• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) (5 Viewers)

  • Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 15 - Phần 1

Chương Mười Lăm


Hưng Yên 1940, với Lê Hồng Giang, Lê Duy Kỳ.


Lúc này Nhật Bản đang tiến hành công cuộc chiếm đoạt toàn thể vùng Đông Nam Á. Sau khi Nhật thả bom cảnh cáo xuống Hải Phòng, Pháp đã phải thỏa mãn những yêu sách như cắt đường tiếp tế quân cụ cho Trung Hoa, để cho Nhật đóng quân ở nhiều vị trí chiến lược, bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, thu mua những hạt thực vật như lạc, vừng để ép lấy dầu chạy máy. Với chính sách tiết kiệm nhiên liệu, với những cuộc tập phòng thủ thụ động... người Việt Nam đã khởi sự sống trong tình trạng chiến tranh rồi.


Một ngày thu lạnh năm 1941, tôi ra bến xe để đáp xe hàng về Hưng Yên. Sau khi thua trận trong Thế Chiến, chính phủ Laval của Thống Chế Pétain được thành lập ở Pháp để làm bù nhìn cho Đức Quốc Xã. Bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam chưa bị lật đổ và được dùng để duy trì an ninh cho Quân Đội Nhật Bản đang đóng quân nhiều nơi trong nước. Bây giờ xe hàng chở khách không còn chạy bằng ét xăng nữa mà chạy bằng than. Đằng sau mỗi chiếc xe có gắn một cái lò than với ống khói phun thán khí lên trời. Nhìn anh phụ xế chọc que sắt để khơi lò, tôi bỗng nhớ lại quãng đời công nhân của mình ở nhà máy điện Moncay.


Hưng Yên là một tỉnh lị nhỏ không nằm trên những con đường huyết mạch như đường xuống cửa khẩu Hải Phòng hay đường thuộc địa số 1 đi vào miền Trung, miền Nam mệnh danh là đường thiên lí hay đường cái quan. Nhưng trong đoạn đầu của hành trình, chiếc xe hàngvới hình thù và tuổi tác của một con khủng long phải dùng con đường Hà Nội-Hải Phòng để tới Bần Yên Nhân. Sau khi đậu lại cho cả tài xế lẫn hành khách nghỉ ngơi, xe chạy tiếp tới Phố Nối rồi rẽ sang một tỉnh lộ chạy về Hưng Yên.


HưngYên là quê quán của nhiều danh nhân và có nhiều di tích lịch sử như đền thờ Đào Nương, tổ sư nghề hát ả đào tại làng Đào Đặng, huyện Tiên Lữ. Như làng Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, quê hương của Nguyễn Thiện Thuật, anh hùng Bãi Sậy (tên chiến khu nằm giữa hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Có đền thờ Trạng Ăn Lê Như Hổ ở xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ. Có đền thờ Phạm Ngũ Lão (ông tổ của tôi chăng?) ở làng Phù œng, phủ Ân Thi. Những danh nhân khác gốc gác ở Hưng Yên là Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh...


... Xe hàng đưa tôi đi trong một vùng quê có hơi khác biệt vùng Sơn Tây mà tôi đã biết. Ở đây, ngoài cánh đồng xanh hun hút với lũy tre tím ngát, còn có nhiều rặng cây nặng trĩu những chùm nhãn tròn mầu nâu nhạt. Ngay từ lúc đầu tiên tới vùng Hưng Yên nổi tiếng về nhãn này, khi xe hàng ngừng lại dọc đường, tôi đã được thưởng thức thứ nhãn tiến, nghĩa là loại nhãn dành riêng để tiến vua ngày xưa, với quả to, hột bé, cùi dòn... Đồng ruộng cũng có chút thay đổi. Đây đó, chen vào những ruộng lúa là những mảnh đất trồng đay. Nhật Bản ra lệnh cho chính quyền bảo hộ ép buộc nông dân trồng thứ cây kĩ nghệ này và đó là một trong những duyên cớ gây nên nạn đói khủng khiếp vào năm Ất Dậu (1945).


Sau khi chạy ngoằn ngoèo theo ven sông Hồng, xe hàng tới tỉnh lị Hưng Yên. Đi qua con phố ngắn - phố Chợ - là tới phố Bắc Hòa, nơi mẹ tôi và chị Chinh đang ở với anh Nhượng. Căn nhà tỉnh lẻ mà tôi sẽ trú ngụ trong hơn một năm cũng khá lớn, vừa rộng vừa dài và có thêm một căn gác. Tôi được dành cho căn phòng ở cuối nhà, đối diện với cái sân lộ thiên nhỏ. Tại đây, tôi thích ngồi vẽ tranh sơn dầu với đề tài là một khung cửa sổ trông ra vườn chuối rực nắng.


Trước cửa nhà tôi là những cây sữa rất lớn mà mùi hoa lá là mùi thơm của câu hát đêm thơm như một dòng sữa khi tôi soạn bài Dạ Lai Hương. Một đêm Hưng Yên, ngồi trước cửa nhà với mẹ, nói về sự thơm ngát của phố Bắc Hòa trong đêm, tôi gọi đó là mùi dạ lan hương. Mẹ bảo:


- Con phải gọi là dạ lai hương thì mới đúng!


Cám ơn mẹ vô cùng!


Thành phố Hưng Yên bé bằng cái lỗ mũi. Nhưng cũng có một phố Khách là phố thương mại nằm trong tay người Tàu. Người Tàu cũng có cửa hàng lớn ngay phố Chợ, chẳng hạn chú Dzùng, có cô con gái đẹp tên là Sâm, người mà tôi sẽ gửi cho nhiều lá thư tình. Khu hành chánh gồm có Tòa Sứ, các Dinh Tuần Phủ, Thương Tá, Chánh Án nằm chung quanh Hồ Bán Nguyệt là nơi nên thơ nhất của tỉnh lị. Hồ Bán Nguyệt đẹp không thua Hồ Gươm là mấy. Tôi thường ngồi đây để nhớ ngày còn bé tỉ tì ti. Đi thêm một quãng đường ngắn là hết tỉnh, có nhà Cercle nằm cạnh con sông nhỏ chảy ra sông Cái. Tòa Án (là nơi tôi sẽ làm việc) xây cạnh bờ đê, trường học với sân vận động (là nơi tôi sẽ trổ tài điền kinh) cũng gần đó...


Sống ở tỉnh nhỏ là dễ có bạn. Và có rất đông bạn chứ không phải chỉ có vài ba người như khi còn ở Hà Nội. Lúc đó, lũ thanh niên hai mươi tuổi ở Hưng Yên đều thất nghiệp, ăn bám vào cha mẹ, hằng ngày tìm tới nhau rồi ngồi đánh cờ tướng, đi đá bóng hay ra cuối tỉnh để thi bơi trên sông Hồng. Tôi đã biết bơi và bơi giỏi là khác sau những ngày đi tắm ở Hồ Quảng Bá và được chiêm ngưỡng thân hình hấp dẫn của hoa hậu Hà Nội. Hoặc dạy nhau hát những bài ca cải cách và bài ca Nhật Bản với lời Việt.


Ảnh bên: Tiết Lương Ðức, nhân ngày sinh nhật thứ 80 của PD


Ảnh bên->Phan Tại về già


Tôi thường đánh cờ với Hoàng Thư, đánh boxe với Tiết Lương Đức tức Đức “đen”, họa đàn mandoline với Quynh, một người đáng lẽ phải trở thành nhạc sĩ vì đã soạn nhạc ngay từ lúc đó. Lê Vy, đồng tác giả với tôi trong bài Con Đường Vui hãy còn là cậu bé con nhưng đã biết thổi saxophone rồi. To con và ồn ào nhất trong đám là Ưng, kẻ sẽ đi lính heitai cho Nhật và hay trở về nhà khoe với bạn bè cây kiếm Nhật đeo lủng lẳng bên hông.


Tại phố Khách, có anh bạn là Phan Tại, họa sĩ mầm non và đạo diễn kịch chưa có việc làm, lúc nào cũng ngậm pipe và trầm ngâm. Ở cùng phố với Phan Tại là Học Phi, người sẽ trở thành hung thần cách mạng khi nắm chính quyền và bắt giết nhiều người. Bạn của tôi lúc đó còn là Thiệp đá bóng, người bị Pháp bắn chết tại Hải Phòng vào năm 46 và Thận, sĩ quan thiết giáp sau này của miền Bắc Cộng Sản. Đó là chưa kể Lê Ninh, con ông Thương Tá Lê Cẩn, sau này là sĩ quan trong Cục Quân Cụ của Quân Đội Cộng Hòa và Lê Hồng Giang, Lê Duy Kỳ, những con trai của ông bà Tuần Phủ Lê Đình Trân, hai bực phụ mẫu chi dân sau này là cha mẹ nuôi của tôi.


Ôi đẹp thay những ngày tôi 20 tuổi ở tỉnh nhỏ Hưng Yên! Cùng với bạn bè, tôi hay tới trước cây bàng ở Tòa Án để dùng súng cao xu bắn rơi những trái bàng. Rồi chia nhau ăn những quả bàng ngọt như đường. Hay tới gốc đa nhà Cercle để hái búp đa rồi thổi thành những quả bóng nhỏ. Hoặc rủ nhau mua sách học tiếng Nhật. Học chào: Konichiwa. Học cám ơn: Arigato. Riêng tôi, ca sĩ mầm non, học cách xưng hô: Watakusi wa ongakusen = tôi là nhạc sĩ... Nhưng ngoại trừ Ưng ở phố Khách, chúng tôi không thích làm việc với Nhật dù cũng khoái khi thấy Nhật da vàng bắt nạt Pháp da trắng quá trời. Nhưng chúng tôi rất thích hát những bài Nhật như Mori No, Kohan No Yado. Lúc đó bài Thu Trên Đảo Kinh Châu vừa được Lê Thương soạn ra với một âm giai Nhật Bản và lập tức được chúng tôi hát luôn mồm.


Ở Hưng Yên, tôi được sống rất gần gũi với tuồng, chèo mỗi khi có gánh hát tới kiếm ăn ở tỉnh này. Ngành sân khấu cổ truyền đang tới kì mạt vận. Gánh hát nào cũng ế khách, kép hát nào cũng nghiện ngập. Mẹ tôi được coi là nhà Mạnh Thường Quân hạng nhất của họ. Không những mẹ đi coi hát luôn luôn để ủng hộ tinh thần và vật chất cho các gánh hát nghèo, mẹ còn mời đào kép về nhà ăn ở nữa. Tôi đã học cách đánh trống chèo với kép Tư Liên, học cách vẽ mặt với hề Phẩm. Tôi được ngồi ăn cơm với tổ sư của ngành Hát Chèo Văn Minh là Nguyễn Đình Nghị ngay từ lúc đó, trước khi làm việc với cụ tại Liên Khu IV (Thanh Hoá) vào năm 1949. Và cùng với bạn bè, chúng tôi tổ chức những buổi ca kịch, trong đó tôi trổ tài hát nhạc cải cách hay nhạc ngoại quốc lời Việt.


Về ái tình, cũng như hầu hết các anh bạn, tôi bị cú sét đánh bởi cô con gái của chú Dzùng ở phố Chợ tên là Sâm. Chú Dzùng người Tàu lấy vợ Việt Nam có họ với Hoàng Thư nên Sâm là cháu của bạn tôi. Tôi dễ dàng làm quen với cô gái đẹp nhất Hưng Yên để viết nhiều thư tình, những bức thư chỉ được người nhận thư trả lời bằng những nụ cười có má lúm đồng tiền và câm lặng. Tôi không thể nào ngờ rằng cô nữ sinh gốc Minh Hương này cũng được thầy giáo Nhượng mê luôn và hỏi làm vợ. Ông giáo tỉnh nhỏ dễ lấy vợ hơn chàng thất nghiệp tỉnh nhỏ. Ngày anh mình cưới chị Sâm, tôi không còn ở Hưng Yên để nhìn người mình mơ tưởng trở thành chị dâu. Sau khi biết anh mình đóng vai chính trong truyện Trầu Cau (truyện cổ tích: hai anh em yêu một người) và không muốn làm kẻ tình địch của anh, tôi lảng xa cô Sâm. Rồi từ đó tôi tạo cho tôi một nỗi buồn rất cải lương. Nỗi buồn vẩn vơ này sẽ trở thành nỗi buồn rất thực khi mấy năm sau tôi trở về nhà và thấy chị Sâm đã qua đời sau hai năm làm dâu trong gia đình tôi, để lại cho người chồng đau khổ hai đứa con trai nhỏ. Khi chị Sâm mất - vì bệnh thương hàn do sự cẩu thả của ông bác sĩ tỉnh nhỏ - tôi đang đi hát rong ở miền Nam. Không ai biết tôi ở đâu để cho biết hung tin. Tôi còn buồn hơn nữa khi biết thêm rằng sau ngày vợ chết, trong mấy năm liền, anh Nhượng luôn luôn giở những chiếc áo dài của vợ ra coi rồi ngồi ôm mặt khóc. Cho tới khi anh tái hôn với một cô gái Thái Nguyên vào lúc Cách Mạng thành công thì mới thôi.


Hoàng Thị Sâm, Hưng Yên 1940...


Khi còn ở Hà Nội, tôi chưa đủ tuổi để đi hát cô đầu. Tại Hưng Yên, vì không có tiền nên lũ thanh niên thất nghiệp thường đi ké với người lớn tới xóm ả đào ở Nam Hòa. Cô đầu Trần Thị Đào rất đẹp và hát rất hay. Nhưng không đứa nào trong lũ thanh niên túi rỗng sờ được lông chân của cô. Để giải quyết sinh lí, chỉ còn cách tán mấy người bán hàng rong, như chị bán bánh giò ban đêm chẳng hạn. Thỉnh thoảng vào lúc nửa đêm, khi nghe thấy tiếng rao hàng từ xa xa, tôi rón rén mở cửa ra phố dắt chị bán bánh giò lớn tuổi hơn tôi vào phòng để ân ái. Thật là liều lĩnh vì mẹ tôi nằm ngủ ở ngay nhà ngoài. Quen mùi, cứ vài ngày tôi lại nghe tiếng ồ ồ của chị ta, rao đi rao lại: Giò nóng đây!


Trong đám thanh niên vô công rồi nghề chỉ biết chim gái, rong chơi và ca hát như vậy, tôi là kẻ may mắn nhất. Tôi có công việc ngay sau khi về tỉnh này chừng ít lâu. Một người anh họ xa, anh Ninh, làm lục sự tại Tòa Án đem tôi vào làm thư kí. Hằng ngày, ngoài việc đánh máy những bản án luôn luôn bắt đầu bằng câu: Attendu que..., cùng với một thư kí khác tên Xương, tôi thay mặt ông lục sự nhận tiền đút lót của những người đi hầu Tòa, dù là bên nguyên hay bên bị. Tôi chứng kiến những chuyện cười ra nước mắt, khóc ra nụ cười ở một nơi có nhiều vở hài kịch hay thảm kịch sống động còn hơn là những vở tuồng trên sân khấu. Thấy vẻ mặt lo âu của những người vô phúc nên phải đáo tụng đình. Thấy ông Chánh Án Vũ Đại to béo như Hộ Pháp, bệ vệ ra ngồi trên bục, chưa hỏi cung bị can hay chứng nhân mà đã biết xử án ra sao. Vì ngài đã nhận đồ vi thiềng rồi ạ! Cho nên ông Chánh Án thường ngủ gật bên cạnh hai ông Thẩm Phán và Lục Sự.


Rồi tôi còn được nhòm qua lỗ khóa vào một buổi nghỉ trưa hè để thấy người vợ trẻ của một can phạm nằm ngửa trên bàn giấy để đút lót ông Thẩm Phán tên là Thừa bằng cái tiết hạnh của mình, vừa đút lót vừa dẫy dụa và rên ầm ầm, làm tung toé giấy tờ của người đại diện luật pháp. Thấy những người làm Cách Mạng thứ thiệt bị xét sử như những tên cướp. Thấy những kẻ cướp thực sự bị xét sử rồi về sau thấy họ tự khoe là nhà Cách Mạng! Ngán ngẫm nhất là thấy ông anh Lục Sự Ninh, béo lùn và đầu hói, ban ngày quát mắng lũ dân đen đi hầu tòa bằng giọng nói thét ra lửa mửa ra khói, chiều tối về nhà lại tiu ngỉu như mèo cụp đuôi trước cơn thịnh nộ không duyên cớ của bà vợ rất dữ.


Đi làm tại Tòa Án với số tiền lương là 12 đồng một tháng, tôi đã tự sắm cho mình một bộ đồ Tây mùa hè mầu trắng. Nhưng tôi không tiếp tục làm cái nghề nha lại này sau nửa năm nếm mùi công lí mầu đen đó. Vả lại tôi đang được ông Tuần Phủ Lê Đình Trân yêu thích giọng hát của tôi khi tôi vào dinh để chơi với hai người con trai. Rất chiều chồng, bà Trân liền xin mẹ tôi cho tôi làm con nuôi để - gọi là - dạy học cho lũ con nhỏ. Trong thực tế, bà muốn có tôi trong dinh để làm một thứ cô đầu hát cho ông chồng làm quan đầu tỉnh này. Lúc đó người Nhật đem vào Việt Nam hai bài hát thịnh hành là Hà Nhật Quân Tái Lai (Bao Giờ Chàng Trở Lại) và Shina No Yoru (Đêm Trung Hoa). Tôi rất thích bài Hà Nhật Quân Tái Lai với lời Việt của Văn Chung:


Đi chớ để hình bóng


Cùng vết thương ở trong lòng...


Không cứ gì ông Tuần Phủ Lê Đình Trân, ai nghe tôi hát bài này cũng phải mê tôi cả. Qua những buổi nhạc hội, tôi đã nổi tiếng là hát hay tại nơi tỉnh lị bé bỏng này. Đây là lúc tôi đã bị Thần Âm Nhạc ám ảnh và tôi đang được ru hồn bằng những bài thơ mới của Huy Cận. Đúng như Hoài Thanh viết về thơ Huy Cận: “... có người sẽ bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xa, những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta, còn có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi? Còn có tuổi nào vẩn vơ hơn?” Lúc đó, trong giới thi ca, chưa có lối ngâm thơ theo kiểu Tao Đàn và nếu yêu bài thơ nào người ta thường ngâm lên theo giọng bồng mạc, sa mạc hay theo điệu ả đào... Riêng về phần tôi, với tuổi hai mươi, vì thích những bài thơ buồn vẩn vơ của Huy Cận vừa được in ra trong tập Lửa Thiêng rất phù hợp với sự thất tình vớ vẩn của mình nên tôi đã tập toẹ “hát” những bài thơ đó lên theo lối của tôi. Tức là tôi phổ nhạc đấy! Tôi chọn 2 bài:
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom