• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (6 Viewers)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 05 - Phần 1

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư


Quyển V


[1a]


Kỷ Thuộc Tùy Đường


Quý Hợi, (603), (Tùy Nhân Thọ năm thứ 2).158 Lưu Phương bắt được tướng cũ của Hậu Nam Đế, cho là gian ác, đều chém cả.


158 Sửa đúng là niên hiệu Nhân Thọ năm thứ 3.


Ất Sửu, (605), (Tùy Dạng Đế Quảng, Đại Nghiệp năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, Lưu Phương mới dẹp yên nước ta, bầy tôi nhà Tùy có người nói nước Lâm Ấp có nhiều báu lạ. Vua Tùy bèn cho Phương làm Hoan Châu đạo hành quân tổng quản, đi kinh lược nước Lâm Ấp. Phương sai bọn thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem quân bộ và quân kỵ hơn một vạn xuất phát từ Việt Thường159. Phương thân dẫn bọn đại tướng quân Trương Tốn đem thủy quân xuất phát từ quận Tỷ Cảnh (huyện của nhà Hán, thuộc quận Nhật Nam; nhà Tùy đặt quận Tỷ Cảnh)160. Tháng ấy quân đến cửa biển. Tháng 3, vua Lâm Ấp là Phạn [1b] Chí sai quân ra giữ nơi hiểm yếu, bị Lưu Phương đánh tan chạy.


159 Việt Thường: tên huyện thời Tùy, thuộc quận Nhật Nam, vị trí vào khoảng huyện Đức Thọ và phía nam huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.


160 Tỷ Cảnh: tên quận do nhà Tùy đặt năm 607, vị trí ở vào khoảng phía nam tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Ở đây, Toàn thư chép với chữ Cảnh ____, nhưng đúng ra là Cảnh _____ (xem Tùy thư, Lưu Phương truyện). Cảnh còn có thể đọc theo âm cổ là Ánh (Tỷ Ánh nguyên là tên huyện thời Hán, có nghĩa là so bóng mặt trời).


Quân của Phương qua sông Chà Lê. Quân Lâm Ấp cưỡi voi lớn từ bốn mặt kéo đến, quân của Phương đánh không lợi bèn đào nhiều hố nhỏ, phủ cỏ lên trên, cho quân khiêu chiến, đang đánh giả thua chạy. Quân Lâm Ấp đuổi theo, voi phần nhiều sụp hố ngã nhào, nhốn nháo kinh hãi, quân trở nên rối loạn. Phương cho dùng nỏ bắn voi, voi lùi chạy, xéo giẫm vào hàng trận. Phương nhân đó cho quân tinh nhuệ đuổi theo. Quân Lâm Ấp thua to, bị bắt, bị chém kể hàng vạn. Phương tiến quân đuổi theo, mấy trận đều được cả, qua phía nam cột đồng Mã Viện, đi tám ngày nữa đến quốc đô Lâm Ấp.


Mùa hạ, tháng 4, Phạn Chí bỏ thành chạy ra biển. Phương vào thành lấy được mười tám bộ thần chủ trong miếu đều đúc bằng vàng (tức là mười tám đời vua), khắc đá ghi công rồi về. Binh sĩ thũng chân, mười phần chết đến bốn năm phần. Phương cũng bị ốm, chết dọc đường.


[2a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Lâm Ấp tự chuốc bại vong là có nguyên do. Từ khi Phạm Hồ Đạt đánh chiếm Nhật Nam, Cửu Chân, cướp phá Giao Châu, bị Đỗ Viện nhà Tấn đánh tan, mà không từng lấy đó làm răn. Năm nay cướp Cửu Chân, sang năm lại cướp Giao Châu. Đỗ Tuệ Độ lại đánh tan, giết hết quá nửa. Dương Mại lại cướp Cửu Đức, bị Đàn Hòa Chi nhà Tống đánh cho phải phục tội. Tuy có sai sứ vào cống nhưng vẫn cướp phá như cũ. Tông Xác và Hòa Chi đuổi dài, thắng được Lâm Ấp. Dương Mại may thoát khỏi miệng hùm, văng mình bỏ chạy. Từ đấy, biển Nam sóng lặng, tưởng chừng mãi mãi lấy đó làm răn. Nhưng Phạn Chí nối ngôi, lại ra cướp Nhật Nam, bị Pham Tu đánh tan ở Cửu Đức, suốt cả đời Hậu Nam Đế không dám dòm ngó đất trung châu phía bắc (tức nước ta) nữa, mà nước họ cũng được giàu thịnh. Đến đây người Tùy tham của báu, cất quân đi đánh, giày xéo quốc [2b] đô, làm dơ bẩn cung điện, tuy gọi là quân tham bạo, nhưng bọn man di quấy nhiễu trung châu cũng có thể lấy làm răn.


Mậu Dần, (618), (Đường Cao Tổ Lý Uyên, Vũ Đức năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 4, Thứ sử Khâm Châu là Nịnh Trường Chân đem đất Uất Lâm và Thủy An phụ theo Tiêu Tiển. Thái thú Hán Dương là Phùng Áng đem đất Thương Ngô, Cao Yếu, Châu Nhai, Phiên Ngung phụ theo Lâm Sĩ Hoằng.


Tiển và Sĩ Hoằng đều sai người sang chiêu dụ Thái thú Giao Châu là Khâu Hòa, Hòa không theo. Tiển sai Trường Chân đem quân Lĩnh Nam đi đường biển đến đánh Hòa. Hòa muốn đón hàng, Tư pháp thư tá là Cao Sĩ Liêm bảo Hòa rằng: "Quân của Trường Chân tuy nhiều, nhưng quân cô từ xa đến, lương thực ít, tất không thể cầm giữ lâu, quân giỏi trong thành cũng đủ đương được, việc gì mới nghe hơi đã vội chịu theo người".


Hòa nghe theo, lấy Sĩ Liêm làm [3a] Hành quân tư mã, đem các doanh thủy bộ đón đánh, phá tan quân (của Trường Chân). Trường Chân chỉ chạy thoát một mình, quân lính bị bắt hết. Hòa lại đắp tử thành (tức thành nhỏ bên trong thành), chu vi chín trăm bước để chống giữ. Đến khi nhà Tùy mất, Hòa hàng phục nhà Đường. Vua Đường sai Lý Đạo Hựu mang cờ tiết sang cho Hòa làm Giao Châu đại tổng quản161, tước Đàm quốc công. Hòa sai Sĩ Liêm dâng biểu xin vào chầu. Vua Đường xuống chiếu sai quân đi đón162. Năm này nhà Tùy mất.


161 Nguyên bản in là Thái Tổng Quản, sửa lại theo Tân Đường thư, Khâu Hòa truyện.


162 Nguyên văn: "chiếu phát sư nghênh chi"; có thể sai sót. Tân Đường thư, Khâu Hòa truyện chép là: "chiêu kỳ tử Sư Lợi nghênh chi", nghĩa là: xuống chiếu sai con của Hòa là Sư Lợi đi đón. Truyện Khâu Hòa trong Cựu Đường thư và Thông Giám cùng chép tương tự ("khiển kỳ tử Sư Lợi nghênh chi").


Nhâm Ngọ, (622), (Đường Vũ Đức năm thứ 5). Trước đây, cuối thời nhà Tùy, Khâu Hòa làm Thái thú Giao Châu, cậy uy thế của nhà Tùy, thường đi tuần các khe động ở biên giới, ở châu hơn 60 năm, Lâm Ấp và các nước163 tặng cho Hòa những ngọc minh châu, sừng tê văn và vàng bạc của báu, cho nên Hòa giàu như vương giả. Năm này nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam đô hộ phủ164.


163 Cựu Đường thư, Khâu Hòa truyện chép "Lâm Ấp chi tây chư quốc" (các nước phía tây Lâm Ấp).


164 Cựu Đường thư, Địa lý chí chép: "Quận Giao Chỉ thời Tùy, năm Vũ Đức thứ 5 (nhà Đường) đổi làm Giao Châu tổng quản phủ"


[3b] Mậu Tý, (628), (Đường Thái Tông Thế Dân, Trinh Quán năm thứ 2). Tông thất nhà Đường là Lý Thọ làm Đô đốc Giao Châu tham ô phải tội. Vua Đường thấy Thứ sử Doanh Châu là Lư Tổ Thượng có tài gồm văn võ, gọi vào triều, dụ rằng: "Giao Châu đã lâu không được người giỏi, các đô đốc trước sau đều không xứng chức. Khanh có tài lược dẹp yên biên giới, hãy vì ta sang trấn đất ấy, chớ lấy đường xa mà từ chối".


Tổ Thượng lạy tạ, rồi lại hối, lấy cớ đau ốm mà từ chối. Vua Đường sai Đỗ Như Hối bảo cho Tổ Thượng biết ý vua. Tổ Thượng vẫn cố từ. Lại sai Chu Phạm là anh vợ của Tổ Thượng đến dụ rằng: "Người thường đã hứa với nhau còn biết giữ chữ tín, khanh đã hứa trước mặt trẫm, há trái lời hay sao? Nên sớm lên đường, sau ba năm tất gọi về, trẫm không nuốt lời".


Tổ Thượng trả lời rằng: "Đất Lĩnh Nam lam chướng, dịch lệ, đó là cái lẽ đã ra đi thì không trở về". Vua Đường tức giận nói: "Ta sai người không đi, còn làm chính lệnh thế nào được nữa". Sai chém ngay ở triều đường. Sau hối lại, cho khôi phục quan tước và ấm phong.


[4a] Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua sai bề tôi lấy lễ, bề tôi thờ vua lấy trung. Đường Thái Tông sai bề tôi không chịu đi, dỗ đến hai lần, có thể gọi là có lễ. Tổ Thượng được vua sai lại tránh khó nhọc, thế là thất tiết; đã nhận rồi lại hối, thế là thất tín; lời nói giận dỗi, thế là thất lễ. Thái Tông giết đi, tuy là quá, song Tổ Thượng đủ ba lỗi ấy, thì tội ra sao?


Ất Mùi, (635), (Đường Trinh Quán năm thứ 9). Tông thất nhà Đường là Lý Đạo Hưng làm Đô đốc Giao Châu vì bệnh chướng khí chết ở nơi làm quan.


Đinh Hợi, (687), (Đường Trung Tông Triết, Tự Thánh năm thứ 4). Mùa thu, tháng 7, các hộ người Lý ở Lĩnh Nam theo như lệ cũ nộp nửa thuế, Đô hộ Lưu Diên Hựu bắt phải nộp cả. Các hộ người Lý mới oán giận, mưu làm loạn. Lý Tự Tiên làm [4b] chủ mưu, Diên Hựu giết đi. Dư đảng là bọn Đinh Kiến họp quân vây phủ thành. Trong thành binh ít không chống nổi, đóng cửa thành cố giữ để đợi quân cứu viện. Đại tộc ở Quảng Châu là Phùng Tử Do muốn lập công, đóng quân không đến cứu, Kiến giết Diên Hựu. Sau Tư mã Quế Châu là Tào Trực Tĩnh165 đánh giết được Kiến.


165 Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Thông giám đều chép là Tào Huyền Tĩnh.


Nhâm Tuất, (722), (Đường Huyền Tông, Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10). Tướng giặc là Mai Thúc Loan166 chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân nói là 30 vạn167. Vua Đường sai nội thị tả giám môn vệ tướng quân là Dương Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách168 đánh dẹp yên được.


166 Tân Đường thư - Bản kỷ chép là Mai Thúc Loan; Cựu Đường thư, Dương Tư Húc truyện chép là Mai Lập Thành Thông giám chép là Mai Thúc Yên.


167 CMTB4, 21b theo Tân Đường Thư, Dương Tư Húc truyện ghi số quân của Mai Thúc Loan là 40 vạn.


168 CMTB4, 21b theo Đường Thư; Dương Tư Húc truyện chép là Quang Sở Khách. Hai chữ Quang và Nguyên dễ viết nhầm.


Mậu Tuất, (758), (Đường Túc Tông Hanh, Chí Đức năm thứ 3). Nhà Đường đổi An Nam Đô Hộ Phủ làm Trấn Nam Đô Hộ Phủ.


Đinh Mùi (767), (Đường Đại Tông Dự, Đại Lích thứ 2). Người Côn Lôn169, Chà Bà170 đến cướp, đánh lấy châu thành. Kinh lược sứ Trương Bá Nghi cầu cứu với Đô úy châu Vũ Định là Cao Chính Bình. Quân cứu viện đến, đánh tan quân Côn Lôn, [5a] Chà Bà ở Chu Diên. Bá Nghi đắp lại La Thành171. Khi ấy có người tiết phụ họ Toàn172 là mẹ của Đào Tề Lượng ở Giao Châu, thường lấy trung nghĩa dạy Lượng, nhưng Lượng ngoan cố không chịu nghe, mới dứt tình với con, tự cày lấy mà ăn, dệt lấy mà mặc, người trong làng xóm đều noi theo. Vua Đường xuống chiếu cho hai người đinh đến hầu nuôi, sai quan bản đạo bốn mùa đến thăm hỏi.


169 Côn Lôn: thư tịch Trung Quốc từ thế kỷ IV, nhất là từ thời Đường, thường dùng tên Côn Lôn để chỉ một số cư dân trong vùng Nam Hải, tức vùng Đông Nam Á ngày nay. Tuệ Lâm trong Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa (quyển 61), soạn năm 817, nói rằng "Côn Lôn… cũng gọi là Cốt Luân, là người Di ở các đảo châu Nam Hải, rất đen… chủng loại có nhiều". Cựu Đường Thư, Nam Man truyện cùng chép: "Từ Lâm Ấp trở về phía nam, đều tóc quăn, da đen, gọi chung là Côn Lôn". Như vậy Côn Lôn là một sự phiếm chỉ, khó có thể xác định đó là cư dân một nơi nào ở Đông Nam Á hiện nay.


170 Chà Bà: phiên âm tên đảo Java.


171 Theo Nguyên Hòa quận huyện chí (quyển 38), năm này (767) Trương Bá Nghi cho đắp La Thành ở vị trí mới, cách sông Tô Lịch khoảng hai trăm thước.


172 Cương mục TB4 chép người tiết phụ này họ Kim, hẳn là đã dựa vào Tân Đường thư quyển 205 Liệt nữ truyện (Kim tiết phụ). Toàn thư đã chép nhầm chữ Kim ra chữ Toàn.


Mậu Thân, (768), (Đường Đại Lịch năm thứ 3). Nhà Đường đổi Giao Châu làm An Nam Đô Hộ Phủ.


Giáp Tý, (784), (Đường Đức Tông Quát, Hưng Nguyên năm thứ 1). Người quận Cửu Chân là Khương Công Phụ làm quan thời Đường, đậu tiến sĩ, bổ làm Hiệu Thư Lang. Vì có bài chế sách hơn người, cho làm Hữu thập di Hàn Lâm học sĩ, kiêm chức Kinh triệu hộ tào tham quân, từng xin giết Chu Thử, vua Đường không nghe.


Không bao lâu Kinh sư có loạn, vua Đường từ cửa Thượng Uyển đi ra, Công Phụ giữ ngựa lại can rằng: "Chu Thử từng làm tướng ở đất Kinh đất Nguyên, được lòng quân lính, [5b] vì Chu Thao làm phản nên bị vua cất mất binh quyền, ngày thường vẫn uất ức, xin cho bắt đem đi theo, chớ để cho bọn hung ác đón được". Vua Đường đương lúc vội vàng không kịp nghe, trên đường đi lại muốn dừng lại ở Phượng Tường để nương nhờ Trương Dật. Công Phụ can rằng: "Dật tuy là bề tôi đáng tin cậy, nhưng là quan văn, quân đột kỵ ở Ngư Dương do ông ta quản lĩnh đều là bộ khúc của Chu Thử. Nếu Thử thẳng đến Kinh Nguyên làm loạn, thì ở nơi ấy không phải kế vạn toàn". Vua Đường bèn đi sang Phụng Thiên.


Có người báo tin Thử làm phản, xin vua phòng bị. Vua Đường nghe lời Lư Kỷ xuống chiếu cho quân các đạo đóng cách xa thành một xá173, muốn đợi Thử đến đón. Công Phụ nói: "Bậc vương giả không nghiêm việc vũ bị thì lấy gì để oai linh được trọng. Nay cấm binh đã ít người mà quân lính người ngựa đều ở bên ngoài, thần lấy làm nguy cho bệ hạ lắm". Vua Đường khen là phải, cho gọi hết vào trong thành.


173 Xá: 30 dặm.


Quân của Thử quả nhiên kéo đến, đúng như lời của Công Phụ. Vua Đường bèn thăng cho Phụ làm Gián Nghị Đại Phu, Đồng trung thư môn hạ bình chương sự174. Sau [6a] vì việc can


vua chôn cất công chúa Đường An quá hậu, trái ý vua, Lục Chí tâu gỡ cho, nhưng không được, cuối cùng vẫn phải xuống chức làm Thái tử tả thứ tử, lại bị biếm là Tuyền Châu biệt giá. Đường Thuận Tông lên ngôi, cho làm Thứ sử Cát Châu, chưa đến nơi nhận chức thì chết. Em là Khương Công Phục cũng đậu tiến sĩ, làm quan đến chức Bắc bộ thị lang175.


174 Việc Khương Công Phụ căn ngăn Đường Đức Tông, Đường thư và Thông giám đều ghi vào năm Kiên Trung thứ 4 (783), quan hàm được phong là Gián nghị đại phu kiêm Đổng bình chương sự.


175 Bắc bộ thị lang: Đại Việt sử ký tiền biên (bản in thời Tây Sơn) sửa là Tỉ bộ thị lang (____ tỉ và bắc dễ viết nhầm). CMTB26 dẫn An Nam kỷ yếu ghi Bình trước là Đô úy ở Vũ Định, nhờ đem quân cứu viện Trương Bá Nghi, được phong làm An Nam Đô Hộ.


Tân Mùi, (791), (Đường Trinh Nguyên năm thứ 7). Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng.


Mùa hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc)176 là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết. Trước đây Phùng Hưng vốn là nhà hào phú, có sức khỏe, có thể vật trâu, đánh hổ. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 - 780) đời Đường Đại Tông, nhân Giao Châu có loạn, cùng với em là Hãi hàng phục được các ấp bên cạnh, Hưng xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đánh nhau với Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng [6b] kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ. Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết. Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết.


176 Nay là xã Cam Lâm, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.


Con là An tôn xưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái, cho nên lấy Bố Cái làm hiệu). Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế (tức là Phu hựu chương tín sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương. Đền thờ nay ở phường Thịnh Quang177, ở phía đông nam178 ruộng tịch điền).


177 Nay thuộc quận Đống Đa, Hà Nội.


178 Nguyên bản in: "tịch điền đông - tây", có lẽ là đông - nam hay đông - bắc, khắc in nhầm.


Tháng 5, ngày Tân Tỵ, nhà Đường đặt quân Nhu Viễn ở phủ trị. Mùa thu, tháng 7, ngày Canh Thìn, nhà Đường lấy Triệu Xương làm đô hộ. Xương vào cõi, lòng dân bèn yên. Xương sai sứ dụ An, An đem quân hàng. Xương đắp thêm La Thành kiên cố hơn trước, ở chức mười bảy năm, vì đau chân xin về. Vua Đường chuẩn cho, lấy Lang trung bộ Binh là Bùi Thái thay Xương.


Quý Mùi, (803), (Đường Trinh Nguyên năm thứ 19). Đô đốc Bùi Thái sai lấp bỏ những hào rãnh ở trong thành, hợp làm một [7a] thành179. Tướng ở châu là Vương Quý Nguyên đuổi Bùi Thái đi. Vua Đường vời Xương hỏi tình trạng. Xương đã ngoài 70 tuổi, mà tâu việc rõ ràng. Vua Đường cho là giỏi, lại sai làm Đô hộ Giao Châu. Xương đến, người trong châu đều mừng, loạn bèn yên.


179 Nguyên văn: "Sản thành trung câu địa thành, hợp vi nhất thành" và cước chú: "cậu địa có bản chép là câu trì (ao ngòi)". Như vậy "câu địa thành" có lẽ phải đọc là "câu đìa thành", hiểu là thành có hào rãnh trong ngoài, mà câu đìa là lối ghép một từ Hán và một từ Nôm đồng nghĩa. Trong câu trên có ba chữ thành, thừa chữ thành thứ hai.


Mậu Tý, (808), (Đường Hiến Tông Thuần, Nguyên Hòa năm thứ 3). Trương Chu làm Đô hộ Giao Châu (trước Chu làm Kinh lược phán quan, đến nay thăng làm Đô hộ), đắp thêm thành Đại La, đóng 300 chiếc thuyền mông đồng (loại thuyền ngắn), mỗi thuyền có hai mươi lăm chiến thủ, hai mươi ba tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi, nhanh như gió. Lại đắp hai thành ở châu Hoan, châu Ái, vì các thành ấy trước bị Hoàn Vương (vua Chiêm Thành) phá hủy.


Kỷ Hợi, (819), (Đường Nguyên Hòa năm thứ 14). Mùa đông, tháng 10, Đô hộ là Lý Tượng Cổ vì tham bạo hà khắc mất lòng dân chúng. Tướng của Cổ là Dương Thanh đời đời làm tù trưởng Man, khoảng niên hiệu Khai Nguyên (713 - 742) nhà Đường làm Thứ sử Hoan Châu180, [7b] Tượng Cổ vẫn kiêng dè, gọi cho làm nha tướng, đến sai đi đánh người Man ở Hoàng Động. Thanh nhân thấy lòng người oán giận Tượng Cổ, đang đêm trở về đánh úp châu, chiếm được, giết Tượng Cổ (Thanh là người Giao Châu, Tượng Cổ là người tôn thất nhà Đường).


180 Người làm thứ sử Giao Châu nói đây là ước tính theo thời gian, cần hiểu là người đời trước trong gia tộc của Dương Thanh chứ không phải chính Dương Thang.


Vua Đường sai Quế Trọng181 đánh Dương Thanh mà không thắng. Thanh vào trong người Man Lạo làm loạn, cướp phá phủ thành, Đô hộ Lý Nguyên Gia đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng Động dẫn Hoàn Vương182 vào cướp.


181 CMTB4, 29b theo Cựu Đường thư, Bản kỷ và Thông giám sửa lại là Quế Trọng Vũ, bấy giờ làm An Nam đô hộ.


182 Hoàn Vương: vua nước Chiêm Thành (khoảng những năm 756 - 808, nước Lâm Ấp được thư tịch Trung Quốc gọi là Hoàn Vương Quốc, từ sau năm 808 mới gọi là Chiêm Thành).


Giáp Thìn, (824), (Đường Mục Tông Hằng, Trường Khánh năm thứ 4). Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia183 thấy trước cửa thành có dòng nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đến đóng ở thành hiện nay.


183 Lý Nguyên Gia: Việt Sử Lược quyển 1 - 10b dựa vào Cựu Đường thư (Bản kỷ 17) chép là Nguyễn (tức Lý) Nguyên Hỷ. Chữ Gia và chữ Hỷ có thể lầm với nhau.


(Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị184 đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy tướng bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, sau 50 năm nữa ắt có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ. Đến đời Hàm Thông (860 - 874), Cao Biền đắp thêm La Thành, đúng như lời người ấy. Lại xét: Phủ thành đô hộ trước đó ở ngoài thành Đông Quan ngày nay, gọi là La Thành, sau Cao Biền đắp thành hiện nay, thành bên ngoài cũng gọi là La Thành).


184 Nguyên bản in nhầm chữ ____ phủ thành chữ _____ phủ.


[8a] Mậu Thân, (828), (Đường Văn Tông Hàm, Thái Hòa năm thứ 2). Đô hộ Hàn Ước đánh Vương Thăng Triều ở Phong Châu, thắng được, sau bị Dương Thanh đuổi, chạy về Quảng Châu.


Tân Dậu, (841), (Đường Vũ Tông Viêm, Hội Xương năm thứ 1). Vua Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước.


Quý Hợi, (843), (Đường Hội Xương năm thứ 3). Kinh lược sứ Vũ Hồn bắt tướng sĩ đắp sửa thành phủ, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ. Hồn chạy về Quảng Châu. Giám quân là Đoàn Sĩ Tắc vỗ yên được quân làm loạn.


Bính Dần, (846), (Đường Hội Xương năm thứ 6). Người Nam Man185 vào cướp. Vua Đường sai Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Hựu186 đem quân các đạo lân cận đánh dẹp được.


185 Ở đây, Toàn thư chép lè Nam Man. Tân Đường thư quyển 8 Bản Kỷ, khi nói đến sự kiện này, lại chép là Vân Nam Man. Nhưng cũng căn cứ vào Tân Đường thư, quyển 222 Nam Chiếu truyện, thì Vân Nam Man nói ở đây là Nam Chiếu, tên quốc gia của các tộc người vùng Vân Nam, Trung Quốc (chủ yếu là người Thoán), cường thịnh từ khoảng thế kỷ VIII, thường tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược ra xung quanh.


186 Cương mục (TB4, 35a) theo sử liệu của Thông Giám và Tân Đường thư (Bản kỷ) đã sửa lại là Bùi Nguyễn Dụ (hai chữ dụ và hựu dễ viết nhầm)


Đinh Sửu, (857), (Đường Tuyên Tông Thầm, Đại Trung năm thứ 11). Mùa hạ, tháng 4, nhà Đường lấy Hữu thiên ngưu vệ đại tướng quân [8b] là Châu Nhai187 là Kinh lược sứ Giao Châu.


187 Châu Nhai (cũng đọc là Chu Nhai), Toàn thư và cả Cương mục (TB4, 36b) dựa và Thông giám và Cựu Đường thư (Bản Kỷ), nhưng cả hai tài liệu ấy đều chép tên người này là Tống Nhai. Hai chữ Tống và Chu dễ viết nhầm. Toàn thư chuyển tiếp lầm trong Cương mục: nên sửa lại là Tống Nhai.


Mậu Dần, (858), (Đường Đại Trung năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, vua Đường lấy Khang Vương phó188 là Vương Thức làm Giao Châu kinh lược đô hộ sứ. Thức là người có tài lược, đến phủ sai trồng cây táo gai189 làm rào, bên ngoài đào hào sâu để thoát nước trong thành, bên ngoài hào trồng tre gai, giặc không thể xâm phạm được, kén chọn dạy bảo quân lính rất tinh nhuệ.


188 Thầy học của Khang Vương.


189 Vốn là "lặc mộc" (cây táo gai), nguyên bản in nhầm thành "điều mộc" (Xem CMTB4, 37).


Không bao lâu, người Nam Man (tức Nam Chiếu) kéo đến đông, đóng ở bến đò Cẩm Điền, cách châu độ nửa ngày đường. Ý tứ của Thức vẫn an nhàn như thường, sai người phiên dịch đến dụ, bày tỏ lợi hại, chỉ một đêm người Man lại kéo đi, sai người đến từ tạ nói: "Chúng tôi chỉ đến bắt bọn người Lạo làm phản, chứ không phải đến cướp".


Lại có Đô hiệu La Hành Cung (Đô hiệu cũng như Đô tướng) chuyên quyền ở phủ đã lâu, quân tinh nhuệ dưới cờ đến hai nghìn người mà ở phủ đô hộ chỉ có vài trăm quân gầy yếu. Thức đến phủ, đánh trượng vào lưng (Hành Cung) rồi đuổi ra nơi biên viễn.


Trước đó, Đô hộ là Lý Trác làm chính sự tham [9a] lam tàn bạo, mua hiếp bò ngựa của người Man, mỗi con chỉ trả cho một đấu muối, lại giết tù trưởng Man là Đỗ Tồn Thành, dân Man oán giận, dẫn đường cho người Nam Chiếu đến lấn cướp biên giới.


Đất Tây Nguyên, Đào Lâm, thuộc Phong Châu, từ xưa vẫn có quân phòng đông190 6.000 người, tù trưởng Man Động Thất Quán bên cạnh là Lý Do Độc, thường giúp đỡ việc đóng giữ và thu tô thuế. Viên Tri Châu Phong Châu (không rõ họ tên) nói với Tác xin bỏ quân đóng thú, chuyên ủy cho Do Độc ngăn phòng. Từ đó Do Độc thế cô, không thể đứng vững được. Thác đông tiết độ của Nam Chiếu (Thác đông: ý nói khai thác cõi đông; Giao Chỉ ở phía đông nước Nam Chiếu, cho nên đặt chức ấy) gửi thư sang dụ Do Độc, đem con gái gả cho con trai của Do Độc, bổ làm Thác đông thác nha191. Do Độc bèn đem dân chúng làm tôi nước Nam Chiếu. Từ đấy Giao Châu mới có mối lo về người Man (Nam Chiếu).


190 Đời Đường, quân phòng thủ ở biên giới thường được gọi là phòng thu và phòng đông.


191 Thác đông thác nha: Thông giám (Mậu Dần, Đại Trung 2) khảo dị với Man thư, đã hiệu chỉnh là Thác đông áp nha; nên sửa theo cách gọi đó.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom