• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (2 Viewers)

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Quyển 09 - Phần 3

Họp quốc nhân thề ở Long Trì.


Cao Tông Hoàng Đế


Tên húy là Long Trát con thứ sáu của Anh Tông, mẹ là hoàng hậu họ Đỗ675, sinh ngày 25 tháng 5 năm Quý Tỵ, Chính Long Bảo Ứng thứ 11 (1173). Năm Thiên Cảm Chí Bảo thứ 2 (1175) sách lập làm hoàng thái tử. Anh Tông băng, bèn lên ngôi báu, ở ngôi ba mươi lăm năm (1176 - 1210), băng ở cung Thánh Ngọ.


675 Đại Việt sử lược chép hoàng hậu họ Đỗ tên là Thụy Châu (ĐVSL3, 8b).


Vua chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ ràng, giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy.


Bính Thân, (Trinh Phù) năm thứ 1 (1176), (Tống Thuần Hy năm thứ 3). Mùa xuân, tháng giêng, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ.


[18a]Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Cao Tông lên ngôi từ tháng 7 năm ngoái, đến đây mới đổi niên hiệu, là vì có Tô Hiến Thành phụ chính, biết trở lại lễ cổ.


Đinh Dậu, (Trinh Phù) năm thứ 2 (1177), (Tống Thuần Hy năm thứ 4). Mùa xuân, tháng 3, Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An.


Mậu Tuất, (Trinh Phù) năm thứ 3 (1178), (Tống Thuần Hy năm thứ 5). Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: "Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên".


Các quan đều chắp tay cuối đầu nói: "Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh". Đều lạy tạ rồi lui ra.


Hiến Thành quản Lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, [18b] người trong nước đều quy phục.


Mùa hạ, tháng 5, lấy ngày sinh của vua làm tiết Càn hưng.


Kỷ Hợi, (Trinh Phù) năm thứ 4 (1179), (Tống Thuần Hy năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, tuyển các đinh nam, người nào mạnh khỏe sung vào quân ngũ.


Tháng 2, động đất.


Tháng 3, khảo xét công trạng các quan, người giữ chức siêng năng tài cán nhưng không thông chữ nghĩa làm một loại, người có chữ nghĩa tài cán làm một loại, người tuổi cao hạnh thuần, biết rõ việc xưa nay làm một loại, cứ theo thứ tự mà trao cho chức vụ trị dân coi quân, khiến cho quan chức không lạm nhũng.


Mùa hạ, tháng 6 (không rõ ngày nào), hai mặt trời cùng mọc.


Thái úy Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn ba ngày, nghĩ thiết triều sáu ngày.


Trước đây khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: "Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?".


Hiến Thành trả lời: "Trung Tá [19a] có thể thay được".


Thái hậu nói: "Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?".


Hiến Thành trả lời: "Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?".


Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy.


Lấy Đỗ An Di làm phụ chính.


Sử thần Ngô Sỉ Liên nói: Tô Hiến Thành nhân việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy.


Xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn.


Canh Tý, (Trinh Phù) năm thứ 5 (1180), (Tống Thuần Hy năm thứ 7). Mùa xuân, định lệ các vương hầu vào chầu.


Mùa thu, tháng 8, nước to.


[19b] Động đất ở hai điện Vĩnh Nguyên, Hội Tiên.


Tân Sửu, (Trinh Phù) năm thứ 6 (1181), (Tống Thuần Hy năm thứ 8). Mùa xuân, tháng giêng, thái tử củ là Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn.


Mùa hạ, tháng 4, sao Huỳnh Hoặc676 đi vào chòm Nam Đẩu. Đói to, dân chết gần một nửa.


676 Huỳnh Hoặc: tức sao Hỏa.


Nhâm Dần, (Trinh Phù) năm thứ 7 (1182), (Tống Thuần Hy năm thứ 9). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu cầu người hiền lương.


Đắp đàn phong tướng, lấy Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp.


Lấy Lý Kinh Tu làm Đế sư677, trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm mưu khác nữa.


677 Đế sư: thầy của vua.


Cấm người trong nước không được mặc áo sắc vàng.


Nước Xiêm La sang cống.


[20a] Quý Mão, (Trinh Phù) năm thứ 8 (1183), (Tống Thuần Hy năm thứ 10). Mùa xuân, tháng giêng, cho Ngô Lý Tín làm Đốc tướng đi đánh Ai Lao.


Mùa đông, tháng 11, ngày mồng 1 Nhâm Ngọ, nhật thực.


Giáp Thìn, (Trinh Phù) năm thứ 9 (1184), (Tống Thuần Hy năm thứ 11). Mùa xuân, tháng 3, nước Chiêm Thành sang cống.


Người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề678 vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.


678 Tam Phật tề: tức vương quốc Srivijaya ở đảo Smatra, được nhắc đến với tên Thất Lợi Phật Thệ từ thế kỷ VII trong thư tịch Trung Quốc và với tên Tâm Phật Tề từ thế kỷ V trong thư tịch Trung Quốc.


Mùa đông, tháng 10, các sách Tư Mông… làm phản, đánh lẫn nhau679.


679 Các sách Tư Mông…: Đại Việt sử lược chép sách Tư Mông, sách Trịnh, sách Ô Mễ, vua sai thái phó Vương Nhân Từ đi đánh. Nhân Từ lấy người trong châu là Phạm Phẩm đóng ở ải Ông trọng, Trương Nhạn, Phạm Đỗ đóng ở hương Bái, Đoàn Tùng đóng ở ải Khả Lão. Khi đến trại La Biều, quan quân bị người Lão đánh úp, thua to, Nhân Từ chết trận. Cuộc hành quân năm sau (1185) do Kiến Khang Vương (Đại Việt sử lược chép là Kiên Ninh Vương) chỉ huy là để báo thù việc thất trận ở La Biều (ĐVSL3, 10b, 11a). các sách, trại ghi ở đây đều chưa rõ ở đâu, nhưng có khả năng là ở vùng núi Hà Sơn Bình. Đại Việt sử lược chép đến các quan lang họ Đinh ở vùng này.


Ất Tỵ, (Trinh Phù) năm thứ 10 (1185), (Tống Thuần Hy năm thứ 12). Mùa xuân, tháng giêng, thi sĩ nhân trong nước, người nào từ mười lăm tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu học ở ngự điện. Lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm ba mươi người, còn thì đều ở lại học.


Mùa thu, tháng 7, sai Kiến Khang Vương Long Ích đem quân đánh người Man ở sách Viêm, dẹp được.


[20b] Bính Ngọ, (Trinh Phù) năm thứ 11 (1186), (Từ tháng 7 về sau là niên hiệu Thiên Tư Gia Thụy năm thứ 1, Tống Thuần Hy năm thứ 13). Mùa xuân, tháng giêng, nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, chế thư đại khái nói: "Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền con nối ban sắc mệnh cho được thực thụ tước vượng, cần gì phải đợi thăng dần theo thứ tự"680. Đó là lễ đặc biệt.


680 Nhà Tống đối với các vua nước ta lúc mới lên ngôi thường chỉ phong tước Giao Chỉ Quận Vương, rồi Nam Bình Vương, sau mới phong An Nam Quốc Vương. Riêng với Lý Cao Tông, ngay lần đầu nhà Tống đã phong tước ấy, vì vậy chế thư có câu: "Tức lạc quốc dĩ triện phong…" (ngay bắt đầu đã phong…). Theo Tống sử (quyển 488) thì tước ấy đã phong ngay năm đầu khi Cao Tông mới lên ngôi (1177).


Tháng 3, sách phong Đàm thị làm An Toàn nguyên phi (Phi là con gái của tướng quân (Đàm) Thì Phụng).


Mùa thu, tháng 7, bắt được voi trắng, đặt cho tên là Thiên Tư. Xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thụy năm thứ 1.


Sai Lê Hòe Khanh sang nhà Tống đáp lễ.


Đinh Mùi, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 2 (1187), (Tống Thuần Hy năm thứ 14). Mùa hạ, tháng 4, sét đánh nhà Thái Miếu.


Có nhà sư Tây Vực681 đến. Vua xuống chiếu hỏi sư ấy có tài năng gì, trả lời là có tài phục được hổ. Bảo làm thử, không hiệu nghiệm.


681 Tây Vực: chỉ các nước ở miền Trung và Nam Á.


Mậu Thân, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 3 (1188), (Tống Thuần Hy năm thứ 15). Mùa hạ, tháng 5, đại hạn. Vua thân ngự đến chùa Pháp Vân ở Duềnh Bà682 [21a] để đảo vũ, nhân rước tượng phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên. (Buổi đầu bản triều Lê vẫn còn theo tục cũ này).


682 Chùa Pháp Vân: tức chùa Dâu, ở xã Thanh Khương, tỉnh Hà Bắc. Đào Duy Anh chú bản dịch cũ đoán Duềnh Bà là chép nhầm từ chữ Luy Lâu. Nhưng Duềnh bà cũng có thể là tên Nôm thời bấy giờ của vùng này. (Duềnh chỉ sông Dâu, Bà chỉ Bà Dâu, nữ thần thờ ở chùa Dâu).


Tháng 6, động đất, gió bão.


Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 1 Giáp Tý, nhật thực.


Thái sư Đỗ An Di chết, lấy Thái phó Ngô Lý Tín làm Phụ chính.


Kỷ Dậu, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 4 (1189), (Tống Thuần Hy năm thứ 16). Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1 Tân Dậu, nhật thực, mặt trời mặt trăng sắc đỏ như máu.


Động đất,


Tháng 3, vua ngự đi khắp núi sông, phàm xe vua đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ.


Canh Tuất, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 5 (1190), (Tống Thiệu Hy năm thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, hoàng thái hậu họ Đỗ băng.


Mùa thu, tháng 7, Thái phó ngô Lý Tín chết, lấy Đàm Dĩ Mông làm Thái phó.


Mùa đông, tháng 10, vua lễ yết Sơn Lăng, rước tượng mới tô của Hoàng thái hậu thờ phụ vào Thái Miếu.


Đóng thuyền Ngoạn Dao.


[21b] Tân Hợi, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 6 (1191), (Tống Thiệu Hy năm thứ 2). Mùa xuân, nước Chân Lạp sang cống.


Mùa đông, tháng 12, sao Huỳnh Hoặc phạm vào sao Thái Bạch683.


683 Sao Huỳnh Hoặc tức sao Hỏa. Sao Thái Bạch tức sao Kim.


Nhâm Tý, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 7 (1192), (Tống Thiệu Hy năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 6, động đất.


Mùa thu, tháng 7, sét đánh vào điện Vĩnh Ninh hai chỗ.


Người giáp Cổ Hoằng684 ở Thanh Hóa làm phản, sai tướng đi đánh, dẹp được. Trước đó có người giáp ấy thấy vệt chân trâu (trèo lên) cây muỗm, nhìn lên thấy con trâu bạc, hồi lâu, nó lại theo ngả khác đi xuống. Có người lính ở giáp ấy là Lê Văn đoán rằng: 'Trâu trắng là vật ở dưới, nay lại ở trên cây, thế là điềm kẻ dưới lên ở trên". Nhân đó bèn rủ nhau làm phản. Đến đây đánh dẹp yên được.


684 Cổ Hoằng: nay là đất huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.


Đào sông Tô Lịch.


Quý Sửu, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 8 (1193), (Tống Thiệu Hy năm thứ 4). Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng. [22a] Thi các sĩ nhân trong nước để (chọn người) vào hầu vua học.


Giáp Dần, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 9 (1194), (Tống Thiệu Hy năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, hoàng thái tử Sảm sinh. Phong Đàm nguyên phi làm An Toàn hoàng hậu. Đại xá thiên hạ. Ban cho người già từ bảy mươi tuổi trở lên mỗi người một tấm lụa. Mở tiệc rượu hai ngày ở miếu.


Mùa đông, tháng 10, mưa đá, có tảng to bằng đầu ngựa.


Đóng thuyền Thiên Long.


Ất Mão, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 10 (1195), (Tống Ninh Tông Khuếch, Khánh Nguyên năm thứ 1). Nùa xuân, tháng 2, động đất.


sét đánh gác Ly Minh.


Thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân.


Đinh Tỵ, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 12 (1197), (Tống Khánh Nguyên năm thứ 3). Mùa hạ, tháng 6, hạn.


Dựng cung Nghênh Thiềm.


Mậu Ngọ, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 13 (1198), (Tống Khánh Nguyên năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu sa thải các tăng đồ, theo lời tâu của Đàm Dĩ [22b] Mông.


Mùa thu, tháng 7, nước lớn.


Sứ Chiêm Thành sang cống và cầu phong.


Người hương cao Xá685 ở câu Diễn là Ngô Công Lý chiêu tập những kẻ vô lại, cùng với người châu Đại Hoàng là bọn Đinh Khả tự xưng là con cháu của Đinh Tiên Hoàng và Bùi đô đồng thời làm loạn. Đều dẹp yên được.


685 Nay là Diễn Thịnh huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.


Kỷ Mùi, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 14 (1199), (Tống Khánh Nguyên năm thứ 5). Mùa thu, tháng 7, nước to, lúa mạ ngập hết.


Đói to.


Mùa đông, tháng 10, vua ngự đến phủ Thanh Hóa bắt voi. Sai sứ sang phong vua nước Chiêm Thành.


Canh Thân, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 15 (1200), (Tống Khánh Nguyên năm thứ 6). Mùa xuân, tháng giêng, đem thóc chẩn cấp cho dân nghèo.


Mùa thu, tháng 7, Chiêm Linh Thái hậu băng.


Nhâm Tuất, (Thiên Tư Gia Thụy) năm thứ 17 (1202), (Từ tháng 8 về sau là niên hiệu Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 1; Tống Gia Thái năm thứ 2).


Mùa xuân, tháng 3, động đất.


Mùa thu, tháng 8, hoàng thái tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 1.


Sai nhạc [23a] công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mằt. Tăng phó Nguyễn Thường nói: "Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong".


Quý Hợi, (Thiên Gia Bảo Hựu) năm thứ 2 (1203), (Tống Gia Thái năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, làm nhiều việc thổ mộc, dựng các cung điện.


Mùa hạ, tháng 4, gác Kinh Thiên làm sắp xong, có chim khách vào làm tổ đẻ chim con ở đấy. Các quan can rằng: "Ngày xưa Ngụy Minh Đế làm gác Lăng Tiêu, có con chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long can rằng "Thần từng nghe câu: Chim khách có tổ, chim cưu đến ở686. Nay chim khách đến làm tổ nơi cung khuyết, theo ngu kiến của thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người họ khác đến ở". Xin bệ hạ xét lời của Cao Đường Long, [23b] trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải". Nhưng vua nghe lời của hoạn quan là Phạm Bỉnh Di, giục làm càng gấp, trăm họ khốn khổ.


686 câu này dẫn thơ "Thước sào": Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi" (Kinh Thi Thiệu nam).


Mùa thu, tháng 7, Điện tiền chỉ huy sứ tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục là Phạm Diên tâu rằng: "Vua nước Chiêm Thành là Bố Trì687 bị chú là Văn Bố Điền688đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La689, ý muốn cầu cứu".


687 Bố Trì: tức Suryavarmadeva.


688 Văn Bố Điền: tức ông Dhanapatigrama: Đại Việt sử lược (Q3,14b), ghi là Bố Do.


689 Cơ La: tên cửa biển, thời Trần đổi là Kỳ La, tức là cửa Nhượng ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.


Tháng 8 vua sai Đàm Dĩ Mông và Đỗ An đi liệu tính việc ấy. Sắp đến cửa biển Cơ La, đỗ An nói: "Kẻ kia đem quân đến đây, lòng nó khó tin được. Tục ngữ có câu: "Lỗ kiến có thể vỡ đê, tấc khói có thể cháy nhà". Nay Bố Trì há phải là lỗ kiến, tấc khói mà thôi đâu".


Dĩ Mông nói lại ý ấy với Thanh và Diên, bảo phải phòng bị. Bọn Thanh nói: "Kẻ kia vì hoạn nạn đến xin cầu cứu, còn phải nghi ngờ gì?". Dĩ Mông giận, đem quân về. Thanh và Diên cùng mưu đánh úp Bố Trì để làm kế tự bảo toàn. Mưu tiết lộ, thành ra bị Bố Trì giết. Quân Nghệ [24a] An tan vỡ, chết không xiết kể. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về.


Tháng 9, người ở Đại Hoàng giang690 lại làm phản. Trước đây người Đại Hoàng giang là Phí Lang và Bảo Lương691 tâu các tội mọt nước hại dân của Đàm Dĩ Mông, Dĩ Mông giận lấy roi đánh. Bọn Lang vì thế chứa chất oán giận, nhân khi thiên hạ sầu khổ muốn làm loạn, mới cùng nhau phản, Vua sai chi hậu Trần Lệnh Hinh làm Nguyên soái đem quân đi đánh. Lại sai Thượng thư Từ Anh Nhữ đem quân phủ Thanh Hóa đồng thời tiến đánh Phí Lang, giao chiến ở cửa sông Lộ Bố692, bị thua, (Lệnh Hinh và Anh Nhữ) đều chết cả.


690 Đại Hoàng: là tên châu, vừa là tên sông ở châu ấy, nay là sông Hoàng Long ở huyện Hoàng Long, tỉnh Ninh Bình.


691 Đại Việt sử lược (quyển 3, 14b) ghi Bảo Lương họ Nguyễn, tức họ Lý (văn bản đại việt sử lược theo lệ kiêng húy đời Trần đổi Lý thành Nguyễn), giữ chức Thượng tướng quân.


692 Sông Lộ Bố: Cương mục dẫn Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư nói Lộ Bố là sông ở địa phận Y Yên, (CMCB3, 30a). Xác định như vậy khá hợp lý. Dựa vào các chi tiết được chép rõ hơn ở Đại Việt sử lược, có thể cho rằng sông Lộ Bố là đoạn sông Đáy chảy qua huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà và cửa sông Lộ Bố là ở chổ sông Hoàng Long gặp sông Đáy.


Giáp Tý, (Thiên Gia Bảo Hựu) năm thứ 3 (1204), (Tống Gia thái năm thứ 4). Mùa xuân, tháng giêng, sai Đỗ Kính Tu đi đánh bọn làm phản ở Đại Hoàng giang, không thắng.


Ất Sửu, (Thiên Gia Bảo Hựu) năm thứ 4 (1204), (Từ tháng 3 về sau là niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ 1; Tống Khai Hy năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, đổi niên hiệu làm Trị Bình [24b] Long Ứng năm thứ 1.


Người Tống sang cướp ở biên giới. Dân ta mệt nhọc chạy nạn, gặp cướp dần nổi. Vua thì ham thích tiền của, các quan phần nhiều bán quan buôn ngục.


Bính Dần, (Trị Bình Long Ứng) năm thứ 2 (1206), (Tống Khai Hy năm thứ 2). Mùa xuân, tháng 2, phong Đàm Dĩ Mông làm Thái bảo, được đội mũ củng thần.


Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, rong chơi vô độ, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lờ đi như không biết, tính lại sợ sấm, nghe sấm là kinh hoảng. Người bề tôi được vua yêu là Nguyễn Dư nói mình có phép cấm được sấm. Gặp khi sấm động, vua sai Dư thử phép, Dư ngửa mặt lên trời đọc thần chú, mà sấm càng to thêm. Vua vặn hỏi, Dư trả lời: "Thần răn cấm mãi rồi, nhưng vì trời cao nên nó còn dữ tợn như thế!"
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom