gì ở đó. Vì vậy, Aronsson cảm ơn Allan về lời mời.
- Sữa, cụ ạ. Không đường, - ông nói và thả mình thoải mái trên chiếc võng.
Allan, tội phạm mới bị tóm, bận rộn trong bếp. (“Thêm cái bánh quy Đan Mạch nữa nhé?”) trong lúc Chánh Thanh tra Aronsson ngồi trên hiên quan sát cụ. Aronsson không hiểu sao trước đây mình có thể suy luận quá vụng về. Tất nhiên, ông đã nhìn thấy cụ già ngoài hiên trang trại mà cứ chắc mẩm đấy là bố của Bo Ljungberg, lẽ ra chuyện đó phải đưa Aronsson đến chỗ cậu con trai và sau đó anh ta sẽ xác nhận rằng không ai trong số những kẻ bị truy nã ở quanh đây, và cả chuyến đi đến Västergötland thành ra vô ích.
Nhưng khi Aronsson đến gần cái hiên, té ra cụ già trong võng chính là Allan Karlsson. Cú bắn từ xa hóa ra lại trúng hồng tâm! Aronsson đã cư xử một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp với Allan, nếu có thể nói ‘chuyên nghiệp’ là để cho một nghi phạm giết ba mạng người vào bếp đun cà phê, nhưng lúc này ông ngồi đó, cảm thấy mình như một kẻ nghiệp dư. Allan Karlsson, một trăm tuổi, trông chẳng có gì nguy hiểm, nhưng Aronsson phải làm gì nếu ba kẻ tình nghi kia xuất hiện, và có thể cùng với cả Bo Ljungberg, kẻ cũng đáng bị bắt vì chứa chấp tội phạm.
- Sữa không đường à? - Allan gọi với từ bếp ra. - Ở tuổi tôi, dễ quên lắm.
Aronsson lặp lại yêu cầu cho sữa vào cà phê của mình, rồi lôi điện thoại ra gọi các đồng nghiệp ở Falköping tới tiếp ứng. Để an toàn, ông cần hai xe.
Tuy nhiên, điện thoại lại nhanh hơn cả thanh tra. Nó réo lên trước khi ông có thể gọi. Tất nhiên là Aronsson trả lời. Đó là công tố viên Ranelid – với một số thông tin giật gân.
*
1953-1968
Mao Trạch Đông đã cấp cho Allan và Herbert hộ chiếu giả của Anh (ông có thể làm được điều đó). Từ Thẩm Dương, họ đáp máy bay qua Thượng Hải, Hồng Kông và Malaysia. Chẳng bao lâu sau, hai kẻ đào tẩu từ Gulag đã được ngồi dưới bóng dù trên bãi biển cát trắng cách Ấn Độ Dương vài mét.
Tất cả sẽ hoàn hảo nếu cô phục vụ, thực ra đầy thiện ý, không nhầm lẫn lung tung hết cả. Dù Allan và Herbert có gọi uống thứ gì thì cũng bị đưa cho cái khác. Đấy là nếu họ có gì để uống, vì đôi khi cô phục vụ biến mất tăm trên bãi biển. Lần cuối cùng Allan gọi một vodka và Coca-Cola (“nhiều vodka hơn cola một chút”) thì lại được Pisang Ambon, một thứ rượu chuối xanh len lét.
- Quá đủ rồi, - Allan nói và định đi khiếu nại với quản lý khách sạn, đòi một cô hầu bàn mới.
- Bước qua xác tôi nhé! - Herbert nói. - Cô ấy cực kì quyến rũ!
Cô hầu bàn tên là Ni Wayan Laksmi, ba mươi hai tuổi và lẽ ra phải lấy chồng từ lâu. Trông cô khá xinh, nhưng không phải từ một gia đình tử tế, không có tiền, và nhất là ai cũng biết cô thông minh như kodok, một con ếch Bali. Vì vậy, Ni Wayan Laksmi bị ế lại khi bọn con trai chọn vợ và con gái chọn trai trên đảo (nếu có thể tự chọn cho mình).
Cô chẳng lấy làm phiền lắm, vì luôn cảm thấy không thoải mái khi ở bên đàn ông. Và cả với phụ nữ nữa. Trên thực tế là với bất kì ai. Cho đến lúc này! Vì một trong hai khách da trắng mới ở khách sạn có cái gì đó thực sự đặc biệt. Tên chàng là Herbert và cứ như thể là... họ có một cái gì đó chung. Chàng phải hơn cô ít nhất ba mươi tuổi, nhưng cô thấy không quan trọng, vì cô đang... yêu! Và cảm giác của cô đã được đáp lại. Herbert chưa từng bao giờ gặp bất cứ ai chậm hiểu như mình.
Hồi Ni Wayan Laksmi sinh nhật mười lăm tuổi, cô đã được cha tặng một cuốn sách ngôn ngữ. Ý ông là con gái sẽ dùng nó để học tiếng Hà Lan, vì Indonesia lúc đó là thuộc địa của Hà Lan. Sau bốn năm đánh vật với cuốn sách, một ngày kia có người Hà Lan đến thăm gia đình. Lúc đó, Ni Wayan Laksmi lần đầu tiên dám thử tiếng Hà Lan đã học bao công khó nhọc, và được biết mình đang nói tiếng Đức. Cha cô, người cũng không sáng láng cho lắm, đã tặng cô cuốn sách sai.
Bây giờ, mười bảy năm sau, rủi hóa may, vì Ni Wayan Laksmi và Herbert có thể trò chuyện và bày tỏ tình yêu với nhau.
Chuyện xảy ra sau đó là Herbert xin một nửa bó đôla mà Mao Trạch Đông đã cho Allan, rồi tìm cha của Ni Wayan Laksmi và xin cưới cô con gái lớn của ông. Ông bố cứ tưởng đang bị giễu cợt. Một người nước ngoài, da trắng, với túi tiền đầy ắp, lại xin cưới đứa con gái ngu ngốc nhất của ông. Ngay việc ông ta gõ cửa đã là một sự kiện chấn động. Gia đình Ni Wayan Laksmi thuộc giai cấp Sundra, tầng thấp nhất trong bốn đẳng cấp ở Bali.
- Ông có vào đúng nhà không đấy? - Ông bố hỏi. - Và ý ông là với con gái lớn của tôi?
Herbert Einstein đáp thực ra mình thường lẫn lộn mọi thứ, nhưng riêng lần này, ông khá chắc chắn là mình không nhầm.
Hai tuần sau đám cưới diễn ra, sau khi Herbert đã cải đạo… tên là đạo gì thì ông quên mất rồi. Nhưng nó thật vui, với đầu voi và các thứ đại loại thế.
Trong suốt hai tuần, Herbert cố gắng để học tên người vợ mới của mình, nhưng cuối cùng ông đành bỏ cuộc.
- Em yêu, - ông nói. - Anh không thể nhớ được tên em. Tha thứ cho anh nếu anh gọi em là Amanda nhé?
- Không sao đâu, Herbert thân yêu. Amanda nghe rất hay. Nhưng sao lại là Amanda?
- Anh chẳng biết, - Herbert nói. - Em có ý gì hay hơn không?
Ni Wayan Laksmi không có, thế là, từ lúc đó, cô thành Amanda Einstein.
Herbert và Amanda mua một ngôi nhà ở làng Sanur, không xa cái khách sạn và bãi biển nơi Allan ở. Amanda thôi việc hầu bàn, cô nghĩ sớm muộn thì mình cũng bị sa thải vì cô chẳng bao giờ làm được gì đúng cả. Còn bây giờ, họ phải nghĩ xem cô và Herbert nên làm gì cho tương lai.
Cũng giống như Herbert, Amanda nhầm lẫn mọi thứ có thể nhầm được. Trái thành phải, trên thành dưới, đây thành kia... Vì thế, cô không thể học được cái gì. Ít nhất thì nó cũng đòi hỏi phải tìm được đường đến trường.
Nhưng giờ Amanda và Herbert có cả đống đôla và thế thì mọi thứ chắc chắn sẽ đâu vào đó. Amanda công nhận là mình cực kì không thông minh, cô giải thích với chồng, nhưng cô không ngu!
Rồi cô bảo Herbert ở Indonesia tất cả mọi thứ đều được bán, thế rất tiện cho ai có tiền. Herbert không hiểu lắm vợ nói gì, và Amanda biết nó cũng khó mà hiểu được, cho nên thay vì giải thích thêm, cô nói:
- Herbert thân yêu, cho em biết anh muốn gì cho mình.
- Ý em là gì? Em định nói... kiểu như có thể lái xe á?
- Vâng, đúng thế! - Amanda đáp.
Rồi cô xin lỗi vì có việc phải làm. Nhưng cô sẽ trở lại trước bữa ăn tối.
Ba tiếng sau, cô đã về nhà. Mang theo giấy phép lái xe mới tinh mang tên Herbert. Nhưng không chỉ có thế. Cô còn có tấm bằng tốt nghiệp cho thấy Herbert là người hướng dẫn lái xe và tờ chứng nhận rằng cô đã mua cả trường lái xe địa phương và đặt cho nó cái tên mới: Trường Lái xe của Einstein.
Thật tuyệt vời, Herbert nghĩ, nhưng... nó không làm anh lái xe thạo hơn, phải không? À, có chứ, theo một cách nào đó thì có, Amanda giải thích. Vì bây giờ anh đã có địa vị. Giờ anh là người quyết định thế nào là lái xe giỏi và thế nào không. Sự đời chưa chắc cái gì đúng là đúng, mà là do người có quyền quyết định nói là đúng.
Mặt Herbert sáng bừng lên: ông đã hiểu!
Trường Lái xe Einstein chẳng mấy chốc trở thành một công ty thành công. Hầu như tất cả mọi người trên đảo, những người cần giấy phép lái xe đều muốn được người da trắng dễ thông cảm dạy cho. Và Herbert nhanh chóng phát triển vai trò này. Ông tự dạy tất cả các bài học lý thuyết, và giải thích một cách thân thiện nhưng rất có uy rằng quan trọng là không nên lái xe quá nhanh trên đường vì sau đó bạn có thể bị đâm xe. Cũng không nên lái xe quá chậm, vì thế thì bạn cản trở giao thông. Ông thầy này có vẻ rất biết mình đang nói gì.
Sáu tháng sau, hai trường dạy lái xe khác trên đảo phải đóng cửa vì không có học viên, và Herbert thành ra độc quyền. Ông khoe với Allan chuyện này trong buổi dạo thăm biển hàng tuần.
- Tôi tự hào về anh đấy, Herbert ạ. - Allan nói. - Cái chuyện anh trong số bao nhiêu người lại thành thầy dạy lái xe ấy! Và đúng ở nơi lái xe bên trái và đủ thứ nữa…
- Lái xe bên trái á? Ở Indonesia họ lái xe bên trái à?
Amanda cũng đang bận bịu, trong lúc Herbert mải xây dựng công ty mà cô đã tặng như một món quà. Đầu tiên, cô phải được học hành tử tế, và giờ đã có bằng kinh tế. Cũng phải mất vài tuần và tốn khối tiền, nhưng cuối cùng, cô cũng nắm mảnh bằng trong tay. Đỗ đầu một trong những trường đại học tốt nhất ở Java.
Với trình độ đại học, cô đi dạo một lúc lâu dọc bờ biển Kuta và suy nghĩ rất lung. Cô nên làm gì để gây dựng tương lai tốt đẹp cho gia đình mình? Ngay cả với tấm bằng kinh tế thì cũng khá khó nghĩ. Nhưng có lẽ cô nên… có thể là… phải, nếu… Mình nhất định sẽ làm thế, Amanda Einstein nghĩ.
- Em sẽ làm chính trị!
Amanda Einstein thành lập Đảng Giải Phóng Dân Chủ Tự Do (cô nghĩ ba từ tự do, dân chủ và giải phóng nghe hay hay). Ngay lập tức, cô có sáu nghìn đảng viên ảo, tất cả đều nhất trí cô nên đứng ra ứng cử làm thống đốc ngay mùa thu này. Vị thống đốc hiện tại sẽ phải xuống vì lí do tuổi tác, và trước khi Amanda nảy ra ý tranh cử thì chỉ có mỗi một ứng cử viên thay thế. Bây giờ là hai. Một người là đàn ông, thành phần trí thức, còn một người là phụ nữ, giai cấp bình dân. Kết quả cuộc bầu cử rõ là bất lợi cho Amanda. Trừ một thực tế là cô có rất nhiều đôla.
Herbert không phản đối vợ mình theo đuổi chính trị, nhưng ông biết Allan, ngồi dưới cái dù che nắng, vốn ghét chính trị và sau nhiều năm ở Gulag thì càng không ưa cộng sản.
- Chúng ta sắp biến thành cộng sản đấy à? - Ông bực bội hỏi.
Không, Amanda không nghĩ thế. Từ đó có trong tên đảng đâu. Nhưng nếu đúng là Herbert muốn thành cộng sản thì họ có thể thêm vào.
- Đảng Giải Phóng Cộng Sản Dân Chủ Tự Do, - Amanda nói và cảm thấy cái tên trơn tru trên môi mình. - Có lẽ hơi dài một chút, nhưng mà ổn.
Song ý Herbert không phải thế. Mà là ngược lại, ông nghĩ. Đảng càng ít màu sắc chính trị càng hay. Rồi họ bắt đầu bàn bạc về tài trợ cho chiến dịch của mình thế nào. Theo Amanda, khi chiến dịch xong thì họ cũng không còn nhiều đôla lắm nữa, vì cần rất nhiều tiền để chiến thắng. Herbert nghĩ thế nào?
Herbert đáp ông chắc rằng Amanda là người hiểu vấn đề nhất trong nhà. Cũng chẳng có mấy người để mà so tài.
- Tuyệt, - Amanda nói. - Thế thì mình sẽ dùng một phần ba số vốn cho chiến dịch bầu cử của em, một phần ba hối lộ cho những người đứng đầu hội đồng bầu cử các quận, một phần ba để ném bùn làm mất uy tín đối thủ chính, còn lại một phần ba mình giữ để sống nếu việc không thành. Anh nghĩ sao?
Herbert gãi gãi mũi và chẳng nghĩ ngợi gì ráo. Nhưng ông kể với Allan kế hoạch của Amanda và Allan thở dài với ý nghĩ người chẳng phân biệt nổi rượu chuối với vodka mà đòi làm thống đốc ư? Nhưng thế thì sao, họ bắt đầu với một đống đôla của Mao Trạch Đông, và nửa của Allan còn rất nhiều. Thế là ông hứa với Herbert và Amanda là mình sẽ tặng họ một ít sau cuộc bầu cử. Nhưng sau đó thì ông không muốn nghe thêm những dự án về những thứ mà Herbert và Amanda cũng chẳng hiểu gì nữa.
Herbert cám ơn nhã ý của ông. Allan thật tử tế, chắc chắn là thế.
Tuy nhiên, hỗ trợ của Allan hóa ra không cần thiết. Cuộc bầu cử thống đốc hoàn toàn thắng lợi cho Amanda. Cô nắm hơn 80 % phiếu bầu, còn đối thủ chỉ có 22 %. Phe đối thủ nghĩ tổng số phiếu bầu vượt quá một trăm chứng tỏ cuộc bầu cử không công bằng, nhưng tòa án bác ngay đơn kiện và đe dọa những hậu quả mà ông ta sẽ phải gánh chịu nếu xúc phạm đến bà Einstein, thống đốc tương lai. Ngay trước khi tòa tuyên bố, Amanda đã tình cờ ngồi uống trà với ngài chánh án tòa.
* * *
Trong khi Amanda Einstein từng bước chậm mà chắc chiếm lĩnh hòn đảo thì chồng cô, Herbert dạy mọi người lái xe (trong khi cố gắng càng ít phải ngồi sau tay lái càng tốt), còn Allan ngồi trên chiếc ghế dài bên bờ biển với ly đồ uống khoái khẩu trên tay. Từ khi Amanda bận rộn việc khác thay vì phục vụ du khách thì ông gần như luôn gọi được đúng thứ mình yêu cầu.
Ngoài việc ngồi đấy nhâm nhi đồ uống, Allan cũng lướt qua mấy tờ báo quốc tế mình đã đặt, ăn khi nào đói, ngủ trưa trong phòng khi thấy mệt.
Hàng ngày, hàng tuần rồi tháng, năm trôi qua, Allan chẳng bao giờ chán nghỉ hè. Mười lăm năm sau, ông vẫn còn một đống đôla. Một phần vì hồi đầu, ông có nhiều thật, nhưng cũng vì Amanda và Herbert Einstein có lúc làm chủ khách sạn mà ông trọ và miễn phí cho Allan.
Allan giờ đã sáu mươi ba tuổi và vẫn chẳng đi đâu nếu không cần thiết, trong khi Amanda ngày càng thành công lớn về chính trị. Cô rất được công chúng yêu mến, nếu nhìn vào cuộc thăm dò ý kiến thường kì do Viện Thống kê địa phương của các chị em cô tiến hành. Bên cạnh đó, Bali được tổ chức nhân quyền xếp vào khu vực ít bị tham nhũng nhất trong cả nước. Đó là nhờ Amanda đã hối lộ hết cả ủy ban của tổ chức này.
Chiến dịch chống tham nhũng là một trong ba điểm nhấn của thống đốc Amanda, nhất là việc cô đưa bài học chống tham nhũng vào trong tất cả các trường học tại Bali. Ban đầu, một hiệu trưởng ở Denpasar đã phản đối - vì cho rằng chuyện này sẽ phản tác dụng. Nhưng rồi Amanda cất nhắc ông ta lên làm chủ tịch Hội đồng quản trị trường với lương tăng gấp đôi, thế là mọi việc lại trôi chảy.
Việc thứ hai là cuộc đấu tranh chống cộng sản của Amanda. Chuyện này xảy ra ngay trước khi cô được tái đắc cử lần đầu tiên, cô đã cấm đảng cộng sản địa phương khi nó trên đà phát triển đe dọa quyền lợi của mình. Theo cách đó, cô đã thắng cuộc bầu cử với số tiền ít hơn cần thiết rất nhiều.
Việc thứ ba, Amanda được Herbert và Allan giúp. Nhờ có họ, cô phát hiện ra phần còn lại của trái đất có rất nhiều nơi không phải lúc nào cũng 30 độ C quanh năm. Đặc biệt là ở chỗ gọi là Châu Âu thì cực kì lạnh, nhất là vùng cực Bắc nơi Allan sinh ra. Vì vậy, cô khuyến khích du lịch phát triển bằng cách cho phép xây những khách sạn sang trọng trên chỗ đất mà mình vừa mua.
Thêm nữa, cô hết sức chăm lo đến bè bạn, họ hàng mình. Bố, mẹ, các em, chú bác, cô dì, anh em họ cô chẳng bao lâu đều nắm giữ các vị trí quan trọng, béo bở trong xã hội Bali. Điều này khiến cho Amanda lại tái đắc cử thống đốc không dưới hai lần. Lần thứ hai, con số phiếu bầu và người bầu thậm chí còn cao hơn.
Sau vài năm, Amanda cũng sinh được hai cậu quý tử, đầu tiên là Allan Einstein (để cám ơn Herbert và Allan về mọi thứ), sau đó là Mao Einstein (về đống đôla đã đem lại bao nhiêu điều tốt lành).
Nhưng một ngày kia, mọi thứ trở nên khó khăn kinh khủng. Bắt đầu là Gunung Agung, ngọn núi lửa cao 3.000 mét phun trào. Hậu quả ngay lập tức cho Allan, ở cách đấy 70 km, là khói che kín mặt trời. Với những người khác còn tệ hại hơn. Hàng nghìn người chết, số đông hơn phải di rời khỏi hòn đảo. Nữ thống đốc nổi tiếng của Bali không ra được quyết định gì xứng với danh tiếng của mình. Cô thậm chí còn không biết rằng mình phải ra một số quyết định.
Ngọn núi lửa từ từ dịu xuống, nhưng tình hình chính trị và kinh tế trên hòn đảo vẫn sôi sục - như ở phần còn lại của đất nước này. Tại Jakarta, Suharto thay thế Sukarno, và vị lãnh đạo mới chắc chắn không nương nhẹ với các phe đối lập chính trị giống như người tiền nhiệm. Ngay lập tức, Suharto bắt đầu săn lùng những người cộng sản, bị coi là, tình nghi là hay có khả năng là cộng sản, cả những người khó có thể là công sản và những kẻ ngây thơ lập dị. Chẳng bao lâu, khoảng hai, ba trăm ngàn người đã chết, con số này không chính xác, vì rất nhiều người gốc Hoa đã bị trục xuất bằng thuyền khỏi Indonesia với tội danh cộng sản và phải hồi hương về Trung Quốc, nơi họ lại bị đối xử như bọn tư bản.
Khi khói đã tan, không một ai trong số hai trăm triệu dân Indonesia còn theo ý tưởng cộng sản (để an toàn, giờ nó đã bị coi là tội ác). Suharto đã hoàn thành nhiệm vụ và mời chào Mỹ cùng các nước phương Tây vào chia sẻ sự giàu có của nước mình. Điều đó khiến bánh xe kinh tế chạy, tình trạng dân sinh tốt hơn, và tốt nhất là cho chính Suharto, chẳng bao lâu giàu đến khó tin. Với một người lính bắt đầu sự nghiệp quân ngũ của mình bằng buôn lậu đường thì nó quả thật không tồi.
Amanda Einstein thấy làm thống đốc không còn hay ho lắm nữa. Có lẽ khoảng tám mươi nghìn người Bali đã mất mạng bởi tham vọng của chính quyền Jakarta muốn tẩy não người dân đúng lập trường.
Trong cơn biến loạn, Herbert thừa dịp về nghỉ hưu và giờ Amanda cũng định thế mặc dù cô chưa đến bốn mươi ba tuổi. Gia đình cô đã sở hữu đất đai và khách sạn, còn số đôla lớn để khởi nghiệp giờ đã tăng lên vô số. Nghỉ hưu là được rồi, nhưng rồi cô nên làm gì nhỉ?
- Hay là cô làm Đại sứ Indonesia tại Paris? - Suharto hỏi thẳng cô sau khi tự giới thiệu mình trên điện thoại.
Suharto đã chú ý đến những việc Amanda Einstein làm ở Bali và quyết định kiên quyết cấm cộng sản địa phương của cô. Thêm nữa, ông muốn có tỉ lệ cân bằng giữa hai giới khi cử đại sứ (tỉ lệ sẽ là 24-1 nếu Amanda nhận việc).
- Paris à? - Amanda Einstein đáp. - Nó ở đâu nhỉ?
***
Ban đầu, Allan nghĩ rằng núi lửa phun năm 1963 có lẽ là cái điềm báo với ông rằng đã đến lúc rã đám. Nhưng khi khói núi lửa tan, mặt trời lại xuất hiện, mọi thứ trở lại gần như trước đây (trừ cuộc nội chiến trên đường phố vì lí do nào đó). Điềm báo vẫn chưa rõ ràng hơn nên ông chẳng để ý đến nữa. Thế là, Allan vẫn ở ì trên chiếc sofa của mình thêm vài năm nữa.
Cuối cùng là nhờ Herbert nên ông mới thực sự đóng gói và chuyển đi. Một hôm, Herbert nói rằng mình và Amanda sẽ chuyển đến Paris, nếu Allan muốn đi cùng thì bạn ông sẽ kiếm một hộ chiếu Indonesia giả thay vì hộ chiếu giả của Anh (đã quá hạn) mà Allan đã dùng. Thêm nữa, ngài đại sứ tương lai sẽ tuyển Allan vào một chân gì đó ở Đại sứ quán, Allan không vì thế mà phải làm việc, nhưng nếu không thì người Pháp có thể gây khó khăn khi nhập cảnh.
Allan chấp nhận đề nghị đó. Đến giờ ông đã nghỉ ngơi khá đủ. Thêm nữa, Paris có vẻ là một góc bình yên và ổn định của thế giới, không có các cuộc bạo loạn như ở Bali gần đây, thậm chí ngay bên khách sạn của Allan.
Họ sẽ đi sau hai tuần nữa. Amanda bắt đầu nhận chức ở Đại sứ quán vào ngày mùng một tháng Năm.
Đó là năm 1968.
***
Chương 21
Thứ Năm 26 Tháng 5, 2005
Per-Gunnar Gerdin vẫn còn ngủ nướng khi Chánh Thanh tra Göran Aronsson trở lại trang trại Bellringer và kinh ngạc phát hiện ra Allan Emmanuel Karlsson đang ngồi trên võng ngoài hiên gỗ rộng.
Benny, Người Đẹp và Buster bận rộn mang nước vào chuồng mới của Sonya trong nhà kho. Julius đã để râu, nhờ thế nhóm cho phép ông đi cùng với Bosse đến Falkoping để mua các thứ. Allan ngủ quên trên võng đến khi Chánh Thanh tra tới đánh thức.
- Chắc cụ là Allan Karlsson? - Ông Chánh Thanh tra Aronsson hỏi.
Allan mở mắt ra và đáp cụ cũng đồ là như thế. Nhưng mặt khác, cụ lại chẳng biết ai đang gọi mình. Người lạ mặt có thể bật mí một tí về chuyện đó được không?
Chánh Thanh tra lập tức trả lời. Ông nói tên mình là Aronsson, Chánh Thanh tra lực lượng cảnh sát, rằng ông đã tìm kiếm Cụ Karlsson một thời gian và Cụ Karlsson bị bắt giữ vì tình nghi đã giết người. Bạn của Cụ Karlsson, Ông Jonsson, Ông Ljungberg và Cô Björklund cũng bị bắt vì vụ đó. Cụ Karlsson có biết họ ở đâu không?
Allan không vội trả lời. Cụ nói mình phải nghĩ cái đã, cụ vừa mới ngủ dậy và tin rằng Chánh Thanh tra hiểu điều đó. Ai lại đi cằn nhằn bạn bè mình mà không suy nghĩ cẩn thận. Chắc là Chánh Thanh tra cũng đồng ý thế chứ?
Chánh Thanh tra đáp ông chỉ có một lời khuyên cho Cụ Karlsson là hãy nhanh chóng nói ra những gì cụ biết. Nhưng, quả thật, Chánh Thanh tra không cần phải vội.
Allan thấy yên tâm và mời Chánh Thanh tra ngồi lên võng, để cụ vào bếp lấy ít cà phê.
- Ông thanh tra uống cà phê với đường nhé? Hay sữa?
Chánh Thanh tra Aronsson không phải là người để cho tội phạm bị bắt giữ được phép nhung nhăng đi lại, cho dù là xuống nhà bếp ngay cạnh đấy. Nhưng riêng vụ này thì có thể bình tĩnh một chút. Thêm nữa, từ chỗ cái võng, Chánh Thanh tra có thể nhìn rõ nhà bếp và Allan làm gì ở đó. Vì vậy, Aronsson cảm ơn Allan về lời mời.
- Sữa, cụ ạ. Không đường, - ông nói và thả mình thoải mái trên chiếc võng.
Allan, tội phạm mới bị tóm, bận rộn trong bếp. (“Thêm cái bánh quy Đan Mạch nữa nhé?”) trong lúc Chánh Thanh tra Aronsson ngồi trên hiên quan sát cụ. Aronsson không hiểu sao trước đây mình có thể suy luận quá vụng về. Tất nhiên, ông đã nhìn thấy cụ già ngoài hiên trang trại mà cứ chắc mẩm đấy là bố của Bo Ljungberg, lẽ ra chuyện đó phải đưa Aronsson đến chỗ cậu con trai và sau đó anh ta sẽ xác nhận rằng không ai trong số những kẻ bị truy nã ở quanh đây, và cả chuyến đi đến Västergötland thành ra vô ích.
Nhưng khi Aronsson đến gần cái hiên, té ra cụ già trong võng chính là Allan Karlsson. Cú bắn từ xa hóa ra lại trúng hồng tâm! Aronsson đã cư xử một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp với Allan, nếu có thể nói ‘chuyên nghiệp’ là để cho một nghi phạm giết ba mạng người vào bếp đun cà phê, nhưng lúc này ông ngồi đó, cảm thấy mình như một kẻ nghiệp dư. Allan Karlsson, một trăm tuổi, trông chẳng có gì nguy hiểm, nhưng Aronsson phải làm gì nếu ba kẻ tình nghi kia xuất hiện, và có thể cùng với cả Bo Ljungberg, kẻ cũng đáng bị bắt vì chứa chấp tội phạm.
- Sữa không đường à? - Allan gọi với từ bếp ra. - Ở tuổi tôi, dễ quên lắm.
Aronsson lặp lại yêu cầu cho sữa vào cà phê của mình, rồi lôi điện thoại ra gọi các đồng nghiệp ở Falköping tới tiếp ứng. Để an toàn, ông cần hai xe.
Tuy nhiên, điện thoại lại nhanh hơn cả thanh tra. Nó réo lên trước khi ông có thể gọi. Tất nhiên là Aronsson trả lời. Đó là công tố viên Ranelid – với một số thông tin giật gân.
*