Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 21 - 22
Chương Hai Mươi Mốt
Gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU giã từ thành Vinh để xuôi Nam. Đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để vào nơi tôi hằng mơ tưởng là Huế.
Đường bộ đưa chúng tôi đi qua Đèo Ngang, hơn một trăm năm về trước đã in dấu chân của Bà Huyện Thanh Quan trong một buổi chiều bóng xế tà, có lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông (sông Cẩm Lệ?) chợ với nhà... Ngừng lại hát ở Đồng Hới và Đông Hà, vì không đông khách lắm nên gánh hát rút đi nhanh chóng. Tôi không có kỉ niệm nào ở hai thị trấn nhỏ bé này cả.
Vào tới Huế là bắt gặp mùa Xuân với mưa phùn làm tăng vẻ thơ mộng của nơi cố đô. Gánh hát tới đóng đô ở rạp TÂN TÂN trên đường Paul Bert (sau đổi tên là đường Trần Hưng Đạo) đối diện với dòng Hương Giang nổi tiếng.
Đã mơ ước nằm đò sông Hương từ lâu, tôi vội vã vác va li xuống bến. Ngay trong đêm đầu tiên tới Huế, tôi đã được hưởng cái thú nằm trong khoang thuyền để nghe ca Huế thâu đêm suốt sáng. Trước đây tôi chỉ biết ca Huế qua tiếng đàn tranh của bà Ấm Chung hay qua giọng cô Nhơn trong đĩa hát Béka loại 78 tours. Bây giờ được nghe những ca sĩ như Bích Liễu (vợ nhạc sĩ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những câu hò mái đẩy, hò mái nhì, những bài Nam Ai, Nam Bình hay Lí Tình Tang, Lí Tử Vi... Lại được nghe hát những bài ca tình tứ đó trong khung cảnh rất nên thơ là một khoang thuyền ấm cúng có ngọn đèn dầu le lói, có tiếng hát của ca kĩ vọng ra ngoài, âm ba lan ra mặt nước rồi dội ngược vào khoang thuyền và nhờ đó mà thêm phần réo rắt. Có lẽ tiếng hát của chàng ngư phủ Trương Chi trong truyện truyền kì cũng nhờ ở hoàn cảnh hát trên sông nước mà được phóng âm lên và trở nên hấp dẫn hơn đối với lỗ tai của tiểu thư lá ngọc cành vàng Mỵ Nương chăng?
Tuy là một trong những người đầu tiên đưa ra chủ trương là phải tạo nên một dòng nhạc mới để thay thế cho dòng nhạc cổ nhưng tôi vẫn luôn luôn để tâm nghiên cứu kĩ càng những làn điệu của dòng nhạc bình dân ở từng địa phương để từ đó phát triển lên dòng nhạc cải cách. Sau khi đã nắm được nội dung và hình thức của hầu hết các loại dân nhạc ở miền Bắc như Hát Cò Lả, Hát Quan Họ, Hát Chèo, Hát Ả Đào v.v... vào đầu năm 1944 này, tôi bắt gặp một hệ thống ca nhạc hoàn toàn khác với hệ thống dân nhạc miền Bắc. Lúc còn bé, nghe ca Huế, tôi chưa nhận ra sự khác biệt của hai hệ thống âm giai mà nhà nghề gọi là hơi Nam, hơi Bắc. Bây giờ thì tôi nhận ra sự lơ lớ của cung bực trong những điệu hát mà người ca kĩ đang rót vào tai tôi trong khoang thuyền ấm cúng của con đò cắm sào bên bờ sông Hương.
Khám phá ra tính chất lơ lớ của giai điệu hò huế rồi, tôi sẽ là người đầu tiên ghi âm những bài ca Huế một cách khoa học hơn các bực tiền bối như Hoàng Yến trong loạt bài đăng trong tập san Bulletin Des Amis Du Vieux Huế hay như danh cầm Trần Quang Tồn trong một cuốn sách dạy đánh đàn tỳ bà vào hồi đầu thế kỉ thứ 20.
Ca Huế - Nhạc sĩ tiền bối - từ trái qua phải:
Ưng Dung, Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Ngô Phò, Trần Quang Soạn, Hoàng Yến
Ghi âm điệu hò Huế bằng kí âm pháp solfège vào năm 1944 nhưng chưa có cơ hội in ra. Phải tới khi tôi đi kháng chiến tại Thanh Hóa vào năm 1948, gặp Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản MINH ĐỨC thì điệu hò Huế đó mới được in ra trong một nhạc tập nhan đề Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam. Rồi khi tôi di cư vào Saigon, trong năm 1953, tôi lại có thêm một cơ hội nữa để cho ấn hành một bản nhạc rời về điệu hò đặc biệt miền Trung. Trong cả hai ấn phẩm được in ra ở Thanh Hóa và Saigon này, tôi nêu lên một lí thuyết: Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hòa (gamme tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn các cung bực trong âm giai Âu Tây hay âm giai miền Bắc.
Tôi còn vẽ ra một sơ đồ so sánh sự khác nhau của những hệ thống âm thanh đó nữa. Chính vì đặc điểm âm giai lơ lớ này mà các điệu hát miền Trung, đặc biệt là điệu hò Huế, với những nét nhạc mơ hồ như nét nhạc Chàm hay nét nhạc Ấn Độ, đã hấp dẫn người nghe hơn là những điệu ca bình dị của miền Bắc. Trong phần tiểu dẫn in trong ấn phẩm của bài hò mái nhì hay hò mái đẩy, cách đây nửa thế kỉ, tôi đã nói tới sự thần bí của âm giai lơ lớ như sau:
Hò mái nhì hay hò mái đẩy là tiếng nói điển hình của người dân tại một miền nên thơ nhất của nước Việt. Tiếng hát xây dựng trên một hệ thống âm giai lơ lớ đã thể hiện được sự thầm bí của cõi lòng, vì vậy nên dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của miền Bắc. Sự thành tựu của nhịp điệu cũng rất là tế nhị:
Trước Bến à ơ
Văn Lâu ơ
Chiều chiều...
...
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông...
Tiếp theo là những câu thủ thỉ cốt nâng niu ý chính của toàn bài để rồi sẽ kết thúc bằng tiếng nức nở, có nhiều dấu chấm than (!) và dấu chấm hỏi (?):
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy a rồi
A ơ á ơ
Mái đẩy động tấm ơ ơ lòng
Hơ... ơ à... à ơ
A non nước lơ non à ờ
A a ơi hự...
Lời ca của bài hò Huế trên đây là của một văn gia thuộc lớp người quyền quý ở Huế, Thúc Giạ Thị Ưng Bình. Nội dung có vẻ kích thích lòng yêu nước của người nghe.
- Ảnh cụ Ưng Bình
Cũng vào năm 1944 này, tôi đã sưu tập thêm được một bài hò ái quốc với lời ca (có thể là) của cụ Phan Bội Châu... (coi ở đoạn dưới)
Ảnh bên: nhạc sĩ Vĩnh Phan
Gánh ĐỨC HUY dừng lại nơi cố đô lâu hơn những nơi khác, hằng đêm sau khi tan hát xong tôi thường kéo những bạn mới như Vũ Đức Duy, Vĩnh Phan xuống đò chơi, khi thì nằm hút thuốc phiện và tán phét, khi thì nghe các bạn của Vĩnh Phan đàn hát.
Đêm vui nào cũng kéo dài tới hai, ba giờ sáng. Hôm sau, ngủ dậy vào nửa trưa là tôi leo lên bờ, ra chợ Đông Ba ăn quà rồi tới quán Lạc Sơn gần đó để uống cà phê, ngắm các cô gái Huế đi chợ...
Ảnh bên: Kịch Sĩ Vũ Đức Duy
Một hôm tôi thấy từ xa đi đến một ông già mà tôi ngờ là say rượu, tay cầm ống tiêu, lưng vác một con khỉ, lảo đảo trên đường cái, coi thường xe cộ đông đảo lui tới... Rồi tôi thấy ông ta đứng lại trước quán nước, dựa lưng vào gốc cây, đưa ống tiêu lên miệng thổi ra một điệu nhạc Huế rất lạ lùng làm xôn xao và bứt rứt lòng người nghe. Tôi mê luôn ông già thổi tiêu mà người Huế cho là điên dại này. Ngày nào cũng vậy, rất đúng giờ, ông già tới quán Lạc Sơn với con khỉ và ống tiêu, rồi sau khi thổi tiêu mà không đòi hỏi người nghe phải trả tiền như một gã hát xẩm, ông già dị nhân lẳng lặng ra đi.
Rồi có một buổi trưa, tôi không ngăn được tôi bước chân đi theo ông và bây giờ thì tôi biết ông đi từ miền Gia Hội tới Chùa Từ Đàm, dọc đường ông thường dừng chân lại và thổi lên những tiếng tiêu để quyến rũ những người nhạy cảm như tôi. Tại chùa Từ Đàm, ngồi trên sân chùa, tôi đánh bạo làm quen với ông. Hỏi thêm về các điệu nhạc Huế, tôi được ông cho nghe một bài hò Huế với lời ca - tôi ngờ rằng - rút ra từ một tập thơ nào đó của cụ Phan Bội Châu:
Chí anh hùng thủy chung một khối
Nghèo khó không thở than
Giầu sang không đắm đuối
Tù tội không đổi lòng.
Chuyện đời lắm sự bất công
Người ăn không hết kẻ mần không ra...
Nhưng hò Huế không hoàn toàn là những bài ca Cách Mạng. Bao nhiêu câu hò là bấy nhiêu câu hát tình tự:
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa...
Đã có nhiều người cãi nhau khi tranh luận về cái cây ở trong câu ca dao trở thành câu hò Huế này. Người thì bảo đó là cây “da”, người thì bảo đó là cây “đa”. Riêng tôi không thắc mắc lắm, chỉ cần mỗi lần nghe câu hò là được nhớ tới người gái Huế mình yêu, lúc đó đang làm nghề đưa đò ở Đập Đá bên bờ sông Hương. Rồi vì lỡ hẹn mà không bao giờ tìm thấy nàng nữa... Lại đành phải yêu một con đò khác vậy!
Tôi sẽ có không biết bao nhiêu là kỉ niệm với con người và cảnh vật nơi cố đô và những kỉ niệm đẹp đó sẽ được tôi nhắc lại trong một cuốn HỒI KÍ khác. Tôi chỉ viết ra đây sự cảm nhận của tôi lúc đó trước sự trầm lặng của thành phố và của những cô gái Huế. Thứ trầm lặng bề ngoài che dấu những đợt sóng ngầm dữ dội nếu ta có cơ hội sống lâu để có thể nói như tôi rằng: đã biết ái tình ở dòng sông Hương (câu hát trong bài TÌNH CA). Trong lần gặp nhau đầu tiên giữa tôi và Huế vào năm 1944 này, tôi chỉ mê mải đi tìm cái đẹp của Huế qua những câu hò, câu hát:
Đất Thừa Thiên, dân hiền cảnh lịch
Điện ngọc, lầu vàng
Non xanh, nước biếc
Tháp bẩy từng Thánh Miếu, Chùa Ông
Chuông chùa Diệu Đế, trống rung Tam Tòa.
...
Cầu Tràng Tiền sáu vai mười hai nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi...
Những ngày ở Huế, học hỏi về nhạc cổ truyền, tôi có may mắn được gặp các nhạc sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc... Trong nhóm này còn có cụ Vĩnh Trân tức Ngũ Đại là anh của vua Duy Tân, đánh đàn tỳ bà rất hay. Những người trong hoàng phái này yêu âm nhạc với tâm hồn phóng khoáng, không như một nhạc công gốc Quảng Trị, người mà tôi nghĩ rằng chỉ nên kéo đàn nhị cho hay chứ không nên lập luận về âm nhạc bằng nửa con mắt và những rất ý nghĩ rất hẹp hòi và nông cạn.
Không một nền nhạc cổ truyền nào có thể tồn tại nếu không có sự cải cách liên tục. Chỉ người ngu dốt mới thần thánh hóa cái cổ rồi cho rằng mọi sự cải cách là bội phản (sic). Ngay lúc đó, tôi đã khám phá ra sự liên tục phát triển của những bài ca Huế. Một số những bài thuộc loại hát lí đã do các nhà giáo vừa mới phóng tác và cho in ra để dạy học trò, ví dụ bài Lí Hoài Xuân. Nghe một bài ca Huế là Tứ Đại Cảnh tôi nhận ra đó là nhạc điệu của bài Khi Tương Phùng trong loại hát quan họ của miền Bắc Ninh. Trong khi nhạc cổ truyền luôn luôn chuyển động thì anh nhạc công mà tôi không yêu đó lúc nào cũng mị dân bằng sự cổ hủ của mình.
Về phần Tân Nhạc, có các nhạc sĩ như Ngô Ganh, Văn Giảng... kéo nhau tới nghe tôi hát Buồn Tàn Thu ở rạp TÂN TÂN rồi sau đó chúng tôi kết thân với nhau. Đã có sự trao đổi kinh nghiệm, trao đổi tài liệu giữa anh ca sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử ở miền sông Hương, núi Ngự.
Tôi đã biết thêm những bài hát mới, chẳng hạn bài Hương Giang Dạ Khúc của Lưu Hữu Phước mà tôi vội vàng hát ngay trên sân khấu gánh ĐỨC HUY.
Lại có thêm Nguyễn Văn Thương tặng cho những bài Trên Sông Hương, Bướm Hoa, Đêm Đông để đánh đàn với ban nhạc Tây trong gánh hát.
Năm mươi năm ở giữa hai bức ảnh
Đây cũng là lúc tôi đặt mục đích cao nhất của đời mình là phải được mời hát ở trên ĐÀI RADIO INDOCHINE tại Saigon. Nên nhớ lúc đó vấn đề vô tuyến truyền thanh còn là chuyện khá mới mẻ đối với người dân Việt Nam. Tôi chưa bao giờ có được một cái máy nghe radio cả dù đã từng là thợ sửa chữa radio ở phố Hàng Gai Hà Nội. Vả chăng chương trình văn nghệ của những đài truyền thanh ở Hà Nội hay ở Saigon không có gì để hấp dẫn tuổi trẻ đang yêu âm nhạc mới. Chương trình âm nhạc của đài radio lúc đó là trình bày Tuồng cổ hay Chèo cổ, hát những bài bản Cải Lương, phần nhiều là bài Vọng Cổ do các cô Tư Sạng, Ba Bến Tre, Ngọc Nữ phụ trách. Chỉ tới tháng Novembre 1944 là lúc tôi đã vào tới Saigon mới có mục hát nhạc cải cách do Nguyễn Văn Cổn nói chuyện và với tôi hát ba lần một tuần ở đài ĐÀI RADIO INDOCHINE.
Thành phố Huế cũng có những thanh niên hoạt động văn nghệ hào hứng không thua gì giới văn nghệ sĩ Hà Nội hay Hải Phòng. Võ Đức Duy, người tiên phong của làng kịch đã dựng vở thoại kịch phóng tác từ phim BEN HUR là truyện cổ La Mã. Mấy anh em Hoàng Trọng Thước, Hoàng Trọng Khanh đã thành lập từ năm 1938 một gánh hát lấy tên là KIM SANH với đường lối nghệ thuật giống như của một đoàn hát cải lương Nam Kì, chỉ khác ở chỗ về phần âm nhạc, gánh KIM SANH không dùng những bản ca nằm trong nhạc mục của sân khấu miền Nam mà dùng toàn những điệu ca Huế. Dù không thành công nghĩa là không lan tràn đi khắp nơi nhưng sự ra đời của gánh KIM SANH cho ta thấy trong ngành sân khấu ở Huế cũng có những người muốn làm công cuộc cách mạng.
Thế là trong lần gặp gỡ đầu tiên với chiếc nôi của âm nhạc Việt Nam là thành phố Huế, tôi đã học hỏi được rất nhiều về nhạc cổ truyền. Nếu trong những chuyến đi về thôn quê trước đây và trong chuyến đi theo gánh hát rong lúc này tôi đã tiếp thu được ở kho tàng âm nhạc nhân dân (chứ không phải trong sách vở về nhạc Tây Phương) nhiều tài liệu “nhạc sống” để có thêm vốn liếng cho việc soạn ra những bài hát của mình thì chính tại vùng Huế này tôi khám phá ra sự phong phú của nhạc ngữ Việt Nam qua hệ thống âm giai đặc biệt để rồi sẽ dễ dàng viết ra một bản trường ca như CON ĐƯỜNG CÁI QUAN... Rồi đây trên đường Nam Tiến, tôi sẽ được dừng chân tại vùng Phan Rang là nơi còn dư vang của những bản nhạc Chiêm Thành để xác định bằng lỗ tai sự tương hưởng giữa hai dòng nhạc Chàm, nhạc Huế mà người ta thường nói trong sách vở.
Sau những ngày được sống với mùa Xuân ướt lạnh ở Huế, gánh ĐỨC HUY giã từ sông Hương lên đường vào Tourane (Đà Nẵng). Lần đầu tiên vượt đèo Ải Vân, tôi tưởng mình là một tráng sĩ thời xưa, đi mở rộng biên thùy nước Việt. Đi trong mây phủ Ải Vân của câu ca dao quen thuộc, tai không nghe thấy tiếng chim kêu trên gành đá nhưng nghe thấy những câu hát của bài Lí Qua Đèo vang dội ở trong lòng.
Đêm nay họa có mình ta
Đốt trầm hương cũ chờ ma dạo đàn...
Lưu Trọng Lư
Chương Hai Mươi Hai
Với Lưu Trọng Lư ở Tourane
Tới Tourane (Đà Nẵng), gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU đóng neo tại rạp CINÉAC nằm ở đầu hai con đường Phan Chu Trinh và Hàm Nghi. Tuy cũng là một thành phố cửa biển quan trọng nhưng Tourane lúc đó chưa bành trướng kinh khủng như vào thời có quân đội Mỹ tới Việt Nam.
Phố xá vắng vẻ tĩnh mịch với những hàng cây cao vút. Những phụ nữ đi trên đường, dù là người bình dân cũng mặc áo dài, đội nón Huế. Đa số còn để răng đen. Nghệ sĩ cải lương của gánh ĐỨC HUY không đặc sắc như của các gánh Nam Kì chính gốc nhưng cũng lôi kéo khán giả hằng đêm chen chúc tới coi. Anh Miều vẫn là cái đinh của gánh hát. Kép Quý tức Nhật Thanh, tuy không đẹp trai hơn hay hát hay hơn những ngôi sao của làng Cải Lương Bắc Hà như Sỹ Tiến, Anh Đệ hay Huỳnh Thái nhưng cũng có vô số các bà, các cô mê như điếu đổ từ lúc gánh hát ra đi từ Hải Phòng và vào tới khoảng giữa của miền Trung này. Các anh kép khác như Hiếu, Dần, Ba Hội đã trở thành những bạn thân của tôi. Chúng tôi đối đãi với nhau như những anh em ruột trong một gia đình.
Giới nhạc sĩ - kể cả trong ban nhạc Tây và trong ban nhạc cổ - đều rất yêu tôi, khuyến khích tôi trong cả hai phương diện học hỏi và trình diễn. Tôi đã có dư tiền để mua lại của anh Ân một cái đàn violon thật tốt. Và cũng ngọ nguậy kéo đàn vào những lúc mọi người đã đi ngủ cả rồi. Đào Tình, đào chính của gánh hát vẫn còn độc thân, vẫn còn cho tôi những đêm ái ân mùi mẫn và sẽ trở thành vợ yêu của một bác sĩ già khi gánh hát tan. Đào Nga đã là vợ bán chính thức của anh Phúc claquettes. Đào Châu trẻ tuổi nhất là đào phụ của gánh hát và sẽ là người tình của tôi khi gánh hát vào tới Cà Mau. Lũ con của anh chị Miều lớn như thổi, đi theo gánh hát, chẳng được học hành gì cả nhưng vẫn là những bé ngoan. Về sau, những con gái của anh chị Miều trở thành những vũ nữ nổi danh của ban vũ Trịnh Toàn. Tôi đã được nhiều người biết tới tên tuổi, nhiều hơn cái thời tôi mới nhẩy ra sân khấu hát nhạc cải cách ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định...
Tin đồn về chàng du ca đầu tiên đã đi rất nhanh từ Thanh Hóa vào Vinh tới Huế và bây giờ thì thanh niên nam nữ Tourane kéo nhau tới rạp CINÉAC để nghe tôi hát. Đã rất tự tin ở mình, đã biết trau dồi tài nghệ cũng như sắc đẹp (sic). Đã để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ (re-sic). Đã sắm được bộ áo mùa lạnh bằng nỉ được gọi là nỉ pattes de poule (sợi to như chân gà) đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày mùa lạnh ở Tourane này. Được làm quen với những tài năng của địa phương như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nguyên là lính trong quân đoàn 16è RIC của Pháp đóng ở Qui Nhơn, vừa mới trở về nơi sinh trưởng của mình để đóng góp vào việc thành lập một nền nhạc mới với bài Trầu Cau. Gặp Phan Quang Định tác giả bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Làm quen với anh Tâm, người Công Giáo, đánh đàn organ ở Nhà Thờ.
Thú vị nhất là gặp chàng thi sĩ mà mình yêu quý vô cùng là Lưu Trọng Lư. Lúc đó anh Lư đang dạy học tại trường Phan Bội Châu (hay Phan Chu Trinh?), sau khi nghe tôi hát, anh đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo đưa tôi tới trường học để hát cho học trò của anh nghe. Từ trước tới giờ, tôi chưa gặp ai nên thơ như con người Lưu Trọng Lư. Chưa gặp anh đã nghe nói anh là người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là một con nai vàng ngơ ngác. Đã có ai kể cho tôi nghe chuyện anh cầm tiền đi chợ mua đồ cúng nhân ngày giỗ vợ nhưng anh ghé vào tiệm hút rồi quên phứt chuyện đó! Theo lời kể của Hoài Thanh, đã có lần Lưu Trọng Lư nằm đọc tập thơ TIẾNG THU của mình rồi ngồi dậy cười to:
- A ha! thế mà mấy bữa ni cứ tưởng (...) hai câu: “Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh, mộng đẹp bên chăn đã biến rồi...” là của Thế Lữ... Hai câu thơ ấy là của Lưu Trọng Lư.
Sau khi tôi hát cho lũ học trò xanh xao và gầy gò nghe bài Buồn Tàn Thu rồi thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhầu, móc ở trong túi ra những mẩu thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kĩ đó là những đoạn thơ của bài Giang Hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương:
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay...
Đã tặng thơ rồi, anh tặng luôn cho tôi một tình nhân của anh, người Tàu Lai. Lưu Trọng Lư có ra một tuyên ngôn về người đàn bà mà anh gọi thêm là Quỉ. Không biết khi anh trao kỉ vật cho thằng em này thì đó là Người hay là Quỉ? Tôi không còn nhớ tên của người quỉ có đôi mắt mầu hạt dẻ này nhưng tôi nhớ rõ ràng là ngoài thân hình kiều diễm ra nàng còn mang tới khách sạn một cái bánh gâteau lớn. Chúng tôi ngồi ăn bánh ngọt và nhìn qua cửa sổ để thấy nhà ga Tourane đang u ám nằm cạnh bến sông, chợt có vạt nắng chiều vụt tới làm cho cảnh vật bỗng nhiên rực rỡ.
Tôi sẽ có nhiều lần phổ nhạc những bài thơ tuyệt vời của anh Lư để trả ơn mối tình nửa đường phiêu lãng này. Từ bài Tiếng Thu. qua Vần Thơ Sầu Rụng tới Thú Đau Thương và Còn Chi Nữa (bài này tôi mạn phép đổi tên là Hoa Rụng Ven Sông).
Gặp lại anh Lư ở Huế vào những ngày đầu của Cách Mạng, tôi vẫn thấy anh nên thơ như cũ và tin rằng chẳng bao giờ anh hết nên thơ dù rằng sau này có nhiều phen anh cứ phải tuyên bố là đã giơ tay xua đuổi con nai vàng ở trong anh chạy đi.
Năm 2000, tôi được viếng mộ Lưu Trọng Lư, mộ nằm ngay
trong vườn nhà các con anh ở Tân Thuận, Saigon
Những ngày ở Tourane là những ngày rất êm ái của tôi, dù bộ mặt chiến tranh vẫn đậm nét qua hình ảnh những toán lính Nhật di chuyển trên xe nhà binh trong một thành phố có tính chất quân cảng này. Tôi được ra bãi biển Tiên Sa để hưởng cái thú nằm trên một bãi cát rất là hoang dại. Cũng như sẽ được ra đảo Hòn Yến ở Faifoo (Hội An) coi người ta leo trèo trên gềnh núi đá để lấy tổ chim yến.
Thanh niên ở Faifoo yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên những nơi tôi đã đi qua. Nhạc sĩ nổi danh ở đây là anh Tàu lai La Hối, tác giả của bài Xuân Và Tuổi Trẻ, tốt nghiệp nhạc viện Thượng Hải và có chân trong Hội Ái Nhạc (Société Philharmonique) ở Faifoo. Các hội viên khác của hội này là vị chỉ huy trưởng người Pháp của Garde Indigène (Lính Khố Xanh), là ông công chức cao cấp cũng người Pháp của Nhà Đoan, là những nhạc sĩ Minh Hương như Vương Quang, Vương Quốc Mỹ... La Hối hoạt động ngầm cho Chính Phủ Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh nên về sau anh bị Nhật bắt và thủ tiêu. Faifoo còn có Trương Đình Cử chơi violon, sau này viết nhiều bài khảo cứu về nhạc Vọng Cổ.
Thế rồi đã tới lúc gánh hát phải tiếp tục lên đường. Từ Tourane (Đà Nẵng) vào Faifoo (Hội An), chỉ mất hơn một giờ xe hơi. Tới một thị trấn có những ngôi nhà cổ nhất Việt Nam là Hội An này, gánh ĐỨC HUY treo bảng hiệu ở rạp HÒA BÌNH trên đường Cây Me, gần đình Tiên Hiền. Faifoo mấy trăm năm trước là một thị trấn xây bởi những người Tàu từ đảo Hải Nam tới Việt Nam lập nghiệp. Cái tên cũng do ở tiếng Tàu mà ra. Theo nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bản Nắng Chiều - vốn là người sinh trưởng ở Hội An - khi người Pháp tới thị trấn này thì được người dân (Tàu?) cho biết đây là nơi chuyên bán hoa (bán = phô và hoa = ba) nên họ gọi tên thành phố là Ba Phô. Dần dần Ba Phô trở thành Faifoo. Cũng có người cho rằng tên Faifoo là do ở tiếng Bồ Đào Nha mà ra.
Lúc tôi tới đây, dân chúng trong thành phố đã trở thành người Minh Hương cả rồi. Tại hai phố chính là Phố Quảng Đông và Phố Chùa Cầu tôi được thấy còn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ xây từ thế kỉ thứ 16. Trong khi di tích của Phố Hiến chẳng còn gì ngoài những ngôi mộ cổ, tại Hội An, tôi được bồi hồi ngắm nghía những ngôi nhà nhỏ nhắn mang nhiều vết tích của thời xa xưa. Rồi còn được đi trên một cái cầu lớn do người Nhật xây vào thời xa xưa đó. Cầu này gọi là Kiều Thương Gia, có lợp mái ngói và được bắc ngang một con lạch nhỏ. Đầu cầu này có tượng con khỉ (khởi sự xây năm Thân), đầu cầu kia có tượng con chó (xây xong năm Tuất), bên trong cầu có xây ban thờ lúc nào cũng thấy khói hương nghi ngút.
Cầu lợp ngói ở Faifoo
Gánh hát không ở lâu tại Faifoo. Những chặng tới sẽ là Quảng Ngãi, Bình Định đây. Tôi giã từ miền Quảng Nam và ngẫm nghĩ về một câu châm ngôn trước đây tôi chưa hiểu hết ý nghĩa:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Thừa Thiên ních hết.
Bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩa của câu này, do dân chúng soạn ra để vạch mặt quan lại Việt Nam cùng thực dân Pháp và răn nhau: Người dân ở ba miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định mà ưa cãi nhau, đôi co với nhau, suốt ngày chỉ lo chuyện kiện tụng nhau... thì rút cục chỉ có quan trường ở Thừa Thiên là hưởng lợi.
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông...
Bích Khê - TY BÀ (TINH HUYẾT)
Gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU giã từ thành Vinh để xuôi Nam. Đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để vào nơi tôi hằng mơ tưởng là Huế.
Đường bộ đưa chúng tôi đi qua Đèo Ngang, hơn một trăm năm về trước đã in dấu chân của Bà Huyện Thanh Quan trong một buổi chiều bóng xế tà, có lom khom dưới núi tiều vài chú, lác đác bên sông (sông Cẩm Lệ?) chợ với nhà... Ngừng lại hát ở Đồng Hới và Đông Hà, vì không đông khách lắm nên gánh hát rút đi nhanh chóng. Tôi không có kỉ niệm nào ở hai thị trấn nhỏ bé này cả.
Vào tới Huế là bắt gặp mùa Xuân với mưa phùn làm tăng vẻ thơ mộng của nơi cố đô. Gánh hát tới đóng đô ở rạp TÂN TÂN trên đường Paul Bert (sau đổi tên là đường Trần Hưng Đạo) đối diện với dòng Hương Giang nổi tiếng.
Đã mơ ước nằm đò sông Hương từ lâu, tôi vội vã vác va li xuống bến. Ngay trong đêm đầu tiên tới Huế, tôi đã được hưởng cái thú nằm trong khoang thuyền để nghe ca Huế thâu đêm suốt sáng. Trước đây tôi chỉ biết ca Huế qua tiếng đàn tranh của bà Ấm Chung hay qua giọng cô Nhơn trong đĩa hát Béka loại 78 tours. Bây giờ được nghe những ca sĩ như Bích Liễu (vợ nhạc sĩ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những câu hò mái đẩy, hò mái nhì, những bài Nam Ai, Nam Bình hay Lí Tình Tang, Lí Tử Vi... Lại được nghe hát những bài ca tình tứ đó trong khung cảnh rất nên thơ là một khoang thuyền ấm cúng có ngọn đèn dầu le lói, có tiếng hát của ca kĩ vọng ra ngoài, âm ba lan ra mặt nước rồi dội ngược vào khoang thuyền và nhờ đó mà thêm phần réo rắt. Có lẽ tiếng hát của chàng ngư phủ Trương Chi trong truyện truyền kì cũng nhờ ở hoàn cảnh hát trên sông nước mà được phóng âm lên và trở nên hấp dẫn hơn đối với lỗ tai của tiểu thư lá ngọc cành vàng Mỵ Nương chăng?
Tuy là một trong những người đầu tiên đưa ra chủ trương là phải tạo nên một dòng nhạc mới để thay thế cho dòng nhạc cổ nhưng tôi vẫn luôn luôn để tâm nghiên cứu kĩ càng những làn điệu của dòng nhạc bình dân ở từng địa phương để từ đó phát triển lên dòng nhạc cải cách. Sau khi đã nắm được nội dung và hình thức của hầu hết các loại dân nhạc ở miền Bắc như Hát Cò Lả, Hát Quan Họ, Hát Chèo, Hát Ả Đào v.v... vào đầu năm 1944 này, tôi bắt gặp một hệ thống ca nhạc hoàn toàn khác với hệ thống dân nhạc miền Bắc. Lúc còn bé, nghe ca Huế, tôi chưa nhận ra sự khác biệt của hai hệ thống âm giai mà nhà nghề gọi là hơi Nam, hơi Bắc. Bây giờ thì tôi nhận ra sự lơ lớ của cung bực trong những điệu hát mà người ca kĩ đang rót vào tai tôi trong khoang thuyền ấm cúng của con đò cắm sào bên bờ sông Hương.
Khám phá ra tính chất lơ lớ của giai điệu hò huế rồi, tôi sẽ là người đầu tiên ghi âm những bài ca Huế một cách khoa học hơn các bực tiền bối như Hoàng Yến trong loạt bài đăng trong tập san Bulletin Des Amis Du Vieux Huế hay như danh cầm Trần Quang Tồn trong một cuốn sách dạy đánh đàn tỳ bà vào hồi đầu thế kỉ thứ 20.
Ca Huế - Nhạc sĩ tiền bối - từ trái qua phải:
Ưng Dung, Tôn Thất Văn, Ưng Biều, Ngô Phò, Trần Quang Soạn, Hoàng Yến
Ghi âm điệu hò Huế bằng kí âm pháp solfège vào năm 1944 nhưng chưa có cơ hội in ra. Phải tới khi tôi đi kháng chiến tại Thanh Hóa vào năm 1948, gặp Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản MINH ĐỨC thì điệu hò Huế đó mới được in ra trong một nhạc tập nhan đề Những Điệu Hát Bình Dân Việt Nam. Rồi khi tôi di cư vào Saigon, trong năm 1953, tôi lại có thêm một cơ hội nữa để cho ấn hành một bản nhạc rời về điệu hò đặc biệt miền Trung. Trong cả hai ấn phẩm được in ra ở Thanh Hóa và Saigon này, tôi nêu lên một lí thuyết: Âm giai ngũ cung lơ lớ của hò mái nhì khác hẳn với âm giai điều hòa (gamme tempérée) của Âu Tây và âm giai ngũ cung đúng của dân nhạc miền Bắc. Các cung bực của hò huế có những cao độ (intervalles) non hơn hay già hơn các cung bực trong âm giai Âu Tây hay âm giai miền Bắc.
Tôi còn vẽ ra một sơ đồ so sánh sự khác nhau của những hệ thống âm thanh đó nữa. Chính vì đặc điểm âm giai lơ lớ này mà các điệu hát miền Trung, đặc biệt là điệu hò Huế, với những nét nhạc mơ hồ như nét nhạc Chàm hay nét nhạc Ấn Độ, đã hấp dẫn người nghe hơn là những điệu ca bình dị của miền Bắc. Trong phần tiểu dẫn in trong ấn phẩm của bài hò mái nhì hay hò mái đẩy, cách đây nửa thế kỉ, tôi đã nói tới sự thần bí của âm giai lơ lớ như sau:
Hò mái nhì hay hò mái đẩy là tiếng nói điển hình của người dân tại một miền nên thơ nhất của nước Việt. Tiếng hát xây dựng trên một hệ thống âm giai lơ lớ đã thể hiện được sự thầm bí của cõi lòng, vì vậy nên dễ dàng đi sâu vào tâm hồn người nghe hơn là nhạc ngũ cung đúng của miền Bắc. Sự thành tựu của nhịp điệu cũng rất là tế nhị:
Trước Bến à ơ
Văn Lâu ơ
Chiều chiều...
...
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông...
Tiếp theo là những câu thủ thỉ cốt nâng niu ý chính của toàn bài để rồi sẽ kết thúc bằng tiếng nức nở, có nhiều dấu chấm than (!) và dấu chấm hỏi (?):
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy a rồi
A ơ á ơ
Mái đẩy động tấm ơ ơ lòng
Hơ... ơ à... à ơ
A non nước lơ non à ờ
A a ơi hự...
Lời ca của bài hò Huế trên đây là của một văn gia thuộc lớp người quyền quý ở Huế, Thúc Giạ Thị Ưng Bình. Nội dung có vẻ kích thích lòng yêu nước của người nghe.
- Ảnh cụ Ưng Bình
Cũng vào năm 1944 này, tôi đã sưu tập thêm được một bài hò ái quốc với lời ca (có thể là) của cụ Phan Bội Châu... (coi ở đoạn dưới)
Ảnh bên: nhạc sĩ Vĩnh Phan
Gánh ĐỨC HUY dừng lại nơi cố đô lâu hơn những nơi khác, hằng đêm sau khi tan hát xong tôi thường kéo những bạn mới như Vũ Đức Duy, Vĩnh Phan xuống đò chơi, khi thì nằm hút thuốc phiện và tán phét, khi thì nghe các bạn của Vĩnh Phan đàn hát.
Đêm vui nào cũng kéo dài tới hai, ba giờ sáng. Hôm sau, ngủ dậy vào nửa trưa là tôi leo lên bờ, ra chợ Đông Ba ăn quà rồi tới quán Lạc Sơn gần đó để uống cà phê, ngắm các cô gái Huế đi chợ...
Ảnh bên: Kịch Sĩ Vũ Đức Duy
Một hôm tôi thấy từ xa đi đến một ông già mà tôi ngờ là say rượu, tay cầm ống tiêu, lưng vác một con khỉ, lảo đảo trên đường cái, coi thường xe cộ đông đảo lui tới... Rồi tôi thấy ông ta đứng lại trước quán nước, dựa lưng vào gốc cây, đưa ống tiêu lên miệng thổi ra một điệu nhạc Huế rất lạ lùng làm xôn xao và bứt rứt lòng người nghe. Tôi mê luôn ông già thổi tiêu mà người Huế cho là điên dại này. Ngày nào cũng vậy, rất đúng giờ, ông già tới quán Lạc Sơn với con khỉ và ống tiêu, rồi sau khi thổi tiêu mà không đòi hỏi người nghe phải trả tiền như một gã hát xẩm, ông già dị nhân lẳng lặng ra đi.
Rồi có một buổi trưa, tôi không ngăn được tôi bước chân đi theo ông và bây giờ thì tôi biết ông đi từ miền Gia Hội tới Chùa Từ Đàm, dọc đường ông thường dừng chân lại và thổi lên những tiếng tiêu để quyến rũ những người nhạy cảm như tôi. Tại chùa Từ Đàm, ngồi trên sân chùa, tôi đánh bạo làm quen với ông. Hỏi thêm về các điệu nhạc Huế, tôi được ông cho nghe một bài hò Huế với lời ca - tôi ngờ rằng - rút ra từ một tập thơ nào đó của cụ Phan Bội Châu:
Chí anh hùng thủy chung một khối
Nghèo khó không thở than
Giầu sang không đắm đuối
Tù tội không đổi lòng.
Chuyện đời lắm sự bất công
Người ăn không hết kẻ mần không ra...
Nhưng hò Huế không hoàn toàn là những bài ca Cách Mạng. Bao nhiêu câu hò là bấy nhiêu câu hát tình tự:
Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa...
Đã có nhiều người cãi nhau khi tranh luận về cái cây ở trong câu ca dao trở thành câu hò Huế này. Người thì bảo đó là cây “da”, người thì bảo đó là cây “đa”. Riêng tôi không thắc mắc lắm, chỉ cần mỗi lần nghe câu hò là được nhớ tới người gái Huế mình yêu, lúc đó đang làm nghề đưa đò ở Đập Đá bên bờ sông Hương. Rồi vì lỡ hẹn mà không bao giờ tìm thấy nàng nữa... Lại đành phải yêu một con đò khác vậy!
Tôi sẽ có không biết bao nhiêu là kỉ niệm với con người và cảnh vật nơi cố đô và những kỉ niệm đẹp đó sẽ được tôi nhắc lại trong một cuốn HỒI KÍ khác. Tôi chỉ viết ra đây sự cảm nhận của tôi lúc đó trước sự trầm lặng của thành phố và của những cô gái Huế. Thứ trầm lặng bề ngoài che dấu những đợt sóng ngầm dữ dội nếu ta có cơ hội sống lâu để có thể nói như tôi rằng: đã biết ái tình ở dòng sông Hương (câu hát trong bài TÌNH CA). Trong lần gặp nhau đầu tiên giữa tôi và Huế vào năm 1944 này, tôi chỉ mê mải đi tìm cái đẹp của Huế qua những câu hò, câu hát:
Đất Thừa Thiên, dân hiền cảnh lịch
Điện ngọc, lầu vàng
Non xanh, nước biếc
Tháp bẩy từng Thánh Miếu, Chùa Ông
Chuông chùa Diệu Đế, trống rung Tam Tòa.
...
Cầu Tràng Tiền sáu vai mười hai nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi...
Những ngày ở Huế, học hỏi về nhạc cổ truyền, tôi có may mắn được gặp các nhạc sĩ Vĩnh Phan, Bửu Lộc... Trong nhóm này còn có cụ Vĩnh Trân tức Ngũ Đại là anh của vua Duy Tân, đánh đàn tỳ bà rất hay. Những người trong hoàng phái này yêu âm nhạc với tâm hồn phóng khoáng, không như một nhạc công gốc Quảng Trị, người mà tôi nghĩ rằng chỉ nên kéo đàn nhị cho hay chứ không nên lập luận về âm nhạc bằng nửa con mắt và những rất ý nghĩ rất hẹp hòi và nông cạn.
Không một nền nhạc cổ truyền nào có thể tồn tại nếu không có sự cải cách liên tục. Chỉ người ngu dốt mới thần thánh hóa cái cổ rồi cho rằng mọi sự cải cách là bội phản (sic). Ngay lúc đó, tôi đã khám phá ra sự liên tục phát triển của những bài ca Huế. Một số những bài thuộc loại hát lí đã do các nhà giáo vừa mới phóng tác và cho in ra để dạy học trò, ví dụ bài Lí Hoài Xuân. Nghe một bài ca Huế là Tứ Đại Cảnh tôi nhận ra đó là nhạc điệu của bài Khi Tương Phùng trong loại hát quan họ của miền Bắc Ninh. Trong khi nhạc cổ truyền luôn luôn chuyển động thì anh nhạc công mà tôi không yêu đó lúc nào cũng mị dân bằng sự cổ hủ của mình.
Về phần Tân Nhạc, có các nhạc sĩ như Ngô Ganh, Văn Giảng... kéo nhau tới nghe tôi hát Buồn Tàn Thu ở rạp TÂN TÂN rồi sau đó chúng tôi kết thân với nhau. Đã có sự trao đổi kinh nghiệm, trao đổi tài liệu giữa anh ca sĩ chuyên nghiệp và các nhạc sĩ tài tử ở miền sông Hương, núi Ngự.
Tôi đã biết thêm những bài hát mới, chẳng hạn bài Hương Giang Dạ Khúc của Lưu Hữu Phước mà tôi vội vàng hát ngay trên sân khấu gánh ĐỨC HUY.
Lại có thêm Nguyễn Văn Thương tặng cho những bài Trên Sông Hương, Bướm Hoa, Đêm Đông để đánh đàn với ban nhạc Tây trong gánh hát.
Năm mươi năm ở giữa hai bức ảnh
Đây cũng là lúc tôi đặt mục đích cao nhất của đời mình là phải được mời hát ở trên ĐÀI RADIO INDOCHINE tại Saigon. Nên nhớ lúc đó vấn đề vô tuyến truyền thanh còn là chuyện khá mới mẻ đối với người dân Việt Nam. Tôi chưa bao giờ có được một cái máy nghe radio cả dù đã từng là thợ sửa chữa radio ở phố Hàng Gai Hà Nội. Vả chăng chương trình văn nghệ của những đài truyền thanh ở Hà Nội hay ở Saigon không có gì để hấp dẫn tuổi trẻ đang yêu âm nhạc mới. Chương trình âm nhạc của đài radio lúc đó là trình bày Tuồng cổ hay Chèo cổ, hát những bài bản Cải Lương, phần nhiều là bài Vọng Cổ do các cô Tư Sạng, Ba Bến Tre, Ngọc Nữ phụ trách. Chỉ tới tháng Novembre 1944 là lúc tôi đã vào tới Saigon mới có mục hát nhạc cải cách do Nguyễn Văn Cổn nói chuyện và với tôi hát ba lần một tuần ở đài ĐÀI RADIO INDOCHINE.
Thành phố Huế cũng có những thanh niên hoạt động văn nghệ hào hứng không thua gì giới văn nghệ sĩ Hà Nội hay Hải Phòng. Võ Đức Duy, người tiên phong của làng kịch đã dựng vở thoại kịch phóng tác từ phim BEN HUR là truyện cổ La Mã. Mấy anh em Hoàng Trọng Thước, Hoàng Trọng Khanh đã thành lập từ năm 1938 một gánh hát lấy tên là KIM SANH với đường lối nghệ thuật giống như của một đoàn hát cải lương Nam Kì, chỉ khác ở chỗ về phần âm nhạc, gánh KIM SANH không dùng những bản ca nằm trong nhạc mục của sân khấu miền Nam mà dùng toàn những điệu ca Huế. Dù không thành công nghĩa là không lan tràn đi khắp nơi nhưng sự ra đời của gánh KIM SANH cho ta thấy trong ngành sân khấu ở Huế cũng có những người muốn làm công cuộc cách mạng.
Thế là trong lần gặp gỡ đầu tiên với chiếc nôi của âm nhạc Việt Nam là thành phố Huế, tôi đã học hỏi được rất nhiều về nhạc cổ truyền. Nếu trong những chuyến đi về thôn quê trước đây và trong chuyến đi theo gánh hát rong lúc này tôi đã tiếp thu được ở kho tàng âm nhạc nhân dân (chứ không phải trong sách vở về nhạc Tây Phương) nhiều tài liệu “nhạc sống” để có thêm vốn liếng cho việc soạn ra những bài hát của mình thì chính tại vùng Huế này tôi khám phá ra sự phong phú của nhạc ngữ Việt Nam qua hệ thống âm giai đặc biệt để rồi sẽ dễ dàng viết ra một bản trường ca như CON ĐƯỜNG CÁI QUAN... Rồi đây trên đường Nam Tiến, tôi sẽ được dừng chân tại vùng Phan Rang là nơi còn dư vang của những bản nhạc Chiêm Thành để xác định bằng lỗ tai sự tương hưởng giữa hai dòng nhạc Chàm, nhạc Huế mà người ta thường nói trong sách vở.
Sau những ngày được sống với mùa Xuân ướt lạnh ở Huế, gánh ĐỨC HUY giã từ sông Hương lên đường vào Tourane (Đà Nẵng). Lần đầu tiên vượt đèo Ải Vân, tôi tưởng mình là một tráng sĩ thời xưa, đi mở rộng biên thùy nước Việt. Đi trong mây phủ Ải Vân của câu ca dao quen thuộc, tai không nghe thấy tiếng chim kêu trên gành đá nhưng nghe thấy những câu hát của bài Lí Qua Đèo vang dội ở trong lòng.
Đêm nay họa có mình ta
Đốt trầm hương cũ chờ ma dạo đàn...
Lưu Trọng Lư
Chương Hai Mươi Hai
Với Lưu Trọng Lư ở Tourane
Tới Tourane (Đà Nẵng), gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU đóng neo tại rạp CINÉAC nằm ở đầu hai con đường Phan Chu Trinh và Hàm Nghi. Tuy cũng là một thành phố cửa biển quan trọng nhưng Tourane lúc đó chưa bành trướng kinh khủng như vào thời có quân đội Mỹ tới Việt Nam.
Phố xá vắng vẻ tĩnh mịch với những hàng cây cao vút. Những phụ nữ đi trên đường, dù là người bình dân cũng mặc áo dài, đội nón Huế. Đa số còn để răng đen. Nghệ sĩ cải lương của gánh ĐỨC HUY không đặc sắc như của các gánh Nam Kì chính gốc nhưng cũng lôi kéo khán giả hằng đêm chen chúc tới coi. Anh Miều vẫn là cái đinh của gánh hát. Kép Quý tức Nhật Thanh, tuy không đẹp trai hơn hay hát hay hơn những ngôi sao của làng Cải Lương Bắc Hà như Sỹ Tiến, Anh Đệ hay Huỳnh Thái nhưng cũng có vô số các bà, các cô mê như điếu đổ từ lúc gánh hát ra đi từ Hải Phòng và vào tới khoảng giữa của miền Trung này. Các anh kép khác như Hiếu, Dần, Ba Hội đã trở thành những bạn thân của tôi. Chúng tôi đối đãi với nhau như những anh em ruột trong một gia đình.
Giới nhạc sĩ - kể cả trong ban nhạc Tây và trong ban nhạc cổ - đều rất yêu tôi, khuyến khích tôi trong cả hai phương diện học hỏi và trình diễn. Tôi đã có dư tiền để mua lại của anh Ân một cái đàn violon thật tốt. Và cũng ngọ nguậy kéo đàn vào những lúc mọi người đã đi ngủ cả rồi. Đào Tình, đào chính của gánh hát vẫn còn độc thân, vẫn còn cho tôi những đêm ái ân mùi mẫn và sẽ trở thành vợ yêu của một bác sĩ già khi gánh hát tan. Đào Nga đã là vợ bán chính thức của anh Phúc claquettes. Đào Châu trẻ tuổi nhất là đào phụ của gánh hát và sẽ là người tình của tôi khi gánh hát vào tới Cà Mau. Lũ con của anh chị Miều lớn như thổi, đi theo gánh hát, chẳng được học hành gì cả nhưng vẫn là những bé ngoan. Về sau, những con gái của anh chị Miều trở thành những vũ nữ nổi danh của ban vũ Trịnh Toàn. Tôi đã được nhiều người biết tới tên tuổi, nhiều hơn cái thời tôi mới nhẩy ra sân khấu hát nhạc cải cách ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định...
Tin đồn về chàng du ca đầu tiên đã đi rất nhanh từ Thanh Hóa vào Vinh tới Huế và bây giờ thì thanh niên nam nữ Tourane kéo nhau tới rạp CINÉAC để nghe tôi hát. Đã rất tự tin ở mình, đã biết trau dồi tài nghệ cũng như sắc đẹp (sic). Đã để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ (re-sic). Đã sắm được bộ áo mùa lạnh bằng nỉ được gọi là nỉ pattes de poule (sợi to như chân gà) đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày mùa lạnh ở Tourane này. Được làm quen với những tài năng của địa phương như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nguyên là lính trong quân đoàn 16è RIC của Pháp đóng ở Qui Nhơn, vừa mới trở về nơi sinh trưởng của mình để đóng góp vào việc thành lập một nền nhạc mới với bài Trầu Cau. Gặp Phan Quang Định tác giả bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Làm quen với anh Tâm, người Công Giáo, đánh đàn organ ở Nhà Thờ.
Thú vị nhất là gặp chàng thi sĩ mà mình yêu quý vô cùng là Lưu Trọng Lư. Lúc đó anh Lư đang dạy học tại trường Phan Bội Châu (hay Phan Chu Trinh?), sau khi nghe tôi hát, anh đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo đưa tôi tới trường học để hát cho học trò của anh nghe. Từ trước tới giờ, tôi chưa gặp ai nên thơ như con người Lưu Trọng Lư. Chưa gặp anh đã nghe nói anh là người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là một con nai vàng ngơ ngác. Đã có ai kể cho tôi nghe chuyện anh cầm tiền đi chợ mua đồ cúng nhân ngày giỗ vợ nhưng anh ghé vào tiệm hút rồi quên phứt chuyện đó! Theo lời kể của Hoài Thanh, đã có lần Lưu Trọng Lư nằm đọc tập thơ TIẾNG THU của mình rồi ngồi dậy cười to:
- A ha! thế mà mấy bữa ni cứ tưởng (...) hai câu: “Giật mình ta thấy mồ hôi lạnh, mộng đẹp bên chăn đã biến rồi...” là của Thế Lữ... Hai câu thơ ấy là của Lưu Trọng Lư.
Sau khi tôi hát cho lũ học trò xanh xao và gầy gò nghe bài Buồn Tàn Thu rồi thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhầu, móc ở trong túi ra những mẩu thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kĩ đó là những đoạn thơ của bài Giang Hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương:
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay...
Đã tặng thơ rồi, anh tặng luôn cho tôi một tình nhân của anh, người Tàu Lai. Lưu Trọng Lư có ra một tuyên ngôn về người đàn bà mà anh gọi thêm là Quỉ. Không biết khi anh trao kỉ vật cho thằng em này thì đó là Người hay là Quỉ? Tôi không còn nhớ tên của người quỉ có đôi mắt mầu hạt dẻ này nhưng tôi nhớ rõ ràng là ngoài thân hình kiều diễm ra nàng còn mang tới khách sạn một cái bánh gâteau lớn. Chúng tôi ngồi ăn bánh ngọt và nhìn qua cửa sổ để thấy nhà ga Tourane đang u ám nằm cạnh bến sông, chợt có vạt nắng chiều vụt tới làm cho cảnh vật bỗng nhiên rực rỡ.
Tôi sẽ có nhiều lần phổ nhạc những bài thơ tuyệt vời của anh Lư để trả ơn mối tình nửa đường phiêu lãng này. Từ bài Tiếng Thu. qua Vần Thơ Sầu Rụng tới Thú Đau Thương và Còn Chi Nữa (bài này tôi mạn phép đổi tên là Hoa Rụng Ven Sông).
Gặp lại anh Lư ở Huế vào những ngày đầu của Cách Mạng, tôi vẫn thấy anh nên thơ như cũ và tin rằng chẳng bao giờ anh hết nên thơ dù rằng sau này có nhiều phen anh cứ phải tuyên bố là đã giơ tay xua đuổi con nai vàng ở trong anh chạy đi.
Năm 2000, tôi được viếng mộ Lưu Trọng Lư, mộ nằm ngay
trong vườn nhà các con anh ở Tân Thuận, Saigon
Những ngày ở Tourane là những ngày rất êm ái của tôi, dù bộ mặt chiến tranh vẫn đậm nét qua hình ảnh những toán lính Nhật di chuyển trên xe nhà binh trong một thành phố có tính chất quân cảng này. Tôi được ra bãi biển Tiên Sa để hưởng cái thú nằm trên một bãi cát rất là hoang dại. Cũng như sẽ được ra đảo Hòn Yến ở Faifoo (Hội An) coi người ta leo trèo trên gềnh núi đá để lấy tổ chim yến.
Thanh niên ở Faifoo yêu âm nhạc hơn tất cả thanh niên những nơi tôi đã đi qua. Nhạc sĩ nổi danh ở đây là anh Tàu lai La Hối, tác giả của bài Xuân Và Tuổi Trẻ, tốt nghiệp nhạc viện Thượng Hải và có chân trong Hội Ái Nhạc (Société Philharmonique) ở Faifoo. Các hội viên khác của hội này là vị chỉ huy trưởng người Pháp của Garde Indigène (Lính Khố Xanh), là ông công chức cao cấp cũng người Pháp của Nhà Đoan, là những nhạc sĩ Minh Hương như Vương Quang, Vương Quốc Mỹ... La Hối hoạt động ngầm cho Chính Phủ Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh nên về sau anh bị Nhật bắt và thủ tiêu. Faifoo còn có Trương Đình Cử chơi violon, sau này viết nhiều bài khảo cứu về nhạc Vọng Cổ.
Thế rồi đã tới lúc gánh hát phải tiếp tục lên đường. Từ Tourane (Đà Nẵng) vào Faifoo (Hội An), chỉ mất hơn một giờ xe hơi. Tới một thị trấn có những ngôi nhà cổ nhất Việt Nam là Hội An này, gánh ĐỨC HUY treo bảng hiệu ở rạp HÒA BÌNH trên đường Cây Me, gần đình Tiên Hiền. Faifoo mấy trăm năm trước là một thị trấn xây bởi những người Tàu từ đảo Hải Nam tới Việt Nam lập nghiệp. Cái tên cũng do ở tiếng Tàu mà ra. Theo nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tác giả bản Nắng Chiều - vốn là người sinh trưởng ở Hội An - khi người Pháp tới thị trấn này thì được người dân (Tàu?) cho biết đây là nơi chuyên bán hoa (bán = phô và hoa = ba) nên họ gọi tên thành phố là Ba Phô. Dần dần Ba Phô trở thành Faifoo. Cũng có người cho rằng tên Faifoo là do ở tiếng Bồ Đào Nha mà ra.
Lúc tôi tới đây, dân chúng trong thành phố đã trở thành người Minh Hương cả rồi. Tại hai phố chính là Phố Quảng Đông và Phố Chùa Cầu tôi được thấy còn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ xây từ thế kỉ thứ 16. Trong khi di tích của Phố Hiến chẳng còn gì ngoài những ngôi mộ cổ, tại Hội An, tôi được bồi hồi ngắm nghía những ngôi nhà nhỏ nhắn mang nhiều vết tích của thời xa xưa. Rồi còn được đi trên một cái cầu lớn do người Nhật xây vào thời xa xưa đó. Cầu này gọi là Kiều Thương Gia, có lợp mái ngói và được bắc ngang một con lạch nhỏ. Đầu cầu này có tượng con khỉ (khởi sự xây năm Thân), đầu cầu kia có tượng con chó (xây xong năm Tuất), bên trong cầu có xây ban thờ lúc nào cũng thấy khói hương nghi ngút.
Cầu lợp ngói ở Faifoo
Gánh hát không ở lâu tại Faifoo. Những chặng tới sẽ là Quảng Ngãi, Bình Định đây. Tôi giã từ miền Quảng Nam và ngẫm nghĩ về một câu châm ngôn trước đây tôi chưa hiểu hết ý nghĩa:
Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay co
Bình Định hay lo
Thừa Thiên ních hết.
Bây giờ thì tôi hiểu ý nghĩa của câu này, do dân chúng soạn ra để vạch mặt quan lại Việt Nam cùng thực dân Pháp và răn nhau: Người dân ở ba miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định mà ưa cãi nhau, đôi co với nhau, suốt ngày chỉ lo chuyện kiện tụng nhau... thì rút cục chỉ có quan trường ở Thừa Thiên là hưởng lợi.
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông...
Bích Khê - TY BÀ (TINH HUYẾT)