• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Truyện dài : Ma quỷ dân gian kỳ truyện (12 Viewers)

  • TRUYỆN THỨ SÁU: MA DA ĐÌA BÀ SÁU (PHẦN CUỐI)

Tác giả: Duy Văn

Hình Nhân Thế Mạng

Chợ Xóm Lá nằm nép mình bên con đường độc đạo dẫn từ Xóm Lá ra huyện. Chợ nhóm họp mỗi buổi sáng và chiều muộn, ban đầu chỉ là những nhóm người nhỏ trao đổi con cá, bó rau… Sau này, dân cư đông dần trong chợ xuất hiện thêm nhiều sạp bán hàng thiết yếu, cả những thứ thờ cúng tâm linh. Một ngày nọ, nơi cái miếu âm hồn cạnh cây điệp già (không rõ thờ thần hay quỷ) lạnh lẽo vì ít khi hương khói, bỗng chứng kiến sự xuất hiện của một ông già dị hợm, với cái nón lá tơi lụp xụp che kín mặt, mang một chiếc giỏ mây lớn phía sau bày hàng Tò He ở đấy mà bán. Nhưng mọi người chỉ chú ý lão khi lão bắt đầu KỂ CHUYỆN VỀ MA.

Từ sau vụ con Linh Miêu nhà cụ Tư không ai còn thấy lão tới buổi chợ chiều nữa, đa phần đều cho rằng lão lại tiếp tục đi vùng khác. Cho tới một thời gian sau, lão Tò He đột ngột trở lại bày sạp và tiếp tục kể chuyện. Trong xóm ngoài đám người lớn hiếu kỳ thì bọn nhỏ háo hức không kém. Hôm ấy, sạp hàng lão có vẻ đông hơn mọi khi, có lẽ vì người ta trông ngóng đã lâu, Tí cũng kéo bà Sáu chạy lại, khéo thế nào ngồi được hàng đầu tiên sát bàn ông lão. Thực ra, do nó quá nổi tiếng sau vụ Ma giấu nên ai cũng ngại né ra chứ không có gì lạ. Nhưng thằng bé đời nào quan tâm thiên hạ , thứ nó thích là những cục bột xanh đỏ tím vàng trên bàn ông cụ cứ dần tạo thành những hình dạng lạ lẫm.

Tưởng lại nghe chơi nhưng không ngờ đó nó lại có quà từ lão. Con hình nhân độc nhất vô nhị từ câu chuyện của lão.

Trong chợ, cách miếu âm hồn chỗ lão Tò He ngồi không xa có sạp vàng mã của ông Ba Lục Bình, người làng gọi ổng như vậy bởi quá khứ lênh đênh vô định như đám lục bình trên sông. Ông Ba Vốn xuất thân từ nghề Mộc ở mạn U Minh, nhiều lần vào rừng săn gỗ gặp không ít chuyện ly kỳ. Chuyện của ông Ba xin hẹn dịp sau tường tận… Một đời trôi nổi là vậy nhưng độ trung tuần, ông neo xuồng tới xóm Lá dựng nhà và mở một tiệm bán vàng mã giữa chợ, ông đặc biệt nổi tiếng với món nghề hình nhân gỗ tinh xảo. Người ta đồn rằng ai mua đồ cúng, hình nhân gỗ nhà ông Ba Bình người chết cũng mát lòng mát dạ mà xuôi tay, Quỷ Thần cũng vì thế mà vui lòng chấp thuận mong ước của họ.

Vụ thằng Thanh chết đuối không tìm thấy xác nhanh chóng đồn ra ngoài chợ Xóm Lá .Vốn nghề vàng mã kim luôn thầy cúng nên ông Ba cũng nhanh chóng mang theo đồ nghề chạy ra đó, mong chút hiểu biết tâm linh của mình có thể giúp mọi người tìm thấy xác thằng bé.

Ông Ba lỉnh kỉnh đồ đến nơi thì cũng chập choạng tối, thấy trước mắt ông là một cảnh tượng bát nháo, phía mé đìa một số thứ nhang đèn xin từ các nhà xung quanh đã bày sẵn, khói nhang, khói lửa bay là đà mặt nước càng làm không khí thêm quỷ dị. Đã gần hết ngày hôm sau nhưng mọi thứ cứ dậm chân tại chỗ. Ông Ba khẽ lắc đầu, ra hiệu cho đám thanh niên lên bờ để ông lo liệu.

Phàm những người vớt xác họ có một quy tắc về ba lần xuống tìm, nếu không tìm thấy xác thì đừng tìm nữa, huống gì cả ngày hôm đó họ lặn tìm cũng nhiều vẫn chưa thấy Thanh càng chứng ma quỷ đã từ chối nhả xác. Phải đổi sang phương thức khác, tuy có hơi tâm linh nhưng không mấy xa lạ trong dân gian.

Ông Ba nhanh trí bày một mâm lễ nhỏ, nhờ đám thanh niên chặt chuối làm bè.
Sau đó bày đồ lễ gồm nhang đèn, muối gạo, chuối xanh, những bộ giấy tiền vàng mã sặc sỡ, không quên cắm vào đó một con hình nhân thế mạng đã được “tắm” máu gà.

Ở miền Tây vào ngày 16 tháng giêng, theo tục lệ dân gian người ta người ta thường đóng bè như vậy mang theo đồ cúng, lễ lộc để làm lễ Tống Ôn, Tống Tà ma… Cầu xin Thuỷ thần, ma quỷ chấp nhận mà không quấy phá, cho mưa thuận gió hoà. So với cái bè lớn bề thế để thả sông cái thì cái bè của ông Ba trông khiêm tốn hơn nhiều nhưng tuyệt nhiên không thiếu thứ gì.

Mọi người hồi hộp dõi theo, bè ra giữa dòng cứ xoay tròn tít, đèn nến đều tắt, nhang cắm trên bè bốc cháy nghi ngút. Con hình nhân thế mạng cũng lúc lắc qua lại, rồi như có ai đó kéo xuống, chìm dần giữa làn nước đen. Ông Ba cùng mọi người nín thở, nhưng chẳng có gì xảy ra ngoài việc con hình nhân nổi lên và trôi dần về phía bờ. Con hình nhân trong hình hài con rối nước ban đầu được sơn rất đẹp và mới nhưng lúc này đã cũ mèm, sơn trên gỗ cứ đen sạm, nứt ra quỷ dị. Đám thanh niên tò mò có người định ra nhặt con hình nhân nhưng ông Ba ngăn lại “Đó là mồi dụ của nó, đụng vào thì sẽ bị lôi xuống đó!”
“ Hả, nó là ai, thằng Thanh hả?”nhiều người ngạc nhiên.

Ông Ba vẫn giữ thái độ bình thản nhưng gương mặt thoáng chút lo lắng.

Vậy là đàng tế coi như hỏng. Hình nhân của ông Ba vốn làm từ loại gỗ hiếm, chỉ những thứ liên quan tới quái sự ông mới và bỏ thêm vào bên trong một lá bùa vàng… thứ ông học được từ ông thầy bùa tu trong U Minh thuở trước. Chữ bùa ấy ông dùng nhiều lần và chưa bao giờ thất bại.
Nhưng chúng đã bị từ chối, chứng tỏ cái thứ dưới đìa này rất mạnh.

“Nó là cái gì”- tự nhiên trong đám đông có người hỏi vọng vào, làm cho đám đông lố nhố.
Lộ quán của bác Tám cũng là một nơi khá thú vị của chợ Xóm Lá nơi tập hợp những thành phần lắm chuyện ghé tạt qua kiếm chút tin thời sự. Câu chuyện về cái đìa đang hồi gay cấn và khá thu hút.

Bác Tám Lộ dường như không mấy lạ lẫm trước kiểu thái độ như vậy, ông lặng lẽ đáp lời như một phản xạ tự nhiên, vừa úp mở:
“Dưới nuớc, ngoài Thuỷ thần, Hà bá thì còn ma Da chứ gì nữa!”
"Tụi bay còn nhớ lão Tò He hay tới làng mình kể chuyện ma không? Lão có từng nhắc đến:

Ma da là linh hồn người chết do đuối nước, hay bị dìm chết trong nước có oán hận cao mà sinh ra. Giống này nó tồn tại nhờ việc lôi người ta xuống nước rồi dìm chết để bầu bạn hay bắt hồn người ta thế chỗ để mình được chuyển hoá. Do mất dưới nước khá lâu nên cơ thể nó sẽ mềm nhũn ra, đôi khi là dị dạng trơn tuột. Thường rình mò ai đó hợp mạng mà lôi xuống. biết bơi hay không gặp ma da lôi thì khó phần thoát. Đặc biệt nó hay trêu đùa con người bằng việc giữ xác người ta để thân nhân tìm kiếm, sau đó sẽ cúng kiến để đổi chát thứ tương xứng, ma da mới chịu thả người.

Mấy đợt lụt, mày thấy người ta hay tìm chỗ cao mà ngủ tránh mép nước bởi lẽ sơ sẩy là ma da theo nước nó lôi giò chết như chơi. Tuyệt đối tránh xa mấy thứ trôi nổi lềnh phềnh hình cái mền hay cái khăn lông.
Tao nghe cụ nội kể, ngày xưa nó hay bơi theo đàn trắng ra mặt sông, đứa nào xớ rớ là mất mạng như chơi. Lũ lụt ở vùng mình nhiều, chết vì ma da cũng không phải là ít.

Tuy nhiên chết do nước cũng có nhiều nguyên nhân, miền Tây mình còn biết tới Hà Bá ( Thần Sông), Bà Thuỷ hay có cách gọi nôm na là chết do “mắc đằng dưới”...

Vụ thằng Thanh tao nghĩ không đơn giản, nhưng trước mắt cứ cho là ma da giữ xác, cái này có mò cũng vô ích, cần cúng kiến để trao đổi với nó, bởi thứ nó cần là linh hồn đang tồn tại gần cái xác, còn giữ xác thì sẽ bắt được hồn. Ông Ba Bình cũng vào trỏng rồi, mấy món nghề của ổng chắc sẽ sớm tìm thấy xác thôi."

“Ủa mà đổi chát với ma quỷ là sao ông?”- Trong đám người lại có kẻ tò mò.

“Ba Bình là chủ tiệm vàng mã,hay làm mấy con hình nhân thế mạng. Tao hay nghe lỏm cánh thương buôn bảo chúng nó là ĐỒ THẾ, Nói nôm na theo cách hiểu của mình là đồ để hiến tế, để trao đổi với ma quỷ một thứ có giá trị tương đương và xin điều mình muốn. Tục này có từ ngàn xưa từ hồi người Việt Cổ, trong Lĩnh Nam Chích Quái có nhắc việc hiến tế người cho Thần Xương Cuồng ( Ma cây), một số bộ tộc, làng bản còn bắt người đi đường ngang chỗ họ, hay cúng tế thiếu nữ còn trinh để xin được ban lộc, mùa màng bội thu. Sau này, ông bà ta thấy vậy ác quá nên đổi sang dùng vàng mã, đồ giấy thay thế, tranh vẽ, đồ gỗ …người giấy,rối hay búp bê hình người được làm ra nhằm mục đích này được gọi là Hình Nhân Thế Mạng, thế mạng là thay thế, đổi mạng cho người ”

Mọi người mắt tròn, mắt dẹt nhìn nhau, thích thú xem lẫn chút tò mò, không biết ông Ba sẽ làm gì tiếp theo trong vụ thằng Thanh đây.

Cớ sự tại đìa không như cánh dân nhiều chuyện bàn tán. Đến những con hình nhân thế mạng của ông Ba cũng chẳng giúp ích gì. Đang ghép nối lại các sự việc để đưa ra hướng giải quyết, ông Ba chạm mặt thằng bé Tí lúc này đứng co ro trong người bà Sáu. Sở dĩ người ta muốn nó ở lại vì chỉ có nó mới thấy hồn thằng Thanh ở đâu, hồn còn đó chứng tỏ Xác còn đòi lại được… Chuyện nó kể, nhiều người bán tín bán nghi nhưng ông Ba thì tin đó đều là thật.
Ông còn xa lạ gì với thằng Tí, đợt trước bị bà già lòi ruột giấu trong bụi tre, phải khó khăn lắm ông Ba mới đòi lại phần nào hồn phách cho nó. Nhìn thằng nhỏ giờ khờ khạo ông thấy thương nhưng biết sao được, ai cũng có số. Giữ được mạng cả 2 lần là phước đức Cửu Huyền độ lắm rồi.
Thoáng thấy con Tò he trên tay nó trong lòng ông dâng lên một dự cảm lạ lùng, ông vốn là người phàm học được vài đạo thuật trừ tà nho nhỏ từ cái thời còn đi rừng để phòng nạn, cũng chả có tài phép hay mắt âm dương gì để thấu thị mọi vật. Nhưng con Tò He này nó lạ lắm, dường như nó có vẻ cũng đang nhìn về phía ông, mảnh đất nhỏ trên miệng tạo thành nụ cười nom có đôi lần nhếch lên quái đản.

“Con cho ông mượn xíu nhé, bạn Thanh chắc cũng thích nó lắm” Ông nhìn Tí cười hiền.
Chính cái sự thân thiện từ ông thầy cúng thằng bé cũng gật đầu một cái, bàn tay nhỏ chìa con Tò he ra trước mặt “Ông đưa bạn Thanh giúp, con thấy bạn đang đứng ở kia kìa, bạn nói bạn lạnh lắm”
Vừa nói nó đưa tay chỉ ra cái xoáy nước ở giữa đìa, đoạn tối nhất đèn ko soi tới.

Cầm con Tò he trên tay mà suy nghĩ ông cứ rối bời, có thứ gì đó thôi thúc rằng món đồ chơi này sẽ giải quyết hết mọi chuyện ở đây.
Ông Ba cho lập một bàn lễ khác, đặt gọn lên bè chuối, chính giữa ông cắm theo con hình nhân thế mạng, lúc này là con tò he, một lượt nhờ người dân đi cắm nhang, rải muối gạo ở các góc của đìa, mục đích để “trấn an” những thế lực tâm linh khác cho dễ hành sự. Lát sau khi đã sẵn sàng, ông cùng đám thanh niên đẩy mạnh về phía giữa dòng

Khác với lần trước lần này chiếc bè chuối đi nhanh hơn, nó như có ai kéo mạnh ra nơi thằng Tí chỉ, chốc chốc lại nổi lên những bọt nhỏ li ti. Bất ngờ, mặt nước sủi tăm mạnh, xoáy nước ngày càng lớn như muốn lật úp chiếc bè, đồ cúng, muối gạo lật úp xuống chìm nghỉm, một luồng ánh sáng xanh nhẹ dạ lên từ đáy nước làm lộ rõ xác 1 đứa trẻ trong tư thế trần truồng đứng thẳng người, chân bị cột chặt bởi những sợi rêu to như những bàn tay đen xì…

Một cái đầu tròn lẳn tóc tai rũ rượi che kín mặt đột ngột trồi lên mặt nước, nó thò bàn tay đen đúa nhớp nháp của mình dìm con thuyền cùng con hình nhân mất hút vào làn xoáy nước sâu. Sau phút thất thần vì hiện tượng lạ, người ta thấy xác thằng Thanh nổi lên trôi dần vào bờ, xác nó xanh trắng nom trông nguyên vẹn, song cổ và tay chân như vặn vẹo lặt lìa, mặt phình to bắt đầu có dấu hiệu phân huỷ.

ông Ba ra hiệu an toàn cho cánh thanh niên nhảy xuống. Ai nấy đều sợ hãi nhưng cũng cắn răng bơi ra dùng cây sào dài cột xác để kéo vào bờ.

“Thanh ơi là Thanh, sao ra nông nỗi này con ơi, về với mẹ con ơiiii!”
Bấy giờ, mẹ thằng Thanh khóc toán lên gọi tên con trong vô vọng khiến ai cũng nghẹn lòng. Bà mẹ vừa chạy ào tới, máu từ trong mồm, mũi tử thi ọc ra, thấm ướt tấm vải mùng màu trắng được chuẩn bị để gói xác. Thấy thế, ông Ba mới tiến lại trấn an bảo mẹ nó đừng kích động tránh việc hồn thằng bé nhìn thấy còn bịn rịn trần gian mà khó siêu thoát.
Thằng Tí không hiểu sao cũng cười lên sặc sụa, tay nó quơ quơ vào khoảng không trước mặt… cảm giác như vui mừng lắm vì cuối cùng bạn nó cũng lên được bờ. Thấy không nên nán lại lâu, Ba mẹ nó cùng bà Sáu dẫn nó về nhà. Ông Ba cũng không quên dặn nhớ tắm cho nó bằng lá bưởi, đốt thêm trầm hương xông nhà để tẩy uế âm khí. Việc còn lại cứ để ông lo.

Sau khi sắp xếp xong xui, Ông Ba ngoái đầu nhìn lại nơi khi nãy, mặt nước im lìm như chưa có gì xảy ra, ông khẽ thở dài một tiếng rồi cùng người trong xóm mang xác thằng Thanh về nhà an tán.
Xác thằng bé được đặt ngoài sân cạnh nhà nó, bố mẹ nó nằng nặc đưa xác con vào nhà vì sợ thằng bé lạnh lẽo, nó đã đầm mình hai ngày rồi còn gì. Nhưng tục ông bà ta có kiêng có lành: chết đuối được xem là chết đường chết chợ, có nhiều oan khuất nên việc đưa quan tài vào nhà làm cho oán khí đọng lại sẽ không tốt và có thể gián tiếp gây ra những cái chết cho người thân về sau.

Tuy ngoài mặt ông Ba vẫn tỏ ra bình thường bảo rằng có thể ma quỷ thích con tò he đó nên chúng chấp nhận vật thế mà tha xác thằng bé. Nhưng thực ra trong lòng ông có một ngờ vực rất lớn. Bởi đang lúc chiếc bè chuối mang con tò he bị kéo xuống, ông nghe đâu đó vẳng lên ba hồi trống quen thuộc, sau cái lần cuối nhìn lại ông không còn cảm nhận được sự tồn tại của âm khí quanh đìa. Chứng tỏ chúng đã bị vật đó hút gần hết. Trong làn nước đen đặc lúc nửa đêm ông thoáng thấy con Tò hen vẫn phát ra thứ ánh sáng lờ nhờ, ma mị.

Những điều đó chỉ có ông Ba giấu kín trong lòng, người dân chỉ biết buổi lễ “xin xác” đã thành công, họ không ngừng ca tụng đồn đoán về tài phép của ông thầy cúng duy nhất của Xóm Lá. Từ độ đó về sau, không còn xảy ra quỷ sự gì nghiêm trọng ở cái đìa oan nghiệt ấy nữa, nhưng tuyệt nhiên không ai dám lai vãn một mình tới đó.

Sau này thằng Thanh cũng có hiện về báo mộng ba má nó, không biết nó nói gì chỉ biết hôm sau họ sang nhờ ông Ba làm gì đó. Tối đến lập hẳn một bàn cúng linh đình. Câu chuyện dần vỡ lẽ về cái chết của nó, nhưng xin phép kể vào một dịp khác.

Mọi thứ vẫn cứ thế diễn ra bình thường, quán bác Tám Lộ càng đông hơn những người khách hiếu kỳ tới nghe chuyện Ma Da, chuyện Linh Miêu, Ông Xám, Quỷ Rừng… Người ta bảo, ban ngày có bác Tám, ban đêm lại nhường chỗ cho một nhân vật khác là lão Tò He. Lão cứ thế, vẫn một thân một mình ngao du sơn thuỷ đến những nơi tăm tối nhất, mang theo những câu chuyện cũng đen tối không kém mỗi lần tạt ngang qua Xóm Lá. Nhưng lần này mọi hành động của lão đều rơi vào sự chú ý của bác Ba.

Mãi lâu sau này còn có người đồn, trong cái đêm vớt xác năm ấy họ vô tình nhìn thấy bóng một lão già gần đìa, vai mang giỏ mây, tay cầm trống nhỏ… chậm rãi bước đi rồi mất dạng trong màn sương tối, cái nón lá lụp xụp che kín mắt chỉ lộ rõ một nụ cười bí ẩn.

Một người hóng chuyện dân gian hay chính kẻ trong cuộc?
294211109_170386508810000_8976299977244182233_n.jpg
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom