Viet Writer
Và Mai Có Nắng
-
Hồi ký Phạm Duy (Quyển 1 - 2) - Quyển 1 - Chương 09
Chương Chín
Đêm đêm người mở lòng ra
Ru ta trong cõi mơ hồ...
Mộng Du
Tôi bắt đầu biết yêu từ năm 12 tuổi khi chơi với hai đứa trẻ Pháp lai mồ côi là Pierre và Emilienne Ducret, nhà ở phố Bờ Hồ, ngay trước mặt phố Hàng Dầu. Một ngày nào đó, không hề đòi hỏi, tự nhiên tôi được con nhỏ Emilenne ôm tôi thật chặt, không hôn vào má nữa mà hôn hẳn vào môi và đó là "nụ hôn đầu" thực sự trong đời tôi. Lúc đó tôi cũng đã được những thằng bạn ở trong khu phố gán tôi vào với con Nguyệt và con Riệu nhưng hai con nhỏ này đã nhát như cáy lại còn hay làm bộ, có bao giờ tôi nắm được tay chúng đâu, nói gì đến chuyện ôm hôn. Còn Emilienne có máu Pháp nên bạo dạn hơn nhiều. Nó cũng xinh đẹp và nở nang hơn con Nguyệt và con Riệu. Nó còn có một mùi da thịt mà có thể hai con nhỏ kia không có. Điều này còn được xác định rõ ràng hơn khi tôi đã trưởng thành và được gần nhiều người tình, tôi thấy rằng bao giờ người đàn bà Âu Mỹ cũng "có mùi" hơn người đàn bà Á Đông. Hình như những giống dân ăn thịt thường có mùi hăng nồng hơn những giống dân ăn rau.
Vì yêu cô bé có cái tên "em mi liên" này, đồng thời tôi đang rất mê trò xiếc, với cái thói thích có nhiều tên, tôi bèn tự gọi mình là Emecirque nghĩa là "em mê xiếc". Tôi mê xiếc nên có lần bỏ nhà đi theo anh làm trò quỷ thuật. Bây giờ mê "em mi liên" rồi thì sau khi quen nhau ít lâu, gia đình Ducret dọn nhà lên tận Ngũ Xã, tôi cũng chịu khó cuốc bộ đi tìm Emilienne. Tới khi bà mẹ không đủ tiền để nuôi con và gửi Emilienne vào Viện Mồ Côi ở đường Chanìeaulme (Chợ Hôm) tôi cũng mò tới đó để chỉ đứng thơ thẩn ở ngoài cổng sắt ngó vào trong sân, thấy lao xao một bầy con gái lai Pháp, rồi lủi thủi đi về... Cho tới khi tôi 14 tuổi và gia đình tôi dọn tít lên phố Blockauss Nord ở tận phía Bắc của thành phố Hà Nội thì tôi không còn cách nào để đi xuống Viện Mồ Côi đó được nữa, từ đó, tôi tạm quên Emilienne Ducret.
Tôi đi khá nhanh vào cõi tình như vậy có lẽ là nhờ ở những tiểu thuyết rất lãng mạn của thời đó như Tuyết Hồng Lệ Sử, (Từ Trẩm A, truyện tàu dịch) Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách). Lúc đó, tôi cũng đã đọc những truyện kiếm hiệp Tầu hay những truyện trong loại sách hồng - livres roses - của Pháp hoặc đã được nghe mẹ hát ngâm truyện Kiều, truyện Tần Cung Oán... nhưng những loại sách, loại truyện đó không làm tôi rung động nhiều.
Riêng với truyện Kiều thì chỉ vào lúc tôi 14 tuổi, anh Khiêm đã trở về nước và dạy học ở Lycée Albert Sarraut, có lần không nhớ tôi phạm phải một lỗi lầm gì mà bị ông thạc sĩ đang cộng tác với các ông Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim viết cuốn Văn Phạm Việt Nam phạt tôi bằng cách bắt ngồi đếm xem ở trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã dùng bao nhiêu chữ "thì" và bao nhiêu chữ "mà"? Tôi phải cám ơn cái lối trừng phạt này nhờ đó tôi thuộc Kiều hơn các trẻ khác. Và tôi thấm ngay được nỗi buồn lâng lâng của Nàng Kiều và của Nguyễn Du:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một mầu xanh xanh.
...
Truyện tình Kim Trọng, Thúy Kiều của hai thế kỉ trước nhẹ nhàng như một áng mây. Còn truyện tình Tuyết Hồng Lệ Sử của Tầu và truyện Tố Tâm, Mồ Cô Phượng của xã hội Việt Nam thời bấy giờ lâm li hơn nhiều. Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, đây là những tiểu thuyết dài được viết ra với một nghệ thuật mới mẻ và hấp dẫn hơn những đoản thiên tiểu thuyết trước đây của nhà văn Nguyễn Bá Học hay của Phạm Duy Tốn, bố tôi.
Tuy những truyện tình này cũng na ná như những truyện Pháp mà chúng tôi đã đọc qua như Paul et Virginie, La Dame Au Camélias nhưng truyện Việt Nam làm tôi rung động vì trong Tố Tâm hay Mồ Cô Phượng có những câu thơ xót thương người con gái "lụy tình mệnh bạc", được viết ra bằng tiếng Việt:
Cô ơi cô đẹp nhất đời
Mà cô mệnh bạc, thợ Trời cũng thua.
Hơn nữa, qua một câu truyện tình lãng mạn là Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đưa ra một mối sầu xen lẫn mối hờn vong quốc của thời đại. Những người trí thức thời đó, lớp thì chống Pháp rồi bị giết hoặc bị tù đầy, lớp thì hợp tác với Pháp vì danh vì lợi, lớp thì tranh đấu ôn hòa bằng những hoạt động văn hóa, sự kiện này cho ta thấy có nhiều dị biệt trong tâm hồn kẻ sĩ thời bấy giờ.
Một cuốn tiểu thuyết bi tình như Tố Tâm trong đó có yêu đương tràn trề, có thất vọng não nề và có chết chóc thảm thương như vậy có thể được coi như một liều thuốc ngọt hay một liều thuốc đắng cho những ai đang thấy trong lòng có sự thổn thức, khóc than cho nước non và cho ngay cả chính mình nữa. Mối tình của Đạm Thủy và Tố Tâm trong cuốn tiểu thuyết này làm cho người đọc bị mê hoặc đến độ có những thanh niên bắt chước người trong truyện, ra vườn Bách Thú đào đất để chôn những bông hoa tàn rồi còn làm những bài thơ và những câu đối để khóc hoa. Hai bài ca cải cách đầu tiên ra đời mấy năm sau đó - năm 1938 - cũng vẫn còn nói tới kiếp hoa sớm nở tối tàn. Đó là hai bài Bông Cúc Nở và Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn.
Tuy hãy còn bé, tôi cũng bắt chước người lớn thổn thức khóc than cho mối tình Đạm Thủy Tố Tâm và chít khăn tang cho những bông hoa tàn úa như có lần tôi cũng ra đào đất chôn hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đúng vào lúc tôi đang sửa soạn bước vào đời, tâm hồn của tôi bị ngay cái bệnh thời đại ảnh hưởng nặng nề.
Để chống lại tác hại của sự lãng mạn đó, cuốn tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời ngay sau khi có Tố Tâm. Nó cũng mang tinh thần phiêu lưu như các truyện Gulliver hay Robinson Crusoe mà chúng tôi đã biết, nhưng câu truyện An Tiêm bị đầy ra đảo khơi có vẻ muốn gói ghém tinh thần quốc gia qua những câu thơ có ngụ ý về thời thế. Câu truyện cũng như bài thơ đã ám ảnh chúng tôi:
Nhớ con chim quốc đêm hè
Non sông hiu quạnh ai nghe mà gào?
Có ai ngờ được rằng hơn một nửa thế kỉ sau, tôi cũng phải sống một đời lưu đầy gần giống như đời của chàng An Tiêm trong cuốn Quả Dưa Đỏ để cũng nhắc tới con chim quốc qua một Tổ Khúc nhan đề Bầy Chim Bỏ Xứ.
Biết yêu từ khi 12 tuổi. Đọc truyện tình, nghe truyện tình từ khi mới thông chữ quốc ngữ. Nhưng dục tính trong tôi thì được khêu gợi sớm hơn nhiều, ngay từ khi tôi mới lên 7 lên 8, đêm nằm ngủ với một bà bạn của mẹ, dám đưa tay sờ lên bụng bà ta rồi nhận được cái tát tai nổ đom đóm mắt. Lớn hơn chút nữa là túm năm tụm ba với mấy thằng quỷ sứ, rủ nhau đi nhìn trộm đàn bà hở hang trong phòng tắm. Do đó, năm mươi năm sau, tôi có một bài tục ca nhan đề Nhìn L... Khi tôi lên chín hay lên mười thì có một thiếu nữ hàng xóm kéo tôi vào nhà, đẩy tôi lên giường và cho tôi ngửi mùi vị thơm nồng của đàn bà vào cái tuổi tôi chưa biết khoái lạc là gì cả. Không biết phải làm gì, hoàn toàn bị người nữ điều khiển nhưng tôi sớm thấy được sự bốc cháy của một người có cái vỏ rất e lệ và lạnh lùng trong đời sống hàng ngày. Tuy còn bé, tôi thấy được sự mù lòa của con người khi dục tính nổi dậy. Người thiếu nữ hơn tuổi đó đã không còn nhìn thấy gì nữa khi nắm đầu thằng bé và đưa nó vào những cơn khoái lạc của riêng mình. Thấy được sự gia tăng của lạc thú trong những cuộc tình cấm đoán và vụng trộm.
Được một người đàn bà cho biết mùi vị của tình yêu rất sớm, dù lúc đó tôi chưa biết khoái cảm của đàn ông ra sao, nhưng tới khi tôi 16 tuổi và được một thằng bạn học cùng trường Thăng Long (tên là Biểu) dắt đi nếm mùi đàn bà thực sự thì... tôi thất vọng!
Trước hết, cái ngõ Hàng Mành (ở chợ Hàng Da đi vào) lầy lội quá! Phải vén một cái mành mành lớn để bước vào căn nhà chật hẹp và hôi hám này. Ngoài đường nhìn vào thì không thấy gì, nhưng ở trong nhà nhìn qua mành mành là thấy người ta đi qua đi lại ngoài ngõ. Mụ Tú Bà vợ Tây bị chồng sa thải - hay chồng đã về nước - có cái nhìn soi mói làm cho mấy anh học trò vốn đã xấu hổ vì chuyện đi chơi, bây giờ còn tái mặt thêm. Giá "một chuyến đi" là một đồng bạc Đông Dương, so với chầu hát cô đầu ở Ngã Tư Sở là ba đồng thì hơi đắt đó! Biết là đắt mà không dám mặc cả. Mặc cả thì bớt được năm hào. Xong giá cả rồi, lại vén thêm một cái mành mành nhỏ nữa để đi vào động hoa... vàng. Người gái giang hồ nằm im như tượng gỗ, chàng kị mã thấp thỏm trước cuộc viễn du không bờ bến, không khí căng thẳng như chiếc lò so... rồi than ôi, vừa nhẩy lên yên thì ngã ngựa ngay!
Sinh ra và lớn lên trong một nước bị trị và trong một xã hội hãy còn khép kín, nhất là còn nghiêm khắc trước vấn đề tình yêu và về tính dục, tôi được biết những bài học về tình ngay từ khi hãy còn thơ. Rồi tiếp tục đi trên con đường tình của mình, có khi bình yên, có khi bão tố, tôi thấy rằng ai cũng có thể mê muội vì tình. Trước khi gặp người tình, đời chúng ta bình yên lắm. Sau khi gặp tình, tất cả có thể thay đổi. Tình làm ta quay cuồng như con diều trong cơn bão tố. Ta vui mừng hay buồn tủi, hi vọng hay tuyệt vọng, nhìn đời đẹp hay xấu tất cả tùy thuộc người tình.
Biết như vậy nhưng tôi sớm thấy một điều là đàn ông rất cần đàn bà. Hình như lúc nào đàn ông cũng nhớ cái xương sườn của mình nên suốt đời chạy đi tìm nó. Ngoài tình mẹ thiêng liêng, tôi mà không có người nữ quanh năm thì tôi sống không nổi. Tình bao giờ và ở đâu cũng thật là oái oăm. Tại xã hội Tây Phương, người ta cứ việc tự do luyến ái đến cùng cực nhưng ai lâm vào cảnh đa thê là gặp chuyện rắc rối ngay. Tại Hà Nội vào những năm tôi còn bé, người ta che dấu những chuyện tình "bê bối" nhưng ai cũng có thể có năm thê bẩy thiếp. Bạn của bố tôi, các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim đều có hai bà để đi vào cuộc tình. Bố tôi mà sống lâu thì chắc cũng "phải" có hai vợ.
Người ta thường cho rằng "tình là dây oan", "cái tình là cái tội". Riêng tôi trộm nghĩ: Tình là của trời ban cho, tội là do con người buộc vào nhau. Tâm hồn tôi vốn đã rất nhạy cảm từ khi tôi còn bé. Tôi có thể khóc được khi một người hát xẩm tới trước cửa nhà hát cho tôi nghe câu truyện người ăn mày mù lòa bị mất chiếc gậy hay khi tôi đọc một cuốn tiểu thuyết ái tình lâm li. Tôi sôi nổi và muốn vùng lên khi nghe một câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm hay trước một tiếng gọi ái quốc nào đó. Sau này, khi đã trưởng thành thì cảm xúc của tôi lại càng bén nhạy đến đỗi, tới phòng triển lãm coi một bức tranh đẹp, đôi khi tóc gáy của tôi có thể dựng đứng lên. Bức tranh mà còn làm tôi xúc động như thế thì huống chi là những giai nhân đa tình đa cảm. Tôi đã dễ dàng cùng họ bay lên đỉnh cao hay rơi xuống vực sâu của cuộc tình và cuộc đời. Tôi chấp nhận hết. Tôi không bao giờ tự than thân trách phận hay giải thích phân trần với bất cứ ai về những chuyện rất con người này cùng với tất cả những hệ lụy của nó.
Hơn nữa, tôi còn muốn tri ân tất cả những người tình của tôi vì họ đã làm nhựa sống trong tôi nhẩy vọt lên, tuy chỉ trong khoảnh khắc nhưng cũng có đủ khoái cảm để tôi sáng tác những bài tình ca dâng hiến cho đời. Với ước mong rằng, có những bản tình ca này để nghe hay để hát, nhiều người cảm thấy đời mình vui hơn, cuộc tình của mình đẹp hơn.
Đêm đêm người mở lòng ra
Ru ta trong cõi mơ hồ...
Mộng Du
Tôi bắt đầu biết yêu từ năm 12 tuổi khi chơi với hai đứa trẻ Pháp lai mồ côi là Pierre và Emilienne Ducret, nhà ở phố Bờ Hồ, ngay trước mặt phố Hàng Dầu. Một ngày nào đó, không hề đòi hỏi, tự nhiên tôi được con nhỏ Emilenne ôm tôi thật chặt, không hôn vào má nữa mà hôn hẳn vào môi và đó là "nụ hôn đầu" thực sự trong đời tôi. Lúc đó tôi cũng đã được những thằng bạn ở trong khu phố gán tôi vào với con Nguyệt và con Riệu nhưng hai con nhỏ này đã nhát như cáy lại còn hay làm bộ, có bao giờ tôi nắm được tay chúng đâu, nói gì đến chuyện ôm hôn. Còn Emilienne có máu Pháp nên bạo dạn hơn nhiều. Nó cũng xinh đẹp và nở nang hơn con Nguyệt và con Riệu. Nó còn có một mùi da thịt mà có thể hai con nhỏ kia không có. Điều này còn được xác định rõ ràng hơn khi tôi đã trưởng thành và được gần nhiều người tình, tôi thấy rằng bao giờ người đàn bà Âu Mỹ cũng "có mùi" hơn người đàn bà Á Đông. Hình như những giống dân ăn thịt thường có mùi hăng nồng hơn những giống dân ăn rau.
Vì yêu cô bé có cái tên "em mi liên" này, đồng thời tôi đang rất mê trò xiếc, với cái thói thích có nhiều tên, tôi bèn tự gọi mình là Emecirque nghĩa là "em mê xiếc". Tôi mê xiếc nên có lần bỏ nhà đi theo anh làm trò quỷ thuật. Bây giờ mê "em mi liên" rồi thì sau khi quen nhau ít lâu, gia đình Ducret dọn nhà lên tận Ngũ Xã, tôi cũng chịu khó cuốc bộ đi tìm Emilienne. Tới khi bà mẹ không đủ tiền để nuôi con và gửi Emilienne vào Viện Mồ Côi ở đường Chanìeaulme (Chợ Hôm) tôi cũng mò tới đó để chỉ đứng thơ thẩn ở ngoài cổng sắt ngó vào trong sân, thấy lao xao một bầy con gái lai Pháp, rồi lủi thủi đi về... Cho tới khi tôi 14 tuổi và gia đình tôi dọn tít lên phố Blockauss Nord ở tận phía Bắc của thành phố Hà Nội thì tôi không còn cách nào để đi xuống Viện Mồ Côi đó được nữa, từ đó, tôi tạm quên Emilienne Ducret.
Tôi đi khá nhanh vào cõi tình như vậy có lẽ là nhờ ở những tiểu thuyết rất lãng mạn của thời đó như Tuyết Hồng Lệ Sử, (Từ Trẩm A, truyện tàu dịch) Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách). Lúc đó, tôi cũng đã đọc những truyện kiếm hiệp Tầu hay những truyện trong loại sách hồng - livres roses - của Pháp hoặc đã được nghe mẹ hát ngâm truyện Kiều, truyện Tần Cung Oán... nhưng những loại sách, loại truyện đó không làm tôi rung động nhiều.
Riêng với truyện Kiều thì chỉ vào lúc tôi 14 tuổi, anh Khiêm đã trở về nước và dạy học ở Lycée Albert Sarraut, có lần không nhớ tôi phạm phải một lỗi lầm gì mà bị ông thạc sĩ đang cộng tác với các ông Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim viết cuốn Văn Phạm Việt Nam phạt tôi bằng cách bắt ngồi đếm xem ở trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã dùng bao nhiêu chữ "thì" và bao nhiêu chữ "mà"? Tôi phải cám ơn cái lối trừng phạt này nhờ đó tôi thuộc Kiều hơn các trẻ khác. Và tôi thấm ngay được nỗi buồn lâng lâng của Nàng Kiều và của Nguyễn Du:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông ngọn cỏ rầu rầu
Chân mây mặt nước một mầu xanh xanh.
...
Truyện tình Kim Trọng, Thúy Kiều của hai thế kỉ trước nhẹ nhàng như một áng mây. Còn truyện tình Tuyết Hồng Lệ Sử của Tầu và truyện Tố Tâm, Mồ Cô Phượng của xã hội Việt Nam thời bấy giờ lâm li hơn nhiều. Ngoài ra, trong lĩnh vực văn học, đây là những tiểu thuyết dài được viết ra với một nghệ thuật mới mẻ và hấp dẫn hơn những đoản thiên tiểu thuyết trước đây của nhà văn Nguyễn Bá Học hay của Phạm Duy Tốn, bố tôi.
Tuy những truyện tình này cũng na ná như những truyện Pháp mà chúng tôi đã đọc qua như Paul et Virginie, La Dame Au Camélias nhưng truyện Việt Nam làm tôi rung động vì trong Tố Tâm hay Mồ Cô Phượng có những câu thơ xót thương người con gái "lụy tình mệnh bạc", được viết ra bằng tiếng Việt:
Cô ơi cô đẹp nhất đời
Mà cô mệnh bạc, thợ Trời cũng thua.
Hơn nữa, qua một câu truyện tình lãng mạn là Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đưa ra một mối sầu xen lẫn mối hờn vong quốc của thời đại. Những người trí thức thời đó, lớp thì chống Pháp rồi bị giết hoặc bị tù đầy, lớp thì hợp tác với Pháp vì danh vì lợi, lớp thì tranh đấu ôn hòa bằng những hoạt động văn hóa, sự kiện này cho ta thấy có nhiều dị biệt trong tâm hồn kẻ sĩ thời bấy giờ.
Một cuốn tiểu thuyết bi tình như Tố Tâm trong đó có yêu đương tràn trề, có thất vọng não nề và có chết chóc thảm thương như vậy có thể được coi như một liều thuốc ngọt hay một liều thuốc đắng cho những ai đang thấy trong lòng có sự thổn thức, khóc than cho nước non và cho ngay cả chính mình nữa. Mối tình của Đạm Thủy và Tố Tâm trong cuốn tiểu thuyết này làm cho người đọc bị mê hoặc đến độ có những thanh niên bắt chước người trong truyện, ra vườn Bách Thú đào đất để chôn những bông hoa tàn rồi còn làm những bài thơ và những câu đối để khóc hoa. Hai bài ca cải cách đầu tiên ra đời mấy năm sau đó - năm 1938 - cũng vẫn còn nói tới kiếp hoa sớm nở tối tàn. Đó là hai bài Bông Cúc Nở và Một Kiếp Hoa của Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn.
Tuy hãy còn bé, tôi cũng bắt chước người lớn thổn thức khóc than cho mối tình Đạm Thủy Tố Tâm và chít khăn tang cho những bông hoa tàn úa như có lần tôi cũng ra đào đất chôn hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm. Đúng vào lúc tôi đang sửa soạn bước vào đời, tâm hồn của tôi bị ngay cái bệnh thời đại ảnh hưởng nặng nề.
Để chống lại tác hại của sự lãng mạn đó, cuốn tiểu thuyết Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời ngay sau khi có Tố Tâm. Nó cũng mang tinh thần phiêu lưu như các truyện Gulliver hay Robinson Crusoe mà chúng tôi đã biết, nhưng câu truyện An Tiêm bị đầy ra đảo khơi có vẻ muốn gói ghém tinh thần quốc gia qua những câu thơ có ngụ ý về thời thế. Câu truyện cũng như bài thơ đã ám ảnh chúng tôi:
Nhớ con chim quốc đêm hè
Non sông hiu quạnh ai nghe mà gào?
Có ai ngờ được rằng hơn một nửa thế kỉ sau, tôi cũng phải sống một đời lưu đầy gần giống như đời của chàng An Tiêm trong cuốn Quả Dưa Đỏ để cũng nhắc tới con chim quốc qua một Tổ Khúc nhan đề Bầy Chim Bỏ Xứ.
Biết yêu từ khi 12 tuổi. Đọc truyện tình, nghe truyện tình từ khi mới thông chữ quốc ngữ. Nhưng dục tính trong tôi thì được khêu gợi sớm hơn nhiều, ngay từ khi tôi mới lên 7 lên 8, đêm nằm ngủ với một bà bạn của mẹ, dám đưa tay sờ lên bụng bà ta rồi nhận được cái tát tai nổ đom đóm mắt. Lớn hơn chút nữa là túm năm tụm ba với mấy thằng quỷ sứ, rủ nhau đi nhìn trộm đàn bà hở hang trong phòng tắm. Do đó, năm mươi năm sau, tôi có một bài tục ca nhan đề Nhìn L... Khi tôi lên chín hay lên mười thì có một thiếu nữ hàng xóm kéo tôi vào nhà, đẩy tôi lên giường và cho tôi ngửi mùi vị thơm nồng của đàn bà vào cái tuổi tôi chưa biết khoái lạc là gì cả. Không biết phải làm gì, hoàn toàn bị người nữ điều khiển nhưng tôi sớm thấy được sự bốc cháy của một người có cái vỏ rất e lệ và lạnh lùng trong đời sống hàng ngày. Tuy còn bé, tôi thấy được sự mù lòa của con người khi dục tính nổi dậy. Người thiếu nữ hơn tuổi đó đã không còn nhìn thấy gì nữa khi nắm đầu thằng bé và đưa nó vào những cơn khoái lạc của riêng mình. Thấy được sự gia tăng của lạc thú trong những cuộc tình cấm đoán và vụng trộm.
Được một người đàn bà cho biết mùi vị của tình yêu rất sớm, dù lúc đó tôi chưa biết khoái cảm của đàn ông ra sao, nhưng tới khi tôi 16 tuổi và được một thằng bạn học cùng trường Thăng Long (tên là Biểu) dắt đi nếm mùi đàn bà thực sự thì... tôi thất vọng!
Trước hết, cái ngõ Hàng Mành (ở chợ Hàng Da đi vào) lầy lội quá! Phải vén một cái mành mành lớn để bước vào căn nhà chật hẹp và hôi hám này. Ngoài đường nhìn vào thì không thấy gì, nhưng ở trong nhà nhìn qua mành mành là thấy người ta đi qua đi lại ngoài ngõ. Mụ Tú Bà vợ Tây bị chồng sa thải - hay chồng đã về nước - có cái nhìn soi mói làm cho mấy anh học trò vốn đã xấu hổ vì chuyện đi chơi, bây giờ còn tái mặt thêm. Giá "một chuyến đi" là một đồng bạc Đông Dương, so với chầu hát cô đầu ở Ngã Tư Sở là ba đồng thì hơi đắt đó! Biết là đắt mà không dám mặc cả. Mặc cả thì bớt được năm hào. Xong giá cả rồi, lại vén thêm một cái mành mành nhỏ nữa để đi vào động hoa... vàng. Người gái giang hồ nằm im như tượng gỗ, chàng kị mã thấp thỏm trước cuộc viễn du không bờ bến, không khí căng thẳng như chiếc lò so... rồi than ôi, vừa nhẩy lên yên thì ngã ngựa ngay!
Sinh ra và lớn lên trong một nước bị trị và trong một xã hội hãy còn khép kín, nhất là còn nghiêm khắc trước vấn đề tình yêu và về tính dục, tôi được biết những bài học về tình ngay từ khi hãy còn thơ. Rồi tiếp tục đi trên con đường tình của mình, có khi bình yên, có khi bão tố, tôi thấy rằng ai cũng có thể mê muội vì tình. Trước khi gặp người tình, đời chúng ta bình yên lắm. Sau khi gặp tình, tất cả có thể thay đổi. Tình làm ta quay cuồng như con diều trong cơn bão tố. Ta vui mừng hay buồn tủi, hi vọng hay tuyệt vọng, nhìn đời đẹp hay xấu tất cả tùy thuộc người tình.
Biết như vậy nhưng tôi sớm thấy một điều là đàn ông rất cần đàn bà. Hình như lúc nào đàn ông cũng nhớ cái xương sườn của mình nên suốt đời chạy đi tìm nó. Ngoài tình mẹ thiêng liêng, tôi mà không có người nữ quanh năm thì tôi sống không nổi. Tình bao giờ và ở đâu cũng thật là oái oăm. Tại xã hội Tây Phương, người ta cứ việc tự do luyến ái đến cùng cực nhưng ai lâm vào cảnh đa thê là gặp chuyện rắc rối ngay. Tại Hà Nội vào những năm tôi còn bé, người ta che dấu những chuyện tình "bê bối" nhưng ai cũng có thể có năm thê bẩy thiếp. Bạn của bố tôi, các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim đều có hai bà để đi vào cuộc tình. Bố tôi mà sống lâu thì chắc cũng "phải" có hai vợ.
Người ta thường cho rằng "tình là dây oan", "cái tình là cái tội". Riêng tôi trộm nghĩ: Tình là của trời ban cho, tội là do con người buộc vào nhau. Tâm hồn tôi vốn đã rất nhạy cảm từ khi tôi còn bé. Tôi có thể khóc được khi một người hát xẩm tới trước cửa nhà hát cho tôi nghe câu truyện người ăn mày mù lòa bị mất chiếc gậy hay khi tôi đọc một cuốn tiểu thuyết ái tình lâm li. Tôi sôi nổi và muốn vùng lên khi nghe một câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm hay trước một tiếng gọi ái quốc nào đó. Sau này, khi đã trưởng thành thì cảm xúc của tôi lại càng bén nhạy đến đỗi, tới phòng triển lãm coi một bức tranh đẹp, đôi khi tóc gáy của tôi có thể dựng đứng lên. Bức tranh mà còn làm tôi xúc động như thế thì huống chi là những giai nhân đa tình đa cảm. Tôi đã dễ dàng cùng họ bay lên đỉnh cao hay rơi xuống vực sâu của cuộc tình và cuộc đời. Tôi chấp nhận hết. Tôi không bao giờ tự than thân trách phận hay giải thích phân trần với bất cứ ai về những chuyện rất con người này cùng với tất cả những hệ lụy của nó.
Hơn nữa, tôi còn muốn tri ân tất cả những người tình của tôi vì họ đã làm nhựa sống trong tôi nhẩy vọt lên, tuy chỉ trong khoảnh khắc nhưng cũng có đủ khoái cảm để tôi sáng tác những bài tình ca dâng hiến cho đời. Với ước mong rằng, có những bản tình ca này để nghe hay để hát, nhiều người cảm thấy đời mình vui hơn, cuộc tình của mình đẹp hơn.
Bình luận facebook