Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 17
Chương Mười Bẩy
1943, trong gánh hát Đức Huy
Hà Nội có lính Nhật đóng quân nhiều nơi. Sau khi Nhật đánh bom Pearl Harbor, chiếm đóng Phi Luật Tân và những hòn đảo ở vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã tham chiến. Phản công chiếm lại dần dần những hòn đảo đó, Hoa Kỳ đang chuẩn bị giải phóng Phi Luật Tân. Máy bay Mỹ tới thả bom ở những nơi có Nhật đóng quân. Đông Dương đã nếm mùi bom Mỹ.
Về Hà Nội, tôi tới ở chung với Nguyễn Hiến ở khu Phố Huế. Mẹ tôi từ Hưng Yên lên gặp tôi để hai mẹ con cùng tới nhà ông Đức. Cũng như một số các bà mẹ ở Hà Nội vào thời đó, mẹ tôi có nhiều người tự nhận là con nuôi. Trong số con nuôi có một người luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu là ông Đức, chủ nhân giầu tiền của một tiệm bán áo lông (fourrures) Phố Hàng Trống. Vợ ông Đức có người em gái lấy kép hát kiêm soạn giả tuồng Cải Lương khá nổi tiếng là Charlot Miều, tên thật là Ngô Nhật Huy.
Ngành Sân Khấu Cải Lương đang thành công rực rỡ và đang đẩy Tuồng Cổ, Chèo Cổ hay Chèo Văn Minh vào bóng tối. Đầu tư vào gánh hát cải lương là chuyện nên làm. Ông Đức có tiền và ông Huy có tài. Hai anh em cột chèo này được hai người vợ thúc đẩy nên cộng tác với nhau để thành lập một gánh hát lấy tên ĐỨC HUY. Gánh hát có tham vọng đi lưu diễn cả ba miền đất nước, đi từ Bắc qua Trung vào Nam. Rồi gánh này sẽ còn đi hát ở nhiều tỉnh bên nước Cao Miên nữa. Vì ông Đức không thể bỏ cửa hàng đi theo gánh hát được nên ông xin với mẹ tôi cho tôi đi thay mặt.
Thế là chó ngáp phải ruồi, giấc mộng xướng ca giang hồ của mình đã tới lúc được thực hiện. Bao nhiêu lâu nay, mình coi thường sự khinh bỉ của xã hội Việt Nam đối với kẻ xướng ca vô loài, chỉ mơ ước được đi đây đi đó, nhất là nếu được đi theo một gánh xiếc để lòe khán giả với những trò quỷ thuật mà mình học được khi xưa thì tuyệt. Bây giờ thấy mẹ gọi về để cho gia nhập một đoàn hát cải lương thì khoái quá! Không bao giờ tôi có thể ngờ rằng đi với gánh ĐỨC HUY này, tôi lại được đẩy lên sân khấu để cầm đàn ca hát trước ánh sáng tiền trường. Thành anh ca sĩ trong màn phụ diễn tân nhạc, tiếng Pháp gọi là attractions... để làm tăng giá trị cho những vở tuồng xã hội của Charlot Miều trên một sân khấu hài kịch tư nhân nhỏ bé là gánh ĐỨC HUY. Rồi dần dà trở thành người của quần chúng trên một sân khấu rất vĩ đại là nước Việt Nam đầy bi hài kịch. Trong suốt năm mươi năm! Cho tới khi chết, chưa chắc tôi đã ra khỏi cái sân khấu đã có thời là cuộc chiến tranh làm rúng động hoàn cầu, lại còn là nơi hận thù khôn nguôi giữa đồng bào một nước để trong suốt đời mình, tôi luôn luôn bị rát mặt bởi những ngọn đèn còn nóng hơn cả mặt trời.
Ngày đầu tiên gặp hai ông Đức và Huy ở Phố Hàng Trống thì biết ngay là trong một gánh hát đã có bảng hiệu và có đầy đủ đào kép nổi danh rồi, mình sẽ không phải đàn hát, làm trò quỷ thuật hay trò xiếc gì cả!
- Cậu sẽ là thư kí và tiền đạo.
- Nghĩa là?
- Thư kí là làm các công việc ngoại sân khấu như ngồi bán vé, xé vé vô cửa, xếp chỗ ngồi, viết chương trình quảng cáo, tính sổ chi thu, trả lương nghệ sĩ và công nhân. Tiền đạo là mỗi khi gánh hát sắp tới nơi nào thì cậu phải đi trước, thuê rạp, phải tìm cách hối lộ các nhân viên thuế vụ ở các tỉnh nhỏ để chỉ phải đóng thuế impôt indirect (gián thâu) rất ít...
Tuy hơi thất vọng vì không được trổ tài ca diễn mà phải làm một thứ tư chức trong gánh hát, nhưng khi biết mình sẽ là đại diện của một ông chủ, không dưới quyền ai cả thì tôi rất thú vị. Tôi lập tức hẹn với anh Ngô Nhật Huy-Charlot Miều ngày giờ phải xuống rạp TRẦN MỸ NGỌC ở đường Tám Gian Hải Phòng là nơi các nhân viên gánh hát sẽ tập trung để sắm đồ tuồng như phông cảnh, y trang, đồ điện... và để tập tuồng trong một tháng trước khi lên đường Nam Tiến. Rồi tôi trở về trú ngụ tại nhà Nguyễn Hiến vài hôm.
Từ lâu, tôi đã có may mắn được làm quen với Tuồng, Chèo nhờ ở mẹ tôi là Mạnh Thường Quân của những gánh hát nghèo và rất ế khách thường lui tới tỉnh lị Hưng Yên vào thời suy vi của hai môn ca kịch nghệ cổ truyền này. Tôi thấy được mục đích của Hát Tuồng là sự ca ngợi những con người trung quân ái quốc với những đề tài vua băng nịnh tiếm và phù vua phục nghiệp. Đề cao Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Những nhân vật trong Tuồng thường bị đẩy vào những cảnh ngộ đầy thử thách rồi phải tự định đoạt số phận mình. Người theo chính nghĩa bao giờ cũng thắng kẻ tà gian. Một nhân vật trong Tuồng là Đổng Mẫu, mẹ của Đổng Kim Lân, không muốn vì mình mà con bỏ việc nước nên đã tự vẫn để người con anh hùng được rảnh tay qua đèo đi cứu chúa.
Tôi cũng thấy được sự tôn trọng nữ quyền trong Hát Chèo. Nhân vật chính trong Chèo là phụ nữ, hoặc từ bi hỉ xả như Thị Kính, tiết tháo như Châu Long, tiết trinh và hiếu thảo như Thị Phượng. Chỉ tiếc rằng vào thời đó, người ta ưa chuộng cái mới và đã có khá nhiều người hướng về nền Kịch Nghệ Âu Tây, bỏ quên luôn sân khấu cổ truyền đầy những đức tính này.
Khi tôi đang đi học hay khi tôi thất nghiệp và về sống ở tỉnh nhỏ thì cùng với bạn bè, chúng tôi hay tổ chức diễn kịch theo đường lối của Thoại Kịch Tây Phương. Chúng tôi cũng biết qua loa về hoạt động của những người yêu kịch ở Việt Nam. Từ đầu thế kỉ này, đã có người dịch những bi kịch của Pháp ra tiếng Việt. Phạm Quỳnh dịch Le Cid của Corneille, Nguyễn Văn Vĩnh dịch L”Avare của Molière thành Người Biển Lận. Ông Vĩnh còn đóng vai chính trong vở Người Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire) khi vở này được trình diễn tại hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội vào năm 1920. Nhưng công việc của hai vị học giả đó mới chỉ là sự phóng tác từ những vở bi kịch Pháp. Bố tôi, Phạm Duy Tốn - theo tác giả Phạm Thế Ngũ trong cuốn VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ, Bộ III - mới là người viết những mẩu kịch đầu tiên bằng chữ quốc ngữ qua một truyện đối thoại giữa hai ba nhân vật, chia ra làm 2, 3 hồi, trong khuôn khổ một hai cột báo và có tính cách luân lí, trào phúng như bài Thề Cá Trê Chui Ống đăng trong báo Đông Dương Tạp Chí số 71.
Rồi tới những vở kịch thật sự của nhà giáo Vũ Đình Long như vở Chén Thuốc Độc đăng trên báo HỮU THANH năm 1921 và vở Tòa Án Lương Tâm sau đó (1923). Phong trào Kịch Nói lên cao trong thập niên 30 với những vở kịch của Vi Huyền Đắc (các vở Kim Tiền, Hai Tối Tân Hôn, Cô Đốc Minh, Ông Ký Cóp...), Đoàn Phú Tứ (các vở Những Bức Thư Tình, Kiều Liên, Mơ Hoa, Sau Đêm Khiêu Vũ, Ghen), Vũ Trọng Phụng (vở Không Một Tiếng Vang).
(Ảnh bên: Đoàn Phú Tứ, khi luống tuổi)
Khá nhiều các đoàn kịch được thành lập như Nhóm TINH HOA của Đoàn Phú Tứ, NGHỆ SỸ ĐOÀN của Vũ Trọng Can, Chu Ngọc, Ban Kịch THẾ LỮ của Thế Lữ, tiền thân của Đoàn ANH VŨ khi nhà thơ này cộng tác với Võ Đức Diên, Đoàn NGHỆ THUẬT của Lê Văn, Anh Tâm, Thuyết Thuận.
Tuy nhiên trong dân chúng, nếu Tuồng Chèo không còn khả năng hấp dẫn nữa thì, qua những tổ chức không chuyên nghiệp (non professionel) cho lắm, Kịch Nói chỉ được chấp nhận trong giới trí thức, sinh viên học sinh và chỉ được coi như những hoạt động kịch nghệ tài tử (amateur) mà thôi. Đại đa số nhân dân lúc đó rất ưa coi Hát Cải Lương xuất xứ từ Nam Kì. Như đã nói ở Chương Tám, mỗi lần các gánh hát TRẦN ĐẮT, PHƯỚC CƯƠNG với những đào kép thượng thặng như Phùng Há, Năm Phỉ, Kim Thoa, Năm Châu, Tư Chơi, Bẩy Nhiêu ra diễn ở Hà Nội thì đó là một biến cố lớn.
Năm Châu, Phùng Há và Tư Út
Giới sân khấu nhà nghề ở Hà Nội thấy được sự thành công của sân khấu Cải Lương Nam Kì. Trần Phềnh, họa sĩ vẽ phông người Tàu lai là một trong những người đầu tiên lập một ban hát với nghệ thuật sân khấu mới mẻ hơn Tuồng Chèo và hơi giống Cải Lương Nam Kì, lấy tên là ban ĐỒNG ẤU TRẦN PHỀNH. Thành phần diễn viên của ban TRẨN PHỀNH toàn là nhi đồng từ mười đến mười lăm tuổi, trong đó cô bé Thu Nhi (bà Lê Văn, Vũ Bắc Tiến sau này) mới chỉ có sáu tuổi và anh ruột là Hồng Kỳ bảy tuổi cũng được cho vào học hát luôn. Trần Phềnh là người Tàu nên đã dạy các diễn viên nhi đồng hát những điệu hát Quảng Đông, gọi là điệu hồ quảng, với lời Việt do ông soạn ra. Nhưng chỉ trong ít lâu, một người Tàu khác là Ông Tài bỏ tiền ra mua đào kép của ban hát đồng ấu TRẦN PHỀNH để lập ra ban NHẬT TÂN BAN. Khi các đào kép trong ban NHẬT TÂN BAN như Kim Chung, Bích Thuận, Khánh Hợi (vợ tương lai của Sỹ Tiến) lớn lên thì lập tức họ được mua chuộc để vào hát cho những ban mới thành lập như TỐ NHƯ, ỨNG LẬP BAN... Rồi có thêm những gánh hát như gánh HUỲNH LAN ANH do ba nghệ sỹ là Huỳnh Thái, Lan Phương, Anh Đệ làm chủ và gánh ÁI LIÊN có cô đào trẻ và đẹp hát bài ta theo điệu Tây mới mẻ hơn những bài hát hồ quảng, khiến cho giới sân khấu Hà Nội trở thành một lực lượng nghệ thuật trình diễn đáng kể.
Trong không khí tưng bừng của một thứ sân khấu mới mẻ như thế, Ngô Nhật Huy là một anh hề nổi danh. Cũng như các tay hề trong làng Hát Chèo là Hề Phẩm, Hề Liên, rất phục tài tử ciné Charlie Chaplin, Ngô Nhật Huy bèn tự đặt cho mình cái tên là Charlot Miều. Và bây giờ, với sự bỏ vốn của người anh cột chèo là Ông Đức, Charlot Miều thành lập gánh ĐỨC HUY, có cậu thanh niên Phạm Duy Cẩn giúp việc tiền đạo và thư kí.
Khi tôi xuống rạp TRẦN MỸ NGỌC ở Đường Tám Gian, Hải Phòng thì gánh ĐỨC HUY đang rất bận rộn trong việc mua sắm đồ tuồng và tập tuồng. Tôi bắt đầu làm quen với những người sẽ làm tăng vẻ đẹp của những ngày tươi như hoa nở của tôi.
(Ảnh bên: Nhật Quý tức Nhật Thanh)
Kép chính của gánh hát là Quý tức Nhật Thanh, em ruột của Charlot Miều. Các kép phụ là Dần rỗ, Hiếu chột, Ba Hội, Đạt móm... Đào chính là Tình và Nga. Gánh ĐỨC HUY muốn có thêm những màn phụ diễn do đó đã thu nhận “vũ sư” Phúc, người Tàu Lai, chuyên nhẩy thiết hài theo lối nhẩy claquettes (tap dance) của Fred Astaire, Shirley Temple, Ginger Rogers... là những tài tử Mỹ đang được bà con trên thế giới rất thích vì nghệ thuật nhẩy giầy sắt tuyệt vời của họ. Người nhẩy claquettes đầu tiên trên sân khấu Việt Nam vào năm 1936-38 là đào Bạch Tường, em gái của ông bầu Đỗ Xuân Ứng trong gánh ỨNG LẬP BAN. Trong gánh ĐỨC HUY bây giờ, vũ sư Phúc huấn luyện hai em bé, con gái của hai nhạc công trong đoàn để cùng nhẩy thiết hài với mình.
Cũng như các gánh hát Cải Lương hồi đó, gánh ĐỨC HUY có hai ban nhạc. Ban nhạc cổ truyền gồm những nhạc công đánh đàn nguyệt, đàn guitare có phím trũng gọi là octaviana, đàn bầu, đàn cò, violon dùng để đệm cho đào kép hát trên sân khấu, và ban nhạc Tây tấu nhạc trước sân khấu (avant scène) gồm có các nhạc sĩ đánh piano, thổi saxophone và đánh trống jazz.
Tôi được anh Ân đàn cò dạy chơi nhạc cải lương. Ngoài vai trò diễn viên chính của gánh hát, kép Nhật Quý cũng đánh đàn trong ban nhạc cổ truyền. Sau này, với cái tên Ngô Nhật Thanh, anh là giáo sư dạy đàn bầu giỏi nhất trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon. Ban nhạc Tây mới đầu có Paul Trí, đánh piano. Về sau khi gánh hát vào tới Saigon thì có Mateo, người Phi Luật Tân (chúng tôi gọi là người Maní vì cái tên Manille, thủ đô của Phi) và là nhạc sĩ đánh piano loại nhạc classique rất cừ. Trong ban nhạc Tây của gánh hát khi vào Saigon thì có thêm Paul Báu đánh guitare và Giỏi người Việt gốc Miên đánh trống. Paul Báu dạy tôi đánh đàn guitare. Thằng Giỏi sẽ làm cho tôi phải nếm mùi nhà tù thực dân.
Lao công trong gánh hát là thợ vẽ Nguyên, thằng Cõn, anh Thuận và vợ chồng Chất... phụ trách những việc như vẽ quảng cáo, trèo thang mắc màn sân khấu, dọn phông cảnh hay khuân vác những thùng đồ tuồng và hành lí nặng hằng trăm kí lô mỗi khi gánh hát di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác. Chưa kể chuyện đi chợ, nấu nướng, dọn cơm cho nhân viên đoàn hát ăn, dưới quyền chỉ huy của vợ ông bầu là chị Miều. Chưa kể thỉnh thoảng, khi cần tới thì các lao công lên sân khấu đóng những vai rất phụ (figurants) như lính nhà vua, đội xếp, khách hàng ăn, khách qua đường, v.v... Thằng Cõn cũng là thứ dị nhân như Ả Cẩu của tôi ở Moncay, người bé choắt nhưng không phải vì hút thuốc phiện, rất khỏe, làm việc rất tận tụy. Anh Thuận, hơi tàng tàng, thích gọi tôi là bố, dù tôi thua anh mười tuổi, luôn luôn đè tôi ra để tẩm quất, bóp thịt, bẻ xương.
Sau một vài tuần trang bị đầy đủ phông cảnh, đồ tuồng và sau khi tập xong dăm ba vở tuồng mang nhiều tính cách phê bình xã hội, đã tới lúc gánh hát khai diễn. Vào quãng buổi trưa của ngày lịch sử, thằng Cõn đi thuê một cỗ xe ngựa rồi anh thợ vẽ gắn lên đó tấm bảng có những dòng chữ lớn:
Gánh ĐỨC HUY CHARLOT MIỀU mới thành lập
Tối nay khai diễn tại rạp TRẦN MỸ NGOC
Diễn tuồng ÔNG GIÀ NHÀ AI
Có phụ diễn nhẩy thiết hài
Ba giờ chiều, hai cô đào trẻ mặt mày lòe loẹt leo lên ngồi trên ghế xe ngựa. Nấp sau tấm bảng quảng cáo là thằng Cõn và anh Thuận đánh chiêng trống tùng tùng xòe. Ngồi đằng sau xe, tôi có bổn phận tung chương trình bươm bướm. Dân các phố Tám Gian, Cầu Đất, Lạch Chay... từ trong nhà xô cửa ra nhìn chúng tôi. Lũ trẻ bỏ chơi chạy theo xe ngựa, tranh nhau nhặt những tờ chương trình màu đỏ.
Tối đến, thằng Cõn vác trống ra cửa rạp, đánh những nhịp trống múa sư tử. Khán giả lục tục kéo đến. Tôi lăng xăng đi từ ngoài rạp vào buồng vé, từ buồng vé vào chỗ khách ngồi, từ chỗ khách ngồi lên sân khấu. Trên ban thờ tổ sư của ngành xướng ca là Lê Nguyên Cát đặt ở hậu trường để đào kép khấn vái trước khi ra đóng tuồng đã được bày một đĩa hoa quả và được cắm hương, khói lên nghi ngút. Ban nhạc avant scène đã chơi ầm ĩ những bài pasodoble, rumba.
Đồng hồ điểm 8 giờ. Giờ lịch sử đã tới. Anh Thuận bấm xong ba hồi chuông điện, giơ hai tay kéo màn. Tấm màn nhung đỏ từ từ mở ra. Sân khấu lộng lẫy dưới những ngọn đèn một nghìn nến và đèn mầu. Vở tuồng bắt đầu. Một quãng đời mới của tôi cũng vừa mở ra với tấm màn nhung.
Ta ca trái đất còn riêng ta
TRƯƠNG CHI - Văn Cao
1943, trong gánh hát Đức Huy
Hà Nội có lính Nhật đóng quân nhiều nơi. Sau khi Nhật đánh bom Pearl Harbor, chiếm đóng Phi Luật Tân và những hòn đảo ở vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã tham chiến. Phản công chiếm lại dần dần những hòn đảo đó, Hoa Kỳ đang chuẩn bị giải phóng Phi Luật Tân. Máy bay Mỹ tới thả bom ở những nơi có Nhật đóng quân. Đông Dương đã nếm mùi bom Mỹ.
Về Hà Nội, tôi tới ở chung với Nguyễn Hiến ở khu Phố Huế. Mẹ tôi từ Hưng Yên lên gặp tôi để hai mẹ con cùng tới nhà ông Đức. Cũng như một số các bà mẹ ở Hà Nội vào thời đó, mẹ tôi có nhiều người tự nhận là con nuôi. Trong số con nuôi có một người luôn luôn bỏm bẻm nhai trầu là ông Đức, chủ nhân giầu tiền của một tiệm bán áo lông (fourrures) Phố Hàng Trống. Vợ ông Đức có người em gái lấy kép hát kiêm soạn giả tuồng Cải Lương khá nổi tiếng là Charlot Miều, tên thật là Ngô Nhật Huy.
Ngành Sân Khấu Cải Lương đang thành công rực rỡ và đang đẩy Tuồng Cổ, Chèo Cổ hay Chèo Văn Minh vào bóng tối. Đầu tư vào gánh hát cải lương là chuyện nên làm. Ông Đức có tiền và ông Huy có tài. Hai anh em cột chèo này được hai người vợ thúc đẩy nên cộng tác với nhau để thành lập một gánh hát lấy tên ĐỨC HUY. Gánh hát có tham vọng đi lưu diễn cả ba miền đất nước, đi từ Bắc qua Trung vào Nam. Rồi gánh này sẽ còn đi hát ở nhiều tỉnh bên nước Cao Miên nữa. Vì ông Đức không thể bỏ cửa hàng đi theo gánh hát được nên ông xin với mẹ tôi cho tôi đi thay mặt.
Thế là chó ngáp phải ruồi, giấc mộng xướng ca giang hồ của mình đã tới lúc được thực hiện. Bao nhiêu lâu nay, mình coi thường sự khinh bỉ của xã hội Việt Nam đối với kẻ xướng ca vô loài, chỉ mơ ước được đi đây đi đó, nhất là nếu được đi theo một gánh xiếc để lòe khán giả với những trò quỷ thuật mà mình học được khi xưa thì tuyệt. Bây giờ thấy mẹ gọi về để cho gia nhập một đoàn hát cải lương thì khoái quá! Không bao giờ tôi có thể ngờ rằng đi với gánh ĐỨC HUY này, tôi lại được đẩy lên sân khấu để cầm đàn ca hát trước ánh sáng tiền trường. Thành anh ca sĩ trong màn phụ diễn tân nhạc, tiếng Pháp gọi là attractions... để làm tăng giá trị cho những vở tuồng xã hội của Charlot Miều trên một sân khấu hài kịch tư nhân nhỏ bé là gánh ĐỨC HUY. Rồi dần dà trở thành người của quần chúng trên một sân khấu rất vĩ đại là nước Việt Nam đầy bi hài kịch. Trong suốt năm mươi năm! Cho tới khi chết, chưa chắc tôi đã ra khỏi cái sân khấu đã có thời là cuộc chiến tranh làm rúng động hoàn cầu, lại còn là nơi hận thù khôn nguôi giữa đồng bào một nước để trong suốt đời mình, tôi luôn luôn bị rát mặt bởi những ngọn đèn còn nóng hơn cả mặt trời.
Ngày đầu tiên gặp hai ông Đức và Huy ở Phố Hàng Trống thì biết ngay là trong một gánh hát đã có bảng hiệu và có đầy đủ đào kép nổi danh rồi, mình sẽ không phải đàn hát, làm trò quỷ thuật hay trò xiếc gì cả!
- Cậu sẽ là thư kí và tiền đạo.
- Nghĩa là?
- Thư kí là làm các công việc ngoại sân khấu như ngồi bán vé, xé vé vô cửa, xếp chỗ ngồi, viết chương trình quảng cáo, tính sổ chi thu, trả lương nghệ sĩ và công nhân. Tiền đạo là mỗi khi gánh hát sắp tới nơi nào thì cậu phải đi trước, thuê rạp, phải tìm cách hối lộ các nhân viên thuế vụ ở các tỉnh nhỏ để chỉ phải đóng thuế impôt indirect (gián thâu) rất ít...
Tuy hơi thất vọng vì không được trổ tài ca diễn mà phải làm một thứ tư chức trong gánh hát, nhưng khi biết mình sẽ là đại diện của một ông chủ, không dưới quyền ai cả thì tôi rất thú vị. Tôi lập tức hẹn với anh Ngô Nhật Huy-Charlot Miều ngày giờ phải xuống rạp TRẦN MỸ NGỌC ở đường Tám Gian Hải Phòng là nơi các nhân viên gánh hát sẽ tập trung để sắm đồ tuồng như phông cảnh, y trang, đồ điện... và để tập tuồng trong một tháng trước khi lên đường Nam Tiến. Rồi tôi trở về trú ngụ tại nhà Nguyễn Hiến vài hôm.
Từ lâu, tôi đã có may mắn được làm quen với Tuồng, Chèo nhờ ở mẹ tôi là Mạnh Thường Quân của những gánh hát nghèo và rất ế khách thường lui tới tỉnh lị Hưng Yên vào thời suy vi của hai môn ca kịch nghệ cổ truyền này. Tôi thấy được mục đích của Hát Tuồng là sự ca ngợi những con người trung quân ái quốc với những đề tài vua băng nịnh tiếm và phù vua phục nghiệp. Đề cao Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa. Những nhân vật trong Tuồng thường bị đẩy vào những cảnh ngộ đầy thử thách rồi phải tự định đoạt số phận mình. Người theo chính nghĩa bao giờ cũng thắng kẻ tà gian. Một nhân vật trong Tuồng là Đổng Mẫu, mẹ của Đổng Kim Lân, không muốn vì mình mà con bỏ việc nước nên đã tự vẫn để người con anh hùng được rảnh tay qua đèo đi cứu chúa.
Tôi cũng thấy được sự tôn trọng nữ quyền trong Hát Chèo. Nhân vật chính trong Chèo là phụ nữ, hoặc từ bi hỉ xả như Thị Kính, tiết tháo như Châu Long, tiết trinh và hiếu thảo như Thị Phượng. Chỉ tiếc rằng vào thời đó, người ta ưa chuộng cái mới và đã có khá nhiều người hướng về nền Kịch Nghệ Âu Tây, bỏ quên luôn sân khấu cổ truyền đầy những đức tính này.
Khi tôi đang đi học hay khi tôi thất nghiệp và về sống ở tỉnh nhỏ thì cùng với bạn bè, chúng tôi hay tổ chức diễn kịch theo đường lối của Thoại Kịch Tây Phương. Chúng tôi cũng biết qua loa về hoạt động của những người yêu kịch ở Việt Nam. Từ đầu thế kỉ này, đã có người dịch những bi kịch của Pháp ra tiếng Việt. Phạm Quỳnh dịch Le Cid của Corneille, Nguyễn Văn Vĩnh dịch L”Avare của Molière thành Người Biển Lận. Ông Vĩnh còn đóng vai chính trong vở Người Bệnh Tưởng (Le Malade Imaginaire) khi vở này được trình diễn tại hội Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội vào năm 1920. Nhưng công việc của hai vị học giả đó mới chỉ là sự phóng tác từ những vở bi kịch Pháp. Bố tôi, Phạm Duy Tốn - theo tác giả Phạm Thế Ngũ trong cuốn VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ, Bộ III - mới là người viết những mẩu kịch đầu tiên bằng chữ quốc ngữ qua một truyện đối thoại giữa hai ba nhân vật, chia ra làm 2, 3 hồi, trong khuôn khổ một hai cột báo và có tính cách luân lí, trào phúng như bài Thề Cá Trê Chui Ống đăng trong báo Đông Dương Tạp Chí số 71.
Rồi tới những vở kịch thật sự của nhà giáo Vũ Đình Long như vở Chén Thuốc Độc đăng trên báo HỮU THANH năm 1921 và vở Tòa Án Lương Tâm sau đó (1923). Phong trào Kịch Nói lên cao trong thập niên 30 với những vở kịch của Vi Huyền Đắc (các vở Kim Tiền, Hai Tối Tân Hôn, Cô Đốc Minh, Ông Ký Cóp...), Đoàn Phú Tứ (các vở Những Bức Thư Tình, Kiều Liên, Mơ Hoa, Sau Đêm Khiêu Vũ, Ghen), Vũ Trọng Phụng (vở Không Một Tiếng Vang).
(Ảnh bên: Đoàn Phú Tứ, khi luống tuổi)
Khá nhiều các đoàn kịch được thành lập như Nhóm TINH HOA của Đoàn Phú Tứ, NGHỆ SỸ ĐOÀN của Vũ Trọng Can, Chu Ngọc, Ban Kịch THẾ LỮ của Thế Lữ, tiền thân của Đoàn ANH VŨ khi nhà thơ này cộng tác với Võ Đức Diên, Đoàn NGHỆ THUẬT của Lê Văn, Anh Tâm, Thuyết Thuận.
Tuy nhiên trong dân chúng, nếu Tuồng Chèo không còn khả năng hấp dẫn nữa thì, qua những tổ chức không chuyên nghiệp (non professionel) cho lắm, Kịch Nói chỉ được chấp nhận trong giới trí thức, sinh viên học sinh và chỉ được coi như những hoạt động kịch nghệ tài tử (amateur) mà thôi. Đại đa số nhân dân lúc đó rất ưa coi Hát Cải Lương xuất xứ từ Nam Kì. Như đã nói ở Chương Tám, mỗi lần các gánh hát TRẦN ĐẮT, PHƯỚC CƯƠNG với những đào kép thượng thặng như Phùng Há, Năm Phỉ, Kim Thoa, Năm Châu, Tư Chơi, Bẩy Nhiêu ra diễn ở Hà Nội thì đó là một biến cố lớn.
Năm Châu, Phùng Há và Tư Út
Giới sân khấu nhà nghề ở Hà Nội thấy được sự thành công của sân khấu Cải Lương Nam Kì. Trần Phềnh, họa sĩ vẽ phông người Tàu lai là một trong những người đầu tiên lập một ban hát với nghệ thuật sân khấu mới mẻ hơn Tuồng Chèo và hơi giống Cải Lương Nam Kì, lấy tên là ban ĐỒNG ẤU TRẦN PHỀNH. Thành phần diễn viên của ban TRẨN PHỀNH toàn là nhi đồng từ mười đến mười lăm tuổi, trong đó cô bé Thu Nhi (bà Lê Văn, Vũ Bắc Tiến sau này) mới chỉ có sáu tuổi và anh ruột là Hồng Kỳ bảy tuổi cũng được cho vào học hát luôn. Trần Phềnh là người Tàu nên đã dạy các diễn viên nhi đồng hát những điệu hát Quảng Đông, gọi là điệu hồ quảng, với lời Việt do ông soạn ra. Nhưng chỉ trong ít lâu, một người Tàu khác là Ông Tài bỏ tiền ra mua đào kép của ban hát đồng ấu TRẦN PHỀNH để lập ra ban NHẬT TÂN BAN. Khi các đào kép trong ban NHẬT TÂN BAN như Kim Chung, Bích Thuận, Khánh Hợi (vợ tương lai của Sỹ Tiến) lớn lên thì lập tức họ được mua chuộc để vào hát cho những ban mới thành lập như TỐ NHƯ, ỨNG LẬP BAN... Rồi có thêm những gánh hát như gánh HUỲNH LAN ANH do ba nghệ sỹ là Huỳnh Thái, Lan Phương, Anh Đệ làm chủ và gánh ÁI LIÊN có cô đào trẻ và đẹp hát bài ta theo điệu Tây mới mẻ hơn những bài hát hồ quảng, khiến cho giới sân khấu Hà Nội trở thành một lực lượng nghệ thuật trình diễn đáng kể.
Trong không khí tưng bừng của một thứ sân khấu mới mẻ như thế, Ngô Nhật Huy là một anh hề nổi danh. Cũng như các tay hề trong làng Hát Chèo là Hề Phẩm, Hề Liên, rất phục tài tử ciné Charlie Chaplin, Ngô Nhật Huy bèn tự đặt cho mình cái tên là Charlot Miều. Và bây giờ, với sự bỏ vốn của người anh cột chèo là Ông Đức, Charlot Miều thành lập gánh ĐỨC HUY, có cậu thanh niên Phạm Duy Cẩn giúp việc tiền đạo và thư kí.
Khi tôi xuống rạp TRẦN MỸ NGỌC ở Đường Tám Gian, Hải Phòng thì gánh ĐỨC HUY đang rất bận rộn trong việc mua sắm đồ tuồng và tập tuồng. Tôi bắt đầu làm quen với những người sẽ làm tăng vẻ đẹp của những ngày tươi như hoa nở của tôi.
(Ảnh bên: Nhật Quý tức Nhật Thanh)
Kép chính của gánh hát là Quý tức Nhật Thanh, em ruột của Charlot Miều. Các kép phụ là Dần rỗ, Hiếu chột, Ba Hội, Đạt móm... Đào chính là Tình và Nga. Gánh ĐỨC HUY muốn có thêm những màn phụ diễn do đó đã thu nhận “vũ sư” Phúc, người Tàu Lai, chuyên nhẩy thiết hài theo lối nhẩy claquettes (tap dance) của Fred Astaire, Shirley Temple, Ginger Rogers... là những tài tử Mỹ đang được bà con trên thế giới rất thích vì nghệ thuật nhẩy giầy sắt tuyệt vời của họ. Người nhẩy claquettes đầu tiên trên sân khấu Việt Nam vào năm 1936-38 là đào Bạch Tường, em gái của ông bầu Đỗ Xuân Ứng trong gánh ỨNG LẬP BAN. Trong gánh ĐỨC HUY bây giờ, vũ sư Phúc huấn luyện hai em bé, con gái của hai nhạc công trong đoàn để cùng nhẩy thiết hài với mình.
Cũng như các gánh hát Cải Lương hồi đó, gánh ĐỨC HUY có hai ban nhạc. Ban nhạc cổ truyền gồm những nhạc công đánh đàn nguyệt, đàn guitare có phím trũng gọi là octaviana, đàn bầu, đàn cò, violon dùng để đệm cho đào kép hát trên sân khấu, và ban nhạc Tây tấu nhạc trước sân khấu (avant scène) gồm có các nhạc sĩ đánh piano, thổi saxophone và đánh trống jazz.
Tôi được anh Ân đàn cò dạy chơi nhạc cải lương. Ngoài vai trò diễn viên chính của gánh hát, kép Nhật Quý cũng đánh đàn trong ban nhạc cổ truyền. Sau này, với cái tên Ngô Nhật Thanh, anh là giáo sư dạy đàn bầu giỏi nhất trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon. Ban nhạc Tây mới đầu có Paul Trí, đánh piano. Về sau khi gánh hát vào tới Saigon thì có Mateo, người Phi Luật Tân (chúng tôi gọi là người Maní vì cái tên Manille, thủ đô của Phi) và là nhạc sĩ đánh piano loại nhạc classique rất cừ. Trong ban nhạc Tây của gánh hát khi vào Saigon thì có thêm Paul Báu đánh guitare và Giỏi người Việt gốc Miên đánh trống. Paul Báu dạy tôi đánh đàn guitare. Thằng Giỏi sẽ làm cho tôi phải nếm mùi nhà tù thực dân.
Lao công trong gánh hát là thợ vẽ Nguyên, thằng Cõn, anh Thuận và vợ chồng Chất... phụ trách những việc như vẽ quảng cáo, trèo thang mắc màn sân khấu, dọn phông cảnh hay khuân vác những thùng đồ tuồng và hành lí nặng hằng trăm kí lô mỗi khi gánh hát di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác. Chưa kể chuyện đi chợ, nấu nướng, dọn cơm cho nhân viên đoàn hát ăn, dưới quyền chỉ huy của vợ ông bầu là chị Miều. Chưa kể thỉnh thoảng, khi cần tới thì các lao công lên sân khấu đóng những vai rất phụ (figurants) như lính nhà vua, đội xếp, khách hàng ăn, khách qua đường, v.v... Thằng Cõn cũng là thứ dị nhân như Ả Cẩu của tôi ở Moncay, người bé choắt nhưng không phải vì hút thuốc phiện, rất khỏe, làm việc rất tận tụy. Anh Thuận, hơi tàng tàng, thích gọi tôi là bố, dù tôi thua anh mười tuổi, luôn luôn đè tôi ra để tẩm quất, bóp thịt, bẻ xương.
Sau một vài tuần trang bị đầy đủ phông cảnh, đồ tuồng và sau khi tập xong dăm ba vở tuồng mang nhiều tính cách phê bình xã hội, đã tới lúc gánh hát khai diễn. Vào quãng buổi trưa của ngày lịch sử, thằng Cõn đi thuê một cỗ xe ngựa rồi anh thợ vẽ gắn lên đó tấm bảng có những dòng chữ lớn:
Gánh ĐỨC HUY CHARLOT MIỀU mới thành lập
Tối nay khai diễn tại rạp TRẦN MỸ NGOC
Diễn tuồng ÔNG GIÀ NHÀ AI
Có phụ diễn nhẩy thiết hài
Ba giờ chiều, hai cô đào trẻ mặt mày lòe loẹt leo lên ngồi trên ghế xe ngựa. Nấp sau tấm bảng quảng cáo là thằng Cõn và anh Thuận đánh chiêng trống tùng tùng xòe. Ngồi đằng sau xe, tôi có bổn phận tung chương trình bươm bướm. Dân các phố Tám Gian, Cầu Đất, Lạch Chay... từ trong nhà xô cửa ra nhìn chúng tôi. Lũ trẻ bỏ chơi chạy theo xe ngựa, tranh nhau nhặt những tờ chương trình màu đỏ.
Tối đến, thằng Cõn vác trống ra cửa rạp, đánh những nhịp trống múa sư tử. Khán giả lục tục kéo đến. Tôi lăng xăng đi từ ngoài rạp vào buồng vé, từ buồng vé vào chỗ khách ngồi, từ chỗ khách ngồi lên sân khấu. Trên ban thờ tổ sư của ngành xướng ca là Lê Nguyên Cát đặt ở hậu trường để đào kép khấn vái trước khi ra đóng tuồng đã được bày một đĩa hoa quả và được cắm hương, khói lên nghi ngút. Ban nhạc avant scène đã chơi ầm ĩ những bài pasodoble, rumba.
Đồng hồ điểm 8 giờ. Giờ lịch sử đã tới. Anh Thuận bấm xong ba hồi chuông điện, giơ hai tay kéo màn. Tấm màn nhung đỏ từ từ mở ra. Sân khấu lộng lẫy dưới những ngọn đèn một nghìn nến và đèn mầu. Vở tuồng bắt đầu. Một quãng đời mới của tôi cũng vừa mở ra với tấm màn nhung.
Ta ca trái đất còn riêng ta
TRƯƠNG CHI - Văn Cao
Bình luận facebook