• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) (14 Viewers)

  • Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 13

Chương Mười Ba


Nhà ga Hà Nội thời xưa


Bây giờ là năm 1939. Nhạc Cải Cách (hay là Tân Nhạc Việt Nam) đã bắt đầu đi vào thời kì thành lập với những nhạc phẩm rất hay như Khúc Yêu Đương (Thẩm Oánh), Trên Thuyền Hoa (Văn Chung), Thuyền Mơ (Dương Thiệu Tước), Cô Lái Thuyền Mơ (Dzoãn Mẫn)... Tôi say mê ngồi chép ra và hát lên những bài hát rất lãng mạn này nhưng không bao giờ tôi dám nghĩ rằng nay mai mình sẽ sống bằng cái gọi là nhạc cải cách hay là tân nhạc cả.


Lúc này, hình như ai cũng thèm sống cuộc đời sông nước cho nên các vị tiền phong trong âm nhạc cải cách toàn nói tới những con thuyền. Nhưng những thuyền tình này đều không đến nỗi tuyệt vọng như con thuyền của Đặng Thế Phong, vì đã có bờ bến là tình yêu:


Ngọn trào đưa sóng, thuyền tới nơi đâu


Chiếc thuyền tình xa chìm nổi.


Thuyền ơi! Hãy ghé vô bờ


Để ta đỡ phải mong chờ...


(KHÚC YÊU ĐƯƠNG - Thẩm Oánh)


Dừng chèo lại đây cô lái thuyền ơi!


Dừng chèo lại đây giây phút ngừng trôi


Chiều nay tôi đến bến sông xa vắng


Bờ sông xa vắng khách riêng mình tôi...


(CÔ LÁI THUYỀN MƠ - Dzoãn Mẫn)


Cho tôi viết ra đây một câu kệch cỡm: Các vị nhạc sĩ Việt Nam của năm 1939 đã nhìn thấy cái ngày mà tất cả dân Việt Nam đều muốn trở thành thuyền nhân chăng?


Hàng ngày tôi vẫn tiếp tục đạp xe tới phố Hàng Gai để vào ngồi trong tiệm sửa radio Nguyễn Đình Thụ hay để lang thang dạo chơi những phố chung quanh. Tới phố Hàng Bông là thấy ở bên này phố có người thợ ngồi bật bông bằng một dụng cụ giống như cái đàn bầu hay cái cung bắn tên thật lớn. Ông ta đặt dụng cụ độc đáo đó vào một đống bông rồi cầm thanh gỗ đánh vào cái dây thì dây rung lên rất là mạnh mẽ làm cho đống bông tung lên bời bời. Bên kia phố, đối diện với ông bật bông là một bà ngồi giã thịt làm giò làm chả. Hai bên thi nhau phát ra những âm thanh bùng bùng và chát chát, khi to khi nhỏ, khi đầy khi vơi, làm thành một bản hòa tấu nghe đầy ắp “tinh thần dân tộc” (!).


Rồi la cà tới phố Cầu Gỗ, bước vào cửa hàng bán sách báo Pháp, lục coi những truyện vui bằng tranh vẽ, làm quen với Mickey, Félix Le Chat... Hồi đó, có họa sĩ Mạnh Quỳnh là người tiên phong trong việc vẽ truyện bằng tranh dành cho thiếu nhi Việt Nam. Hay vào phố Hàng Bạc mua bánh đậu xanh ngon nhất Hà Nội của cô Tý Rỗ. Cô Tý Rỗ là bạn gái của chị tôi nên nhiều khi mua một gói, cô cho thêm một gói. Thú ghê!


Một hôm đang làm việc tại hiệu sửa radio, thì ông chủ tới bá vai nói:


- Cậu có muốn đi Moncay, làm việc với ông bạn của tôi là ông Hoàng Văn Liễn không? Ông ấy cần một người đã biết qua về nghề rèn, nghề sắt để làm việc trong nhà Máy Ðèn...


Bỗng nhiên được đi xa như vậy, tôi vội vàng nhận lời ngay. Tại thành phố rất êm ả này, vào thời kì Thế Chiến II chưa bùng nổ, đời sống của tôi quá ư bình thường trong khi tôi đang bước vào tuổi thèm phiêu lưu, thèm cái mới cái lạ. Tôi trở về nhà để chào tạm biệt mẹ...


... Một buổi sáng tinh mơ của mùa Đông, mình mặc bộ âu phục bằng nỉ xanh do anh rể mới cho, đầu đội mũ nồi đen bằng dạ, tay xách vali nhỏ, tôi leo lên chiếc xe kéo đưa tôi ra Ga Hàng Cỏ để đáp tàu đi Hải Phòng. Từ hải cảng này, tôi sẽ lên tàu thủy đi Tiên Yên rồi chuyển sang ca nô vào tỉnh Moncay. Đây là lần đầu tiên tôi làm một chuyến đi xa với nhiều chặng đường như vậy. Từ bé tới giờ tôi có may mắn được xê dịch luôn luôn. Khi thì về quê thăm vú ở ngôi làng cách Hà Nội khoảng 20 cây số. Lần bỏ nhà đi theo anh chàng làm trò quỷ thuật, tôi đã xuống tới Nam Định. Rồi được đi Bắc Ninh thăm Cô Án, được đi Suốt Rút, Núi Chẹ hay đi Chùa Hương, đi Đền Sòng Phố Cát với mẹ... Dù đã đập cửa ra đi tự lập thân, nhưng tôi vẫn còn ở trong thành phố, thỉnh thoảng gặp lại mẹ và người trong họ. Bây giờ coi như tôi sẽ thoát li hẳn gia đình để đi sống ở một nơi thật là xa lơ xa lắc. Ra tận biên giới! Trong mười năm trời sắp tới, tôi sẽ là một kẻ tứ cố vô thân cho tới khi tôi lập gia đình vào năm 1949.


Bỡ ngỡ trong nhà ga chính của Hà Nội, tôi đưa tay giữ chặt cái túi bên trong của áo veston.


- Con phải coi chừng nhé! Nhà ga Hàng Cỏ nổi tiếng là có nhiều kẻ cắp đó...


Sáng nay trước khi tôi leo lên xe kéo, mẹ tôi đã dặn dò và dúi cho một ít tiền. Vì đã lớn rồi, tôi không khóc khi chia tay mẹ nhưng bây giờ ngồi trong toa xe hỏa, tôi mới thấy buồn. Nỗi buồn cũng vừa phải vì tôi đang thèm đi. Xe hỏa chuyển bánh rời nhà ga. Chạy trên đường sắt cao hơn mặt phố, Tàu đi qua một Hà Nội chưa tỉnh ngủ. Những làn khói xanh bé bỏng tỏa lên từ những mái nhà cổ. Chưa bao giờ lên cao để nhìn thủ đô, bây giờ tôi thấy thành phố là bức tranh nổi làm bằng sành. Tàu chạy tới cầu Doumer (về sau được gọi là cầu Long Biên). Lúc còn ít tuổi, mẹ cho đi thăm Cô Án ở Bắc Ninh, tôi còn quá bé để rung động với cái sườn sắt trên này hay với dòng nước dưới kia. Bây giờ, khi tàu vượt qua cầu thì tôi tiếc là chưa được sống với con sông lịch sử này. Khi nhìn nhận Hồ Gươm là giọt lệ, tôi chỉ coi sông Hồng là sức mạnh của thành đô, nhất là vào mùa nước lớn. Không yêu nó như Văn Cao để soạn câu hát:


Nhị Hà còn kia! Nhị Hà còn đó!


Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông...


Trên chuyến tàu thoát li này, tôi chỉ kịp đưa mắt chào những cánh bèo và khúc củi rừng đang trôi vội vã dưới sông.


Ra khỏi Gia Lâm, tàu vun vút đi trong vùng quê ướt át. Vào giữa mùa lạnh, tôi thấy đồng quê xanh tươi hẳn lên như muốn vươn mình để chống lại mùa Đông chết chóc. Tàu lắc lư làm tôi ngây ngất. Những cột dây điện vụt ngang làm tôi chóng mặt. Tiếng còi tàu rú lên khi trèo qua đường cái làm tim tôi phập phồng. Qua cửa sổ, tôi thoáng nhìn bóng người dắt trâu đứng kiên nhẫn sau những thanh chắn bằng tre. Tôi thấy cái thú giang hồ đang xâm chiếm tôi! Tôi bỗng chẳng còn biết sợ một chuyến đi rất dài tới một nơi rất xa lạ nữa.


Trong chuyến đi xa đầu tiên này cũng như trong những chuyến đi sâu vào quê hương hay đi rộng ra thế giới trong tương lai, lắm lúc tôi thắc mắc vì không thấy trong nước ta có những công trình xây đắp vĩ đại như di tích Angkor, Kim Tự Tháp hay đền đài La Mã, Hi Lạp... Nhưng rồi tôi thấy tinh thần Việt Nam không cần phải được thể hiện qua những đền đài miếu mạo to lớn. Trong suốt dọc đường lịch sử, người Việt Nam lúc nào cũng phải gồng mình lên để giữ nước, dựng nước, lúc nào cũng nghèo khó từ vua tới dân nên không có ai nghĩ tới chuyện xây đắp những công trình kiến trúc lớn lao. Tổ tiên ta chỉ cần biểu dương tinh thần dân tộc qua những đồ mĩ nghệ, qua những câu ca dao, qua tình đoàn kết và sự thương yêu nhau, rất bé bỏng, rất vừa phải, rất phù hợp với một dân tộc luôn luôn biết tự sỉ. Không huênh hoang tự đắc nên không phô trương bằng những công trình kiến trúc to lớn. Vua chúa thương dân, không bắt dân phải nai lưng làm công việc suy tôn người lãnh đạo nên nước ta không có nô lệ. Dân cũng không ưa những ông vua thích khoe khoang. Chỉ có nhà Nguyễn là có dăm ba đền đài thành quách và nhất là có nhiều lăng, nhưng khi vua Tự Đức đặt tên lăng là Vạn Niên thì có câu thơ chỉ trích:


Vạn Niên là vạn niên nào?


Thành xây xương lính hào đào máu dân...


Lịch sử còn cho ta thấy rằng để có được một Vạn lị Trường Thành, một Angkor, một Kim Tự Tháp, người dân Trung Quốc, Kmer, Ai Cập đã phải hi sinh ra sao? Hơn nữa, mỗi khi một đền đài lăng tẩm vĩ đại của nước nào được xây cất xong là thấy ngay sự tàn lụi của dân tộc của nước đó. Người Việt Nam đừng quên bài học này!


Tới Hải Phòng, vì không quen ai, tôi ra thẳng bến tàu. Lần đầu tiên tôi thấy một cửa bể. Nhìn cái gì cũng thấy thú, từ cái cần trục tới con tàu sắt han rỉ, từ nhà máy có tiếng còi gọi sáng tới cửa kho chật chội hàng hóa. Bến Tàu nhộn nhịp với đám công nhân hùng hục khuân vác. Người bán quà rong đem tới rổ xôi lúa hay gánh bún chả, cất tiếng rao hàng lanh lảnh. Hành khách hối hả chen nhau lên Tàu. Tôi nhìn thấy biển ở xa xa. Gió thổi vào môi thấy mặn mùi muối. Tôi nghe tiếng chim biển vỗ cánh...


Tới giờ nhổ neo, Tàu Bạch Thái Bưởi kéo còi rồi từ từ ra khỏi bến. Hải Phòng khuất dần trong sương mù. Buồn lâng lâng. Rồi con tàu trôi vào vùng nước rộng. Sóng biển bạc đầu nhô lên rồi nhào xuống. Bọt sóng lăn tăn chung quanh con Tàu. Tuy đã được xuống Hải Phòng lúc mười bốn tuổi để đón anh Khiêm từ Pháp trở về, đây là lần đầu tiên tôi gặp biển và còn được đi trên biển nữa. Rất lãng mạn, tôi muốn trở thành tình nhân của biển ngay. Bài Viễn Du ra đời mười lăm năm sau với câu hát Ra khơi biết mặt trùng dương khởi sự từ giây phút này.


Rồi Tàu chạy tới vịnh Hạ Long. Tàu đi qua những cái động mang tên Động Kì Quan (Grotte Des Merveilles), Động Ngạc Nhiên (Grotte De La Surprise)... và làm tôi rạo rực vì được đi qua một cảnh trí mình chỉ biết qua sách vở. Rồi tự đắc vì thấy mình là khách giang hồ (!) thực thụ, đến độ không thấy đói trong khi mọi người chung quanh mở khăn gói lấy đồ ăn và nói chuyện om xòm. Đa số hành khách là người Tàu đi buôn bán giữa Hải Phòng và Moncay. Chuyến đi mà tôi muốn là trên một con Tàu không bến chỉ mất hơn nửa ngày đã tới bến.


Tới Tiên Yên nhưng Tàu không vào được bến vì nước cạn. Tàu buông neo ở cách bờ biển khoảng năm mươi thước. Hành khách nhanh nhẹn nhẩy xuống nước, lội vào bờ. Trời đã gần tối, phải nghỉ lại Tiên Yên một đêm. Trong quán trọ, tôi nghe người ta kể chuyện hải tặc tới cướp của giết người tại đây. Lũ giặc biển là người Tàu (gọi là Tàu Ô) từ vùng biển Trung Hoa rất gần với Tiên Yên, thường kéo buồm sang đây để ăn cướp. Nghe vậy thì tôi rất sợ hãi. Có người nói:


- Ngày mai, chiếc ca nô chạy đi Moncay sẽ có lính khố xanh đi hộ tống.


Thế là tôi yên chí.


Khi ca nô tới Moncay, không có ai đón tôi cả. Tôi hỏi thăm đường về nhà ông chủ Nhà Máy Đèn. Nhà ông nằm ngay cạnh cây cầu biên giới, trên mảnh đất đối diện với tỉnh Đông Hưng bên Tàu. Gặp ông chủ mới, tôi có cảm tình ngay.


Ông Hoàng Văn Liễn, tốt nghiệp kĩ sư điện ở Pháp về, không phải là một người cao lớn nhưng trông ông rất lực lưỡng. Vẻ mặt hiền từ, giọng nói thân mật. Bà Liễn rất đẹp và là bà giáo của trường công lập trong tỉnh Moncay. Ông bà có hai đứa con nhỏ rất xinh. Anh ruột của ông Liễn là Chánh Án Hoàng Văn Châu sau này sẽ lấy chị ruột của tôi ở bên Pháp. Lúc đó cả hai người đã luống tuổi và đều tục huyền, tái giá sau khi góa vợ, góa chồng. Sau khi đã trình diện ông chủ, tôi được đưa tới nơi ở trọ đã định trước là nhà ông Đỗ Tử Côn, thư kí nhà máy điện.


Từ Moncay, nhìn sang Tong Hing


Thành phố Moncay nằm trên một con đường dài có nhiều con dốc. Diện tích thành phố có lẽ không ngoài mười cây số vuông. Nhà cửa kiểu cổ quét vôi trắng toát nằm dưới ven đường. Trên sườn đồi là những lò gốm của người Tàu. Tất cả bát đĩa nằm trong bếp núc của người dân Bắc Việt đều được sản xuất ở đây. Lò gốm làm việc suốt ngày đêm. Những đêm buồn, tôi chỉ cần ra cửa sổ ngước mắt nhìn lên đồi, ngắm những ngọn lửa sáng rực trên các lò gốm là thấy ấm lòng ngay.


Nơi tôi ở trọ nằm trên con đường chính của thị xã, gần Nhà Máy Điện. Ông bà Đỗ Tử Côn và các con nhỏ chiếm một gian phòng rộng ở trên gác. Một gia đình người Tàu, chủ nhân của căn phố, ở dưới nhà. Giang sơn của tôi là một cái giường kê không xa giường ông bà Côn là mấy. Trong thời gian sáu tháng ở trọ tại đây, suốt ngày đêm tôi được nghe bà Côn đay nghiến chồng về tội ăn chơi, nhất là tội bao gái người Tàu.


Ông Đỗ Tử Côn, người Thanh Hóa, đeo kính cận thị, mặt mũi nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, bề ngoài trông rất hiền lành nho nhã nhưng bên trong là một tay ăn chơi khủng khiếp. Ông vốn là bạn của Nguyễn Tuân trong thời trai trẻ mà! Trong những ngày ở gần ông, tôi được nghe ông nói nhiều chuyện về văn chương và về các nhà văn mà ông quen biết như Đồ Phồn, Nguyễn Tuân, Đàm Quang Thiện... Trước đây ông cũng là một nhà văn, nhà báo nhưng không nổi danh vì không bao giờ ông được ở tại Hà Nội để hành nghề văn sĩ.


Ngoài chuyện giảng văn ra, ông Côn còn huấn luyện tôi rất kĩ càng trong lối sống hành lạc. Đi đánh bạc, đi hút thuốc phiện, đi chơi gái... đi đâu ông cũng dắt tôi đi theo, khi thì đi qua Đông Hưng ở bên kia biên giới, khi thì đi chơi ngay trong vùng ngoại ô tỉnh Moncay. Rất có thể ngoài tôi ra, tại nơi tỉnh lị biên phòng nhỏ bé này, ông không có ai là bạn cả nên đành chấp nhận tôi là “đồng chí”. Trong túi ông lúc nào cũng có một cái vòng nhỏ có gai bằng cao su dùng để trợ dâm (giống như cái mắt dê mà tôi biết sau này). Ông bảo tôi rằng người Tàu gọi nó là cái lục quốc phong tướng, tức là có tới sáu quốc gia phong nó làm tướng quân! Chẳng trách ông có người tình là một thiếu nữ người Tàu rất trẻ. Trong bức ảnh ông cho tôi coi, tôi thấy cô Tàu này rất đẹp và có đôi mắt rất dâm.


Ông Côn dẫn tôi tới gặp ông Cai là người chỉ huy trực tiếp của tôi tại nhà máy đèn với những lời ân cần gửi gấm. Mới nhận việc thì tôi làm thợ rèn. Sau một thời gian tôi được đổi qua việc coi lò than trong nhà máy điện.


Làm thợ rèn thì dễ, vì tôi đã quen cầm búa tạ để vung đôi tay đập xuống những thỏi sắt nung khi đi học ở trường Kĩ Nghệ. Coi lò than và làm ca đêm, từ mười một giờ tới bốn giờ sáng, thì hơi mệt vì phải thức đêm để luôn luôn xúc than đổ vào lò. Lò này nung nóng nước trong nồi xúp-de (chaudière) để làm ra hơi chuyển động máy biến điện. Việc này rất quan trọng vì nếu không đun đủ lửa để nung sức nóng thì máy ngưng chạy và cả thành phố sẽ mất điện ngay. Không chú ý tới nút an toàn và đốt nhiều than quá thì làm nổ nồi xúp-de, coi như mình sẽ là người đi đứt trước tiên. Vì cả hai công việc này đều giúp tôi được hít rất nhiều thán khí (CO2) cho nên sau năm tháng làm việc tại đây, tôi bị bệnh nám phổi và phải vào nằm điều trị tại nhà thương Moncay. Sau khi khỏi bệnh, vết sẹo ở trong phổi còn hành hạ tôi mấy chục năm sau mới hết.


Làm thợ Nhà Máy Điện, Moncay


Tuy nhiên, trong việc coi lò than tôi rất vui vì có anh bạn cùng ca với tôi luôn luôn hát những câu Vọng Cổ rất mùi mẫn. Anh ta là một kép hát đã giải nghệ để đi làm thợ. Trong đêm khuya khoắt, hai anh công nhân mình mẩy đen sì vì bụi than, mồ hôi ròng ròng vì sức nóng của lửa, giữa tiếng máy chạy sè sè... ngồi nói chuyện hát Cải Lương mà quên cả mệt.


Khi làm việc tại lò rèn, tôi làm quen với một nữ công nhân tên là Tỵ - cháu của ông Cai - rồi trở thành người tình của nàng. Người tình công nhân này (cũng giống nàng Nụ ở Yên Thế mà tôi gặp sau này) khỏe mạnh cả tâm hồn lẫn thể xác, ngoài mặt thì có vẻ nhu mì nhưng khi yêu nhau thì nàng là hỏa diệm sơn! Tôi còn nhớ ngày chúng tôi yêu nhau thực sự là vào một buổi chiều chủ nhật, sau buổi văn nghệ tài tử ở trong tỉnh, có tôi và cô nữ công nhân tham gia. Sau buổi diễn người tình kéo tôi về nhà để ân ái. Lúc đó tôi là một anh thợ trẻ khỏe mạnh như hùm cho nên tôi chẳng cần đến cái lục quốc phong tướng của ông Côn để thỏa mãn người nữ công nhân đẹp đẽ và mặn mà này. Làm tình xong là hộc tốc chạy ra nhà máy điện để làm việc dù hôm ấy là ngày chủ nhật.


Ngoài Nhà Máy Điện ra, ông Hoàng Văn Liễn còn là chủ nhân của một rạp ciné chuyên chiếu phim Tàu, nằm ngay cạnh bờ con sông nhỏ chia đôi hai nước Việt-Hoa. Những lúc không bận việc tại lò rèn hay tại nhà phát điện, tôi được ông chủ phái tới kiểm soát vé tại rạp ciné. Tha hồ mà coi phim Tàu. Coi đến phát ngấy. Tại rạp ciné tôi có một người Tàu tên là Ả Cẩu (Anh Chín) để sai vặt. Tuổi Ả Cẩu đã ngoài ba mươi nhưng anh ta bé choắt như thằng bé lên mười. Anh Chín người Tàu này nghiện thuốc phiện từ lúc lên năm, lên sáu cho nên không lớn lên được. Nhờ được thấy trước mắt kết quả tai hại của thuốc phiện cho nên tôi đã không mắc nghiện dù tôi có rất nhiều dịp để tới gần Ả Phù Dung. Tôi thường sai anh Tàu nghiện này đi đánh đề hộ tôi, sau khi tôi nằm mơ thấy những con vật để chọn số đề. Chẳng bao giờ tôi trúng đề cả cho nên dù sòng bạc ở ngay trước mặt rạp ciné, ít khi tôi lai vãng tới nơi đổ bác này. Nếu có tới là chỉ để thưởng thức không khí nhộn nhịp của sòng bạc, có những cô gái Tàu cất tiếng kêu “Hối! Hối!” nghe như tiếng gọi của ái... tiền!


Trong thời gian ở Moncay, tôi rất mãn nguyện trong đời sống của mình. Khi còn tập việc tại tiệm sửa radio Nguyễn Đình Thụ ở phố Hàng Gai Hà Nội, lương lậu của tôi cũng chẳng là bao, thỉnh thoảng còn xin tiền mẹ. Về tinh thần cũng vậy, tôi phải dựa vào tình yêu của mẹ để sống. Bây giờ, tại Moncay, tôi là một công nhân thực thụ, hoàn toàn tự lập trong mọi phương diện. Có việc để làm, có tiền để tiêu, có ông bà chủ đối đãi tử tế, có người bạn hơn tuổi để học hỏi việc ăn chơi, có người tình để yêu, nhất là chẳng có ai để mà thù ghét cả! Tuyệt vời! Tôi chẳng thấy mình cô đơn lúc nào cả, ngay cả trong thời gian nằm trong nhà thương vì một bệnh khá nặng là bệnh đau phổi. Tôi có người tình tới chăm sóc luôn luôn nên tôi chóng khỏi bệnh.


Ngoài người tình công nhân ra, tôi có thêm một mối tình câm với cô con gái của ông chủ nhà người Tàu. Gọi là tình câm vì tôi không nói giỏi tiếng Tàu. Tiếng Tàu của tôi chỉ đủ dùng mỗi khi tôi qua Đông Hưng để ăn tỉm xắm (điểm tâm) vào những ngày chủ nhật mà thôi. Người dân Moncay đi qua chơi ở Đông Hưng chẳng cần phải giấy thông hành gì cả. Tôi qua nước Tàu còn quá dễ vì lính gác ở đầu cầu bên kia thường qua Moncay coi ciné và biết tôi là người xé vé. Nhiều khi tôi còn cho họ vào coi ciné không mất tiền nữa. Giá lúc đó tôi làm nghề buôn thuốc phiện lậu thì thật là dễ dàng. Và tôi đã giầu to rồi. Qua Đông Hưng ăn sáng nhưng thỉnh thoảng tôi cũng đi sâu vào nội địa để thấy đời sống cơ cực của nông dân Trung Hoa. Cũng nghèo đói và ngu muội như bất cứ nông dân nào phải sống dưới ách phong kiến hay thực dân. Tôi nhớ tới cái nghèo của dân vùng Trạm Chôi, Sơn Tây, quê hương của vú tôi. Dân có nghèo khổ nhưng không bao giờ dã man. Tại vùng Đông Hưng này, người Tàu (và kể cả người Nùng ở phía bên Moncay, Hải Ninh nữa) có cái tục giết con gái và bán vợ.


Trung Quốc đang là cái mồi béo của Nhật Bản. Chiến tranh đã tới nước của những ông con Trời rồi. Lấy biến cố Lư Cầu Kiều làm cái cớ trong mưu đồ bá chủ vùng Đông Nam Á, Nhật Bản đã đem quân xâm lăng Trung Quốc từ năm1937. Quân Đội Nhật đã chiếm Quảng Châu trong năm 1938 và vừa mới chiếm xong đảo Hải Nam trong năm 1939. Nhưng cũng chẳng cần phải có chiến tranh, ngay trong thời bình đời sống của người dân quê ở nước Tàu cũng đã gặp nhiều khó khăn rồi. Sống dưới ách đế quốc Nhật Bản, chắc họ còn gặp khó khăn gấp bội, cho nên khi Mao Trạch Đông xuất hiện với chính sách lấy nông dân làm giai cấp chủ lực của cuộc cách mạng vô sản thì dân quê ở Trung Quốc đi theo họ Mao ngay.


Vào năm 1939, tình hình chính trị ở Việt Nam có vẻ lắng dịu. Hầu hết các người chống Pháp thuộc phe tả như Tạ Thu Thâu, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giầu bị bắt giam sau khi cuộc nổi loạn ở Nam Kì bị thất bại. Ở ngoài Bắc, dựa vào thời kì nước Pháp có chính phủ thuộc phe Mặt Trận Bình Dân (Front Populaire) khiến cho thực dân Pháp ở Việt Nam phải nới lỏng báo chí, lãnh tụ Nguyễn Tường Tam đã bầy tỏ được những tư tưởng quốc gia của mình và tạo được một mặt trận hợp pháp có danh xưng Mặt Trận Dân Chủ Đông Dương. Nhưng vào năm 1939, sau khi Mặt Trận Bình Dân hết cầm quyền tại Pháp, chính quyền thuộc địa ra sắc lệnh nghiêm cấm mọi tổ chức chính trị và thẳng tay đàn áp những người chống đối. Đa số những người làm Cách Mạng của cả hai phe tả và hữu đã phải rút qua Trung Hoa để lánh nạn.


Vì nhóm Cường Để có lãnh tụ sống lâu năm ở Nhật Bản và vì thấy Quân Đội Nhật đang nhòm ngó Đông Dương nên Pháp thực dân nương tay không khủng bố nhóm này. Giáo Phái Cao Đài ở trong Nam cũng được đối xử như vậy. Tuy nhiên hai tổ chức thân Nhật này không có quần chúng để làm nổi công cuộc lật đổ người Pháp. Chỉ có Việt Nam Quốc Dân Đảng là vẫn còn uy tín lớn trong dân chúng nhưng Đảng này chưa tái lập được lực lượng kể từ ngày anh hùng Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài. Đảng Cộng Sản Đông Dương rút hẳn vào bóng tối, chỉ chăm chú vào việc tổ chức các tiểu tổ trong giới thợ thuyền và nông dân ở nhiều nơi trong nước.


Vào mùa Thu năm 1939, Hitler xua quân chiếm Ba Lan. Đệ Nhị Thế Chiến khởi sự khi các nước Đồng Minh ở Âu Châu khai chiến với Đức Quốc. Đối với tôi, tình hình chính trị trong nước hay cuộc đại chiến vừa xẩy ra trên thế giới cũng chẳng được tôi chú ý. Vả lại sống tại tỉnh lị nhỏ bé và xa xôi này, tôi không biết gì ngoài công ăn việc làm, đó là chưa kể việc ăn việc chơi của tôi nữa. Tôi làm gì có máy radio để nghe hay có báo chí để đọc những tin tức trong hay ngoài nước? Ngay ông Côn là người đã trưởng thành về mọi phương diện văn hóa hay chính trị trong cả hai lĩnh vực quốc gia và quốc tế mà cũng mù tịt về mọi việc xẩy ra bên ngoài cái tỉnh biên giới xa vắng này. Đại chiến cứ việc tiếp diễn với sự thắng lợi của Đức Quốc Xã. “Mẫu Quốc Pháp” kêu gọi con dân các nước thuộc địa đóng góp vào việc chống “Đức tặc” giống như đã kêu gọi trong thời Đệ Nhất Thế Chiến. Tôi ở Moncay xa xôi nên chẳng nghe thấy gì cả!


Cách Moncay không xa là bãi biển Trà Cổ, nơi nghỉ mát của các viên chức người Pháp và là nơi dân nhà giầu ở tỉnh lị hay đi chơi vào ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng tôi cũng cùng người tình công nhân dạo chơi trên bãi biển.


Bây giờ ngồi nhớ lại thì thấy, so với những bãi biển khác ven Việt Nam mà tôi đã đặt chân lên, Trà Cổ là một bãi biển hoang vắng và lạnh lẽo. Biển không xanh bằng biển Nha Trang, cát trên bãi không trắng bằng cát Qui Nhơn, du khách không đông như ở Đồ Sơn hay Sầm Sơn, dân làm nghề cá không nhiều như ở Phan Rang, Phan Thiết... Nhưng không sao, hai người tình công nhân này chỉ mong có một bãi biển vắng để tự tình. Chẳng cần bãi biển phải nguy nga hay tráng lệ. Dù đã có người dọa rằng:


- Này, bãi biển Trà Cổ có nhiều ma lắm đó!


Đời sống của tôi ở Moncay bình thản trôi đi với quá nhiều hạnh phúc. Lúc giã từ gia đình và tuổi thơ để khởi sự bước vào cuộc đời thực tế tôi cứ tưởng rằng cuộc phiêu lưu này sẽ vô cùng vất vả. Ai ngờ cuộc sống cũng không có gì là đáng sợ! Tay làm hàm nhai, phương ngôn Việt Nam đã nói vậy, chỉ những người lười biếng buông đôi tay ra là mới bị đói thôi.


Bỗng nhiên một hôm, vào giữa tháng 5 năm 1940, khi đi làm về, tôi thấy có thư của Phó Thịnh Cường, anh bạn học ngồi cùng bàn, làm cùng xưởng, ngủ cùng buồng với tôi ở Trường Kĩ Nghệ Thực Hành. Thư viết:


“... Cậu có muốn đi Tây làm thợ không nghề (ONS = ouvrier non spécialisé) trong Quân Đội Pháp hay không? Nếu muốn thì về Hà Nội làm giấy đăng lính. Nhiều thằng đang học trường E.P.I. (Ecole Pratiques D”Industrie) đã lên Tàu đi Pháp rồi. Còn rất nhiều chuyến đi nữa. Muốn đi thì phải về ngay...”


Trời ơi! ĐI PHÁP À? Cái mộng của bất cứ một thanh niên nào trong lứa tuổi tôi. Đây là cơ hội bằng vàng. Trăm năm một thuở. Sẽ được trả thù dân tộc đấy nhé! (Dưới thời Pháp thuộc, cậu trai Việt Nam nào cũng muốn được ngủ với đầm để trả cái thù làm dân nô lệ) Đầu quân làm lính thợ thì đâu có phải ra bãi chiến trường? Vả lại nếu có chết vì súng đạn thì cũng chẳng sao. Mấy khi được xuất ngoại một cách dễ dàng như thế này nhỉ?


Tôi vội vàng đi gặp ông chủ Hoàng Văn Liễn để xin thôi việc. Ông Liễn đã từng đi du học bên Pháp nên khi nghe tôi ngỏ ý muốn trở về Hà Nội để đăng lính đi Pháp thì không những ông không ngăn cản mà ông còn bắt tôi ngồi chơi để nghe ông kể chuyện những ngày ông sống ở Paris. Ông cho tôi biết trước những mánh khoé vặt để bắt tình với các cô đầm, để đi ăn tiệm, đi coi opéra hay để đi coi thắng cảnh theo lối rẻ tiền...


Từ giã gia đình ông bà Đỗ Tử Côn và tỉnh lị biên giới này, một ngày cuối tháng 5 năm 1940, tôi lên ca nô đi Tiên Yên, từ đó lại có con Tàu Bạch Thái Bưởi đưa tôi tới Hải Phòng để đáp xe lửa về Hà Nội.


Nhớ tới câu thương yêu người


Một ngày tuổi mới hai mươi...


KHÚC HÁT THANH XUÂN
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom