• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1 Viewer)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 09 - Phần 2

Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hỏa đầu đo Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái [7b] đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: "Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau". Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình úy tra xét.


Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: "Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tay họa về sau". Bèn cầm giáo định đâm.


Đô Tả Hưng (Thánh)650 là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: "Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện".


650 Nguyên văn: "tả Hưng đô" tức là Tả Hưng thánh đô, "đô" vừa là tên đơn vị đội quân cấm vệ (đô Ngọc Giai đô Quảng Vũ…) vừa là tên quan chức của viên chỉ huy đội quân cấm vệ ấy.


Dương giận, chửi: "Điện tiền Vũ cứt chứ chẳng phải Đái! (Chữ Cát Đái phương ngôn651 nói là cứt đái). [8a] Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình!". Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.


651 Chỉ cách đọc hai chữ "cát đái" thêm âm Nôm.


Bấy giờ vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi652. Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái úy phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt.


652 Việc này, Cương mục chỉ chép là Đỗ Anh Vũ bị đày làm "điền nhi" (CMCB5, 3a) tức là những người có tội bị bắt buộc phải làm ruộng cho nhà nước. Chữ "cảo", Cương mục chữa làm Tảo và chú thích là "Tảo xả" nay là xã Nhật Tảo huyện Từ Liêm (CMCB6,9). Vậy "Cảo điền nhi" là những người bị tội đày phải cày ruộng cho nhà nước ở địa phương ngày nay là xã Nhật tảo huyện Từ Liêm, Hà Nội. Vùng này BK10, 28a gọi là Cảo Động.


Anh Vũ mật tâu với vua rằng: "Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được". Vua chẳng biết gì cả, [8b] bèn chuẩn tâu.


Anh Vũ sai đô Phụng quốc về đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất năm người bị "cưỡi ngựa gỗ"653, bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi tám người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái hai mươi người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang dương Tự Minh ba mươi người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương.


653 Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã): thứ hình phạt thời cổ, đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo.


Lê Văn Hưu nói: Đỗ Anh Vũ ra vào cấm đình, tư thông với mẫu hậu, không tội gì to bằng. Bọn Vũ Đái nên tâu bày gian trạng rồi bắt giam vào ngục mà giết đi là phải. Nay lại đem quân đột nhập cửa Việt Thành, hiếp vua nhỏ tuổi, ép lấy chiếu chỉ. [9a] Đến khi bắt được Anh Vũ rồi, lại nhận vàng của thái hậu mà không nghe lời nói của Nguyễn Dương, đến sau rốt cuộc bị Anh Vũ giết, liên lụy đến mấy mươi người, thế là nuôi hổ để họa về sau vậy.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Anh Vũ là kẻ đại ác. Bọn (Vũ) Đái đã cùng với người tông thất hiệp mưu mà không biết tuyên bố tội trạng ở triều đình để trị tội cho đàng hoàng, lại đem binh lính bằt hiếp vua còn nhỏ tuổi. Ngay lúc bấy giờ. Anh Vũ đã mừng có cớ để nói rồi, biết đâu không lập kế thông với thái hậu để đút lót nhiều cho bọn Đái, mong khỏi chết để thỏa lòng báo thù chăng? May mà Nguyễn Dương bảo rõ tai họa. Khi bọn Đái không chịu nghe lời, (Dương) lại nhảy xuống giếng mà chết để cảnh cáo, thế mà vẫn còn không tính, để sau bị tai vạ thì còn trách ai nữa? Thế thì thái hậu không có tội ư? Trả lời rằng: tội nặng lắm. Người không có tài đức quyền [9b] vị như Y Doãn, Chu Công mà muốn ngăn sửa thì khó tránh cái lỗi làm việc sừa lớn thì hỏng.


Xuống chiếu cấm bọn hoạn quan không được tự tiện vào trong cung, ai phạm thì bị tội chết. Nếu (canh giữ) không cẩn thận để người khác vào cung cũng bị tội như thế.


Cấm các quan trong triều không được đi lại nhà các vương hầu, ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm, ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì trị tội. Kẻ nào phạm việc qua lại bên ngoài phía đầu hành lang chứa khí giới của đô Phụng quốc vệ thì xử tám mươi trượng, tội đồ; nếu vào trong hành lang ấy thì xử tử. Lính Phụng [quốc] vệ ở trong hành lang ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá ra ngoài phía đầu (hành lang) thì xử tử.


Tân Mùi, (Đại Định) năm thứ 12 (1151), (Tống thiệu Hưng năm thứ 21). Mùa xuân, tháng giêng, Nội nhân hỏa đầu là Đỗ Thì dâng rùa vàng có lông xanh.


Tháng 2, vua ngự đến Long Thủy654 bắt voi trắng, bắt được, các quan dâng (10a] biểu mừng.


Mùa hạ, tháng 4, Đỗ Anh Vũ dâng cây cau một gốc 28 nhánh. Tháng 5, Đỗ Anh Vũ dâng hươu trắng.


654 Long Thủy: vùng Thác Bờ, tỉnh Hòa Bình.


Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến cung Quảng Từ xem đua thuyền.


Mùa đông, tháng 10, công chúa Thụy Minh mất.


Tháng 11, hoàng trưởng tử Long Xưởng sinh ở hành cung Ứng Phong, sau được sách phong là Hiển Trung Vương.


Dựng gác Vĩnh Thanh ở điện phía tây và hai chiếc thuyền VĨnh Diệu, Thanh Lan.


Nhâm Thân, (Đại Định) năm thứ 13 (1152), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 22). Mùa xuân, tháng 2, Nội sư ông là Lý Nguyên dâng rùa ba chân, mắt có sáu con ngươi, trên ức có chữ triện. Các quan nhận thành bốn chữ: "Vương dĩ bát phương"655.


655 Nghĩa: vua theo tám phương.


Mùa hạ, tháng 4, động đất.


Tháng 5, trời mưa cát vàng.


Bá Đại Vương (chưa rõ là ai) mất.


Mùa thu, tháng 7, trời mưa cát vàng.


Mùa đông, tháng 10, thi Điện.


Người nước Chiêm Thành [10b] là Ung Minh Ta Điệp656 đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua. Mông đến Chiêm Thành bị vua nước ấy là Chế Bì La Bút657 chống cự, bọn Ung Minh Ta Điệp và (Lý) Mông đều chết.


656 Đại Việt sử lược chép là Ung Minh Điệp (ĐVSL3,5a), tức ông Vangsaraja.


657 Chế Bì La Bút: tức Jaya Harivarman I (ở ngôi: 1145 - 1170).


Quý Dậu, (Đại Định) năm thứ 14 (1153), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 23). Dựng cửa Tân Quan.


Giáp Tuất, (Đại Định) năm thứ 15 (1154), (Tống thiệu Hưng năm thứ 24). Mùa xuân, tháng giêng, An Trung hầu (không rõ tên) dâng con hoẵng trắng.


Người Sơn Lão ở Chàng Long làm phản.


Từ Dần dâng quạ trắng.


Tháng 2, xuống chiếu cho Anh Vũ đi đánh người Sơn Lão ở Chàng Long, hàng phục được.


Mùa thu, tháng8, thủ lĩnh bọn Sơn lão ở Đại Hoàng giang (nay là phủ Trường yên) là Nông Khả Lai làm phản.


Tháng 9, vua ngự ra cửa Nam Thành Đại la xem đắp đàn Viên Khâu658.


658 Viên Khâu: đàn tế trời vào tiết Đông Chí hàng năm.


[11a] Mùa đông, tháng 10, vua nước Chiêm Thành là Chế Bì La Bút dâng con gái, vua nhận659.


659 Đại Việt sử lược chép: Chế Bì La Bút nước Chiêm Thành đến cống (ĐVSL3,5b).


Lê Văn Hưu nói: Các bậc đế vương đối với người Di Địch, nếu họ chịu phục thì lấy đức mà vỗ yên, nếu làm phản thì lấy uy mà tỏ cho biết. Anh Tông sai Lý Mông đem hơn năm nghìn người để giúp lập Ung Minh Ta Điệp làm Vua nước Chiêm Thành mà bị Chế Bì la Bút giết, đáng lẻ phải đem quân hỏi tội, chọn lập một người khác để thay làm vua nước ấy, thì mới có thể gia uy với cõi xa, mà vua sau phải nhớ đức. Nay lại nhận con gái của họ mà không hỏi tội, có thể gọi là lầm lỗi. Về sau Chiêm Thành và Chân Lạp liền năm vào cướp một lộ Nghệ An, mối hại không kể xiết, thực là do Anh Tông khơi mối vậy.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nước nhỏ nhờ vào nước lớn để cho mình được yên tĩnh mà thôi.[11b] Không may gặp loạn, công tử660 chạy ra ngoài thì cũng có thể đưa về nước, nhưng không chính đáng thì chưa bao giờ nên việc. Nước Lỗ đưa công tử Củ về là thế661. Đưa về mà biết không chính đáng thì như việc nước Tấn đưa Tiệp Tri về662, (Lý) Anh Tông đưa Ung Minh Ta Điệp về, nếu quả là chính đáng mà kẻ kia chống mệnh giết càn ư? Thì không thể không cất quân hỏi tội. Nếu quả là không chính đáng thì sao không tự xét ngay ở mình? Song việc đã đến thì nên sai một sứ giả sang hỏi tội, đợi cho họ phục tình hối lỗi mà tạ tội thì mới phải. Sao lại say đắm tình riêng nữ sắc, quên mất việc lớn của nước nhà, mà những người ăn thịt663 bấy giờ không ai nói gì là làm sao?


660 Thời Xuân Thu, con các vua chư hầu gọi là công tử vì cha nhận tước công của nhà Chu.


661 Công tử Củ: em Tề Tương công lánh nạn, nương nhờ nước Lỗ. Sau khi Tương công bị giết. Lỗ Trang công cho quân đưa công tử Củ về lập làm vua, nhưng bấy giờ Tiêu Bạch (là anh của củ) đã lên ngôi (tức Tề Hoàn Công), nước Lỗ phải rút quân về.


662 Tiệp Tri: con Văn công nước Trâu (mẹ là con vua nước Tấn), sau khi Văn công chết, Tấn cho quân đem Tiệp Tri về nước, nhưng con trưởng của Văn công là Quắc Thư đã nối ngôi, người nước Tấn biết là trái đạo, phải rút về.


663 Chỉ quan lại.


Tháng 11, ngày Đinh Mùi, vua thân đi đánh Nông Khải lai. Ngày Canh Tuất, xuất phát từ Kinh sư. Ngày Giáp Dần [12a] thắng trận. Ngày Bính Thìn, đem quân về. Ngày Kỷ Mùi, về đến Kinh.


Dựng hành cung Ứng Phong, hành cung Ly Nhân và đóng thuyền Vĩnh chương.


Ất Hợi, (Đại Định) năm thứ 16 (1155), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 25). Mùa hạ, tháng 5, công chúa Thiệu Dung mất.


Mùa thu, tháng 8, đua thuyền.


Nước to.


Động đất.


Tháng 9, thu tô ruộng chiêm.


Mùa đông, tháng 10, sao Mộc phạm và sao Kim.


Sai thợ làm phủ đệ ở Phú Lương.


Tháng 11, nước Chiêm Thành sang cống.


Tháng 12, động đất.


Làm cung Lệ Thiên và hành lang triều cận ở điện Long Khánh.


Bính Tý, (Đại Định) năm thứ 17 (1156), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 26). Mùa xuân, tháng 2, ngày tân Mùi, trời mưa cát vàng.


Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu làm phủ đệ ở châu Quảng Nguyên.


Mùa đông, tháng 12, ngày đinh Mùi, ban đêm kho ngự cháy.


Làm hành cung Ngự Thiên664, điện Thụy Quang, gác Ánh vân, cửa Thanh Hòa, thềm Nghi Phượng, [12b] gác Diện Phú, đình Thưởng Hoa, thềm Ngọc Hoa, hồ Kim Liên, cầu Minh Nguyệt và đóng thuyền to bản của ngự trù665, thuyền to bản của cung nội.


664 Ngự Thiên: nay là một phần đất huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (vùng huyện Hưng Nhân cũ).


665 Ngự trù: bếp của nhà vua.


Thái phó Lý Du Đô dâng sớ xin hưu trí, thăng làm Thái sư, ban cho vàng bạc về quê.


Dựng miếu khổng Tử.


Năm ấy đói to, một thăng gạo giá 70 đồng tiền.


Đinh Sửu, (Đại Định) năm thứ 18 (1157), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 27). Xuống chiếu định luật lệnh.


Mậu Dần, (Đại Định) năm thứ 19 (1158), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 28). Mùa xuân, tháng 2, Nguyễn Quốc sang sứ nước Tống về, dâng tâu rằng: "Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới". Vua y theo, cho đặt cái hòm ở giữa sân để ai có trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy.


Bấy giờ có người ngầm bỏ thư nặc danh nói là Anh Vũ làm loạn, tìm xét [13a] không biết là ai. Anh Vũ vu cho Quốc làm, đày Quốc đến trại đầu ở Thanh Hóa. Không bao lâu, vua gọi Quốc về. Anh Vũ lại đưa cho Quốc rượu có thuốc độc, Quốc tự nghĩ không khỏi bị hại, bèn uống thuốc độc chết666.


666 Về việc này, Toàn thư và Cương mục đều chép người đi sứ về là Nguyễn Quốc, nhưng Đại Việt sử lược chép là Nguyễn Quốc Dĩ, giữ chức Tả ty và kể sự việc kỷ hơn: Người giữ việc đọc thư nói lại với Đỗ Anh Vũ về bức thư nặc danh, Anh Vũ nói: "Ông vì ta tâu vua xin xét việc đó". Tìm không ra người viết thư, Anh Vũ tâu rằng: "Thư ấy tất do người xướng xuất ra việc làm hòm viết". Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em là Nghi Giao cho quan xét xử, sau đó, đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa (Toàn thư, ghi là Thanh Hóa?). Khi biết vua có ý định cho gọi Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ (ĐVSL3, 6b).


Sai Thiếu bảo Phí Công Tín tuyển dân đinh, định các hạng và lấy người sung việc thờ cúng ờ thái miếu và sơn lăng.


Mùa thu, tháng 8, Đỗ Anh Vũ chết.


Kỷ Mão, (Đại Định) năm thứ 20 (1159), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 29). Mùa xuân, cột chùa Thiên Phù chảy máu.


Nước Ngưu Hồng dâng voi hoa.


Mùa hạ, tháng 5, Ngưu Hồng và Ai Lao làm phản. Sai Tô Hiến Thành đi đánh, bắt được người và trâu ngựa voi, vàng bạc châu báu rất nhiều. Phong Hiến Thành làm Thái uý.


Canh Thìn, (Đại Định) năm thứ 21 (1160), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 30). Mùa xuân, tháng giêng làm đền Hai Bà và đền Xuy Vưu667 ở phường Bố Cái.


667 Xuy Vưu: theo truyền thuyết Trung Quốc, là hậu duệ của Viêm Đế, làm vua nước Cửu Lê thời thượng cổ, thua trận ở Trác Lộc, bị Hoàng Đế bắt giết.


Tháng 2, sai Tô Hiến Thành và Phi Công Tín tuyển dân đinh, người mạnh khỏe thì sung [13b] vào quân ngũ. Chọn các tướng hiệu, người nào thông thạo binh pháp, am tường võ nghệ thì chia cho cai quản.


Tân tỵ, (Đại Định) năm thứ 22 (1161), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 31). Mùa xuân, sai đem voi thuần sang biếu nhà Tống. Vua Tống bảo các đại thần rằng:


"Trẫm không chuộng thú vật lạ, làm khó nhọc người xa, nên sai suý thần bảo họ từ nay về sau bất tất phải mang vật ấy tiến cống".


Dựng chùa Pháp Vân668 ở châu Cổ Pháp.


668 Chùa Pháp Vân: tức là chùa Dâu ở xã Thanh Khương, Hà Bắc.


Mùa đông, tháng 10, Thái phó Hoàng nghĩa Hiền chết, nghỉ thiết triều năm ngày, vì Nghĩa Hiền có công giúp vua lên ngôi, nên đặt ân làm hơn lễ thường.


Tháng 11, vua sai Tô Hiến thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem hai vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (nay là cửa biển Thần Phù) mới trở về.


Thái úy Lưu Khanh Đàm chết.


Nhâm Ngọ, (Đại Định) năm thứ 23 (1162), (Tống Thiệu Hưng năm thứ 32). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu rằng kẻ nào tự hoạn thì xử [14a] 80 trượng, thích 23 chữ vào cánh tay bên trái.


Động đất.


Tháng 2, khảo khóa các quan văn võ, người nào đủ niên hạn khảo mà không có lỗi thì thăng trật, định làm phép thường, cứ 9 năm là một kỳ khảo.


Quý Mùi, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 1 (1163), (Tống Hiếu Tông Vĩ, Long Hưng năm thứ 1). Cấm người trong nước không được dùng trân châu giả.


Mùa thu, tháng 8, lính chốn rủ nhau tụ họp thành bọn cướp bóc cư dân trên đường bộ. Vua sai Phu Công Tín đem 10 vạn quân đi đánh dẹp yên được.


Giáp Thân, (Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2) (1164), (Tống Hưng Long năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, nước Chiêm Thành sang cống.


Mùa thu, tháng 7, nước to quá mức thường, lúa bị ngập hết.


Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc Vương đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc Vương.


Ất Dậu, 3 (1165), (Chính Long Bảo Ứng năm thứ 3 (1165)), (Tống Càn Đạo năm thứ 1). Mùa hạ, tháng 6, đại hạn, dân bị nạn dịch lớn, trâu bò gia súc chết nhiều, [14b] giá gạo cao vọt.


Mùa thu, tháng 8, thi học sinh.


Bính Tuất, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 4 (1166), (Tống Càn Đạo năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 3, sứ Chiêm Thành đi đến miền Ô Lý, dùng quân phong thủy (ma thuật của thầy tăng) mà vượt biển, cướp bóc nhân dân ven biển nước ta rồi về.


Dân có người dâng con rùa ở ức có bốn chữ "Thiên tử vạn niên", cũng có người dâng quạ trắng.


Đinh Hợi, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 5 (1167), (Tống Càn Đạo năm thứ 3). Mùa thu, tháng 7, sai Thái úy Tô Hiến Thành đi đánh Chiêm Thành.


Mùa đông, tháng 10, Chiêm Thành sai sứ sang dâng trân châu và sản vật địa phương để xin hoà.


Xuống chiếu cho Tô Hiến Thành đem quân về. Từ đấy nước Chiêm Thành giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu.


Đóng thuyền Nhật Long.


Mậu Tý, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 6 (1168), (Tống Càn Đạo năm thứ 4). Mùa thu, tháng 8, sứ nhà Tống sang sứ Thát Đạt (tức là sứ của nhà Nguyên), cũng sang669. Đều thưởng hậu để dụ, ngầm lấy lễ tiếp đãi cả hai sứ, không cho họ gặp nhau.


669 Có nhầm lẫn ở điều ghi này của Toàn thư. Phải đến năm 1206 quốc gia Mông Cổ mới thành lập. Sứ đến nước ta bấy giờ có lẽ là sứ nước Kim. Cương mục cũng chữa là sứ thần nước Kim. (CMCB5, 14a).


[15a] Kỷ Sửu, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 7 (1169), (Tống Càn Đạo năm thứ 5). Mùa xuân, tháng 3, ngày rằm nguyệt thực. Cá ở cửa biển chết. Sai tăng ni, đạo sĩ các chùa quán ở Kinh và các nơi tụng kinh cầu đảo.


Thái sư trí sĩ là Lý Du Đô chết.


Mùa hạ, tháng 4, làm điện Thanh Hòa để đặt thần vị của tiên đế và tiên hậu, theo thời cúng tế.


Sửa lại chùa Chân Giáo.


Canh Dần, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 8 (1170), (Tống càn Đạo năm thứ 6). Vua tập bắn và cưỡi ngựa ở phía nam thành Đại La, đặt tên là Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến phá trận.


Tân Mão, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 9 (1171), (Tống Càn Đạo năm thứ 7). Mùa xuân, tháng 2, điện Vĩnh Nguyên vô cớ tự rung động.


Làm miếu điện thờ Văn Tuyên Vương670 và đền thờ Hậu Thổ.


670 Văn Tuyên Vương: tức Khổng Tử.


Vua đi tuần các hải đảo, xem các hình thế núi sông, muốn biết dân tình đau khổ và đường đi xa gần thế nào.


[15b] Nhâm Thìn, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 10 (1172), (Tống Càn Đạo năm thứ 8). mùa xuân, tháng 2, vua lại đi tuần các hải đảo ở địa giới các phiên bang Nam Bắc, vẽ bản đồ và ghi chép phong vật rồi về.


Quý Tỵ, (Chính Lonh Bảo Ứng) năm thứ 11 (1173), (Tống càn Đạo năm thứ 9). Mùa xuân, làm lại cầu Thái Hoà.


Mùa hạ, tháng 5, ngày 25, Hoàng thái tử Long Trát sinh.


Mùa thu, đóng thuyền Ngoạn thủy.


Giáp Ngọ, (Chính Long Bảo Ứng) năm thứ 12 (1174), (Từ tháng 2 về sau là niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm thứ 1; Tống Thuần Hy năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng động đất.


Tháng 2, đổi niên hiệu là Thiên Cảm Chí Bảo năm thứ 1671.


671 Đại Việt sử lược chép đổi niên hiệu vào tháng giêng (ĐVSL3, 8a).


Mùa thu, tháng 9, Thái tử Long Xưởng có tội, phế làm thứ dân và bắt giam. Trước đó, Long Xưởng thông dâm với cung phi, vua không nỡ bắt tội chết, cho nên có mệnh này. Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: "Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, [16a] sợ không đương nổi, nếu đợi lớn thì trẫm đã tuổi già suy yếu, biết làm thế nào?".


Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra, thấy vua đội mũ, khóc đòi đội, vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, ý lập Long Trát làm thái tử bèn quyết định.


Mùa đông, tháng 11, động đất.


Tháng 12, sao Chổi mọc phương nam.


Ất Mùi, (Thiên Cảm Chí Bảo) năm thứ 2 (1175), (Tống Thuần Hy năm thứ 2). ùa xân, tháng giêng, sách lập long Trát làm Hoàng thái tử, ở đông cung. Phong Tô Hiến Thành làm Nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự, tước vương, giúp đỡ đông cung.


Mùa hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.


Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thụy Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: "Làm con [16b] bất hiếu còn trị dân sao được". Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: "Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?".


Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách.


Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu".


Việc bèn thôi.


Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Anh Tông nối ngôi tuổi còn thơ ấu, việc của Đỗ Anh Vũ làm gì mà biết được, đến khi tuổi ngoại hai mươi, sai bọn Hiến Thành đem quân đi tuần nơi biên giới, [17a] lại thân đi xem khắp tình thế núi sông, muốn biết sự đau khổ của dân gian và đường đi xa672 gần, về mặt giữ dân giữ nước, quy mô đã thấy rõ. Lại đặt Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép đánh trận, về mặt sửa binh giãng võ, mưu lược đã thấy rõ. Thái tử Long Xưởng có tội thì phế đi mà lập Long Trát làm thái tử, cho ở đông cung, để lòng người có chỗ gắn bó. đến khi ốm nặng, hoàng hậu xin lập lại Long Xưởng, thì lấy lễ nghĩa mà bác bẻ, không mê hoặc lời nói của đàn bà, lại cố gượng gọi Hiến Thành nhận di chiếu giúp thái tử quyền nhiếp chính sự, phó thác được người giỏi để phòng lo sau, rốt cuộc mưu phế lập của thái hậu không thể làm được, trên yên dưới thuận, không phải là sức của Anh Tông sao? Còn như Cao Tông không phải là người hiền thì ngay lúc bấy giờ đã biết trước thế nào được? Vua chỉ thuận theo lẽ phải mà làm [17b] thôi.


672 Nguyên bản khắc nhầm chữ đạo lý với chử lý (lẽ) đúng ra là chữ lý (dặm đường).





Thái tử Long Trát lên ngôi trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ là Đỗ thị làm Chiêu Thiên Chí lý hoàng thái hậu.


Cho Đỗ An Di673 (em trai hoàng thái hậu) làm thái sư đồng bình chương sự, Tô Hiến Thành làm thái uý674.


673 Đại Việt sử lược chép là Đỗ An Thuận (ĐVSL3, 9b).!Chữ Di và chữ Thuận gần giống nhau, dễ lầm lẫn.


674 Năm Đại Định thứ 20 (1159), Tô Hiến Thành đã phong làm thái uý, lúc này lại là đại thần nhận di chiếu của Anh Tông làm phụ chính cho Cao Tông, ở đây lại ghi phong lại chức vụ cũ, Cương mục ngờ rằng Toàn thư có thể chép nhầm (CMCB5, 18a).
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom