thuộc chuỗi dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký.
Cho tới ngày nay, nhiều người tin rằng: Ẩn sâu trong rừng rậm của vùng Thất Sơn (An Giang) vẫn còn tồn tại những con rắn hổ mây khổng lồ, thân to như khúc gỗ, khi cuộn lại thù lù như cái lu...
Như loài hổ, beo, sấu người dân gọi chúng với cái tên "Ông" hổ mây như một sự tôn kính, không dám mạo phạm. Bởi mỗi lần Ông rắn xuất hiện tương truyền đi kèm với những trận cuồng phong, những cái chết tang thương.
Hình tượng Ông hổ mây đôi lúc được mô tả với chiếc mào trên đầu. Theo văn hoá một số nước Á Đông trong đó có Việt Nam chiếc mào thể hiện cho sự uy nghi của vị thần rắn đã tu luyện lâu năm, thường là khối thịt nhô ra ở đỉnh đầu giống loài gà, nó sẽ chuyển dần từ đỏ sang tím khi muốn tấn công đối phương. Hình tượng này cũng xuất hiện phổ biến ở văn hoá thờ rắn thần của người Khmer theo Ấn Độ giáo là Naga. Dân tộc này sống chủ yếu tập trung ở khu vực Nam bộ nên cũng không mấy xa lạ khi hình tượng thần rắn có mào xuất hiện hầu hết những câu chuyện dân gian nơi đây.
Tuy nhiên, theo nhiều thầy pháp tu trên Thất Sơn cho rằng hổ mây ở Thất Sơn đơn thuần là loài rắn có kích thước rất lớn. Người đi rừng, hiếm khi gặp dễ lầm tưởng thành các loài quái vật trong truyền thuyết: Có người cho là rồng, Thanh Xà, Bạch Xà hay loài Chằn tinh trong truyền thuyết.
Rắn đa phần không chủ động tấn công con người nhưng do con người dần lấn sâu vào địa bàn sinh sống cộng thêm thời thế chiến tranh loạn lạc, xác chết nhiều nên chúng dần quen mùi và thay đổi tập tính. Nhiều con còn chủ động tìm nơi có người, gia súc để ăn thịt. Loài hổ mây có tập tính đi theo cặp, giết một con thì con còn lại sẽ tìm cách trả thù. Thao tác của rắn thường uyển chuyển, tấn công bất ngờ nên khiến cánh đi rừng rất ngại chạm mặt, đa phần là bỏ của chạy lấy người. Chỉ có những thầy pháp với thế võ rắn cao tay mới tự tin hoá giải được những đòn thế khi cận chiến với rắn. Và cũng chính vùng đất Thất Sơn này, cũng tạo nên những thầy rắn trứ danh trị tất cả các loại độc rắn dù nguy hiểm nhất.
Những câu chuyện về: Thầy Ba Lưới- vị đạo sĩ Thất Sơn từng nhiều lần đánh nhau với rắn khổng lồ, hay truyền thuyết tên gọi Láng Cháy vẫn còn tồn tại như lời minh chứng. Ngày nay tại một điểm du lịch ở Anh Vũ Sơn người chủ tên Sơn không khỏi rùng mình khi kể về câu chuyện tận mắt thấy cặp rắn khổng lồ bò ra từ những hang động trên núi Anh Vũ. Để đề phòng hậu hoạ, ông cho xây một cặp rắn lớn đầu có mào, hai mắt có đèn sáng đỏ như 2 ngọn lửa dữ tợn chắn giữa miệng hang để trấn giữ. Vì dân gian ta cho rằng: hổ mây chỉ sợ những thứ to lớn hơn nó.
Liệu bạn tin rắn khổng lồ có thực sự tồn tại?
Bình luận cho bọn mình biết nha.
Tranh mô phỏng theo một câu chuyện dân gian ở núi Cấm về một người thầy đạo đánh nhau với rắn hổ khổng lồ trừ hại cho dân.
Tranh và lời: Duy Văn
(Bài viết chứa quan điểm cá nhân, thông qua tìm hiểu những câu chuyện dân gian Nam bộ)
Bình luận facebook