• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1 Viewer)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 10 - Phần 5

[43a] Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó (Quốc Toản) lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không giám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương.


Lấy Thái úy Quang khải làm Thượng tướng thái sư, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ.


Quý Mùi, (Thiệu Bảo) năm thứ 5 (1283), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 20). Mùa xuân, tháng giêng, Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang dâng rùa vàng, hình dáng như con trai lớn, trên lưng có 7 ngôi sao, ngực có chữ "nhũng" bụng có chữ "Vương".


Tháng 2, [42b] trị tội thượng vị hầu Trần Lão, cho Lão chuộc tội 1.000 quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước.


Mưa đá lớn.


Mùa hạ, tháng 6, cá hồ Thủy Tinh chết.


Mùa thu, tháng 7, sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên, gặp thái tử A Thai824, Bình Chương A Lạt825, ở Hồ Quảng826, hội 50 vạn quân ở các xứ định sang năm vào cướp nước ta.


824 Không có tên thái tử Nguyên nào là A Thai. Cương mục quyển 7 cho là do sử của ta lầm. Trong cuộc chiến tranh này, tướng chỉ huy của quân Nguyên là Thoát Hoan và A Lý Hải Nha.


825 A Lạt: hay A Lý Hải Nha, là phiên âm tên quan Bình chương nhà Nguyên A - ríc Kha - y - a (Ariq - Qaya). Toàn thư có chỗ lầm thành hai người.


826 Hồ Quảng: gồm Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay. Nhà Nguyên đặt Hồ Quảng hành trung thư tỉnh, gọi tắt là hành tỉnh Hồ Quảng để thống trị khu vực đất đai nói trên và phụ trách việc thôn tính các nước Đông Nam Á, cũng gọi là hành tỉnh Kinh Hồ hoặc là hành tỉnh Kinh Hồ - Chiêm Thành.


Mùa đông, tháng 10, vua thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận.


Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị.


Giáp Thân, (Thiệu Bảo) năm thứ 6 (1284), Nguyên Chí Nguyên năm thứ 21). Mùa xuân, tháng giêng, vét sông Tô Lịch.


Tháng 2, đất ở Xã [44a] đàn827 nứt ra, dài 7 thước, rộng 4 tấc, sâu không thể lường.


827 Xã Đàn: tức Xã tắc đàn là nơi vua chúa phong kiến tế lễ thần đất và thần mùa màng ngày xưa, đắp bằng đất, có hai bậc, nên gọi là "đàn".


Mùa thu, tháng 8, Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu828, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.


828 Đông Bộ Đầu: tức bến sông Hồng phía trên cầu cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay.


Tháng 9, ngày mồng 4, mặt trăng và sao Kim mọc ban ngày ở phương Tây Nam chỉ cách nhau độ 1 thước.


Mùa đông, tháng 11, sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ829, nước Nguyên xin hoãn binh830.


829 Hành tỉnh Kinh Hồ cũng là hành tỉnh Hồ Quảng: xem chú thích về Hồ Quảng ở BK5, 43b.


830 Theo An Nam chí lược và Nguyên sử, Trần Phủ tức Trần Khiêm Phủ, tước trung đại phu.


Tháng 12, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan831, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha832 đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.


831 Tên Mông Cổ là Tô - gan (Toghan), thư tịch Trung Quốc phiêm âm là Thoát Hoan, là con của Hốt Tất Liệt.


832 Ở đây Toàn thư nhầm, A Lạt và A Lý Hải Nha chỉ là một người, tức Ariq - Qaya.


Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.


Sử Thần Ngô Sĩ Liên nói: Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, [44b] bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy.


Ngày 26, giặc đánh vào các ải Vĩn Châu, Nội Bàng833, Thiết Lược, Chi Lăng834, Quan quân đánh bất lợi lui về đóng ở bến Vạn Kiếp835.


833 Ải Nội Bàng: vùng Chũ, tỉnh Hà Bắc ngày nay, nơi đóng bản doanh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.


834 Ải Chi Lăng: thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.


835 Vạn Kiếp: nay là vùng Vạn Yên, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng.


Lúc đó, vua ngự thuyền nhẹ ra Hải Đông836, chiều rồi mà vẫn chưa ăn cơm sáng. Có người lính là Trần Lai dâng cơm gạo xấu, vua khen là trung, ban cho chức thượng phẩm, kiêm chức tiểu tư xã xã Hữu Triều Môn ở Bạch Đằng.


836 Hải Đông: Chỉ chung vùng Hải Dương cũ (nay thộc tỉnh Hải Hưng) và Hải Phòng hiện nay.


Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm837, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào mà không tới tập hợp. Vua làm thơ đề ở [45a] đuôi thuyền rằng:


Cối Kê cựu sự quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.


(Cối Kê838 chuyện cũ người lên nhớ, Hoan Diễn839 còn kia chục vạn quân.)


837 Vân Trà, Ba Điểm: là hai hương thuộc lộ Hải Đông bấy giờ. Hương Vân Trà hay Trà Hương là vùng Kim Thành, tỉnh Hải Hưng ngày nay.


838 "Chuyện cũ Cối Kê": là chuyện Câu Tiễn, vua nước Việt thời Chiến Quốc, đánh nhau với nước Ngô, chỉ còn một ngàn quân lui giữ Cối Kê, mà sau đánh bại Ngô Phù Sai, khôi phục được đất nước.


839 Hoan, Diễn: chỉ vùng Nghệ Tỉnh ngày nay.


Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà840, Na Sầm841, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn842 đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hung Đạo Vương để chống quân Nguyên.


840 Bàng Hà: đất huyện Thanh Hà cũ nay thuộc huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng và huyện Tiên Lăng, Hải Phòng.


841 Na Sầm: tức Na Ngạn, thuộc đất huyện Lục Ngàn, tỉnh Hà Bắc ngày nay.


842 Long Nhãn: nay thuộn Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc.


Trước đây, Hưng Đạo Vương có người nô là Dã Tượngvà Yết Kiêu843, đối xử rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân844, Dã Tượng thì đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thủy quân tan cả. (Hưng Đạo) Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:


843 Dã Tượng: nghĩa là voi rừng, Yết Kiêu: là tên loài chó săn ngắn mõm. Dùng tên thú đặt cho người, nói lên địa vị làm "nô" thấp kém của họ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đời Trần, các nô tỳ có một vai trò rất lớn.


844 Bãi Tân: là một địa điểm trên sông Lục Nam.


"Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền".


Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói:


"Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi".


Nói xong cho chèo thuyền đi, Kỵ binh giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc [45b] Giang845.


845 Bắc Giang: tức là vùng đất tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc tỉnh Hà Bắc.


Sai Hàn lâm (viện) phụng chỉ Đinh Củng Viên quyền coi việc Bắc cung Nội sát viện.


Ất Dậu, (Thiệu Bảo) năm thứ 7 (1285), (từ tháng 9 về sau là Trùng Hưng năm thứ nhất, Nguyên Chí Nguyên năm thứ 22). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 6, tướng Ô Mã Nhi846 đánh vào các xứ Vạn Kiếp và núi Phả Lại847, quan quân vỡ chạy848.


846 Ô Mã Nhi: phiên âm từ tên Hồi giáo Omar.


847 Núi Phả Lại: tức là núi ở xã Phả Lại, cạnh sông Lục Đầu, đối diện với thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng.


848 Thực ra, ngày mồng 6 tháng giêng mới chỉ là ngày Ô Mã Nhi đánh vào phòng tuyến sông Bình Than. Mãi đến ngàu mồng 9 (14 - 2 - 1258), sau trận thủy chiến lớn, quân ta mới rút.


Ngày 12, giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh849, Đông Ngàn850, bắt được quân của ta, thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát"851 bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, giết hại rất nhiều. Rồi chúng đến Đông Bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn:


849 Vũ Ninh: sau là Võ Giàng, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.


850 Đông Ngàn: tức là huyện Từ Sơn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnhBắc Ninh.


851 Thát: tức là Thát Đát, phiên âm từ Ta - ta (Tatar hay Tarta) chỉ người Mông Cổ. Sát Thát nghĩa là giết giặc Thát Đát.


Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng:


"Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi".


Vua mừng, nói rằng:


"Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!"852


852 Ngựa kỳ, ngựa ký: chỉ những loại ngựa quý, ngựa tốt.


Rồi sai đem thư xin giảng hoà.


Ô Mã Nhi hỏi (Chung):


"Quốc Vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm".


Khắc Chung đáp:


"Chó nhà cắn người lạ không phải [46a] tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao lại không có?".


Nói rồi giơ cánh tay cho xem. Ô Mã Nhi nói:


"Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa cản bánh xe liệu sẽ ra sao?"


Khắc Chung nói:


"Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên 853, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tin trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người".


853 Hàn Tín: là tướng của Hán Cao Tổ, muốn đánh nước Yên, theo kế của Lý Tả Xa viết thư dụ trước, quả nhiên nước Yên đầu hàng.


Ô Mã Nhi nói:


"Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát".


Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng:


"Người này ở vào lúc bị uy hiếp [46b] mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xướng là Chích854, không nịnh ta lên là Nghiêu855, mà chỉ nói 'Chó nhà cắn người'; giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được".


854 Chích: Là một tên cướp sừng sỏ trong truyền thuyết Trung Quốc.


855 Nghiêu: Là vị hoàng đế lý tưởng trong truyền thuyết Trung Quốc.


Sai người đuổi theo Khắc Chung nhưng không kịp.


Ngày 13, giờ mão, Khắc Chung từ chỗ quân Nguyên trở về. Giặc đuổi đến, đánh nhau với quan quân.


Ngày 28, Hưng Đạo Vương bàn xin Thượng tướng thái sư Quang Khải chặn đánh cánh quân của Nguyên soái Toa Đô ở Nghệ An856.


856 Cánh quân do Toa Đô chỉ huy, được lệnh từ Chiêm Thành, đánh chiếm các châu lộ phía nam của ta, rối tiến ra bắc, phối hợp với các đạo quân của Thoát Hoan bao vây tiêu diệt vua tôi và quân đội nhà Trần.


Tháng 2, ngày Giáp Thìn mồng 1, con thứ của Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là thượng vị Chương Hiến hầu (Trần) Kiện và liêu thuộc là bọn Lê Trắc đem cả quân đầu hàng quân Nguyên857.


857 Trần Kiện vốn có hiềm khích vơí hoàng tử Đức Việp. Khi giặc Nguyên sang, Kiện được lệnh đóng giữ Thanh Hóa, Toa Đô tiến ra Thanh Hóa, Kiện đem bọn liêu thuộc đầu hàng giặc.


Toa Đô sai đưa bọn Kiện về Yên Kinh858. Thổ hào Lạng Giang859 là bọn Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, tập kích ở trại Ma Lục860. Gia nô của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Điạ Lô bắn chết Kiện. Trắc đưa xác Kiện lên ngựa, trốn đi đêm, chạy được vài chục dặm, tới Khâu Ôn [47a] chôn Kiện tại đó.


858 Yên Kinh: tức kinh đô nhà Nguyên.


859 Lạng Giang: tức Lạng Sơn ngày nay.


860 Trại Ma Lục: Ở Chi Lăng thuộc châu Lạng Giang thời đó, nay là tỉng Lạng Sơn.


Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy.


Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng (Vương là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được ban quốc tính) đánh nhau với giặc ở bãi Đà Mạc, nay là bãi Mạn Trù) bị chết.


Khi bị bắt, Vương không chịu ăn, giặc hỏi việc nước, Vương không trả lời, giặc hỏi Vương: "Có muốn làm vương đất Bắc không?".


Vương thét to: "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất bắc", rồi bị giết.


Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên861, sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn862 để đánh lừa giặc.


861 Tam Trĩ nguyên: là sông Ba Chẽ, ở huyện Ba Chẽ, thuộc tỉnh Quảng Ninh.


862 Ngọc Sơn: tên mũi biển thuộc châu Vạn Ninh tỉnh Quảng Yên đời sau, gần Móng Cái, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh.


Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt, mà Quốc Tuấn vốn có kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của Yên Sinh Vương863, nên có nhiều người nghi ngại. Quốc Tuấn theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người điếu gườm mắt nhìn. Quốc Tuấn liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi, còn nhiều việc đại loại như thế.


863 Chỉ việc Thái Tông cướp vợ của Yên Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ Hưng Đạo Vương.


[47b] Sử Thần Ngô sĩ Liên nói: Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử, như hào cửu tứ của quẻ Tuỳ864 thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. QuáchTử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy.


864 Lời hào cửu tứ, quẻ Tùy của Kinh dịch: "hữu phu, tại đạo, dĩ minh, bà cửu", nghĩa là: "Thành thực, phải đạo, sáng suốt sử trí thì sao có lỗi".


Tháng3, ngày Giáp Tuất, mồng 1 hai vua bỏ thuyền đi bộ đến Thủy Chú865. Lấy thuyền ra sông Nam Triệu866 (tức huyện Thủy Đường) vượt biển Đại Bàng867 vào Thanh Hóa.


865 Thủy Chú: có lẽ ở vào khoảng huyện lỵ Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.


866 Sông Nam Triệu: thời bấy giờ là con sông từ ngã ba Nam Triệu nay là xã Vũ Yên, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng chảy ra biển.


867 Cửa biển Đại Bàng nay là cửa Văn Úc thuộc huyện Kiến An, Hải Phòng. Biển Đại Bàng là vùng biển ngoài cửa Văn Úc.


Thượng vị Văn Chiêu hầu (Trần) Lộng đầu hàng Thoát Hoan. Kế đó, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem gia thuộc đầu hàng quân Nguyên.


Trước kia, khi Ích Tắc chưa sinh. Thái Tông mộng thấy thần nhân ba mắt từ trên trời xuống nói với Thái Tông:


"Thần bị thượng đế quở trách, xin thác sinh là con vua, sau lại trở về phương Bắc".


Đến khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vài vết lờ mờ như hình con bắt, [48a] hình dáng giống hệt người trong mộng. Đến mười lăm tuổi, thông minh hơn người, làu thông kinh sử và các thuật, vẫn còn có ý tranh đoạt ngôi trưởng đích. Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống nam. Đến nay, người Nguyên vào cướp, Ích Tắc xin hàng chúng để mong được làm vua. Người Nguyên phong làm An Nam Quốc Vương. Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc.


Nguyên soái Toa Đô đem 50 vạn quân từ Vân Nam qua nước Lão Qua868, thẳng đến Chiêm Thành869, hội với quân Nguyên ở Châu Ô Lý870 rôi cướp châu Hoan, châu Ái871, tiến đóng ở Tây Kết872, hẹn trong ba năm sẽ san phẳng nước ta.


868 Lão Qua: tức nước Lào ngày nay.


869 Các sử tịch Trung Quốc đều chép là Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu theo đường biển tiến đánh Chiêm Thành vào tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1282).


870 Ô Lý: tức vùng nam tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay.


871 Châu Hoan: là vùng Nghệ Tỉnh ngày nay, Châu Ái: là tỉnh Thanh Hóa ngày nay.


872 Tây Kết: ở ven sông Hồng, khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngày nay, thôn này cách sông Hồng 3 km, đất bãi (tức bãi Mạn Trù, nay thuộc xã Tân Châu), nhưng xưa kia sông kề thôn.


Vua bàn với bầy tôi rằng: "Bọn giặc nhiều năm phải đi xa, lương thảo chuyên chở hàng vạn dặm, thế tất mỏi mệt. Lấy nhàn chống mệt, trước hết hãy làm chúng nhụt chí, thì ắt là đánh bại được chúng".


Mùa hạ, tháng 4, vua sai bọn Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn hầu Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đem tiệp binh đón đánh giặc [48b] ở bến Tây Kết.


Quan quân giao chiến với quân Nguyên ở Hàm Tử Quan873. Các quân đều có mặt. Riêng quân của Chiêu Văn Vương Nhật Duật có cả người Tống, mặc quần áo Tống, cầm cung tên chiến đấu. Thượng hoàng sợ các quân có thể không phân biệt được, sai người dụ rằng: "Đó là quân Thát874 của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng".


873 Hàm Tử Quan: ở xã Hàm Tử, huyện Châu Giang, Hải Hưng bên sông Hồng.


874 Thát: tức Thát Đát, xem chú thích 6, tr.50. Ở đây chỉ quân Tống tham gia hàng ngũ chiến đấu của Nhật Duật.


Vì người Tống và người Thát, tiếng nói và y phục giống nhau. Quân Nguyên trông thấy (quân Tống) đều rất kinh hãi, bảo nhau là người Tống sang giúp, vì thế thua chạy.


Trước kia, nhà Tống mất, nhiều người Tống theo ta, Nhật Duật thu nạp họ, có Triệu Trung làm gia tướng. Cho nên chiến công đánh bại giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả.


Tháng 5, ngày mồng 3, hai vua đánh bại giặc ở phủ Trường Yên875, chém đầu cắt tai giặc nhiều không kể xiết.


875 Trường Yên: vùng đất tỉnh Ninh Bình.


Ngày mồng 7, thám tử báo tin: Toa Đô từ Thanh Hóa tới.


Ngày mồng 10, có người từ chỗ giặc trốn về đến ngự doanh tâu báo:


Thượng tướng Quang Khải, Hoài Văn Hầu Quốc Toản và Trần Thông, Nguyễn Khả Lạp cùng [49a] em là Nguyễn Truyền đem dân binh các lộ đánh bại quân giặc ở các xứ Kinh Thành, Chương Dương876. Quân giặc tan vỡ lớn. Bọn thái tử Thoát Hoan, Bình chương A Lạt rút chạy qua sông Lô877.


876 Chương Dương: theo CMCB7 thì Chương Dương là tên bến. Nay ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình còn có tên xã Chương Dương ở ven sông Hồng.


877 Sông Lô: tức sông Hồng.


Ngày 15, hai vua bái yết các lăng ở Long Hưng.


Ngày 17, Toa Đô và Ô Mã Nhi lại từ biển đánh vào sông Thiên Mạc, muốn hội quân ở Kinh sư, để chi viện cho nhau.


Du binh giặc đến huyện Phù Ninh878, viên phụ đạo huyện ấy là Hà Đặc lên núi Trĩ Sơn cố thủ. Giặc đóng ở động Cự Đà879. Hà Đặc lấy tre đan thành những hình người to lớn, cho mặc áo, cứ đến chiều tối thì dẫn ra dẫn vào. Lại dùi thủng cây to, cắm tên người lớn vào giữa lỗ để giặc ngờ là sức bắn khỏe xuyên suốt được. Giặc sợ không dám đánh nhau với Đặc. Quân ta hăng hái xông ra đánh bại được giặc.


878 Phù Ninh: thuộc tỉnh Phú Thọ. Cánh quân giặc đến Phù Ninh hẳn là cánh quân rút chạy về Vân Nam.


879 Động Cự Đà: có lẽ thuộc xã Tử Đà, huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Theo thần tích địa phương thì Hà Đặc là người xã Tử Đà.


Giặc đuổi đánh đến A Lạp, bắc cầu phao qua sông, hăng đánh quá bị tử trận. Em là Chương bị giặc bắt, lấy trộm được cờ xí, y phục của giặc trốn về, đem [49b] dâng lên, xin dùng cờ ấy giả làm quân giặc, đến doanh trại giặc. Giặc không ngờ là quân ta, do vậy ta cản phá được chúng.


Ngày 20, hai vua tiến đóng ở Đại Mang Bộ880. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên Soái Toa Đô881. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hoá, hai vua đuổi theo nhưng không kịp bắt được hơn năm vạn dư đảng giặc đem về, Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát.


880 Đại Mang Bộ: là tên bến trên sông Hồng, chưa rõ ở đâu.


881 Có tài liệu ghi là Toa Đô phóng ngựa rơi xuống nước chết (An Nam chí lược), lại có tài liệu ghi là Toa Đô chết ở sông Cầu (Nguyên sử).


Hưng Đạo Vương lại giao chiến với Thoát Hoan và Lý Hằng ở Vạn Kiếp, đánh bại được, giặc chết đuối rất nhiều. Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh. Quân ta lấy tên tẩm thuốc độc bắn trúng đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết. Tỳ tướng Lý Quán thu nhặt năm vạn quân còn lại, giấu Thoát Hoan vào một đồ đồng, chạy chốn về Bắc. Đến Tư Minh, Hưng Vũ Vương đuổi kịp, dùng tên tẩm thuốc độc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên [50a] tan vỡ lớn.


Vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, thương hại nói: "Người làm tôi phải nên như thế này".


Rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng ngầm sai lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô mượn đường vào cướp nước ta đã ba năm vậy882.


882 Toa Đô xuất phát từ Quảng Châu để đánh Chiêm Thành từ năm 1282, đến khi đánh bại, bị chém đầu ở trận Tây Kết năm 1285, tức là đã ba năm.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương! Nói rõ đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để trừ giặc mạnh là phải lắm.


Tháng 6, ngày mồng 6, hai vua trở về kinh sư, Thượng tướng Quang Khải làm thơ rằng:


Đoạt sáo Chương Dương độ,


Cầm hồ Hàm Tử quan.


Thái bình tu trí lực,


Vạn cổ thử giang san.


(Bến Chương Dương cướp giáo.


Cửa Hàm tử bắt thù.


Thái bình nên gắng sức,


Non nước cũ muôn thu).


[59b] Ngày hôm ấy nước to.


Sai Trung phẩm phụng ngự Đặng Du Chi đưa bọn tề thần của Chiêm Thành là Bà Lậu, Kê Na Liên ba mươi người về nước, vì đi theo Toa Đô nên bị bắt.


Mùa thu, tháng 8, sai Tả bộc xạ Lưu Cương Giới tuyên phong công thần theo thứ bậc khác nhau và trị tội những kẻ hàng giặc.


Tháng 9, đổi niên hiệu là Trùng Hưng năm thứ 1. Đại xá


Bia chùa Bảo Thiên gãy làm đôi. Núi Cảo Sơn lở.


Ngày 12, gia tôn huy hiệu cho các tiên đế và tiên hậu


Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu định hộ khẩu trong nước. Triều thần can là dân vừa lao khổ, định hộ khẩu thực không phải là việc cần kíp. Vua nói:


"Chỉ có thể định hộ khẩu vào lúc này, chẳng nên qua đó mà xem xét (tình trạng) hao hụt, điêu tàn của dân ta hay sao?"


Quần thần đều khâm phục.


[51a] Bính Tuất, Trùng Hưng năm thứ 2 (1286), Nguyên Chí Nguyên năm thứ 23). Mùa xuân, tháng giêng, thả quân Nguyên về nước.


Tháng 2, sứ Nguyên là Hợp Tán Nhi Hải Nha883 đến.


883 Phiên âm từ tiếng Mông Cổ Kha-xa Kha-ya (Qasar-Qaya).


Tháng 3, vua Nguyên sắc phong cho Thượng thư tỉnh Áo Lỗ Xích884, Bình Chương sự Ô Mã Nhi, Đại tướng Trương Văn Hổ điều 50 vạn quân, hạ lệnh Hồ Quảng đóng 300 chiếc thuyền biển, hẹn tháng 8 hội cả ở Khâm Châu, Liêm Châu. Lại ra lệnh quân ba hành tỉnh Giang Chiết, Hồ Quảng, Giang Tây xâm lược phương Nam, mượn cớ đưa người đầu hàng là Trần Ích Tắc về nước lập làm An Nam Quốc Vương.


884 Tên Mông Cổ là A-gu-rúc-tri (Auruyvci).


Mùa hạ, tháng 6, lệnh cho vương hầu, tôn thất mộ binh, thống lĩnh thuộc hạ của mình.


Vua hỏi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn:


"Thế giặc năm nay thế nào?"


QuốcTuấn trả lời:


"Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh. Cho nên, năm trước quân Nguyên vào cướp, thì có kẻ đầu hàng chốn chạy. Nhờ uy tín của tổ tông và thần võ của bệ hạ, nên quét sạch được bụi Hồ. Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc chiến trận, mà quân nó thì sợ phải đi xa. Vả lại, chúng còn nơm lớp cái thất bại của Hằng, Quán885 [51b] không còn chí chiến đấu. Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn".


885 Chỉ Lý Hằng và Lý Quán bị chết trong cuộc chiến tranh 1285.


Vua lệnh cho Hưng Đạo Vương đốc thúc vương hầu tôn thất điều động quân lính, chế tạo vũ khí, thuyền bè.


Mùa đông, tháng 10, kiểm duyệt, diễn tập quân lính điều động được.


Đinh Củng Viên xin thôi quyền trông coi việc Nội mật viện. Vua y cho, ban (cho Viên) tước Nội minh tự.


Đinh Hợi, Trùng Hưng năm thứ 3 (1287), (Nguyên Chí Nguyên năm thứ 24). Mùa xuân, tháng 2, Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu băng.


Tháng 2, cá nhà táng chết cạn ở sông Bạch Đằng, dài 2 trượng 6 thước, dày 6 thước.


Nhà Nguyên Phát Quân Mông Cổ, quân Hán Nam886, ba hành Tỉnh Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, lính Vân Nam, lính người Lê ở bốn châu ngoài biển887, chia đường vào cướp. Sai bọn vạn hộ Trương Văn Hổ đi đường biển, chở 70 vạn thạch lương888 theo sau. Lại đặt Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh [52a] do Bình chương sự Áo Lỗ Xích, các Tham tri chính sự Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thống lĩnh và chịu tiết chế của Trần Nam Vương.


886 Quân Hán Nam: là quân người Hán ở nam Trung Quốc, trong khu vực đất nhà Nam Tống cũ, thư tịch Trung Quốc đời Nguyên thường gọi là quân tân phụ.


887 Tức bốn châu Nhai, Quỳnh, Đạm, Vạn trên đảo Hải Nam.


888 Thạch: là đơn vị đo lường thời xưa, mỗi thạch có mười đấu.


Quan chấp chính xin bọn tráng đinh sung quân để tăng quân số lên nhiều. Trần Hưng Đạo nói: "Quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Dẫu đến 100 vạn quân mà như Bồ Kiên889 thì cũng làm gì được?".


889 Bồ Kiên: là vua tiền Tần (một nước do tộc Đê lập nên ở bắc Trung Quốc) đem 100 vạn quân đánh Đông Tấn (Hán tộc), bị các tướng Tấn như Tạ Thạch, Tạ Huyền đánh tan tác trong trận Phì Thủy nổi tiếng. Bồ Kiên sau trận này chỉ còn mười vạn tàn quân chạy trốn về Lạc Dương.


Tháng 3, ân xá.


Mùa hạ, tháng 4, lấy Tá Thiên Đại Vương Đức Việp quyền tướng quốc sự.


Duyệt binh. Xử án. Định các danh sách.


Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, nhật thực.


Tháng 11, ngày 11, giờ Mùi, mặt trời rung thành 4 góc.


Ngày 14, Trịnh Xiển tâu rằng thái tử Nguyên A Thai890 xâm phạm ải Phú Lương.


890 Theo Nguyên sử quyển 149, trong lần xâm lược này có một chư vương A Thai đi theo cánh quân Vân Nam do Ái Lỗ chỉ huy, có lẽ Toàn thư lầm ra là thái tử.


Vua hỏi Hưng Đạo Vương: "Giặc tới, liệu tình hình thế nào".


Vương trả lời: "Năm nay đánh giặc nhàn".


Ngày 24, lệnh cho cấm quân giữ ải Lãnh kinh891.


891 Ải Lãnh Kinh: có lẽ vào khoảng Đáp Cầu, trên sông Cầu (Hà Bắc), cấm quân đóng ở đây để chặn đánh cánh quân Nguyên từ Vĩnh Bình, Chi Lăng đánh xuống.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom