-
ĐÊM TRĂNG 40: HIỆN TƯỢNG DÂN GIAN BÓNG ĐÈ
Tôi đột ngột thức dậy vào lúc trời còn rất tối, thứ tôi nghe được là tiếng tích tắc tắc đều đều từ chiếc đồng hồ trên bàn bên cạnh. Tôi không biết chính xác là mấy giờ nhưng tôi đoán đâu đó khoảng 3h sáng. Bởi từ sau khi chuyển đến nhà trọ mới, tôi vẫn hay thức giấc vào khoảng thời gian này, một cách vô thức.
Đó không đơn giản là một cơ chế tự nhiên, sự mệt mỏi vì deadline dồn dập đã có thể khiến tôi đánh một giấc tới sáng. Ấy vậy mà tôi lại thức khi biết chắc mình chỉ vừa chợp mắt khoảng gần 1 giờ. Mắt tôi khi ấy mở trừng trừng như thể bị kéo căng mà không thể nhắm lại, điểm nhìn là về phía khoảng không tăm tối cuối giường. Có một cái bóng đen lù lù đang đứng ở đó.
Huỵt! Lòng ngực tôi nặng trĩu như có cái gì đó vừa ngồi lên, tôi vẫn thế mắt mở to, tôi còn suy nghĩ được mình sẽ làm gì nhưng lại không nhấc nổi chân tay. Sự bất lực đến đáng sợ dần bao trùm, miệng cố đớp lấy những hớp không khí. Lúc này, trực giác mách bảo tôi một điều rằng: “Nó“ lại đến.
Một thứ cảm giác đáng sợ mà ai trong chúng ta cũng sẽ vài lần “trải nghiệm” trong đời. Dân gian ta gọi đó là bị BÓNG ĐÈ.
Bóng đè là gì?
Theo dân gian: Gọi bóng đè vì trong giấc ngủ chập chờn nửa mê nửa tỉnh, người bị bóng đè có cảm giác thấy bóng một ai đó đứng, ngồi bên cạnh hay cảm giác như bị hất rung ra khỏi giường, đôi lúc hị còn nghe như được những giọng nói bí ẩn. “Nạn nhân” muốn mở mắt ra kêu cứu hay cử động chân tay nhưng đều bất lực. Người ta cho rằng có thể do ma quỷ hù doạ, duyên âm, hay bị mộc đè (ngủ trên giường có cây gỗ liên quan tới ma mộc, con mộc)... Ma đè/ bóng đè như một lời đe doạ cảnh báo từ thế giới bên kia khi con người vô tình xâm phạm không gian của chúng.
Theo khoa học : Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác trong thời gian ngắn, xảy ra ngay sau khi ngủ hoặc thức dậy. Hiện tượng này được các bác sĩ gọi là chứng tê liệt khi ngủ.
Biểu hiện bóng đè:
“Tôi tỉnh giấc trên giường. Có hai người lạ mặt trong góc phòng. Tôi không thể nhìn thấy họ nhưng biết rõ là họ ở đó và họ trông như thế nào. Tôi có thể nghe thấy họ rì rầm trò chuyện, câu chuyện xoay quanh chủ đề giết người. Tôi không tài nào cử động được. Bỗng có một tên tiến tới, ngay phía trên tôi. Hắn nhổ bãi nước bọt trúng ngay hốc mắt đang nhắm nghiền của tôi. Tôi có thể cảm nhận được rõ ràng bãi nước nhơn nhớt đó đang chảy trên mặt”, một người tham gia dự án nghiên cứu hiện tượng bóng đè mô tả.
Các biểu hiện tiêu biểu:
Một số người còn cho rằng: Cơ thể bị đè nặng như có ai đó ngồi trên người nhưng ko thể nào đẩy ra được.
Người ta bắt đầu nhìn thấy những hình ảnh đáng sợ, nghe tiếng bước chân, tiếng gõ cửa, giọng nói.
Đôi khi còn có cảm giác bị đẩy xuống giường, hay xô ngã.
Sau khi bị bóng đè, cơ thể dần hồi phục , các giác quan bắt đầu vận động người ta tỉnh dậy trong tình trạng đầu đau nhức, rã rời, toát mồ hôi. Có người sẽ ngủ lại quên đi vào sáng hôm sau như một cơn ác mộng, trong khi số khác có thể bị bóng đè trở lại.
* Bóng đè cũng có kiến cho rằng chỉ là một giấc mơ, như việc ta hay gặp ác mộng. Hình ảnh ghi dấu ấn giấc mơ diễn ra ngay chính căn phòng quen thuộc nên được hiểu nhầm là bản thân đã thực sự thức giấc.
Theo wikipedia: “Theo đó giấc mơ bóng đè tái hiện với những gì con người ghi nhận được trước khi chìm vào giấc ngủ như là nơi nằm ngủ, những vật xung quanh, những người bên cạnh, thời gian ngủ (đêm/ngày - ánh sáng môi trường). Trong giấc mơ con người tin rằng mình đã thức, mắt đã mở và có thể nhìn thấy xung quanh (ít ghi nhận trường hợp nghe thấy), tin rằng mình đã thức nên cơ thể phải bắt đầu chuyển mình để ngồi dậy nhưng thất bại, bộ não không hề gửi tín hiệu điều khiển vận động và lúc này cơn ác mộng bắt đầu, tương tác tiếp theo là cố vận động tay chân trong giấc mơ, tất nhiên hành động này vẫn thất bại, những người có mặt hoặc ở gần trước khi ngủ sẽ được đưa vào giấc mơ để cầu cứu, cảnh tiếp theo sẽ là thấy người bên cạnh và cố gắng gọi nhưng không thể phát ra tiếng, tiếp tục cố gắng ra dấu cho người đó bằng cách cố gây ra tiếng động như là đập mạnh tay chân xuống giường (điều này được giấc mơ hợp thức hóa vì cho rằng cơ thể không cử động được là do bị vật nặng đè phía trên nhưng vẫn có thể nâng tay chân lên một đoạn nhỏ). Khi tất cả hành động đều không được đáp ứng thì trạng thái nguy hiểm được khởi động, như bao cơn ác mộng khác, tim sẽ đập nhanh hơn, mồ hôi toát ra. Tất nhiên, ác mộng sẽ được kết thúc, thường là thức giấc, vì không phân được ranh giới giữa mơ và thật nên nhiều người đã đồng hóa giấc mơ với hiện thực mới dẫn đến hiểu nhầm lúc đó mình đã thức rồi.”
Ảo giác khi bị bóng đè cũng được chia thành 3 loại:
* Ảo giác thấy một người nguy hiểm hiện diện trong phòng
* Ảo giác áp lực lồng ngực gây ra cảm giác nghẹt thở
* Ảo giác vận động tiền đình bao gồm cảm giác chuyển động (chẳng hạn như cảm giác khi máy bay cất cánh).
----------
* Theo Khoa học bóng đè xuất hiện khi một phần vỏ não hoạt động và bắt đầu có nhận thức trong khi hệ thần kinh vận động không kích hoạt khiến cơ thể không cử động được, tình trạng này có thể xảy ra ở một số thời điểm trong đêm và có thể kéo dài tới vài phút hoặc vài giờ, chia thành nhiều lần trong đêm.
Nguyên nhân:
Theo dân gian cho rằng: Bóng đè là do "con mộc" (khi con chim bị thương đậu lên một cái cây, máu của con chim đó chảy lên cái cây đó, sau này người ta đốn cây này về xẻ gỗ làm giường thì chiếc giường đó có "con mộc"), nói như vậy thì chỉ khi ngủ giường gỗ hay vạc giường bằng gỗ mới bị bóng đè (nhưng thực tế thì vẫn ghi nhận trường hợp bóng đè khi ngủ trên giường sắt, nệm, nền gạch...)
Nguyên nhân thứ 2 bắt nguồn từ việc con người vô tình xâm phạm tới những nơi có Ma quỷ trú ngụ: nhà trọ có người mất, giường người mất… Hiện tượng là lời cảnh báo, đe dọa mà người âm dành cho chúng ta. Chính vì thế khi đến một nơi lạ phải tìm hiểu thật kỹ, qua đó có cách xử trí, thờ cúng phù hợp.
Việc Âm- Dương là 2 cực đối lập như Nam châm, việc tiếp xúc với âm khí ở những nơi không sạch sẽ có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ của bản thân người sống. Điều này còn được lý giải cho việc, chúng ta nên có môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ để cơ thể khoẻ mạnh hơn, tránh bị bóng đè.
-------
Theo khoa học: Bóng đè thường xuất hiện ở những người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, những người "yếu bóng vía", hay ám ảnh vì những điều vu vơ mà thiếu suy xét khoa học, những người hay nghĩ về một vấn đề bế tắc trong nhiều ngày hoặc người khoẻ nhưng một lúc nào đó có điểm yếu trong tinh thần. Những người hay sử dụng bia, rượu, chất kích thích cũng dễ bị bóng đè hơn. Nhiều người lại cho rằng bóng đè là do ma quỷ ám nên chữa bằng cách cúng bái, làm lễ nhưng đây là cách làm sai lầm, mê tín và không có hiệu quả. Hiện tượng bóng đè xảy ra rất phổ biến và có khoảng 40% nhân loại đã từng bị bóng đè ít nhất một lần trong đời.
Cách xử trí dân gian:
Trong dân gian Việt Nam có lưu truyền cách trị bóng đè như sau: lấy con dao hay cái rựa để gần đầu giường (để dưới chiếu), những người bị bóng đè liên tiếp nhiều ngày sau khi thực hiện cách này đã không bị bóng đè nữa, về mặt khoa học thì đây là liều thuốc tâm lý, nó tạo cảm giác an tâm hơn cho con người vì vậy sẽ có được giấc ngủ sâu hơn và không bị bóng đè nữa. Nếu thực hiện cách này thì nên báo với người thân/người ngủ chung biết để tránh hiểu lầm và chỉ cần sử dụng một con dao cùn (không có khả năng sát thương) cỡ nhỏ.
Người gặp bóng đè nếu theo đạo nào thì đọc (nhẩm trong đầu) kinh kệ, tên Thần Thánh của đạo giáo đó để nhận được sự trợ tâm, giúp vượt qua tình trạng hiện tại như niệm danh Phật, Quán Thế Âm Bồ Tát, đọc kinh của Chúa, hay nhẩm thần chú “Om Mani Padme Hum” để xua đuổi ma quỷ…
Nếu hiểu Bóng Đè là một hiện tượng khoa học thì người theo niềm tin này sẽ phải có cuộc sống lành mạnh, nghỉ ngơi đúng lúc, tránh các vận động mạnh trước khi ngủ. Tư thế ngủ, vật đệm cũng rất quan trọng để có giấc ngủ sâu không mộng mị. Có cách hiểu đúng đắn về tình trạng sức khoẻ bản thân, trước khi đổ tội cho các thế lực tâm linh vô hình.