Tác giả: Duy Văn
“Ao sâu nước cả, chứ ngã xuống đây”
[PHẦN 1]
Đã gần 12 h đêm, mà chẳng ai có tâm trí nghỉ ngơi, tiếng người ta hô hoán, xen lẫn đây đó là tiếng khóc tỉ tê cứ lớn dần khi đi gần đến cái mép đìa ở giữa đồng bà Sáu. Đám thanh niên cứ mình mẩy ướt nhẹp, ra sức ngụp lặn để tìm thứ gì đó. Lại có người chết đuối chăng?
Đìa là cách gọi dân dã của người Nam Bộ cho một cái ao nhỏ ở giữa đồng, thường được đắp bờ cao 2 bên để giữ nước, nuôi cá. Đìa ở đây không biết có từ bao giờ, chỉ biết nó có từ khi người ta về dựng làng lập ấp, khéo thế nào nằm gọn vào phần đất ruộng nhà của bà Sáu. Về sau người ta gọi là đìa bà Sáu cho dễ phân biệt.
Không biết chỗ khác thế nào, chứ ở xóm này khi nhắc đến đìa nhà bà Sáu, người dân ai cũng sởn da gà bởi nó chứa đựng quá nhiều những câu chuyện bí ẩn và thương tâm.
Đìa nằm cách sông cái khá xa nhưng chưa khi nào người ta thấy nó cạn nước, cái nước màu xanh rêu trong trẻo, mỗi tội không nhìn thấy đáy. Có đợt hạn hán nặng kênh rạch cạn nứt cả đất, người dân trong xóm còn kéo nhau ra đìa bà Sáu để giặt giũ, tắm gội và xách nước sinh hoạt. Đám con nít hiếu động khi thoảng còn trèo lên cái hàng dừa cạnh đìa mà thi nhau nhảy xuống ngụp lặn. Nhưng như có một giao ước ngầm, không một ai dám bơi ra giữa. Đứa con nít nào vi phạm bị méc là ba má cho no đòn.
- Cái đìa đó lạ lắm nghe, mày nghĩ xem, trời nắng chang chang, nhảy xuống là ta nói lạnh tê chân… càng bơi ra giữa cảm giác như là giữa sông cái, chuột rút như chơi - Bác tám Lộ hăng hái kể lại cho đám người hiếu kỳ ở hàng nước trong chợ.
- Đã vậy, có mấy đợt lũ về, cá lóc, cá rô nó theo nước lách ruộng nhảy vào là sáng hôm sau chết nổi trắng đầu, có con bị cắn nham nhở như người ta ăn ko hết vứt xuống. Bà Sáu phải nhờ tụi thanh niên trong xóm đi dọc bờ tìm vớt quẳng đi chứ ko thôi thúi um cả lên.
Chuyện thuỷ thổ không hợp với một số loài cá tôm thì chết là chuyện có thể lí giải, nhưng vấn đề ở cái đìa này đâu chỉ có thế. Mỗi ngày ra chợ, đám đàn bà vẫn rỉ tai nhau đủ mọi sự lạ và quán nước bác 8 Lộ là một nơi tổng hợp thông tin nhanh nhất xóm.
Người ta còn đồn nhau vào mấy đêm tối muộn người có việc đi ngang đìa thường nghe thấy dưới nước có tiếng cá quẫy đuôi, soi đèn xuống thì mặt nước vẫn lặng tăm, có mấy nhà gần đó còn nghe tiếng chọi đá rào rào, cây dừa thì rung lắc mặc dầu trời không có gió như có người đu mà quằng xuống…
Bác 8 nhỏ giọng, mặt tỏ vẻ bí hiểm:
- Nói đâu xa, đợt nhà bà Sáu có giỗ, ông cụ Tư có đi về ngang qua Đìa, còn nhìn thấy mấy có cái bóng đen xì cứ trèo lên trèo xuống ở ngọn cây dừa mọc cạnh, nghĩ đứa nhỏ nào nửa đêm còn ra đây tắm, ông cụ toan định lại rầy la. Nào ngờ, khi cái bóng nó quay lại để lộ hàm răng trắng hếu cười xếch tận mang tai, đôi mắt ti hí nằm giữa 1 cái hốc to đen ngòm, đảo qua lại như mắt ếch,người trơn nhẵn tiết ra một thứ chất nhầy đen dính. Ông già điếng hồn đái cả ra quần, chỉ biết lết về nhà, cái bóng cười lên sặc sụa, nó ko đuổi theo nhưng nhảy xuống nước chìm mất tăm.
Ổng Tư về sốt nặng ba hôm, tỉnh lại chỉ kịp thều thào kể với con cháu vài tiếng, mấy bữa sau cũng lăn ra chết. Hôm đám tang ông Tư cũng là lúc xảy ra quỷ sự Linh miêu (Đêm thứ 10) khiến ai nấy không khỏi bàng hoàng. Trùng hợp hơn người ta lại thấy xác con Linh miêu vướng vào bụi bình bác cạnh mép đìa.
Đúng lúc mọi chuyện đang rôm rả thì bà Sáu tay xách giỏ, tay kia dắt theo thằng nhóc Tí đi ngang, liếc nhìn thấy bà đám người nhiều chuyện cũng tản ra bớt ai làm việc đó, ông 8 Lộ chỉ biết cười trừ. Bà không nói gì chỉ khẽ lắc đầu thở dài. Song nhìn ngang đứa cháu nhỏ đang hồn nhiên cầm trên tay con tò he…mà lão già kể chuyện tặng một cách thích thú, trong lòng cũng thấy nhẹ đi phần nào suy tư.
Chuyện cái đìa bà có sự lạ ít nhiều bà Sáu cũng biết, má bà từng kể hồi xưa kháng chiến, bọn Pháp man rợ bỏ người vào trong rọ tre rồi dìm nước cho đến chết, xong bọn chúng chặt đầu người rồi cắm dọc trên thành đìa để người làng đi chợ thấy đó mà răn đe. Thời chống Mỹ nghe đâu giặc bỏ bom chết cả một toán quân y của ta ra lấy nước cạnh đó, Máu thịt trộn lẫn rải rác trên bờ đất. Bao lớp người bỏ mạng, ở khắp mọi nơi trên cái đất nước này thì việc thỉnh thoảng người ta nhìn thấy có cái bóng trắng phớt phơ thì cũng có gì lạ đâu. Mình sống sao cho tốt trời Phật thương thì ai làm được mình. Trách người làng hiếu kì thêm mắm dặm muối cho ly kỳ ảo diệu rồi ai nấy đều xa lánh bà bảo người bà Sáu đầy âm khí.
Mấy mươi năm trôi qua, biết bao thời cuộc đổi thay: giải phóng đất nước, xây dựng kinh tế mới, người ta cũng quen dần nếp sống. Cái đìa tuy có quá khứ đáng sợ bởi sự um tùm, hoang dại, nhưng cũng đón không ít lượt người tới tắm gội giặt giũ mỗi khi nắng hạn kéo dài. Chỉ từ sau vụ ông Tư gặp con ma leo cây, hay người làng nghe tiếng cá vẫy, tiếng chọi đá mỗi đêm, rồi xác con Linh miêu chết trong hình hài quỷ đị... người ta mới vãn dần.
Người lớn thì sợ vì sợ mạo phạm đến người đã khuất, họ lặng lẽ sinh hoạt quanh đìa vào buổi sáng, vì dù sao khi trời khô hạn không có nước thì vẫn phải ra đây gánh nước về xài, giặt giũ. Duy có tụi trẻ con thì...
Người ta nói nhất quỷ nhì ma, thứ 3 học trò. Nhưng cho dù đi học hay không, thì cái bọn "con nít ranh" làng này cứ đúng 3h chiều
lại hẹn ra đìa chơi. Từ sau vụ thằng Tí bị ma dắt giấu ở bụi tre làng, không gian vui chơi bọn trẻ bị thu hẹp. Nên khi tìm được trò mới, chúng có hàng trăm lý do để chống chế với phụ huynh: đứa bảo sang nhà bạn học bài, đứa đi lên làng trên, xóm dưới bắn bi, hái trái. Cái gì càng cấm càng thích chứ sao, không ít đứa chơi nhây bị ba má vác roi mây ra dí, bắt phải về nhà sớm.
Chúng cứ thế ngụp lặn trong làn nước mát ở đìa, trượt cầu tuột nhảy cầu dừa, bơi bắp chuối, chọi bùn... từ ngày này qua tháng nọ mà không để ý đến việc "xâm phạm không gian riêng" của kẻ khác, cho đến một ngày ... có đứa ... “ không lên được nữa”
Bình luận facebook