• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Hot Tên Anh Là Thời Gian Full (2 Viewers)

  • Chương 206 - Chương 206

Chương 206

KHOẢNH KHẮC ẤY NHƯ NHÌN THẤY MỘT VỊ THẦN

Một bức ảnh cũ kỹ, còn là kiểu ảnh đen trắng, kích cỡ được thu nhỏ khắc vào trong mặt của sợi dây chuyền.

Là một bức ảnh chụp chung.

Trong ảnh là hai thiếu nữ, mái tóc cắt bằng, dài quá tai một chút. Khung cảnh đằng sau không rõ nét, nhưng loáng thoáng có thể nhận ra đó là hình dáng của hang Mogao. Hai người họ cười rất vui vẻ, tuổi xuân phơi phới.

Giang Chấp quả thực đã từng được nhìn thấy bức ảnh này.

Nó nằm trong một mặt dây chuyền khác.

Giống y hệt như chiếc mà Mạc Họa đang đưa cho anh xem.

Chiếc còn lại ấy là của mẹ anh.

Từ khi còn rất nhỏ anh đã từng nhìn thấy, nó được mẹ anh khóa kỹ trong một chiếc hộp bằng gỗ tử đàn tím, có lúc cũng lấy ra ngắm nghía, sau đó lại cất vào. Anh tò mò hỏi mẹ, dây chuyền chẳng phải dùng để đeo ư? Vì sao phải khóa nó lại?

Biểu cảm khi đó của mẹ khiến người ta phải suy nghĩ mãi, vừa buồn rầu lại vừa như đang hồi tưởng lại, rất lâu sau bà nói với anh: “Cùng là một thứ, nếu đã để lỡ thời cơ tốt nhất để đeo nó lên thì sẽ không còn thích hợp để đeo nữa.”

Giang Chấp của khi đó rất khó thấu hiểu lời mẹ nói.

Đeo dây chuyền lẽ nào còn phải tỉ mỉ đến mức xem thời điểm thích hợp ư?

Anh vẫn cứ tò mò về thứ đựng trong hộp, cuối cùng đến một ngày nọ anh lén lút mở hộp ra, phát hiện trong cả một chiếc hộp to tướng chỉ có hai thứ, một bức ảnh, ảnh của bố anh, khí thế ngút trời đứng trước một hang đá, trong đôi mắt như chứa đựng những tia sáng lấp lánh như sao.

Thứ còn lại chính là sợi dây chuyền đó.

Mặt dây chuyền mở ra khá dễ dàng. Anh nhìn bức ảnh khảm bên trong dây chuyền, hai thiếu nữ cười tươi như hoa. Một trong hai người đó anh nhận ra, là mẹ anh, người còn lại thì…

Mẹ không trách anh chuyện anh vụng trộm mở chiếc hộp ra.

Bà chỉ vào người phụ nữ còn lại trên bức ảnh và nói với anh: Bà ấy tên là Mạc Tuyết Hoa, là một người bạn rất tốt của mẹ.

Khi đó Giang Chấp hỏi mẹ: Nếu đã là bạn rất tốt, vì sao con chưa bao giờ thấy cô ấy tới nhà chúng ta?

Mẹ anh thở dài nói: Bởi vì bà ấy sống ở một nơi rất xa, rất xa xôi.

Xa đến mức nào?

Mẹ nói: Xa đến mức như cách cả trăm núi ngàn sông.

Anh lại hỏi mẹ: Có xa bằng khoảng cách giữa bố và chúng ta không?

Mẹ nhẹ nhàng gật đầu.

Những thứ trong chiếc hộp đó, so với sợi dây chuyền, thứ Giang Chấp quan tâm hơn lại là bức ảnh của bố anh. Anh không chỉ một lần hỏi mẹ: Bố rốt cuộc đang ở đâu ạ? Về sau, thông qua lời miêu tả của mẹ, anh ôm quả địa cầu tới, chỉ vào một hình trông giống như con gà trống và hỏi mẹ: Là ở đây ạ?

Mẹ xoa đầu anh và nói: Phải.

Khi anh lớn thêm một chút, anh tìm được ra bản đồ Trung Quốc, chỉ vào một khu vực có địa hình hẹp dài và hỏi mẹ: Bố con sống ở đây ạ?

Mẹ lại gật đầu nói: Phải.

Sau đó ánh mắt của mẹ cứ dừng lại ở khu vực hẹp dài đó, rất lâu, rất lâu.

Dần dần, anh đã quên mất sự tồn tại của sợi dây chuyền đó, cho dù sau này có nhìn thấy mẹ cầm sợi dây chuyền lên ngắm anh cũng không còn tò mò nữa, chẳng qua chỉ là một bức ảnh chụp chung của những người bạn thân, đâu có quan trọng bằng bố anh được?

Anh đang nghĩ, bố anh đang ở một nơi như thế nào nhỉ?

Nơi đó có những gì? Có đẹp không? Có phải cũng có đường bờ biển xinh đẹp như nơi mà anh đang sống không… Về sau thông qua một bộ phim tài liệu, anh biết nơi đó có tên là Đôn Hoàng, là thánh địa của Đại Tây Bắc, đứng giữa đại mạc cũng có thể nghe thấy tiếng lục lạc hàng trăm năm, hàng ngàn năm để lại.

Mẹ nói với anh, đó là nơi bố con coi là tín ngưỡng.

Anh tràn ngập sự hiếu kỳ đối với Đôn Hoàng.

Anh tra cứu không ít tài liệu, ngắm không ít tranh ảnh, về sau mới biết Đôn Hoàng nằm ở nơi xa xôi phía Đông đất nước. Ở nơi đó không có khí hậu ẩm ướt, không có những cánh rừng thẳm bạt ngàn nhìn không hết điểm dừng, càng không có đường bờ biển làm rực rỡ bình minh của ngày mới.

Nơi đó là Gobi, là sa mạc, là vẻ đẹp của hồng hoang trời đất…



Giang Chấp nhặt sợi dây chuyền trên bàn lên, đóng nắp mặt dây chuyền lại, nhẹ nhàng nói: “Vâng.”

Chỉ có điều, bức ảnh trong mặt dây chuyền của mẹ không cũ đến vậy.

Mạc Họa ngước mắt lên nhìn anh, hỏi: “Mẹ cậu có từng kể cho cậu nghe chuyện giữa chúng tôi không?”

Giang Chấp lắc đầu.

Nếu lúc trước mẹ từng nhắc đến thì bây giờ gặp Mạc Họa anh cũng không đến mức bị động như vậy.

Sau khi nghe xong, ánh mắt Mạc Họa thoáng qua sự hụt hẫng.

Giang Chấp nhìn rất tỉ mỉ, bèn hỏi: “Lúc trước, cô và mẹ cháu đã xảy ra chuyện gì ạ?”

Mạc Họa khẽ thở dài, cầm cốc nước lên uống một ngụm, có phần đăm chiêu. Sau khi đặt cốc xuống, ngón tay bà nhẹ nhàng miết mép cốc: “Một câu chuyện cẩu huyết nhất, một cái kết bất ngờ nhất.”

Trái tim Giang Chấp chợt run lên.

“Cậu cũng ít nhiều đoán ra được rồi phải không.” Mạc Họa mỉm cười nhìn anh, nói thẳng thắn: “Không sai, năm xưa tôi cũng giống như mẹ cậu, gần như yêu bố cậu điên cuồng.”

Giang Chấp không còn gì để nói, nhưng lồng ngực cực kỳ bí bách.

Dường như, tình huống anh lo lắng nhất đã xảy ra rồi.

Mạc Họa từ từ tường thuật lại câu chuyện năm đó.

Người ta thường nói, những người có tính cách bù đắp cho nhau sẽ trở thành vợ chồng, những người có chí hướng tương đồng sẽ trở thành tri kỷ.

Mạc Họa và Giang Trân Trân có thể trở thành tri kỷ, ban đầu hoàn toàn không phải vì chí hướng tương đồng, mà vì tranh giành vị trí lãnh đạo trong đoàn văn công. Mạc Họa múa đẹp, Giang Trân Trân lại kéo đàn hay, hai người mỗi người một sở trường nhưng đều muốn đứng đầu, thế nên ban đầu khi mới quen không ít lần cạnh tranh quyết liệt.

Nhưng lâu dần, hai người họ chẳng hiểu sao lại bắt đầu tán thưởng lẫn nhau, có lẽ vì họ chân thành thừa nhận năng lực của nhau. Tóm lại, cứ tranh mãi tranh mãi bỗng dưng một ngày lại trở thành những người bạn không có chuyện gì mà không tâm sự với nhau.

“Chúng tôi ở trong đoàn văn công ba năm, chăm sóc lẫn nhau trong cuộc sống, phối hợp với nhau trong biểu diễn, tuổi tác lại tương đương, thật sự cảm thấy tình bạn đó là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời ban tặng.” Ánh mắt Mạc Họa sâu thẳm, bà chìm dần vào ký ức: “Cho đến khi…”

Cho đến năm đó, Mạc Họa và Giang Trân Trân nhận nhiệm vụ đi biểu diễn tại Đôn Hoàng.

“Có lẽ trong số phận mông lung đã sớm có định đoạt, số phận của tôi và Trân Trân đã hoàn toàn thay đổi kể từ giây phút chúng tôi bước chân lên mảnh đất Đôn Hoàng.” Mạc Họa nói nhẹ nhàng.

Đó là lần đầu tiên Mạc Họa và Giang Trân Trân tới Đôn Hoàng.

Cũng là lần đầu tiên thật sự cảm nhận được cái rộng lớn, hùng vĩ của Đại Tây Bắc và sự bao la của trời đất. Còn đối với Đôn Hoàng, vào khoảnh khắc họ bước vào hang Mogao đã cảm nhận được sâu sắc tín ngưỡng mà trong sách nói đến.

Mạc Họa nói với Giang Trân Trân: Dường như mình đã đến nơi này từ kiếp trước, rõ ràng là hoàn toàn xa lạ, nhưng cũng lại rất thân quen.

Giang Trân Trân là một cô gái có tâm hồn nghệ thuật. Bà ấy thẳng thừng kéo cây đàn violon ra, khoanh chân ngồi trên sa mạc tự sáng tác một bản nhạc theo cảm xúc, vừa hào phóng vừa tràn trề nhiệt huyết, khi yên tĩnh lại thâm trầm, nội hàm, giống hệt như tính cách của bà ấy, cũng giống hệt như diện mạo của Đôn Hoàng.

Buổi biểu diễn của đoàn văn công như kiểu một đơn vị này biểu diễn cho một đơn vị khác, trong thời gian đó có liên lạc với không ít đơn vị, trong đó bao gồm cả Viện Nghiên cứu. Với tư cách là cốt cán văn nghệ, việc sáng tác văn nghệ là không thể thiếu. Tới Đôn Hoàng, dĩ nhiên cũng phải hiểu về văn hóa Đôn Hoàng.

Lãnh đạo trong Viện dẫn họ đi vào trong hang Mogao, bước chân tới thánh địa ấy.

Khoảng thời gian đó, đa phần các hang trong quần thể Mogao đều đang trong thời kỳ khôi phục, tình hình còn rắc rối và phức tạp hơn bây giờ rất nhiều. Có người đề xuất, hy vọng có thể tận mắt nhìn thấy cảnh tượng khôi phục bích họa. Đề nghị này nhận được hưởng ứng của rất nhiều người, ai cũng cảm thấy có thể được nhìn một lần coi như không phí công đi chuyến này.

Việc khôi phục bích họa thời gian đầu không công khai với bên ngoài như bây giờ mà đều được tiến hành trong hoàn cảnh yên tĩnh, tuyệt đối nghiêm cấm tham quan. Thế nên lúc đó lãnh đạo đồng ý cũng coi như đã cho họ “đi cửa sau”.

Đương nhiên, các lãnh đạo cũng đưa ra yêu cầu.

Chỉ được xem, không được ồn ào, bừa bãi, bởi vì các nhà khôi phục có yêu cầu rất khắt khe đối với không gian khôi phục bích họa.

Sau khi mọi người đồng ý với điều kiện đó, lãnh đạo của viện mở cho họ xem một trong số các hang đá, đồng thời nói với họ: “Người đang khôi phục bích họa tại đây là nhà khôi phục hàng đầu của đất nước.”

Khi cửa hang mở ra, Mạc Họa nhìn thấy Tiết Cố Tiên.

Mạc Họa miêu tả cho Giang Chấp về cảm nhận trong lần đầu nhìn thấy ông: “Khoảnh khắc đó hệt như nhìn thấy một vị thần.” Vietwriter.vn
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom