-
KỲ 3: QUỶ THÁNH XƯƠNG CUỒNG (MỘC TINH)
Với nhiều người ngày nay khi nghe đến cái tên QUỶ XƯƠNG CUỒNG/ THẦN XƯƠNG CUỒNG/ THÁNH QUỶ XƯƠNG CUỒNG vẫn còn khá lạ lẫm và ít ai biết nó từng là loài yêu quái hùng mạnh bậc nhất được lưu truyền trong thần thoại của Việt Nam.
1. TÊN GỌI:
Xương Cuồng: từ dùng chỉ hành động một cách bạo ngược, tàn ác, không thể trấn áp được. Xương Cuồng vốn dĩ không phải một tên gọi, mà là tính chất.
Các tên gọi liên quan: Mộc tinh (Ma Cây), Chiên Đàn, Chằn ( theo tên ghi âm Nôm của Chiên Đàn) ý chỉ loài yêu ma quỷ quái . Hay một tên gọi khác là BẠCH HỔ XƯƠNG CUỒNG 白虎猖狂 ( Vị hung thần theo Huyền học Kỳ môn độn giáp)
Thần / Quỷ / Thánh Quỷ/ Yêu quái/ Con Tinh… là cách định danh dân gian cho những thế lực thuộc về tâm linh.
Gọi “ thần” vì nhiều nơi vẫn thờ cúng nó, họ sợ không thờ sẽ bị quở trách, gặp tai hoạ. Nên nhiều nơi ngày xưa vẫn còn tục bắt người hiến tế cho Quỷ Xương Cuồng. Giống như những tà giáo thờ hung thần, ác quỷ trên khắp thế giới. Thờ các ác thể hiện cho những niềm tin tâm linh mù quáng, mong muốn được che chở.
2. ĐỊNH NGHĨA:
Xương Cuồng là một con yêu quái thượng cổ biết tới với hình tượng Cái cây to khổng lồ có linh khí (Cây Chiên đàn), nó là một tạo vật cổ quái tồn tại qua hàng nghìn năm nhưng sinh tâm tà ác nên dần hoá thành loài Yêu Quái ví như loài Hồ Tinh, Ngư Tinh.
Dân gian quen gọi là Mộc Tinh, tên gọi Xương Cuồng hình thành về sau, sau khi bị Lạc Long Quân đánh chạy về vùng Diễn Châu- Nghệ An ngày nay.
Trong truyện về Lạc Long Quân- Âu Cơ có đoạn nhắc tới Lạc Long Quân từng đánh nhau với Mộc Tinh, chính là Xương Cuồng mà thuở nhỏ ai cũng được đọc.
3. Nguồn gốc:
Tên gọi ban đầu là cây Chiên đàn, là một giống cây to thuở sinh trời đất.
Thân cây cao hơn nghìn trượng, cành lá xum xuê, tán xòe rộng che đến mấy trăm dặm đất. Chim hạc bay đến làm tổ trắng xóa trên ngọn cây nên cũng gọi tên đất này là Bạch Hạc. Cây Chiên đàn này là thứ cây quý hiếm, hương thơm kỳ ảo miên man, khiến ai ngửi thấy cũng say mê không tỉnh.
Cây trải qua mấy ngàn năm hình thành một con tinh bên trong nó, gọi là Mộc Tinh. Nhưng nó rất khôn ngoan, biết che dấu bản tính yêu tinh bằng hình hài một nam nhân đẹp đẽ, tóc đỏ, da trắng, ăn nói lưu loát, dáng vóc như tiên hạc. Bởi vậy, nó mặc sức mê hoặc, đánh lừa dân địa phương mà ăn thịt.
4. BA LẦN TIÊU DIỆT XƯƠNG CUỒNG.
Lần thứ 1: KINH DƯƠNG VƯƠNG DÙNG NHẠC CỤ PHÁ PHÉP MỘC TINH CHIÊN ĐÀN.
Tương truyền Lộc Tục vua nước Xích Quỷ hiệu là Kinh Dương Vương có chuyến ngao du xuống phía Nam. Đến đất Bạch Hạc thấy dân chúng bị Mộc tinh Chiên đàn quấy phá, thường biến thành nam nhân, dùng mùi hương để quyến rũ người mà ăn thịt, nhất là phụ nữ trẻ con.
Vua bèn cho ban cho người dân các loại nhạc cụ làm từ đá, đồng, đốt lửa mà nhảy múa như hội hè suốt ngày đêm. Mộc tinh thấy thế tò mò tìm đến thì biết mình mắc bẫy, nó bị Kinh Dương Vương dùng sét mà đánh trọng thương. Từ đó không còn xuất hiện quấy nhiễu dân chúng.
Lần thứ 2: LẠC LONG QU N ĐẤU VỐI MỘC TINH.
Do Kinh Dương Vương phải quay lại phương Bắc nên nhờ con trai mình là Lạc Long Quân (tên thật là Sùng Lãm) đến bảo vệ dân chúng. Tại đất Bạch Hạc này ông nhiều lần ra tay tiêu diệt Hồ Tinh, Ngư Tinh trừ hại cho dân. Mộc tinh sau này lành lặn dần cũng ra sức quấy phá. Lạc Long Quân phải nhiều lần lập dàn làm lễ nhưng khó phân thắng bại. Cuối cùng, ngài dùng viên Long Châu, bảo vật của Long tộc, để phong ấn Mộc tinh vào gốc cây chiên đàn, rồi dùng lửa thần để đốt cây.Chỉ khi cây cháy sạch thì mới diệt được Mộc tinh, nhưng cây quá lớn, cháy đến vài tháng mới hết. Trong lúc ấy, thừa dịp Lạc Long Quân sơ hở, Mộc tinh phá được phong ấn, vùng chạy được về phía tây nam, tức là đất Diễn Châu - Nghệ An ngày nay.
Tuy nhiên bản thân ông cũng biết rằng đó là giống cây mang linh khí thượng cổ, chẳng thể nào diệt tận gốc.Ông ngẩn lên trời than rằng:”“Nay ta đã vì dân Nam mà trừ Ngư tinh, Hồ tinh, chỉ còn Mộc tinh chưa trừ dứt hẳn. Nhưng ở vùng Bạch Hạc này đã không còn phải sợ nó nữa. Nó sẽ còn gieo rắc tai họa cho dân Nam, nhưng sự tồn tại của nó cũng được an bài. Chỉ đến khi nào nước Nam này không còn nội thuộc phương Bắc ắt sẽ có người diệt được nó”.
Lần thứ 3: VĂN DU TƯỜNG DIỄN XIẾC DIỆT XƯƠNG CUỒNG.
Đúng như lời của Lạc Long Quân từng phán phải đến tận hàng nghìn năm sau, khi Đinh Bộ Lĩnh chính thức thống nhất đất nước sau loạn 12 sứ quân. Ngài lên ngôi Hoàng Đế đánh dấu kết thúc quá trình “nội thuộc phương Bắc” bền vững. Thì Mộc Tinh bấy giờ là Xương Cuồng mới thực sự chấm dứt.
Tích xưa cho rằng: Mộc tinh chạy về đất tây nam, ngay lập tức lại trú ngụ trong một cây cổ thụ khác. Dù sức mạnh có giảm đi nhưng sự cuồng ngạo không giảm, bèn xưng là Xương Cuồng.
Trong Lĩnh Nam Chích Quái từng kể lại câu chuyện về một vị pháp sư già phương Bắc là Văn Du Tường, lúc ấy đã 80 tuổi nên lang bạc xuống phương Nam. Chứng kiến nạn Xương Cuồng quấy phá nên bày vua Đinh Tiên Hoàng cách diệt tận gốc.
Ông ta dạy nghề tạp kỹ mua vui cho sáu người có tên: Thượng Kỵ, Thượng Can, Thượng Hiểm, Thượng Đát, Thượng Toái, Thượng Câu. Hàng năm cứ đến tháng 11 lại dựng lầu Phi Vân cao 20 thước, rồi đám người học tạp kỹ lên làm những trò lạ mắt.
Xương Cuồng khi ấy cùng bộ hạ tới đến xem, nhân lúc biểu diễn pháp sư Du Tường đọc mật chú rồi lấy kiếm mà chém. Thần Xương Cuồng cùng bộ hạ đều chết hết, không thể trở lại thành yêu nữa. Lệ tiến lễ hàng năm bèn bỏ, dân lại sống yên lành như xưa. Chấm dứt cuộc đời con yêu quái thượng cổ.
(Truyện đầy đủ mọi người có thể xem trên mạng)
5. TỤC HIẾN TẾ NGƯỜI CHO QUỶ XƯƠNG CUỒNG:
Tục dâng người sống cho Xương Cuồng kéo dài qua nhiều thế hệ người Việt cổ. Thời Hùng Vương, mỗi năm vua đều sai bắt dân man tộc ở Bà Lô (nay là Diễn Châu, Nghệ An) hay sống trên núi cao đem đến cúng cho Xương Cuồng. Đến thời Tần Thủy Hoàng, Nhâm Ngao được cử làm quan lệnh ở Long Xuyên. Nhâm Ngao biết có lệ tế người bèn cấm dân tuân theo lệ đó. Ý định bãi bỏ lệ cúng người của Nhâm Ngao khiến Xương Cuồng nổi giận nên vật chết Nhâm Ngao, người dân biết vậy càng thờ cúng cẩn thận hơn.
Về sau khi thần Xương Cuồng bị tiêu diệt tục ấy dần mai một nhưng theo một số tài liệu, nó trùng với thời điểm cúng ông Hổ vào đêm 30 tháng chạp
*** Tộc dân man ở Bà Lô theo tên gọi của Lĩnh nam chích quái là giống người tên Lão Tử, được miêu tả là sống trong núi, ngày sinh hoạt bình thường, đêm đến thường xuất đầu bay là đà. Đây là những ghi chép đầu tiên mà MQDGK cho rằng là nguồn gốc Ma Cà Rồng, Ma Lai ở nước ta.
6. TÍCH DÂN GIAN KHÁC: XƯƠNG CUỒNG LÀ HỔ TINH
Truyền thuyết là vậy, đọc tới đây ai cũng nghĩ Xương Cuồng có nguồn gốc từ cây Chiên Đàn ngàn năm nó đích thị là MỘC TINH tức ma cây, nhưng trong dân gian lại lưu truyền một câu chuyện khác.
Tên gọi Xương Cuồng vốn là một từ chỉ sự bạo ngược, không thể trấn áp, xuất hiện từ sau giai đoạn Mộc Tinh Chiên Đàn bị Lạc Long Quân đánh đuổi khỏi đất Phong Châu ( Phú Thọ) về vùng Diễn Châu (Nghệ An). Nó nương nhờ vào một cây cổ thụ khác và xưng là Thần Xương Cuồng.
Bằng chứng:
Trong bài nghiên cứu "Cọp, từ Mộc tinh đến ông Ba Mươi" của tác giả Đặng Tiến viết năm 2010, đã chỉ ra Xương Cuồng được nhắc trong truyện Mộc tinh chính là thần Hổ, cũng là Ông Ba Mươi theo dân gian thường gọi.
Từ nhận định thần Xương Cuồng là thần Hổ, cho thấy:
Trong Huyền học (Kỳ môn độn giáp) có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng (白虎猖狂) có nghĩa là hổ trắng gầm rú.
Còn có câu: "Xương kì nhất ngộ hổ sinh phong" (昌期一遇虎生風/Đề kiếm 題劍) có nghĩa là "Khi gặp đời thịnh thì hổ sinh ra gió".
Trong một số tín ngưỡng dân gian, loài hổ được xem như hoá thân thành tinh của cây cổ thụ to lớn nhất của khu rừng – nơi loài hổ thường chọn để rình bắt mồi. Là loài thú uy dũng, mạnh mẽ, mà được xưng tụng là "Chúa sơn lâm".
Vì sao gọi con hổ là Ông Ba Mươi và cúng thần Xương Cuồng vào ngày Ba mươi tháng Chạp? Trong thập nhị địa chi, chi thứ ba là chi Dần (Tý, Sửu, Dần). Chi Dần là con Hổ. Trong thập can, số 10 là số Kỷ-còn gọi là Cả hay Kỵ. Vậy, ngày Ba Mươi nghĩa là Kỵ Dần–ngày cúng Hổ.
"Chiên đàn" vốn là loài cây được nhắc đến trong nhiều truyện cổ, song thường gắn bó mật thiết đến yêu quái. Phép phiên âm của Chiên đàn là Chàn hay Chằn. Chiên đàn chính là tên viết âm Nôm của từ Chằn. Chằn tinh vốn chỉ loài yêu quái nói chung. Vậy, gọi cây Chiên đàn tương đương với cách gọi Mộc tinh. Theo báo Phú Thọ, trong cuốn Thiên Nam vân lục liệt truyện (tân biên) của Nguyễn Hãng, hiệu Nại Hiên tiên sinh, quê làng Dòng, viết vào thời Lê Thánh Tông có truyện Quỷ Xương Cuồng, phần đầu truyện giống như Truyện Mộc tinh.
—----------- (Nhận định từ tác giả) —------
Tới đây là hơi rối rối không biết con hổ có trước hay cái cây cói trước. Hổ biến thành Cây hay Cây thành Hổ. Mà thôi nó yêu quái thì muốn làm gì làm. Theo mình thì có thể sau khi bị Lạc Long Quân đốt trụi. Một phần thần thức còn lại của Xương Cuồng hoá thành loài yêu Hổ tồn tại trong rừng sâu để ăn thịt người, nó thường mượn gốc cổ thụ là nhà. Sau hàng ngàn năm tu luyện đã có thể biến hoá trở thành chúa tể yêu ma trong khu vực hay “ chúa sơn lâm”.
Nghe na ná như Hổ Trành, nhưng có một điểm lạ là tên gọi Bạch Hổ Xương Cuồng. Theo mình biết Bạch Hổ là loài tốt, tu tiên khác với hổ Xám. Hay gọi Bạch Hổ theo quan niệm của TQ là một loại yêu quái, sứ giả địa ngục và cái chết. Bạn nào rõ có thể bình luận nha.
7. Ý NGHĨA:
Truyện Mộc tinh hay quỷ Xương Cuồng có nhiều ý nghĩa:
Ca ngợi công lao các vua Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Đinh Tiên Hoàng và nhân dân trong việc bảo vệ cuộc sống bình yên của đất nước.
Cho biết thời Đinh là thời điểm hình thành Nghệ thuật Xiếc Việt Nam và Bạch Hạc là nơi Có phường xiếc đầu tiên biểu diễn.
Nêu bật đời sống văn hoá tinh thần ông cha từ cổ chí kim: chế tác nhạc cụ, diễn xiếc, sinh hoạt hội hè.
Bài viết chứa quan điểm người viết dựa trên những nguồn tin chính thống tồn lại từ lâu, liệt kê các loài Yêu Ma Quỷ quái dân gian nhằm lưu trữ, không dùng để tuyên truyền mê tín, dị đoan.