• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.PRO SANG 88.198.7.247 TỪ NGÀY 1/6

Full Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (1 Viewer)

  • Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất - Chương 18 - Phần 1

Chương 18


1953


Trong năm năm và ba tuần, tất nhiên Allan đã học tiếng Nga khá chuẩn nhưng lại quên sạch chỗ tiếng Trung Quốc. Bến cảng là một nơi thực sự sống động, và Allan đánh bạn với những thủy thủ trở về, người có thể cập nhật cho ông về những gì đã xảy ra trên thế giới.


Một trong những điều đã xảy ra là Liên Xô đã nổ quả bom nguyên tử của mình một năm rưỡi sau cuộc gặp của Allan với Stalin, Beria và Yury Borisovich tốt bụng. Phương Tây nghi ngờ họ hoạt động gián điệp, bởi vì quả bom dường như được xây dựng theo nguyên tắc y hệt như kiểu Mỹ. Nhưng Allan thì nhớ lại hồi ở trên tàu ngầm, trong khi tu vodka thẳng từ chai, Yury thực sự đã có bao nhiêu gợi ý.


- Tôi ngờ rằng, Yury Borisovich đáng mến là một tổ sư về nghệ thuật vừa uống rượu vừa nghe chuyện cùng lúc, - ông nói.


Allan còn biết thêm là Mỹ, Pháp và Anh đã hợp nhất khu vực chiếm đóng của họ và thành lập nước cộng hòa liên bang Đức. Stalin nổi giận, ngay lập tức trả đũa bằng cách lập ra một nước Đức của mình, Tây Âu và Đông Âu mỗi bên đều có một nước Đức. Allan thấy nó nghe có vẻ thực tế.


Và vua Thụy Điển đã chết, theo như Allan đọc được trong một bài báo Anh, chẳng biết vì sao lại có trong tay một thủy thủ Trung Quốc, người nhớ ra mình đã từng trò chuyện với gã tù nhân Thụy Điển ở Vladisvostok nên đã mang nó theo. Khi tin đến với Allan thì nhà vua đã chết gần một năm rồi, nhưng cũng chẳng quan trọng. Và một vị vua mới ngay lập tức đã kế vị, do đó, mọi thứ ở cố hương đều OK.


Nhưng các thủy thủ ở cảng chủ yếu nói về cuộc chiến tranh Triều Tiên. Và cũng chẳng đáng ngạc nhiên lắm. Rốt cuộc thì Triều Tiên chỉ cách đấy khoảng 200 km.


Theo như Allan hiểu thì tình hình là:


Bán đảo Triều Tiên gần như bị bỏ rơi khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Stalin và Truman mỗi bên chiếm một phần trong thỏa thuận anh em, quyết định rằng vĩ tuyến 38 sẽ phân chia ở từ bắc xuống nam. Điều đó kéo theo các cuộc đàm phán bất tận xem có nên để Triều Tiên tự trị hay không, nhưng vì Stalin và Truman bất đồng chính kiến (trên thực tế không phải về tất cả), mọi sự đã kết thúc như ở Đức. Đầu tiên, Mỹ thành lập ra Nam Triều Tiên, Liên Xô trả đũa bằng Bắc Triều Tiên. Rồi sau, cả Mỹ Liên Xô cùng buông tay, để Triều Tiên tự lo với hai miền của nó.


Nhưng chuyện không suôn sẻ lắm. Kim Il Sung ở miền Bắc và Syngman Rhee ở miền Nam, cả hai đều nghĩ rằng mình xứng đáng nhất để lãnh đạo toàn bộ bán đảo. Và họ bắt đầu gây chiến vì chuyện đó.


Nhưng sau ba năm với khoảng bốn triệu người chết, chẳng có gì thay đổi (trừ tất cả những người đã chết). Miền Bắc vẫn là miền Bắc và miền Nam là miền Nam. Và vĩ tuyến 38 vẫn chia cắt họ.


Về đồ uống, tức là lý do chính để trốn khỏi trại Gulag, cách tự nhiên nhất đương nhiên là lẻn vào một trong những con tàu bỏ neo ở cảng Vlapostok rồi đi. Nhưng ít nhất bảy người bạn của Allan trong trại đã từng nghĩ thế trong những năm qua, và cả bảy đã bị phát giác và xử tử. Mỗi khi chuyện đó xảy ra, những người khác trong lều đều khóc. Hầu hết, dường như cả Herbert Einstein. Chỉ có Allan để ý thấy Herbert ngồi phàn nàn rằng lần này lại cũng không phải là mình.


Một trong những khó khăn để lẻn vào tàu là thực tế đơn giản rằng mọi tù nhân đều mặc quần áo tù đen trắng. Bằng cách nào họ cũng không thể trà trộn vào đám đông. Bên cạnh đó, lối đi hẹp để lên tàu luôn được canh gác, và có chó nghiệp vụ đánh hơi tất cả các khối hàng được nâng lên tàu bằng cần trục.


Thêm vào đó, chẳng dễ dàng gì để tìm ra các tàu chịu nhận Allan như một hành khách lậu vé như thế. Rất nhiều tàu đi vào đại lục Trung Quốc, những tàu khác đến Wonsan trên bờ biển phía đông của Bắc Triều Tiên. Có lý do để tin rằng thuyền trưởng Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên khi thấy một tù nhân Gulag trên tàu mình thì sẽ đuổi anh ta trở lại hoặc ném xuống biển (kết quả cuối cùng như nhau, nhưng ít thủ tục hành chính hơn).


Không, đi bằng đường biển khó mà thoát, mà ông thì rất muốn trốn. Đường bộ cũng có vẻ không dễ dàng hơn. Về phía bắc đi sâu vào Siberia lạnh giá đương nhiên là không được. Cũng không thể đi về phía Tây vào Trung Quốc.


Chỉ còn phía nam, Nam Triều Tiên, nơi họ chắc chắn sẽ được chăm sóc như người tị nạn Gulag, kẻ thù của cộng sản. Điều đáng tiếc duy nhất là Bắc Triều Tiên chắn ở giữa đường.


Chắc chắn sẽ có một số trở ngại trên đường đi, Allan ý thức về điều đó trước cả khi ông có thời gian vạch kế hoạch chạy trốn bằng đường bộ về phía nam. Nhưng việc gì phải lo lắng đến chết vì chuyện đó, vì ở đó chắc chắn sẽ chẳng có vodka.


Ông nên cố gắng trốn một mình hay cùng với ai đó? Trong trường hợp đó, nó sẽ là Herbert, dù ông ta thật thảm hại. Allan thực sự nghĩ rằng mình có thể dùng Herbert trong việc chuẩn bị. Thêm nữa đi hai người chắc chắn sẽ vui hơn chỉ một mình.


- Trốn ư? - Herbert Einstein hỏi. - Bằng đường bộ? Đến Nam Triều Tiên? Qua Bắc Triều Tiên?


- Đại loại thế, - Allan đáp. - Ít nhất đấy là một giả thuyết xem sao.


- Cơ hội để chúng ta sống sót chắc phải soi bằng kính hiển vi, - Herbert bảo.


- Cực kì nhỏ, - Allan đáp.


- Tôi đi với ông! - Herbert nói.


Sau năm năm, tất cả mọi người trong trại đều biết tù nhân số 133 - Herbert chẳng mấy khi nghĩ gì trong đầu, và nếu có ý nghĩ hiếm hoi nào thì chúng lại mâu thuẫn lẫn nhau.


Điều này khiến cho các lính canh tù khá khoan dung với Herbert Einstein. Nếu bất kì tù nhân nào khác không đứng theo qui định lúc xếp hàng lấy đồ ăn thì may mắn nhất là anh ta sẽ bị quát vào mặt, thứ hai, vẫn còn may, là bị thúc báng súng trường vào bụng, còn trong trường hợp xấu nhất, nó sẽ là vĩnh biệt.


Tuy nhiên, sau năm năm trong doanh trại Herbert vẫn bị lạc đường. Tất cả cùng màu nâu, cùng kích thước khiến anh ta không biết đằng nào mà lần. Thức ăn luôn được dọn ra giữa trại 13 và 14, nhưng tù nhân số 133 có thể được tìm thấy lang thang cạnh trại số 7. Hoặc 19. Hoặc 25.


- Đồ chết tiệt, Einstein, - lính canh tù mắng. - Xếp hàng ăn chỗ kia kìa. Không, không phải ở đấy, kia kìa! Nó vẫn ở đấy từ đời tám hoánh nào!


Allan nghĩ rằng mình và Herbert có thể lợi dụng điều này. Tất nhiên họ có thể mặc quần áo tù trốn đi, nhưng với bộ vó đó thì sống quá một, hai phút cũng còn khó. Allan và Herbert cần phải có đồng phục lính. Và tù nhân duy nhất có thể đến gần kho quân trang mà không bị bắn ngay lập tức khi phát hiện là số 133 Einstein.


Vì vậy, Allan hướng dẫn bạn mình phải làm gì. Chỉ việc “đi nhầm đường” vào giờ ăn trưa vì lúc đó các nhân viên tại kho quân trang cũng đi ăn trưa. Trong nửa tiếng đó, kho hàng chỉ được một người lính có súng máy ở tháp canh 4 trông chừng. Cũng như các lính canh khác, hắn ta biết cái tật lạ lùng của tù nhân số 133, nên nếu nhìn thấy Herbert, có lẽ hắn chỉ la mắng chứ không xả súng bắn ông ta. Và nếu Allan tính sai, thì cũng không quá tệ vì Herbert vẫn khao khát được chết từ lâu rồi.


Herbert nghĩ kế hoạch của Allan khá ổn. Nhưng đấy là những gì mà ông định làm, có thể nói như thế.


Và tất nhiên là hỏng việc. Herbert thực sự cố tình đi nhầm đường và lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tìm đúng đến nơi xếp hàng lấy đồ ăn. Allan đã đứng ở đó, với một tiếng thở dài, ông đẩy nhẹ Herbert về phía kho quân trang. Nhưng vô ích, Herbert lạc một lần nữa và thấy mình ngơ ngẩn trong phòng giặt ủi. Và ông ta tìm thấy gì ở đó, nếu không phải là một đống đồng phục mới được giặt sạch và ủi!


Ông lấy hai đồng phục, giấu bên trong áo khoác của mình rồi quay lại khu trại lần nữa. Người lính trong tháp canh số bốn nhìn thấy nhưng thậm chí không buồn la mắng ông ta. Hắn chắc mẩm là thằng ngu này đang tìm đường về trại của mình thôi.


- Một tin giật gân đây, - ông lẩm bẩm một mình rồi quay lại như cũ, mơ màng về một cõi xa xôi nào đó.


Giờ thì Allan và Herbert đã có đồng phục lính trông như những tân binh kiêu hãnh của Hồng Quân. Bây giờ phải làm phần còn lại.


Thời gian gần đây, Allan nhận thấy số lượng tàu đi Wonsan Bắc Triều Tiên gia tăng đáng kể. Tất nhiên là Liên Xô không chính thức về phe Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến tranh, nhưng rất, rất nhiều vật liệu chiến tranh đã được chở đến bằng xe lửa ở Vlapostok, rồi đưa lên các con tàu đến cùng một điểm. Tàu không ghi nơi đến, nhưng các thủy thủ có miệng thì nói, và Allan thì có ý hỏi họ. Đôi khi còn thể nhìn thấy hàng chở gì, ví dụ xe địa hình hoặc thậm chí cả xe tăng, trong khi vào những dịp khác chỉ chứa các container gỗ bình thường.


Allan nghĩ tới chuyện nghi binh như hồi ở Teheran sáu năm trước đó. Theo câu châm ngôn La Mã cũ, cứ làm những gì bạn làm tốt nhất, Allan nghĩ rằng có lẽ cần một ít pháo hoa. Và thế là các container đi Wonsan Bắc Triều Tiên lọt vào tầm ngắm. Allan không thể biết nhưng đoán rằng vài thùng trong số đó có chứa chất nổ và nếu một container như thế bắt lửa trong khu vực bến tàu, nếu nó bùng nổ không kiểm soát ở những chỗ khác nhau... thì chà, Allan và Herbert sẽ có cơ hội lẻn vào một góc, thay đồng phục của Liên Xô... và... chà, sau đó họ có thể lấy một chiếc xe hơi... có sẵn chìa khóa cắm ở ổ khởi động, đầy bình xăng, và chủ xe không phản đối. Rồi các cửa được canh gác phải được mở theo lệnh của Allan và Herbert, và một khi họ đã ra khỏi bến cảng và Gulag, không một ai nhận ra bất cứ điều gì kì lạ cả, không ai thấy mất chiếc xe bị đánh cắp và không ai đuổi theo họ. Và tất cả những rắc rối này chưa thấm vào đâu so với vấn đề làm thế nào họ vào được Bắc Triều Tiên và nhất là - làm thế nào để đi được từ miền Bắc xuống miền Nam.


- Có thể là tôi nghĩ hơi ngu, - Herbert nói. - Nhưng có vẻ như kế hoạch của ông chưa sẵn sàng lắm.


- Ông không ngu đâu, - Allan phản đối. - Chà, có lẽ một chút thôi, nhưng về chuyện này, ông hoàn toàn đúng. Càng nghĩ về nó, tôi càng thấy chúng ta chỉ nên để thế đã, rồi ông sẽ thấy chuyện gì đến sẽ đến, vì nó thường xảy ra như vậy. Trên thực tế là gần như thường xuyên.


Phần đầu tiên (và duy nhất) của kế hoạch chạy trốn là bí mật châm lửa đốt một container phù hợp. Để đạt mục đích đó, họ cần: 1) một container phù hợp, và 2) một cái gì đó để gây cháy. Trong khi chờ đợi con tàu chở cái thứ nhất đến, một lần nữa Allan lại cử Herbert Einstein nổi tiếng ngu đi làm một nhiệm vụ. Và Herbert đã hoàn thành một việc kì diệu là ăn cắp một quả pháo sáng và giấu nó trong quần mình trước khi lính gác Liên Xô phát hiện ra Herbert ở một nơi bị cấm đến. Nhưng thay vì bắn chết hoặc ít nhất là tóm lấy gã tù, lính gác chỉ quát tù nhân số 133 sau năm năm phải biết cách đừng đi lạc nữa. Herbert xin lỗi, và rón rén bỏ đi. Thế quái nào, ông lại lạc hướng nữa.


- Doanh trại ở bên trái, Einstein, - tên lính gác hét lên sau lưng ông. - Sao mà ngu thế?


Allan khen ngợi Herbert đã làm tốt và giả vờ tốt. Herbert đỏ mặt vì lời khen, nhưng bác bỏ nó, nói rằng làm ra vẻ ngu ngốc chẳng khó gì nếu mình ngu ngốc thật. Allan đáp ông không biết nó khó thế nào, vì những kẻ ngu mà Allan từng gặp trong đời thường cố gắng làm ngược lại.


Rồi cũng đến cái ngày thích hợp. Đó là một buổi sáng lạnh, ngày 1 tháng Ba năm 1953, khi một chuyến tàu đến có nhiều toa xe tới mức Allan, hoặc ít nhất là Herbert, không thể đếm hết. Cái tàu rõ ràng là của quân đội, và mọi thứ sẽ được chất lên ít nhất là ba chiếc tàu, tất cả đều đến Bắc Triều Tiên. Tám chiếc xe tăng T34 chứa trong đó thì không giấu đi đâu được, nhưng mọi thứ khác đều được đóng kín trong các container gỗ khổng lồ không hề có nhãn hiệu gì. Tuy nhiên, khe hở giữa các tấm ván vừa đủ để có thể bắn một quả pháo hiệu vào một trong các thùng chứa. Và Allan đã làm đúng như thế sau một ngày rưỡi kể từ hôm bốc hàng, khi vừa có cơ hội.


Tất nhiên, chẳng bao lâu khói bốc lên từ container, nhưng nó phải mất vài giây trước khi khối hàng cháy, nên Allan có thể chuồn ngay và không bị nghi ngờ ngay lập tức là có liên quan. Ngay sau đó, cả chiếc container bốc cháy, bất chấp trời đang âm độ.


Kế hoạch là nó sẽ phát nổ sau khi ngọn lửa lan đến một quả lựu đạn hoặc cái gì đó tương tự trong khối hàng. Điều đó sẽ làm cho lính canh phản ứng giống như lũ gà mái điên, và Allan và Herbert có thể về trại của mình để nhanh chóng thay quần áo.


Vấn đề là nó không hề phát nổ. Tuy nhiên khói thì kinh khủng, và thậm chí còn tồi tệ hơn khi bọn lính canh không muốn đến gần lửa nên đã ra lệnh cho các tù nhân dội nước vào chiếc container đang cháy.


Điều này khiến ba trong số các tù nhân đã lợi dụng khói che phủ để leo qua hàng rào cao hai mét đến phía bến cảng để ngỏ. Nhưng tên lính trong tháp canh nhìn thấy những gì đã xảy ra. Hắn đang ngồi sẵn đằng sau khẩu súng máy và xả súng hết băng này đến băng khác xuyên qua đám khói vào ba tù nhân. Vì sử dụng đạn gắn hỏa tiễn, hắn bắn hạ cả ba người với một số đạn lớn và họ rơi xuống đất chết tươi. Nếu chưa chết thì sau đó một giây họ chắc chắn cũng chết, bởi vì tên lính trong tháp canh đã lia súng máy bắn thủng không chỉ các tù nhân mà còn cả chiếc container không bị hư hại gì nằm bên trái của chiếc mà Allan Karlsson đã đốt cháy. Chiếc công-ten-nơ của Allan chứa một ngàn năm trăm cái chăn quân sự. Cái container bên cạnh chứa một ngàn năm trăm quả lựu đạn. Đạn hỏa tiễn chứa phốtpho và khi viên đạn đầu tiên trúng vào quả lựu đạn đầu tiên, nó phát nổ, và một phần mười giây sau nổ nốt một ngàn bốn trăm chín mươi chín quả khác. Vụ nổ mạnh đến nỗi bốn chiếc container kề đó bay xa từ 30 đến 80 mét vào doanh trại.


Chiếc container số năm chứa bảy trăm quả mìn chẳng bao lâu cũng phát nổ mạnh mẽ như chiếc đầu tiên, khiến thứ chứa trong bốn chiếc container xa hơn lần lượt bắn tung về mọi hướng.


Allan và Herbert muốn hỗn loạn thì đã có hỗn loạn. Mà mới chỉ là khúc dạo đầu. Vì bây giờ đám cháy lan từ container này đến container khác. Một trong số đó chứa đầy dầu diesel và xăng, đúng là lửa cháy đổ thêm dầu. Một cái khác chứa đầy đạn dược cũng đi đời nhà ma. Hai trong số lính gác tháp canh và tám doanh trại bốc cháy hoàn toàn trước khi chỗ đạn bắn xe bọc sắt bắt lửa. Chỗ đạn đầu tiên đánh sập tháp canh thứ ba, cái thứ hai đã bắn thẳng vào tòa nhà ở cổng vào của trại và kéo sập cả hàng rào lẫn trạm gác.


Bốn chiếc tàu đang neo sẵn để chở hàng và loạt đạn bắn xe bọc thép tiếp theo khiến cả bốn bốc cháy.


Sau đó, một chiếc chứa lựu đạn phát nổ và bắt đầu phản ứng dây chuyền đến cái container cuối cùng ở cuối hàng. Chẳng may nó lại là chiếc chứa đạn bắn xe bọc thép và bắn theo hướng khác, về phía bến cảng để ngỏ, nơi một tàu chở 65.000 tấn dầu đã về neo đậu. Một cú bắn trực tiếp vào cầu khiến tàu chở dầu trôi dạt, và ba cú bắn tiếp theo vào bên hông thân tàu chở dầu làm bùng lên một đám cháy lớn nhất.


Chiếc tàu chở dầu cháy dữ dội trôi dạt dọc theo bờ kè về phía trung tâm của thành phố. Trong cuộc hành trình cuối cùng này, nó đốt cháy tất cả những ngôi nhà dọc theo tuyến đường khoảng 2,2 km. Thêm vào đó, hôm ấy có gió đông nam. Vì vậy, khoảng hai mươi lăm phút sau, toàn bộ - theo nghĩa đen - Vlapostok bốc cháy.


Đồng chí Stalin vừa dùng xong bữa tối ngon lành với các thuộc hạ Beria, Malenkov, Bulganin và Khrushchev thì nghe tin Vlapostok gần như bị xóa sổ bởi một container đựng chăn bốc cháy và ngọn lửa bùng lên không kiểm soát nổi.


Tin này làm Stalin rất khó chịu.


Nikita Sergeyevich Khrushchev, người mới được Stalin sủng ái, vốn tính năng động bèn hỏi liệu mình có thể được phép đưa ra một lời khuyên hữu ích về vấn đề này không và Stalin ậm ừ rằng được.


- Đồng chí Stalin yêu quý, - Khrushchev nói, - tôi giả định là chuyện này chưa từng xảy ra. Giả sử ta đóng cửa hẳn Vladisvostok với thế giới rồi từ từ xây lại thành phố, biến nó thành căn cứ Thái Bình Dương đúng như đồng chí đã dự định trước đấy. Nhưng trên hết, chuyện này không xảy ra là vì nó cho thế lực thù nghịch thấy điểm yếu mà chúng ta không nên để lộ. Đồng chí Stalin hiểu ý tôi chứ ạ? Đồng chí có đồng ý không?


Stalin vẫn khó chịu. Và còn đang say nữa. Nhưng đồng chí gật đầu tỏ ý rằng Stalin muốn Khrushchev nhận trách nhiệm dập vụ này đi như nó chưa từng xảy ra. Rồi Stalin cáo từ vì cảm thấy không được khỏe.


Vladisvostok, Tư lệnh Beria nghĩ. Chẳng phải là nơi mình đã giam giữ tay chuyên gia Thụy Điển phát xít để phòng khi Nga không thể tự chế tạo bom? Mình đã quên béng mất hắn, lẽ ra phải thanh toán tên quỷ này khi Yury Borisovich Popov đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ. Dù sao, có lẽ bây giờ hắn đã bị thiêu cháy. Mặc dù hắn không cần phải làm cả một thành phố cháy theo như thế.


Ở cửa phòng ngủ, Stalin bảo nhân viên tuyệt đối không được quấy rầy mình. Rồi ông đóng cửa lại, ngồi trên mép giường, vừa cởi nút áo sơ vừa ngẫm nghĩ.


Vlapostok... thành phố mà Stalin đã định biến thành căn cứ của Hạm đội Xô Viết Thái Bình Dương! Vlapostok... thành phố đóng một vai trò quan trọng đến thế để chuẩn bị tấn công trong chiến tranh Triều Tiên! Vlapostok...


Đã không còn tồn tại nữa!


Stalin vẫn còn thời gian để tự hỏi làm thế quái nào một container đựng chăn có thể bốc cháy dưới nhiệt độ âm 20 độ C. Ai đó phải chịu trách nhiệm... và tên khốn đó... sẽ... sẽ...


Đến đó thì Stalin ngã chúi đầu xuống sàn. Và cứ nằm nguyên thế trong hai mươi tư tiếng do đột quỵ, bởi một khi đồng chí Stalin đã nói không muốn bị quấy rầy thì chẳng ai dám làm phiền.


Doanh trại của Allan và Herbert là một trong những cái bắt lửa đầu tiên, mọi người ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch lẩn trốn và mặc đồng phục vào.


Tuy nhiên, hàng rào quanh trại đã đổ xuống và nếu còn tháp canh nào chưa đổ thì cũng chẳng có ai bảo vệ. Vì vậy, ra khỏi trại không khó. Vấn đề ở chỗ sau đó thì sao. Họ không thể đánh cắp xe tải quân sự vì chúng đều bốc cháy. Và đi vào thành phố để kiếm một chiếc xe cũng không được. Chẳng biết sao nhưng toàn bộ Vlapostok đều đang cháy.


Hầu hết các tù nhân trong trại thoát chết khỏi đám cháy nổ tụ tập thành một nhóm trên con đường bên ngoài trại, ở một khoảng cách an toàn tránh lựu đạn, đạn bắn xe bọc thép và mọi thứ khác đang bay lượn trong không khí. Một vài phương án mạo hiểm được đặt ra, tất cả đều hướng về phía tây bắc, bởi vì đó là hướng hợp lý duy nhất để người Nga chạy trốn. Phía đông là biển nước, phía nam là Chiến tranh Triều Tiên, còn thẳng phía bắc là thành phố đang bốc cháy hừng hực. Lựa chọn duy nhất còn lại là đi thẳng vào Siberia cực kì lạnh giá. Nhưng bọn lính cũng nghĩ thế, và trước khi trời tối đã bắt hết đám người bỏ trốn, đưa họ đến cõi vĩnh hằng, không sót một ai.


Chỉ trừ có Allan và Herbert. Cả hai đã mò tới được một ngọn đồi phía tây nam Vlapostok. Họ ngồi nghỉ ở đó một lát, ngắm cảnh tàn phá bên dưới.


- Quả pháo sáng cháy sáng thật đấy, - Herbert nói.


- Bom nguyên tử cũng chẳng làm được hơn thế, - Allan đáp.


- Thế chúng ta làm gì bây giờ? - Herbert tự hỏi, lạnh cóng đến nỗi đâm thèm được quay lại cái trại đã không còn đó nữa.


- Giờ ta sẽ đến Bắc Triều Tiên, anh bạn ạ, - Allan đáp. - Và vì quanh đây chẳng có xe cộ gì, ta sẽ phải đi bộ. Thế cho ấm người.


Kirill Afanasievich Meretskov là một trong những sĩ quan Hồng quân giỏi giang, được gắn huân chương nhiều nhất. Ông là một anh hùng Liên Xô được thưởng Huân chương Lenin ít nhất bảy lần.


Là chỉ huy của quân đoàn Bốn, ông đã chiến đấu ngoan cường chống quân Đức quanh tuyến Leningrad, và sau chín trăm ngày đáng sợ đã phá vỡ cuộc bao vây. Không có gì ngạc nhiên khi Meretskov được phong làm tư lệnh Liên Xô, cùng với tất cả huân huy chương và các danh hiệu.


Sau khi đẩy lùi được Hitler vĩnh viễn, Meretskov tiến về phía đông 9.600 km bằng xe lửa. Ông được điều động chỉ huy Mặt trận Viễn Đông, để đuổi Nhật ra khỏi Mãn Châu. Và không ai ngạc nhiên khi ông lại thành công.


Và rồi chiến tranh thế giới kết thúc, Meretskov thấy mệt mỏi. Chẳng ai chờ đợi ông trở lại Moskva, ông vẫn ở phía đông. Ngồi chơi xơi nước sau cái bàn quân sự ở Vladisvostok. Một cái bàn rất đẹp. Bằng gỗ tếch xịn.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom