• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đàn cổ cầm khỏa thân (4 Viewers)

  • Chương 12

Đỗ Cố và Đỗ Phụng chán học lắm, thường xuyên trốn lớp đi la cà trong phố, những nơi có họp chợ. Một người bán thảo dược thương hai đứa, dạy chúng đánh vật và dùng vũ khí. Một ngày nọ, Đỗ Cố và Đỗ Phụng gặp một người bán thịt. Hai đứa ẩu đả với ông ta rồi lỡ tay giết chết ông ta. Để không bị quân lính bắt và sợ ông nội nổi giận, chúng trốn khỏi Dự thành. Lúc đó, chúng mới mười hai và mười một tuổi. Người bán thảo dược gửi chúng tới một người anh họ, người này lại gửi chúng tới nhà ông anh, một thợ rèn ở một thành phía tây. Người này giữ chúng lại một năm rồi gửi chúng đến một người làm vũ khí ở một miền xa. Chúng đi bộ băng qua Bắc Trung Hoa. Khi đói, chúng tấn công những người đi đường không biết phòng bị và lấy tiền bạc của họ. Nhưng đến lượt mình, chúng bị tấn công và bị trộm. Chúng cũng gặp những thầy tu hành hương, những phu bảo vệ xe thồ, những người mãi võ và lũ cướp đôi lúc trở thành bạn chúng. Những cuộc gặp gỡ tình cờ cho chúng biết hướng đi rồi chúng đến biên giới Tây Bắc.
Dưới đôi mắt mở to ngạc nhiên, chân trời mới mở ra. Những thung lũng trở thành một mảnh đất bằng phẳng, rộng lớn đầy cỏ thu hút từng bầy chim trắng và những đám mây như bông gòn. Nhưng một ngày kia, tiếng tù và inh tai nổi lên. Từ một nơi nào đó không rõ, một toán người Tiên Ti lao vào giữa thung lũng, dàn hàng dài trước những kỵ binh Nhu Nhiên phi nước đại đến. Cả hai quân nhìn nhau khinh bỉ từ xa, bắn những cơn mưa tên qua lại trước khi lao vào nhau như hai con sóng cuồng loạn. Thấy cuộc chiến hấp dẫn và vũ khí đẹp đẽ, cả hai cướp lấy gươm và áo giáp của những người chết rồi đi theo quân Tiên Ti. Lúc đó chúng được mười lăm và mười bốn tuổi.
Toán quân lại lên đường đi về hướng tây để lấy lại những thành đô từ tay người Tây Tạng và người Thát Đát. Sau đó họ được triệu hồi để đàn áp cuộc nổi dậy của nông dân Hán trong vùng Trung Nguyên. Rồi họ lại phi nước đại về Đông Bắc để chống quân Khiết Đan xâm lược. Cứ mỗi trận chiến, hai đứa trẻ lại nghĩ rằng chúng sẽ chẳng còn nhìn thấy mặt trời lần nữa, nhưng may mắn hết lần này đến lần khác lại đến với chúng. Chúng luôn hồi phục sau khi bị thương.
Dù người Tiên Ti đã thống nhất Bắc Trung Hoa, họ vẫn phải giữ vững sự cai trị bằng tên và kiếm. Ở đó, dòng máu quý tộc chẳng thể nào so với lòng gan dạ và sự ma mãnh trên chiến trận. Mười năm trôi qua. Dù có gốc gác gia đình thấp kém, từ chỗ là những kỵ binh bình thường, hai anh em họ đã được thăng tiến thành thủ lĩnh toán quân, rồi tướng triều đình.
Trên bờ Bắc sông Dương Tử, chúng nhận lệnh chuẩn bị xâm chiếm phương Nam. Chúng huấn luyện lính tráng tập trận thủy chiến trong khi chờ tin. Tin tức triều đình không thấy đến; tin đồn xì xào khắp nơi làm lính tráng bán tín bán nghi chẳng biết thế nào. Chúng được tin sau những bất đồng của hai phe Hoàng hậu, Hoàng đế, Hoàng thái tử và các đảng phái, vương quốc Tiên Ti bị chia làm hai triều, triều Đông Ngụy và triều Tây Ngụy, với hai hoàng đế, hai kinh thành. Người Tiên Ti phải chọn những quân vương mới, và theo lựa chọn của tướng quân thượng cấp, Đỗ Cố và Đỗ Phụng gia nhập quân Đông Ngụy.
Chiến tranh giữa hai vương quốc Tiên Ti còn tàn khốc hơn những cuộc chiến tranh trước đó. Sau những cuộc giáp quân với người Tây Ngụy, quân của chúng bị tan tác, tướng quân của chúng bị giết. Là những người duy nhất sống sót sau trận chiến, chúng quyết định sẽ chỉ chiến đấu vì chính chúng thôi. Hoành hành ngang dọc trên biên giới giữa hai triều nhà Ngụy, như những đám mây đen quần thảo trên bầu trời, chúng cướp bóc các khu phố và làng mạc, thỉnh thoảng lại gia nhập các toán lính nhỏ người Tiên Ti, người Hung Nô, người Khiết Đan và người Hán trung lập. Cả hai vương triều nhà Ngụy vừa truy bắt chúng vừa cung cấp vũ khí và ngựa để chúng đánh vương triều bên kia. Lúc thì quân số của chúng tăng lên, lúc thì chẳng còn một mống. Không biết ngày mai có còn sống hay không nên chúng ăn chơi, tiệc tùng mỗi khi có được cái gì đó để ăn uống.
Ở phương Bắc, những người lính theo truyền thống mang theo tất cả của cải mình có, trong đó phần nhiều kiếm được nhờ cướp bóc. Các tướng quân trả công cho binh sĩ chiến thắng bằng cách cho phép họ càn quét chiến trường. Trên những xác chết, họ tìm thấy những cái cổ đầy vòng vàng, những cánh tay đầy vòng bạc và ngọc thạch, những chiếc áo thêu ngọc trai bên trong. Cũng có những thanh kiếm mũi nạm đá quý, những cung tên khảm xà cừ và lông chim quý truyền từ tay kẻ này sang kẻ khác, qua nhiều thế hệ người sống và người chết. Nhân cơ hội đó, binh lính thay quần áo mới, vũ khí, mũ giáp mới, yên ngựa mới. Khi sống, người ta chém giết lẫn nhau; khi chết, người ta trở thành những người làm giàu cho người sống.
Khi Đỗ Phụng còn là một tên lính quèn, sau khi lập công đuổi một toán quân xâm lược ở biên giới phía tây, ông đã nhận được lệnh đi càn quét chiến trường. Sáng hôm đó, khi ông nhìn qua toàn bộ vùng đất bị đóng băng đầy rẫy xác chết, như một người chơi xúc xắc có kinh nghiệm, ông đoán được những người chết giàu đến mức nào, rồi tiến về một trong số những xác chết đó. Đầu tóc và quần áo y cho thấy y thuộc bộ tộc du mục ở cực Bắc, những người lính của họ nổi tiếng với việc mang theo những viên đá quý làm bùa. Khi cúi xuống gần, Đỗ Phụng nhận ra y vẫn còn đang thở dù ngập trong vũng máu. Một thanh kiếm đã đâm vào cuống họng y đồng thời y cũng đã bị mất một phần vai và cánh tay. Một ánh sáng hừng hực chạy qua đôi mắt đang khép hờ của y, báo hiệu cái chết sắp đến. Đỗ Phụng cắt dây buộc áo giáp của y rồi chuẩn bị tìm kiếm cái áo choàng thì kẻ bị thương nhấc chân lết lại gần, rồi vung tay toan đấm vào phía bụng dưới của ông. Đỗ Phụng liền rút dao cắt cổ tay y. Đã mất hết máu từ trước nên tên địch không chảy máu nữa. Y nhanh chóng trút hơi thở nhưng vẫn nắm chặt tay. Đỗ Phụng vừa đẩy y ra vừa nguyền rủa. Lúc đó ông mới biết rằng tên lính không phải đấm ông, mà thật ra là muốn đưa cho ông một gói nhỏ mạ xi có quấn khăn.
Sau vụ việc này, Đỗ Phụng không muốn tìm kiếm nữa. Ông trở về trại. Trong góc trại, ông mở gói ra rồi rút ra một cuốn sách da cừu trên bìa có những ký tự mà ông không biết đọc. Sau trận chiến, khó có thể biết xác nào là người nào. Không giống như người Hoa Hạ có thói quen thêu tên họ và quê quán ở dưới áo, những người du mục phương Bắc không để lại dấu hiệu gì về thân thế. Biết rằng khó gặp được chuyện như chuyện về người lính mà ông vừa cướp bóc, Đỗ Phụng giấu cuốn sách trong thắt lưng của mình.
Giống như loài sói mà họ thờ phụng, người Tiên Ti sống theo bầy. Từng sống với cha mẹ, anh chị em và những huynh đệ trong quân đội, Đỗ Phụng chưa từng biết đến cô đơn. Cái gói nhỏ này làm ông bỗng thấy thích được ở một mình. Ông có thói quen tránh xa đám lính tráng rồi mở cuốn sách ra. Những kí tự không thể giải mã dần quen thuộc với ông. Khi ông xem nhiều, nó trở thành những bức tranh, rồi Đỗ Phụng nhận ra trong đó từng đám mây, bóng trăng treo sau đỉnh núi, một mặt hồ có rừng cây bao quanh, một cánh đồng hoa và nhiều thứ khác. Những con số hòa lẫn với nhau ở đó, tạo thành phách điệu. Sự ồn ào của đời nhà binh lúc đó bỗng tắt để một thứ âm nhạc chầm chậm được cất lên, cho ông cảm xúc hòa trộn giữa hào sảng và sầu bi.
Ông bí mật dò hỏi những kẻ tù nhân. Những trận chiến không dứt đã cho ông gặp những tù binh có nguồn gốc khác nhau. Nhưng ông phải tốn rất nhiều thời gian mới tìm được một sĩ phu người Hán. Chỉ thoáng nhìn ông ta đã nói ngay đó là một khúc nhạc cho đàn cổ cầm, các nốt là các con số và ký tự Hán ngữ.
Đỗ Phụng hy vọng đó là một chữ viết kỳ bí chỉ dẫn đến một kho báu của một hoàng tử mất ngôi và mất đầu được giấu kín. Đàn cổ cầm là nhạc cụ mà ông chẳng biết âm thanh hay hình dạng thế nào. Bực tức, ông đã muốn vứt cuộn giấy da vào lửa nhưng cuối cùng giữ lại vì nghĩ rằng nếu người lính đã tin cẩn giao nó lại cho ông, hẳn nó có giá trị.
Các mùa lần lượt trôi qua và Đỗ Phụng được thăng tiến dần. Khi ông có quyền ra lệnh, ông đã ra lệnh cho lính tráng tìm một cây đàn cổ cầm và dẫn một tên tù binh biết chơi đàn đến gặp mình. Binh lính mang đến tất cả các loại nhạc cụ Trung Hoa có hình ống, hình tù và, hình chảo, hình tháp chùa. Các nhạc cụ bằng gỗ, bằng da, bằng sậy, bằng kim khí. Thấy hình dáng và âm thanh của chúng thú vị, bất cứ khi nào được nghỉ ngơi, Đỗ Phụng đều tháo chúng ra để tìm hiểu phương thức chúng tạo ra các loại âm thanh. Các chốt, cầu, dây đàn, khung âm, hộp cộng hưởng, bàn phím, ông học thuộc cấu trúc của chúng mà không biết chúng tên là gì.
Giữa hai trận chiến, ông lại được nhấm nháp những khoảnh khắc yên bình như nhấp nháp một chén sữa cừu. Nếu như một người lính Tiên Ti thường thổi sáo say mê trước cảnh mặt trời lặn thì người Hán thường thổi tiêu, một loại sáo tre lớn cầm theo chiều thẳng đứng khi chơi. Các âm điệu mà trước đây ông không chú tâm bắt đầu trám đầy trái tim ông. m nhạc làm ông quên đi những vết thương đau đớn và những cơ bắp rã rời. m nhạc bao phủ lấy ông, giúp các bắp chân và đầu óc ông thư giãn. m nhạc như một mặt trời quay quanh bầu trời, như gió làm cánh đồng trổ bông, âm nhạc có thể thấy được và nghe được với tất cả những ai muốn nhận những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, không người lính nào mang lại môt cây đàn cổ cầm. Đỗ Phụng kết luận rằng nó rất quý hiếm và cũng giống như màu tía dành riêng cho hoàng đế và lụa không dành cho phàm phu tục tử, cây đàn cổ cầm không thể do những con người trần thế chơi. Do đó, bản nhạc viết trên da cừu còn quý giá hơn nữa.
Kiên trì là con đường dẫn đến may mắn, còn ngẫu nhiên là phần thưởng của nó. Sau cuộc cướp phá một kinh thành trong vùng xa xôi ở cực tây, binh lính của Đỗ Phụng báo lại rằng chúng đã tìm thấy một người Hán sống trong một ngôi nhà bốn bức tường đều treo nhạc cụ. Ông vội vàng đến đó. Binh lính không được đốt ngôi nhà và con đường chỗ người thợ đàn cư ngụ. Trong khi chờ thủ lĩnh tới, chúng đã buộc người Hán nọ vào một cái cây ở giữa sân. Đỗ Phụng cho tất cả lui. Ông tháo dây cho người thợ đàn, mời ông ta ngồi xuống rồi rút tấm da cừu ra.
Người Hán nọ run rẩy hồi lâu rồi mới bình tĩnh lại được. Ánh mắt sợ hãi của ông ta cứ hết nhìn tấm da cừu lại liếc Đỗ Phụng, rồi cuối cùng dừng lại trên các nốt nhạc. Ông ta đọc nhanh các ký tự kỳ bí rồi đọc lại lần thứ hai. Ông ta lẩm bẩm rồi nhịp nhịp tay phải để đánh nhịp cho lời ông ta hát rất hỗn độn. Khuôn mặt ông ta bừng sáng rồi co rúm lại mỗi khi ông ta có vẻ gặp khó khăn trong việc đọc nhạc.
- Không thể nào, - ông ta vừa thì thầm vừa gãi đầu.
Ông ta nhìn chằm chằm vào không trung rồi lại chìm đắm vào bản nhạc, tay vẫn nhịp nhịp theo nhạc.
- Đúng vậy!... Không thể tin nổi… Tôi không bao giờ dám tin!...
Ông ta im bặt, hàng lông mày nheo lại. Ông ta nhịp bàn chân. Bất ngờ ông ta lăn ra đất, dập đầu lạy lục Đỗ Phụng.
- Tướng quân xin cho thảo dân được dùng đàn cổ cầm!
Một cây đàn cổ cầm! Đỗ Phụng run rẩy sung sướng. Người Hán nọ vội vã vào nhà rồi trở ra với một nhạc cụ có hình chiếc lá chuối dày ba đốt tay và dài bằng năm bàn chân. Ông ta siết lần lượt bảy sợi dây đàn rồi vừa chơi vừa đọc bản nhạc.
Đỗ Phụng quên cả chuyện chiến tranh. Các âm thanh bổng và trầm phát ra từ cây đàn cuốn lấy ông như gió thổi qua tán cây làm lá run rẩy. Ông ngước lên. Bầu trời trong xanh không một gợn mây mở ra. Đã lâu lắm rồi ông không còn nhìn thấy vẻ đẹp của bầu trời! m nhạc tiếp tục, rồi im lặng, như một dòng nước nóng sinh ra trong lòng ông và chảy khắp ngõ ngách trong cơ thể ông. Trước đây ông chưa bao giờ nghe được sự im lặng!
Mặt trời chầm chậm chuyển về tây. Khi đêm xuống, một chiếc bàn được đặt vào giữa sân. Đỗ Phụng và người thợ đàn uống rượu như bạn bè thân thiết.
Đỗ Phụng kể lại chuyện ông đã có được bản nhạc này như thế nào rồi hỏi người Hán nọ bản nhạc được ghi trong đó là bản gì. Đã thấm hơi men, người thợ đàn cao giọng:
- Là một phiên bản dài của khúc Quảng Lăng tán! Tôi tự hỏi phép màu nào đã giúp nó thoát khỏi những cuộc chiến liên miên hoành hành Trung Nguyên và ai là người đã chép lại nó trên tấm da cừu!
Nhìn thấy Đỗ Phụng bối rối không hiểu, ông ta giải thích:
- Trước đây, thi sĩ Kê Khang cho rằng một hồn ma nữ sĩ đã truyền cho ông bản Quảng Lăng tán. Khi bị Tấn vương Tư Mã Chiêu khép tội chết, ông đã chơi khúc nhạc này trên cọc hành hình rồi hét lớn: “Cháu ta là Hiếu Ni rất muốn học bản nhạc này, ta đã không dạy cho nó. Từ đây, khúc nhạc này sẽ chết cùng ta!”. Sau khi ông chết, người ta tìm thấy rất nhiều phiên bản cùng tên. Một trong số đó đã được gia đình tôi giữ kĩ. Nhưng nó vẫn chưa đạt đến độ tinh tế và thanh tao như phiên bản trên tấm da cừu của tướng quân!
Đỗ Phụng biết được rằng nghề làm thợ đàn là cha truyền con nối, rằng tổ tiên của Thẩm Thanh Lâm sống ở Trường An, nơi người ta làm đàn cổ cầm dâng cho các hoàng đế. Khi kinh đô Trường An rơi vào tay giặc Hung Nô, gia đình ông theo cuộc di dân của người Trung Hoa và phải vượt qua dòng sông để lánh nạn ở bờ Nam. Tới dòng sông Dương Tử, ông cố tổ của ông đã quyết định quay lại.
“Các thư khố đã bị thiêu rụi, những sĩ phu bị bắt bớ, các cung điện trở thành tro bụi. Ai có thể chắc rằng dòng Dương Tử có thể cản được quân lính man di? Chúng ta hãy ở đây và trốn trong một ngôi làng. Nhờ gia tộc chúng ta, nghề làm đàn sẽ được bảo tồn. Khi chẳng mấy chốc chẳng còn sách vở, chẳng còn thi ca, chẳng còn hội họa, chẳng còn cây đàn cổ cầm nào trong những kinh thành trước kia thuộc về người Hán, chúng ta sẽ là những người bảo tồn cuối cùng”.
Mặt trăng đã lên, hai người đàn ông không ngừng thêm rượu. Đỗ Phụng biết được nhiều thế kỷ sau, gia đình họ Thẩm đã dần khấm khá, rồi biết thêm Thẩm Thanh Lâm có ba cô con gái mà không có con trai để truyền lại nghề làm đàn. Nửa tỉnh nửa say, Đỗ Phụng hét lên:
- Ông cứ việc nhận ta làm đồ đệ.
- Tướng quân sao?
Thẩm Thanh Lâm nhấp nháy mắt rồi phá lên cười.
-Đàn cổ cầm là một nhạc cụ thiêng liêng! Nó được thần Phục Hy tạo ra để dành cho người lương thiện và bình tâm. Người Tiên Ti cướp bóc, đốt phá và giết chóc. Thời nhà Tây Tấn, tổng đốc Dự thành đã để cho quân Tiên Ti vào Trung Nguyên. Người Tiên Ti bắt hàng nghìn cô gái Hoa Hạ, một nửa để mua vui cho chúng, một khác để mang thai. Khi tổng đốc nhận ra điều đó và đòi lại tám nghìn cô gái còn sống sót, người Tiên Ti vì không thể ăn thịt tất cả cùng lúc, đã dìm chết họ ở nhánh sông Y Hà làm khúc sông này ngừng chảy trong nhiều tháng trời…
Đỗ Phụng mỉm cười nhưng không ngắt lời. Ở bờ Nam cũng như bờ Bắc của sông Dương Tử, người Tiên Ti bị ghê sợ, thù hằn, bị so với quỷ dữ và thú hoang. Nhưng các tướng quân Tiên Ti không phủ nhận huyền thoại về sự hung tợn của họ, điều có thể làm quân địch run sợ và đẩy chúng đến chỗ đầu hàng.
Người Hán nọ nói tiếp:
- Khi Nhiễm Mẫn tiêu diệt nhà Bắc Triệu, ông ta đã giải phóng năm mươi nghìn cô gái Hoa Hạ bị bắt để quân Hung Nô ăn thịt. Khi Nhiễm Mẫn bị thất trận trước quân Tiên Ti, quân Tiên Ti bắt năm mươi nghìn phụ nữ ăn thịt qua mùa đông. Người ta nói rằng vào mùa xuân, một núi xương nằm ở ngoài thành… Người ta cũng kể rằng khi đại hãn Thác Bạt Tự dấy ba mươi nghìn quân Tiên Ti tấn công triều Nam Tống, ông ta đã không cần tiếp tế. Quân của ông ta sống nhờ cướp bóc và ăn thịt người khi không tìm ra cao lương…
- Ta muốn học đàn cổ cầm, - Đỗ Phụng nói với ông ta. - Nếu ông từ chối, con đường này sẽ bị đốt rụi, ông và các xóm giềng sẽ bị quay chín.
Người Hán nọ tím tái mặt mày. Ông ta cúi đầu rồi uống một hơi cạn chén rượu đầy. Thứ nước đó chảy qua miệng rồi tràn ngập lồng ngực ông ta. Ông ta lấy cây đàn cổ cầm rồi để ngón tay lên những chỗ khác nhau.
- Lúc đầu, đàn cổ cầm chỉ có năm dây, - ông ta nói. - Dây đầu tiên, dây cung, tương ứng với Địa nuôi dưỡng bốn mùa. Nó gồm tám mươi mốt sợi chỉ lụa, đó là dây lớn nhất trong bảy dây. Nó tạo ra âm trầm, uy nghi, tượng trưng cho bậc quân vương. Dây thứ hai, dây thương, tương ứng với Kim và mùa thu. Nó gồm bảy mươi hai dây lụa và tạo ra thanh rõ ràng. Nó biểu trưng cho bậc công hầu. Dây thứ ba, dây giốc, là Mộc và mùa xuân. Nó gồm sáu mươi tư sợi chỉ lụa. Mùa xuân thế gian bừng nở. Như từng khóm cây mới nhô lên khỏi mặt đất để tung cành trổ ngọn, dây thứ ba rất mong manh. Nó run rẩy ngay khi ta chạm vào. Do đó, nó tượng trưng cho dân chúng. Dây thứ tư, dây chủy, là Hỏa và mùa hè. Nó gồm năm mươi bốn dây lụa. m thanh của nó dồi dào, thịnh vượng. Nó tượng trưng cho thiên nhiên. Dây thứ năm là dây vũ, là Thủy và mùa đông. Vào mùa đông, lá rụng đi và vạn vật khỏa thân. Vũ trụ mất hết mặt nạ và bị phơi trần. Nó tượng trung uôn vật đang sống. Dây thứ sáu được Chu Văn Vương thêm vào. Và dây thứ bảy được Chu Vũ Vương thêm vào.
Người thợ đàn lật cây đàn lại.
- Các âm thoát ra từ hộp âm làm từ hai thân gỗ được đẽo gọt và dán vào nhau. Thợ đàn làm việc không cần cảm xúc. Lạnh lùng và chính xác, anh ta có thể đẽo gọt thân gỗ nhờ vào những phương thức tổ tiên đã định sẵn, tạo ra mặt nhẵn, hình dáng và tỷ lệ hoàn hảo là nguồn gốc của các âm thanh như tiếng gió, tiếng sét, tiếng nước hồ, tiếng sao trời bay lên… Ở đây, đây là “hồ rồng”, kia là “bồn phượng”. Bên trong, mắt thường không nhìn thấy được, có một “cột trời”, một “cột đất”. Chúng vừa rung lên, khuấy động và tạo ra âm, vừa sinh ra sự im lặng mà tâm hồn có thể cảm nhận được. Với những ai đã quen nghe tiếng trống trận, bàn tay và cổ tay chỉ biết đường gươm, lưỡi kiếm, với một cái bụng quen những cơn đói chiến tranh và hận thù, người đó không thể nào biến một khúc gỗ thành một cây đàn cổ cầm được đâu.
Ông ta nhìn chằm chằm khuôn mặt Đỗ Phụng hòng làm ông thối chí:
- Không như các nhạc cụ sênh, tiêu, sáo, tỳ bà, nguyễn, không như các nhạc cụ chơi nhờ gió, nhờ dây khẩy và các loại trống, đàn cổ cầm không chơi trong dàn hòa tấu. Nó trốn tránh đám đông và không muốn lọt vào những lỗ tai thô lỗ. Đàn cổ cầm là khởi nguồn của con người chứ không phải là vật trang hoàng cho tài năng của người đó. Đàn cổ cầm là không biết xao lãng, nó luôn suy nghĩ. Một văn nhân chơi đàn cổ cầm cho chính ông ta, xa lánh thời thế. Đàn cổ cầm mài giũa lý trí, làm thanh sạch con tim, luyện ý thích, rèn tính khí, thay đổi nhân cách con người. Cái khoái cảm nó mang lại rất tao nhã, vì không thể tả được và không thể nắm bắt được. Đó không phải là cơn say vẻ tráng lệ hào nhoáng, không phải cảm xúc với giai điệu, cũng không phải là cơn dâm dật của vũ điệu, cũng không phải lòng nhiệt thành của người cầu nguyện…
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom