• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) (2 Viewers)

  • Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 23 - 24

Chương Hai Mươi Ba


Xưa kia, khi còn là đất Chàm thì miền đất Quảng là nơi có nhiều thành lũy kiên cố để ngăn chặn cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt. Không ngăn được xâm lăng thì phải nộp thành Cổ Lũy cho Hồ Quý Ly vào năm 1402 để hai mươi năm sau người Chiêm sẽ cố gắng chiếm lại thành này. Nhưng miền đất Chàm sẽ vĩnh viễn trở thành đất Việt khi vua Lê Thánh Tông đem 100.000 quân tiến vào bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn. Khởi sự mang tên Quảng Nghãi dưới thời nhà Nguyễn nhưng một số địa danh ở đây vẫn còn dùng tiếng Chàm. Người Chiêm có bốn dòng họ chính thống là On, Ma, Trà, Chế. Tại Quảng Ngãi, những con sông to nhỏ còn mang tên Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu, Trà Nô, Trà Nột... Cửa biển thì mang tên Sơn Trà.


Cũng như tất cả các tỉnh miền Trung tôi đã đi qua, Quảng Ngãi là dải đất nằm giữa biển và núi, phong cảnh đẹp vô cùng nếu ta được đứng trên ngọn núi Thiên Ấn là đệ nhất thắng cảnh ở đây để nhìn ra biển Đông nước xanh phẳng lì nối tiếp với trời mây, nhìn xuống những xóm nhỏ ẩn hiện trong rừng dừa trên bãi cát trắng phau, nhìn lên dẫy Trường Sơn nắng vàng rực rỡ. Đặc biệt là nhìn những guồng xe nước khổng lồ đặt trên những con sông rồi xuống gần sông để nghe tiếng nước reo vui, tung bọt trắng xóa chẩy vào đồng xanh bao la vời vợi.


Người ta cứ cho rằng vì đất xấu, dân nghèo nên người Quảng Ngãi không khéo như người Bình Định, không thực như người Phan Thiết, không nhã như người Nha Trang... và rằng người Quảng Ngãi là người đảm đang hơn tất cả! Có điều chắc chắn người ở đây là những người có tính tình quá khích. Lúc Cách Mạng nổi lên, ai cũng nghe tiếng đồn về sự hiếu sát của du kích Ba Tơ. Về sự đảm đang, nếu tôi không nhầm thì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cái lối dùng xe đạp để thồ hàng là do người Quảng Ngãi sáng chế ra. Chỉ cần gắn một cái gậy tre vào tay lái, nối cao lên bằng một cái gậy nữa là chiếc xe đạp có sức chở đồ như một chiếc xe bò. Công tác chuyên chở lương thực và vũ khí đạn dược bằng xe đạp thồ mà Quân Đội Pháp không hiểu nổi này đã là yếu tố chính đem lại thắng lợi cho mặt trận Điện Biên Phủ sau này.


Nhưng ta đừng quên rằng nơi đào tạo ra những con người quá khích và đảm đang này còn là nơi sinh trưởng của những nhà thơ lớn của chúng ta như Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh với những vần thơ tuyệt vời.


Tân tiến như:


Từng giọt


Thánh thót


Từng giọt


Tơi bời


Mưa rơi


Gió rơi


Lá rơi


Em ơi!


Nguyễn Vỹ - SƯƠNG RƠI


Siêu thực như:


Nàng ơi, tay đêm đương giăng mềm


Trăng đan qua cành muôn tơ êm...


Cổ điển như:


Làng tôi ở vốn chuyên nghề chài lưới


Nước bao vây cách biển nửa ngày sông...


Tế Hanh - QUÊ HƯƠNG


Nơi mà người ta cứ cho là đất đai cằn cỗi này còn là nơi sản xuất ra loại quế hảo hạng, tốt hơn quế Tích Lan hay quế Trung Quốc. Và là nơi có hàng vạn mẫu đất trồng mía để làm đường.


Ở Quảng Ngãi, gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU tới ăn ở hát hỏng tại rạp hát Kiến Thành đường Phan Bội Châu. Vào những năm đầu của thập niên 40, Việt Nam hãy còn dưới thời Pháp thuộc dù chính quyền bảo hộ đã mất mặt vì bị thua trận ở chính quốc và bị Nhật áp đảo ở Đông Dương, đời sống tỉnh nhỏ tại miền Trung xa vắng như Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Tuy Hòa rất là buồn tẻ. Văn hóa nằm trong tay người Pháp, kinh tế nằm trong tay người Tàu. Không một gánh Cải Lương Nam Kì lớn nào - như gánh NĂM PHỈ, PHỨƠC CƯƠNG - dám tới hát ở những nơi ít khách này cả. Chỉ có những gánh hát Bắc Kì bé bỏng như ĐỨC HUY mới dám ghé lại những nơi không hi vọng có đông khách. Nhưng gánh Cải Lương của chúng tôi, nhờ có thêm mục âm nhạc cải cách nên ngoài khán giả bình dân còn lôi kéo thêm được một số khán giả thanh niên, học sinh.


Rồi tôi được làm quen với giới nhạc sĩ tỉnh nhỏ trong đó có nhạc sĩ Vân Đông là người sẽ mãi mãi là cái đinh của nền Tân Nhạc ở khu vực này. Rồi tôi tham dự những buổi văn nghệ salon để nghe anh bạn mới tên là Trình cùng với em trai, em gái của anh đàn hát. Về sau ban nhạc gia đình này bị thủ tiêu trong những ngày đầu của cuộc Cách Mạng 1945 chỉ vì là con cái nhà quan.


Cũng có thêm một người yêu, Phượng Nga, mắt xanh, răng vàng, cựu hôn thê của một ông Tây. Được cô cho ăn món quà địa phương ngon vô cùng. Đó là món “don”, một thứ hến nhỏ chỉ thấy có trong những con sông ở vùng này. Rửa cho thật sạch, nấu lên rồi ăn với bánh tráng thì tuyệt...


... Giã từ Quảng Ngãi, như một gánh hát quê đói khách nên không bỏ sót một địa điểm nào, ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU ghé lại những thị trấn nhỏ như Tam Kỳ, Tam Quan trước khi tiến vào tỉnh lị Qui Nhơn. Tại Qui Nhơn, tôi được biết thêm một bãi bể nữa. Bãi bể này sạch sẽ, gọn gàng hơn tất cả các bãi bể khác vì nằm ngay trong thành phố. Tại đây, tôi còn được biết thêm một loại hát nữa là hát bài chòi của đám hát rong ngoài chợ, chuyên kể những truyện thơ bình dân như truyện KIỀU hay truyện NHỊ ĐỘ MAI qua lời ca tiếng hát. Lại khám phá thêm một âm giai khác với ngũ cung miền Bắc và ngũ cung Huế. Trong hát bài chòi có một bán-âm mà trong các âm giai ở miền ngoài không có. Âm giai DO MI FA SOL LA này cũng là âm giai nhạc Chàm và âm giai Vọng Cổ miền Nam. Thì ra nhạc Chàm gần gũi với nhạc Vọng Cổ hơn là với nhạc Huế.


Gánh hát ghé Tuy An. Rồi khi tới Tuy Hòa thì tôi bị xúc động bởi cái tháp Chàm nằm trên đồi cao ngay sau lưng rạp hát. Tháp bỏ hoang lâu ngày là nơi ăn chốn ở của khỉ và dơi. Tôi leo lên ngồi trong tháp, mơ màng truyện tình Huyền Trân Công Chúa, thương xót một giống nòi bị diệt vong, lẩm nhẩm ngâm mấy câu thơ của Chế Lan Viên...


Tại tất cả bốn năm thị trấn vừa kể, hằng đêm trong đám khán giả lèo tèo chẳng có ma nào mê tân nhạc cả, anh ca sĩ đeo kính cận thị của gánh Cải Lương này chỉ nhận được tiếng vỗ tay lưa thưa của các bà già và con nít. Nhưng đây cũng là lúc tôi không còn đặt nhiều quan trọng vào việc đứng ra sân khấu để hát cho người khác nghe mà chỉ muốn hát để thỏa mãn cơn đam mê hát của mình. Hát trước đám đông hay hát một mình cũng vậy thôi! Có người vỗ tay hoan nghênh hay không có ai thưởng thức tài nghệ mình cũng chẳng sao cả. Đã cất cao giọng hát là đã thấy tràn trề hạnh phúc rồi! Người nghệ sĩ nào cũng vậy, sau một thời gian phục vụ (sic) quần chúng sẽ quay về phục vụ chính mình.


Chỉ khi gánh hát vào tới Nha Trang thì mới có khán giả thanh niên học sinh mê tân nhạc rầm rập tới nghe tôi hát. Không quen thêm một người bạn nhạc sĩ nào ở đây nhưng tôi lại quá quen thuộc với phong cảnh của các tỉnh nằm dài nơi có thùy dương bóng dừa ngàn thông và có biển cả chơi vơi rồi. Dù biển Nha Trang xanh và nước ấm hơn bất cứ nơi nào hết, trong thời gian ở đây tôi chỉ ngong ngóng chờ ngày giã từ miền cát trắng để tiến lên chốn Đà Lạt thần tiên.


Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ


Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt


Như đón từ xa một ý thơ...


Hàn Mặc Tử - DALAT TRĂNG MỜ


Chương Hai Mươi Bốn


Dalat - Hotel Palace


Nhưng trước khi leo lên được một nơi thần tiên là Đà Lạt, gánh ĐỨC HUY-CHARLOT MIỀU tới hát ở Phan Rang. Những ngày lưu lại ở tỉnh này không có gì là đáng kể nếu tôi không có một kỉ niệm đẹp...


... Vào lúc tôi bước vào nghề hát, đã làm gì có báo chí chuyên môn loan tin về những hoạt động của kịch trường hay âm nhạc. Chưa có những vị phóng viên hay kí giả sân khấu để mình kín đáo bỏ vào túi họ tí tiền cà phê, nhờ họ viết bài quảng cáo, khen ngợi. Lúc đó chưa có một bài báo nào nói tới tôi hay nói tới những bài hát của Văn Cao cả. Nhưng tiếng đồn về anh du ca đầu tiên đi gieo rắc nhạc buồn đã được khá nhiều người trong mọi giới biết tới. Cho nên một hôm bỗng có xe hơi của ông tỉnh trưởng Phan Rang là Nguyễn Duy Quang tới rạp hát để đón tôi vào Dinh, giữa sự ngạc nhiên của nhân viên đoàn hát.


Vào trong dinh tôi mới biết là có ông Bảo Đại đang ngồi ở đó. Ông thường trị vì tại Đà Lạt và đi bắn ở trong rừng nhiều hơn là ngồi trên ngai vàng tại Huế. Hôm nay ông từ một vùng săn bắn nào đó xuống chơi thành phố Phan Rang và nghỉ ngơi trong Dinh Tỉnh Trưởng. Tôi đã biết tới sự yêu nhạc của ông vua khi thấy ông đem người con trai của Thượng Thư Phạm Quỳnh là Phạm Bích vào làm bí thư riêng chỉ vì anh này đánh đàn guitare rất giỏi.


Đã không còn coi đối tượng là quan trọng nữa, đã chủ trương khi cất lên tiếng hát là hát cho mình nhiều hơn là hát cho người, nên tôi chẳng có một mặc cảm nào khi ngồi ôm đàn hát cho ông vua nghe. Ông Bảo Đại, rất lịch sự, rất nhã nhặn, sau khi nghe hát xong, ngồi mời tôi ăn bánh ngọt và nói chuyện với tôi bằng tiếng Pháp. Hỏi tôi học nhạc ở đâu? Từ bao giờ? Hơi ngạc nhiên khi thấy tôi trả lời là chẳng học ai cả! Hỏi thăm về ông Khiêm, về gia đình tôi. Một ông vua yêu nghệ thuật như vậy chắc chắn là đằng sau cặp kính đen mà ông thường đeo, có ẩn nấp một đôi mắt nhân từ. Ừ, đúng như vậy, trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, có nhiều kẻ quai mồm ra phê bình Bảo Đại là thế này thế nọ, nhưng tôi chưa thấy ai dám nói ông ta đã bỏ tù hay đã giết một người Việt Nam. Trong khi qua hai ba lần Cách Mạng quốc gia và quốc tế, có biết bao nhiêu người đã bị thủ tiêu hay bị cầm tù bởi những nhà lãnh đạo mệnh danh là yêu nước thương nòi...


Xong buổi hát “vo” (theo tiếng nhà nghề là: hát không lấy tiền) khi tôi ra về, tỉnh trưởng Nguyễn Duy Quang tiễn tôi ra cửa, rất tế nhị, tay cầm sẵn một gói quà là 5 thước vải phin rất tốt để tặng anh ca sĩ trẻ tuổi. Với số vải này, tôi may được hai cái áo sơ-mi, một cái mặc cho tới khi rách, một cái sẽ tặng anh bạn thi sĩ Nguyễn Bính khi gặp anh ở Saigon một vài tháng sau để anh bán lấy tiền vào nằm tiệm hút. Về tới rạp và khoe là vừa hát cho vua nghe, cả gánh hát lắc đầu le lưỡi thán phục...


... Vài ngày sau, gánh hát giã từ Phan Rang, giã từ một miền có những cồn cát lớn và trắng toát như cảnh siêu thực ta chỉ thấy trong một giấc mộng đêm hè. Muốn lên Đà Lạt, hành khách phải đi Tàu hỏa từ ga Phan Rang chạy ra Tour. để chuyển qua những con Tàu có móc sắt (crémaillère) ở gầm xe thì mới leo tới nơi cách mặt biển 1.500 thước cao.


Thành phố Đà Lạt quả là một nơi thần tiên. Khởi đầu là một bác sĩ người Pháp tên là Yersin, từ cuối thế kỉ thứ 19, sau khi dùng cả hai đường bộ và đường thủy để thám hiểm vùng phía Nam của miền Trung nước Việt, đã leo lên cuối dẫy Trường Sơn và tìm ra một bình nguyên có núi rừng hùng vĩ nhưng không hãi hùng hoang dã, có khí hậu hiền hòa và có đủ mọi loài hoa đua nhau nở như trong một mùa Xuân bất tận. Rồi Toàn Quyền Doumer nhìn thấy công ích của nơi lâm viên này để sau khi Bác Sĩ Yersin qua đời thì công cuộc xây dựng nơi nghỉ mát Đà Lạt được khởi sự vào năm 1923 và tới năm 1944 là lúc tôi tới đó thì đã có đầy đủ những cái làm nên Đà Lạt mà chúng ta gọi là Hồ Than Thở, Rừng Ái Ân, Thung lũng Tình Yêu,...


Đã được đi nhiều nơi trên đất nước nhưng tôi không thấy phong cảnh ở đâu đẹp như ở đây. Mang tinh thần vọng ngoại như hầu hết thanh niên thời đó, tôi sung sướng được tới một thành phố giống như ở Âu Châu. Tưởng mình đang ở Thụy Sĩ hay Đức Quốc. Đi trong mây, thở ra khói, nhìn núi rừng, nghe chim hót, ngửi mùi hoa... đó là tất cả những gì mà tuổi hoa niên mơ mộng có thể thực hiện khi tới Đà Lạt.


Cạnh nhà ga Tour. là ngôi tháp Hời chưa bị lâm vào cảnh hoang tàn nên hồng hào và sạch sẽ hơn cái tháp cổ lở lói ở Tuy Hòa rất nhiều. Gặp gỡ dòng dõi của Chế Mân, với con mắt họa sĩ, tôi mê mầu áo của những cô gái Chàm, khi thì là mầu hoa lí tươi, khi thì là mầu vàng anh nhạt, những mầu sắc không thấy có nhiều trên y phục của các cô gái Việt. Sau này tôi được Trung Tâm Điện Ảnh phái ra đây để quay phim vũ nữ Chàm, cầm quạt múa điệu padit (múa bướm) trước tòa tháp cổ. Và khám phá ra âm giai Chàm được dùng trong tọ tam ta ra (bài hát ân tình) là âm giai hơi oán DO MI FA SOL LA, giống như âm giai trong Hát Bài Chòi hay của Vọng Cổ chứ không phải giống như âm giai trong Ca Huế.


Vào hồi đầu thập niên 40, người dân đen muốn tới thành phố Đà Lạt không phải là chuyện dễ dàng đâu! Phải làm đơn xin phép và chờ Sở Mật Thám điều tra rồi ba tháng sau mới có giấy đi. Thường thường chỉ là giấy cho phép tới nơi nghỉ mát (villégiature) này trong một thời hạn nào đó. Nếu muốn tới làm ăn sinh sống ở Đà Lạt thì lại một chuyện khác, một chuyện khó khăn vô cùng. Người Pháp thành lập ra thắng cảnh Đà Lạt để dành riêng cho người da trắng. Gánh ĐỨC HUY lên Dalat dễ dàng vì anh Chúc đã đút tiền cho Sở Cảnh Sát rồi.


Tại Đà Lạt, gánh hát ĐỨC HUY cư ngụ và trình diễn ở rạp NGỌC HIỆP trên đường Cây Quẹo. Người bạn mới của tôi là Lê Xuân Ái, tác giả của những bài Hồn Nam Tướng, Chinh Phụ Hoài Khúc, Thiên Lí Mã, Huyền Trân Công Chúa, Con Thuyền Trên Sóng... và có chân trong ban nhạc của Năm Lành, em vợ (vợ bé) của một triệu phú miền Nam là ông Đội Có.


Nghệ sĩ tài hoa Lữ Liên (trong ban A.V.T.) cũng đang làm việc tại Nha Công Chánh Đà Lạt. Nguyên là cầu thủ đá banh của đội banh vô địch Đông Dương là COTONKIN, Lữ Liên, cũng như số đông thanh niên thời đó, ưa thích cuộc đời giang hồ và đã Nam Tiến từ năm 1942. Tại Đà Lạt, Lữ Liên hoạt động trong ban kịch tài tử rồi làm việc tại Đài Phát Thanh ở đó trước khi vào Saigon, trở thành người thăng hoa loại nhạc hài hước mà người khởi đầu là Trần Văn Trạch.


Sau này, tôi có tối thiểu hơn mười lần đi về chốn cao nguyên Đà Lạt. Lần nào cũng nằm tròn trong vòng tay ân ái của một người tình. Một người giúp tôi soạn nổi rất nhiều câu hát ái tình, từ... ngày đó có em đi nhẹ vào đời... cho tới... nghìn trùng xa cách người đã đi rồi... Và có đầy đủ những kỉ niệm tươi vui hay buồn bã nhưng tất cả những nỗi hân hoan hay ủ rũ cũng đều không se sắt hay nặng nề mà chỉ êm đềm như mầu trăng đã ấp ủ tôi vào những đêm đầu tiên tới Đà Lạt này. Một mầu trăng đã đến từ lâu với nhà thơ Hàn Mặc Tử:


Cả trời say nhuộm một mầu trăng


Và cả lòng tôi chỉ nói rằng


Không một tiếng gì nghe động chạm


Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...


Người đẹp vẫn thường hay chết yểu


Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai...


Jean Leiba
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom