Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Sông Côn Mùa Lũ - Chương 38
Ngôi nhà dành cho ông giáo ở ngoài thành khá khang trang, chung quanh có vườn chuối rậm rạp mọc chen với những gốc mít, xoài, ổi mới cáo quá tầm người. Tên duyện lại chủ cũ của căn nhà, cũng là một người khá sành về mỹ thuật. Cứ trông cách xây cổng và bình phong, làm hàng rào bằng cây chè dấu vết cắt tỉa công phu hình quả cầu, hình răng cưa còn đó, cũng đủ biết chủ nhà đã tốn biết bao nhiêu công của để tạo dựng cơ ngơi ấy. Cửa lớn, cửa sổ, cột kèo, ván trần, đều làm bằng gỗ kiền chắc chắn. Nền đất nện chặt, hơi ẩm toát ra mát rượi. Phía sau nhà bếp có cái giếng đá ong nước tốt và một hồ cá xây bằng vôi. Tuy nhiên, cả gia đình chủ nhà đã lưu lạc không biết về đâu từ khi phủ Qui Nhơn bị mất năm 1773, nên cả nhà lẫn vườn chỉ còn có cái vỏ ngoài. Chuối bị đốn để nấu cháo heo. Đồ đạc không còn thứ gì dùng được, cái bị khuân đi cái bị đập phá. Suốt mấy năm vô chủ, căn nhà lá mái bắt đầu dột nát ấy đã trở thành chỗ trú ẩn của dơi, chuột, chồn, và lũ ăn trộm vặt. Cũng may các khuôn và cánh cửa chưa bị gỡ đi. Có lẽ khu này có nhiều nhà hoang và ngay phía đường cái cánh cổng độ vài trăm bước, có một trạm gác. Bọn tham lam hôi của không dám liều lĩnh khuân cả những tấm ván cửa nặng, sợ sau đó phải đeo gông của lính phủ. Lợi, An và ông giáo phải quét dọn suốt nửa tháng mới dám đến ở. Lãng đã theo Huệ ra Quảng Nam dẹp loạn Nguyễn Phúc Xuân, Nguyễn Phúc Quyền. Nhật làm ngơ như không biết rằng trên đời này còn có một người tên là giáo Hiến. Ba người phải tự lo liệu lấy. An ngạc nhiên là trong lúc hoạn nạn, Lợi không có lấy một người bạn thân nào đến hỏi han, giúp đỡ.
Là người đàn ông mạnh mẽ duy nhất của gia đình, Lợi phải gánh vác mọi việc nặng nhọc. Làm một mình không nổi thì đi thuê. Mặt Lợi dàu dàu, nhưng do vô tâm nên tối đặt lưng xuống là ngủ, không than van, không hối tiếc. Đó là điểm đáng yêu đầu tiên An ghi nhận nơi cá tính của chồng.
Phần ông giáo thì nửa tháng bận rộn giúp ông quên được những đau đớn riêng. Ông có cái hăm hở của người vội vã gầy dựng một cuộc đời mới sau thời gian bỏ phí thì giờ vào những chuyện không đâu. Ông giúp rể rào lại khu vườn đổ nát, vun các gốc cây ăn quả, sửa lại các hàng rào chè, chặt bớt các thân chuối đã xơ xác vì thối rữa hoặc mất phần đọt non trong các vụ trộm. Mái bắc bị dột nát nhiều chỗ, ông cùng với Lợi đi mua tranh dọi lại cẩn thận. Hai người cũng thuê thợ cảo lại cái giếng đá ong lâu ngày không dùng đầy rác rến, và ếch nhái. Công việc vất vả thật đấy, nhưng bù lại, họ có niềm vui tạo dựng, và niềm kiêu hãnh được tự tay làm lấy tất cả, bất chấp sự thờ ơ của nhân sinh.
Thỉnh thoảng Kiên có đến giúp cha, nhưng chỉ giúp được những việc lặt vặt. Kiên có quá ít thì giờ, từ chỗ bến tắm ngựa đến chỗ ông giáo lại quá xa. Thêm công việc bề bộn ở kho quân lương (Lữ bận quá nhiều việc với chức Thiếu phó nên giao bớt công việc ở kho cho Kiên), và cái quán rượu đang đông khách của vợ! Dù sao chăng nữa, qua nửa tháng, việc dọn nhà đã hoàn thành. An nhóm bếp lần đầu ở nhà mới, làm một mâm cơm có thịt, chả cá, lươn um và bún tàu xào gạch cua để cúng tân gia. Bữa cơm đầu tiên trong căn nhà mới diễn ra lặng lẽ, ông giáo, Kiên, An, Lợi cắm cúi ăn không ai nói với ai lời nào. Nếu không có con Út (con viên cai cơ Kiên dẫn theo) lâu lâu bạo dạn lên tiếng đòi miếng chả hay cái bánh ít, người ngoài có thể tưởng đấy là bữa tiệc của những người câm.
*
* *
Điều dễ đoán là không có khách khứa nào đến thăm căn nhà mới của họ cả. Con chó Vện (Lợi xin về nuôi đề phòng bọn trộm vặt quen thói cũ có thể lảng vảng vào vườn mỗi tối) rất có ít việc để làm. Buổi sáng ông giáo dậy muộn, nghe tiếng cánh cổng kẽo kẹt giữa tiếng lá chuối đập vào nhau xao xác, ông biết rể vừa đi làm. Trưa, Lợi ở lại kho vì nhà quá xa. Xế chiều, nghe tiếng chó hực, con chó chỉ hực một tiếng ngắn chứ không sủa vang, ông biết rể đi làm về. Ông chờ tiếng chó sủa báo hiệu khách đến như kẻ hoài nghi chờ điều thiện. Tuy vậy, ông vẫn chờ. Bạn bè cũ của ông đâu cả rồi? Lại thêm bạn bè của An, bạn bè của Lợi? Chẳng lẽ họ không biết ông đã dời nhà về đây? Từ phủ đến nhà ông, kể cũng xa xôi cách trở đấy! Nhưng tình người không thể đo bằng độ đường. Hễ họ muốn tìm thăm ông tất phải tìm ra. Có lúc ông ngờ con Vện khù khờ đã đánh mất khả năng đánh hơi người lạ. Nhưng đêm đêm nó vẫn sủa dọa lũ trẻ con chui vào vườn lặt ổi non mà! Không có cách biện hộ bào chữa nào nữa, ông phải chán ngán cho tình đời. Rồi ông vẫn đợi!
Một hôm chán cảnh nằm khoèo một chỗ nghe tiếng lá chuối xào xạc, ông giáo mặc áo đội khăn nhất quyết ra cổng. An ở phía trong nhà cài lại cái then gỗ rồi, ông vẫn chưa biết mình định đi đâu. Ông nghĩ: Hay ta đến thăm gia đình thằng Kiên!
Ông đi dọc theo bờ sông, dưới những vòm tre tối. Ông không có gì phải vội nên bước chậm. Lá tre trở mình dưới chân ông. Bụi đường không bốc lên sau bước ông. Ông đi theo con sông uốn khúc một lúc, mới biết mình đi ngược hướng về nhà Kiên. Ông lại nghĩ: Sao lại đến cái quán rượu nhớp nhúa ồn ào ấy? Giờ này Kiên đi làm chưa về. Mấy mẹ con đó có liên hệ máu mủ gì với ta đâu! Đến thăm họ, chẳng khác nào ta công nhận cuộc chung chạ trái đạo ấy. Vả lại, ta đến rồi đứng ngồi ở đâu? Ngồi chung với bọn mã phu quần áo bẩn thỉu sũng ướt nốc rượu để quên lạnh ư? Ta có điên không đây? Nghĩ vậy nên ông giáo không quay bước, tiếp tục lang thang dọc theo bờ sông tre phủ cho đến lúc gần tối.
Ông về tới cổng thì con vện sủa vang. Ông lên tiếng, nó vẫn sủa dấm dẳng, đôi mắt hớt hải và đầy nghi ngại. An chạy ra mở cổng. Ông bảo:
- Con Vện nó lú lẫn mất rồi! Chẳng lẽ nó không nhận ra cha!
An đáp:
- Có lẽ nó tưởng ông khách trở lại cha ạ!
Tự nhiên ông giáo hồi hộp. Ông vội hỏi:
- Có khách à?
- Dạ.
- Ai thế?
An tránh đường cho cha vào, vừa gài then vừa đáp:
- Con cũng không biết nữa!
Ông giáo gắt gỏng:
- Phải hỏi chứ!
- Con vừa trả lời cha đi khỏi, ông ta hỏi chừng nào cha về. Con bảo chắc cũng sắp về thôi. Ông ta suy nghĩ một lúc, rồi bảo sẽ trở lại. Nói xong, ông ta quay gót đi ngay. Con chưa kịp hỏi gì cả!
- Ông khách người thế nào?
An bối rối, do dự, rồi đáp liều:
- Da... dạ cũng đã lớn tuổi. Đầu đội khăn.
Ông giáo bực quá, nói:
- Ai mà chẳng đội khăn. Có phải người quen không? Đã đến nhà ta bao giờ chưa?
- Trời hơi tối nên con không nhìn rõ mặt. Vả lại ở nhà chỉ có mình con. Con không dám mở cổng, chỉ đứng bên trong hỏi với qua hàng rào gai thôi.
- Lợi nó chưa về à?
- Dạ chưa. Hồi sáng anh ấy báo trước sẽ về muộn.
- Hay là người quen cũ ở An Thái, hoặc ở Tây Sơn thượng?
An rụt rè đáp:
- Có lẽ thế.
- Lại "hình như" với "có lẽ". Cố nhớ lại xem! Ông ta có nói gì thêm không?
- Ông ta chỉ hỏi cha có nhà không. Nghe con đáp, ông ta thừ người suy nghĩ, lẩm bẩm: "Tiếc nhỉ. Ông giáo không có nhà, tiếc nhỉ".
- Sao lúc nãy con không kể câu đó?
An kinh ngạc ngước lên nhìn cha, hỏi:
- Câu ấy có quan trọng gì đâu hở cha!
- Không ai như mày! Ít ra phải tìm cách hỏi ông ta là ai, tìm cha có việc gì. Nếu không cũng phải nhìn kỹ xem ông ta già hay trẻ, gầy ốm, quen lạ thế nào chứ.
An bực dọc, chống chế:
- Nhưng ông ta hẹn trở lại, thưa cha!
Con Vện hực lên một tiếng, chạy nhanh ra cổng. An vui mừng nói:
- Đấy, ông ta trở lại đấy. Để con đi mở cổng.
Nhưng không phải ông khách. An và ông giáo quên rằng con chó Vện chỉ hực tức là Lợi về. Ông giáo thắc thỏm đợi khách cả đêm, cả ngày hôm sau. Hôm sau nữa, ông quên đi!
Nhưng vài hôm sau, đột nhiên ông giáo nghĩ:
- Người khách ấy là ai mà tìm ông vào giờ đó? Tìm có việc gì? Chắc chắn là việc quan trọng, vì nếu không, hơi đâu mất công lặn lội tới đây vào lúc chạng vạng tối. Mà đã quan trọng sao không chịu khó chờ ông. Hay tại con An vô lễ không chịu mở cổng, chỉ đứng bên trong nói với qua rào? Nhưng ông ta có hẹn trở lại ngay cơ mà? Sau khi quay bước, ông ta đổi ý chăng? Ông ta gặp tai nạn gì chăng? Nếu ta lang thang theo hướng kia, chắc chắn đã gặp ông ta giữa đường rồi. Ông ta sẽ vô cùng mừng rỡ khi nhận ra ta, sẽ báo cho ta biết những điều quan trọng, sẽ van nài năn nỉ ta làm giúp cho ông việc này việc nọ. Không thể là những chuyện vụn vặt được! Nếu là chuyện vụn vặt như xin một câu đối, hỏi một câu sách nho, ông ta đã không có vẻ nôn nóng, luyến tiếc như An thuật lại. Biết đâu chuyện ông ta nhờ sẽ chuyển hướng cuộc đời ta, đánh dấu một khúc quan trọng đại như cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ta và ông biện lại Vân Đồn. "Tiếc nhỉ! Ông giáo không có nhà. Tiếc nhỉ!". Ông ta nói đúng. Tiếc thật. Tại sao? Cơ trời xui khiến thế nào mà ông ta tìm đến đây đúng lúc ta vắng nhà? Tiếc thật!
Từ đó ông giáo rình nghe tiếng chó sủa. Con Vện nằm dài lười lĩnh bên cạnh cái chõng ông nằm, lâu lâu chỉ hực một tiếng báo hiệu hoặc Lợi đi làm về, hoặc An đi chợ về, hoặc Kiên đến thăm cha. Lâu lâu nó cũng có sủa vang đấy, nhưng chỉ để dọa lũ trẻ nít rắn mắt chui qua hàng rào hái ổi, hoặc để tiếp những con chó hoang ghẻ lở cùng mình. Người khách lạ bí mật không bao giờ trở lại. Ông giáo cứ hồi hộp lóng tai chờ, chờ mãi, chờ hoài. Tất cả sinh lực của thân thể ông dồn hết cho đôi tai. Ông ít nói, ít cười, lâu lâu An nghe cha thở dài luyến tiếc cho một cơ hội nghìn năm một thuở đã mất. An sống với cha lâu ngày nên không để ý đến các dấu hiệu bất thường ấy. Mãi đến khi Lãng từ Quảng Nam trở về, An mới được em lưu ý các dấu hiệu khác thường trong hình sắc và tâm tính cha. An thấy em nhận xét đúng. Hai chị em ngùi ngùi thì thào với nhau rằng cha đã bắt đầu lẩm cẩm.
*
* *
Lãng cũng ghi nhận những biến đổi trên khuôn mặt và cử chỉ của chị, nhưng do sự dè dặt tế nhị thường có giữa một người em trai đối với người chị gái đã chia sẻ cuộc đời với một người đàn ông khác, Lãng không dám tâm sự thẳng thắn với An như trước kia nữa. Vả lại, Lãng chưa xác định rõ ràng được chị biến đổi thế nào. Đó là chưa kể điều quan trọng này: anh hiểu các biến đổi ấy có nguyên do từ đời sống vợ chồng thầm kín, điều mà mỗi lần nghĩ tới, Lãng không khỏi xót xa vì ghen tức và luyến tiếc.
Lãng thấy chị buồn. Trong cuộc sống mới giữa một người cha bắt đầu lẩm cẩm và một người chồng cau có vì thất thế, chị Lãng vui sao được. Dĩ nhiên phải thế. Nhưng Lãng càng nhìn chị càng thấy An có vẻ gì khác hơn nỗi buồn rầu. An vẫn đẹp như trước khi lấy chồng. Vẫn mái tóc đen mượt, cái mũi thanh tú, đôi môi nhỏ và hồng, cái cổ trắng, cao. Nhưng rõ ràng trên khuôn mặt chị có vẻ gì buông thả vượt ngoài ý muốn của An, như chị đã không kiểm soát nổi cử chỉ và cách biểu lộ trên khuôn mặt mình. Da mặt An hơi sượng lại, mi mắt đầy, nhưng ánh mắt lúc nào cũng bừng sáng và long lanh khác thường. Trong đôi mắt ấy, đôi mắt thường xuyên ươn ướt như sắp khóc, có một thứ sinh lực nồng cháy, tha thiết và cuống quít giống y sức mạnh huyền bí của mọi sinh vật ở thời kỳ tăng trưởng hay sinh nở.
Lãng mơ hồ đoán chị đang có mang, nhưng không bao giờ anh dám mở miệng hỏi chị. Anh đâm thương hại An, thương hại tràn trề pha lẫn nào tiếc nuối, nào xót xa, nào lo âu vu vơ. Anh cảm thấy chị cô đơn, và điều Lãng tuyệt vọng hơn hết, là không thể nào An chia sẻ niềm cô quạnh lẻ loi cho ai khác. Một mình An gánh chịu cuộc thử thách mới mẻ này, một mình An trăn trở giữa sợ hãi và hy vọng, giữa tiếc thương một giai đoạn vô tư của thời con gái và nao nức làm mẹ. Tất cả xao động phức tạp ấy của chị, Lãng đoán được, mà không diễn tả bằng lời được, chứ đừng nói đến chuyện tâm sự với An để chia bớt nỗi hiu quạnh bơ vơ của chị.
Lãng ái ngại cho An, nhiều hôm liếc nhìn khuôn mặt biến đổi, cử chỉ uể oải của chị, muốn hỏi lắm, nhưng không biết hỏi thế nào cho khỏi động chạm đến chuyện riêng tư giữa hai vợ chồng An Lợi. Cuối cùng Lãng hy vọng: dù sao An vẫn còn có chồng để chia sẻ nỗi lo âu thai nghén. Ý nghĩ khiến Lãng nhẹ bớt nỗi lo lắng, thương xót. Nhưng Lợi có hiểu chị như Lãng hiểu chị không? Lãng thắc mắc, không dám quả quyết chị mình đã tìm được hạnh phúc. Anh e dè hỏi An:
- Độ này em thấy anh Lợi có vẻ trầm ngâm hơn trước. Hình như anh ấy "chín" hơn. Có gia đình phải chịu trách nhiệm nhiều hơn ngoài công việc bên kho, anh ấy đổi khác. Phải thế không chị?
An nhìn em đăm đăm, muốn đo lường ý nghĩ của Lãng trước khi trả lời. An sợ trong câu hỏi của em vẫn còn ẩn dấu những thành kiến, ác cảm đối với chồng. Nhưng nét mặt thành khẩn của Lãng khiến An yên tâm. Chị đáp:
- Vâng, anh ấy có đổi khác. Cuộc đời gia đình chúng ta thay đổi nhiều quá, làm sao mỗi người giữ nguyên như trước được. Cả chị cũng vậy, mà em cũng vậy.
Lãng được dịp tốt liền hỏi An:
- Phải, chị thay đổi nhiều lắm, chị An ạ.
An buồn rầu nói:
- Chị xấu đi, phải không?
Lãng vội xua tay cải chính:
- Không đâu. Chị vẫn như trước. Nhưng dĩ nhiên có nhiều, không, em lầm rồi, dĩ nhiên có vài điểm khác trước.
Rồi An sợ hỏi kỹ hơn, Lãng hỏi:
- Anh Lợi có kể chuyện trong phủ cho chị nghe không? An thành thực đáp:
- Không bao giờ. Mỗi lần chị hỏi chuyện trên kho, anh ấy trở nên cau có, gắt gỏng. Vài lần đầu chị chưa nhận ra, về sau chị tránh không hỏi nữa. Em về đây có nghe chuyện gì liên quan đến anh Lợi không?
Lãng lựa từng ý trước khi nói với chị:
- Có chị ạ. Tuy anh Huệ có can thiệp, nhưng trại chủ vẫn chưa tin hoàn toàn vào anh ấy như trước. Việc kho vẫn bề bộn, anh Lữ làm Thiếu phó gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, phải chia bớt việc quân lương cho người khác. Đáng lý anh Lợi quen việc phải được anh Lữ tín nhiệm. Nhưng cho đến nay, anh ấy vẫn còn phụ trách những việc vặt.
An thở dài, rồi nói:
- Có lẽ vì thế mà lúc nào anh ấy cũng bần thần như người mất hồn. Chị khổ lắm. Giá em cứ ở đây mãi mà khỏi phải đi đâu để chị có người chuyện văn.
An rơm rớm nước mắt, bắt đầu thút thít khóc ngay trước mặt em. Lãng thương chị, cảm thấy không còn gì phải e ngại khi hỏi An:
- Anh ấy có vui khi biết chị đã... chị đã...
An hiểu Lãng muốn nói gì, đỏ mặt, vừa thút thít vừa vội vã nói:
- Chị cũng không biết nữa.
Rồi để che dấu ngượng ngịu và tủi thân, An hỏi sang chuyện khác:
- Chuyến này em ở lại nhà được lâu không?
Lãng đáp:- Em cũng không biết nữa. Anh Huệ lên làm Phụ chính, trở thành người phụ tá quan trọng của trại chủ trong việc binh, nên từ đây về sau, thế nào anh ấy cũng phải cầm quân đánh nam dẹp bắc luôn. Không biết chừng hôm nay em còn ở đây, mai đã phải đi không kịp về từ biệt chị nữa.
An ngước lên liếc nhìn em, gương mặt tự nhiên trở nên linh động vì một vẻ hân hoan e ấp thoạt đến. An mỉm cười, đưa lưng bàn tay chùi nước mắt trên má hỏi Lãng:
- Độ này anh ấy có mạnh khỏe không?
Lãng hiểu ngay ý An, vui vẻ đáp:
-Anh ấy sức voi thì mưa gió bệnh tật nào vật ngã cho nổi. Tên đạn còn phải sợ nữa là. Chị biết không, mỗi lần xông trận anh ấy luôn luôn xông lên hàng đầu làm gương cho quân sĩ. Lúc dừng chân nghỉ, chưa kịp cởi giáp đã tìm đến chỗ nấu bếp xem cơm nước của anh em ra làm sao. Khỏi cần đoán chị cũng biết quân sĩ thương anh ấy đến bậc nào. Thật khác hẳn cái thói côn đồ quân Hòa nghĩa đối đãi với nhau trước đây.
An chớp mắt vì cảm động, dịu dàng dặn em:
- Lãng ở bên cạnh, nhớ nhắc... nhớ nhắc... đừng nên liều lĩnh không cần thiết. Cả em nữa cũng phải cẩn thận ở chỗ đầu tên mũi đạn. Lỡ có mệnh hệ nào, chắc chị và cha không... không...
An nghẹn lời không nói tiếp được nữa. Lãng sung sướng được chị lo lắng, cười to rồi nói:
- Chị làm như em còn là một đứa con nít yếu ớt. Em đã hai mươi mốt tuổi rồi, chị nhớ không?
- Ờ nhỉ. Chị hơn em hai tuổi. Đã hai mươi ba tuổi đầu. Chị già rồi. Quay đi quay lại rồi lưng chị còng, tóc chị bạc. Buồn không Lãng?
*
* *
Lãng lo về trại trước lúc chạng vạng, không chịu ở lại ăn cơm tối với gia đình. Tuy thế bữa cơm hôm ấy rộn rã vì Lợi cười nói luôn miệng. Ông giáo đắm mình trong nỗi chờ đợi vu vơ đang bắt đầu đè nặng đời ông, nên không chú ý đến biến đổi đột ngột của con rể. Chỉ có An ngạc nhiên trước thái độ khác thường của chồng. Quá biết tính Lợi, nên An không vội hỏi ngay trong bữa ăn. Thế nào Lợi cũng nói trước cho An biết, An khỏi cần phải hỏi. Lợi chờ mãi chưa thấy vợ hỏi gì, theo vợ xuống bếp tươi cười gợi chuyện:
- Hồi chiều Lãng nó có về à?
An lấy gáo múc nước đổ vào cái chậu sành để rửa chén bát, không quay lại phía chồng, đáp gọn:
- Vâng. Nó về trại rồi.
- Lãng có báo tin cho em biết chưa?
An lo lắng hỏi:
- Tin gì vậy?
- Thế nó chưa cho em biết à?
An dè dặt đáp:
- Nó có nói gì đặc biệt đâu. Chuyện dẹp loạn ở Quảng Nam vừa rồi phải không?
- Không. Chuyện đó xưa rồi. Chuyện này quan trọng hơn nhiều. Này, anh nói riêng cho em nghe, nhớ đừng bép xép nói lại cho ai biết nhé. Tin mật đấy. Ta sắp đánh thẳng vào Gia Định, em biết chưa?
An lo sợ nói:
- Thật à? Sao Lãng nó không cho em biết! Hay nó cố giấu để em khỏi lo âu?
Lợi hãnh diện nói:
- Có lẽ chính Lãng cũng chưa biết gì đâu. Không phải ai cũng đáng cho biết cả, vì còn phải giữ bí mật quân sự. Vả lại chuyến này chính ông Thiếu phó cầm quân chứ không phải anh Huệ.
An reo lên:
- Thật thế à! Phải rồi, nếu Lãng phải vào Gia Định thì nhất định nó không giấu em đâu. Suốt buổi chiều, nó có nói tới chuyện đi đánh tận trong nam đâu!
Lợi sốt sắng đi múc chậu nước khác cho vợ, rồi vỗ vai An bảo:
- Anh có chuyện vui lắm, em muốn nghe không?
An tò mò quay nhìn Lợi, cố lấy giọng từ tốn hỏi:
- Chuyện gì khiến anh hí hửng vậy?
- Anh biết thế nào em cũng bằng lòng nên khỏi cần hỏi ý em trước. Vả lại chắc chắn Lãng nó còn ở lại đây lâu, nên khỏi sợ nhà đơn chiếc. Anh cố nằn nì với ông Thiếu phó mãi mới được đấy.
An sốt ruột hỏi:
- Nhưng chuyện gì mà anh cứ quanh co mãi. Anh sắp đi đâu?
Lợi cười mơn trước khi đáp:
- Anh được người quen cho biết ông Thiếu phó sắp cầm quân vào đánh Gia Định lần đầu, và có lẽ cũng là lần chót để diệt cho tan tành bọn vua quan nhà Nguyễn. Em biết đấy, bấy lâu nay anh bị ruồng bỏ, không ai thèm dùng đến anh nữa. Chẳng lẽ suốt đời anh chịu làm tên ký quèn ghi ghi chép chép ba cuốn sổ thu chi từng đồng tiền kẽm. Anh không muốn mà em cũng không muốn vậy. Cho nên anh đã tình nguyện xin theo giúp ông Thiếu phó chuyến đánh Gia Định đầu tiên này. An không tin mình nghe đúng lời chồng. Chị ngưng việc rửa chén bát, quay hẳn người lại nhìn Lợi. Ánh nhìn hốt hoảng lo sợ của vợ khiến Lợi đâm lo lắng theo. Lợi hỏi:
- Em sao thế?
An lạc giọng hỏi chồng:
- Anh chưa biết gì ư?
Lợi ngơ ngác hỏi:
- Việc gì vậy? Hồi chiều có ai đến thăm à?
An chua chát đáp:
- Anh mải lo công danh sự nghiệp quá, có để mắt đến em đâu! Em có ra thế nào, đau yếu hay khỏe mạnh, sung sướng hay buồn khổ, không bao giờ anh để tâm. Anh đi suốt ngày, tối về ăn cơm xong, đặt lưng xuống chiếu là ngủ. Em thế nào mặc xác. Từ hơn tháng nay em không chịu được đồ tanh, anh đâu thèm để ý.
Lợi ngu ngơ hỏi:
- Thì từ hồi nào em đã không thích ăn cá rồi. Em đi chợ thích mua món gì tùy ý, anh có ngăn đâu!
An giận quá, giọng run run hỏi:
- Em có mang, anh biết chưa?
Lợi trố mắt nhìn An:
- Em nói thật hay nói đùa?
An xẵng giọng đáp lại:
- Em nói đùa với anh làm gì! Đáng lý chính anh phải biết trước để lo lắng cho em, an ủi em. Chẳng những anh không ngó ngàng gì tới, bây giờ anh lại bỏ mặc em bụng mang dạ chửa ở đây để vào đánh nhau tận Gia Định. Em biết thế này, thà...
Đột nhiên Lợi nổi cáu, cướp lời vợ:
- Thà cái gì? Thà ở vậy chờ đám nào danh giá hơn cái thằng ký kho quèn này phải không? Thà chờ đến ngày làm bà Phụ chính phải không? Cứ nói huỵch toẹt ra đi cho khỏi ấm ức trong lòng. Tôi không phải thằng mù, cô biết chưa. Trời cho tôi đôi mắt để trông thấy mọi sự, và đôi tai để nghe hết mọi lời. Tôi dại dột gì mà không hiểu tâm can của cô. Nhưng cô phải biết: Không ai cho cô với cao quá đâu. Không phải vì lòng tốt mà trại chủ xuất của kho ra tổ chức một đám cưới linh đình như thế đâu. Tôi biết, thiên hạ biết, tất nhiên cô cũng phải biết. Không biết như vậy chắc chắn cô đã không bằng lòng lấy tôi làm chồng. Nhưng cô đừng quên rằng trước khi lấy cô, tôi không phải là một thằng ký quèn.Tôi chỉ trở thành thằng ký quèn sau khi lấy cô, sau khi làm rể một... một...
An giận quá gần như hét lên:
- Anh không được xúc phạm đến cha tôi. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này...
Không thể chịu đựng thêm nữa, An bật khóc. Bấy giờ Lợi mới thấy mình vì tự ái, ghen tuông mà quá lời. Đồng thời anh cũng nhận thấy không có thể làm hòa ngay với vợ được. Anh đã xúc phạm nặng nề đến danh dự vợ, đến danh dự gia đình vợ. Anh đã nói tuột ra hết những điều từ lâu mọi người có thể nghĩ nhưng không ai dám nói. An bỏ chậu chén bát rửa dở, chạy lên buồng trên. Chị cài then lại, Lợi năn nỉ thế nào cũng nhất định không lên tiếng. Liên tiếp mấy ngày liền, An tránh không muốn gặp chồng. Lợi đi làm rồi An mới dậy, mở cửa buồng xuống bếp lo bữa điểm tâm cho cha. Lợi đi làm về, nghe con Vện hực sủa An đã vào buồng giả vờ ngủ. Lợi quay quắt vì đủ thứ lo lắng: nào lo chuẩn bị cho cuộc nam chinh bất trắc vì đây là lần đầu tiên Tây Sơn tiến vào tận Gia Định, nào lo tìm cách làm hòa với vợ, nào lo gửi gắm gia đình cho bạn bè, thân nhân, cả cho hàng xóm trong thời gian mình vắng mặt. Chuyện tham dự vào cuộc nam chinh đối với Lợi trở thành việc hiển nhiên, điều tất yếu, không thể thay đổi được. Đó là cơ hội thăng tiến duy nhất và cuối cùng của đời anh, cơ hội Lợi lập công để xóa cái vụ không do anh gây ra. Cho nên dù An hờn giận đến đâu, anh vẫn cứ hăng hái chuẩn bị cho trận đánh Gia định lần đầu tiên này. Mới 27 tuổi đầu, Lợi còn quá trẻ để bằng lòng dừng lại ở chức ký kho chuyên nghề cạo giấy ở một góc phòng ẩm nồng mùi gạo mốc.
*
* *
Dù sao đêm trước hôm xuất quân, Lợi cũng làm hòa được với vợ. Anh đã dùng hết tài miệng lưỡi và khiếu khôi hài để An chịu bỏ nét mặt đăm đăm, thái độ xa lánh lầm lì từng làm cho không khí trong căn nhà vắng nặng nề ủ dột bấy lâu. Anh cũng dùng cả ngón chân cái bị dập khi chuyển đồ đạc vũ khí xuống ghe làm lợi khí gợi lòng thương xót của vợ. Lợi đã thành công. Thấy chồng loay hoay xếp đặt quần áo và đồ dùng cần thiết cho chuyến hải hành xa xôi bất trắc, An không thể làm bộ thờ ơ được nữa. Chị mở cửa buồng, đem cái áo bông của Lợi ra giũ bụi, rồi bỏ sẵn vào cái túi lớn may ở lần vải phía trong nào khăn mặt, dầu gió, kim chỉ may, thỏi quế, mấy củ gừng và nút áo.
Chộp ngay lấy dịp tốt, Lợi đưa ngón chân bị thương ra biểu diễn với vợ:
- Em có thuốc gì xức cho anh một chút. Sợ lội nước, làm độc mất!
An vẫn giữ nguyên nét mặt lạnh lùng, nhìn qua vết thương, hỏi chồng:
- Bị lâu chưa?
Lợi tươi cười như hãnh diện vì được vô ý gặp nạn, liến thoắng kể:
- Ấy, đã năm, sáu ngày rồi. Anh tưởng như mấy lần trước, cứ để mặc như thế cho nó tự ý đóng vẩy, kéo miệng, lành da không ngờ chuyến này nó làm dữ. Ái! Em nhẹ tay một chút. Hình như phía trong lớp vảy đen còn mưng mủ đấy. Em xức thứ gì mà mát vậy?
An ngước nhìn Lợi vẫn với đôi mắt lạnh lùng vô hồn, nói với giọng đều đều:
- Phải chịu đau một chút để gỡ cái vảy ra, chùi cho hết mủ rồi xức thuốc mới công hiệu. Lợi vui vẻ nói:
- Đúng rồi. Tùy em muốn làm gì thì làm. Đau nhức mấy anh cũng chịu đựng được hết, miễn là... miễn là...
Lợi liếc nhìn An dò thái độ của vợ, do dự ấp úng một chút, rồi nói tiếp:
- Miễn là... em đừng giận anh nữa. Làm người ai không có lúc lầm lẫn, nhất là làm chồng.
An bật cười, không giữ mặt nghiêm được nữa. Lợi kêu:
- Ái, em làm anh đau quá. Đã xong chưa.
An bối rối xin lỗi:
- Em vô ý mạnh tay quá. Gần xong rồi. Phải để em buộc kỹ. Em nghe khi bị đau ở ngón chân người ta thường lấy mật heo buộc nguyên cả ngón, mau lành lắm. Nhưng không được dầm nước. Anh sắp được khỏi thấy mặt con vợ càu nhàu đi chơi một chuyến xa tận Gia Định nên trông hí hửng như người sắp được của.
Lợi đổi ngay nét mặt, làm bộ buồn rầu than:
- Em đừng nói vậy. Không có gì khiến anh hí hửng mừng vui cho bằng chiều chiều đi làm về, trông thấy em tươi cười đon đả ra mở cổng. Đi chuyến này, vì là chuyến đầu nên có thể lành ít dữ nhiều.
An vội hỏi:
- Đã biết vậy tại sao anh còn tình nguyện xin đi? Anh đâu phải là người quen việc gươm giáo. Cũng không ai buộc anh phải đi cả. Bỏ em bụng mang dạ chửa thế này, em sợ lắm. Em nghe người ta nói sinh con so thường gặp khó, ít khi mẹ tròn con vuông. Lỡ có mệnh hệ nào...
Lợi vỗ vai vợ an ủi:
- Đừng nói dại. Thế nào anh cũng về kịp trước ngày em sinh. Vả lại, chỉ còn dịp này để ông Thiếu phó tín nhiệm anh, tin tưởng anh trở lại. Phải ở vào hoàn cảnh khó khăn anh mới chứng tỏ được khả năng tháo vát nhanh nhẹn của mình. Chứ ký cóp ghi chép vài quan tiền muối với mấy quan tiền mắm, công trừ nhân chia chi li, thì ai không làm được. Về chuyện đó anh Kiên còn giỏi và kỹ hơn anh.
- Ngày mai chừng nào anh đi?
- Có lẽ sáng sớm. Hồi trưa dưới chợ Giã lên báo là đoàn thuyền đã sẵn sàng. Khí giới lương thực đã chất đủ. Chỉ còn chờ trên này xuống nữa thôi.
- Chuyến này Lãng nó có đi không anh?
Lợi vui mừng đáp:
- Không. Anh nghe nói ban đầu trại chủ định giao cho anh Phụ chính vì dù sao trong việc quân, anh ta cũng quen việc hơn. Tuy phần lớn các trận xưa nay đều ở trên bộ, nhưng quen việc thì thủy hay bộ đại khái không khác bao nhiêu. Về sau, chính Thiếu phó xin trại chủ cho mình tự cầm quân chuyến này. Với chức lớn như vậy, Thiếu phó phải có quân công để tạo uy tín trước ba quân. Trại chủ hơi e dè nhưng cuối cùng bằng lòng. Anh quen làm việc với Thiếu phó, biết cái hay cái dở của ông ta. Em cứ tin đi, chuyến này về thế nào bọn xấu mồm xấu miệng cũng sợ thụt cả lưỡi, nem nép bên đường nhìn ngựa anh qua. Rồi bạn bè lại bu đến đây đông y như trước.
An nhận xét:
- Loại bạn bè đó không tốt lành gì đâu! Chúng nó thấy lợi thì bu đến như ruồi bu quanh dĩa mật, khi thấy dấu hiệu nguy hiểm thì vội xa lánh. Anh xem, mấy tháng nay có ai đến thăm anh không! Những đứa trước kia xum xoe bên anh cầu cạnh thứ này thứ nọ, nay biến đi đâu cả rồi?
Lợi cười lớn đáp:
- Trò đời như vậy thay đổi sao được. Đó là luật chơi, không nên buồn. Họ như vậy, mà ta cũng như vậy. Nếu không tội gì lặn lội vào mãi tận Gia Định làm gì!
An ngỡ ngàng nhìn chồng, môi mím lại. Chị bớt lo, nhưng buồn man mác, như vừa mất thêm một thứ gì chưa thuộc hẳn về mình, do đó không tiếc nuối, nhưng vẫn ngùi ngùi!
*
* *
Lợi đi rồi, An mới có dịp nhìn lại toàn cảnh đời sống vợ chồng của mình gần một năm qua.
Nhờ khoảng cách cần thiết của không gian và thời gian, nhờ những buổi trưa rỗi việc ngồi một mình nghe cái thai động đậy như muốn nhắc nhở An dọn lòng đón nhận trách nhiệm làm mẹ, An được thong thả, tự do ôn lại những ngày tháng qua. Chị tự hỏi: Mình hạnh phúc hay đau khổ? An không trả lời dứt khoát được!
Những gì An trải qua sau ngày cưới vẫn còn để lại dấu ấn bẽ bàng, xót xa trên cuộc đời chị. Sự vồ vập tham lam của Lợi, cảm giác rời rã bần thần của nhiều đêm mất ngủ, những đau đớn trong cuộc giao hợp khó khăn buổi đầu, cùng nỗi khiếp hãi trước các hành động sinh lý xảy ra dưới ánh đèn lù mù (những hành động An tưởng chỉ có giữa giống đực và giống cái của loài động vật hạ đẳng sống trần trụi không có trí khôn để tìm một phương thức truyền giống thanh cao hơn), mãi đến nay vẫn còn khiến An run sợ. Chị tưởng mình không thể kham nổi cuộc thử thách ghê gớm và dị thường đó. Chị sống trong trạng thái bềnh bồng, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi lối nhìn lém lĩnh của Lợi và ánh đèn dầu leo lét buồng tân hôn. Nhiều lần An muốn tắt đèn đi, nhưng Lợi không chịu. Lợi muốn nhìn rõ từng biểu hiện khoái cảm trên gương mặt vợ, để tận hưởng niềm kiêu hãnh làm chồng. An cố giấu không cho Lợi thấy mình xúc động, nhắm mắt chịu đựng. Nhưng đã có lúc chị không làm chủ được mình. Đôi tay An chới với, thân thể oằn lên, hơi thở dồn dập, một sức mạnh ào ạt như sức bão từ tận cùng thân xác cuốn phăng tất cả dè dặt, e lệ, bẽ bàng, sợ hãi của chị. Đấy là lúc chị bắt đầu cảm được những cảm giác mới nó lấn át cả cảm giác đau xót ban đầu. An bị cuốn vào cơn lốc cảm giác, tự mình đánh mất mình. Chị bắt đầu mon men tham dự, mặc nhiên đón nhận các câu nói bóng gió và lối nhìn giễu cợt của Lợi như điều thân mật thầm kín quí giá của riêng hai người với nhau. Cuộc sống chăn gối ở chỗ khuất lấp giống như một giây liên lạc thiêng liêng càng ngày càng nối chặt hai vợ chồng, hoặc như chiếc đũa thần giúp họ khám phá bộ mặt mới của nhau, bộ mặt mới của cuộc đời, bộ mặt mà càng nhìn gần họ càng thấy nó có nhiều khía cạnh bất ngờ đáng phải quan tâm hoặc thích thú khám phá. An làm sao quả quyết được cảm tưởng thú vị lạ thường đó không phải là tình yêu, hoặc quả quyết đó mới đích thực là tình yêu. Không. Cho đến nay An vẫn xúc động đến nghẹn lời khi nghĩ đến một cuộc hôn nhân trong đó An lấy được người chồng mình hằng kính trọng, thương yêu, quí mến. Được nép mình vào cánh tay rắn chắc ấy, được buông thả dìu dặt giữa tiếng nói trầm và chậm ấy, được đỏ mặt cuống quít trước ánh mắt hơi khinh bạc và giễu cợt ấy, và... và sau đêm tân hôn, được trọn mình quay cuồng trong niềm hoan lạc chung sau khi cùng nhau chia sẻ những đau đớn e ấp như cái giá phải cùng chia nhau trả để đón hạnh phúc trọn vẹn sau này. Nhưng làm gì An được cái may mắn ấy! An biết lắm, và cha của An, cả Lợi nữa cũng biết rõ lắm! Chị không thể hoài công tiếc nuối một điều không thể có. Chị lấy Lợi là phải, và trạng thái an lạc trầm lặng liều lĩnh An được hưởng cũng có thể tạm gọi là hạnh phúc. Chị sắp có con, và có thêm một sinh vật thân yêu do chính mình nuôi dưỡng bằng máu, thịt, lo âu; sắp được ngắm nó ngủ say trong nôi; sắp được nghe nó khóc, hồi hộp canh giấc khi nó đau yếu, mọc răng, chập chững, hí hửng trông nó lớn lên.. tất cả những điều sắp có là gì, nếu không gọi là hạnh phúc.
Trong niềm bâng khuâng và hoang mang ấy, hình ảnh Lợi cũng bớt các nét đậm đà. An tìm cách biện hộ cho Lợi, tự trách đã để cho các ác cảm, thành kiến làm mình xa cách chồng. An còn tìm được người đàn ông nào lo lắng cho An từ cây kim sợi chỉ cho đến chuyện to tát hơn như Lợi? Còn tìm ai trên đời say mê An, chịu đựng tất cả thua thiệt, kiên nhẫn chiều chuộng An cho bằng Lợi. Với tài tháo vát và ăn nói khôn khéo, Lợi có thể dễ dàng tìm được một vị trí cao trong xã hội này. Lấy An thì Lợi được gì, ngoài cái vạ phải mang để bây giờ chịu cực khổ liều lĩnh vào tận Gia Định xa xôi để cố ngoi dần lên địa vị cũ. Lợi đáng thương đấy chứ! Dĩ nhiên anh cũng có nhiều tính xấu, như tính ba hoa, sự hời hợt trong tình cảm, óc thực tiễn lạnh lẽo dễ kết bạn mà cũng dễ gây thù, nhưng những điều ấy thuộc về bản tính mất rồi!
*
* *
Trong thời gian Lữ cầm quân vào đánh Gia Định lần đầu, Nhạc hồi hộp lo sợ cho lực lượng thủy quân vừa tái lập (sau khi Tập Đình rồi Lý Tài mang đi hầu hết chiến thuyền qua hai vụ đào thoát phản trắc), ngại rằng nếu Lữ thất bại, Tống Phúc Hợp có thể thừa cơ tấn kích Qui Nhơn. Vì thế, Nhạc sai Huệ tăng cường phòng thủ ở mặt trận Cù Mông và chợ Giã. Lãng phải đi đi về về trên các tuyến đường Cù Mông, Bích Khê, lần nào được phép ghé phủ cũng gắng về thăm cha và chị. Vào những dịp đó, cảnh nhà ông giáo bớt hiu quạnh nhờ những cuộc chuyện trò giữa hai chị em. Ông giáo vẫn lầm lì ít nói, trí óc không thôi ám ảnh bởi nuối tiếc cuộc gặp gỡ không thành. Cách ăn nói, suy nghĩ, quan sát, kể cả cách xử thế thông thường của ông đều bị biến đổi. Tất cả giác quan của ông đều mờ, chậm đi, trừ thính giác nhạy cảm khác thường. Lúc nào ông cũng chú hết tâm trí để lắng nghe tiếng chó sủa báo hiệu người khách trở lại. Lãng thấy tình trạng tâm thần của cha thật đáng ái ngại, thì thào đề nghị với An:
- Hay ta đừng nuôi con Vện nữa. Chị nghĩ sao?
An nói:- Điều chính yếu không phải là có hay không có con Vện. Em nghĩ mà xem, cái khổ là cha tin rằng thế nào ông khách cũng trở lại, vì ông ta mang đến cho cha một tin quan trọng lắm. Cha cứ nghĩ giá cha có mặt ở nhà hôm ấy thì cuộc đời cha đã thay đổi.
- Làm sao chị biết vậy?
- Chị chỉ đoán thôi, nhưng chị tin chắc đã đoán đúng. Từ hôm em lưu ý chị về sự khác thường của cha, chị cố tâm tìm hiểu. Nay một câu, mai một câu, chị góp chung lại thành suy đoán có căn cứ, có mạch lạc.
- Hoặc chị thử nói thẳng, cho cha khỏi chờ đợi viển vông nữa. Chị cứ bảo có người quen nào đó ở An Thái hoặc bên phủ quan nhờ xin vài chữ đại tự về làm liễn.
- Phải rồi! Chị lú lẫn quá lắm. Tại sao điều đơn giản thế mà lâu nay chị không nghĩ tới.
An thực hành gợi ý của Lãng một cách kín đáo, khéo léo. Ban đầu, ông giáo tỏ ra thất vọng, không ngờ con người ông mất công náo nức chờ đợi bấy lâu chỉ là một anh dốt sính chữ. Ông hỏi đi hỏi lại xem An có lầm lẫn không. An quả quyết với cha rằng: An gặp lại chính ông khách ấy, nghe lại chính giọng nói ấy. Khi An hỏi "Lâu nay cha cháu vẫn chờ bác, hôm nào bác lại đến để cha cháu ở nhà chờ ạ?" ông khách bảo vì chờ ông giáo không được, đã đi xin chữ ở một thầy đồ khác dưới Mỹ Cang. An khéo bịa đầy đủ các chi tiết cần thiết, khiến ông giáo phải tin lời con. Ông âu sầu mấy ngày vì tuyệt vọng. Nhưng không bao lâu về sau, ông tìm được cơ sở lý luận khác để nuôi dưỡng niềm tin cũ. Ông hỏi An:
- Hôm ấy con không mở cửa cho bác ta vào chứ?
- Dạ không. Trời chạng vạng tối, chỉ có mình con ở nhà. Con đứng trong rào hỏi với ra ngoài mà thôi.
- Con có nhớ kỹ nét mặt bác ta không?
An thành thực đáp:
- Con không nhớ.
- Thế thì làm sao con nhận ngay ra bác ở chợ để hỏi vụ hôm trước.
An nhanh trí đáp:
- Chính bác ta nhớ ra con và đến hỏi thăm cha trước.
Ông giáo lẩm bẩm, bực dọc:
- Xin mấy cái chữ thì việc gì phải lặn lội đến tận xó tối này, gặp không được thì thôi cớ sao luyến tiếc, thắc thỏm đến thế. Không phải cái lão dốt nát ấy đâu. Nhất định con lầm rồi. Có thể lão đến tìm cha thật, nhưng ông khách hôm ấy không phải là lão ấy. Rồi con xem, thế nào ông ấy cũng trở lại tìm cha.
Thế là hai chị em thất bại. Lãng chưa tìm ra cách khác để cứu cha ra khỏi vòng chờ đợi mông muội. Hai chị em ái ngại nhìn nhau, tuy không nói ra nhưng cùng muốn tránh nói đến dấu hiệu lẩm cẩm đáng ngại của cha già. Họ quay lại về đề tài cả hai đều thích thú là chuyện liên quan đến viên Phụ chính hai mươi bốn tuổi: Nguyễn Huệ. Thông thường trong các cuộc nói chuyện có vẻ rời rạc, đầu Ngô mình Sở ấy, An chỉ cười, ngượng nghịu chờ Lãng kể, lâu lâu hỏi đôi lời cố ý làm như thờ ơ, vô tình. Chẳng hạn khi Lãng bảo:
- Hôm kia chị có đi chợ phải không?
An đáp:
- Phải. Hôm kia chợ phiên: Chị mua cho cha một vài lạng thịt về hầm, và cá bống về kho khô. Món cá em ăn hồi trưa đó.
Lãng mỉm cười liếc nhìn chị, có vẻ nửa muốn nói nửa muốn không. An tò mò hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Lãng ấp úng mãi mới đáp lơ lửng:
- Không có gì. Em chỉ hỏi thế thôi.Tại có người quen trông thấy chị đi chợ về.
An tràn trề hy vọng lẫn xấu hổ khi hỏi:
- Ai thế?
- Anh ấy bảo có lẽ vì cái thai đã lớn, nên dáng đi của chị nặng nhọc, chậm rãi đến tội nghiệp.
- Chuyện hão! Đàn ông chỉ được ích kỷ, bao nhiêu công lao thai nghén sinh nở đều phó mặc cho đàn bà, làm như việc riêng của họ, không dính dáng gì tới. Gớm, hôm ấy chợ phiên đông ơi là đông.
- Vì vậy cả đoàn người ngựa phải chật vật lắm mới qua được khỏi chợ. Chúng nó định quát tháo cho thiên hạ chạy dạt ra tránh đường. Mọi khi làm như vậy tiện và chướng lắm. Hôm kia, anh ấy trừng mắt ngăn lại. Lũ trẻ con trước còn nem nép bên đường, về sau ùa ra sờ cả lên mông ngựa. Các bà hàng rau được nước không thèm kéo mấy giỏ rau lớn vào lề đường. Về tới phủ đã quá trưa.
- Mặc sức mà đói nhỉ! Hôm ấy chị về sớm, có thấy đoàn quân nào qua chợ đâu. Tức cười! Chị gặp cô bạn lúc trước có bán hàng xáo ở chợ An Thái. Cô ta chưa lấy chồng, vẫn bán gạo như cũ. À này, em có nhớ chuyện cây gạo chợ An Thái không?
- Nhớ chứ! Hồi đó chị hàm hồ nhất, cứ đổ triệt cho em. Không có anh Huệ thì tụi mình còn đổ thừa cho nhau hoài. Lạ thật, hoa nào cũng hoặc thơm tho, hoặc khoe sắc. Chỉ có hoa gạo là vô duyên hết sức.
- Lãng nói thật cho chị biết nhé. Chị... chị như thế này trông có kỳ cục lắm không?
Lãng ngớ một lúc lâu mới hiểu chị, cười đáp:
- Không đâu. Trông chị "vững chãi" ra, như thêm sức nặng để chống chỏi với đời. Như mấy lực sĩ mỗi lần thủ thế phải dồn hết sức nặng lên đôi chân để xuống tấn. Chị mang thêm một cuộc đời mới, phải xuống tấn như các võ sĩ chứ.
- Nhưng ai đã biết chị từ hồi còn con gái chắc là phải thấy kỳ cục. Như em vừa nói đó, người ta chê chị chậm chạp, lạch bạch như con vịt què.
- Có ai tả chị như thế đâu. Này, chị đặt tên con là gì thế?
- Biết nó là trai hay gái mà đặt trước. Vả lại cái đó còn phải hỏi cha, sợ trùng tên ông bà.
- Nếu chị được quyền chọn tên, chị chọn tên nào?
An xúc động bối rối như sợ Lãng thấy được tận ý nghĩ của mình, nhưng cũng đáp nhỏ:
- Chị thích tên Thái. An Thái, hai mẹ con ghép nhau thành nơi chúng ta sống một thời thơ ấu thân yêu. Lãng nhớ không? Vả lại, tên Thái đặt cho trai hay gái cũng được cả. Nhưng này, chị hỏi em phải nói thật cho chị biết: Chị nặng nhọc thế này trông có gớm ghiếc quá không? Biết thế chị đừng vác mặt đi chợ nữa.
- Không! Sao chị cứ thắc mắc về một chuyện không đâu thế! Chị vẫn như trước. Phải. Kỳ về thăm nhà lần đầu em thấy chị hơi xanh, mắt hơi nặng. Nhưng lần này gương mặt chị vẫn y như thời trước. Nếu chị mặc áo rộng hơn một tí không ai biết đâu.
- Nhưng hôm kia chị mặc cái áo chật quá. Chợ đông chị em chen một lúc, bật cả cúc áo. Về sau chị phải giữ lấy vạc. Em ở lại ăn cơm với cha nhé. Không được từ chối. Đã ở lại ăn buổi trưa được thì ở đến chiều cũng được. Thiếu gì cớ để vắng mặt. Ai quở trách cứ đổ hết lên đầu chị. Chị đã đáng tội nghiệp quá rồi, thêm tội nào khác cũng không sao.
Lãng nghe tiếng chị cười reo vui như hồi còn thơ!
Là người đàn ông mạnh mẽ duy nhất của gia đình, Lợi phải gánh vác mọi việc nặng nhọc. Làm một mình không nổi thì đi thuê. Mặt Lợi dàu dàu, nhưng do vô tâm nên tối đặt lưng xuống là ngủ, không than van, không hối tiếc. Đó là điểm đáng yêu đầu tiên An ghi nhận nơi cá tính của chồng.
Phần ông giáo thì nửa tháng bận rộn giúp ông quên được những đau đớn riêng. Ông có cái hăm hở của người vội vã gầy dựng một cuộc đời mới sau thời gian bỏ phí thì giờ vào những chuyện không đâu. Ông giúp rể rào lại khu vườn đổ nát, vun các gốc cây ăn quả, sửa lại các hàng rào chè, chặt bớt các thân chuối đã xơ xác vì thối rữa hoặc mất phần đọt non trong các vụ trộm. Mái bắc bị dột nát nhiều chỗ, ông cùng với Lợi đi mua tranh dọi lại cẩn thận. Hai người cũng thuê thợ cảo lại cái giếng đá ong lâu ngày không dùng đầy rác rến, và ếch nhái. Công việc vất vả thật đấy, nhưng bù lại, họ có niềm vui tạo dựng, và niềm kiêu hãnh được tự tay làm lấy tất cả, bất chấp sự thờ ơ của nhân sinh.
Thỉnh thoảng Kiên có đến giúp cha, nhưng chỉ giúp được những việc lặt vặt. Kiên có quá ít thì giờ, từ chỗ bến tắm ngựa đến chỗ ông giáo lại quá xa. Thêm công việc bề bộn ở kho quân lương (Lữ bận quá nhiều việc với chức Thiếu phó nên giao bớt công việc ở kho cho Kiên), và cái quán rượu đang đông khách của vợ! Dù sao chăng nữa, qua nửa tháng, việc dọn nhà đã hoàn thành. An nhóm bếp lần đầu ở nhà mới, làm một mâm cơm có thịt, chả cá, lươn um và bún tàu xào gạch cua để cúng tân gia. Bữa cơm đầu tiên trong căn nhà mới diễn ra lặng lẽ, ông giáo, Kiên, An, Lợi cắm cúi ăn không ai nói với ai lời nào. Nếu không có con Út (con viên cai cơ Kiên dẫn theo) lâu lâu bạo dạn lên tiếng đòi miếng chả hay cái bánh ít, người ngoài có thể tưởng đấy là bữa tiệc của những người câm.
*
* *
Điều dễ đoán là không có khách khứa nào đến thăm căn nhà mới của họ cả. Con chó Vện (Lợi xin về nuôi đề phòng bọn trộm vặt quen thói cũ có thể lảng vảng vào vườn mỗi tối) rất có ít việc để làm. Buổi sáng ông giáo dậy muộn, nghe tiếng cánh cổng kẽo kẹt giữa tiếng lá chuối đập vào nhau xao xác, ông biết rể vừa đi làm. Trưa, Lợi ở lại kho vì nhà quá xa. Xế chiều, nghe tiếng chó hực, con chó chỉ hực một tiếng ngắn chứ không sủa vang, ông biết rể đi làm về. Ông chờ tiếng chó sủa báo hiệu khách đến như kẻ hoài nghi chờ điều thiện. Tuy vậy, ông vẫn chờ. Bạn bè cũ của ông đâu cả rồi? Lại thêm bạn bè của An, bạn bè của Lợi? Chẳng lẽ họ không biết ông đã dời nhà về đây? Từ phủ đến nhà ông, kể cũng xa xôi cách trở đấy! Nhưng tình người không thể đo bằng độ đường. Hễ họ muốn tìm thăm ông tất phải tìm ra. Có lúc ông ngờ con Vện khù khờ đã đánh mất khả năng đánh hơi người lạ. Nhưng đêm đêm nó vẫn sủa dọa lũ trẻ con chui vào vườn lặt ổi non mà! Không có cách biện hộ bào chữa nào nữa, ông phải chán ngán cho tình đời. Rồi ông vẫn đợi!
Một hôm chán cảnh nằm khoèo một chỗ nghe tiếng lá chuối xào xạc, ông giáo mặc áo đội khăn nhất quyết ra cổng. An ở phía trong nhà cài lại cái then gỗ rồi, ông vẫn chưa biết mình định đi đâu. Ông nghĩ: Hay ta đến thăm gia đình thằng Kiên!
Ông đi dọc theo bờ sông, dưới những vòm tre tối. Ông không có gì phải vội nên bước chậm. Lá tre trở mình dưới chân ông. Bụi đường không bốc lên sau bước ông. Ông đi theo con sông uốn khúc một lúc, mới biết mình đi ngược hướng về nhà Kiên. Ông lại nghĩ: Sao lại đến cái quán rượu nhớp nhúa ồn ào ấy? Giờ này Kiên đi làm chưa về. Mấy mẹ con đó có liên hệ máu mủ gì với ta đâu! Đến thăm họ, chẳng khác nào ta công nhận cuộc chung chạ trái đạo ấy. Vả lại, ta đến rồi đứng ngồi ở đâu? Ngồi chung với bọn mã phu quần áo bẩn thỉu sũng ướt nốc rượu để quên lạnh ư? Ta có điên không đây? Nghĩ vậy nên ông giáo không quay bước, tiếp tục lang thang dọc theo bờ sông tre phủ cho đến lúc gần tối.
Ông về tới cổng thì con vện sủa vang. Ông lên tiếng, nó vẫn sủa dấm dẳng, đôi mắt hớt hải và đầy nghi ngại. An chạy ra mở cổng. Ông bảo:
- Con Vện nó lú lẫn mất rồi! Chẳng lẽ nó không nhận ra cha!
An đáp:
- Có lẽ nó tưởng ông khách trở lại cha ạ!
Tự nhiên ông giáo hồi hộp. Ông vội hỏi:
- Có khách à?
- Dạ.
- Ai thế?
An tránh đường cho cha vào, vừa gài then vừa đáp:
- Con cũng không biết nữa!
Ông giáo gắt gỏng:
- Phải hỏi chứ!
- Con vừa trả lời cha đi khỏi, ông ta hỏi chừng nào cha về. Con bảo chắc cũng sắp về thôi. Ông ta suy nghĩ một lúc, rồi bảo sẽ trở lại. Nói xong, ông ta quay gót đi ngay. Con chưa kịp hỏi gì cả!
- Ông khách người thế nào?
An bối rối, do dự, rồi đáp liều:
- Da... dạ cũng đã lớn tuổi. Đầu đội khăn.
Ông giáo bực quá, nói:
- Ai mà chẳng đội khăn. Có phải người quen không? Đã đến nhà ta bao giờ chưa?
- Trời hơi tối nên con không nhìn rõ mặt. Vả lại ở nhà chỉ có mình con. Con không dám mở cổng, chỉ đứng bên trong hỏi với qua hàng rào gai thôi.
- Lợi nó chưa về à?
- Dạ chưa. Hồi sáng anh ấy báo trước sẽ về muộn.
- Hay là người quen cũ ở An Thái, hoặc ở Tây Sơn thượng?
An rụt rè đáp:
- Có lẽ thế.
- Lại "hình như" với "có lẽ". Cố nhớ lại xem! Ông ta có nói gì thêm không?
- Ông ta chỉ hỏi cha có nhà không. Nghe con đáp, ông ta thừ người suy nghĩ, lẩm bẩm: "Tiếc nhỉ. Ông giáo không có nhà, tiếc nhỉ".
- Sao lúc nãy con không kể câu đó?
An kinh ngạc ngước lên nhìn cha, hỏi:
- Câu ấy có quan trọng gì đâu hở cha!
- Không ai như mày! Ít ra phải tìm cách hỏi ông ta là ai, tìm cha có việc gì. Nếu không cũng phải nhìn kỹ xem ông ta già hay trẻ, gầy ốm, quen lạ thế nào chứ.
An bực dọc, chống chế:
- Nhưng ông ta hẹn trở lại, thưa cha!
Con Vện hực lên một tiếng, chạy nhanh ra cổng. An vui mừng nói:
- Đấy, ông ta trở lại đấy. Để con đi mở cổng.
Nhưng không phải ông khách. An và ông giáo quên rằng con chó Vện chỉ hực tức là Lợi về. Ông giáo thắc thỏm đợi khách cả đêm, cả ngày hôm sau. Hôm sau nữa, ông quên đi!
Nhưng vài hôm sau, đột nhiên ông giáo nghĩ:
- Người khách ấy là ai mà tìm ông vào giờ đó? Tìm có việc gì? Chắc chắn là việc quan trọng, vì nếu không, hơi đâu mất công lặn lội tới đây vào lúc chạng vạng tối. Mà đã quan trọng sao không chịu khó chờ ông. Hay tại con An vô lễ không chịu mở cổng, chỉ đứng bên trong nói với qua rào? Nhưng ông ta có hẹn trở lại ngay cơ mà? Sau khi quay bước, ông ta đổi ý chăng? Ông ta gặp tai nạn gì chăng? Nếu ta lang thang theo hướng kia, chắc chắn đã gặp ông ta giữa đường rồi. Ông ta sẽ vô cùng mừng rỡ khi nhận ra ta, sẽ báo cho ta biết những điều quan trọng, sẽ van nài năn nỉ ta làm giúp cho ông việc này việc nọ. Không thể là những chuyện vụn vặt được! Nếu là chuyện vụn vặt như xin một câu đối, hỏi một câu sách nho, ông ta đã không có vẻ nôn nóng, luyến tiếc như An thuật lại. Biết đâu chuyện ông ta nhờ sẽ chuyển hướng cuộc đời ta, đánh dấu một khúc quan trọng đại như cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ta và ông biện lại Vân Đồn. "Tiếc nhỉ! Ông giáo không có nhà. Tiếc nhỉ!". Ông ta nói đúng. Tiếc thật. Tại sao? Cơ trời xui khiến thế nào mà ông ta tìm đến đây đúng lúc ta vắng nhà? Tiếc thật!
Từ đó ông giáo rình nghe tiếng chó sủa. Con Vện nằm dài lười lĩnh bên cạnh cái chõng ông nằm, lâu lâu chỉ hực một tiếng báo hiệu hoặc Lợi đi làm về, hoặc An đi chợ về, hoặc Kiên đến thăm cha. Lâu lâu nó cũng có sủa vang đấy, nhưng chỉ để dọa lũ trẻ nít rắn mắt chui qua hàng rào hái ổi, hoặc để tiếp những con chó hoang ghẻ lở cùng mình. Người khách lạ bí mật không bao giờ trở lại. Ông giáo cứ hồi hộp lóng tai chờ, chờ mãi, chờ hoài. Tất cả sinh lực của thân thể ông dồn hết cho đôi tai. Ông ít nói, ít cười, lâu lâu An nghe cha thở dài luyến tiếc cho một cơ hội nghìn năm một thuở đã mất. An sống với cha lâu ngày nên không để ý đến các dấu hiệu bất thường ấy. Mãi đến khi Lãng từ Quảng Nam trở về, An mới được em lưu ý các dấu hiệu khác thường trong hình sắc và tâm tính cha. An thấy em nhận xét đúng. Hai chị em ngùi ngùi thì thào với nhau rằng cha đã bắt đầu lẩm cẩm.
*
* *
Lãng cũng ghi nhận những biến đổi trên khuôn mặt và cử chỉ của chị, nhưng do sự dè dặt tế nhị thường có giữa một người em trai đối với người chị gái đã chia sẻ cuộc đời với một người đàn ông khác, Lãng không dám tâm sự thẳng thắn với An như trước kia nữa. Vả lại, Lãng chưa xác định rõ ràng được chị biến đổi thế nào. Đó là chưa kể điều quan trọng này: anh hiểu các biến đổi ấy có nguyên do từ đời sống vợ chồng thầm kín, điều mà mỗi lần nghĩ tới, Lãng không khỏi xót xa vì ghen tức và luyến tiếc.
Lãng thấy chị buồn. Trong cuộc sống mới giữa một người cha bắt đầu lẩm cẩm và một người chồng cau có vì thất thế, chị Lãng vui sao được. Dĩ nhiên phải thế. Nhưng Lãng càng nhìn chị càng thấy An có vẻ gì khác hơn nỗi buồn rầu. An vẫn đẹp như trước khi lấy chồng. Vẫn mái tóc đen mượt, cái mũi thanh tú, đôi môi nhỏ và hồng, cái cổ trắng, cao. Nhưng rõ ràng trên khuôn mặt chị có vẻ gì buông thả vượt ngoài ý muốn của An, như chị đã không kiểm soát nổi cử chỉ và cách biểu lộ trên khuôn mặt mình. Da mặt An hơi sượng lại, mi mắt đầy, nhưng ánh mắt lúc nào cũng bừng sáng và long lanh khác thường. Trong đôi mắt ấy, đôi mắt thường xuyên ươn ướt như sắp khóc, có một thứ sinh lực nồng cháy, tha thiết và cuống quít giống y sức mạnh huyền bí của mọi sinh vật ở thời kỳ tăng trưởng hay sinh nở.
Lãng mơ hồ đoán chị đang có mang, nhưng không bao giờ anh dám mở miệng hỏi chị. Anh đâm thương hại An, thương hại tràn trề pha lẫn nào tiếc nuối, nào xót xa, nào lo âu vu vơ. Anh cảm thấy chị cô đơn, và điều Lãng tuyệt vọng hơn hết, là không thể nào An chia sẻ niềm cô quạnh lẻ loi cho ai khác. Một mình An gánh chịu cuộc thử thách mới mẻ này, một mình An trăn trở giữa sợ hãi và hy vọng, giữa tiếc thương một giai đoạn vô tư của thời con gái và nao nức làm mẹ. Tất cả xao động phức tạp ấy của chị, Lãng đoán được, mà không diễn tả bằng lời được, chứ đừng nói đến chuyện tâm sự với An để chia bớt nỗi hiu quạnh bơ vơ của chị.
Lãng ái ngại cho An, nhiều hôm liếc nhìn khuôn mặt biến đổi, cử chỉ uể oải của chị, muốn hỏi lắm, nhưng không biết hỏi thế nào cho khỏi động chạm đến chuyện riêng tư giữa hai vợ chồng An Lợi. Cuối cùng Lãng hy vọng: dù sao An vẫn còn có chồng để chia sẻ nỗi lo âu thai nghén. Ý nghĩ khiến Lãng nhẹ bớt nỗi lo lắng, thương xót. Nhưng Lợi có hiểu chị như Lãng hiểu chị không? Lãng thắc mắc, không dám quả quyết chị mình đã tìm được hạnh phúc. Anh e dè hỏi An:
- Độ này em thấy anh Lợi có vẻ trầm ngâm hơn trước. Hình như anh ấy "chín" hơn. Có gia đình phải chịu trách nhiệm nhiều hơn ngoài công việc bên kho, anh ấy đổi khác. Phải thế không chị?
An nhìn em đăm đăm, muốn đo lường ý nghĩ của Lãng trước khi trả lời. An sợ trong câu hỏi của em vẫn còn ẩn dấu những thành kiến, ác cảm đối với chồng. Nhưng nét mặt thành khẩn của Lãng khiến An yên tâm. Chị đáp:
- Vâng, anh ấy có đổi khác. Cuộc đời gia đình chúng ta thay đổi nhiều quá, làm sao mỗi người giữ nguyên như trước được. Cả chị cũng vậy, mà em cũng vậy.
Lãng được dịp tốt liền hỏi An:
- Phải, chị thay đổi nhiều lắm, chị An ạ.
An buồn rầu nói:
- Chị xấu đi, phải không?
Lãng vội xua tay cải chính:
- Không đâu. Chị vẫn như trước. Nhưng dĩ nhiên có nhiều, không, em lầm rồi, dĩ nhiên có vài điểm khác trước.
Rồi An sợ hỏi kỹ hơn, Lãng hỏi:
- Anh Lợi có kể chuyện trong phủ cho chị nghe không? An thành thực đáp:
- Không bao giờ. Mỗi lần chị hỏi chuyện trên kho, anh ấy trở nên cau có, gắt gỏng. Vài lần đầu chị chưa nhận ra, về sau chị tránh không hỏi nữa. Em về đây có nghe chuyện gì liên quan đến anh Lợi không?
Lãng lựa từng ý trước khi nói với chị:
- Có chị ạ. Tuy anh Huệ có can thiệp, nhưng trại chủ vẫn chưa tin hoàn toàn vào anh ấy như trước. Việc kho vẫn bề bộn, anh Lữ làm Thiếu phó gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn, phải chia bớt việc quân lương cho người khác. Đáng lý anh Lợi quen việc phải được anh Lữ tín nhiệm. Nhưng cho đến nay, anh ấy vẫn còn phụ trách những việc vặt.
An thở dài, rồi nói:
- Có lẽ vì thế mà lúc nào anh ấy cũng bần thần như người mất hồn. Chị khổ lắm. Giá em cứ ở đây mãi mà khỏi phải đi đâu để chị có người chuyện văn.
An rơm rớm nước mắt, bắt đầu thút thít khóc ngay trước mặt em. Lãng thương chị, cảm thấy không còn gì phải e ngại khi hỏi An:
- Anh ấy có vui khi biết chị đã... chị đã...
An hiểu Lãng muốn nói gì, đỏ mặt, vừa thút thít vừa vội vã nói:
- Chị cũng không biết nữa.
Rồi để che dấu ngượng ngịu và tủi thân, An hỏi sang chuyện khác:
- Chuyến này em ở lại nhà được lâu không?
Lãng đáp:- Em cũng không biết nữa. Anh Huệ lên làm Phụ chính, trở thành người phụ tá quan trọng của trại chủ trong việc binh, nên từ đây về sau, thế nào anh ấy cũng phải cầm quân đánh nam dẹp bắc luôn. Không biết chừng hôm nay em còn ở đây, mai đã phải đi không kịp về từ biệt chị nữa.
An ngước lên liếc nhìn em, gương mặt tự nhiên trở nên linh động vì một vẻ hân hoan e ấp thoạt đến. An mỉm cười, đưa lưng bàn tay chùi nước mắt trên má hỏi Lãng:
- Độ này anh ấy có mạnh khỏe không?
Lãng hiểu ngay ý An, vui vẻ đáp:
-Anh ấy sức voi thì mưa gió bệnh tật nào vật ngã cho nổi. Tên đạn còn phải sợ nữa là. Chị biết không, mỗi lần xông trận anh ấy luôn luôn xông lên hàng đầu làm gương cho quân sĩ. Lúc dừng chân nghỉ, chưa kịp cởi giáp đã tìm đến chỗ nấu bếp xem cơm nước của anh em ra làm sao. Khỏi cần đoán chị cũng biết quân sĩ thương anh ấy đến bậc nào. Thật khác hẳn cái thói côn đồ quân Hòa nghĩa đối đãi với nhau trước đây.
An chớp mắt vì cảm động, dịu dàng dặn em:
- Lãng ở bên cạnh, nhớ nhắc... nhớ nhắc... đừng nên liều lĩnh không cần thiết. Cả em nữa cũng phải cẩn thận ở chỗ đầu tên mũi đạn. Lỡ có mệnh hệ nào, chắc chị và cha không... không...
An nghẹn lời không nói tiếp được nữa. Lãng sung sướng được chị lo lắng, cười to rồi nói:
- Chị làm như em còn là một đứa con nít yếu ớt. Em đã hai mươi mốt tuổi rồi, chị nhớ không?
- Ờ nhỉ. Chị hơn em hai tuổi. Đã hai mươi ba tuổi đầu. Chị già rồi. Quay đi quay lại rồi lưng chị còng, tóc chị bạc. Buồn không Lãng?
*
* *
Lãng lo về trại trước lúc chạng vạng, không chịu ở lại ăn cơm tối với gia đình. Tuy thế bữa cơm hôm ấy rộn rã vì Lợi cười nói luôn miệng. Ông giáo đắm mình trong nỗi chờ đợi vu vơ đang bắt đầu đè nặng đời ông, nên không chú ý đến biến đổi đột ngột của con rể. Chỉ có An ngạc nhiên trước thái độ khác thường của chồng. Quá biết tính Lợi, nên An không vội hỏi ngay trong bữa ăn. Thế nào Lợi cũng nói trước cho An biết, An khỏi cần phải hỏi. Lợi chờ mãi chưa thấy vợ hỏi gì, theo vợ xuống bếp tươi cười gợi chuyện:
- Hồi chiều Lãng nó có về à?
An lấy gáo múc nước đổ vào cái chậu sành để rửa chén bát, không quay lại phía chồng, đáp gọn:
- Vâng. Nó về trại rồi.
- Lãng có báo tin cho em biết chưa?
An lo lắng hỏi:
- Tin gì vậy?
- Thế nó chưa cho em biết à?
An dè dặt đáp:
- Nó có nói gì đặc biệt đâu. Chuyện dẹp loạn ở Quảng Nam vừa rồi phải không?
- Không. Chuyện đó xưa rồi. Chuyện này quan trọng hơn nhiều. Này, anh nói riêng cho em nghe, nhớ đừng bép xép nói lại cho ai biết nhé. Tin mật đấy. Ta sắp đánh thẳng vào Gia Định, em biết chưa?
An lo sợ nói:
- Thật à? Sao Lãng nó không cho em biết! Hay nó cố giấu để em khỏi lo âu?
Lợi hãnh diện nói:
- Có lẽ chính Lãng cũng chưa biết gì đâu. Không phải ai cũng đáng cho biết cả, vì còn phải giữ bí mật quân sự. Vả lại chuyến này chính ông Thiếu phó cầm quân chứ không phải anh Huệ.
An reo lên:
- Thật thế à! Phải rồi, nếu Lãng phải vào Gia Định thì nhất định nó không giấu em đâu. Suốt buổi chiều, nó có nói tới chuyện đi đánh tận trong nam đâu!
Lợi sốt sắng đi múc chậu nước khác cho vợ, rồi vỗ vai An bảo:
- Anh có chuyện vui lắm, em muốn nghe không?
An tò mò quay nhìn Lợi, cố lấy giọng từ tốn hỏi:
- Chuyện gì khiến anh hí hửng vậy?
- Anh biết thế nào em cũng bằng lòng nên khỏi cần hỏi ý em trước. Vả lại chắc chắn Lãng nó còn ở lại đây lâu, nên khỏi sợ nhà đơn chiếc. Anh cố nằn nì với ông Thiếu phó mãi mới được đấy.
An sốt ruột hỏi:
- Nhưng chuyện gì mà anh cứ quanh co mãi. Anh sắp đi đâu?
Lợi cười mơn trước khi đáp:
- Anh được người quen cho biết ông Thiếu phó sắp cầm quân vào đánh Gia Định lần đầu, và có lẽ cũng là lần chót để diệt cho tan tành bọn vua quan nhà Nguyễn. Em biết đấy, bấy lâu nay anh bị ruồng bỏ, không ai thèm dùng đến anh nữa. Chẳng lẽ suốt đời anh chịu làm tên ký quèn ghi ghi chép chép ba cuốn sổ thu chi từng đồng tiền kẽm. Anh không muốn mà em cũng không muốn vậy. Cho nên anh đã tình nguyện xin theo giúp ông Thiếu phó chuyến đánh Gia Định đầu tiên này. An không tin mình nghe đúng lời chồng. Chị ngưng việc rửa chén bát, quay hẳn người lại nhìn Lợi. Ánh nhìn hốt hoảng lo sợ của vợ khiến Lợi đâm lo lắng theo. Lợi hỏi:
- Em sao thế?
An lạc giọng hỏi chồng:
- Anh chưa biết gì ư?
Lợi ngơ ngác hỏi:
- Việc gì vậy? Hồi chiều có ai đến thăm à?
An chua chát đáp:
- Anh mải lo công danh sự nghiệp quá, có để mắt đến em đâu! Em có ra thế nào, đau yếu hay khỏe mạnh, sung sướng hay buồn khổ, không bao giờ anh để tâm. Anh đi suốt ngày, tối về ăn cơm xong, đặt lưng xuống chiếu là ngủ. Em thế nào mặc xác. Từ hơn tháng nay em không chịu được đồ tanh, anh đâu thèm để ý.
Lợi ngu ngơ hỏi:
- Thì từ hồi nào em đã không thích ăn cá rồi. Em đi chợ thích mua món gì tùy ý, anh có ngăn đâu!
An giận quá, giọng run run hỏi:
- Em có mang, anh biết chưa?
Lợi trố mắt nhìn An:
- Em nói thật hay nói đùa?
An xẵng giọng đáp lại:
- Em nói đùa với anh làm gì! Đáng lý chính anh phải biết trước để lo lắng cho em, an ủi em. Chẳng những anh không ngó ngàng gì tới, bây giờ anh lại bỏ mặc em bụng mang dạ chửa ở đây để vào đánh nhau tận Gia Định. Em biết thế này, thà...
Đột nhiên Lợi nổi cáu, cướp lời vợ:
- Thà cái gì? Thà ở vậy chờ đám nào danh giá hơn cái thằng ký kho quèn này phải không? Thà chờ đến ngày làm bà Phụ chính phải không? Cứ nói huỵch toẹt ra đi cho khỏi ấm ức trong lòng. Tôi không phải thằng mù, cô biết chưa. Trời cho tôi đôi mắt để trông thấy mọi sự, và đôi tai để nghe hết mọi lời. Tôi dại dột gì mà không hiểu tâm can của cô. Nhưng cô phải biết: Không ai cho cô với cao quá đâu. Không phải vì lòng tốt mà trại chủ xuất của kho ra tổ chức một đám cưới linh đình như thế đâu. Tôi biết, thiên hạ biết, tất nhiên cô cũng phải biết. Không biết như vậy chắc chắn cô đã không bằng lòng lấy tôi làm chồng. Nhưng cô đừng quên rằng trước khi lấy cô, tôi không phải là một thằng ký quèn.Tôi chỉ trở thành thằng ký quèn sau khi lấy cô, sau khi làm rể một... một...
An giận quá gần như hét lên:
- Anh không được xúc phạm đến cha tôi. Trời ơi! Sao tôi khổ thế này...
Không thể chịu đựng thêm nữa, An bật khóc. Bấy giờ Lợi mới thấy mình vì tự ái, ghen tuông mà quá lời. Đồng thời anh cũng nhận thấy không có thể làm hòa ngay với vợ được. Anh đã xúc phạm nặng nề đến danh dự vợ, đến danh dự gia đình vợ. Anh đã nói tuột ra hết những điều từ lâu mọi người có thể nghĩ nhưng không ai dám nói. An bỏ chậu chén bát rửa dở, chạy lên buồng trên. Chị cài then lại, Lợi năn nỉ thế nào cũng nhất định không lên tiếng. Liên tiếp mấy ngày liền, An tránh không muốn gặp chồng. Lợi đi làm rồi An mới dậy, mở cửa buồng xuống bếp lo bữa điểm tâm cho cha. Lợi đi làm về, nghe con Vện hực sủa An đã vào buồng giả vờ ngủ. Lợi quay quắt vì đủ thứ lo lắng: nào lo chuẩn bị cho cuộc nam chinh bất trắc vì đây là lần đầu tiên Tây Sơn tiến vào tận Gia Định, nào lo tìm cách làm hòa với vợ, nào lo gửi gắm gia đình cho bạn bè, thân nhân, cả cho hàng xóm trong thời gian mình vắng mặt. Chuyện tham dự vào cuộc nam chinh đối với Lợi trở thành việc hiển nhiên, điều tất yếu, không thể thay đổi được. Đó là cơ hội thăng tiến duy nhất và cuối cùng của đời anh, cơ hội Lợi lập công để xóa cái vụ không do anh gây ra. Cho nên dù An hờn giận đến đâu, anh vẫn cứ hăng hái chuẩn bị cho trận đánh Gia định lần đầu tiên này. Mới 27 tuổi đầu, Lợi còn quá trẻ để bằng lòng dừng lại ở chức ký kho chuyên nghề cạo giấy ở một góc phòng ẩm nồng mùi gạo mốc.
*
* *
Dù sao đêm trước hôm xuất quân, Lợi cũng làm hòa được với vợ. Anh đã dùng hết tài miệng lưỡi và khiếu khôi hài để An chịu bỏ nét mặt đăm đăm, thái độ xa lánh lầm lì từng làm cho không khí trong căn nhà vắng nặng nề ủ dột bấy lâu. Anh cũng dùng cả ngón chân cái bị dập khi chuyển đồ đạc vũ khí xuống ghe làm lợi khí gợi lòng thương xót của vợ. Lợi đã thành công. Thấy chồng loay hoay xếp đặt quần áo và đồ dùng cần thiết cho chuyến hải hành xa xôi bất trắc, An không thể làm bộ thờ ơ được nữa. Chị mở cửa buồng, đem cái áo bông của Lợi ra giũ bụi, rồi bỏ sẵn vào cái túi lớn may ở lần vải phía trong nào khăn mặt, dầu gió, kim chỉ may, thỏi quế, mấy củ gừng và nút áo.
Chộp ngay lấy dịp tốt, Lợi đưa ngón chân bị thương ra biểu diễn với vợ:
- Em có thuốc gì xức cho anh một chút. Sợ lội nước, làm độc mất!
An vẫn giữ nguyên nét mặt lạnh lùng, nhìn qua vết thương, hỏi chồng:
- Bị lâu chưa?
Lợi tươi cười như hãnh diện vì được vô ý gặp nạn, liến thoắng kể:
- Ấy, đã năm, sáu ngày rồi. Anh tưởng như mấy lần trước, cứ để mặc như thế cho nó tự ý đóng vẩy, kéo miệng, lành da không ngờ chuyến này nó làm dữ. Ái! Em nhẹ tay một chút. Hình như phía trong lớp vảy đen còn mưng mủ đấy. Em xức thứ gì mà mát vậy?
An ngước nhìn Lợi vẫn với đôi mắt lạnh lùng vô hồn, nói với giọng đều đều:
- Phải chịu đau một chút để gỡ cái vảy ra, chùi cho hết mủ rồi xức thuốc mới công hiệu. Lợi vui vẻ nói:
- Đúng rồi. Tùy em muốn làm gì thì làm. Đau nhức mấy anh cũng chịu đựng được hết, miễn là... miễn là...
Lợi liếc nhìn An dò thái độ của vợ, do dự ấp úng một chút, rồi nói tiếp:
- Miễn là... em đừng giận anh nữa. Làm người ai không có lúc lầm lẫn, nhất là làm chồng.
An bật cười, không giữ mặt nghiêm được nữa. Lợi kêu:
- Ái, em làm anh đau quá. Đã xong chưa.
An bối rối xin lỗi:
- Em vô ý mạnh tay quá. Gần xong rồi. Phải để em buộc kỹ. Em nghe khi bị đau ở ngón chân người ta thường lấy mật heo buộc nguyên cả ngón, mau lành lắm. Nhưng không được dầm nước. Anh sắp được khỏi thấy mặt con vợ càu nhàu đi chơi một chuyến xa tận Gia Định nên trông hí hửng như người sắp được của.
Lợi đổi ngay nét mặt, làm bộ buồn rầu than:
- Em đừng nói vậy. Không có gì khiến anh hí hửng mừng vui cho bằng chiều chiều đi làm về, trông thấy em tươi cười đon đả ra mở cổng. Đi chuyến này, vì là chuyến đầu nên có thể lành ít dữ nhiều.
An vội hỏi:
- Đã biết vậy tại sao anh còn tình nguyện xin đi? Anh đâu phải là người quen việc gươm giáo. Cũng không ai buộc anh phải đi cả. Bỏ em bụng mang dạ chửa thế này, em sợ lắm. Em nghe người ta nói sinh con so thường gặp khó, ít khi mẹ tròn con vuông. Lỡ có mệnh hệ nào...
Lợi vỗ vai vợ an ủi:
- Đừng nói dại. Thế nào anh cũng về kịp trước ngày em sinh. Vả lại, chỉ còn dịp này để ông Thiếu phó tín nhiệm anh, tin tưởng anh trở lại. Phải ở vào hoàn cảnh khó khăn anh mới chứng tỏ được khả năng tháo vát nhanh nhẹn của mình. Chứ ký cóp ghi chép vài quan tiền muối với mấy quan tiền mắm, công trừ nhân chia chi li, thì ai không làm được. Về chuyện đó anh Kiên còn giỏi và kỹ hơn anh.
- Ngày mai chừng nào anh đi?
- Có lẽ sáng sớm. Hồi trưa dưới chợ Giã lên báo là đoàn thuyền đã sẵn sàng. Khí giới lương thực đã chất đủ. Chỉ còn chờ trên này xuống nữa thôi.
- Chuyến này Lãng nó có đi không anh?
Lợi vui mừng đáp:
- Không. Anh nghe nói ban đầu trại chủ định giao cho anh Phụ chính vì dù sao trong việc quân, anh ta cũng quen việc hơn. Tuy phần lớn các trận xưa nay đều ở trên bộ, nhưng quen việc thì thủy hay bộ đại khái không khác bao nhiêu. Về sau, chính Thiếu phó xin trại chủ cho mình tự cầm quân chuyến này. Với chức lớn như vậy, Thiếu phó phải có quân công để tạo uy tín trước ba quân. Trại chủ hơi e dè nhưng cuối cùng bằng lòng. Anh quen làm việc với Thiếu phó, biết cái hay cái dở của ông ta. Em cứ tin đi, chuyến này về thế nào bọn xấu mồm xấu miệng cũng sợ thụt cả lưỡi, nem nép bên đường nhìn ngựa anh qua. Rồi bạn bè lại bu đến đây đông y như trước.
An nhận xét:
- Loại bạn bè đó không tốt lành gì đâu! Chúng nó thấy lợi thì bu đến như ruồi bu quanh dĩa mật, khi thấy dấu hiệu nguy hiểm thì vội xa lánh. Anh xem, mấy tháng nay có ai đến thăm anh không! Những đứa trước kia xum xoe bên anh cầu cạnh thứ này thứ nọ, nay biến đi đâu cả rồi?
Lợi cười lớn đáp:
- Trò đời như vậy thay đổi sao được. Đó là luật chơi, không nên buồn. Họ như vậy, mà ta cũng như vậy. Nếu không tội gì lặn lội vào mãi tận Gia Định làm gì!
An ngỡ ngàng nhìn chồng, môi mím lại. Chị bớt lo, nhưng buồn man mác, như vừa mất thêm một thứ gì chưa thuộc hẳn về mình, do đó không tiếc nuối, nhưng vẫn ngùi ngùi!
*
* *
Lợi đi rồi, An mới có dịp nhìn lại toàn cảnh đời sống vợ chồng của mình gần một năm qua.
Nhờ khoảng cách cần thiết của không gian và thời gian, nhờ những buổi trưa rỗi việc ngồi một mình nghe cái thai động đậy như muốn nhắc nhở An dọn lòng đón nhận trách nhiệm làm mẹ, An được thong thả, tự do ôn lại những ngày tháng qua. Chị tự hỏi: Mình hạnh phúc hay đau khổ? An không trả lời dứt khoát được!
Những gì An trải qua sau ngày cưới vẫn còn để lại dấu ấn bẽ bàng, xót xa trên cuộc đời chị. Sự vồ vập tham lam của Lợi, cảm giác rời rã bần thần của nhiều đêm mất ngủ, những đau đớn trong cuộc giao hợp khó khăn buổi đầu, cùng nỗi khiếp hãi trước các hành động sinh lý xảy ra dưới ánh đèn lù mù (những hành động An tưởng chỉ có giữa giống đực và giống cái của loài động vật hạ đẳng sống trần trụi không có trí khôn để tìm một phương thức truyền giống thanh cao hơn), mãi đến nay vẫn còn khiến An run sợ. Chị tưởng mình không thể kham nổi cuộc thử thách ghê gớm và dị thường đó. Chị sống trong trạng thái bềnh bồng, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi lối nhìn lém lĩnh của Lợi và ánh đèn dầu leo lét buồng tân hôn. Nhiều lần An muốn tắt đèn đi, nhưng Lợi không chịu. Lợi muốn nhìn rõ từng biểu hiện khoái cảm trên gương mặt vợ, để tận hưởng niềm kiêu hãnh làm chồng. An cố giấu không cho Lợi thấy mình xúc động, nhắm mắt chịu đựng. Nhưng đã có lúc chị không làm chủ được mình. Đôi tay An chới với, thân thể oằn lên, hơi thở dồn dập, một sức mạnh ào ạt như sức bão từ tận cùng thân xác cuốn phăng tất cả dè dặt, e lệ, bẽ bàng, sợ hãi của chị. Đấy là lúc chị bắt đầu cảm được những cảm giác mới nó lấn át cả cảm giác đau xót ban đầu. An bị cuốn vào cơn lốc cảm giác, tự mình đánh mất mình. Chị bắt đầu mon men tham dự, mặc nhiên đón nhận các câu nói bóng gió và lối nhìn giễu cợt của Lợi như điều thân mật thầm kín quí giá của riêng hai người với nhau. Cuộc sống chăn gối ở chỗ khuất lấp giống như một giây liên lạc thiêng liêng càng ngày càng nối chặt hai vợ chồng, hoặc như chiếc đũa thần giúp họ khám phá bộ mặt mới của nhau, bộ mặt mới của cuộc đời, bộ mặt mà càng nhìn gần họ càng thấy nó có nhiều khía cạnh bất ngờ đáng phải quan tâm hoặc thích thú khám phá. An làm sao quả quyết được cảm tưởng thú vị lạ thường đó không phải là tình yêu, hoặc quả quyết đó mới đích thực là tình yêu. Không. Cho đến nay An vẫn xúc động đến nghẹn lời khi nghĩ đến một cuộc hôn nhân trong đó An lấy được người chồng mình hằng kính trọng, thương yêu, quí mến. Được nép mình vào cánh tay rắn chắc ấy, được buông thả dìu dặt giữa tiếng nói trầm và chậm ấy, được đỏ mặt cuống quít trước ánh mắt hơi khinh bạc và giễu cợt ấy, và... và sau đêm tân hôn, được trọn mình quay cuồng trong niềm hoan lạc chung sau khi cùng nhau chia sẻ những đau đớn e ấp như cái giá phải cùng chia nhau trả để đón hạnh phúc trọn vẹn sau này. Nhưng làm gì An được cái may mắn ấy! An biết lắm, và cha của An, cả Lợi nữa cũng biết rõ lắm! Chị không thể hoài công tiếc nuối một điều không thể có. Chị lấy Lợi là phải, và trạng thái an lạc trầm lặng liều lĩnh An được hưởng cũng có thể tạm gọi là hạnh phúc. Chị sắp có con, và có thêm một sinh vật thân yêu do chính mình nuôi dưỡng bằng máu, thịt, lo âu; sắp được ngắm nó ngủ say trong nôi; sắp được nghe nó khóc, hồi hộp canh giấc khi nó đau yếu, mọc răng, chập chững, hí hửng trông nó lớn lên.. tất cả những điều sắp có là gì, nếu không gọi là hạnh phúc.
Trong niềm bâng khuâng và hoang mang ấy, hình ảnh Lợi cũng bớt các nét đậm đà. An tìm cách biện hộ cho Lợi, tự trách đã để cho các ác cảm, thành kiến làm mình xa cách chồng. An còn tìm được người đàn ông nào lo lắng cho An từ cây kim sợi chỉ cho đến chuyện to tát hơn như Lợi? Còn tìm ai trên đời say mê An, chịu đựng tất cả thua thiệt, kiên nhẫn chiều chuộng An cho bằng Lợi. Với tài tháo vát và ăn nói khôn khéo, Lợi có thể dễ dàng tìm được một vị trí cao trong xã hội này. Lấy An thì Lợi được gì, ngoài cái vạ phải mang để bây giờ chịu cực khổ liều lĩnh vào tận Gia Định xa xôi để cố ngoi dần lên địa vị cũ. Lợi đáng thương đấy chứ! Dĩ nhiên anh cũng có nhiều tính xấu, như tính ba hoa, sự hời hợt trong tình cảm, óc thực tiễn lạnh lẽo dễ kết bạn mà cũng dễ gây thù, nhưng những điều ấy thuộc về bản tính mất rồi!
*
* *
Trong thời gian Lữ cầm quân vào đánh Gia Định lần đầu, Nhạc hồi hộp lo sợ cho lực lượng thủy quân vừa tái lập (sau khi Tập Đình rồi Lý Tài mang đi hầu hết chiến thuyền qua hai vụ đào thoát phản trắc), ngại rằng nếu Lữ thất bại, Tống Phúc Hợp có thể thừa cơ tấn kích Qui Nhơn. Vì thế, Nhạc sai Huệ tăng cường phòng thủ ở mặt trận Cù Mông và chợ Giã. Lãng phải đi đi về về trên các tuyến đường Cù Mông, Bích Khê, lần nào được phép ghé phủ cũng gắng về thăm cha và chị. Vào những dịp đó, cảnh nhà ông giáo bớt hiu quạnh nhờ những cuộc chuyện trò giữa hai chị em. Ông giáo vẫn lầm lì ít nói, trí óc không thôi ám ảnh bởi nuối tiếc cuộc gặp gỡ không thành. Cách ăn nói, suy nghĩ, quan sát, kể cả cách xử thế thông thường của ông đều bị biến đổi. Tất cả giác quan của ông đều mờ, chậm đi, trừ thính giác nhạy cảm khác thường. Lúc nào ông cũng chú hết tâm trí để lắng nghe tiếng chó sủa báo hiệu người khách trở lại. Lãng thấy tình trạng tâm thần của cha thật đáng ái ngại, thì thào đề nghị với An:
- Hay ta đừng nuôi con Vện nữa. Chị nghĩ sao?
An nói:- Điều chính yếu không phải là có hay không có con Vện. Em nghĩ mà xem, cái khổ là cha tin rằng thế nào ông khách cũng trở lại, vì ông ta mang đến cho cha một tin quan trọng lắm. Cha cứ nghĩ giá cha có mặt ở nhà hôm ấy thì cuộc đời cha đã thay đổi.
- Làm sao chị biết vậy?
- Chị chỉ đoán thôi, nhưng chị tin chắc đã đoán đúng. Từ hôm em lưu ý chị về sự khác thường của cha, chị cố tâm tìm hiểu. Nay một câu, mai một câu, chị góp chung lại thành suy đoán có căn cứ, có mạch lạc.
- Hoặc chị thử nói thẳng, cho cha khỏi chờ đợi viển vông nữa. Chị cứ bảo có người quen nào đó ở An Thái hoặc bên phủ quan nhờ xin vài chữ đại tự về làm liễn.
- Phải rồi! Chị lú lẫn quá lắm. Tại sao điều đơn giản thế mà lâu nay chị không nghĩ tới.
An thực hành gợi ý của Lãng một cách kín đáo, khéo léo. Ban đầu, ông giáo tỏ ra thất vọng, không ngờ con người ông mất công náo nức chờ đợi bấy lâu chỉ là một anh dốt sính chữ. Ông hỏi đi hỏi lại xem An có lầm lẫn không. An quả quyết với cha rằng: An gặp lại chính ông khách ấy, nghe lại chính giọng nói ấy. Khi An hỏi "Lâu nay cha cháu vẫn chờ bác, hôm nào bác lại đến để cha cháu ở nhà chờ ạ?" ông khách bảo vì chờ ông giáo không được, đã đi xin chữ ở một thầy đồ khác dưới Mỹ Cang. An khéo bịa đầy đủ các chi tiết cần thiết, khiến ông giáo phải tin lời con. Ông âu sầu mấy ngày vì tuyệt vọng. Nhưng không bao lâu về sau, ông tìm được cơ sở lý luận khác để nuôi dưỡng niềm tin cũ. Ông hỏi An:
- Hôm ấy con không mở cửa cho bác ta vào chứ?
- Dạ không. Trời chạng vạng tối, chỉ có mình con ở nhà. Con đứng trong rào hỏi với ra ngoài mà thôi.
- Con có nhớ kỹ nét mặt bác ta không?
An thành thực đáp:
- Con không nhớ.
- Thế thì làm sao con nhận ngay ra bác ở chợ để hỏi vụ hôm trước.
An nhanh trí đáp:
- Chính bác ta nhớ ra con và đến hỏi thăm cha trước.
Ông giáo lẩm bẩm, bực dọc:
- Xin mấy cái chữ thì việc gì phải lặn lội đến tận xó tối này, gặp không được thì thôi cớ sao luyến tiếc, thắc thỏm đến thế. Không phải cái lão dốt nát ấy đâu. Nhất định con lầm rồi. Có thể lão đến tìm cha thật, nhưng ông khách hôm ấy không phải là lão ấy. Rồi con xem, thế nào ông ấy cũng trở lại tìm cha.
Thế là hai chị em thất bại. Lãng chưa tìm ra cách khác để cứu cha ra khỏi vòng chờ đợi mông muội. Hai chị em ái ngại nhìn nhau, tuy không nói ra nhưng cùng muốn tránh nói đến dấu hiệu lẩm cẩm đáng ngại của cha già. Họ quay lại về đề tài cả hai đều thích thú là chuyện liên quan đến viên Phụ chính hai mươi bốn tuổi: Nguyễn Huệ. Thông thường trong các cuộc nói chuyện có vẻ rời rạc, đầu Ngô mình Sở ấy, An chỉ cười, ngượng nghịu chờ Lãng kể, lâu lâu hỏi đôi lời cố ý làm như thờ ơ, vô tình. Chẳng hạn khi Lãng bảo:
- Hôm kia chị có đi chợ phải không?
An đáp:
- Phải. Hôm kia chợ phiên: Chị mua cho cha một vài lạng thịt về hầm, và cá bống về kho khô. Món cá em ăn hồi trưa đó.
Lãng mỉm cười liếc nhìn chị, có vẻ nửa muốn nói nửa muốn không. An tò mò hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
Lãng ấp úng mãi mới đáp lơ lửng:
- Không có gì. Em chỉ hỏi thế thôi.Tại có người quen trông thấy chị đi chợ về.
An tràn trề hy vọng lẫn xấu hổ khi hỏi:
- Ai thế?
- Anh ấy bảo có lẽ vì cái thai đã lớn, nên dáng đi của chị nặng nhọc, chậm rãi đến tội nghiệp.
- Chuyện hão! Đàn ông chỉ được ích kỷ, bao nhiêu công lao thai nghén sinh nở đều phó mặc cho đàn bà, làm như việc riêng của họ, không dính dáng gì tới. Gớm, hôm ấy chợ phiên đông ơi là đông.
- Vì vậy cả đoàn người ngựa phải chật vật lắm mới qua được khỏi chợ. Chúng nó định quát tháo cho thiên hạ chạy dạt ra tránh đường. Mọi khi làm như vậy tiện và chướng lắm. Hôm kia, anh ấy trừng mắt ngăn lại. Lũ trẻ con trước còn nem nép bên đường, về sau ùa ra sờ cả lên mông ngựa. Các bà hàng rau được nước không thèm kéo mấy giỏ rau lớn vào lề đường. Về tới phủ đã quá trưa.
- Mặc sức mà đói nhỉ! Hôm ấy chị về sớm, có thấy đoàn quân nào qua chợ đâu. Tức cười! Chị gặp cô bạn lúc trước có bán hàng xáo ở chợ An Thái. Cô ta chưa lấy chồng, vẫn bán gạo như cũ. À này, em có nhớ chuyện cây gạo chợ An Thái không?
- Nhớ chứ! Hồi đó chị hàm hồ nhất, cứ đổ triệt cho em. Không có anh Huệ thì tụi mình còn đổ thừa cho nhau hoài. Lạ thật, hoa nào cũng hoặc thơm tho, hoặc khoe sắc. Chỉ có hoa gạo là vô duyên hết sức.
- Lãng nói thật cho chị biết nhé. Chị... chị như thế này trông có kỳ cục lắm không?
Lãng ngớ một lúc lâu mới hiểu chị, cười đáp:
- Không đâu. Trông chị "vững chãi" ra, như thêm sức nặng để chống chỏi với đời. Như mấy lực sĩ mỗi lần thủ thế phải dồn hết sức nặng lên đôi chân để xuống tấn. Chị mang thêm một cuộc đời mới, phải xuống tấn như các võ sĩ chứ.
- Nhưng ai đã biết chị từ hồi còn con gái chắc là phải thấy kỳ cục. Như em vừa nói đó, người ta chê chị chậm chạp, lạch bạch như con vịt què.
- Có ai tả chị như thế đâu. Này, chị đặt tên con là gì thế?
- Biết nó là trai hay gái mà đặt trước. Vả lại cái đó còn phải hỏi cha, sợ trùng tên ông bà.
- Nếu chị được quyền chọn tên, chị chọn tên nào?
An xúc động bối rối như sợ Lãng thấy được tận ý nghĩ của mình, nhưng cũng đáp nhỏ:
- Chị thích tên Thái. An Thái, hai mẹ con ghép nhau thành nơi chúng ta sống một thời thơ ấu thân yêu. Lãng nhớ không? Vả lại, tên Thái đặt cho trai hay gái cũng được cả. Nhưng này, chị hỏi em phải nói thật cho chị biết: Chị nặng nhọc thế này trông có gớm ghiếc quá không? Biết thế chị đừng vác mặt đi chợ nữa.
- Không! Sao chị cứ thắc mắc về một chuyện không đâu thế! Chị vẫn như trước. Phải. Kỳ về thăm nhà lần đầu em thấy chị hơi xanh, mắt hơi nặng. Nhưng lần này gương mặt chị vẫn y như thời trước. Nếu chị mặc áo rộng hơn một tí không ai biết đâu.
- Nhưng hôm kia chị mặc cái áo chật quá. Chợ đông chị em chen một lúc, bật cả cúc áo. Về sau chị phải giữ lấy vạc. Em ở lại ăn cơm với cha nhé. Không được từ chối. Đã ở lại ăn buổi trưa được thì ở đến chiều cũng được. Thiếu gì cớ để vắng mặt. Ai quở trách cứ đổ hết lên đầu chị. Chị đã đáng tội nghiệp quá rồi, thêm tội nào khác cũng không sao.
Lãng nghe tiếng chị cười reo vui như hồi còn thơ!
Bình luận facebook