Lão Tò He già nhẹ nhàng thắp đèn dầu, phiên chợ chiều đã vãn người, vài sạp đã bắt đầu tắt đèn, đóng cửa. Như mọi khi lão về làng, bọn trẻ là những người đầu tiên mong ngóng, chúng tranh nhau ngồi trước để có thể ngắm nhìn những con tò he trên tay lão, và biết đâu may mắn vị trí đó lại vô tình được lão chọn để tặng nó mỗi khi kết thúc chuyện. Dám người lớn hiếu kì chẳng màng những món quà quê con trẻ, cái khiến họ ở lại là sự thích thú cái thế giới tâm linh qua lời kể của Lão, sống động cứ như là lão bước ra từ chính câu chuyện đó.
Lão lúc này hắng giọng, đôi mắt dưới cái nón lá lụp xụp như được giấu đi một cách khéo léo kiến nó chỉ còn một màu đen tuyền. Miệng nở nụ cười, lão cất giọng hát quen thuộc như một thủ tục trước khi bắt đầu câu chuyện:
Cảnh chiều đã kết trăng lên
Hồn ai lãng vãng ghé qua bên này
….
Chuyện xảy ra vào những năm 60, khi đó đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Cuộc chiến Quân Giải Phóng với Mỹ ác liệt lắm khiến nhiều người dân chạy loạn đổ về vùng rừng núi heo hút này mà khai khẩn đất hoang, tránh bom rơi đạn lạc. Họ chung sống gần nhau tạo thành những làng xóm sơ khai. Gọi là làng chứ thực ra cuộc sống thiếu thốn và phụ thuộc vào sản vật rừng. Họ cũng phải nhiều lần thông thương mở đường ra tỉnh lỵ hay sang các thôn làng khác mà trao đổi đồ ăn, áo mặc, số khác vào rừng săn bắn tìm sản vật quý như Trầm, Kỳ Nam...
Cứ thế dân đi rừng truyền tai nhau nhiều câu chuyện kì dị về loài ma rừng quỷ núi. Bởi đã nhiều lần, chúng lấy đi không ít sinh mạng con người. Khiến cho cuộc sống đã cô cực còn khốn khó trăm bề.
Chuyện thứ nhất, ÔNG XÁM.
"Bà con ơi, ÔNG XÁM về!" tiếng khua chiêng, gõ mõ vang lên ở khắp nơi trong cái xóm nhỏ nghèo ven rừng vào một đêm trăng sáng.
Người ta dừng hết mọi việc, quẳng cả đồ đạc đang mang, chạy vào nhà mà đóng cửa lại. Tay cầm chắc lưỡi mác mà không khỏi run rẩy dõi theo bóng lưng con hổ xám khổng lồ cứ lượn lờ sau những hàng rào tre vót nhọn.
Qua những kẽ thưa, người ta còn thoáng thấy con mắt đỏ rực của nó cứ láo liên nhìn vào cửa từng nhà như dò xét. Mùi hôi xộc đến mỗi lần nó đi qua như thể cái miệng lỡm chởm răng nhọn của nó chưa bao giờ hết tanh tưởi máu con mồi. Một tiếng gầm lớn vang lên, trẻ con giật bắn mình suýt khóc thét, nhưng cũng may má nó cảm tay lại kịp, môi cắn chặt vào nhau mà mếu máo. m thanh cứ thế nhốn nháo mà chẳng ai dám ra xem: từng tiếng vuốt cào vào vách, tiếng thở phì phò của loài mãnh thú cuối cùng kết thúc bằng tiếng thét thê lương của ai đó kéo dài rồi nhỏ dần đi chìm nghẹn vào trong màn đêm sâu thẳm của rừng, họ van xin tha mạng trong tuyệt vọng. ÔNG XÁM lại bắt người rồi.
Vùng này xưa nay yên bình, nhiều lần cũng có thú dữ xuất hiện nhưng cũng chỉ là hàng chồn beo bắt gà, vịt là chủ yếu....Nhưng khoảng gần một năm nay người ta luôn hoảng sợ mỗi lần ÔNG XÁM về. Ban đầu nó chỉ bắt con vật nuôi như heo, trâu (bò)... nhưng do thời chiến, xác chết trận nhiều khiến con vật quen với mùi máu tươi, dần già sinh thèm thuồng, nó bắt cả những người đi rừng, lính hành quân, mỗi đêm trăng sáng nó mò vào làng như chỗ không người.
"Nó ăn ít nhất cũng vài trăm người rồi, đa phần là dân làng và lính" - Lão già nhấn giọng, đám người xung quanh xí xô xí xào kinh ngạc.
"Thế thì nó là thứ quỷ yêu gì rồi, vậy sao ông bà ta không diệt nó đi mà còn thờ cúng ông hổ"
Lão tò he cười nhạt rồi ôm tồm diễn giải:
Ta phải xem về truyền thuyết trong các loài hổ, như con người ta mọi vật sống đều có 2 loại tâm tính:
Chính thần: Khi sống lâu năm và có tu hành theo các tổ ẩn sĩ thường được nghe kinh kệ, giáo lý, qua thời gian tánh linh phát khởi sẽ được các tổ phong cho làm Sơn Thần cai trị 1 ngọn núi, hoặc các cấp thấp hơn là thần rừng, cái trị một vùng rừng nào đó trong ngọn núi. Con hổ này vì tu hạnh cao thâm tâm hồn thuần khiết nên màu lông sẽ hoá trắng, dân quen gọi là Thần Bạch Hổ.
Tà thần/ hung thần: Một số loài do công đức chưa đủ, thiện nghiệp chưa cao, còn tính thú cầm thì chưa được phong chức tước, bởi còn tính hung hăng nên từ đó trở thành ác thần trên vùng núi đó, cai trị 1 thôn làng hoặc ẩn mình trong hang động.
Đó là trường hợp của ÔNG XÁM.
Người ta cũng thờ nó vì nó là linh vật của rừng có câu “rừng nào cọp đó” là gì? Và vì tập tục dân ta từ lâu đời “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, như loài ma quỷ thờ cúng nó để nó tha cho mình. Có làng có tục hàng năm phải đem trâu bò, lợn treo ở bìa rừng làm lễ cúng, ông hổ về ăn sẽ vui vẻ tha cho họ, Thậm chí, người dân còn đồn rằng, năm nào không cúng hổ thần, mùa màng sẽ thất bát, lúa trồng chẳng thành hạt, cây cối chẳng chịu trổ hoa. Nhắc đến hổ xám, tất thảy mọi người đều sợ hãi, kính cẩn.
Lý giải về màu lông Xám: truyền thuyết của người Mường kể rằng, loài hổ hễ ăn thịt một người, thì trên tai sẽ có một vết đỏ. Mỗi vết đỏ tượng trưng cho một linh hồn. Những linh hồn bị con hổ ăn thịt sẽ đi theo nó, chịu sự sai khiến của nó. Khi trên tai loài hổ đã có 100 vết đỏ, thì con hổ đó đã thành tinh. Khi hổ đã thành tinh, thì màu lông vàng sặc sỡ đặc trưng của loài hổ sẽ biến thành màu xám xịt, nhìn rất hung dữ, ghê rợn. (Nhưng theo một số ghi chép ở miền Thất Sơn Hổ tinh có thể là bất kì loại cọp nào không nhất thiết phải là lông xám)
Giống hổ xám này còn rất khôn lanh, nó có thể nghe ngóng từ xa vài dặm khi vểnh tai, có thể đi nhẹ khi phục kích và tấn công con mồi rất nhanh và nguy hiểm hơn loài hổ thường.
Để bảo vệ dân làng và an toàn cho các quân khu, bộ đội ta sống trong rừng cũng nhiều lần phối hợp với cánh thợ săn địa phương vây bắt nó, nhưng mọi cạm bẫy dẫn dụ nó đều thất bại. Lần đó, nó ăn phải vài phát súng và tên độc, mắt trái bị thương chạy sâu vào rừng. Đoàn người lần theo vết máu đến giữa rừng thì mất dấu. Vài ngày sau người ta thấy xác họ nằm rải rác bên mỏm đá ngoài bìa rừng và bị xé tan, kẻ mất đầu, người mất chân tay, bụng lòi cả ruột kinh hãi vô cùng.
Than ôi, thường loài hổ không thù dai, nhiều người nói đùa một ngọn cỏ sượt qua đầu cũng làm nó quên hết, nhưng hổ tinh thì khác, không tha cho con mồi ở bất kì đâu. Những người tham gia cuộc vây bắt ông hổ hôm ấy ngay cả khi sang vùng khác lẩn trốn cũng bị nó tìm giết không toàn thây.
Sau lần ấy tuy thiệt hại nhiều về người, quân giải phóng cử nhiều đội súng thiện xạ săn lùng, nhưng tuyệt nhiên người ta không còn thấy dấu vết nào của ÔNG XÁM xuất hiện trong vùng. Người ta dồn nó vì bị thương 1 mắt nên đã trốn sâu vào trong núi dưỡng thương, số khác cho rằng nó sang vùng khác tác quái vì nơi này quá nguy hiểm với nó. Thỉnh thoảng sau này xảy ra vài vụ hổ tấn công, những nhân chứng may mắn sống sót hay kể về con hổ xám chột mắt khổng lồ, trên tai nó lúc này đã chi chít những chấm đỏ.
Chuyện về MA TRÀNH
"Ông kể chuyện về mấy con ma đi theo hổ đi ông, sao nó lại giúp hổ giết người?"- đứa bé gái ngồi hàng đầu ngây thơ hỏi. Nó gãy đúng vào sự tò mò nãy giờ.
Trước sự chú ý của mọi người, lão chậm rãi hớp một ngụm rượu từ cái bình hồ lô bên cạnh rồi nói tiếp.
Nơi hoang vu rừng thẳm, người dân vía yếu nhìn đâu cũng thấy ma: Ma xó, ma lai, ma gà, ma người chết do gấu vồ, ma người chết do rắn cắn, ma người chết vì lá ngón… Nhưng thê lương nhất trong các loài ma vẫn là ma Trành - thân xác thì làm miếng mồi lót dạ, hồn phách thì chịu kiếp nô lệ cho hổ dữ đã cắn mình.
Ma Trành là những linh hồn những người đi rừng hoặc là người dân sống ở vùng đồi núi qua đời do bị hổ vồ.
Hổ tinh đã tu luyện linh tính cao, gặp phải hồn người chết oan, do hoảng sợ nên dễ dàng chế ngự và bắt linh hồn người chết làm tai sai.
Ma Trành đi trước mở đường cho hổ, khi hổ đi săn, thấy có cạm bẫy, hoặc thấy thợ săn rình thì ma Trành sẽ mách bảo hổ tránh đi, vì thế xưa nay săn hổ là việc vô cùng khó khăn. Hơn nữa, ma Trành có thể biến hóa thành đứa trẻ dân tộc, ông bà cụ sống trong rừng, cô gái xinh đẹp... mà dụ dỗ những người có những ý nghĩ mơ hồ, tham lam ích kỷ khiến họ rơi vào tình cảnh ‘ma đưa lối, quỷ dẫn đường’, đi vào nơi hổ nấp mà mất mạng. Và cái vòng luẩn quẩn lại tiếp tục. Đây cũng chính là nguồn gốc câu thành ngữ “Làm ma Trành cho hổ”. (sưu tầm)
Để chế ngự được cọp tinh, giải thoát cho các vong hồn, các vị thầy Xiêm, Lèo, hay phái Thất Sơn sẽ dựng đàn lễ cầu sơn thần Bạch Hổ vị thần oai linh và nổi tiếng từ bi, phá vỡ các phép ác và tà tinh hạ sơn, tiêu diệt cọp tinh kia trong đêm khuya, và tha xác của cọp tinh vào làng khi người dân đã đi ngủ, cho tới sáng hôm sau sẽ thấy xác cọp ở ngay đình làng, người thầy sẽ cắt đuổi cọp và làm thuật rước vong về từng nhà.
MA TRÀNH có thể được xếp vào một chi của MA RỪNG QUỶ NÚI.
—---
Chuyện ma quỷ rừng núi còn nhiều điều bí ẩn sẽ tỏ tường cùng mọi người trong những đêm trăng tiếp theo.
Trời dần khuya, người nhà cũng bắt đầu ra kêu lũ trẻ ra về. Còn hàng trăm câu hỏi mà tụi nhỏ muốn biết thêm nhưng đòn roi của ba mẹ làm chúng còn hãi hơn là mấy con ma lúc này. Con tò he mang hình hài một cô gái áo trắng cưỡi hổ, được hình thành.
Lão đưa nó cho cô bé vừa đặt câu hỏi ban nãy “Rồi tới lúc con sẽ cần đến nó, cô bé ạ, giữ thật kỹ nhé con!”
Mắt nó sáng lên một sự vui sướng, gật đầu lễ phép rồi ù chạy về nhà, không biết có kịp nhớ những gì ông lão nói không nữa.
Rừng khuya vang lên 1 tiếng Gầm lớn, gió hắt nhẹ một mùi hôi thối. Lão Tò He già vẫn điềm tĩnh xách giỏ hàng mà bước đi rồi mất hút trong đêm tối.
Bình luận facebook