Ông bà ta có câu "trần sao, âm vậy", âm-dương đồng nhất lý: ý nói những sự tương đồng trong cách tổ chức lối sống ở trần thế cũng như khi họ vào cõi âm. Có người tốt, kẻ xấu, cũng có bộ máy cai trị, quan lại và cũng có quân đội. Trong số đó, ta có thể nhắc đến Âm Binh.
ĐỊNH NGHĨA
Âm binh có thể được hiểu ngắn gọn là binh lính của cõi âm. Khác với những vong hồn vất vưởng khác ở những khu chiến trường, nơi tử nạn, thảm sát... Âm Binh là tổ chức những vong linh có nề nếp, cấp bậc (như quân đội), được rèn dũa, cung cấp khí tài, quân lương chịu chi phối bởi một thế lực chỉ huy có thể là Thầy pháp, Quan lại Âm Ty, Các bậc Tiên Thánh, Ác thần (Hung Thần)...
Khi nhắc đến Âm Binh người ta thường cảm thấy kinh sợ và gán cho những thứ gì đó xấu xa. Có nhiều câu chuyện kể về những bóng ma hành quân giữa rừng tại nơi từng là chiến trường, chuyện Âm binh mượn đường cho quan đi tuần ở Trung Quốc, Chuyện "Quân Ôn", "quân dịch" từng reo rắc nỗi kinh hoàng một thời về nạn thổ tả gây chết rất nhiều người. Những sự việc bí ẩn diễn ra trên phạm vi rộng: mất mùa, thất bát cũng được người đời gán cho m binh gây ra.
Trong giới huyền thuật, câu chuyện phổ biến nhất về Âm Binh bắt nguồn từ chính các Thầy pháp, Thầy phù thuỷ, Thầy bùa, Mo... Bên cạnh việc sử dụng các loại bùa chú: Ma Xó, Thiên Linh Cái, Ngải nghệ, Thư phù... "các thầy" còn phải nuôi Âm binh nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau trong quá trình hành pháp: sai khiến, thám thính, trừng phạt... Âm binh tốt hay xấu còn phụ thuộc vào tâm tính của thầy, cũng như thế lực cai quản chúng.
Sách Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính có đoạn "phù thủy có phép luyện âm binh, âm tướng, thường đêm khuya đến những nơi tha ma mộ địa, đốt hương khấn khứa, luyện phù luyện phép, để cầu cho các âm hôn phải theo hiệu lệnh của mình…" "Người ta cũng lại nói rằng các thầy phù thủy có lắm phép kỳ lạ, sai khiến nổi âm binh làm những việc của người trần, nhưng phần nhiều thực hiện về đêm: sai âm binh đi tát nước vào ruộng, sai âm binh đi ném đá, gạch vào nhà người khác… Những thầy phù thủy mỗi khi điều khiển âm binh xong phải có lễ khao quân, nếu không âm binh sẽ phản lại đánh trả thầy, và mỗi khi sai âm binh thầy phù thủy phải canh chừng đừng để trời sáng, phải thâu âm binh về trước khi có ánh dương ló ra. Bị lộ thiên cơ, nghĩa là bị người trần trông thấy vào ban ngày, âm binh cũng đánh trả thầy”
PHÂN LOẠI
Theo quan niệm của từng đạo giáo, dòng tu sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Dựa trên các tài liệu tham khảo MQDGK tạm chia như sau, nếu có thiếu sót mong các bạn góp ý:
Chia theo cấp độ sức mạnh:
+ Âm binh thông thường: giống như binh lính, làm tạp dịch, đánh trận.
+ Quan Vong hay Soái Vong : Vong hồn các vị tướng quân chết trận uy nghiêm và mưu lược.
+ Đế Vong: vong của vua chúa tử trận, sức mạnh lớn, tuy nhiên khó thu phục nhất.
Chia theo các thế lực Tâm Linh quản thúc gắn liền với tính ngưỡng người Việt:
(tham khảo Nguyenquang,net,vn)
* Thiên Binh
Thiên binh do Ngọc Hoàng quản, chỉ dùng để tham gia đánh trận Chứ không trấn bản đền, bản điện của các vị Thánh 4 phủ. Trong các loại binh thì Thiên binh là tinh nhuệ và nghiêm nhất, Thiên binh kỷ luật cực kỳ nghiêm ngặt, và chỉ làm theo lệnh. Để điều khiển được Thiên Binh, triệu người may ra mới có một người
* Binh Tứ phủ
Binh bốn phủ do Vua cha Bát Hải quản
Binh này tinh nhuệ xếp sau Thiên Binh. Được phân chia cho tất thẩy nhà thánh quản lý. Cửa nào sắc phục đó. Thiên đỏ, Thoải trắng, Nhạc xanh, Địa vàng. Nhưng lưu ý, Binh phủ này không được đánh đồng cùng binh phủ kia. Binh này sẽ đc các nhà thánh trấn giữ bản đền của vị thánh đó hay con cái của họ. Chính vì được nhà thánh đưa về trấn bản đền bản điện cho con cái nên mới cần yên ngôi chính vị.
* Binh Nhà Trần
Binh Trần triều do Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) quản. Trong văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, khi mất người có công lớn sẽ được nhân dân phong Thánh và thờ cúng. Binh Trần triều cũng có binh thường và tinh nhuệ. Binh thường được đưa về để bảo vệ vòng ngoài cho bản điện. Binh tinh nhuệ đùng để mang đi đánh trận, đánh tà. (Như Thiên Binh)
* Binh bản bộ
Binh bản bộ (Gia binh hay Gia nô binh) là loại Binh ở cấp thấp nhất do các Thầy phù thuỷ quản lý, dạng Binh bộ này tốt hay xấu là do Chủ của nó, thường không có kỷ luât và yếu. Binh bản bộ làm việc theo lệnh của thầy, giúp đỡ, phá phách người dương và chống cả người âm, bảo vệ điện thờ tư gia nhà Thầy, hỗ trợ thầy làm Pháp Sự. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, binh được cúng lễ đàng hoàng (gọi là khao binh). Lễ vật cúng binh từ đơn giản là muối gạo, bắp nổ, cháo hoa cho đến long trọng với đủ thịt cá trái cây rau quả…
Dạng Binh theo Tam giáo: Đa số ở các vùng đồng bằng, Thầy sử dụng “Tĩnh” làm nơi thờ cúng. Trong 1 tĩnh có sắc lệnh triệu Binh và thờ những vị sau: Phật, Tam Thánh Mẫu, Trần triều hay Độc Cước. Phía dưới ban thờ Ngũ hổ, Tổ, Tổ thầy. Có chỗ thờ cả tướng trời như: Triệu Công Minh, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra… Có lẽ các thầy muốn dựa vào oai các vị này mà khiển binh cho dễ...
Dạng Binh thep phép Sơn Trang: Binh của các thầy vùng núi phía Bắc thờ trong nhà tên gọi là Binh rừng. Các thầy này thường sẽ thờ bà chúa Mán, chúa Then, Chúa Mường hay thờ Chúa Sơn Trang. Binh này cũng đc truyền từ đời trước, hoặc sẽ đi thu binh ở trên rừng, núi.
Binh gia có nhiều loại như Tiên binh, Thần binh, Quỷ binh, Binh rừng (còn được chia thành 12 cửa rừng) binh Chánh Soái Đại Càng, binh Tà Á Rặc ... Thí dụ như người học phép Xiêm hệ Nam Tông thì có binh gia của phép Xiêm. Người học phép chà thì có binh chà v.v…
Binh Trấn: Ngoài những đội cơ trực tiếp nhà Thánh quản lý, trong phần trên có phần gọi là binh trấn. Binh trấn được chia làm nhiều loại, có thể gọi là binh địa phương cũng được.
Hải Binh: Một số loại binh khác tạo thành từ vong linh những người chết trôi, lâu ngày đổ theo sông ra biển mà hợp thành Hải Binh.
Chia theo nguồn gốc sở hữu binh của Thầy phù thuỷ. (tham khảo tamlinh,org)
1. Binh tổ, binh các cụ, binh nối gót công khanh nghiệp đạo: binh của các cụ gia tiên có đạo hay trưởng dòng đồng có sẵn, thầy chỉ việc kế thừa lại. Các cụ ngày xưa làm tướng, khi chết quân lính theo hầu, sau truyền lại con cháu.
2. Binh tự chiêu: binh do chiêu mộ do ở những nơi tử địa, thầy làm phá sự bắt về, có căn duyên với thầy mà tìm về tu tập.
3. Binh đại tự chú: Vong hồn tập trung sống vất vưởng ở nơi đất đó trước khi thầy lập "tĩnh" thờ theo về, số khác chủ động chi phối buộc thầy mở nơi thờ tự cúng kiếng, giao kèo với Thầy. (loại này nguy hiểm vì có thể giả thần giả Thánh hay dễ đưa người có căn số vào đường vô đạo, phản thầy khi không được đáp ứng)
4.Âm binh tự tìm đến.
NHẬN BIẾT NHÀ NUÔI ÂM BINH
Cách nhận biết cơ bản nhất là vị trí đặt bàn thờ. Bàn thờ Âm binh không bao giờ được để trong nhà, các thầy phù thủy thường gọi là “Tĩnh”. Trong Tĩnh, ngoài sắc lệnh triệu binh, có khi các thầy còn thờ cả tướng trời như: Triệu Công Minh, Tề Thiên Đại Thánh, Na Tra… (chỉ có ở các thầy pháp). Có lẽ các thầy muốn dựa vào oai các vị này mà khiển binh cho dễ. Lễ vật cúng binh từ đơn giản là muối gạo, nổ, cháo hoa cho đến long trọng với đủ thịt cá trái cây rau quả…
QUAN NIỆM DÂN GIAN KHÁC
Trong dân gian, tục nuôi ma xó ma then… của người dân tộc tương tự như nuôi Gia binh: Thầy làm lễ xin thỉnh vong về, nuôi trong nhà để giữ đồ đạc, nhà làm việc cho Thầy
Binh âm cũng được biết tới có liên quan trong trò chơi như trò ma lon, ma bát, hay trò ngón tay khênh người... gọi lên thông qua các bài chú, sức mạnh nó tạo ra như một sự hỗ trợ từ nhiều người âm.
Ngoài ra, vài người hay ví von “âm binh”, mang một ý nghĩa: Chỉ những người đáng ghét, hay mang tai họa hư hỏng chọc ngoáy…phá đám việc của người khác…Hoặc ví dụ: Nhìn cái mặt “âm binh” của nó là hôm nay hết bán buôn gì được rồi... (tuy nhiên nên tránh sử dụng thường để tránh mạo phạm)
Âm binh được xem là một phạm trù ly kỳ và nhiều cách hiểu của văn hoá tâm linh dân gian Việt Nam. Mọi người nên cân nhắc chọn lọc kiến thức để tránh sa đà vào các trò Mê tín dị đoan. Người triệu được m binh phải là người có căn số, có tu đạo tốt, có phép từ các bậc bề trên, chứ không có bất kỳ hiệu nghiệm nào cho người phàm mắt tục. Các chiêu trò xui khiến người ta nuôi Âm Binh hay luyện Âm binh đa phần mang lại nhiều hậu quả đáng tiếc.
Không phải Âm binh nào cũng xấu nhưng nhìn chung với những người ngoại đạo như chúng ta không nên "mạo phạm" hay lời lẽ cợt nhã ở những nơi thờ tự.
Bình luận facebook