• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (3 Viewers)

  • Chương 9. KỊCH ĐÃ BẮT ĐẦU (P3)

Năm người chúng tôi được tăng nhân đưa xuống tầng hầm đi xuyên vào lòng núi, những ánh sáng lập lòe và mùi hương từ những loài thảo mộc tỏa ra tạo nên một cảm giác về nơi mình sẽ đến không thuộc về thực tại. Càng đi sâu vào trong bậc tam cấp độ dốc cũng giảm và tiếng kinh kệ ngày càng lớn. Khoảng 200 tăng nhân im lặng tụng niệm chẳng đoái hoài với đám người đang đi đến. Phong là người được đức tăng thống viện Potala chọn làm người giữ pháp ấn mật tông, một trong những thứ mật ngữ cổ xưa truyền qua nhiều thế hệ tăng Tây Tạng. Người ta kể rằng, pháp ấn này khiến người ta có được thiên nhãn mà nhìn về tiền kiếp lẫn hậu kiếp. Tương truyền kinh Pháp Hoa kể, năm xưa đức Phật giảng đạo trên núi đã dùng thiên nhãn chiếu ánh sáng ra 18.000 cõi nước phương Đông, xuống tận ngục A Tỳ, lên cõi trời Đâu Suất, khắp cõi Ta Bà nhìn được sinh hoạt của sáu loài súc sinh. Khi đó, đức Phật kể về tiền kiếp của mình.

Ngôn ngữ tôn giáo cổ xưa là vậy, dưới ngôn ngữ hiện đại, hào quang từ vùng giữa chân mày mà Phật giáo gọi là vùng lông trắng, ngụ ý là trung đạo, đứng giữa không nghiêng về cái gì. Ánh sáng từ nơi đó tỏa ra, đại diện cho trí tuệ. Điều này tương đồng với học thuyết triết học cùng lúc của Plato và Aristotle tại Hi Lạp, đề cao tính trung dung và xem ánh sáng là trí tuệ. Ngay cả thời đại khai sáng phương Tây cũng gọi là Aufklarung, ánh sáng lý trí.

Riêng về tiền kiếp hay trở về ký ức trước khi là người, hoặc trở về vùng ký ức đã quên, với khoa học hiện đại, người ta xem đó là thủ thuật về tâm lý. Phép thôi miên.

Tôi ít quan tâm về điều đó, nhưng hiểu rằng, những phép mật tông Tây Tạng hoàn toàn có thể hiểu được qua cái nhìn của khoa học, dù đôi lúc đâu đó còn màu sắc của sự màu nhiệm. Xét ra, nó cũng không quá khó hiểu.

Phong được học qua phép đó với đức tăng thống, chỉ một mình Phong biết nó. Người duy nhất tại Tây Tạng lúc này biết được tiếng nói cổ xưa, người có khả năng quay trở về quá khứ, lâu hơn cả quá khứ là tiền kiếp để lắng nghe lời nói của tiền nhân. Đối với người Tây Tạng, họ tin rằng cuộc đời là sự luân chuyển kiếp sống, nên việc hóa thân của các đời Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma luôn để lại dấu hiệu cho đời sau nhận diện. Để làm được điều đó, người giữ mật ngữ sẽ biết nó, trong trường hợp người giữ mật ngữ chết đi, người ta sẽ dùng phép pháp ấn để trở về quá khứ tìm lại mật ngữ nhằm nhận ra sự hóa thân ở kiếp nhau của họ.

Và lúc này đây, Phong được áp dụng pháp ấn đó để trở về quá khứ, có thể là tiền kiếp, họ nói với chúng tôi như vậy, dù rằng tôi chẳng tin. Nhớ về ký ức của mình thì có thể chấp nhận hơn.

Phong được cởi sạch quần áo, bước xuống hồ nước nóng trước mặt. Đột ngột 200 tăng nhân tăng cường biên độ âm thanh, tốc độ cũng nhanh hơn, tiếng kinh như vội vã, thấp thoáng nghe được, tôi nhận ra đó là kinh Bát Nhã. Tiếng kinh vang đều vội vã, đức tăng thống ngồi xuống hồ nước đối diện với Phong, rù rì một thứ tiếng mà âm vực rất thấp toàn những âm nặng như thể từ cõi siêu linh nào đó. Các tăng nhân như xuất thần, họ đang lên đồng, người ngả nghiêng lúc bên trái lúc bên phải, tay cầm pháp luân xoay đều, tiếng kinh vang càng lúc càng lớn, ngày càng nhanh hơn. Miệng của đức tăng thống cũng rầm rì mạnh mẽ hơn. Phong như bước vào cơn mê của trò lên đồng, một giấc mơ ẩn hiện trên khuôn mặt. Khuôn mặt Phong co giãn và con giật liên hồi. Hoảng hốt, tôi dự định lao đến để ngăn trò lên đồng đó. Đột ngột hai tay tôi như bị khóa chặt lại bởi hai vị hộ pháp vương bên cạnh. Họ không cho phép tôi can thiệp vào pháp môn mật tông đó.

Điều tôi lo sợ là vì tôi tin vào truyền thuyết Tây Tạng, có rất nhiều người áp dụng pháp ấn này đã vĩnh viễn không trở về cõi thực, họ sống mãi trong quá khứ và cõi mơ. Không riêng gì người Tây Tạng, năm xưa Trang Tử trong Nam Hoa Kinh kể rằng mình nằm mơ thành bướm, rồi đột ngột sực tỉnh, không biết mình là Trang Tử đang mơ thành bướm hay là bướm nằm mơ thành Trang Tử. Thế nên trong Phật giáo thường có tư tưởng xem cõi đời này không thật, nó chỉ là một giấc mơ mà ta không thoát ra được. Biết đâu, chúng ta ở đây lúc này, chỉ là một kẻ trong giấc mơ mà không tìm ra lối thoát. Những câu chuyện cổ của Tây Tạng ám ảnh tôi rất nhiều, tôi lo sợ Phong không thoát ra được giấc mơ đó.
Như trở về thực tại, Phong nhìn tôi mỉm cười, anh lâm râm tụng bản kinh quen thuộc, tôi bắt đầu nhắm nghiền mắt lại. Tiếng pháp luân trên tay anh xoay đều, nó vang nhè nhẹ và rè rè, tiếng nói của Phong lúc xa lúc gần. Tôi nghe rõ tiếng nói ấy như sự chỉ đường. Tiếng nói như một bài thơ, thật ra nó là bài hát nhiều hơn, tiếng hát trầm ấm và du dương. Người Việt không có giọng trầm đầy chất bass như người Bắc Âu, Do Thái và Tây Tạng, thế nên trong tiếng Việt không có thứ nhạc nào thâm trầm vang động như tiếng núi rừng thâm u ca ngợi nỗi tịch mịch cõi lòng.

- Hãy bước đi hãy bước đi.
Đừng e ngại màn đêm bởi những lớp sương mù bủa vây khắp lối.
Hãy tin tưởng tôi, người bạn tuyệt vời.
Hãy cho tôi một cơ hội dẫn bạn trên con đường tìm về ký ức.
Hãy lắng nghe nhau, nhịp đập ở đây, trong tim của bạn.
Bạn nghe nó chăng?
Nó là cõi lòng của sự cô đơn, chúng ta chỉ nghe nhịp đập của mình vào lúc cô đơn.
Nỗi trống trải trong tâm hồn làm âm thanh lên tiếng.
Như tiếng tích tắc đồng hồ quả lắc.
Tích tắc. Tích tắc.
Rè rè tiếng hát từ âm thanh.

Bạn thích nghe ai?
Thái Thanh ư? Thái Thanh ca.

Ôi Thái Thanh ca Ôi Thái Thanh ca.
Tiếng hát nức nở của một thời nương náu, tìm quên trên quê hương nhục nhằn.

Tiếng hát cất cao, vút lên tầng không hòa điệu với ánh sáng, hãy bước khỏi màn đêm và tìm về ánh sáng. Ký ức của bạn.
Của bạn
là đây
là đây
là đây...

Khuôn mặt già nua hiền hậu, thầy tôi đang đứng trước mặt tôi.

- Ta chờ con lâu lắm.

- Sao thầy chờ con?

- À ừ, - ông nhướn mày nghĩ ngợi - ta không nhớ nữa, vì ta bị buộc lại bởi ký ức của con.

- Con phải làm gì đây?

- Đi trở về nơi con cần nhớ. Đi với ta, con nhận ra hàng cây dầu cao ngun ngút này không?

- Đường Trần Hưng Đạo. Nhưng sao không có ai vậy?

- Vì con không cho phép họ xuất hiện, con trai à. Hãy đi tiếp với ta, con nhận ra khu chung cư cũ này chứ? Hãy bước vào trong, bên cầu thang tăm tối kia, ký ức con đang chờ nằm ở trong đó.

- Thầy không đi cùng con, con trai à.

Nói rồi thầy xoa đầu tôi, tôi chợt nhận ra mình chỉ là đứa trẻ cao chừng 1m65.

- Bước vào trong đi con, ta chỉ có thể đưa con đến đây. Xa hơn - nói rồi ông trở nên nghĩ ngợi - ta không biết mình có còn tồn tại nữa hay không. Ừ thì, ai mà không như vậy, ký ức lúc nào cũng là thứ đã chết. Ừ thì chết. Thôi, vào trong đi con trai.

Bước qua dãy nhà xe tối tăm, ánh sáng không lọt vào, một anh hề đứng trước mặt. Anh hề rất già, dù lớp phấn son trên mặt đã dầy nhưng không che dấu được vết hằn trên da mặt rất sâu, những cơ mặt chảy xệ trên đôi gò má xuống cằm, dưới cổ là vằn vện những lớp gân bọc trong lớp da nhăn nheo, như thể những rễ cây lâu năm bị bó buộc trong chậu đất mà không thể trồi ra ngoài. Khuôn mặt anh hề nửa trái thì tươi cười, nửa phải thì vẽ u buồn. Mà anh hề đang buồn bã, đôi mắt đó long lanh như muốn khóc. Vẻ mặt nài nỉ và van xin. Tay anh chìa ra một mảnh giấy.

- Cái gì vậy anh hề? - tôi hỏi.

Anh hề ú ớ, khuôn mặt như tràn ngập nỗi đau, anh hả miệng ra, trong miệng sâu hoăn hoắt và tối đen, chiếc lưỡi đã không còn. Anh van xin tôi như cầu khẩn, hai tay siết chặt lại với nhau. Tôi nhìn vào tấm poster mà anh đưa. Mảnh giấy đen như mực, nhưng ẩn hiện sau màng đen đó là bốn người diễn viên không thấy mặt, núp sau bức màn sân khấu vén nửa vời. Hàng chữ bên dưới.

KỊCH NGẮN VỀ NGƯỜI ĐIÊN

Anh hề đưa dấu hiệu bảo tôi đi theo, quẩn quanh bước lên bậc cầu thang tối đen như mực, tôi bước nhiều bước bị hụt chân vì cầu thang đã vỡ. Dường như lên đến lầu ba, một hành lang mở ra trước mặt, cũ kĩ như những căn chung cư xây trước 1975, ánh sáng nhạt nhòa như buổi chiều. Anh hề đứng trước một cánh cửa màu xanh, mở cửa và cúi người mời tôi bước vào.

Một anh hề khác sau cánh cửa, mập mạp và phụng phịu. Nhưng tiếng nói thật u buồn và vương vất ở một cõi nào đó không thuộc về chốn này.

- Chào chàng trai chào chàng trai. Mọi người ơi, chàng đã bước vào.

Rồi xung quanh căn phòng tối đó rộ lên tiếng cười của nhiều người. Anh hề mập nói tiếp.

- Chàng không cần chờ lâu, không cần đâu, vì mai sau chàng sẽ mãi nhớ chúng tôi cùng vở kịch.

Rồi thu người lại, anh hề cười khúc khích, giọng nói lí nhí mạnh mẽ dần.

- Kịch đã bắt đầu, đèn mầu soi lên, rộn ràng sân khấu...

Ánh nến được thắp lên xung quanh, tiếng hát trên máy đĩa phát lên bài Fur Elise của Beethoven, giọng hát ma mị của Khánh Ly vang lên.

Khi màn nhung mở ra, kịch đã bắt đầu
Đèn mầu soi lên, rộn ràng sân khấu
Và ban nhạc tưng bừng vang, dạo khúc khai màn
Chàng là vai quen, trong vở ái ân nồng.

Chàng là vai chính, hiệp sĩ mắt xanh
Vì nước yêu dân, một đấng anh hùng
Nên nhiều cô phải mê và mến yêu chàng
Để buồn cho em, người đóng vai thường…

Làm sao mà trao tình em cho ai ?
Làm sao xa người yêu ?
Tình trên sân khấu, tình giữa hai vai
Tình giữa chúng tôi, tình giữ trong đời.

Tình đã dâng người ơi !
Làm sao hết thắc mắc, khó quá
Có anh trong đời không chịu để lìa xa.

Đêm kịch xong chàng đi cùng với ai rồi !
Và màn nhung buông, đời là tăm tối
Rồi em lẻ loi, lẻ loi về giữa đêm buồn
Còn mùi hương thơm, chàng đã ôm em

Chàng là vai chính, hiệp sĩ mắt xanh
Vì nước yêu dân, một đấng anh hùng…

Nên nhiều cô phải mê và mến yêu chàng
Để buồn cho em, người đóng vai thường.
Làm sao hết thắc mắc, khó quá
Có anh trong đời không thể chịu lìa xa.

Đêm kịch xong chàng đi cùng với ai rồi
Và màn nhung buông, đời là tăm tối
Rồi em lẻ loi, lẻ loi về giữa đêm buồn
Còn mùi hương thơm, chàng đã ôm em.

Tình em, còn đó, còn trong mơ
Người ơi xin gửi cho…
--------------------------------------------------------------
Bạn đọc có thể nghe bài hát này ở đây: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/kh...spA2Uot8c.html
 
Advertisement
Last edited by a moderator:

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom