Viết về Ma Quỷ bị không có đầu trong dân gian.
---------------------
Có những ngày thơ ấu, thế hệ 8X và 9X đời đầu không thể nào quên được. Khi ấy còn nhỏ, mình thường canh chạy qua nhà hàng xóm để xem tivi ké. (Tại thời điểm đó, tivi là một vật phẩm xa xỉ và không phải gia đình nào cũng có điều kiện sở hữu)
Những bộ phim TVB hay cải lương luôn là niềm đam mê của nhiều “ké thủ”. Diễn xuất của các tên tuổi nổi tiếng một thời như NSUT Vũ Linh, Ngọc Huyền, Thanh Ngân, Minh Vương, Lệ Thuỷ… trong các vở cải lương đã để lại ấn tượng mạnh mẽ. Trong số đó, có một vở cải lương đã khắc sâu trong tâm trí đã ám ảnh mình một thời gian dài. Đó là vở “ Hoàng hậu không đầu” của Minh Vương và Phượng Mai.
"Hoàng hậu không đầu" kể về một câu chuyện đau lòng của công chúa Huyền Sương sau khi gả cho Hoàng đế Khánh Tiên. Do bị mưu hại bởi ma quỷ, Huyền Sương phải chịu án tử hình vì bị tình nghi ăn thịt cung nữ. Nỗi oan quá lớn khiến cô không thể tìm được sự siêu thoát, nhưng mỗi khi đêm về, Hoàng hậu Huyền Sương lại ôm con đi mua sữa với chiếc đầu bay lững lờ bên cạnh trông rất ma mị. Đặc biệt, có một đoạn khi hồn ma của Hoàng hậu Huyền Sương hỏi: "Chủ quán ơi, hãy bán cho tôi bình sữa," được cho là cảnh kinh dị nhất trong vở cải lương này. Hồi đó kĩ thuật trường quay còn khá thô sơ, mà phải nói sợ không dám về nhà.
Câu chuyện đó với nhiều cảm xúc lại có phần kì ảo bởi thế giới tâm linh. Mình nhiều lần tự hỏi liệu có sự tồn tại của những hồn ma không đầu. Hằng đêm cứ lượn lờ tại nơi mình chết mà hỏi xem mọi người đi đường “ có ai thấy cái đầu của tôi ở đâu không ?”
Không lòng vòng, đêm trăng này chúng ta hãy cùng bước vào địa hạc của những điều kì bí, để phần nào hiểu hơn về thế giới tâm linh theo quan niệm dân gian Việt Nam.
Bài viết dựa trên góc nhìn và phân tích của tác giả. Kiến thức là giới hạn và mang tính chất tham khảo, không khuyến khích sử dụng tuyên truyền mê tín, dị đoan. Các bạn có thêm thông tin cứ góp ý bổ sung dưới cmt nhé, thân ái.
MA CỤT ĐẦU
Quan niệm: Ma Cụt đầu như tên gọi của nó là những linh hồn hình thành do oan khuất của những người ch.ết trong tình trạng cụt mất phần đầu. Do đó loài ma này có khuynh hướng lang thang ở những nơi chúng mất mà tìm cái đầu của mình.
Có những con tồn tại dưới hình dáng đầu bay song song, hoặc lăn lông lốc theo sau nhưng vẫn tìm đầu, và hay hù doạ người đi đường bằng hình dáng của mình lúc mất.
Địa điểm ghi nhận: Ma cụt đầu thường lẩn quẩn quanh nơi chúng mất, trước kia từng là hiện trường tai nạn, trường xử tử trong lịch sử, chiến trường máu chảy, đầu trơi do tranh giành kho báu.
LỜI ĐỒN DÂN GIAN
Những “tin đồn” trong dân gian, từ chuyện tâm linh tới ma quỷ trêu ghẹo người (Sưu Tầm và biên soạn)
1. Trong quyển 1 của Sách Ma Quỷ Dân Gian Ký có viết về loài MA HỜI (trang 174), hay thực chất là một loài Ma Cụt Đầu được tạo thành bởi vong linh những người ch.ết trong cuộc chiến tranh giành kho báu của Người Chăm ở đất Nam Trung Bộ xưa kia.
“Từ xưa, người dân xung quanh thường nhìn thấy những hồn ma mờ ảo không đầu trong trang phục màu trắng nhấp nhổm hiện về. Những luồng gió từ sa mạc cát thổi về rú rít âm u làm không gian trên đồi càng rùng rợn, cùng với những tiếng khóc than và lời nỉ non ai oán. Người dân cho đó là những con ma hời, hiện về để thăm người thân hoặc đi tìm lại kho báu đã mất đi trong tiếc nuối.”- Chuyện ma Hời trên đồi Trầu- Báo sức khoẻ đời sống
2. Câu chuyện con đường ma cụt đầu ở Tiền Giang (sưu tầm):
Con đường Thái Sanh Hạnh (Lộ Ma) ở Tiền Giang đã trở thành một địa điểm đáng sợ với những câu chuyện ma quỷ kỳ lạ. Người dân tin vào tâm linh và sợ hãi, tránh đi qua khu vực này vào ban ngày và không ai dám đi một mình vào ban đêm.
Những câu chuyện về hồn ma cụt đầu và những cái chết bí ẩn thường được người dân kể lại, khiến người nghe cảm thấy rùng mình.
Theo lời kể của người dân, họ thường thấy những hồn ma cụt đầu ngồi trên gốc cây gạo và khi có người đi qua, hồn ma sẽ nhảy xuống và hỏi: "Bạn có thấy cái đầu của tôi không?". Những người yếu bóng vía sẽ nhìn thấy cái đầu đầy máu, và những người bị ám ảnh bởi cảnh tượng đó có thể trở nên điên dại.
Rồi chuyện nữ sinh trường Cao đẳng Y tế ngồi đợi xe buýt giữa trưa, luôn lạnh người vì cảm giác có ai đó bên cạnh, như chuyện ma cụt đầu đứng dưới gốc cây xin quá giang, đi nửa đường lại nói: “Cái đầu đằng kia là của tui đó”; chuyện anh bán hũ tiếu gõ lóc cóc, leng keng nghe như tiếng mõ gọi hồn, nên bị ma cụt đầu nhập, ám đến mức phải bỏ nghề, bỏ xứ đi xa,...Tất cả đều góp phần tạo thêm những điều huyền bí cho con đường ma ám này.
Do tin rằng nhiều người đã chết oan tại đây, người dân xung quanh đã xây dựng một miếu nhỏ dưới gốc cây gạo, được gọi là miếu Cây Gạo, để cúng hương cho những linh hồn bị chết không toàn thây. Theo truyền thống, khi đi ngang qua miếu Cây Gạo, mọi người phải đi đứng, nói nhỏ và cúi đầu để tôn trọng. Tuy nhiên, những người không tôn trọng và chế nhạo miếu Cây Gạo có thể gặp vấn đề tâm lý và phải nhờ sư thầy cúng bái để trị bệnh.
Địa điểm này được gọi là con đường ma ám là do trong quá khứ, nó là một con đường hoang lạnh dẫn vào một pháp trường khủng khiếp của triều Nguyễn tại thành Định Tường cũ. Đây là nơi thực hiện các hình phạt chém đầu và các hình thức hành hình khác như treo cổ và chém rồi bêu xác. Nhân dân đã chứng kiến những cảnh tượng đáng sợ này, gây ám ảnh.
Ngoài ra, triều Nguyễn còn thi hành những hình phạt tàn bạo như xẻo xác và băm xác đến nhuyễn ra. Khu vực thành Định Tường cũ, bao gồm con đường Lộ Ma, chứng kiến nhiều cảnh tượng chết chóc và hoàng lạnh, tạo nên một không gian giống như nơi táng ma. Từ đó, các câu chuyện ma quỷ về con đường Lộ Ma đã hình thành và lan truyền khắp nơi.
3. Chuyện tượng đá cụt đầu “ tự lớn” ở nơi xưa kia là tàn tích Thành Cổ Loa ( Chuyện An Dương Vương chém đầu Mị Châu.
Am Mỵ Châu nằm trong khuôn viên đình Ngự Triều Di Quy ở khu di tích Cổ Loa, Hà Nội. Am này được xây dựng để thờ tự nàng Mỵ Châu, công chúa bị vua An Dương Vương chém đầu trong truyền thuyết xa xưa. Trong am, có một phiến đá được tưởng trưng là di thể không đầu của nàng Mỵ Châu.
Theo truyền thuyết địa phương, phiến đá này được người dân kéo lên từ sông Hoàng Giang. Ban đầu, người ta không để ý nhiều đến nó và thả xuống sông. Tuy nhiên, sau mỗi lần quăng lưới, phiến đá lại lọt vào lưới. Người dân cho rằng đó là một đá thiêng, vì vậy họ kéo lên bờ và làm lễ để rước nó về. Phiến đá này sau đó được đặt trong am và trở thành di thể đặc biệt để thờ cúng.
Có lời đồn cho rằng suốt một thời gian dài phiến đá vẫn không ngừng lớn, người ta phải đập am nhiều lần để xây lớn hơn. cho đến khi một vị sư cô vì cảm thương dân chúng mà làm lễ cầu xin, hòn đá mới giữ nguyên kích thước tới ngày nay.
Và còn đó nhiều câu chuyện tâm linh ghê rợn mà tụi mình mong chờ bạn chia sẻ dưới bình luận.
Kết luận:
Việt Nam có lịch sử văn hoá đa dạng và đã trải qua nhiều triều đại và bị giặc ngoại xâm. Hình phạt Hà Khắc, như xử trảm, lăng trì và phanh thây, đã gây ra những thương tổn và oan khuất , chúng dần tạo ra những hình tượng qua quỷ đáng sợ trong đời sống tinh thần và tâm linh, để rồi dân gian cho ra đời nhiều dị bản đáng sợ.
Nhưng một số quan niệm khác cho rằng hình ảnh Ma Cụt đầu là hình thức đe dọa mà ma quỷ tạo ra để khiến con người sợ hãi mà bắt hồn phách. Chúng tồn tại song song với những vong hồn “dị hình” kể trên.
Dù là những hình tượng như người mẹ không đầu ru con, bóng trắng chỉ có thân dưới với cổ đầy máu ngồi trên cây, hoặc vị tướng không đầu cưỡi ngựa trên đường làng… mà ai đó “ nhẹ vía” vô tình bắt gặp vẫn là những ám ảnh không thể nào quên.
Xét về mặt khoa học, chúng ta cần lưu ý rằng những câu chuyện về Ma Cụt đầu chỉ là những truyền thuyết và truyền miệng trong dân gian. Không có bằng chứng cụ thể để chứng minh sự tồn tại của những linh hồn không đầu như vậy. Tất cả chỉ là những câu chuyện kỳ bí và huyền thoại được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Với sự phát triển của xã hội hiện đại, những câu chuyện về ma cũng dần trở nên ít được quan tâm và thay thế bởi các hình thức giải trí khác như phim ảnh, truyện tranh, và trò chơi điện tử. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm và muốn tìm hiểu về những truyền thuyết này, bạn có thể tìm đọc các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam hoặc tham gia các tour du lịch về các địa điểm liên quan đến truyền thuyết để khám phá văn hóa độc đáo của đất nước, cũng như có cách nhìn nhận đúng hơn của bản thân.
** Ngoại truyện MA NỮ NUÔI CON**:
Trở lại với câu chuyện vở cải lương “Hoàng Hậu Không đầu”, motip hồn ma mua sữa nuôi con hết sức phổ biến trong văn hoá dân gian nhiều nước, ở nhật bản có câu chuyện tương tự:
Kosodate yūrei:
Kosodate yūrei là hồn ma của những người mẹ chết trong khi hoặc vừa sau khi sinh, quay trở lại nhân gian bởi mối liên hệ thắm thiết với đứa con và để thực hiện nghĩa vụ của một người mẹ.
Ngày xưa có một hiệu bán kẹo ở gần một ngôi chùa nọ.
Một đêm khuya, sau nhiều ngày mưa rả rích, có một người đàn bà đến gõ cửa hiệu bán kẹo.
Cạch ! Cạch ! Cạch !
-Đêm hôm khuya khoắt mà ai gõ cửa thế ?
Chủ hiệu kẹo vừa dụi mắt vừa trả lời.
-Cho tôi một cái kẹo. Làm ơn cho tôi một cái kẹo.
Đó là một giọng nói yếu ớt và nhẹ như gió thoảng, đến nỗi có thể không nghe được
Chủ hiệu đưa mắt nhìn thì thấy một người đàn bà nhỏ bé xanh xao đang đứng trước cửa hiệu với một đồng xu trên lòng bàn tay. Cô ta không phải là người trong vùng.
Người đàn bà biến vào bóng tối sau khi chủ hiệu đã đưa cho cô ta một cái kẹo.
Đêm hôm sau, người đàn bà lại đến. Lần này cô ta cũng lại cầm theo một đồng xu và mua một cái kẹo.
Đêm tới, rồi đêm tới..Người đàn bà đã tới mua kẹo liên tục mỗi đêm, cho đến đêm thứ sáu.
Đến đêm thứ sáu, chủ hiệu rất đỗi tò mò nên sau khi người đàn bà vừa quay đi, ông đã lén đi theo. Ông thấy người đàn bà lướt nhanh như bay vào trong sân một ngôi chùa. Cô tiến vào sân sau chùa và vào một khu mộ địa, len lỏi giữa những bia mộ. Và rồi bóng cô mất hút, người chủ hiệu kẹo không còn trông thấy cô đâu nữa.
Và đêm hôm sau người đàn bà không còn tới mua kẹo nữa.
Người chủ hiệu bán kẹo hết sức tò mò, bèn tìm đến hỏi thăm vị hoà thượng trụ trì ở ngôi chùa nọ, thì được nghe hoà thượng kể rằng, khoảng một tuần trước có một người đàn bà đã chết gục trước cổng chùa, nên các nhà sư bèn tụng kinh và khâm liệm cho thật tử tế, và mới biết hình như cô đã mang thai. Hoà thưọng cũng cho biết ngài đã chôn theo người đàn bà ấy sáu đồng xu, để cô ta không bị túng thiếu khi đi sang thế giới bên kia.
Người chủ hiệu và vị hoà thượng như chợt nghĩ ra điều gì, vội tới ngôi mộ của người đàn bà, cho đào mộ lên, thì thấy có một đứa bé trai mới sinh, đang say ngủ. Đứa bé trông bụ bẫm khoẻ mạnh, khó có ai ngờ rằng nó đã bị chôn ở dưới đất suốt mấy ngày nay. Có lẽ ngưòi đàn bà đã dùng những đồng xu mà nhà sư đã cho chôn theo mình để đi mua kẹo về nuôi con.
Hoà thượng bèn đem đứa bé về nuôi, và ngài hết mực thương yêu cậu bé. Về sau cậu lớn lên, đã trở thành một nhà sư nổi tiếng.
(Hồn ma nuôi con)-Truyện cổ tích Nhật Bản
Bình luận facebook