• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full HAI THẾ KỶ- -phần tiếp theo Những ngày cuối tháng 4 (2 Viewers)

  • Chương 8. TRƯƠNG VĨNH KÝ (P2)

Hai người chúng tôi ôm những suy nghĩ riêng tư thầm kín, suy nghĩ đó hẳn rất quyến rũ người ta, thế nên chẳng ai mảy may biết đến những gì đang diễn ra. Đến khi có dịp nhớ lại, tôi đã không thể nào nhớ được mình đã nghĩ gì trên chuyến đi về lại Saigon đó, điều duy nhất có thể nhớ, lại là một thứ ký ức rất chung chung: Màu đèn đường hắt ánh sáng vàng vọt xuống con đường vắng, bóng tối và ánh đèn đua nhau chạy qua khung cửa kính. Hai bên đường, nhà cửa thưa thớt, đôi căn nhà vẫn còn ánh sáng hiu hắt của đèn dầu, nhưng điểm chung của những căn nhà ngoại tỉnh vẫn là dáng vẻ thê lương lạnh lẽo của chúng.

Kinh nghiệm của tôi với đời sống vùng tỉnh khác với nhiều người, với họ, đời sống vùng tỉnh là sự chan chứa tình thương và không gian đằm thắm vùng quê. Chán thì có chán thật nếu so với thành phố lớn Saigon, nhưng vẫn là không gian êm đềm trong mắt nhiều người. Câu chuyện kể về vùng quê đó lúc nào cũng là điệp khúc quen thuộc, không bon chen như thành phố, không vô tình như người thành phố, không áp lực như người thành phố v.v. Mà thật ra đó là tâm lý nhược tiểu của kẻ ưa sự lười biếng và chậm tiến trong quá trình thích nghi. Nếu không lười thì người ta không thể nào yêu nổi đời sống chậm chạp vùng thôn dã, ngay cả với tôi là một nhà văn, sống vùng thôn dã ừ thì thú vị, nhưng chỉ nên dùng cho việc du lịch hoặc nghỉ dưỡng dăm hôm, dài hơn chắc tôi không chịu nổi, nhất là sức trẻ luôn hướng đến sự đối đầu hơn là sự thảnh thơi. Và nếu không chậm tiến, thì người ta đã không xem đời sống hiện đại của phố thị là một điều cần phải học tập và thích nghi với nó.

Đó là kinh nghiệm của nhiều người, tôi thì khác, thứ nhất, tôi đến vùng tỉnh thường với một nhiệm vụ: Nghiên cứu văn hóa; thứ nhì, tôi thường tham gia vào một số vụ án được yêu cầu ở nơi đó; và ba, quan trọng nhất, tập quán vùng thôn quê trong gia đình nó phản lại văn minh, vì xa rời luật pháp, nên con người khi đó sống bằng bản năng nhiều hơn là bị chi phối bởi luật pháp, không đến dưới chục lần những vụ mất tích bí hiểm thuộc về người thân trong gia đình giết người, phanh xác, giấu xác. Hơn nữa, đời sống vùng quê nhất là miền Nam thì những căn nhà ở cách xa nhau hàng cây số cũng có, khi đó, mỗi căn nhà là một địa hạt tự trị của kẻ làm chủ trong gia đình, những vụ bạo hành từ vợ đến con, những vụ hiếp dâm xảy ra như cơm bữa, và hơn hết là đời sống vùng tỉnh dễ nuôi dưỡng cái ác nhiều hơn là cái thiện, vì rảnh. Đúng vậy, đời sống vùng tỉnh nghèo thì có nghèo, cực thì có cực, nhưng rảnh. Phần lớn nghề nông thì rảnh, những nghề khác cũng như vậy. Cái rảnh làm những đầu óc độc ác nhất dư thời gian để suy nghĩ làm gì để tiêu khiển, và không gian nơi đó đủ để thỏa mãn một màn kịch do chúng dựng nên.

Không ít lần tôi làm sáng tỏ những vụ án mà tôi nghi ngờ rằng nó chỉ là bề nổi của một vấn đề chìm. Nếu ở Saigon, tôi thường phá án rất nhanh bởi thông tin dồi dào và đời sống khó mà khép kín được, chẳng ai có thể riêng tư hoàn toàn, những vụ cãi vã trong gia đình hàng xóm có thể nghe, những vụ mất tích thì người xung quanh cảm nhận ra điều đó trước nhất. Nên, dẫu sao thì thành phố không có điều kiện nhiều cho cái ác lộng hành, có lẽ vì vậy mà phần lớn vụ án lại tập trung ở thành phố, vì người ta dễ phát hiện ra cái ác.

Nhanh chóng thoát khỏi suy nghĩ vẩn vơ về vùng thôn dã khi bác tài thông báo đến chợ Tân Định, cả hai chúng tôi xuống xe, Phong lựa chọn cẩn thận hoa cúc vàng rồi gửi tiền. Chúng tôi chạy đến đường Cộng Hòa (1) quận 5, Phong nói bác tài chờ trong xe chừng một tiếng, cả hai chúng tôi sẽ đi bộ.

Đến trước trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, nay mang tên Lê Hồng Phong, Phong và tôi dừng lại. Anh nghiêm người nhìn nó, tôi còn nhớ năm lớp 9, cả năm người chúng tôi thi vào trường này và đỗ hết. Nếu sự kiện hè năm đó không xảy ra, thì có lẽ cả năm người chúng tôi đều tiếp tục đi trên con đường nơi đây.

Đôi chút khoảnh khắc trôi qua, anh đặt một cành hoa cúc trước cổng trường rồi lặng lẽ bước đi.

Đến đường Trần Hưng Đạo rẽ vào khu Chợ Quán. Tại góc đường Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng là căn nhà quen thuộc với nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi, căn nhà của Trương Vĩnh Ký.

Đến trước cổng nhà đóng im ỉm, Phong đặt một cành hoa cúc trước cổng. Thật lâu, anh hỏi tôi.

- Kiệt có nhận ra điều gì đặt biệt trong hướng nhà của Trương Vĩnh Ký không?

- Hướng mặt nhà xoay về hướng Tây cả nhà thờ Chợ Quán bên cạnh nhà Trương Vĩnh Ký cũng như vậy.

- Không ai tinh tế như Kiệt. - Phong nhìn tôi. - Và đó là sự đặc biệt duy nhất tại Saigon này. Mọi ngôi nhà và nhà thờ khi đó đều hướng về trung tâm quận nhất, riêng chỉ có nhà Trương Vĩnh Ký và nhà thờ Chợ Quán thì theo hướng ngược lại, chúng ta cần nhớ rằng, thời điểm căn nhà này được xây dựng thì xung quanh trống trải thanh vắng chứ không đông đúc như bây giờ. Khi đó phía đường Trần Hưng Đạo còn mang tên là Boulevard Galliéni chỉ là đường đất, hàng cây dầu nơi đây vẫn chưa cao như lúc này.

- Ý Phong là sự lựa chọn hướng nhà của Trương Vĩnh Ký đã có vấn đề?

- Điều đó còn dựa vào trí tưởng tượng của Kiệt. Chúng ta đi vào góc đường Trần Bình Trọng.

Nhìn vào nhà mồ Trương Vĩnh Ký và vợ của ông, xung quanh là những ngôi mả nhỏ thấp thỏm quanh nhà mồ thuộc về người thân Trương Vĩnh Ký. Nhìn vào không khó thấy và khó quen thuộc, những hàng chữ La Tinh quen thuộc trên nhà mồ và bên dưới là giấc ngủ trăm năm của ông Ký và vợ. Phong đặt hết tất cả hoa phía trước, im lặng thật lâu rồi hỏi tôi.

- Kiệt đã hiểu ý Phong chưa?

- Nhà mồ Trương Vĩnh Ký là một ẩn mã.

- Đúng vậy. Trương Vĩnh Ký là một người nặng lòng với văn hóa Việt Nam, ông dành cả đời để chuyển những bộ sách cổ Châu Á ra chữ quốc ngữ. Nhưng lại xây dựng nhà mồ theo kiểu người Pháp.

- Khi tất cả nhà mồ khác đều làm nổi phần mộ lên trên thì nhà mộ Trương Vĩnh Ký lại được san phẳng, chỉ có ba hình chữ nhật nằm cạnh nhau cho biết là nơi an nghỉ của Trương Vĩnh Ký, vợ mình và người con.

- Kiệt từng học tại Pháp, chắc hiểu, đó không chỉ là kiểu an táng một con chiên theo đạo.

- Mà kiểu an táng một vị thánh.

- Kiệt đừng quên, Trương Vĩnh Ký từng được nhận huân chương Dũng sĩ cứu thế của tòa thánh La Mã.

- Nhưng... hình như có gì bất thường ở đây!

- Kiệt lúc nào cũng thông minh khi cần.

- Trương Vĩnh Ký, vợ và con chết ở ba thời điểm khác nhau. Rõ ràng, người xây khu nhà mộ này phải là người khác.

- Theo Kiệt đó là ai? Kiệt nhìn xem, những ngôi mộ xung quanh đều nằm vuông góc với hướng nhà mộ. Cho thấy, có khả năng khi đó Trương Vĩnh Ký mất được chôn cất theo cách như vậy.

- Nghĩa rằng người xây dựng nhà mộ này phải là một người khác. Và mọi chủ đích xây dựng đều mang ý nghĩa. Rất tiếc là Kiệt chưa từng biết được ai là người xây dựng khu nhà mộ này.

- Phong thì may mắn hơn Kiệt, ngày trước có lần thầy chúng ta từng nói người xây khu mộ này thuộc về người của hội.

- Điều này không khó hiểu, Trương Vĩnh Ký là người sáng lập hội của chúng ta.

- Vấn đề nằm ở chỗ, khu nhà mộ này được xây dựng để tôn vinh Trương Vĩnh Ký giữ thời điểm Việt Nam bị Pháp đô hộ, nhưng thái độ khi xây dựng là "ngoảnh mặt không nhìn chính quyền Pháp" đang ở quận nhất. Có thể người Pháp ngây thơ không nhận ra, và người xung quanh giả sử cũng ngây thơ. Nhưng không lẽ học giả nhiều thế hệ cũng ngây thơ không nhận ra sự kỳ quái của khu nhà mồ này?

- Có hai giả thuyết: Một, người ta xem nó không có gì đặc biệt thật; hai, người ta im lặng trước nó.

- Phong nghiêng về cái thứ hai.

- Nhưng điều này liên quan gì đến thầy chúng ta?

- Phong không biết, chỉ là trực giác cho biết giữa thầy chúng ta và người xây dựng khu mộ này có một mối quan hệ. Vì thầy chúng ta được gia nhập hội từ rất trẻ, chắc chắn, ông đã biết nhiều điều hơn. Và nếu có để lại thông tin gì cho chúng ta, hẳn, thầy sẽ dựa vào những điều mình biết về Trương Vĩnh Ký. Hơn hết, thầy biết rằng Kiệt rất yêu mến và ngưỡng mộ Trương Vĩnh Ký, Kiệt lại là người có khả năng giải những ẩn mã của thầy, chắc chắn, thầy sẽ dựa vào Trương Vĩnh Ký để biết chắc rằng đứa học trò của ông sẽ tìm ra những gì ông để lại.

- Ý Phong là thầy đã để lại một lời nhắn cho chúng ta mà Kiệt là người có thể biết?

- Nếu như vụ lần này thuộc về sự an nguy của hội, thì chúng ta sẽ phải biết lời nhắn đó là gì. Hôm nay, khi người đàn ông dưới đêm trăng xuất hiện, ông ta biết khá rõ về chúng ta đặc biệt là Vô Khuyết, thì người đó phải thân thuộc với thầy chúng ta, hơn nữa, còn là người của hội, vì chiếc áo mà ông ta mặc người ngoài không thể có.

- Nhưng ông ta lại giúp đỡ Trần Mạnh Khoa.

- Hội chúng ta đã có nội gián.

- Thảo nào Phong nói rằng vấn đề này liên quan đến an nguy của hội.

- Suốt hai thế kỷ, hội chúng ta đã đào tạo ra hàng ngàn nhân tài, im lặng trước cơn bão lịch sử quét qua đất nước này. Mục đích dù là gì, thì sức sống dân tộc chúng ta đã được giữ gìn bởi hội. Nếu có bất kỳ điều gì xảy ra cho hội, điều đó đồng nghĩ với việc sức sống của quốc gia lâm nguy.

- Hy vọng là Phong đoán nhầm.

- Phong hi vọng mình nhầm hơn ai hết. Mặt trời cũng dần lên, Kiệt có muốn mời Phong đi ăn chút gì không?

- Phong ăn chay hay mặn?

- Phong chưa bao giờ quan tâm vấn đề đó.

- Luôn dễ thương khi cần thiết.

Cả hai chúng tôi bật cười.

-------------------------
Chú thích:

(1) Đường Cộng Hòa nay là đường Nguyễn Văn Cừ Q5.
 
Advertisement
Last edited by a moderator:

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom