Hẳn người Việt Nam đa phần ai cũng biết đến câu chuyện về chó đội nón mê hay chó đội nón chống gậy (theo cách gọi của dân gian).
Chuyện nghe tưởng chừng như bước ra từ tác phẩm nào đó được sáng tác mà ta dễ bắt gặp trên các diễn đàn tâm linh. Nhiều người cợt nhả cho rằng đấy là trò bịa đặt phản khoa học, là ngụy biện cho việc giết hại động vật,...
Dẫu có những điểm mập mờ, nhưng sứ mệnh của MQDGK ở đây để lưu giữ hình ảnh và những câu chuyện truyền miệng về chúng. Cùng gạt bỏ những hồ nghi mà tìm hiểu về một loài ma quỷ hay nói đúng hơn là loài yêu tinh nổi tiếng này nhé:
Nếu bạn sinh ra ở quê miền Bắc (chưa từng đọc qua mấy tác phẩm truyện ma như Đất Độc, Nghiệp Chướng,...) có niềm đam mê với mấy chuyện ông bà kể thì ít nhất cũng vài lần nghe nói về câu chuyện CHÓ ĐỘI NÓN CHỐNG GẬY. Thậm chí khi tìm hiểu viết bài này mình cũng đã nghe người trong cuộc kể lại chuyện đụng độ với nó bằng xương bằng thịt.
Các mô tả từ các nhân chứng tuy khác nhau nhưng cùng chung một số đặc điểm: Nó là loài rất khôn, càng già càng tỏ ra lanh lợi và hiểu lời chủ. Khi chủ vắng nhà nó thường biến đổi, bắt chước giống người. Phổ biến nhất là câu chuyện người ta nghe thấy tiếng gậy lộc cộc trong nhà, lén nhìn thì bắt gặp một con chó đi bằng 2 chân sau, chân trước chống gậy gỗ. Số khác còn thấy nó đội thêm 1 cái nón tơi (loại nón lá rách mà người Bắc gọi là nón Mê) và cái tên CHÓ ĐỘI NÓN MÊ cũng bắt nguồn từ đó.
1. Màu lông:
Chó đội nón là chó trắng mũi đỏ ?
Ban đầu con chó này được biết đến với các đặc điểm nhận dạng là bộ lông trắng có mũi đỏ, hay giống chó đen tuyền có mũi trắng (do nhúm lông khu mũi kéo dài xuống) có 4 chân trắng và đuôi cũng có lông trắng. Việc này gây ra khá nhiều hiểu lầm về các chủng giống lai tạo hiện nay nên không còn là căn cứ, nó chỉ là điểm các cụ xưa vịn vào để khuyên ngăn nên tránh. Sau khi tìm hiểu thêm, về thực chất chó đội nón mê không có đặc điểm nhận dạng về lông. Chó phèn lông vàng cũng là một ví dụ, đã có người chứng kiến giống chó này chống gậy đội nón như thường.
2. Phân loại:
Giống Tinh tồn tại trong xác chó/động vật này có 2 loại:
*Loại đầu tiên rất hiếm gặp, nó là giống tinh do con vật sống lâu năm sinh linh tính và có khả năng biến hoá, che mắt như kiểu hồ ly hay bạch cốt của Trung Quốc, có khả năng biến hình và giao cấu với con người (Tây Du Ký gọi là Yêu Quái). Thường có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc theo các thầy pháp bị xổng, số khác trà trộn trong những chó mèo du nhập vào nước ta.
Ông bà ta có câu “chó không quá 8 năm, Gà không quá 6 năm” là vậy? Con vật nếu sống lâu năm có xu hướng sinh linh tính tuy không khôn ngoan như con người nhưng rất tinh ranh, chúng cũng tìm cách để tồn tại, giống này chọn cách tu yêu để ngày càng giống con người. Việc này đòi hỏi phải bắt vía, hấp thụ linh khí trời đất vào thời gian trăng rằm, uống máu người hay các con vật khác để mà tồn tại. (Đây là quan niệm dân gian nên có thể khác với nhiều trường hợp nên chỉ mang tính tham khảo và không quy chụp)
*Loại thứ 2 có nguồn gốc từ những oan hồn vất vưởng là nạn nhân của chiến tranh, tồn tại ở những nơi đất dữ từng là chiến trường, bãi bắn do oan hận, sân si nóng nảy mà không siêu thoát, tồn tại bằng cách thụ máu huyết con người, vía người chết,… Vì lẩn trốn quan âm đi tuần nên không nhập vào con người mà thay vào đó là xác động vật. Đặc biệt là những con thú nuôi già sắp mất để gần con người mà tiếp tục tồn tại.
Nhận biết:
- Loại 1 gặp thầy là xanh lè, hầu như đều bỏ chạy rất ít khi dám đụng, giống hệt như mấy con hồ ly tinh trong phim. Loại 2 gặp thầy đến hành pháp, thì con chó tự ngã ra chết.
- Chuyện ăn nằm với con người là loại 1, bởi chúng cần máu và tinh khí của con người mới tu luyện được. Loại 2 chỉ cần máu, với săn hồn vía người chết.
Vùng có chó tinh/ chó đội nón mê xuất hiện thường nhận biết qua 2 cách:
Thứ nhất là dễ săn mồi, nếu làng xóm có chó đội nón là gia súc, gia cầm trong làng sẽ chết rất nhiều (dấu vết xé xác, cắn phá)
Loài này kị chó mực, nên dấu hiệu nhận biết thứ hai sẽ là chó mực trong làng xóm chết (những con yếu, không có sức chiến đấu) hoặc chỉ nằm yên lẩn trốn trong nhà, điệu bộ lạ thường không giống như hằng ngày, mục đích chó mực làm vậy là bảo vệ gia chủ, vì chó mực ngửi được mùi con tinh.
3. Đặc tính tâm linh:
- Đặc tính của nó là mấy đêm rằm, trăng sáng nó sẽ đội nón leo lên nóc nhà và dùng thuật che mắt lên nón để tránh ánh trăng. Vì khi trăng chiếu xuống là thiên binh thấy nó. Gọi nó là chó chống gậy chứ không phải đội nón, vì hình ảnh nó chống gậy được người thấy nhiều nhất, khi nhìn thấy nó người ta há miệng sợ hãi thì bị nó ăn mất vía. Một phần nó leo nóc nhà để tránh thánh thần đi tuần bên dưới và hút âm khí vào đêm rằm
- Lên cao nó sẽ dễ dàng quan sát được chuồng gà, vịt để đi săn. Rình nhà nào có con gái đẹp nó sẽ vô ăn nằm. Có tài liệu cho rằng bản chất nó là giống tinh, tức như loài khỉ hiện nay, mà con chó thì lưng ngang, nó bị mỏi lưng nên tối khi người ta ngủ nó mới dám đứng thẳng lưng. Mà hai chân sau con chó không đứng vững, nên nó mới tìm thêm cây gậy để chống.
- Loài này sẽ đi theo bầy, con chó chống gậy là con trùm, đầu đàn. Khi con tinh trùm nhập vô con chó thì sẽ có mấy con khác nhập vô giống khác, tiêu biểu như dân gian thì còn có: mèo đĩ ?, cú ma, vịt ăn thịt sống, gà gáy đêm. Vào ban đêm, tụi nó sẽ đi họp với nhau trên nóc nhà. Con chó chống gậy sẽ đi thám thính nên nếu muốn bắt cả bọn thì phải canh đêm rằm tụi nó họp, dựng đàn hành pháp phá ổ.
Một số thông tin khác cho rằng: chó đội nón mê xuất hiện là điềm báo đất dữ, chứa nhiều âm khí, hay để cảnh báo về việc trong gia đình có người sắp mất nhất là người già, vì việc chó đội nón chống gậy biểu hiện cho việc "lấy vía" người già. Chủ nhân thường phát hiện sẽ giữ kín tìm cách diệt trừ chó để phòng trừ hậu hoạ (thường mời thầy về hành pháp).
Bình luận facebook